Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 40

Quăng Hết Gánh Nặng Để Bước Sang Năm Mới

(Hêbêrơ 12:1-3)

 

“Thế thì, vì chúng ta được nhiều người chứng kiến vây lấy như đám mây rất lớn, chúng ta cũng nên quăng hết gánh nặng và tội lỗi dễ vấn vương ta, lấy lòng nhịn nhục theo đòi cuộc chạy đua đã bày ra cho ta, nhìn xem Đức Chúa Jêsus, là cội rễ và cuối cùng của đức tin, tức là Đấng vì sự vui mừng đã đặt trước mặt mình, chịu lấy thập tự giá, khinh điều sỉ nhục, và hiện nay ngồi bên hữu ngai Đức Chúa Trời. Vậy, anh em hãy nghĩ đến Đấng đã chịu sự đối nghịch của kẻ tội lỗi dường ấy, hầu cho khỏi bị mỏi mệt sờn lòng.”

 

 

I. Ước Mơ của Hội Thánh Chúa

 

Mới ngày nào đây, ai nấy trong chúng ta đã thức khuya, đếm từng giây một để chào đón một năm mới (Tết tây - tết dương lịch) thì bây giờ lại sửa soạn ăn mừng Tết ta. Tết âm lịch năm nay là “Tân Mão” nghĩa là “con Mèo mới” sắp đến. Khi nói đến Tết, một số đông chúng ta ở đây là những người Việt chính cống thì chúng ta cũng không thể quên được những phong tục và thú vui của ngày Tết như là đốt pháo, đá gà, ăn hạt dưa, bánh chưng, củ kiệu, chơi bầu cua cá cọp, hái lộc hay xông nhà trong những ngày này. Một trong những phong tục nữa mà chúng ta cũng thường hay làm, đó là việc chúc Tết nhau. Con cháu về thăm Ông Bà chúc được sống lâu, sống khỏe để hưởng được nhiều “phước như Đông hải, thọ tỉ Nam sơn.” Học trò chúc nhau được học hành tấn tới, mau đỗ đạt thành tài, kiếm được một job tốt vừa ý. Đồng nghiệp thì chúc nhau mau tăng quan tiến chức cho dù kinh tế vẫn còn suy kém. Có người dùng văn hoa chữ nghĩa chúc nhau: “Đong cho đầy hạnh phúc – Gói cho trọn lộc tài – Giữ cho mãi an khang – Thắt cho chặt phú quý.”  Hay là nếu không biết chúc như thế nào thì hãy mượn lời chúc vui như sau: “Chúc mừng năm mới; Tiền vào như nước sông Đà; Tiền ra nhỏ giọt như cà phê phin” vậy.

 

Trước ngưỡng cửa của một năm mới chắc ai trong chúng ta cũng có nhiều những ước mơ nhất là mong đạt được hết những điều người ta chúc cho mình. Nhưng là con cái của Chúa, chúng ta có mong muốn điều gì nữa không? Hội Thánh của Chúa ở đây có mong ước đạt được mục đích gì trong năm mới này không? Mơ ước trong đời sống thì nhiều lắm, ai mà không có nhưng là con cái của Chúa, thiết nghĩ chúng ta không phải chỉ mong ước/đeo đuổi những điều tạm bợ/chóng qua ở đời này mà thôi, nhưng còn đầu tư và thâu trữ những điều có gía trị trường tồn nữa. Chính Chúa Giê-xu đã một lần dạy gì về của báu thật trong Tin Lành Mathiơ 6:19-20 – “Các ngươi chớ chứa của cải ở dưới đất, là nơi có sâu mối, ten rét làm hư, và kẻ trộm đào ngạch khoét vách mà lấy; nhưng phải chứa của cải ở trên trời, là nơi chẳng có sâu mối, ten rét làm hư, cũng chẳng có kẻ trộm đào ngạch khoét vách mà lấy.” Như vậy, nhân dịp Xuân Tân Mão đến, tôi thành thật kính chúc Hội Thánh ở đây được “vạn sự theo ý Chúa!”

 

a) Trước hết, chúng ta cần tìm hiểu xem ý Chúa là gì để chúng ta biết đeo đuổi cho năm mới này? Trong sách 2 Phiêrơ 3:9 - chúng ta có thể thấy rõ ý muốn của Đức Chúa Trời đó là - “Chúa không chậm trễ về lời hứa của Ngài như mấy người kia tưởng đâu, nhưng Ngài lấy lòng nhịn nhục đối với anh em, không muốn cho một người nào chết mất, song muốn cho mọi người đều ăn năn.” Ý muốn của Đức Chúa Trời đó là Ngài không muốn một ai bị hình phạt trong địa ngục, nhưng mọi người được tha tội và được ở trong nước thiên đàng của Chúa đời đời một ngày. Trong sách Giăng 6:40 – cho thấy rõ thêm ý muốn của Đức Chúa Cha là thế gian tin Con Ngài để được sự sống đời đời - “Đây là ý muốn của Cha ta, phàm ai nhìn Con và tin Con, thì được sự sống đời đời.” Vì quá yêu thương và muốn loài người thoát khỏi hình phạt đời đời, Đức Chúa Trời đã bằng lòng hy sinh Con một của Ngài mà trong sách Êphêsô 1:7 có chép để “Ấy là trong Đấng Christ, chúng ta được cứu chuộc bởi huyết Ngài, được tha tội, theo sự dư dật của ân điển Ngài.” Đây chính là ý muốn của Chúa và cũng phải là mục tiêu cho mỗi Hội Thánh trong năm mới này, không phải chỉ chúc nhau “Phước Lộc Thọ” mà thôi, nhưng còn mong ước đạt được mục tiêu đem nước thiên đàng đến với mỗi lòng, mọi người.

