Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 56

Trách Nhiệm Nuôi Nấng Con Cái

(Parent Responsibilities)

 

Phục Truyền 6:5-7

"Ngươi phải hết lòng, hết ý, hết sức kính mến Giêhôva Đức Chúa Trời ngươi. Các lời mà Ta truyền cho ngươi ngày nay sẽ ở tại trong lòng ngươi; khá ân cần dạy dỗ điều đó cho con cái ngươi, và phải nói đến, hoặc khi ngươi ngồi trong nhà, hoặc khi đi ngoài đường, hoặc lúc nằm hay là khi chổi dậy."

 

 

          Nhân dịp Lễ Cha đến trong tháng này, xin được tâm sự với quý vị về đề tài “trách nhiệm của cha mẹ” trên con em mình. Chắc ai cũng biết vấn đề nuôi nấng dạy dỗ con cái ở bên đây rất là phức tạp, bởi vì các con em chúng ta đang bị ảnh hưởng bởi hai nền văn hóa: Á Đông và Tây Phương. Một bên thì luôn đề cao và bảo vệ chủ nghĩa “tự do cá nhân,” còn một bên thì hay theo phong tục “đặt đâu ngồi đó.” Thật ra không có nền văn hóa nào hoàn toàn tốt hay xấu cả; nên chúng ta cần thông cảm và dung hòa những điều hay lẽ phải của hai bên vì lợi ích lâu dài cho con cái mình. Vì vấn đề quá phức tạp, chỉ xin phép được trình bày về trách nhiệm của cha mẹ giới hạn trong bốn phạm vi sau đây: Săn sóc nhu cầu con em, làm gương, kỷ luật, và biết nương cậy Chúa.

 

 

I. Săn Sóc Nhu Cầu

    

          Nói đến nhu cầu của con cái thì nhiều lắm và khác nhau tùy theo từng lứa tuổi, nhưng chúng ta có thể tóm tắt trong ba phạm vi: Phần thể xác, tình cảm và vấn đề thuộc linh. Trong phần thể xác, cha mẹ có trách nhiệm lo cho con cái được đầy đủ “cơm ăn áo mặc” cùng với những môi trường học vấn/thể dục tốt lành để tăng trưởng. Phần thứ hai là vấn đề tình cảm cha mẹ cần dành cho con cái mình. Phần này thường đòi hỏi nhiều thì giờ của chúng ta, để có thể gần gủi, hướng dẫn, và dạy dỗ chúng nó. Dành thì giờ cho con cái là một điều rất khó làm ở bên đây; vì mỗi chúng ta đang sống trong một xã hội mà sự “đòi hỏi của vật chất” qua những công ăn việc làm hằng ngày thường lấy mất đi biết bao nhiêu thì giờ trong gia đình. Có những gia đình khi cha mẹ bắt đầu đi làm, thì con nhỏ mình còn đang gật gù say ngủ khi được đưa đến nhà giữ trẻ, và khi cha mẹ về làm để đón con thì chúng nó đã yên giấc. Có những gia đình, cả cha mẹ làm việc “đầu tắt mặt tối” suốt cả ngày, để mong chiếm đoạt được sự giàu sang của cải như mọi người xung quanh có, nên không có thì giờ cho con cái; rồi một ngày phải hối tiếc, nhìn con em mình bị hư hỏng đi theo các băng đảng và bạn bè xấu. Là cha mẹ, ai cũng muốn cho con cái mình được mọi thứ tốt nhứt ở trên đời này, nhưng chúng ta cần nhận biết rằng con cái lớn lên không phải chỉ cần vật chất mà thôi, chúng nó cần có một mối liên hệ tình cảm mật thiết với cha mẹ nữa. Có người đã nói rất đúng: “If kids don't have your time, they don't have you!” Chúng ta có sống trong nghịch lý không mà đang đổi chác ngôi nhà lầu cao cửa rộng thay thế cho mối liên hệ của chúng ta với con cái, không còn thì giờ cho nhau mà căn nhà lầu đó chỉ là một "chỗ ngủ" mà thôi. Làm cha mẹ, chúng ta phải tập sống một lối sống đơn giản để có thì giờ cho con cái mình.

 

          Trách nhiệm của cha mẹ không phải chỉ săn sóc phần xác và tình cảm thôi, nhưng cũng cần lo nghĩ đến đời sống thuộc linh của con cái mình nữa. Ai sanh ra đời lớn lên cũng cần có một niềm tin vào một Đấng Tối Cao đó là Thiên Chúa. Niềm tin nơi Thiên Chúa rất cần thiết để có một đời sống tốt lành, nhất là khi chúng ta đối diện với những “đổ vỡ” hay thất bại đau thương trong cuộc sống. Có lẽ vì thiếu điều này mà một trong những nan đề ngày nay cho tuổi Thanh Niên là “phong trào tự tử,” vì các em không còn “điểm tựa” nữa trong những “ngày giông tố.”  Là cha mẹ, chúng ta cần hướng dẫn con cái có một hướng đi đúng đến Đức Chúa Trời; là Đấng quyền năng đã sáng tạo nên mọi loài. Vả lại, có niềm tin nơi Thiên Chúa thì con em của chúng ta cũng nhận được sự sống đời đời nữa; vì “chết không phải là hết.”  Quí vị có biết khi chúng ta nhắm mắt xuôi tay, chỉ có một kho tàng quý giá nhất mà mình có thể đem theo được lên thiên đàng thôi, đó là con cái của mình nếu chúng ta biết hướng dẫn chúng nó biết lời Chúa và có một đức tin nơi Ngài?

