Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 50

Sự Rủa Sả Chúa Giê-xu Chịu

(The Curse of the Cross)

Galati 3:13

 

“Đấng Christ đã chuộc chúng ta khỏi sự rủa sả của luật pháp, bởi Ngài đã nên sự rủa sả vì chúng ta, vì có lời chép: Đáng rủa thay là kẻ bị treo trên cây gỗ.”

(Christ redeemed us from the curse of the law by becoming a curse for us, for it is written:

“Cursed is everyone who is hung on a pole.”)

 

 

I. Good Friday

 

Đối với nhiều người trên thế giới, Giáng Sinh thường là một ngày đại lễ, nhưng đối với những người tin theo Chúa Giê-xu, tuần lễ trước lễ phục sinh là một tuần lễ quan trọng nhất trong mỗi năm. Có người cho danh từ gọi là “Tuần Thánh,” vì đây là tuần lễ Chúa Giê-xu hoàn tất sứ mạng hy sinh chịu chết trên cây thập tự gía vì tội lỗi của cả nhân loại, để ban cho chúng ta ơn cứu rỗi và sự sống đời đời. Ngày thứ nhất trong tuần thánh này (Chúa Nhật lễ Lá vừa qua) là ngày Chúa Giê-xu cưỡi lừa con vào thành Giêrusalem lần cuối và được công khai là Đấng Mê-si, là Vua cho dân Do Thái. Bốn ngày sau là thứ Năm, là lúc Chúa Giê-xu bị giới lãnh đạo tôn giáo Do Thái bắt, đem ra xét xử. Ngày thứ Sáu theo sau, Chúa bị tra tấn, xử án, đánh đập, nhạo báng, vác thập tự gía trên con đường Via Delorasa lên đồi sọ Gôgôtha, để chịu đóng đinh trên cây thập tự, từ giữa trưa cho đến 3 giờ chiều, sau đó trút linh hồn và bị chôn vội vã trong mộ đá. Ngày thứ Bảy Chúa nằm trong mộ đá và sáng sớm Chúa Nhật Chúa đã sống lại vinh quang và hiện ra với các môn đồ của mình.

 

 

Đối với nhiều người trên thế giới, Giáng Sinh là một ngày đại lễ, nhưng đối với những người tin theo Chúa Giê-xu, tuần lễ trước lễ phục sinh là những ngày quan trọng nhất trong mỗi năm.

 

 

Tối thứ Sáu hôm nay, chúng ta cùng nhau đến đây để kỷ niệm một ngày, có một không hai trong lịch sử của loài người đó là ngày Con Trời đã bị giết chết. Ngày này tiếng Anh còn có một danh từ đặc biệt gọi là "Good Friday" hay dịch là Ngày thứ Sáu tốt lành. Tại sao ngày của một người bị giết chết một cách tàn nhẫn/dã man lại gọi là một ngày tốt được? Có phải vì người này là một kẻ gian ác đã làm hại nhiều người khác chăng? Chúng ta biết vào giữa thế kỷ 20, có một người lãnh tụ Đức Quốc xã tên là Adolph Hiller đã giết khoãng 6 triệu người Do Thái và là một mối đe dọa cho nhiều nước trên thế giời lúc đó. Nhiều người thời đó rất căm thù Hitler đến nỗi không những mong ông bị giết, mà còn nói rằng "lửa địa ngục" phải được tăng nóng lên gấp trăm lần để đốt sống ông. Sau khi Hitler chết có biết bao nhiêu người vui mừng, hằng triệu người khác bớt đi nỗi lo lắng và sợ hãi; nhưng ngày Adolph Hitler chết không ai lại gọi là ngày tốt lành hết?  Nhưng trong ngày Chúa Giê-xu bị chết một cách nhục nhã thì lại được gọi là ngày tốt lành, tại sao? Lý do đơn giản là vì ngày thứ Sáu này Con của Đức Chúa Trời là Cứu Chúa Giê-xu Christ đã bị đánh đập và chịu khổ hình trên thập tự gía không phải vì tội của mình, nhưng để trả mọi món nợ tội lỗi, thay thế cho mọi người, cho chính tôi và bạn. Và giờ đây, nước thiên đàng đang được mở rộng cho bất cứ những ai bằng lòng tiếp nhận ơn cứu rỗi của Đức Chúa Trời ban cho qua sự tiếp nhận chính huyết thánh của Chúa Giê-xu đã đổ ra cho mình, một cách không điều kiện.

 

Thứ Sáu trong tuần thánh này, chúng ta kỷ niệm một ngày, có một không hai trong lịch sử của loài người, đó là ngày Con Trời đã bị giết chết, bị rủa sả mà tiếng Anh có một danh từ đặc biệt gọi là "Good Friday."

