Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 52

Sự Chăm Sóc của Người Mẹ

(Giăng 10:1-15)

 

“Ta là người chăn hiền lành; người chăn hiền lành

vì chiên mình phó sự sống mình.”

 

 

Lòng mẹ bao la như biển thái bình, dạt dào. Lòng mẹ bao la như dòng suối hiền, ngọt ngào... đó là những lời ca đã được sáng tác, để ca tụng tình yêu của người mẹ, mà hầu hết những người Việt chúng ta vẫn còn nhớ.  Thật ra không phải chỉ người Việt chúng ta mà thôi, hầu hết tất cả các dân tộc trên thế giới đều biết đề cao tình thương và tấm lòng cao thượng của những người mẹ. Chẳng hạn như ở bên Hoa-kỳ đây, cứ đến Chúa Nhật thứ hai của tháng Năm, thì người ta ở khắp mọi nơi đều dành riêng ra một ngày lễ, gọi là “Lễ Mẹ,” với mục đích bày tỏ lòng biết ơn công lao của các bà mẹ.

 

 

I. Vai Trò của Người Mẹ

 

Người mẹ đóng một vai trò rất quan trọng trong gia đình và xã hội.  Con cái có được “nên người hay không cũng tùy thuộc phần lớn vào những người mẹ.  Đây là thiên chức đặc biệt mà Thiên Chúa đã dành cho những người phụ nữ, từ lúc ban đầu.  Vai trò của người mẹ đóng góp phần lớn trong sự dạy dỗ, khuyên bảo và chăm sóc con cái trong mỗi gia đình.  Tuy nhiên, muốn đạt được những mục tiêu này, các bà mẹ cần phải biết dành nhiều thì giờ cho con cái mình.  Trên thực tế, vì kế sinh nhai cần thiết ở bên đất nước Hoa-kỳ này, hầu như sự chăm sóc của những người mẹ trong thời đại tân tiến này đã bị giới hạn, vì có nhiều người mẹ phải đi làm, khi con còn nhỏ tuổi.  Ngày xưa, người ta thường ca tụng sự hy sinh của những người mẹ ở nhà trông nom, săn sóc cho con cái và gia đình, nhưng theo xã hội bây giờ, có lẽ vấn đề này đã trở thành một “chuyện lỗi thời” rồi chăng?  Thật ra công việc của người mẹ ở nhà chăm sóc con cái và gia đình không phải là một chuyện tầm thường hay thấp kém.  Có một lần, tờ báo Rearder's digest đã tính thử tiền công mướn một người phụ nữ (tiếng Anh gọi là “Nanny”) để chăm sóc một gia đình có hai đứa con nhỏ, nào là giặt giũ, nấu nướng, dọn dẹp, lái xe đưa đón, kèm học, làm y tá v...v..., thì số tiền trả công đó lên đến 75 ngàn đô-la mỗi năm.  Tùy theo hoàn cảnh và sự cần dùng của mỗi gia đình, tôi không dám quyết định cho gia đình quí vị về vai trò của người mẹ cần phải ở nhà hay nên đi làm, nhưng chỉ mong nhấn mạnh đến những nhu cầu của con em chúng ta, đang cần được những người mẹ chăm sóc kỹ càng, nhất là khi con mình còn nhỏ.  Thật ra, nếu người mẹ ở nhà mà không lo chăm sóc cho gia đình, nhưng chỉ biết dán mắt say mê vào những chương trình TV “Soap Operas,” hay những bộ phim hàn quốc, đến nỗi bỏ con cái mình bị chết đói mà đã xảy ra, thì việc người mẹ ở nhà cũng vô ích thôi.