 

b) Nếu Chúa Giê-xu không thật muốn điều này, thì Ngài đã không có dậy các môn đồ của mình cầu nguyện, như có chép trong Mathiơ 6:10 – “Nước Cha được đến; Ý Cha được nên, ở đất như trời!” “Nước Cha” ở đây không phải chỉ nói đến thiên đàng là một chỗ đẹp tuyệt vời, trời mới đất mới như có diễn tả chi tiết trong sách Khải Huyền 21:18-19 về thành Giêrusalem mới – ngôi Đức Chúa Trời vinh hiển - “Tường thì xây bằng bính ngọc, thành thì xây bằng vàng ròng, tợ như thủy tinh trong vắt. Những nền tường thành thì trang sức đủ thứ ngọc…” Nhưng nguyên nghĩa của tiếng Hy-lạp của những chữ “Kingdom of God" nghĩa là "the Reign of God" dịch ra là “sự tể trị của Chúa.” Cho nên khi nói đến Thiên quốc chúng ta nói đến sự hiện hữu và thống trị hoàn toàn của Đức Chúa Trời và vị Vua Giê-xu trên đời sống của tất cả những người đã được thánh hóa, được chuộc từ chỗ tối tăm đến nơi sáng láng, vinh hiển. Mục đích của Hội Thánh trong năm mới này phải là hiệp tác để mở mang vương quốc, nước của Đức Chúa Trời ở trên đất này, làm sao cho càng nhiều người được nghe đến Tin Lành, ăn năn, tin nhận Cứu Chúa Giê-xu, được cứu rỗi trước ngày tận thế!

 

c) Khi còn ở trần thế, Chúa Giê-xu dạy dỗ rất nhiều về nước thiên đàng của Đức Chúa Trời.  Trong Kinh Thánh có ghi chép lại tổng cộng khoãng 48 ẩn dụ Chúa Giê-xu dùng để dạy dỗ lẽ đạo thì trong những ẩn dụ này đã có khoảng 13 ẩn dụ giảng dạy về nước thiên đàng mà Chúa Giê-xu bắt đầu bằng những chữ “Nước thiên đàng giống như…” Chẳng hạn như trong Mathiơ 13 có mấy câu bắt đầu bằng những chữ này? Có đến 6 lần. Mục đích Chúa Giê-xu đích thân đến thế gian là để làm gì? Có thể tóm tắt rằng mục đích Chúa Giê-xu đã đến thế gian để giảng Tin Lành về nước thiên đàng của Đức Chúa Trời và chịu chết trên cây thập tự, để “cung cấp” con đường cho mọi người được đến nước thiên đàng và con đường duy nhất đó chính là Ngài.

 

d) Chúa đã đến giảng về nước thiên đàng và đã làm xong công cuộc cứu chuộc, giờ đây Ngài trao trách nhiệm rao giảng Tin Mừng này cho Hội Thánh. Trong Mathiơ 16:19 – Chính Chúa Giê-xu đã phán gì với Phiêrơ và những môn đồ của mình? “Ta sẽ giao chìa khóa nước thiên đàng cho ngươi; hễ điều gì mà ngươi buộc dưới đất, thì cũng sẽ buộc ở trên trời, và điều gì mà ngươi mở dưới đất, thì cũng sẽ được mở ở trên trời.” Chìa khoá đây chính là Tin Lành về nước thiên đàng và con đường cứu chuộc bởi huyết của Con Đức Chúa Trời mà Hội Thánh Chúa ngày nay phải rao giảng cho mọi người, mà hễ ai tin thì sẽ được cứu!