 

 

II. Đấng Tối Cao

 

Ngày Chúa Giê-xu bị giết thì theo Phaolô còn gán cho một danh từ nặng nề hơn nữa đó là ngày Chúa bị rủa sả ở trên cây gỗ. Tại sao Chúa lại bị rủa sả, có phải vì Ngài đã làm điều ác gì không? Muốn trả lời câu hỏi, chúng ta cần trước hết trả lời một số những câu hỏi căn bản sau đây. Câu hỏi thứ nhất đó là "có Thượng Đế" thật không, và nếu có thì Ngài là ai? Chúng ta không thể hiểu tại sao Chúa Giê-xu bị chết nhục nhã mà chưa tin rằng có một Đấng thật thánh khiết và công bình đã giáng sự “rủa sả” trên Ngài được. Thứ nhất, khái niệm về sự hiện hữu của một Đấng công bình, quyền năng, và tối cao thì hầu như đất nước nào cũng có cả. Tuy danh từ khác nhau, có người gọi là Thượng Đế, Đức Chúa Trời, còn người Việt chúng ta gọi là “ông Trời,” nhưng hầu hết lương tâm của ai cũng đều xác nhận có một Đấng công bình tối cao. Người ta hay nói: Ông Trời” có mắt, Ngài thấy mọi lòng và sẽ phán xét mọi việc ác lành một cách công bình. Ai học lớp Giáo Lý Căn Bản thì biết có 3 chứng cớ căn bản để chúng ta nhận biết về sự hiện hữu của Đấng Công Bình tối cao này.

 

 

Muốn trả lời câu hỏi tại sao Chúa Giê-xu lại bị rủa sả, chúng ta cần trước hết trả lời một câu hỏi căn bản về sự hiện hữu của “Thượng Đế" có thật hay không, và nếu có thì Ngài là ai?

 

 

1) Chứng cớ thứ nhất để chúng ta nhận biết có sự hiện hữu của Ngài đó là sự sáng tạo của muôn loài vật xung quanh chúng ta. Trong Thi Thiên 115:15 có chép – (May you be blessed by the LORD, the Maker of heaven and earth.) "Đức Giê-hô-va, là Đấng dựng nên trời đất, đã ban phước cho các ngươi." Những ngày qua khí hậu thật là tốt đẹp, vào ban đêm khi nhìn lên bầu trời vũ trụ bao la, chúng ta thấy những vì sao tinh tú lấp lánh, là lúc chúng ta chiêm ngưỡng sự sáng tạo lạ lùng của Chúa. Mỗi ngôi sao là một Ngân hà (galaxy), ngân hà của chúng ta có tên là "Milky Way." Người ta còn cho biết ngoài ngân hà của chúng ta ra, còn có cả tỉ tỉ các ngân hà khác trong vũ trụ mênh mong mà trí óc hạn hẹp của loài người không thể hiểu hết được. Ai đã dựng nên những tạo vật lạ lùng này, chắc chắn phải có một Đấng quyền năng đã sáng tạo nên nó! Nếu quí vị tìm được một chiếc đồng hồ Seiko đẹp ở giữa sa mạc thì không thể nào nói rằng những cái kim, lò xo đang tự động quay là do cát bụi dựng nên; vậy thì nếu mặt trời mọc, lặn theo đúng chu kỳ của nó thì chúng ta cũng không thể nào nói đó là chuyện ngẫu nhiên mà có được, phải không?

 

 

Chứng cớ thứ nhất để chúng ta nhận biết có sự hiện hữu của Đấng Tối Cao đó là sự sáng tạo của muôn loài và muôn vật xung quanh chúng ta.

 

 

a) Chúng ta nhận biết có một Đấng sáng tạo tối cao qua sự xếp đặt, di chuyển và điều hoà của mọi vật theo đúng chu kỳ một cách lạ lùng và tinh vi, còn hơn chiếc đồng hồ Seiko nữa.  Chẳng hạn như chúng ta thấy trái đất lơ lửng ở giữa không trung, tự xoay xung quanh trục nó với tốc độ khoãng 1,000mph mà không có một bê tông cốt sắt nào đỡ nó hết? Chúng ta nhận biết có một Đấng sáng tạo tối cao qua sự cung cấp mọi nhu cầu cần thiết mỗi ngày cho đời sống con người chúng ta. Ông Trời ban cho nhiệt độ dưỡng khí và sức hút của trái đất để thích hợp cho sự sống của loài người chúng ta, không khí để thở, mưa nắng cho các mùa màng.  Trong Hội Thánh chúng ta có chú Đức bị đau nặng nhiều tháng. Lúc đi thăm, thím Đức làm chứng khi chú Đức ở trong nhà thương, sau khi về tiền bill gởi đến cho biết nội khí oxygen dưỡng cho chú khi còn ở trong Intensive Care Unit là khoãng $3,000 mỗi ngày; lúc đó mới thấy "không khí" Đức Chúa Trời ban cho mà không trả một xu nào thật là điều quí hoá! Chắc chắn phải có sự hiện hữu của một Đấng sáng tạo, nếu chúng ta không có niềm tin căn bản này thì không thể giải thích được câu hỏi tại sao Chúa Giê-xu phải bị rủa sả.

