Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 43

Áp Dụng Lời Chúa

(Applying God’s Word)

(Giacơ 1:22-25)

www.vietnamesehope.org

 

 

“Hãy làm theo lời, chớ lấy nghe làm đủ mà lừa dối mình. Vì, nếu có kẻ nghe lời mà không làm theo thì khác nào người kia soi mặt mình trong gương, thấy rồi thì đi, liền quên mặt ra thể nào. Nhưng kẻ nào xét kĩ luật pháp trọn vẹn, là luật pháp về sự tự do, lại bền lòng suy gẫm lấy, chẳng phải nghe rồi quên đi, nhưng hết lòng giữ theo phép tắc nó, thì kẻ đó sẽ tìm được phước trong sự mình vâng lời.”

 

Đời sống của những người ở Mỹ đây thường luôn đề cao một vấn đề rất quan trọng đó là sức khỏe. Ai nấy cũng quan trọng hóa về sức khỏe, vì biết rằng có sống khỏe, sống được lâu, thì mới hưởng thụ được những thú vui ở trên đời này, hay của cải mà mình đã bỏ nhiều công lao sức lực ra gặt hái; còn mắc bệnh hay đau ốm thì phải tốn đủ thứ tiền, đến nỗi có khi bị sạt nghiệp nếu không có bảo hiểm sức khỏe. Vì thế những người sống ở Mỹ này rất cẩn thận trong hai việc chính đó là thứ nhất về thức ăn, lúc nào cũng xem coi có đầy đủ chất bổ không, có ít lượng mỡ, và đếm từng calorie một, và việc thứ hai là vấn đề tập thể dục/thể thao cho thân thể được khỏe mạnh và hấp dẫn. Một trong những chương trình “Exercise” nóng bỏng nhất ngày hôm nay là chương trình thể dục “Extreme” có quảng cáo trên TV, mà hứa sẽ giúp mọi người ai chịu khó tập theo chương trình này sẽ có một thân hình nẩy nở, và thu hút. Chúng ta thấy rõ về phần thuộc thể, thức ăn và thể dục là hai điều căn bản cần có để đạt được một sức khỏe dồi dào, tránh khỏi được nhiều bệnh tật mà sống được lâu, thì cũng vậy, cho con người thuộc linh của mỗi chúng ta là con cái của Chúa cũng cần nhiều thứ để giúp cho nó được sống khỏe mạnh luôn. Một trong những thứ rất cần thiết đó là 1) sự học lời của Chúa (Kinh Thánh) để nuôi con người tâm linh của mình được trưởng thành lớn lên, hiểu biết Chúa càng hơn, và 2) sự thực hành/áp dụng lời của Chúa để cho thân thể thuộc linh được mạnh mẽ, không sa ngã trước những cám dỗ, thử thách ở xung quanh mình. Nan đề ngấm ngầm của Hội Thánh Chúa ngày hôm nay đó là bên ngoài trông thấy có nhiều người cơ đốc thật khỏe mạnh, đô con, đẹp trai, đẹp gái, dễ thương, giỏi gian, thông minh, nhưng nếu dọi dưới kính hiển vi thuộc linh thì bên trong chỉ toàn là những con người thuộc linh đang ốm tong teo, gầy mòn, chỉ còn “da bọc xương,” vì thiếu ăn và sự áp dụng/thực hành lời của Chúa. Thật ra trong Kinh Thánh thì không có chép về động từ “áp dụng,” nhưng thiết nghĩ có một động từ tương tự đó là “làm theo,” hay nói cách khác là “vâng giữ theo” lời Chúa và các điều răn của Ngài.

 

 

Nếu phần thuộc thể, thức ăn và thể dục là hai điều căn bản cần có để đạt được một sức khỏe dồi dào, thì mỗi con cái của Chúa cũng cần học và hành lời của Chúa để nuôi con người tâm linh của mình được trưởng thành lớn lên.

 

 

I. Sự Quan Trọng của Lời Chúa

 

Lời Chúa rất quan trọng cho đời sống của chúng ta là con cái của Ngài mà đã được sứ đồ Phiêrơ so sánh là gì trong 1 Phiêrơ 2:2? “… hãy ham thích sữa thiêng liêng của đạo, như trẻ con mới đẻ vậy, hầu cho anh em nhờ đó lớn lên mà được rỗi linh hồn.” Lời Chúa chính là thức ăn căn bản cần thiết cho sự sống và tăng trưởng/lớn lên của một em bé thuộc linh mới sanh.  Mỗi người chúng ta tuy khác tuổi tác, khác trình độ văn hóa, nhưng khi chúng ta đến ăn năn tội và tiếp nhận Cứu Chúa Giê-xu, hết thẩy chúng ta đều được “tái sanh” và đều bắt đầu là những em bé thuộc linh mới sanh ra, và cần sữa của đạo là lời Chúa để tăng trưởng từ đó. Những em bé mới sanh ra đâu có cần những món ăn ngon miệng như phở, cơm tấm thịt xườn, hay cá tôm đâu… nhưng “chỉ muốn uống sữa mà thôi!”  Không phải lời Chúa là thức ăn căn bản cần thiết cho sự sống của mỗi con cái Chúa mà thôi, nhưng là thứ cần thiết để con người thuộc linh của mỗi chúng ta được tăng trưởng mạnh mẽ, vững vàng đến mức thành nhân trọn vẹn trong Đấng Christ nữa.

 

 

Lời Chúa chính là sữa của đạo cần thiết cho sự sống và tăng trưởng của một em bé thuộc linh mới sanh.

 

 

Với ẩn dụ “gốc và nhánh nho” có chép trong sách Giăng 15:1-10, Chúa Giê-xu giúp cho chúng ta thấy điều này: “Ta là gốc nho thật, Cha ta là người trồng nho. Hễ nhánh nào trong ta mà không kết quả thì Ngài chặt hết; và Ngài tỉa sửa những nhánh nào kết quả, để được sai trái hơn. Các ngươi đã được trong sạch, vì lời ta đã bảo cho. Hãy cứ ở trong ta, thì ta sẽ ở trong các ngươi. Như nhánh nho, nếu không dính vào gốc nho, thì không tự mình kết quả được, cũng một lẽ ấy, nếu các ngươi chẳng cứ ở trong ta, thì cũng không kết quả được. Ta là gốc nho, các ngươi là nhánh. Ai cứ ở trong ta và ta trong họ thì sinh ra lắm trái; vì ngoài ta, các ngươi chẳng làm chi được. Nếu ai chẳng cứ trong ta thì phải ném ra ngoài, cũng như nhánh nho; nhánh khô đi, người ta lượm lấy, quăng vào lửa, thì nó cháy. Ví bằng các ngươi cứ ở trong ta, và những lời ta ở trong các ngươi, hãy cầu xin mọi điều mình muốn, thì sẽ được điều đó. Nầy, Cha ta sẽ được sáng danh là thể nào: ấy là các ngươi được kết nhiều quả, thì sẽ làm môn đồ của ta vậy. Như Cha đã yêu thương ta thể nào, ta cũng yêu thương các ngươi thể ấy; hãy cứ ở trong sự yêu thương của ta. Nếu các ngươi vâng giữ các điều răn của ta, thì sẽ ở trong sự yêu thương ta, cũng như chính ta đã vâng giữ các điều răn của Cha ta, và cứ ở trong sự yêu thương Ngài.”  Trong câu 1 chúng ta thấy rõ “Gốc nho” trong ẩn dụ đây ám chỉ Chúa Giê-xu, và từ gốc đó mà sanh ra nhiều nhánh; Mỗi “nhánh nho” ám chỉ là mỗi người chúng ta mọc ra từ Gốc. Mỗi con cái của Chúa là những người đã được “tái sanh” bởi huyết của Chúa Giê-xu, khi chúng ta đã một lần ăn năn tội và bằng lòng tin theo Ngài. Nếu phải tóm tắt chân lý của ẩn dụ này, chúng ta thấy Chúa Giê-xu muốn dậy: như nhánh nho phải lệ thuộc vào gốc (dùng hình ảnh những nhánh phải “dính” vào gốc) để có sự sống và tăng trưởng sanh trái thì chúng ta cũng phải nhờ cậy vào chính Chúa Giê-xu mỗi ngày (dùng động từ “cứ ở trong” đến 7 lần) nghĩa là lệ thuộc vào lời hằng sống và sự dạy dỗ của Ngài luôn, thì đời sống mới kết nhiều quả (hữu dụng) cho nước của Đức Chúa Trời.