 

 

II. Công Thức để Đạt Được Mục Tiêu

 

Mục tiêu rao giảng Tin Lành cho đến cùng trái đất đây là một đại sứ mạng không thể hoàn thành bởi những cá nhân, nhưng cần sự hiệp tác của tất cả con cái Chúa trong những Hội Thánh của Ngài. Công thức để Hội Thánh của Chúa đạt được mục đích này, sứ đồ Phaolô đã cho thấy rõ trong sách Philíp 3:13-14 như sau: “Hỡi Anh em, về phần tôi, tôi không tưởng rằng đã đạt đến mục đích, nhưng tôi cứ làm một điều: quên lửng sự ở đằng sau, mà bươn theo sự ở đằng trước, tôi nhắm mục đích mà chạy, để giựt giải về sự kêu gọi trên trời của Đức Chúa Trời trong Đức Chúa Jêsus Christ.” Sứ đồ Phaolô diễn tả đời sống của con cái Chúa giống như những người lực sĩ bước vào một trường đua, ước vọng và ý chí của họ đó là phải lấy hết sức mình nhắm mục đích mà chạy cho xong và giựt được giải thưởng. Ngày 6 tháng tới đây là giải vô địch “Super Bowl” lần thứ 45, những người lực sĩ trong hai đội banh còn lại đang mong ước và làm gì? Mong thắng giải vô địch, đeo được chiếc nhẫn vào ngón tay vì người ta nói “the Ring rules everything!” Đây là lúc họ không còn thờ ơ, lười biếng nữa nhưng hết sức tập luyện để mong thắng được giải vô địch này. Hội Thánh của Chúa cũng đang ở trong một cuộc chạy đua, không phải để mong lấy được chiếc nhẫn vô địch Super Bowl, nhưng là mão triều thiên không hư nát, không phai tàn và được chính Chúa Giê-xu khen là những đầy tớ trung tín và ngay lành, cùng được vào hưởng nước của Ngài.

 

Muốn đạt được mục đích thì công thức của Phaolô đưa ra, đòi hỏi một điều mà mỗi người chúng ta phải làm trước tiên đó là phải “quên lững những sự ở đằng sau.” Trong Hêbêrơ 12:1-3 giúp chúng ta thấy “quên lững những sự ở đằng sau” nghĩa là “Thế thì, vì chúng ta được nhiều người chứng kiến vây lấy như đám mây rất lớn, chúng ta cũng nên quăng hết gánh nặng và tội lỗi dễ vấn vương ta, lấy lòng nhịn nhục theo đòi cuộc chạy đua đã bày ra cho ta, nhìn xem Đức Chúa Jêsus, là cội rễ và cuối cùng của đức tin, tức là Đấng vì sự vui mừng đã đặt trước mặt mình, chịu lấy thập tự giá, khinh điều sỉ nhục, và hiện nay ngồi bên hữu ngai Đức Chúa Trời. Vậy, anh em hãy nghĩ đến Đấng đã chịu sự đối nghịch của kẻ tội lỗi dường ấy, hầu cho khỏi bị mỏi mệt sờn lòng.” Thử hỏi có người lực sĩ nào ra chạy đua mà còn mặc quần Jean không? Còn mặc áo da bò, lưng đeo balô, cổ đeo đầy vòng vàng, đầu đội mão, chân mang giầy sắt không mà mong chạy thắng cuộc sao? Muốn chạy thắng cuộc, chúng ta phải lột bỏ hết những thứ này ra, quên lững, quăng hết những gánh nặng, hầu để cho thân thể mình được nhẹ nhỏm, thảnh thơi để chạy cho đến cuối cùng và đạt được mục đích. Hội Thánh Chúa biết rõ ý muốn của Chúa và mục đích của mình là để mở mang bờ cõi của Thiên Quốc trong năm nay, nhưng có những gánh nặng nào hội phải bằng lòng bỏ đằng sau trước không, phải quên lững đi không để khỏi bị mệt mỏi sờn lòng mà không đạt được mục tiêu sao? Có lẽ một trong những điều rất cần thiết chúng ta cần phải làm, trước khi bước sang một năm mới đó là “thanh toán” sạch những gánh nặng và những gánh nặng đây có thể là những sự gây gỗ, xích mích, bất hòa, cãi cọ đã xảy ra trong năm cũ, vì những thứ này sẽ làm vấn vương chân của Hội Thánh để đạt được mục đích của Chúa trong năm mới này.

 

