Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 39

Đổi Mới

(2 Côrinhtô 5:17)

 

“Vậy, nếu ai ở trong Đấng Christ, thì nấy là người dựng nên mới;

những sự cũ đã qua đi, nầy mọi sự đều trở nên mới.”

 

I. Chúc Tết

 

Năm cũ đã qua và năm mới sắp đến.  Đối với những người Việt "chính cống," tết Nguyên Đán luôn là ngày lễ rất quan trọng, khó có thể quên được trong tâm trí của mình, dù đã sanh ra trên đất mẹ hay sinh sống ở bất cứ nơi nào.  Khi tết đến, ngoài những việc lo sắm sửa quần áo mới, đổi tiền mới để “lì xì,” hay bận bịu trong công việc nấu nướng "ăn tết," thì tục lệ "chúc tết" vẫn luôn phải có và là một nghệ thuật của người Việt chúng ta. Ngày đầu năm, ai nấy lựa lời khéo léo để chúc nhau tùy theo hoàn cảnh của mỗi người.  Cho những ai lớn tuổi, người ta thường chúc nhau được "tăng phúc tăng thọ," nghĩa là thêm nhiều phước đi đôi với thêm tuổi. Gặp những người nhà nông, người ta thường chúc nhau "phong đang hòa cốc," nghĩa là được mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi. Gặp những người làm thương gia, người ta chúc nhau được "làm ăn phát đạt, bỏ một vốn được bốn lời." Cho những công chức, người ta chúc nhau "thăng quan tiến chức," nghĩa là được thêm chức hay tăng lương trong năm nay.  Dù cho không có lý do gì đi nữa thì ai nấy cũng có thể chúc nhau được "an khang" (mạnh khỏe), thịnh vượng (khá giả), hạnh phúc, và nhiều thắng lợi trong năm mới.

 

 

II. Cũ Hoài

 

Những lời chúng ta chúc cho nhau là những điều tốt lành mà ai cũng muốn có.  Tuy nhiên, có mấy khi những lời chúc đó đã thành sự thật.  Người Mỹ thì thường chúc nhau ba chữ “Happy New Year,” còn người Việt thì chúc nhau “Tân Xuân,” nhưng dù chúc nhau đến thế nào đi nữa thì hầu như sau một thời gian ngắn, mọi sự “đâu cũng lại vào đó,” chẳng có gì là mới mẻ thêm, mà chỉ làm chúng ta “già” thêm một tuổi với những nợ nần nhiều hơn mà thôi. Vào mấy ngày đầu năm, nghe tiếng pháo nổ, nghỉ ngơi một chút, rồi ai nấy cũng trở lại một nếp sống bình thường, ”đô vật” với cái “job” hay công việc học hành của mình.  Năm Mới đã đến chưa thấy điều gì mới hết, nhưng khi nhìn về tương lai, thấy toàn là những nỗi lo sợ và bối rối hơn mà thôi, nhất là cho nan đề chiến tranh và thị trường thương mại đang suy kém. Nhân dịp năm mới “Tân Mão” đã đến, vấn đề để chúng ta suy gẫm đó là làm sao năm mới này chúng ta kinh nghiệm được sự đổi mới thật đây?

 