 

b) Chứng cớ thứ hai để chúng ta nhận biết về Đấng Sáng Tạo hiện hữu là nhờ Kinh Thánh. Trong sách Sáng Thế Ký 1:1 có chép – (In the beginning God created the heavens and the earth.) “Ban đầu Đức Chúa Trời dựng nên trời đất.” Nhờ Kinh Thánh mà chúng ta biết được danh xưng của Ngài là Đức Chúa Trời mà không có một cuốn sách nào trên đời này có hết.

 

 

Chứng cớ thứ hai để chúng ta nhận biết về Đấng Sáng Tạo hiện hữu là nhờ Kinh Thánh.

 

 

c) Nhưng nếu Đức Chúa Trời là Đấng vô hình và tối cao như vậy thì làm sao con người hạn hẹp của chúng ta có thể biết đến Ngài được? Có người đã có lần so sánh con người giống như những con kiến bò trên đất thì làm sao hiểu được sự khôn ngoan về máy điện toán của loài người được; cũng vậy, chúng ta là con người trần tục và bị giới hạn bởi không gian và thời gian thì làm sao tự mình hiểu được Đức Chúa Trời vô hạn được, nếu chính Ngài không tự khải thị cho chúng ta thấy. Trong sách Hêbêrơ 1:1-2 có chép (In the past God spoke to our ancestors through the prophets at many times and in various ways, but in these last days he has spoken to us by his Son, whom he appointed heir of all things, and through whom also he made the universe.) “Đời xưa, Đức Chúa Trời dùng các đấng tiên tri phán dạy truớc về Ngài, nhưng cho đến ngày sau rốt thì Ngài phán dạy chúng ta bởi chính Con Ngài là Đấng có trọn vẹn sự vinh hiển của Đức Chúa Trời.” Đây chính là sự giáng thế của Cứu Chúa Giê-xu, từ Trời đến mặc thể làm người hơn 2,000 năm trước đây. Con người không thể hiểu ông Trời được, nếu ông Trời không trước hết trở nên con người! Vì thế Kinh Thánh trong Philíp 2:6-7 có chép: (Who, being in very nature God, did not consider equality with God something to be used to his own advantage; rather, he made himself nothing by taking the very nature of a servant, being made in human likeness.) “Ngài (Chúa Giê-xu) vốn có hình Đức Chúa Trời, song chẳng coi sự bình đẳng mình với Đức Chúa Trời là sự nên nắm giữ; chính Ngài đã tự bỏ mình đi, lấy hình tôi tớ và trở nên giống như loài người;”

 

 

Con người hữu hạn không thể nào thông hiểu được Đức Chúa Trời vô hạn, nếu chính Ngài không tự khải thị cho chúng ta thấy qua Cứu Chúa Giê-xu.

 

 

III. Sự Rủa Sả

 

Chúa Giê-xu bị rủa sả vì Đức Chúa Trời tối cao là Đấng Thánh Khiết và Công Bình trọn vẹn.

 

 

Chúa Giê-xu bị rủa sả trên cây gỗ là vì Đức Chúa Trời tối cao là Đấng Thánh Khiết và Công Bình trọn vẹn.

 

 

1) Hai tuần trước đây, chúng ta đã học biết Đức Chúa Trời xưng chính Mình là Đấng Thánh Khiết. Thứ nhất, chữ "thánh khiết" đây mang ý nghĩa của "sự tinh khiết,” có nghĩa là không có bị trộn lẫn hay nhiễm bởi một thứ nào khác. Chúng ta thấy được sự thánh khiết biệt riêng của Đức Chúa Trời bày tỏ trong những điều răn hay mạng lệnh của Ngài. Chẳng hạn như trong điều răn căn bản thứ nhất có chép trong sách XEDTK 20:3(“You shall have no other gods before me.) "Trước mặt Ta, các ngươi chớ có các thần khác," nghĩa là chỉ một mình Ngài là Đức Chúa Trời, độc tôn chân thần, chí thánh và chí cao, biệt riêng ra khỏi tất cả những tà thần khác; Ngài không thể bị trộn lẫn, nhiễm chung với các thần khác được, vì Chúa là Đấng Thánh. Mạng lệnh của Đức Chúa Trời là con người phải thờ lạy Ngài và chỉ một mình Ngài mà thôi.