Câu chuyện về hai người đàn ông đi trên cùng một chiếc xuồng, nhưng họ cãi cọ với nhau dữ dội, không ai chịu thua ai. Một anh cuối cùng buông tay xuống, không còn chịu chèo nữa. Anh kia phải cực nhọc chèo một mình nên tức giận bèn nói: "Tại sao anh không chịu chèo nữa mà để có một mình tôi chèo thôi thì làm sao chúng ta về được đến bến đây?" Anh kia tỉnh bơ đáp lại: "Con thuyền có hai phần: phần mũi và phần đuôi. Anh ở bên mũi, tôi ở phần đuôi… chúng ta không có can hệ gì hết, tôi muốn làm gì thì làm ở phần đuôi, tôi không chèo là mặc kệ tôi." Một hồi sau thì anh ngồi ở bên đuôi nghe có tiếng lọc bọc như nước chảy vào thuyền. Nhìn lên thì thấy anh ở phần mũi đang lấy dao đục xuồng, lủng một lỗ làm cho nước đang tràn vào. Anh ở đuôi xuồng hoảng hốt la lên: "Tại sao anh làm cái gì kỳ vậy? Anh biết tôi không biết lội mà!" Anh ở mũi xuồng tỉnh bơ trả lời: "Con thuyền có hai phần: phần mũi và phần đuôi. Anh ở bên đuôi, tôi ở phần mũi… chúng ta không có can hệ gì hết, tôi muốn làm gì thì làm, tôi đục xuồng phần của tôi cho chìm xuồng là mặc kệ tôi!" Hội Thánh cũng vậy, hết thảy chúng ta đang ở trong cùng một “chiếc thuyền” của Chúa, có cùng một mục đích đó là được về đến bến bình an, nhưng nếu không chịu giải quyết những gánh nặng trong năm cũ thì thử hỏi chúng ta có thể đạt được mục tiêu cho Chúa trong năm mới này không? Đức Chúa Trời, Chúa Thánh Linh khó có thể hành động trên một Hội Thánh chưa có sự hiệp nhất; ngược lại Chúa làm nhiều việc lớn và lạ lùng ở giữa vòng những Hội Thánh có sự hòa thuận, đồng một lòng, cùng một ý trong Chúa. Rõ ràng trong sách Công Vụ 2:42-47 chép gì về sự hiệp nhất của Hội Thánh ban đầu? “Vả, những người ấy bền lòng giữ lời dạy của các sứ đồ, sự thông công của anh em, lễ bẻ bánh, và sự cầu nguyện. Mọi người đều kính sợ vì có nhiều sự kỳ phép lạ làm ra bởi các sứ đồ. Phàm những người tin Chúa đều hiệp lại với nhau, lấy mọi vật làm của chung. Bán hết gia tài điền sản mình mà phân phát cho nhau, tùy sự cần dùng của từng người. Ngày nào cũng vậy, cứ chăm chỉ đến đền thờ; còn ở nhà, thì bẻ bánh và dùng bữa chung với nhau cách vui vẻ thật thà, ngợi khen Đức Chúa Trời và được đẹp lòng cả dân chúng. Mỗi ngày Chúa lấy những kẻ được cứu thêm vào Hội thánh.”

 

 

III. Phương Pháp Hay Nhất

 

Có những gánh nặng chúng ta cần phải giải quyết, trước khi chúng ta bước sang một năm mới và phương pháp hay nhất để chúng ta có thể quăng đi hết những gánh nặng này đó là đối xử với nhau trong tinh thần tha thứ. Câu chuyện khi người ta xây chiếc cầu "Golden gate" ở bên California tốn đến cả trăm triệu bạc. Nhưng khi mới bắt đầu xây thì công việc bị đình trệ, lý do là vì có nhiều người thợ xây cầu bị rớt xuống biển, người thì chết còn một số thì bị thương nặng. Một vị kỹ sư đã đưa ra một ý kiến hay và làm một cái lưới thật lớn, tốn khoảng 100,000 đôla và đặt ngay ở dưới chỗ những người nhân công làm việc để nhở họ có bị rớt xuống thì có cái lưới này cứu vớt mạng sống của họ. Từ lúc đó trở đi, công việc được trôi chẩy lại, người ta còn làm việc nhanh hơn nữa vì không còn sợ chết nữa, cuối cùng công tác xây cầu này được hoàn thành đúng theo chương trình đã định. Thiết nghĩ trong mọi mối liên hệ cũng vậy, ai trong chúng ta cũng muốn tìm hạnh phúc, bình an, sự vui vẻ hết, nhưng thế nào cũng có lúc vì vô ý hay vô tình chúng ta sẽ vấp phạm và làm tổn thương tình cảm của nhau, nhưng tinh thần tha thứ luôn như là một cái lưới lớn và an toàn duy nhất mà chắc chắn sẽ cứu vớt hàn gắn lại mọi sự đổ vỡ.

 

a) Khi nói và giảng về sự tha thứ thì dễ, nhưng trên thực tế là một điều rất khó làm. Càng khó hơn nữa vì tiêu chuẩn tha thứ của Chúa dạy cho con cái của Ngài cao hơn. Chúa dạy không phải tha thứ theo như tiêu chuẩn của người đời “bất quá tam” nghĩa là không quá ba lần; nhưng là “70 lần 7” nghĩa là phải “luôn luôn” tha thứ cho nhau. Trong Mathiơ 18:21-22 có chép gì? “Phi-e-rơ bèn đến gần Đức Chúa Jêsus mà hỏi rằng: Thưa Chúa, nếu anh em tôi phạm tội cùng tôi, thì sẽ tha cho họ mấy lần? Có phải đến bảy lần chăng? Ngài đáp rằng: Ta không nói cùng ngươi rằng: đến bảy lần đâu, nhưng đến bảy mươi lần bảy.” Khi mà anh chị em đếm từng lần tha thứ một cho đến 490 lần thì chắc lúc đó khỏi cần đề cập đến tha thứ nữa, vì đã quá quen thuộc rồi, phải không?