Trong sách Kinh Thánh 2 Côrinhtô 5:17 có chép về một giải pháp để một người có thể kinh nghiệm được sự đổi mới thật: “Nếu ai ở trong Đấng Christ, thì nầy được dựng nên mới, những sự cũ đã qua đi, nầy mọi sự đều trở nên mới.” Trước hết, con người chúng ta ai nấy đều đã sanh ra trong tội, khi lớn lên ưa thích phạm tội, rồi cuối cùng chết đời đời trong chỗ hư mất cũng vì sự đoán xét của tội, vì theo định luật công bằng của “gieo & gặt” rõ ràng “tiền công của tội lỗi là sự chết đời đời...” (Rôma 6:32).  Tội là khi chúng ta không vâng theo lời Đức Chúa Trời giống như ngày xưa tổ phụ loài người đã nghe theo ma quỉ mà ăn trái của “cây biết điều thiện và điều ác” mà Ngài đã cấm họ không được ăn.  Như vậy theo định luật "di truyền," trong mỗi người chúng ta tự nhiên đã có cái gốc tội lỗi là tư dục của mình; từ đó "sanh ra tội ác; tội ác đã trọn, sanh ra sự chết " (Giacơ 1:15).  Tội cũng là khi chúng ta không tìm kiếm và chịu phục dưới sự công bình của Đức Chúa Trời.  Thấy cũng ngược lý, người ta ai nấy đang sống và thở không khí Trời ban cho, hưởng mọi ân huệ của Ngài mỗi ngày và đụng một chút là chúng ta ưa than “Trời ơi!” nhưng phần đông mọi người lại đi thờ những vật thọ tạo do loài người nắn lên?  Loài người từ bỏ Đấng đã sáng tạo nên mình, nhất là ở các nước văn minh như Hoa-kỳ ngày nay người ta dạy trong các trường học lý thuyết nguồn gốc con người đã dần dần được "biến thể" từ loài cá dưới biển hay loài khỉ đột.  Tội lỗi làm cuộc sống chúng ta dần dần trở nên “cũ kỹ” và cuối cùng dẫn chúng ta đến chốn hư mất đời đời; ngọai trừ khi chúng ta nhận được sự cứu rỗi của Thiên Chúa để thoát khỏi quyền lực của tội lỗi này và được đổi mới.  Quyền phép đó chỉ đến từ Cứu Chúa Giê-xu Christ hứa ban cho, như Kinh Thánh khẳng định “chẳng có sự cứu rỗi trong đấng nào khác; vì ở dưới trời, chẳng có danh nào khác ban cho loài người, để chúng ta nhờ đó mà được cứu ” (Công Vụ 4:12).  Lý do rất đơn giản Chúa Giê-xu có năng quyền này vì Ngài không mang mầm móng tội lỗi của tổ phụ loài người và chính Ngài là Đức Chúa Trời đã "trở nên xác thịt, ở giữa chúng ta " (Giăng 1:14). Ngài là Đấng Sống vô tội bằng cớ là khi Chúa Giê-xu còn ở tại trần thế, Ngài “bị thử thách trong mọi việc giống như chúng ta, song chẳng phạm tội ” (Hêbêrơ 4:15) thì mới có quyền phép để cứu được những kẻ có tội.

 

 

III. Tái Sanh

 

Con người chúng ta cần phải được đổi mới bắt đầu từ “bên trong ra ngoài” để có được sự sống đời đời và đủ điều kiện vào nước Đức Chúa Trời.  Hay nói cách khác, chúng ta phải được “tái sanh” để trở nên con cái Đức Chúa Trời.  Đây là năng quyền mà chỉ Chúa Giê-xu ban cho, chứ chẳng bởi năng sức riêng của con người làm được. Trong Kinh Thánh sách Phúc Âm Giăng có chép về một người tên Nicôđem giàu có, đạo đức và đang có đầy chức tước cao trọng trong xã hội. Có lẽ Nicôđem lúc đó tự nghĩ với sự khôn ngoan, quyền chức của mình đang có thì “dư sức” để vào được nước Đức Chúa Trời; nhưng nào ngờ Chúa Giê-xu phán cùng ông: “Quả thật, quả thật, Ta nói cùng ngươi, nếu một người chẳng sanh lại, thì không thể thấy được nước Đức Chúa Trời” (Giăng 3:15). Đối với Nicôđem, đây là một khái niệm quá mới lạ vì nếu đã là người lớn tuổi thì làm sao trở vào lòng mẹ mà sanh ra lần nữa được chăng?  Nicôđem đã không hiểu từ ngữ “sanh lại” đây không phải là sự thay đổi thể chất bên ngoài, nhưng "là nhờ Ân Điển, bởi đức tin mà anh em được cứu, đều đó không phải đến từ anh em, bèn là sự ban cho của Đức Chúa Trời " (Êphêsô 2:8). Quyền phép này đã được cung cấp trọn vẹn qua sự giáng thế của Chúa Giê-xu Christ, sự chết đổ huyết của Ngài trên thập tự giá và sự sống lại vẻ vang sau ba ngày chiến thắng “thần chết.”  Nếu Chúa Giê-xu Christ đã không thật sự sống lại thì không thể nào Ngài có năng quyền “tái sanh” Nicôđem hay mỗi chúng ta được và đạo của Ngài cũng chỉ giống như những tôn giáo khác dạy người ta “làm lành lánh dữ” mà thôi.