 

 

II. Bổn Phận Chăm Sóc Con Cái

 

          Khi nói đến hai chữ chăm sóc,” Chúa Giê-xu đã một lần dùng hình ảnh của người chăn chiên hiền lành biết chăm sóc đàn chiên của mình, được chép trong sách Tin Lành Giăng 10:1-15 như sau: “Quả thật, Ta nói cùng các ngươi, kẻ nào chẳng bởi cửa mà vào chuồng chiên, nhưng trèo vào từ nơi khác, thì người đó là trộm cướp. Nhưng kẻ bởi cửa mà vào là người chăn chiên. Người canh cửa mở cho, chiên nghe tiếng người chăn; người chăn kêu tên chiên mình mà dẫn ra ngoài. Khi người đã đem chiên ra hết, thì đi trước, chiên theo sau, vì chiên quen tiếng người. Nhưng chiên chẳng theo người lạ... Đức Chúa Giê-xu lại phán cùng họ: Quả thật, Ta nói cùng các ngươi, Ta là cửa của chiên.... nếu ai bởi Ta mà vào, thì sẽ được cứu rỗi; họ sẽ vào ra và gặp đồng cỏ. Kẻ trộm chỉ đến để cướp giết và hủy diệt; còn Ta đã đến, hầu cho chiên được sự sống, và được sự sống dư dật. Ta là người chăn chiên hiền lành; người chăn hiền lành vì chiên mình phó sự sống mình…”  Trong thí dụ này có ba điểm chính về sự chăm sóc của người chăn cho chiên mình, mà hy-vọng các bà mẹ sẽ học biết được ở nơi Cứu Chúa Giê-xu để cũng biết chăm sóc con cái mình: 1) Người chăn biết chiên, 2) Bảo vệ chiên, và 3) Hy-sinh cho chiên của mình. 

 

 

          1) Biết Nhu Cầu của Con Cái - Trong đoạn Kinh Thánh này, Chúa Giê-xu dạy người chăn chiên biết rõ và “kêu tên từng chiên mình.” Trong gia đình, có lẽ người mẹ là người phải “biết” rõ nhất mọi nhu cầu của từng đứa con một.  Biết rõ mỗi đứa đang ở đâu và đang cần gì.  Tôi nhớ ngày xưa khi mới qua Mỹ, có một vị Mục Sư hầu như tối nào cũng xuất hiện trên màn ảnh TV, khoảng 10 giờ tối và đặt một câu hỏi: “Ngay bây giờ, các quí vị phụ huynh có biết chính con em của mình đang ở đâu không?” Điều đáng buồn cho xã hội ngày nay, đó là có nhiều gia đình, vì cha mẹ quá bận bịu trong công ăn việc làm, cửa tiệm, những thú vui, hay tiệc tùng “weekend” với bạn bè mà để con cái mình cứ “lêu lỏng” tự do, làm bạn với ai cũng được, muốn đi chơi khuya đâu thì đi và muốn về khi nào thì về. Để biết rõ nhu cầu của con cái, người mẹ phải có một mối liên hệ thân mật gần gũi với từng đứa con mình. Ngày hôm nay, hầu hết nhiều gia đình được đầy đủ sung túc mọi thứ vật chất, nhưng điều thiếu sót nhất, có lẽ là những buổi ăn tối ngồi chung với nhau. Điều này tương đối khó làm, nhưng có việc còn khó hơn nữa, đó là trong bữa ăn với gia đình mỗi ngày, không có bật TV, hay máy hát để mọi người có thì giờ nói chuyện tâm sự với nhau, chia xẻ nhu cầu của nhau.  Tôi thường nhớ lại ngày xưa khi còn ở Việt-nam, sống trong một gia đình nghèo, mỗi lần chúng tôi ăn cơm thì đều trải chiếu dưới đất, nhưng những bữa cơm thịnh soạn này thật là ấm cúng vì xung quanh luôn có ba má, cô chú và đầy đủ các anh chị em trò chuyện với nhau vui vẻ.