 

b) Vì không thể làm trọn tiêu chuẩn tha thứ cao đẹp này bởi năng sức của xác thịt, nên chúng ta phải nh cậy Chúa giúp đỡ mình.

 

i) Muốn làm được sự tha thứ theo tiêu chuẩn của Chúa thì một người trước hết phải kinh nghiệm được chính sự tha thứ của Chúa ban cho mình, vì điều tự nhiên chúng ta không thể cho những gì chúng ta chưa có. Một nhà truyền giáo đến Ấn Độ trong buổi họp tôn giáo tập thể, có người đến hỏi: "Đạo Chúa Giê-xu có gì đặc biệt để giúp dân Ấn Độ không, hay cũng giống như những tôn giáo khác, nào là dạy đạo làm người, hiếu kính cha mẹ, làm lành bố thí?" Nhà truyền giáo yên lặng một hồi rồi đáp lại: "Thưa ông có một điều đặc biệt về đạo Chúa, đó là sự tha thứ tội lỗi từ nơi Đức Chúa Trời qua Cứu Chúa Giê-xu, Con Ngài!" Một con cái Chúa muốn có năng quyền để luôn tha thứ những kẻ phạm nghịch cùng mình thì phải luôn ở gần dưới chân thập tự là nơi giòng huyết đào của Chúa Giê-xu đã đổ ra để chuộc tội cho chính mình.

 

ii) Chúng ta cũng phải biết sống gần với lời Chúa, vì lời Ngài sẽ giúp nhắc nhở mỗi người chúng ta hiểu điều kiện để chính mình nhận được sự tha thứ từ nơi Chúa đó là chúng ta phải biết tha thứ cho những người khác. Trong Mathiơ 6:12 chính Chúa Giê-xu dạy gì về điều kiện này trong bài cầu nguyện chung mà không biết bao nhiêu lần chúng ta đã đọc thuộc lòng? “Xin tha tội lỗi cho chúng tôi, như chúng tôi cũng tha kẻ phạm tội nghịch cùng chúng tôi.” Rõ ràng lời cầu nguyện này có hai vế, muốn nhận được phước ở vế đầu, người nào cầu nguyện phải làm trọn vế đuôi!

 

Một chỗ khác trong Kinh Thánh sách Mathiơ 18:23-35, Chúa Giê-xu dạy một ẩn dụ để giải thích về điều kiện này: “Vậy nên, nước thiên đàng giống như vua kia, muốn tính sổ với các đầy tớ mình. Khi vua khởi soát sổ, thì có người đem nộp một tên kia mắc nợ vua một vạn ta-lâng. Bởi vì người chẳng có gì mà trả, thì chủ dạy bán người, vợ con và gia tài người, đặng trả nợ. Kẻ đầy tớ nầy bèn sấp mình xuống nơi chân chủ mà xin rằng: Thưa chủ, xin giãn cho tôi, thì tôi sẽ trả hết! Chủ bèn động lòng thương xót, thả người về, và tha nợ cho. Nhưng khi đầy tớ đó ra về, gặp một người trong bạn làm việc, có thiếu mình một trăm đơ-ni-ê, thì nắm bóp cổ bạn mà nói rằng: Hãy trả nợ cho ta! Người bạn sấp mình xuống mà nài xin rằng: Xin giãn cho tôi, thì tôi sẽ trả cho anh. Song người chẳng khứng, cứ việc bắt bỏ tù cho đến khi trả hết nợ. Các bạn thấy vậy, buồn lắm, đến thuật lại cùng chủ mình mọi điều đã xảy ra. Chủ bèn đòi đầy tớ ấy đến mà nói rằng: Hỡi đầy tớ độc ác kia, ta đã tha hết nợ cho ngươi, vì ngươi cầu xin ta; ngươi há lại chẳng nên thương xót bạn làm việc ngươi như ta đã thương xót ngươi sao? Chủ nổi giận, phú nó cho kẻ giữ ngục cho đến khi nào trả xong hết nợ. Nếu mỗi người trong các ngươi không hết lòng tha lỗi cho anh em mình, thì Cha ta ở trên trời cũng sẽ xử với các ngươi như vậy.” Ẩn dụ hay này của Chúa nói về hai người mắc nợ. Người thứ nhất nợ người chủ đến một vạn ta lâng (~20 triệu đôla) nhưng không thể trả nổi, nên nài xin chủ cho giảm lại.  Vì đầy lòng thương xót, người chủ thả về và tha cho hết, không phải trả một xu nào. Nhưng khi anh này đi về thấy một người bạn của mình chỉ nợ mình có 100 đơ-ni-ên (~2,000 đôla) thì không cho giảm lại, nhưng bắt bỏ tù người nợ đó cho đến khi nào người đó trả xong nợ.  Người chủ nghe chuyện bất công, bèn sai bắt người nợ mình bỏ vào tù vì đã không biết thương xót tha thứ cho chính người nợ mình. Trong ẩn dụ này, người nợ một vạn talâng biểu hiệu chính mỗi người chúng ta là những tội nhân xấu xa "đáng chết;" nhưng đã nhận lãnh được sự tha tội hoàn toàn, không điều kiện, khi chúng ta ăn năn hối cải và đến tiếp nhận Cứu Chúa Giê-xu, vậy thì chúng ta cũng phải biết tha thứ cho những "kẻ phạm tội nghịch cùng" mình.