 

Có một số người nói mình tin Chúa nhưng chỉ tin với một khái niệm nông cạn mà thôi. Họ tự nghĩ: "Tin Chúa dễ quá! Chỉ tin thôi, sau đó không cần phải làm gì nữa!” Với sự suy nghĩ nông cạn như vậy vô số người tự xưng mình là tín đồ, nhưng rồi cứ còn ăn ở trong nếp sống của con người cũ, chẳng thay đổi gì hết, chưa kết quả gì hết cho nước Thiên Đàng. Họ chỉ sống với thái độ “ngồi chơi sơi nước,” rồi đợi một ngày Chúa sẽ gởi thiên sứ xuống: lăn tay, cấp giấy Visa, đưa vé máy bay, và lên máy bay Boeing 747 đem mình về nước thiên đàng. Nhưng họ không hiểu bây giờ sau khi tin Chúa nghĩa là mình thuộc của Ngài và Chúa mong mỏi (đòi hỏi) đời sống của mỗi chúng ta phải sanh ra những trái tốt cho Ngài. Muốn kết qủa, sanh trái, trước hết những nhánh nho cần phải nhờ cậy vào gốc, phải dính vào gốc; vì từ gốc, nhánh mới có nhựa sống để sống và tăng trưởng, sanh trái, nghĩa là chúng ta cần phải cứ vâng giữ/thực hành những lời dạy dỗ và mạng lệnh của Ngài mà Đức Thánh Linh dùng để nuôi con người tâm linh của chúng ta lớn lên. Lời Chúa là thức ăn thuộc linh căn bản cho sự sống và sự tăng trưởng của mỗi con cái Chúa.

 

 

Muốn cây được kết qủa, những nhánh nho cần phải dính vào gốc; nghĩa là chúng ta cần phải cứ vâng giữ những lời dạy dỗ và mạng lệnh của Chúa để nuôi con người tâm linh của mình lớn lên.

 

 

II. Ích Lợi Thực Tế của Lời Chúa

 

Như sữa là thứ cần thiết cho sự sống của một em bé, nhựa cây là thứ cần có cho sự tăng trưởng sanh trái của những nhánh cây, vậy thì thực tế ích lợi của lời Chúa cho chúng ta là gì?

 

1) Thứ nhất, qua lời Kinh Thánh chúng ta thông biết Chúa của mình là ai. Mục tiêu chính của việc học Kinh Thánh là “Thần học,” nghĩa là học để thông hiểu về Đức Chúa Trời, Chúa Giê-xu, Đức Thánh Linh là ai. Biết rõ Chúa thì mới có một mối liên hệ mật thiết với Ngài mà không có thứ gì có thể làm cho mình bị sa ngã hay bị lừa dối được. Là những con cái yêu dấu của Chúa, anh chị em có biết rõ những giáo lý căn bản của đạo không để đứng vững trước những tà thuyết hiện đại ngày hôm nay? Chẳng hạn như những giáo lý căn bản về Đức Chúa Trời Ba Ngôi, thẩm quyền tuyệt đối của Kinh Thánh, về sự cứu rỗi bởi đức tin, quyền lực của ma quỉ, hay những gì sẽ xẩy ra trong tương lai không? Trong Mathiơ 24:24 - Chính Chúa Giê-xu nói trước cho chúng ta biết về tình trạng của thời kỳ sau rốt, trong ngày tận thế sẽ có nhiều tiên tri, giáo sư gỉa nổi lên với những lý thuyết dịu ngọt êm tai, đi đôi với những phép lạ chúng nó sẽ làm nữa mà dụ dỗ nhiều người đi vào những con đường hư mất, kể cả những người đã được chọn nữa cũng vì họ không biết rõ lẽ thật - “Vì nhiều christ giả và tiên tri giả sẽ dấy lên, làm những dấu lớn, phép lạ, nếu có thể được thì họ cũng đến dỗ dành chính những người được chọn.”  Thử hỏi rồi đến ngày đó anh chị em có sẽ bị chúng nó lừa dối không vì không biết rõ “đạo” là gì chăng? Thống kê cho biết một điều đáng sợ đó là 1/3 thiếu niên ở Mỹ ngày hôm nay không tin có địa ngục nữa. Có những cuốn sách nổi tiếng (best sellers) ngày hôm nay đã phát hành, như Da vinci Code, the Shack, một số trở thành phim ảnh và kể cả những tài tử Hollywood nổi tiếng đang phô trương một thuyết lý nguy hiểm đó là chẳng có địa ngục đâu, không có sự phán xét của tội lỗi đâu, cuối cùng rồi ai cũng sẽ về “thiên đàng” với Thượng Đế hết. Nếu không có lời Chúa thì làm sao chúng ta thông biết được Chúa của mình là ai? Vì vậy mà Phiêrơ sau khi viết hai lá thơ cho hội thánh, cuối cùng ông kết thúc lời chúc quan trọng nhất cho đời sống con cái Chúa là gì trong 2 Phiêrơ 3:18 – “Hãy tấn tới trong ân điển và trong sự thông biết Chúa và Cứu Chúa chúng ta là Đức Chúa Jêsus Christ. Nguyền xin vinh hiển về nơi Ngài, từ rày đến đời đời! A-men.”

 

 

Qua lời Kinh Thánh chúng ta thông biết Chúa là ai và hiểu thấu được những giáo lý căn bản của đạo.