 

 

Sự thánh khiết biệt riêng của Đức Chúa Trời bày tỏ trong những điều răn và mạng lệnh của Ngài.

 

 

2) Nhưng Đức Chúa Trời còn là Đấng Công bình nữa, nghĩa là Ngài sẽ đoán phạt mọi tội nhân và mọi việc ác họ đã làm. Nếu mắc nợ ai mà không chịu trả, làm ác mà không bị phạt thì đâu còn là công bình, phải không? Nếu Đức Chúa Trời là Đấng Công Bình mà Ngài coi tội lỗi, sự ô uế như là không thì thật Ngài chưa phải là Đức Chúa Trời. Định nghĩa 2 chữ “tội lỗi” là gì? Trong sách 1 Giăng 3:4 – (Everyone who sins breaks the law; in fact, sin is lawlessness.) “Còn ai phạm tội tức là trái luật pháp; và sự tội lỗi tức là sự trái luật pháp.” Như vậy ai phạm tội nghịch cùng những điều răn, mạng lệnh, luật pháp của Chúa thì sẽ bị phạt, bị rủa sả mà thôi. Trong Cựu Ước sách Sáng Thế Ký 3:6-7 chúng ta thấy sự thánh khiết và công bình của Đức Chúa Trời bày tỏ qua sự phán xét, rủa sả tổ phụ của loài người vì họ đã phạm tội, nghịch lại mạng lệnh của Chúa (When the woman saw that the fruit of the tree was good for food and pleasing to the eye, and also desirable for gaining wisdom, she took some and ate it. She also gave some to her husband, who was with her, and he ate it. Then the eyes of both of them were opened, and they realized they were naked; so they sewed fig leaves together and made coverings for themselves.) “Người nữ thấy trái của cây đó bộ ăn ngon, lại đẹp mắt và quí vì để mở trí khôn, bèn hái ăn, rồi trao cho chồng đứng gần mình, chồng cũng ăn nữa. Đoạn, mắt hai người đều mở ra, biết rằng mình lõa lồ, bèn lấy lá cây vả đóng khố che thân.” Từ lúc ban đầu, tổ phụ loài người được Chúa dựng nên trong vuờn địa đàng bằng bụi đất và có sanh linh của Ngài thì Ađam và Êva đã một lần phạm tội, ăn trái của cây mà Đức Chúa Trời đã ra lệnh cấm không được ăn, từ đó loài người bị rủa sả và phân rẽ khỏi Đức Chúa Trời vì Chúa là Đấng thánh khiết và công bình. Trong Sáng Thế Ký 3:16-19 - Đức Chúa Trời đã rủa sả Ađam và Êva như thế nào? (To the woman he said, “I will make your pains in childbearing very severe; with painful labor you will give birth to children. Your desire will be for your husband, and he will rule over you.” To Adam he said, “Because you listened to your wife and ate fruit from the tree about which I commanded you, ‘You must not eat from it,’ “Cursed is the ground because of you; through painful toil you will eat food from it all the days of your life. It will produce thorns and thistles for you, and you will eat the plants of the field. By the sweat of your brow you will eat your food until you return to the ground, since from it you were taken; for dust you are and to dust you will return.”) “Ngài phán cùng người nữ rằng: Ta sẽ thêm điều cực khổ bội phần trong cơn thai nghén; ngươi sẽ chịu đau đớn mỗi khi sanh con; sự dục vọng ngươi phải xu hướng về chồng, và chồng sẽ cai trị ngươi. Ngài lại phán cùng A-đam rằng: Vì ngươi nghe theo lời vợ mà ăn trái cây ta đã dặn không nên ăn, vậy, đất sẽ bị rủa sả vì ngươi; trọn đời ngươi phải chịu khó nhọc mới có vật đất sanh ra mà ăn. Đất sẽ sanh chông gai và cây tật lê, và ngươi sẽ ăn rau của đồng ruộng; ngươi sẽ làm đổ mồ hôi trán mới có mà ăn, cho đến ngày nào ngươi trở về đất, là nơi mà có ngươi ra; vì ngươi là bụi, ngươi sẽ trở về bụi.” Chỉ có một tội không vâng theo mạng lệnh của Chúa thôi mà Ađam và Êva và thêm nữa cả dòng dõi nhân loại bị kết án, bị rủa sả của sự chết đời đời vì mọi người đều đã máng và phạm tội.  Sách Rôma 3:23/6:23 khẳng định điều này – (for all have sinned and fall short of the glory of God… For the wages of sin is death,) “vì mọi người đều đã phạm tội, thiếu mất sự vinh hiển của Đức Chúa Trời; Vì tiền công của tội lỗi là sự chết…” Sự chết đời đời trong lửa địa ngục chính là sự rủa sả của Đức Chúa Trời trên dòng dõi loài người tội lỗi đã phạm nghịch những điều răn, mạng lệnh, luật pháp của Chúa, không tìm kiếm Ngài để thờ lạy và hầu việc. Chúng ta không thể hiểu được tại sao Chúa Giê-xu phải bị giết một cách dã man cho đến khi chúng ta hiểu được Đức Chúa Trời là Đấng thánh khiết và công bình trọn vẹn đã rủa sả trên loài người. Sống trong xã hội nào, người ta cũng đòi và cần có sự công bằng. Vì thế người ta có những luật xử xét công bình như: ghế điện, lethal injection, bản án tù chung thân dành cho những kẻ phạm pháp. Chính trong thời người Lamã, họ cũng có những hình phạt tàn nhẫn như là đóng đinh những tội phạm trên cây gỗ theo luật xử án công bình. Nếu chúng ta hiểu được ở trên đời này, giữa con người với nhau mà phải có sự đoán xét công bằng thì chẳng lẽ chúng ta không hiểu Đức Chúa Trời là Đấng công bình trọn vẹn mà không rủa sả loài người sao? Sách tiên tri Êxêchiên 18:20a có chép luật công bình của Đức Chúa Trời rõ ràng đó là: (The one who sins is the one who will die.) "Linh hồn nào phạm tội thì sẽ chết…"