 

 

IV. Những Điều Thực Tế Nên Làm

 

1) Chúng ta nên cố gắng tha thứ làm hòa càng sớm càng tốt, chớ để quá lâu vì trong Êphêsô 4:27 có nhắc “ma quỉ sẽ nhơn dịp" cám dỗ chúng ta sanh ra những điều ác khác. Lời Chúa trong Êphêsô 4:26b dạy gì? Nếu có điều gì bất hòa với người khác trong ngày nào, chúng ta nên giải quyết vấn đề trong ngày đó và "chớ căm giận cho đến khi mặt trời lặn"; nếu không, sự bất hòa sẽ dần dần châm rễ, xây tổ và sanh cay đắng. Giận càng dai, hạnh phúc và mối liên hệ giữa mình với người bên kia càng bị tổn hại, ăn không ngon, ngủ không yên và rồi sanh ra lắm bệnh ở trên đời này và nhất là sự mệt mỏi sờn lòng trong sự hầu việc Chúa.

 

2) Cố gắng quên và bỏ qua những lỗi lầm của người bên kia. Trên đời này có những điều đáng nhớ như là những kỷ niệm vui mà Chúa ban cho. Năm vừa qua, chúng tôi kỷ niệm 30 năm Chúa thành lập Hội Thánh Baton Rouge. Có làm một cuốn sách niên giám rất đẹp có nhiều hình màu. Nhìn lại những hình ảnh xưa, nhớ đến những kỷ niệm đẹp của thời thơ ấu đó của Hội Thánh mà lòng được phấn khởi và đầy sự cảm tạ Chúa. Nhưng có những điều đáng cho chúng ta quên đó là những lời nói vô ý vô tứ của người khác, xúc phạm đến tự ái của mình mà chúng ta cần quên đi, vì Chúa luôn quên hết mọi tội lỗi của chúng ta mỗi khi chúng ta xưng ra cùng Ngài. Thi Thiên 103:8-12 – “Đức Giê-hô-va có lòng thương xót, hay làm ơn, Chậm nóng giận, và đầy sự nhân từ. Ngài không bắt tôi luôn luôn, Cũng chẳng giữ lòng giận đến đời đời. Ngài không đãi chúng tôi theo tội lỗi chúng tôi, Cũng không báo trả chúng tôi tùy sự gian ác của chúng tôi. Vì hễ các từng trời cao trên đất bao nhiêu, Thì sự nhân từ Ngài càng lớn cho kẻ nào kính sợ Ngài bấy nhiêu. Phương đông xa cách phương tây bao nhiêu, thì Ngài đã đem sự vi phạm chúng tôi khỏi xa chúng tôi bấy nhiêu.”

 

 Câu chuyện có một người phụ nữ cứ làm chứng là bà mỗi ngày được thường cầu nguyện và nói chuyện với Chúa Giê-xu. Vị Mục Sư thắc mắc nên nói: “Thế thì lần tới bà nói chuyện với Chúa, làm ơn hỏi Chúa về những tội mà Mục Sư đã phạm tuần trước là những tội gì?” Hôm sau gặp lại – “Thế bà đã hỏi Chúa Giê-xu về tội của Mục Sư chưa?” Người phụ nữ trả lời: “Dạ có! Và Chúa Giê-xu nói là Ngài đã quên hết rồi, không còn nhớ những tội mà Mục Sư đã ăn năn và xưng ra!” Trong sách Thánh Ca có bài hát với những chữ như sau: “Đà lăn xa, lăn rất xa, lăn xa bấy; bao nhiêu ác tích Cứu Chúa xua sạch lòng đây…” Chúng ta cũng cần tập “lăn xa” những lỗi lầm của người khác như Chúa đã làm cho chính mình.