 

 

2) Lời Chúa giúp chúng ta biết được lẽ thật và thách thức mình buông tha khỏi những việc làm của tội lỗi. Chúa Giê-xu có lần phán trong Giăng 8:32 – “các ngươi sẽ biết lẽ thật, và lẽ thật sẽ buông tha các ngươi.” Lời Chúa là “lẽ thật” mà chúng ta cần phải có để thứ nhất chúng ta được buông tha khỏi những tư tưởng, sự suy nghĩ, ý tưởng sai lầm của ngày trước, thì chúng ta mới bắt đầu biết từ bỏ những thói hư tật xấu để được tăng trưởng đến mức trọn vẹn được. Chúng ta mỗi người sau khi tin Chúa như là một em bé thuộc linh mới sanh ra đời. Bên trong chúng ta có một tâm linh được dựng nên mới, nhưng thể xác, tư tưởng chúng ta vẫn còn y như cũ mà phải bắt đầu được biến hóa dần khi Đức Thánh Linh mỗi ngày lấy lời Chúa là lẽ thật gội rửa dần tất cả những sự suy nghĩ sai lầm bên trong của con người cũ của chúng ta. Trong sách Rôma 12:2 - sứ đồ Phaolô dạy dỗ gì về điều này: “Đừng làm theo đời nầy, nhưng hãy biến hóa bởi sự đổi mới của tâm thần mình, để thử cho biết ý muốn tốt lành, đẹp lòng và trọn vẹn của Đức Chúa Trời là thể nào.” Rõ ràng phương cách Đức Thánh Linh biến hóa thay đổi những thói quen, lối sống, cách ăn nết ở của một người bắt đầu từ “tâm thần” bên trong của người đó. Huyết Chúa Giê-xu đã đổ ra để rửa sạch mọi tội lỗi của chúng ta, nhưng chưa phải là hết vì Ngài còn dùng chính lời của Ngài dần để thánh sạch đời sống và tâm chí của chúng ta nữa.

 

 

Lời Chúa giúp chúng ta biết được lẽ thật và thách thức mình buông tha khỏi những việc làm của tội lỗi.

 

 

Chúng ta cần lời Chúa là lẽ thật lý do là vì trước khi chúng ta đến biết Chúa Giê-xu, mỗi chúng ta ở trong bóng tối và chỉ biết những việc làm của sự tối tăm và đi trong những con đường lầm lạc mà thôi. Trong sách Galati 5:19-21 liệt kê một số những việc làm của sự tối tăm như sau: “Vả, các việc làm của xác thịt là rõ ràng lắm: ấy là gian dâm, ô uế, luông tuồng, thờ hình tượng, phù phép, thù oán, tranh đấu, ghen ghét, buồn giận, cãi lẫy, bất bình, bè đảng, ganh gổ, say sưa, mê ăn uống, cùng các sự khác giống như vậy.” Chúng ta ngày xưa sống dìm mình trong những lời dối trá của ma quỉ, một đời sống buông lung mê đắm mà không ý thức rằng những việc này đang dẫn chúng ta dần đến sự hư mất đời đời trong hồ lửa địa ngục. Chúng ta bị giam cầm, xiềng xích trong sự tối tăm, những nghiện ngập, luông tuồng, đầy dẫy những điều hung ác này mà không có năng sức để thoát ra được, nhưng chỉ chờ chết mà thôi. Cho đến khi Chúa Giê-xu đã đến cứu chúng ta ra khỏi những vũng bùn lầy của tội lỗi này, buông tha chúng ta khỏi những xiềng xích của những nghiện ngập, và dẫn chúng ta vào một cuộc hành trình mới, bằng lẽ thật của Ngài, qua chính lời của Chúa. Chúng ta được buông tha bởi lẽ thật của lời Chúa nghĩa là được thoát ra và từ bỏ được cái vỏ cũ, và có năng lực để bước đi trong một đời sống mới. Hình ảnh của một con tằm xấu xí chui ra khỏi cái vỏ kén thô kệch, trở nên một con bướm rực rỡ màu sắc và có năng lực để bay tung tăng trong gió mà ngày trước đó con tằm không thể làm được. Ngày xưa chúng ta bị trói buộc, bị thôi miên trong những việc làm ô uế, nhưng bây giờ nhờ lẽ thật trong lời của Chúa, sự cứu rỗi của Ngài chúng ta bắt đầu một đời mới, trưởng thành, lớn lên trong sự hiểu biết Cứu Chúa Giê-xu càng hơn.

 

3) Lời Chúa quá quan trọng ở chỗ không phải chỉ giúp buông tha chúng ta khỏi những việc làm của sự tối tăm mà thôi nhưng còn là “kim chỉ nam/la bàn” (compass) những tiêu chuẩn sống hướng dẫn chúng ta đi đứng cho ngay thẳng trong đường lối và ý muốn của Chúa. Trong sách 2 Timôthê 3:16-17 sứ đồ Phaolô dạy dỗ Timôthê mục đích của lời Kinh Thánh là gì? “Cả Kinh Thánh đều là bởi Đức Chúa Trời soi dẫn, có ích cho sự dạy dỗ, bẻ trách, sửa trị, dạy người trong sự công bình, hầu cho người thuộc về Đức Chúa Trời được trọn vẹn và sắm sẵn để làm mọi việc lành.” Rõ ràng trong câu Kinh Thánh này cho chúng ta biết được bí quyết làm sao để một em bé thuộc linh trở nên trường thành trọn vẹn qua bốn bước căn bản sau đây:

 

 

Lời Chúa không phải chỉ giúp buông tha chúng ta khỏi những việc làm của sự tối tăm mà thôi nhưng còn là “kim chỉ nam” hướng dẫn chúng ta đi đứng cho ngay thẳng trong đường lối của Chúa.

 

 

a) Bước thứ nhất, lời Kinh Thánh dạy dỗ cho chúng ta biết được ý muốn của Chúa phải sống như thế nào để được tầm thước vóc giạc trọn vẹn của Đấng Christ hơn mỗi ngày. Biết bao nhiêu con cái Chúa cứ hay hỏi: “Làm sao tôi biết ý muốn của Chúa cho đời sống tôi,” nhưng lại không chịu đọc và học lời Chúa mà đã chép sẵn ý Chúa cho mình ở trong đó. Trong sách 1 Têsalônica 4:3-5 chép ý muốn của Chúa như sau: “ý muốn Đức Chúa Trời, ấy là khiến anh em nên thánh: tức là phải lánh sự ô uế, mỗi người phải biết giữ thân mình cho thánh sạch và tôn trọng, chẳng bao giờ sa vào tình dục luông tuồng như người ngoại đạo, là kẻ không nhìn biết Đức Chúa Trời.” Còn trong sách 2 Phiêrơ 3:9 thì chép “Chúa không chậm trễ về lời hứa của Ngài như mấy người kia tưởng đâu, nhưng Ngài lấy lòng nhịn nhục đối với anh em, không muốn cho một người nào chết mất, song muốn cho mọi người đều ăn năn.” Người thế gian thì họ không thể hiểu được những tiêu chuẩn sống này được vì không có lời của Chúa; mục tiêu của họ chỉ là sống để hưởng thụ, sống làm sao cho được nổi tiếng, giàu có, chức tước, quyền hạn, đầy khôn ngoan, học thức, và rồi chết trong tuyệt vọng mà thôi; nhưng chúng ta là con cái Chúa, nhờ lời dạy dỗ của Chúa, chúng ta hiểu được mục đích của cuộc sống chúng ta là mỗi ngày càng phải được biến dạng giống Chúa Giê-xu hơn và phải mở mang bờ cõi của nước thiên đàng nữa.

 

 

Lời Kinh Thánh dạy dỗ cho chúng ta biết được ý muốn của Chúa để được tầm thước vóc giạc trọn vẹn của Đấng Christ hơn mỗi ngày.