 

 

Đức Chúa Trời còn là Đấng Công bình nữa, nghĩa là Ngài sẽ đoán phạt mọi tội nhân vì linh hồn nào phạm tội thì sẽ chết.

 

 

3) Nếu Đức Chúa Trời là Đấng Công Bình thì tại sao Chúa Giê-xu lại bị rủa sả, khi chính chúng ta lại là những kẻ đã phạm tội? Câu trả lời đó là vì Đức Chúa Trời còn là Đấng yêu thương nữa. Trong sách 1 Giăng 4:8 - (Whoever does not love does not know God, because God is love.) “Ai chẳng yêu, thì không biết Đức Chúa Trời; vì Đức Chúa Trời là sự yêu thương.” Vì yêu thương thế gian mà Đức Chúa Trời đã hy sinh chính Con Ngài và đổ sự rủa sả của chúng ta lên Con Ngài là Chúa Giê-xu, Đấng “đã trở nên sự rủa sả của chúng ta…” Lời tiên tri trong sách Êsai 53:5-6 đã nói 700 năm trước Chúa Giáng Sinh về sự rủa sả Con Ngài khi Đức Chúa Trời dốc hết tội lỗi của nhân loại lên Chúa Giê-xu như sau: (But he was pierced for our transgressions, he was crushed for our iniquities; the punishment that brought us peace was on him,    and by his wounds we are healed. We all, like sheep, have gone astray, each of us has turned to our own way; and the LORD has laid on him the iniquity of us all.) “Nhưng người đã vì tội lỗi chúng ta mà bị vết, vì sự gian ác chúng ta mà bị thương. Bởi sự sửa phạt người chịu chúng ta được bình an, bởi lằn roi người chúng ta được lành bịnh. Chúng ta thảy đều như chiên đi lạc, ai theo đường nấy; Đức Giê-hô-va đã làm cho tội lỗi của hết thảy chúng ta đều chất trên người.” Nhiều năm trước đây có người đàn ông tên là Ralph Samora được phóng thích sau khi đã chịu 25 năm tù về tội cưỡng hiếp một cô giáo mà anh đã không phạm. Sau khi bị kết án, vợ anh bị đau tim, phải vào một bịnh viện nằm, 6 đứa con của anh phải nhờ một người khác nuôi. Sau khi được trả tự do vì người ta đã tìm được đúng thủ phạm, Samora nói: "Thật là một điều bất công, khi một người phải chịu tội thay cho một người khác. Một phần của đời tôi đã bị mất đi rồi.” Anh đòi công tố viện của chính phủ tại tiểu bang Texas xin lỗi anh vì đã truy tố lầm, nhưng họ từ chối. Ở đời này, thử hỏi có mấy ai trong chúng ta bằng lòng nhận tội của chính mình, nói chi đến việc chịu tội cho người khác; Nhưng thập tự gía nói lên tình yêu thương vô hạn của Ngài vì "khi chúng ta còn là những kẻ có tội thì Chúa Cứu Thế Giê-xu đã vì chúng ta chịu chết." Ngài từ Trời giáng thế để đổ huyết thánh trên cây gỗ, chịu sự rủa sả, chết thay cho tội lỗi của mỗi chúng ta. Chúa Giê-xu không có chết trên cây gỗ vì tội của mình, vì trong Ngài không có tội, nhưng vì tội của mỗi người chúng ta. Câu chuyện của một người nằm mơ thấy hình ảnh một người Lamã đang đánh đòn Chúa Giê-xu một cách tàn nhẫn và dã man. Ông rùng mình khi thấy những roi móc sắt quất vào lưng của Chúa và máu bắt đầu tuôn ra. Trong giấc mơ này ông không chịu được nữa, nên xông tới để ngăn tên lính không cho đánh Chúa nữa, nhưng khi người lính cầm roi móc sắt quay mặt lại, với sự kinh ngạc, ông thấy mặt của người lính ấy chính là gương mặt của mình! Chính tội của tôi và anh chị em mà Chúa Giê-xu bị đóng đinh trên cây gỗ, đổ huyết chuộc tội cho chúng ta.