 

3) Đương nhiên quên những cay đắng không phải là một chuyện dễ làm. Phải chi Chúa cho chúng ta một “viên thuốc” để có thể quên hết được những điều đắng cay này thì hay biết mấy. Tuy mình không thể quên, nhưng chúng ta có thể nhờ cậy tình yêu thương của Chúa giúp mình quyết tâm bỏ đi sự uất ức trong lòng, bằng cách quyết định sẽ buông tha, không còn muốn trả đũa, trả thù hay trừng phạt người bên kia nữa, và không “moi móc” lại những chuyện cũ. Tha thứ có nghĩa là có quyền giận nhưng nhất quyết không giận nữa; có quyền trách móc nhưng sẽ không moi ra nữa; có quyền "nhắc đi nhắc lại" để hành hạ người kia nhưng quyết tâm không đề cập đến vấn đề nữa. Tha thứ rồi mà cứ còn chơi đòn “chiến tranh lạnh, cứ tránh mặt” chẳng nói, chẳng rằng thì thật sự chưa tha thứ nhau. Chúng ta không thể nói: “Tôi tha cho anh cho chị nhưng từ giờ trở đi đừng đến đây nữa, đừng gặp mặt nhau nữa thì cũng chưa phải thật sự là tha thứ nhau”

 

4) Hãy cầu nguyện cho người đã phạm nghịch cùng mình. Khi chúng ta chưa có thể cầu nguyện thành thật cho người phạm nghịch cùng mình, chúng ta chưa thật sự tha thứ cho người đó. Cầu nguyện xin Chúa cho mình có cơ hội để mình có thể hoà giải được với người đã phạm nghịch cùng mình. Cơ hội để giúp đỡ lẫn nhau hầu cho có dịp hàn gắn lại mối liên hệ. Có một lẽ thật chúng ta phải hiểu mục đích cuối cùng của sự tha thứ luôn là để đem đến sự hàn gắn lại mối liên hệ như xưa. Nhưng cùng một lúc chúng ta cũng phải hiểu một điều căn bản đó là sự hàn gắn này sẽ không bao giờ xẩy ra được cho đến khi cả hai bên làm phần của mình. Người bị phạm nghịch phải luôn sẵn sàng mở rộng vòng tay tha thứ; còn người đã lầm lỗi phải biết ăn năn, nhận lỗi và xin tha thứ. hí dụ hiển nhiên trong câu chuyện đứa con trai hoang đàng trong sách Luca 15. Nó phạm lỗi bỏ nhà ra đi, phung phí của cải của cha mình. Tuy rằng người cha sẵn sàng tha thứ cho con mình, từng ngày ông đứng trông ngóng con về với vòng tay mở rộng. Nhưng mối liên hệ giữa người cha và đứa con không thể hàn gắn lại được cho đến khi nào đứa con trai hoang đàng tỉnh ngộ, ăn năn và bằng lòng quay trở về nhà cha của mình.

 

5) Cầu nguyện tự xét chính mình. Đôi khi chúng ta cần tự xét lấy chính mình thì dễ có lòng tha thứ nhau hơn, vì lẽ thật ở đây đó là hết thảy chúng ta không ai hòan toàn. Trong Giacơ 3:2 sứ đồ Giacơ giúp cho chúng ta thấy một tiêu chuẩn mỗi người chúng ta cần tự xét - "Chúng ta thảy đều vấp phạm nhiều cách lắm. Nếu có ai không vấp phạm trong lời noí mình, ấy là người trọn vẹn" Đây có nghĩa là không có ai trong chúng ta hoàn toàn trong lời nói của mình cả. Nếu vậy, chúng ta mỗi người cần sự tha thứ và nên tha thứ cho nhau, như Chúa luôn tha thứ cho chúng ta vậy!

 

Đứng trước ngưỡng cửa của một năm mới, anh chị em đang ước mơ gì? Tôi ước mơ Hội Thánh Chúa được sống lại như thưở ban đầu. Tôi ước mơ Hội Thánh Chúa được hòa thuận, vui vẻ, và thật thà. Tôi ước mơ Hội Thánh Chúa đạt được mục tiêu, hiếp tác làm trọn đại sứ mạng của Chúa trong năm mới này. Tôi ước mơ mỗi lòng chịu hạ mình, ăn năn và sẽ quyết định quăng hết mọi gánh nặng bằng cách tha thứ cho nhau, để sửa soạn bước sang một năm mới đầy phước hạnh mà Chúa đang để dành cho Hội Thánh và mỗi người chúng ta ở đây. Amen!

 

 

--------- Lời Mời Gọi

 

Anh chị em đang có những ước mơ gì cho năm mới không? Hội Thánh Chúa ở đây đang có những mục tiêu gì cho Chúa trong năm mới này không? Cuộc sống của chúng ta chỉ có ý nghĩa khi nào chúng ta biết và ở trong ý muốn của Chúa. Ý muốn của Chúa là gì? Tại sao Hội Thánh của Chúa vẫn còn tồn tại ở trên đất ngày hôm nay? Lý do là vì Đức Chúa Trời yêu thương thế gian và qua Hội Thánh của Ngài, Chúa dùng để đem Tin Lành về sự cứu rỗi và nước thiên đàng đến với mọi người. Đây phải là mục tiêu của mỗi Hội Thánh còn tồn tại trên đất.