 

Câu chuyện của một người triết gia kia muốn lập một tôn giáo mới.  Sau nhiều tháng sưu tầm đã viết thành một sách đạo mới.  Khi đã xong, nhà triết gia này bèn gởi cuốn sách đạo này đến với một vài người bạn của mình để tham khảo ý kiến, tu bổ cho tốt hơn.  Nhiều người đã đưa ra ý kiến xây dựng và hoan nghinh đạo lý mới này.  Tuy nhiên có một người bạn đến nhà hỏi nhà triết gia: “Nếu người ta đang chết đói, đạo anh có sẽ dạy phải ra tay cứu người đó không?” Nhà triết gia mạnh dạn trả lời: “Có chứ! Điều căn bản trong đạo của tôi là dạy phải thương người như thể thương thân.” Người bạn hỏi tiếp: “Nếu người ta bị tù tội, sắp bị tử hình, đạo anh có dạy phải sẵn sàng hy sinh chính mạng sống mình không?” Nhà triết gia không lưỡng lự trả lời: “Tuy điều này khó làm nhưng đạo của tôi dạy rõ những tín đồ theo đạo này phải hy sinh đến chính mạng sống mình để cứu người.”  Người bạn hỏi tiếp: “Thế nếu anh hy sinh chết cho người đó, rồi anh có sẽ sống lại được không?” Người triết gia suy nghĩ một hồi lâu và thốt lên: “Thưa ông! điều đó tôi không biết!” Người bạn kết luận: “Nếu đạo mới này không chắc chắn cứu anh sống lại, thì tôi khuyên anh chớ nên lập đạo này vì khi anh chết thì đạo anh cũng chết theo và tôn giáo chết thì chẳng cứu được ai cả!” Thật vậy, nếu tôn giáo chỉ dạy người ta làm những điều tốt mà không cứu được chúng ta sống lại khỏi chốn hư mất đời đời trong hồ lửa thì tự hỏi tôn giáo đó cuối cùng có ích gì chăng?  Nhưng riêng Cứu Chúa Giê-xu, Ngài đã tuyên bố: “Ta là sự sống lại và sự sống; kẻ nào tin Ta thì sẽ sống.” (Giăng 11:25).  Vậy thì hễ bất cứ ai bằng lòng tiếp nhận Chúa Giê-xu thì chắc chắn có sự sống lại và sự sống vĩnh cửu; có sự trông cậy của "trời mới và đất mới" là nơi mà Chúa "sẽ lau ráo hết nước mắt... sẽ không có sự chết, cũng không có than khóc, kêu ca hay là đau đớn nữa." (Khải Huyền 21:1,4). Bạn có sẵn sàng tin điều này không?

 

 

IV. Đời Mới Trong Chúa

 