 

 

Vì yêu thương thế gian mà Đức Chúa Trời đã hy sinh chính Con Ngài, là Đấng “đã trở nên sự rủa sả của chúng ta.”

 

 

Trong thời Cựu Ước, sự đổ huyết của những con thú như chiên, bò con, dê đực, chim bồ câu ngày xưa trong vòng người Do Thái là hình bóng về phương pháp Đức Chúa Trời sẽ rủa sả trên Con Ngài để cứu rỗi nhân loại. Đại lễ chuộc tội (Day of Atonment) của người Do Thái rất linh trọng, họ cử hành lễ này một lần mỗi năm, có chép trong sách Lêviký 16. Hai con vật được dùng: một con bò tơ và một con dê đực: Con bò tơ bị giết và thầy tế lễ thượng phẩm lấy huyết đem vào rẩy nơi thánh để cầu xin Chúa tha tội cho mình và cho dân mình. Khi đi ra, thầy tế lễ đặt tay lên đầu con dê đực còn sống, xưng trên nó các sự gian ác và vi phạm là tội lỗi của mình và dân sự mình rồi đuổi con dê đực đi vào đồng vắng để chết ở đó, có hình bóng là nó gánh trên mình hết thảy các tội ác và sự rủa sả của dân sự Chúa. Sự đặt tay trên con vật đó tượng trưng sự “truyền” đi tất cả tội phạm của mọi người lên con dê này, vì đó người ta mới có danh từ gọi con vật đó là "the Scape goat," con dê bị đổ thừa tội lên mình nó. Nghi lễ này cứ được lập đi lập lại nhiều lần trong lịch sử của người do thái, cho đến lúc Chúa Giê-xu là Chiên Con của Đức Chúa Trời bước lên đồi Gôgôtha, bị đóng đinh trên thập tự gía, đổ huyết và trút linh hồn để làm của lễ chuộc tội, một lần là đủ cả, gánh hết thảy mọi tội và sự rủa sả của cả nhân loại. Huyết thánh phải đổ vì không có huyết đổ thì không có sự tha tội, không thể nào che đậy sự lỏa lồ tội lỗi của cả dòng dõi nhân loại được từ Ađam cho đến người cuối cùng sanh ra trên đất này. Và chỉ có Chúa Giê-xu chính là con sinh tế toàn hảo, có huyết thánh vô tội trọn vẹn đó, đến từ trời, mới có thể cứu chuộc nhân loại ra khỏi sự phán xét của tội lỗi và từ đó chấm dứt mọi sự tế sinh, không còn cần huyết của một con chiên, dê hay bò tơ nào nữa. Trong sách Hêbêrơ 9:12 có chép – (He did not enter by means of the blood of goats and calves; but he entered the Most Holy Place once for all by his own blood, thus obtaining eternal redemption.) "Chúa Giê-xu đã vào nơi rất thánh một lần là đủ hết, không dùng huyết của dê đực và của bò con, nhưng dùng chính huyết mình, mà được sự chuộc tội đời đời.” Con đường giải thoát được hoàn tất khi Chúa Giê-xu trút linh hồn trên thập tự gía chết thay thế cho nhân loại.

 

 

Chỉ có Chúa Giê-xu là con sinh tế toàn hảo, đến từ Trời, và có huyết thánh vô tội mới có thể cứu chuộc nhân loại ra khỏi sự phán xét của tội lỗi và từ đó chấm dứt mọi sự tế sinh.

 

 