 

 

b) Bươc thứ hai, lời Kinh Thánh bẻ trách, nghĩa là giúp cho chúng ta thấy được những điều sai lầm, sự suy nghĩ, suy luận không đúng theo ý Chúa mà đang cản trở chúng ta trở nên trọn vẹn trong Chúa. Khi đọc Kinh Thánh, chú ý những mạng lệnh có chữ “chớ” hay là “đừng” vì đó là những điều mà lời Chúa “bẻ trách” mình không được phép làm. Lấy thí dụ về điều răn của Đức Chúa Trời trong XEDTK 20:1-7 – “Trước mặt ta, ngươi chớ có các thần khác. Ngươi chớ làm tượng chạm cho mình, cũng chớ làm tượng nào giống những vật trên trời cao kia, hoặc nơi đất thấp nầy, hoặc trong nước dưới đất. Ngươi chớ quì lạy trước các hình tượng đó, và cũng đừng hầu việc chúng nó; vì ta là Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi, tức là Đức Chúa Trời kỵ tà, hễ ai ghét ta, ta sẽ nhân tội tổ phụ phạt lại con cháu đến ba bốn đời, và sẽ làm ơn đến ngàn đời cho những kẻ yêu mến ta và giữ các điều răn ta. Ngươi chớ lấy danh Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi mà làm chơi, vì Đức Giê-hô-va chẳng cầm bằng vô tội kẻ nào lấy danh Ngài mà làm chơi.” Có bao nhiêu chữ “chớ” ở trong những câu Kinh Thánh này? Ngày trước, chúng ta có sự suy nghĩ “đạo nào cũng tốt; con đường nào cũng về Lamã; chúa nào cũng cứu,” nhưng bây giờ nhờ lời của Chúa bẻ trách, chúng ta biết rõ mình chỉ thờ lạy đôc tôn có một Chúa thôi, đó là Đức Chúa Trời và “chớ” có đốt nhan quì lạy trước một tà thần tượng chạm nào nữa.

 

 

Lời Kinh Thánh bẻ trách, nghĩa là giúp cho chúng ta thấy được những điều sai lầm, những suy luận không đúng theo ý Chúa mà đang cản trở chúng ta trở nên trọn vẹn trong Chúa.

 

 

c) Bước thứ ba, lời Kinh Thánh không phải chỉ “bẻ trách” chúng ta mà thôi, nhưng còn sửa trị, nghĩa là giúp cho chúng ta làm ngay ngắn lại, đi thẳng lại mà theo ý muốn của Chúa. Một thí dụ sau đây qua lời của Chúa Giê-xu trong sách Mathiơ 5:43-48 như sau: “Các ngươi có nghe lời phán rằng: Hãy yêu người lân cận, và hãy ghét kẻ thù nghịch mình. Song ta nói cùng các ngươi rằng: Hãy yêu kẻ thù nghịch, và cầu nguyện cho kẻ bắt bớ các ngươi, hầu cho các ngươi được làm con của Cha các ngươi ở trên trời; bởi vì Ngài khiến mặt trời mọc lên soi kẻ dữ cùng kẻ lành, làm mưa cho kẻ công bình cùng kẻ độc ác. Nếu các ngươi yêu những kẻ yêu mình, thì có được thưởng gì đâu? Những kẻ thâu thuế há chẳng làm như vậy sao? Lại nếu các ngươi tiếp đãi anh em mình mà thôi, thì có lạ gì hơn ai? Người ngoại há chẳng làm như vậy sao? Thế thì các ngươi hãy nên trọn vẹn, như Cha các ngươi ở trên trời là trọn vẹn.” Ngày trước, sự suy luận công bằng của con người cũ của chúng ta là “lấy ác trả ác; mắt đền mắt, tay đền tay,” nhưng bây giờ có lời Chúa, sự suy nghĩ của chúng ta được “sửa trị” cách chúng ta đối xử với mọi người phải như thế nào, kể cả đối với kẻ thù của mình nữa để được trọn vẹn làm con cái của Chúa. Tiêu chuẩn trọn vẹn của Chúa ở đây không phải chỉ là thương yêu những người thương mình mà thôi, nhưng kể cả kẻ thù của mình nữa. Trong sách Mathiơ 5:27-28 là một thí dụ nữa về lời Chúa sửa trị chúng ta điều gì “Các ngươi có nghe lời phán rằng: Ngươi chớ phạm tội tà dâm. Song ta phán cho các ngươi biết: Hễ ai ngó đàn bà mà động tình tham muốn, thì trong lòng đã phạm tội tà dâm cùng người rồi.” Ngày xưa có thể tự nghĩ ngó xem những địa chỉ Internet có hình ô dâm là điều chẳng có gì sai, có làm hại ai đâu; nhưng bây giờ có lời Kinh Thánh, chúng ta được sửa trị và không còn làm nữa vì biết rõ đó là tội. Biết bao nhiêu người kể cả cơ đốc nhân ngày nay đang sống lầm lẫn trong những mối tình dục ô uế xấu xa, mà cứ tưởng mình thật sự yêu vì không có lẽ thật. Có hai người yêu nhau, chàng thanh niên nói: “Nếu em thương anh thì còn tiếc gì nữa, sao không ăn ngủ với nhau?” Đó là một loại suy nghĩ sai lầm mà cần lời Chúa “sửa trị” vì thật ra chàng thanh niên này không yêu cô gái đó đâu, nhưng chỉ ham muốn thân thể trong tình dục ô uế với cô gái đó mà thôi. Đây là điều chúng ta phải nhờ vào lẽ thật của lời Chúa để biết ăn năn và dứt khoát với những mối liên hệ tình dục bất chính này.

 

 

Lời Kinh Thánh không phải chỉ “bẻ trách” chúng ta mà thôi, nhưng còn sửa trị, nghĩa là giúp cho chúng ta làm ngay ngắn lại theo ý muốn của Chúa.

 

 

d) Bước thứ tư, lời Kinh Thánh còn “dạy người trong sự công bình” nữa để được trọn vẹn. Công bình là sao, làm sao biết những điều nào là công bình? Công bình là những điều thuộc về Chúa, làm sáng danh vinh hiển của Chúa. Khi đọc Kinh Thánh, chú ý những mạng lệnh có chữ “hãy” hay là “phải” là những điều lời Chúa “dạy chúng ta bước đi trong sự công bình.” Thí dụ trong sách Rôma 12:6-16 – “Vì chúng ta có các sự ban cho khác nhau, tùy theo ơn đã ban cho chúng ta, ai được ban cho nói tiên tri, hãy tập nói theo lượng đức tin; ai được gọi đến làm chức vụ, hãy buộc mình vào chức vụ; ai dạy dỗ, hãy chăm mà dạy dỗ; ai gánh việc khuyên bảo, hãy khuyên bảo; ai bố thí, hãy lấy lòng rộng rãi mà bố thí; ai cai trị, hãy siêng năng mà cai trị; ai làm sự thương xót, hãy lấy lòng vui mà làm. Lòng yêu thương phải cho thành thật. Hãy gớm sự dữ mà mến sự lành. Hãy lấy lòng yêu thương mềm mại mà yêu nhau như anh em; hãy lấy lẽ kính nhường nhau. Hãy siêng năng mà chớ làm biếng; phải có lòng sốt sắng; phải hầu việc Chúa. Hãy vui mừng trong sự trông cậy, nhịn nhục trong sự hoạn nạn, bền lòng mà cầu nguyện. Hãy cung cấp sự cần dùng cho các thánh đồ; hãy ân cần tiếp khách. Hãy chúc phước cho kẻ bắt bớ anh em; hãy chúc phước, chớ nguyền rủa. Hãy vui với kẻ vui, khóc với kẻ khóc. Trong vòng anh em phải ở cho hiệp ý nhau; đừng ước ao sự cao sang, nhưng phải ưa thích sự khiêm nhường. Chớ cho mình là khôn ngoan.” Trong đoạn Kinh Thánh ngắn này có đến bao nhiêu chữ “hãy” và “phải?” Có đến 17 chữ “hãy” và 5 chữ “phải” là những điều giúp chúng ta hãy làm để trở nên trọn vẹn trong Chúa.