Sự tái sanh bởi quyền phép của Chúa Giê-xu chỉ là bước đầu tiên trong cuộc hành trình của một “đời mới.”  Dấu hiệu của sự đổi mới thật bên trong sẽ được thể hiện qua hai giai đoạn: những điều xấu xa của con người cũ sẽ dần dần tan biến đi, thay thế vào những sự thay đổi lạ lùng mà chỉ có được từ khi được “tái sanh” bởi quyền phép của Chúa Giê-xu ban cho. Trong sách Kinh Thánh Luca 19 có chép về một người thâu thuế tên Xa-chê ở thành Giêricô.  Theo xã hội thời đó, những người thâu thuế được người dân Do Thái xếp vào thành phần “cặn bã” của xã hội, lý do là vì những người này luôn ăn gian, bóc lột dân chúng nên họ thường trở thành những kẻ rất giàu có. Nhưng khi Chúa đến thành Giêricô và Xa-chê “gặp” được Ngài thì ông đã thay đổi đời sống của mình. Kinh Thánh chép Xa-chê đã hứa: “Tôi lấy nửa gia tài mình mà cho kẻ nghèo và nếu có làm thiệt hại ai, bất kỳ việc gì, tôi sẽ đền gấp tư ” (Luca 19:8).  Đây là bằng cớ rõ ràng sau khi một người đã thật sự được “tái sanh.”  Nếu chúng ta nói mình đã được tái sanh, hãy tự hỏi đã có những dấu hiệu của “đời mới” chưa?  Có “chẳng ghen tị, chẳng khoe mình, chẳng lên mình kiêu ngạo, chẳng làm điều trái phép, chẳng kiếm tư lợi, chẳng nóng giận... nhưng hay nhịn nhục, hay nhơn từ... hay dung thứ mọi sự... hay nín chịu mọi sư...” chưa (1 Côrinhtô 13:4-8)? Nếu chúng ta biết mình đã được "tái sanh" bởi Đấng Christ thì tự nhiên dần dần phải có những dấu hiệu và hành động đi theo sau giống như Chúa Giê-xu đã làm.  Người ta thường nói: "Con nhà Tông, không giống lông cũng giống cánh." Nếu chúng ta gọi mình là Christ-ian, nghĩa là người của Đấng Christ, thì câu hỏi là mình có những dấu hiệu gì giống Ngài chưa?

 

Cuộc đời của con người giống như một cuộc hành trình; nó có điểm khởi đầu, sự tiến trình và một ngày sẽ chấm dứt.  Rồi khi cuộc sống của mỗi người chúng ta chấm dứt và mình đứng trước cửa thiên đàng để chịu sự phán xét thì mình có biết chắc sẽ có đủ điều kiện để vào đó không?  Ai sẽ bảo đảm cho sự sống đời đời của bạn lúc đó đây?  Chỉ có Chúa Giê-xu là Đấng có năng quyền cứu linh hồn bạn vì chính Ngài đã tuyên bố: "Ta là đường đi, lẽ thật và sự sống, chẳng bởi Ta thì không ai được đến cùng Cha " (Giăng 14:6).  Đúng như Mục sư Tiến sĩ người Nam Hàn Paul Yonggi Cho đã một lần nói: "Người ta xuống hỏa ngục không phải là vì tội nhỏ hay tội lớn, hay vì không có đủ công trạng cá nhân nhiều hay ít; nhưng chỉ vì đã ở ngoài (nghĩa là tự từ chối) Đấng Christ mà thôi."  Mong bạn đừng chần chờ hay do dự, nhưng mạnh dạn tiếp nhận Cứu Chúa Giê-xu để được “ở trong Ngài” ngay hôm nay khi bạn còn có cơ hội. Thành thật kính chúc bạn hưởng được một mùa Xuân an lành và dư dật trong ơn phước Chúa!

 

Mục Sư Nguyễn Trọng Vinh

Tết 2011

www.vietnamesehope.org

                                                           vinh.nguyen@c-ka.com  


New Creation in Christ – 2 Corinthians 5:17

Are you ready to celebrate the Chinese New Year? Are you expecting anything new this New Year according to all the greetings you have received? But no matter what you wish and set out to do, all achievements in this world will not last forever. All ends with death. The reason is because we all possess a sinful nature inside and are living in a corrupted world. For Christians, we believe the inner renewing has greater value than just the outside make-over. We can only achieve the perfect make-overs of inner joy, peace and contentment until we can find a cure for our sins. Who can provide us this fix? When is this renewing process begun? It starts at the “born-again” experience. The Bible said clearly: “if anyone is in Christ, he is a new creation.” This is a progressive change to become more like Christ each day. This total make-over cannot be accomplished by the human effort, but by the power of God’s salvation that is provided fully in His Son’s birth, death, and resurrection. May you experience this change as you come to trust Jesus as your Lord and Savior!