Truyền thống của ngày lễ "Good Friday" đến từ đó, không phải chỉ là một ngày được nghỉ học hay nghỉ ngơi, nhưng kỷ niệm một ngày đen tối, khi Con Trời gánh tất cả sự rủa sả vì tội lỗi của cả nhân loại trên thân thể Ngài: nào là gian dâm, ô uế, say sưa, tục tỉu, thờ hình tượng, hỗn láo với cha mẹ, hung ác, lường gạt, ích kỷ, khoe khoang, không đếm hết được và nhân lên cho mỗi người. Chúa Giê-xu gánh hết tất cả sự rủa sả này ở trên cây gỗ để hễ ai tin Ngài sẽ không còn bị hình phạt của hồ lửa địa ngục nữa; đó là Tin Lành, nghĩa là "Tin tức tốt Lành" cho mọi người chúng ta! Qua sự chết của Chúa, chúng ta được hợp pháp xưng công bình và được chuộc lại cho chính Đức Chúa Trời, được làm con cái của Ngài và chờ đợi hưởng nước thiên đàng một ngày như có chép rõ trong sách Rôma 3:24-25(and all are justified freely by his grace through the redemption that came by Christ Jesus. God presented Christ as a sacrifice of atonement, through the shedding of his blood—to be received by faith. He did this to demonstrate his righteousness, because in his forbearance he had left the sins committed beforehand unpunished) “và họ nhờ ân điển Ngài mà được xưng công bình nhưng không, bởi sự chuộc tội đã làm trọn trong Đức Chúa Jêsus Christ, là Đấng Đức Chúa Trời đã lập làm của lễ chuộc tội, bởi đức tin trong huyết Đấng ấy. Ngài đã bày tỏ sự công bình mình như vậy, vì đã bỏ qua các tội phạm trước kia.” Chúng ta được xưng công bình vì mọi sự rủa sả của chúng ta, mọi món nợ của tội lỗi chúng ta đã được chuyển qua, truyền qua “account” (bản kê khai) của Cứu Chúa Giê-xu rồi, đã được thanh toán sạch và nay những kẻ tin được tuyên bố là vô tội, chẳng còn nợ một tội nào nữa.

  

 

Chúa Giê-xu gánh hết tất cả sự rủa sả của tội lỗi ở trên cây gỗ để hễ ai tin Ngài sẽ không còn bị hình phạt của hồ lửa địa ngục nữa, mà được hợp pháp xưng công bình trước Đức Chúa Trời, được làm con cái của Ngài và chờ đợi hưởng nước thiên đàng một ngày.

 

 

 

IV. Tin Nhận Chúa Giê-xu

 

Ngày "Good Friday" hôm nay cũng sẽ như mọi ngày thứ Sáu khác, nếu sau khi bạn đã nghe về ý nghĩa của sự chết và rủa sả của Chúa Giê-xu trên thập tự gía, nhưng cứ còn từ chối không chịu nhận món quà cứu rỗi Ngài hứa ban cho. Ai làm thuế năm nay mà sẽ nhận được tiền của chính phủ trả lại bởi những ”credits” họ cho. Nếu anh chị em nhận được check cầm trên tay mà không chịu "cash nó," nhưng đi dụt cái check vào sọt rác thì số tiền trên cái check đó có sẽ ích gì cho mình không, dù cho nó có đến 4-5 con số đi nữa?  Đức Chúa Trời ban cho sẵn con đường cứu rỗi qua Con Ngài, nhưng nếu chúng ta không chịu nhận thì chẳng bao giờ ơn đó sẽ thuộc của mình. Ngày “Good Friday” sẽ không là "Good" cho đến khi bạn bằng lòng ăn năn tội và bởi đức tin cầu xin Cứu Chúa Giê-xu hứng sự rủa sả của tội lỗi mình. Vì rõ ràng trong Kinh Thánh Rôma 8:1 có chép: (Therefore, there is now no condemnation for those who are in Christ Jesus) “Cho nên hiện nay chẳng còn có sự đoán phạt nào cho những kẻ ở trong Đức Chúa Jêsus Christ.” Và trong Kinh Thánh 1 Giăng 5:11-12 có chép – (And this is the testimony: God has given us eternal life, and this life is in his Son. Whoever has the Son has life; whoever does not have the Son of God does not have life.) "Chứng ấy tức là Đức Chúa Trời đã ban sự sống đời đời cho chúng ta, và sự sống ấy ở trong Con Ngài. Ai có Đức Chúa Con thì có sự sống, ai không có Con Đức Chúa Trời thì không có sự sống." Thật mong bạn sẽ tiếp nhận Chúa Giê-xu làm Cứu Chúa của mình, để Ngài gánh lấy mọi sự rủa sả của mình ở trên cây gỗ, để bạn không còn bị ở dưới một sự rủa sả nào nữa, mà được sự sống đời đời. Amen!

 

 

“Good Friday” sẽ không thể nào là "Good" cho đến khi bạn bằng lòng ăn năn tội và bởi đức tin cầu xin Cứu Chúa Giê-xu hứng sự rủa sả của tội lỗi mình.