 

 

Lời Kinh Thánh còn “dạy người bước đi trong sự công bình” là những điều thuộc về Chúa và làm sáng danh vinh hiển Ngài.

 

 

III. Nguyên Tắc Áp Dụng Lời Chúa

 

Lời Chúa quan trọng mà chúng ta phải thường học hỏi luôn. Không phải chỉ học biết lời Chúa mà thôi, nhưng chúng ta phải thực hành lời Chúa nữa. Trong Giacơ 1:22-27 sứ đồ Giacơ khuyên con cái Chúa điều gì? - Hãy làm theo lời, chớ lấy nghe làm đủ mà lừa dối mình. Vì, nếu có kẻ nghe lời mà không làm theo thì khác nào người kia soi mặt mình trong gương, thấy rồi thì đi, liền quên mặt ra thể nào. Nhưng kẻ nào xét kĩ luật pháp trọn vẹn, là luật pháp về sự tự do, lại bền lòng suy gẫm lấy, chẳng phải nghe rồi quên đi, nhưng hết lòng giữ theo phép tắc nó, thì kẻ đó sẽ tìm được phước trong sự mình vâng lời.”  Một đời sống làm đẹp lòng Chúa rõ ràng cần hai yếu tố chính: nghe và làm theo lời của Chúa.

 

 

Một đời sống làm đẹp lòng Chúa cần hai yếu tố chính: nghe và làm theo lời của Chúa.

 

 

1) Thứ nhất, mỗi người chúng ta muốn áp dụng lời Chúa, thì trước hết phải chịu khó học lời của Chúa, lý do đơn giản là vì chúng ta không thể áp dụng những điều mình không hay là chưa biết. Có học thì phải hành, nhưng muốn hành thì phải trước hết học. Con cái Chúa của Hội Thánh ngày nay thường có thói quen xem thường sự học lời Chúa, gián tiếp có vô số người cơ đốc xem thường giờ học trường Chúa Nhật hay những buổi học Kinh Thánh giữa tuần, nhưng họ chỉ quan trọng hóa giờ thờ phượng mà thôi, và chỉ nghĩ nhóm thờ phượng như vậy là đủ “đạo” rồi; có lẽ vì vậy mà trong hội thánh của Chúa, con số của những “trẻ con” thường nhiều hơn là người lớn. Vì thiếu chú tâm, đặt ưu tiên đến việc học lời Chúa cho nên có nhiều Hội Thánh trông thấy đông người bên ngoài, nhưng nếu thật xét bên trong thì chỉ là một “nhà giữ trẻ,” đầy những trẻ em thuộc linh, chưa ăn đồ cứng được, còn uống sữa và hay nhõng nhẽo hoài chăng? Nan đề ngày nay của hội thánh thiếu tăng trưởng không phải là bởi vì thiếu tài chánh, không phải bởi vì thiếu những người có tài, nhưng là nan đề “spiritual maltrution” thiếu sự dinh dưỡng chất bổ thuộc linh của lời Chúa. Thống kê cho biết một người cơ đốc trung bình xem TV 20 tiếng đồng hồ mỗi tuần, nhưng chỉ đọc Kinh Thánh có 15 phút (1.25%) và cầu nguyện 6 phút (0.5%) mà thôi! Liệu với thống kê này thì những người cơ đốc sống ở Mỹ đây trong tương lai có thể đứng vững trước những sự bắt bớ, đe dọa của thế gian tối tăm này càng ngày đến cho người tin Chúa không? Nếu làm thống kê ở đây thì sẽ là những con số nào để có thể đo lường mức độ trưởng thành đức tin của Hội Thánh Chúa ở đây?

 

 

Ai muốn áp dụng lời Chúa thì trước hết phải chịu khó học lời của Chúa; vì có học thì mới hành được, nhưng muốn hành thì phải chịu học.

 

 

Học lời của Chúa không phải chỉ nghe mà thôi, nhưng mà phải hiểu lời Chúa dạy. Có lắm người vào nhóm ngồi nghe nhưng không hiểu gì hết, vì chỉ đến nhà thờ theo thói quen mỗi tuần mà thôi, nhưng chưa thật sự muốn tìm kiếm Chúa. Lời Chúa giống như một ngôn nghữ ngoại quốc, là những sự mầu nhiệm thuộc linh mà con người xác thịt của chúng ta không thể hiểu được. Trong sách 1 Côr. 1:18 – “Bởi vì lời giảng về thập tự giá, thì những người hư mất cho là điên dại; song về phần chúng ta, là kẻ được cứu chuộc, thì cho là quyền phép của Đức Chúa Trời.” Hiểu xong chưa hết, vì hiểu mà lòng không được chạm thì cũng vô ích mà thôi và nếu lòng chưa được “chạm” thì người đó sẽ không thể bắt đầu làm chi hết. Trong sách 1 Côr. 15:2 có dạy: “và nhờ đạo ấy, anh em được cứu rỗi, miễn là anh em giữ lấy y như tôi đã giảng cho; bằng không, thì anh em dầu có tin cũng vô ích.” Câu chuyện một đứa đệ tử hỏi thầy mình, gía trị của đức tin ở đâu? Ông thầy đưa cho nó một cái xô (bucket) bảo ra sông múc nước về, sau đó sẽ chỉ dậy cho biết. Nhưng cái xô là một cái xô lủng, có nhiều lỗ, khi về đến nhà, nước chảy ra hết. Cứ thế mà làm ba lần, rồi ông thầy mới dạy đứa đệ tử hiểu nếu múc nước bằng một cái xô lủng thì là vô ích; thì đức tin mà chỉ nghe thôi, không làm chi hết thì cũng vô ích mà thôi. Như vậy gía trị của đức tin ở chỗ làm theo lời đã học biết!

 

 

Học lời của Chúa không phải chỉ nghe mà thôi, nhưng mà phải hiểu lời Chúa dạy.