 

          Muốn chăm sóc con cái của mình, người mẹ cần phải biết và chú tâm đến từng nhu cầu của mỗi đứa con mình.  Nhu cầu của con cái không phải chỉ là những món ăn được đặt ở trên bàn thôi, nhưng con cái chúng ta còn có nhu cầu tình cảm nữa.  Trong gia đình, có lẽ con em chúng ta thường gần gũi và tâm sự với người mẹ hơn là người cha.  Nhưng nếu người mẹ không có thì giờ cho con cái mình, thì đương nhiên chúng nó sẽ đi “tâm sự” với người khác và thường là “bạn bè xấu” để bị sa vào nhiều sự cám dỗ, gặt hái đau thương. Cách đây vài tuần chúng ta đã nghe một tin xấu về hai đứa thiếu niên gái đã xuí nhau cùng thắt cổ tự tử mà cha mẹ không hề biết.  Tại sao ngày nay trong nước Hoa-kỳ có đến trên nửa triệu thanh thiếu niên đang ở trong các băng đảng?  Có phải vì con em chúng ta đã kiếm được những người bạn đời sẵn sàng lắng nghe “tâm sự” của mình, vì chính cha mẹ mình quá bận rộn không có thì giờ chăng?  Mỗi người mẹ hãy tự hỏi mình câu này, khi con cái chúng ta gặp một trở ngại, áp lực hay khó khăn nào đó trong đời sống, chúng nó thường đến tâm sự với ai trước tiên; chúng nó có đến tâm sự với mình không, hay là chỉ đến với những “người lạ?” Câu chuyện hết sức là cảm động khi có một đứa bé trai đến hỏi má nó: “Má đi làm mỗi giờ người ta trả má bao nhiêu tiền?” Má nó trả lời: “Khoãng chừng 30 đôla mỗi giờ. Tại sao con hỏi má vậy?” Thằng bé yên lặng chẳng trả lời. Sau đó, nó cố gắng đi cắt cỏ, giúp việc cho những người hàng xóm để được trả lương. Sau một tuần, nó đến với má nó trong tay đầy những giấy đồng đôla lẻ và quarters và nó nói: “Con để dành được 30 đô la. Có thể nào còn đưa cho má để có được một tiếng đồng hồ tâm sự với má được không?”  

 

 

          2) Bảo Vệ Con Cái - Trong thí dụ của người chăn chiên hiền lành, Chúa Giê-xu cũng đã phán: “Ta là cửa của chiên.”  Khi nói đến chữ “cửa” tôi nghĩ đến sự bảo vệ của người chăn. Cửa của chuồng chiên ngày xưa được dùng để giữ kẻ trộm hay thú dữ khỏi vào làm hại đàn chiên.  Chẳng ai có thể vào được chuồng chiên, nếu không bước qua cửa, hay nói là “phải bước qua mạng sống của người chăn.” Ngày hôm nay, có những thú dữ đang len lỏi vào trong nhiều gia đình, mà người mẹ phải biết để bảo vệ con cái mình.  Một trong những thứ đó có thể chỉ lớn có khoảng 64” và mỏng chỉ có vài inch thôi, đó là cái “flat screen TV,” cái đầu máy Video Game, hay cái máy điện toán đang đứng giữa phòng khách của nhiều gia đình. Tôi không đả kích vấn đề xem TV, nhưng quí vị có biết con em mình đang xem những chương trình gì trên TV không? Quí vị có biết trên TV ngày nay có trên 20 tài tử Hollywood trong những TV Shows nổi tiếng đang ca tụng và cổ động vấn đề tự do “đồng tính luyến ái” không?  Quí vị có biết trung bình một em bé lớn lên coi TV thường, thì khi đứa trẻ đó đến 18 tuổi, đã chứng kiến trên 18,000 vụ giết người trên TV rồi không? Tại sao trẻ em ngày nay quá bạo động, mà học sinh chỉ mới có lớp mẫu giáo thôi mà đã biết cầm súng vào trường làm hại người khác, như đã xảy ra ở tiểu bang Louisiana? Quí vị có biết những phim hoạt họa (Walt Disney World movies) ngày nay có giấu những hình ảnh dâm dục trong đó không?  Điều càng đáng buồn nữa cho xã hội ngày nay đó là nhiều cha mẹ lại dùng cái TV để “baby sitting” con em của mình. Quí vị có biết trong những thư viện công cộng ngày nay, có những máy điện toán dùng hệ thống “Internet,” mà con em chúng ta có thể tự do tìm những hình ảnh dâm dục bậy bạ một cách dễ dàng không?