 

 

------------- Lời Mời Gọi

 

Anh chị em có bao giờ bị ai rủa sả mình chưa? Không phải vì mình đã làm điều sai trái gì, nhưng bị rủa sả một cách oan uổng. Nếu mình lái xe quá tốc độ mà bị “ticket” bị phạt thì không nói làm gì; nhưng nếu chúng ta bị phạt không bởi tội của mình thì thật là một điều vô lý hết sức. Buổi tối hôm nay, lời của Chúa đã giúp đỡ mỗi người chúng ta hiểu được vì tội lỗi của mỗi chúng ta mà Chúa Giê-xu, Con Đức Chúa Trời đã bị rủa sả, chịu đau đớn và chết trên thập tự gía. Có bài hát với tựa đề “On my Cross" nghĩa là thập tự gía của tôi, nhưng Chúa Giê-xu, Con Đức Chúa Trời đã bị rủa sả gánh thế cho. Đây là một điều hết sức vô lý mà vì Đức Chúa Trời yêu thương nhân loại đã làm cho chúng ta. Chúng ta sẽ đáp lại món quà của tình yêu Chúa như thế nào tối hôm nay? Chúng ta có sẽ ngoảng mặt, khinh thường như những người xưa ở dưới chân thập tự gía đã mỉa mai, nhạo báng, nhục mạ  Chúa, hay chúng ta sẽ ăn năn và tiếp nhận Ngài vào tấm lòng của mình? Đức Chúa Trời là Đấng yêu thương, không muốn một ai bị hư mất đời đời, nên đã bằng lòng hy sinh Con Một Ngài, bị rủa sả và bị treo trên cây gỗ, đổ huyết đền tội thế cho nhân loại, và thỏa mãn mọi sự công bình, mà tội lỗi đòi gía của nó. Đức Chúa Trời đã làm trọn sự cứu rỗi và ban cho một cách không điều kiện, cho bất cứ ai bằng lòng ăn năn thống hối và tiếp nhận Con Ngài vào lòng ở bất cứ chỗ nào, bất cứ lúc nào, trong bất cứ tình trạng hư mất nào. Buổi tối hôm nay là ngày "Good Friday," là một cơ hội tốt cho bạn nhận được sự cứu rỗi và sự bảo đảm tương lai cho sự sống đời đời của mình, nếu bạn bằng lòng tin nhận Cứu Chúa Giê-xu. Hãy cầu nguyện tiếp nhận Chúa ngay giây phút này, khi bạn còn có cơ hội.

 

Nếu có ai đã thành thật cầu nguyện như vậy, giờ đây bạn là con cái Chúa, tương lai đã được bảo đảm. Bây giờ câu hỏi đó là chúng ta sẽ sống như thế nào? Có sẽ sống tiếp tục như là một người còn bị rủa sả, hay là một người đã được trả tự do, được xưng công bình rồi? Đời sống của chúng ta có sẽ phản ảnh thập tự gía của Chúa không? Tôi không nói đến những thập tự gía bằng vàng người ta đeo trên tai, cổ, hay có người xỏ mũi nữa, nhưng là sự khổ nạn vác thập tự gía của mình mỗi ngày mà bước theo Chúa Giê-xu. Ngày nay những người xung quanh có thấy những dấu đinh này không trong đời sống của chúng ta, để họ biết Chúa cũng đã chết cho họ không?

 


The Curse of the Cross

(Galatians 3:13)

 

Although Christmas is the most celebrated holiday, Easter is by far the most important
event in the life of Christ for He came to die for the sins of mankind, be buried and rise again on the
third day for our justification. “Good Friday” is an appropriate time to remember the suffering of Jesus before the Easter Sunday. Why is it called “Good Friday” for someone like Jesus Who died so cruelly? To answer this question, we first answer the most basic question about the existence of a Creator. There are three main facts that can help us to know about God’s existence: His creation, the Bible, and Jesus Christ. God is not just the Creator but His basic attributes are holy and righteous. His holiness reveals through His laws and His righteousness is demonstrated through His perfect judgment. Because God is holy and righteous, He cursed Adam and Eva and their children for the sin of breaking His commandment of eating the fruit of the forbidden tree. But why did Jesus become the curse of sin when we all have sinned? The answer is because God is also love. He loves us so much to lay on His only begotten Son the iniquity of us all. Jesus loves us so much to become a curse for us on the cross. According to the holy and just requirement of God, somebody had to pay for the sin debt of every sinner born. This price had to be paid by a perfect sinless sacrifice. For this reason, He had to send His Son Jesus for He was the only One worthy, the only One capable of meeting God's standard of a perfect sinless Sacrifice to atone for the great sin debt of all mankind. This curse was previously pictured in the Old Testament through the animal sacrifices on the day of atonement of the Jewish people. But when Christ came and died on the cross, He fulfilled once and for all for all the required sacrifices. Those who believe in Him are legally declared to be righteous since their curse has been transferred to Jesus’ account. The only way Good Friday can be good, if you are willing to repent your sins and believe in the Lord Jesus Christ. Let us draw ourselves closer to the cross to remember how much suffering He had to be cursed on the tree because of our sins, so we can repent, and surrender our lives to Him.