 

 

Một trong những nan đề của nước Mỹ hiện nay là bịnh “mập ú,” nhất là cho tuổi thiếu niên, lý do là vì các trẻ em ăn uống nhiều “junk food,” nhưng lại ít thể dục, suốt ngày cứ ngồi trước máy video game hay là Internet mà thôi. Con cái Chúa cũng vậy, nếu chúng ta chỉ biết học mà không cố gắng làm theo những lời của Chúa dạy thì cũng dễ bị căn bịnh “mập phì” hay “đầu to.”  Đừng vào nhóm nghe giảng với thái độ tự nghĩ rằng những lời giảng này chỉ cho người ngồi bên cạnh mà thôi, nào có can hệ gì đến tôi đâu! Có một bài hát rất cảm động như một lời cầu nguyện tha thiết - “Chạm lòng con Chúa ơi – ngay giờ này!”  Mỗi khi vào nhóm, phải thầm cầu nguyện trước: “Lạy Chúa! Xin lời Ngài chạm lòng con, dạy dỗ cho con hiểu và giúp con biết áp dụng và thực hành lời Chúa sau buổi nhóm này” và đây là một thái độ thờ phượng đúng cách. Khó có ai mà thành thật nghe lời Chúa thường xuyên, lòng bị cáo trách, bị chạm rồi mà cứ còn làm những việc ác nữa; chỉ có trường hợp một số người vì không chịu học lời Chúa thường xuyên, chưa bị chạm, nên cứ còn tỉnh bơ trong những việc ác mà thôi, phải không?

 

 

Con cái Chúa nếu chỉ biết học mà không cố gắng làm theo những lời của Chúa dạy thì dễ bị mắc phải căn bịnh “mập phì” hay “đầu to.”

 

 

2) Nguyên tắc thứ hai, muốn áp dụng được lời Chúa thì một người phải được đầy dẫy Đức Thánh Linh. Trong sách Êphêsô 5:18 lời Chúa dạy – “Đừng say rượu, vì rượu xui cho luông tuồng; nhưng phải đầy dẫy Đức Thánh Linh.” “Đầy dẫy Đức Thánh Linh” có nghĩa là sao?  Hình ảnh một cái chai thủy tinh đầy nước và chìm xuống dưới đáy; còn nếu không đầy, có không khí ở trong thì chai thủy tinh đó sẽ nổi và trôi lềnh bềnh khắp nơi. Đầy dẫy Đức Thánh Linh có nghĩa là luôn có một mối tương giao với Chúa và để Ngài dự phần trong mọi sự suy nghĩ và quyết định của mình. Một trong những phong trào của các bạn thanh niên Mỹ đó là hay đeo một cái vòng nơi cổ tay có khắc 4 chữ “WWJD” dịch ra nghĩa là “What Would Jesus Do?” để làm chi vậy? Để nhắc nhở các bạn trẻ trong mọi hoàn cảnh, trường hợp, cơ hội, hãy tự nghĩ xem nếu Chúa Giê-xu ở đây thì Ngài sẽ quyết định như thế nào mà làm theo.

 

 

Ai muốn áp dụng lời Chúa thì người đó phải được đầy dẫy Đức Thánh Linh.

 

a) Gỉa sử đi họp mặt với bạn bè thấy một anh thanh niên đẹp trai có lẽ thầm nghĩ: “Oh! He looks so cute…” nhưng suy nghĩ lại ngay và thầm nói: “Xin Chúa gìn giữ ý tưởng của con, vì con muốn quen biết một người yêu mến Chúa để gia đình tương lai của con hầu việc Chúa mà thôi…” Bao nhiêu người bạn trẻ ở đây có sự suy nghĩ giống như vậy khi làm quen, chọn bạn trăm năm cho chính mình đó là để Đức Thánh Linh dự phần, được ”đầy dẫy Đức Thánh Linh.”

 

b) Có bao nhiêu người thanh niên cơ đốc ở đây trước khi chọn ngành học đã thầm cầu nguyện xin Chúa Thánh Linh giúp mình chọn cho đúng ngành, để sau này được Chúa xử dụng?

 

c) Có bao nhiêu người ở đây trước khi đi kiếm việc làm, đã cầu nguyện xin Chúa giúp cho con có một công việc thoải mái, không bị đi làm trong ngày Chúa Nhật, để con được đi nhóm thờ phượng Chúa luôn mỗi tuần.

 

Người “đầy dẫy Đức Thánh Linh” là người luôn chú tâm đến những gì thuộc của Chúa trước tiên. Mà muốn như vậy, chúng ta phải biết nhờ cây Đức Thánh Linh - Tại sao?

 

a) Vì cá tánh tự nhiên của con người chúng ta hay quên mà cần được nhắc. Có một ông lão hay gọi tên vợ mình với những danh từ thật âu yếm như là “Honey, darling, sugar…” làm cho một anh thanh niên rất ngạc nhiên và muốn học hỏi bí quyết làm sao yêu vợ mình như thế. Ông lão trả lời: “Chẳng có bí quyết chi hết, lý do bác gọi vợ mình với những tên đẹp như vậy là bởi vì bác gìa đến tuổi này thì không còn nhớ tên của bác gái là gì nữa…” Chúng ta hay quên vì cuộc đời này đầy dẫy những “tiếng động” của thế gian xung quanh chi phối chúng ta, nào là tiếng phim Hàn Quốc, MTV, la hét trong những trận đấu Football, tiếng máy móc, tiếng nhạc liên khúc, điện thoại người bạn gái gọi, chi phối làm chúng ta hay quên.

 

b) Vai trò của Đức Thánh Linh là gì trong việc nhắc chúng ta nhớ? Trong sách Giăng 14:26 chép “Nhưng Đấng Yên ủi, tức là Đức Thánh Linh mà Cha sẽ nhân danh ta sai xuống, Đấng ấy sẽ dạy dỗ các ngươi mọi sự, nhắc lại cho các ngươi nhớ mọi điều ta đã phán cùng các ngươi.” Chúa nhắc thì chúng ta mới nhớ, có nhớ thì mới áp dụng được.

 

c) Việc làm thực tế để nhờ cậy Đức Thánh Linh nhắc nhở chúng ta đó là chúng ta phải thường xuyên mỗi ngày ghé những “trạm nghỉ.” Nếu lái xe thì chúng ta thấy có những trạm nghỉ, gọi là “rest areas,” chứ lái hoài sao được?  Dù cho đời sống có bận rộn đến đâu đi nữa, mỗi con cái Chúa phải có thì giờ nhất định cho sự nghỉ ngơi tĩnh tâm cầu nguyện, học lời Chúa, tương giao với Chúa buổi sáng, buổi trưa và buổi tối.

 

 

Chúa Thánh Linh nhắc thì chúng ta mới nhớ, có nhớ thì mới áp dụng được; mà muốn Ngài nhắc thì phải thường xuyên ghé những “trạm nghỉ.”

 

 

3) Nguyên tắc áp dụng lời Chúa phải đúng cách và đúng thái độ.