 

          Cách hay nhất để bảo vệ con em của mình, đó là dành thì giờ mỗi ngày dạy dỗ chúng nó chân lý của một đời sống tốt lành theo đường lối của Thiên Chúa, mà đã được ghi chép trong Thánh Kinh.  Điều trở ngại cho tuổi trẻ ngày nay, đó là chúng nó không biết phân biệt được đâu là đúng, đâu là sai và hậu quả tai hại của những điều sai ảnh hưởng đến tương lai của chúng nó thể nào.  Có người nói: “Tấm lòng của những đứa trẻ lớn lên giống như một tờ giấy trắng tinh, nếu cha mẹ không để thì giờ viết trên đó những điều hay lẽ phải, thì tự nhiên những điều xấu xa, không tin kính sẽ được chép ở trên đó.” Người mẹ cần phải dành thì giờ mà dạy dỗ con em mình những đường lối của Thiên Chúa trong Kinh Thánh, vì qua đó chúng nó mới biết kính sợ Đức Chúa Trời và sống có trách nhiệm với chính mình và với những người xung quanh.

 

          Dạy dỗ lời Chúa chưa đủ, cách hay hơn nữa để ảnh hưởng con em của mình đó là sống “làm gương” cho con mỗi ngày.  Người chăn phải “đi trước, chiên theo sau.” Chúng ta không thể nào dạy con mình tin cậy Chúa, mà cứ đụng một tí hoạn nạn hay thiếu thốn thì lại lo sợ hay than vãn đủ điều.  Chúng ta không thể nào muốn con cái mình để tâm trong việc học hành mỗi ngày, mà mình cứ để cái TV chạy 24 tiếng không nghỉ, từ cuộn phim này sang đến cuộn kia?  Đời sống của mỗi người mẹ phải là cuốn Kinh Thánh sống cho mọi người xung quanh đọc. Có lần trong một lớp học Kinh Thánh, vị giáo sư hỏi một số các em thiếu niên: “Loại dịch sách Kinh Thánh nào là chính xác nhất?”  Sau một hồi yên lặng, một em bé gái giơ tay trả lời: “Thưa thầy, loại dịch Kinh Thánh qua chính đời sống của mẹ con là chính xác nhất!” Các bà mẹ đang dịch Kinh Thánh theo bản văn nào để có thể ảnh hưởng con em mình biết bước đi theo đường lối của Chúa?

 

         

3) Hy Sinh cho Con - Trong thí dụ của người chăn chiên, Chúa Giê-xu cũng đã phán: “Người chăn hiền lành vì chiên mình mà phó sự sống mình.” Điều kiện tuyệt đỉnh của sự chăm sóc chiên là sự hy sinh mà Chúa Giê-xu đã bằng lòng chịu chết trên cây thập tự, đổ huyết để cứu chiên (Hội Thánh) của mình.  Đây cũng là một đức tính mà các người mẹ cần có.  Hy sinh có nghĩa là bằng lòng chịu mất quyền lợi của mình đang có, để đem lại hạnh phúc cho người khác. Đôi khi các người mẹ phải sẵn sàng hy sinh “chỗ đứng” của mình trong xã hội, để đem hạnh phúc đến cho con cái mình.  Chẳng lẽ chúng ta cứ cắm đầu, cắm cổ, đạt được “chỗ ngồi hay địa vị giám đốc” đó, cửa tiệm đó, để được bằng người hàng xóm mà mình không ưa đó, nhưng rồi nhìn lại thấy chính gia đình đang của mình bị tan vỡ, con cái hư hỏng sao?