 

Sứ đồ Phaolô khuyên chúng ta hãy cùng hiệp nhất và nhắm mục đích này mà hết sức làm trọn công việc của Chúa trong năm mới này. Nhưng công thức của Phaolô cũng nhắc, điều trước tiên mỗi người chúng ta phải làm là phải quăng hết những gánh nặng trong năm cũ, để nó khỏi vướn chân mình mà chạy cho xong cuộc đua và được thưởng. Phương pháp hay nhất để chúng ta thanh toán hết những gánh nặng này là sống đối xử với nhau trong tinh thần tha thứ, như Chúa đã tha thứ cho chính mình vậy. Có ai ở đây còn mắc nợ gì không? Nợ tiền nhà, tiền máy bay, nợ đời, nợ ơn… Anh chị em có muốn được sạch hết mọi món nợ, kể cả những buồn phiền bởi sự xích mích, gây gỗ với những người khác không. Anh chị em có muốn sống nhẹ nhỏm trong năm mới này không? Hãy thanh toán hết những món nợ trong năm cũ bằng cách tha thứ nhau.

 

Chúa muốn mỗi người và Hội Thánh của Ngài sống vui tươi, bình an và hòa thuận với nhau vì qua đó mà thiên hạ mới biết đến hương thơm của tình yêu Ngài, phải không? Cuộc đời rất ngắn ngủi, chóng qua… chúng ta không nên thâu giữ những gánh nặng mà mệt mỏi kéo lê thê qua năm mới này, nhưng hãy quăng nó đi xa. Có người đã nói một câu đáng cho chúng ta nên suy nghĩ “Khi chúng ta chịu tha thứ cho nhau thì giống như mình mở khóa để giải thoát những tù nhân được ra khỏi ngục và một trong những tù nhân đầu tiên được tự do đó chính là mình.”  Tôi tin chắc rằng không ai trong chúng ta cứ muốn bị “ở tù” hoài phải không? Vậy thì chúng ta hãy bỏ qua và tha thứ cho nhau.

 

Sau khi nghe lời Chúa kêu gọi và thách thức, chúng ta sẽ quyết định làm gì đây? Mỗi lần đến nhóm là mỗi lần lời Chúa kêu gọi chúng ta phải có sự quyết định. Nếu chúng ta quyết định không làm gì hết thì chuyện gì sẽ xảy ra? Tuần tới chúng ta trở lại đây cũng sẽ y như cũ, giống y hệt như tuần này, sẽ còn những gánh nặng trên lưng và trong tâm hồn của mình và Xuân Tân Mão cứ còn là Cựu Mão. Nhưng nếu chúng ta nhờ cậy Chúa mà tha thứ nhau thì chắc chắn một năm mới phước hạnh Chúa ban đang chờ đón mỗi người chúng ta. Quyết định của anh chị em sẽ làm gì ngay hôm nay?


Throwing Away Every Burdens

to Enter the New Year

(Hebrews 12:1-13)

 

“1 Therefore, since we are surrounded by such a great cloud of witnesses, let us throw off everything that hinders and the sin that so easily entangles. And let us run with perseverance the race marked out for us, 2 fixing our eyes on Jesus, the pioneer and perfecter of faith. For the joy set before him he endured the cross, scorning its shame, and sat down at the right hand of the throne of God. 3 Consider him who endured such opposition from sinners, so that you will not grow weary and lose heart.”

 

What do you wish for New Year? I wish the church of Jesus Christ will accomplish many God’s wills in this coming year. One of God’s wills is that no one will perish, but everyone will come to repentance and receive His kingdom. The words “kingdom of God” means His reign over those who have been washed by the blood of His Son. Jesus taught His disciples to pray for God’s kingdom to come. Jesus came to provide a free way for everyone to enter the kingdom. He commanded the church to preach this Good News about the kingdom to the end of the earth. This great commission cannot be accomplished by individuals but requires the cooperation of His churches.

 

Paul gave a formula on how to accomplish this commission together in Philippians 3:13-14 – “press on toward the goal.” To do this, we must first forget what is behind. What are some of burdens from this year that we need to throw away? These may be quarrels, and conflicts rooted in jealousy and selfish ambition.

 

The best antidote to wipe out all of these burdens is the spirit of forgiveness. Forgiveness is easy to preach, but it’s hard to do. It’s even impossible because God’s standard of forgiveness is higher, not “no more than three times,” but “seventy times seven.” We must ask God for help so that we can forgive our debtors. Anyone wants to forgive others; he must first experience the forgiveness from God because we cannot give what we don’t have. To forgive others, we need God’s word which reminds us the condition to receive God’s forgiveness is for us to forgive others.

 

Some practical steps you can begin to forgive one another are: 1) Make peace as soon as you can, 2) Try not to remember others’ faults, 3) Make a decision not to bring back the issues, 4) Pray for your debtors, and 5) Pray for yourself. Are you ready to enter a New Year? Throw away your burdens by learning to forgive one another as Jesus has forgiven you.