 

a) Việc áp dụng lời Chúa đầu tiên là phải cần tự áp dụng lời của Chúa cho chính mình trước rồi hẵn áp dụng cho những người khác, nếu không chúng ta trở thành những người “gỉa hình” sao? Chúa Giê-xu nhiều lần trách người Pharisi và thầy dạy luật là những kẻ gỉa hình, tại sao vậy? Không phải họ làm những việc đạo đức sao? Chúa trách họ là kẻ gỉa hình bởi vì bên ngoài họ lấy danh đạo đức, làm rất nhiều việc đạo đức, nhưng bên trong lòng không thật có đức tin và mối liên hệ với Chúa. Họ chỉ làm những việc đạo đức bên ngoài là vì ích lợi cho tư dục của riêng mình bên trong mà thôi chứ không vì Chúa mà làm. Thử hỏi nếu họ không gỉa hình thì tại sao Chúa Giê-xu phải dậy dỗ trong Mathiơ những điều sau đây? Trong Mathiơ 6:2“Vậy, khi ngươi bố thí, đừng thổi kèn trước mặt mình, như bọn giả hình làm trong nhà hội và ngoài đường, để được người ta tôn kính. Quả thật, ta nói cùng các ngươi, bọn đó đã được phần thưởng của mình rồi.”  Họ không bố thí vì yêu mến, biết ơn Chúa, nhưng là để những người xung quanh tôn kính mình. Trong Mathiơ 6:5 – “Khi các ngươi cầu nguyện, đừng làm như bọn giả hình; vì họ ưa đứng cầu nguyện nơi nhà hội và góc đường, để cho thiên hạ đều thấy. Quả thật ta nói cùng các ngươi, bọn đó đã được phần thưởng của mình rồi.” Họ không tương giao với Chúa trong sự cầu nguyện, nhưng mục đích để thiên hạ thấy và khen họ là những người đạo cao đức dầy. Trong Mathiơ 6:16 – “Khi các ngươi kiêng ăn, chớ làm bộ buồn rầu như bọn giả hình; vì họ nhăn mặt, cho mọi người biết họ kiêng ăn. Quả thật, ta nói cùng các ngươi, bọn đó đã được phần thưởng của mình rồi.” Chủ đích kiêng ăn của họ không là vì Chúa, nhưng để mọi người xung quanh tâng bốc mình lên là kẻ thánh thiện. Họ áp dụng lời Chúa qua người việc bố thí, cầu nguyện, kiêng ăn không là vì Chúa, hay cho sự vinh hiển của Chúa mình, nhưng cho riêng mình, để được thiên hạ tâng bốc, tôn kính. Cẩn thận áp dụng lời Chúa cho đúng cách, theo sự hướng dẫn của Chúa Thánh Linh vì lời Kinh Thánh không phải là một mảnh bùa để làm theo ý riêng của mình. Ý Chúa bày tỏ rõ trong Kinh Thánh không phải để chúng ta chọn lựa, bốc thăm, mò theo, hay phê bình theo sự suy luận của riêng mình tùy ý, nhưng để chúng ta vâng lời làm theo. Có một anh thanh niên muốn tìm kiếm ý Chúa trong Kinh Thánh như là bói bài. Một buổi sáng thức dậy, anh nhắm mắt lại, giở đại Kinh Thánh ra và chỉ ngón tay vào và mong sẽ biết được ý Chúa cho đời sống mình ngày hôm đó. Lần đầu, ngón tay anh chỉ ngay đúng vào Kinh Thánh Mathiơ 27:5 có lời chép “Giu-đa bèn ném bạc vào đền thờ, liền trở ra, đi thắt cổ.” Anh vội vã gấp Kinh Thánh lại và nhắm mắt làm lại, kỳ này ngón tay anh chỉ ngay vào trong Luca 10:37b có chép “…Đức Chúa Jêsus phán rằng: Hãy đi, làm theo như vậy.”  Anh không chịu, lại đóng sách lại và giở ra lần thứ ba thì ngón tay anh chỉ đúng vào sách Giăng 13:37b có chép: “… Đức Chúa Jêsus bèn phán cùng người rằng: Sự ngươi làm hãy làm mau đi.”

 

b) Không phải áp dụng đúng cách mà thôi nhưng đúng chủ động/thái độ. Đừng quên mục đích của sự dạy dỗ lời của lẽ đạo là để “gây dựng” chính đức tin mình và cho anh chị em mình trưởng thành trọn vẹn trong Chúa, chứ không phải lời Chúa là cớ để chúng ta dùng để lên án người khác. Có người vì không ưa những việc của người khác làm, có thể vì đi ngược theo ý riêng mình, nên hay vào Kinh Thánh chọn ra những câu Kinh Thánh để đoán xét người đó, thay vì gây dựng đức tin cho nhau.  Họ có thể dùng không sai Kinh Thánh, nhưng sai mục đích vì sai thái độ. Trong sách 1 Côr. 14:12 Phaolô khuyên gì? “Ấy vậy, vì anh em nôn nả ước ao các sự ban cho thiêng liêng, hãy tìm cho được dư dật đặng gây dựng Hội thánh.” Và một trong những ơn thiêng liêng là sự hiểu biết lẽ đạo. Đừng bao giờ quên chúng ta có ơn hiểu biết lời Chúa và đem ra áp dụng là để “gây dựng” chứ không phải để “hủy diệt.” Hãy tự xét lấy chính mình khi áp dụng lời Chúa với mục tiêu cuối cùng của tôi là gì? Có để gây dựng hay hủy phá, vì Chúa hay là theo ý riêng mình. Có đem đến ích lợi cho chính mình và cho những người nghe không?

 

 

Nguyên tắc áp dụng lời Chúa phải đúng cách và đúng thái độ nghĩa là cần tự áp dụng lời của Chúa cho chính mình trước và với mục đích gây dựng.

 

 

IV. Bổn Phận Mỗi Người

 

Sự áp dụng lời Chúa là bổn phận của mỗi người chúng ta để cho cả hội thánh đều được trưởng thành đều và kết nhiều quả cho nhà Chúa. Chúng ta không thể chậm trễ, trì hoãn, hay đổ thừa bổn phận học và hành lời Chúa cho những người khác được. Câu chuyện về một làng nọ có một đám cưới; Đôi tân hôn không có tiền nhưng lại muốn cả làng đến dự. Vì thế họ viết một lời yêu cầu: “Mỗi người đến dự tiệc xin giúp mang theo một lít rượu. Họ đặt tại giữa sân một cái thùng lớn để quan klhách đổ rượu vào, hoà chung để mọi người đều có rượu uống trong ngày đám cưới vui vẻ. Khi tiệc cưới bắt đầu, rượu được rót ra và đôi tân hôn mời mọi người đều nâng ly; nhưng rượu đâu không thấy, nếm chỉ là nước lã. Hóa ra là những người khách đến dự chỉ đem theo nước lã đổ vào thùng vì tự nghĩ  cũng sẽ chẳng ảnh hưởng gì cho thùng rượu chung; nào ngờ ai cũng nghĩ và làm y như vậy! Chúng ta có đang đổ thừa người khác trách nhiệm nuôi dưỡng linh hồn của mình lời Chúa không? Nếu ai cũng đổ thừa cho nhau thì hội thánh Chúa làm thể nào được biến hóa và tăng trưởng, nhưng chắc chỉ uống được toàn là nước lã thôi chăng?

 

 

Sự áp dụng lời Chúa là bổn phận của mỗi con cái Chúa để cho cả hội thánh đều được trưởng thành đều và đem nhiều kết quả cho nhà Chúa.

 

 

          Chúng ta có giống như “nai cái” đang thèm khát khe nước là lời của Chúa không? Chúng ta có phải là những cây đang mọc gần dòng sông, sanh bông trái theo thì tiết, lá nó cũng chẳng tàn héo; Mọi sự người làm đều sẽ thạnh vượng không? Chúng ta có đang suy gẫm lời Chúa ngày và đêm và sốt sắng tìm mọi cách áp dụng/thực hành/làm theo không? Chúng ta hết thẩy đã nghe, đã hiểu, bây giờ chỉ còn thiếu có một điều mà thôi đó là “hãy ra về làm theo lời, chớ lấy nghe làm đủ mà lừa dối mình.” Amen!