 

Trong chiến tranh nội bộ của Pháp có chép lại lời chứng của một vị sĩ quan về câu chuyện của một người mẹ với hai đứa con nhỏ đang trốn trong rừng, tìm kiếm lá cây để ăn và sống. Đến ngày thứ ba, họ đói gần chết thì nghe tiếng động của đoàn lính đang đi tới, vì sợ nên họ trốn vào bụi rậm. Nghe được tiếng động, vị sĩ quan ra lịnh cho đòan lính vây buị rậm đó. Khi thấy người phụ nữ và hai đưá nhỏ gần chết đói, ông tội nghiệp và ra lịnh lính cho người đàn bà đó một ổ bánh mì. Bà mẹ chụp lấy ngay ổ bánh mì, bẻ ra làm hai và đưa ngay cho mỗi đứa con một nửa ổ. Có một người lính đứng thấy vậy thì ngạc nhiên lên tiếng: "Bộ người đàn bà này không đói bụng sao mà không ăn?" Vị sĩ quan trả lời: "Không đâu! Nhưng bởi vì người đàn bà này là mẹ của hai đứa nhỏ." Thật vậy, người mẹ luôn nghĩ đến con trước, từng giờ, từng phút, cho dù có khi phải hy sinh đến chính mạng sống mình. Công việc của người đàn ông từ khi mặt trời mọc đến khi mặt trời lặn là xong, các ông về nhà nghỉ ngơi, giải trí, nhưng công việc người mẹ từ sở làm về đến nhà chỉ là bắt đầu mà thôi. Thật đúng khi có người đã nói: "No gift to your mother can ever equal her gift to you that is her life." Tạm dịch là "không có món quà nào chúng ta có thể tặng cho mẹ mình bằng chính món quà người mẹ đã hy sinh cho chúng ta đó là tất cả cuộc đời của mình cho con cái." Biết bao nhiêu người mẹ đã hy sinh cả cơ nghiệp tương lai, quyền lợi cá nhân, thú vui để có thì giờ gần gũi chăm sóc con cái mình. Công lao hy sinh âm thầm của người mẹ từ ngày này đến ngày nọ, hết năm này đến năm kia, từng đêm thức khuya chăm sóc mỗi khi con đau ốm thật đáng ca tụng, đáng ghi nhớ và biết ơn.

 

          Mong ước các người mẹ sẽ sẵn sàng tin nhận và học ở nơi Chúa Giê-xu là Đấng Chăn Chiên hiền lành, để rồi Ngài sẽ giúp sức và ban sự khôn ngoan cho quí vị lo trọn thiên chức làm mẹ.  Xã hội ngày nay cần gì?  Hội Thánh Chúa ngày nay cần gì?  Gia đình ngày nay cần gì?  Tôi xin khẳng định, chúng ta “cần những người Mẹ Cơ Đốc biết kính sợ và học biết ở nơi Cứu Chúa Giê-xu để biết chăm sóc con cái mình.”

 

                             Mục Sư Nguyễn Trọng Vinh

vinh.nguyen@c-ka.com 

                          (May 2011)


The Mothercare (John 10:1-15)

What is the mothercare? First, being a mother today is not an easy job in the culture of preoccupation with self-fulfillment. We need to go back to the word of God that exhorts the role of a godly mother. Jesus gave a model for the mothercare in the parable of the good Shepherd so mothers can learn from it. There are three caring principles: 1) The mother knows her children’s needs, 2) Mother protects her children, and 3) Mother is willing to make sacrifices for her children. What does this generation need the most? The answer is godly mothers. May God bless all our “Moms!”