 

 

Chúng ta hết thẩy đã nghe, đã hiểu, bây giờ chỉ còn thiếu có một điều mà thôi đó là “hãy ra về làm theo lời, chớ lấy nghe làm đủ mà lừa dối mình.”


--------------- Lời Mời Gọi

 

Thân thể của anh chị em có đang thật khỏe mạnh không? Có lẽ khỏe mạnh hay không là tùy ở chúng ta đang nuôi nó với những thức ăn gì, hay có chương trình thể dục thể thao thường xuyên không? Nhưng tôi muốn hỏi lại: “Thân thể thuộc linh” của anh chị em có đang khoẻ mạnh không? Khỏe hay không cũng vậy là nhờ mình đang nuôi tâm linh của mình bằng những thức ăn thuộc linh nào và có đang thực hành/áp dụng những lời của Chúa không? Anh chị em đang thường xuyên nuôi thân thể tâm linh mình bằng gì? Có bằng lời của Chúa không? Chúa Giê-xu đã một lần phán gì trong Mathiơ 4:4“Người ta sống chẳng phải chỉ nhờ bánh mà thôi, song nhờ mọi lời nói ra từ miệng Đức Chúa Trời.”

 

Muốn ăn nuốt lời Chúa thì điều tự nhiên trước tiên đó là mỗi người chúng ta phải chịu nghe. Anh chị em có đang chờ đợi và mong muốn được nghe tiếng Chúa phán cùng mình không mỗi khi vào nhóm? Có những dấu hiệu thực tế nào mỗi ngày để chúng ta làm chứng là thật muốn nghe tiếng Chúa? Bao nhiêu thì giờ mình đang để dành riêng ra ưu tiên để ghé những “trạm nghỉ” mà nghe được tiếng Chúa dạy dỗ mình? Có tham dự các lớp Trường Chúa Nhật mỗi tuần, hay những buổi học Kinh Thánh trong nhóm nhỏ không?

 

Nghe rồi, hiểu rồi, bây giờ lòng có bị chạm chưa để bắt đầu làm theo những điều mình đã nghe? Có sẵn sàng điều chỉnh lại thời khóa biểu của mình để thực hành lời Chúa không? Có đang nhờ cậy Đức Thánh Linh để Ngài nhắc nhở, biến hóa tâm thần, buông tha chúng ta khỏi những thói hư tật xấu, sự suy nghĩ của con người cũ không? Có đang tìm kiếm Đức Thánh Linh hướng dẫn mình hiểu những ý muốn của Chúa mà bước theo không? Hay là đang hay đổ thừa trách nhiệm cho những người khác. Anh chị em có muốn Hội Thánh của Chúa ở đây được tăng trưởng, lớn lên, xum xuê sanh trái tốt cho sự vinh hiển của Ngài không? Điều này chỉ có thể trả lời nếu mỗi người chúng ta bắt đầu thực sự chịu nghe lời Chúa và ra về áp dụng/làm theo lời Chúa dạy, thì “đạo” sẽ được phát triển, lớn lên và Hội Thánh của Chúa sẽ được phước.

 

Bạn có đang nghe gì không? Nghe tiếng Chúa mời gọi bạn đến với Ngài để nhận sự cứu rỗi linh hồn không? Kinh Thánh/lời Chúa đang mời gọi: “Kìa, hiện nay là thì thuận tiện; kìa, hiện nay là ngày cứu rỗi!” (2 Côr. 6:2) Mong bạn đáp ứng lời mời gọi mà đến tin nhận Cứu Chúa Giê-xu là Đức Chúa Trời Chí Cao, từ trên trời giáng xuống để cứu chuộc bạn khỏi sự đoán xét của tội lỗi và ban cho bạn sự sống đời đời trong nước thiên đàng. Đừng chần chờ, vì sẽ có lúc nào đó tiếng mời gọi của Chúa không còn nữa, rồi bất ngờ một ngày bạn thức dậy trong sự hư mất và sẽ nuối tiếc đời đời sao? Đức Chúa Trời đã hy sinh Con một của Ngài chết một cách nhục nhã trên cây thập tự gía cho bạn rồi thì không còn có một lý do nào để bạn có thể bào chữa nữa trong ngày tận thế!

 

Con người chúng ta sẽ không tìm được ý nghĩa thật cho cuộc sống này bằng những mối liên hệ nào khác cho đến khi con người tìm lại được mối tương giao với Chúa. Không có “chỗ hỗng” nào trong tâm linh của bạn mà có thể lấp đầy, thỏa mãn bởi tình yêu thương của Chúa đã làm trọn qua Con Ngài ở trên cây thập tự gía được hết. Mọi vật chất ở trên đời này sẽ đi vào chỗ hư vong một ngày, cuộc sống sẽ chóng tàn, chấm dứt một lúc và chỉ còn lại lời hằng sống của Chúa mà thôi! Thật mong bạn mau ăn năn quay trở về với Ngài, ngay hôm nay!


 

Applying the Word

(James 1:22)

 

“Do not merely listen to the word, and so deceive yourselves. Do what it says.”

 

Health is the main focus for the Americans because without a good health, a person cannot live long and enjoy life. To gain a good health, people always emphasize on the needs of nutritious foods and regular exercise programs. For the spiritual body, we also need the food and exercise that are studying and doing God’s word to stay healthy.  As milk is a basic and important nutrition for the survival of babies, God’s word is our spiritual milk to survive. Jesus once taught a parable of the vine and branch to illustrate the importance of God’s word for our spiritual body growth. In this parable, the vine symbolizes Jesus in whom all branches are formed. In order for the branches to produce fruits, the branches must abide in the vine. God’s word provides the spiritual “sap” that the Holy Spirit uses for us to produce good fruits for His kingdom. What are some of the practical benefits of God’s word for our life? First, God’s word helps us to know Him personally. The Holy Spirit uses the truths in God’s word to set us free from the deeds of darkness. The truth of God’ word will perfect us in four different steps:

 

1. It teaches us about God’s will for our life,

2. It rebukes of our wrong doings,

3. It corrects our behavior and thoughts according to His standards,

4. It equips us to do the things matter to God.

 

There are three main principles in applying God’s word for our life:

 

1. To apply God’s word, one must first listen and understand the teachings of God’s word. The listener’s heart must be convicted by the Holy Spirit before he can start doing anything according to God’s word.

 

2. To apply God’s word, a person life should be filled with the Holy Spirit. The Holy Spirit reminds us God’s truths and encourages us to obey. We must often exit to “rest areas” each day, so we can be encouraged to live according to God’s word.

 

3. Apply God’s word first to yourself, so you won’t become a hypocrite. Remember the purpose of applying God’s word is to build up, not to destroy; for the Lord, not for our own desire.

 

Applying God’s word is the job of every Christians. You have heard and understood the truth, one missing “puzzle piece” left of applying God’s word as you leave this place is to “do what it says, so you would not deceive yourselves.”

 

Pastor Vinh Nguyen

Vinh.nguyen@c-ka.com

October 24, 2010