 

          Một nhà tâm lý gia đình tóm tắt ba nhu cầu căn bản của con cái đó là “Time, Touch and Talk,” dịch ra nghĩa là “thì giờ, sự âu yếm và giây phút tâm sự với con mình.” Một trong những lý do có nhiều đứa trẻ hư hỏng, không chịu nghe lời là vì cha mẹ thiếu thì giờ (Time) với con em mình từ hồi nhỏ, nhưng lại hay đổ dồn trách nhiệm dạy dỗ cho cái TV, máy Gameboy, hay máy điện toán Internet mà thường có chứa nhiều những điều xấu hơn tốt. Cha mẹ phải tìm mọi cơ hội để dậy dỗ con cái về những đức hạnh có giá trị trường tồn như đức tin, tánh thương người, sự tinh khiết. Nếu là những bậc cha mẹ cơ đốc, chúng ta phải hiểu không phải mạng lệnh của Chúa muốn chúng ta sanh sản mà thôi, nhưng còn gầy dựng những người con guơng mẫu có những đức hạnh giống như Chúa Giê-xu nữa. Cha mẹ cần bày tỏ sự âu yếm (Touch) nghĩa là sự gần gũi với con, nhất là khi con em chúng ta đến tuổi thiếu niên. Nhiều thiếu niên mới có 12-13 tuổi đã muốn có boy/girlfriend ngay. Đương nhiên vì tánh bắt chước, nhưng thiết nghĩ lý do chính là vì nhu cầu "âu yếm" không được đáp ứng đầy đủ trong gia đình chúng nó. Cha mẹ phải để thì giờ nói chuyện (Talk) nghĩa là nghe và thông cảm tâm tình của con em mình mà biết cách hướng dẫn chúng nó đi trong đường lối Chúa. Chúng ta phải hiểu trách nhiệm dạy dỗ con cái chính là mạng lệnh của Chúa trao cho cha mẹ như có chép trong sách Phục Truyền 6:5-7 như sau: "Ngươi phải hết lòng, hết ý, hết sức kính mến Giêhôva Đức Chúa Trời ngươi. Các lời mà Ta truyền cho ngươi ngày nay sẽ ở tại trong lòng ngươi; khá ân cần dạy dỗ điều đó cho con cái ngươi, và phải nói đến, hoặc khi ngươi ngồi trong nhà, hoặc khi đi ngoài đường, hoặc lúc nằm hay là khi chổi dậy."

 

 

II. Làm Gương

 

          Trên đời này có rất nhiều sách báo hướng dẫn trong vấn đề dạy dỗ con cái.  Nhưng có lẽ chẳng có “sách” nào hay bằng chính những tấm gương trong đời sống của cha mẹ.  Lời Kinh Thánh trong Châm Ngôn 22:6 có chép: “Hãy dạy cho trẻ thơ con đường nó phải theo; dầu khi nó trở về già cũng không lìa khỏi đó.” Chúng ta muốn dạy cho trẻ thơ con đường chúng nó phải theo, thì cha mẹ phải nên cố gắng “làm gương” đi con đường đó trước. Con cái có thấy cha mẹ tin cậy Chúa trong sự cầu nguyện mỗi khi tai họa đến không? Con cái có thấy cha mẹ yêu thương nhau không? Con cái có thấy cha mẹ kính sợ Chúa mà không dám làm điều ác không? Làm sao chúng ta muốn con cái trở nên một người thật thà, lương thiện mà chính cuộc sống chúng ta lại cứ toàn lo chuyện gian lận, “mượn số an ninh xã hội của người khác” sao? Có thể nào chúng ta muốn con em mình biết thương người, rộng lượng, có tánh lạc quan, hòa đồng mà chúng nó chỉ cứ nghe toàn những lời phàn nàn, chê trách, bất mãn, thành kiến từ môi miệng của mình sao? Làm sao chúng ta có thể khuyên con cái đi nhà thờ mỗi Chúa Nhật, mà mình lại ở nhà “luyện phim Hàn Quốc” được ư? Nếu chúng ta cứ đi với Chúa nửa chừng, thì làm sao mong con em chúng ta sẽ có được đức tin trọn vẹn trong Chúa?  Làm sao chúng ta đòi hỏi con em mình phải biết chọn bạn tốt mà chơi, mà chính đời sống mình mỗi tuần cứ tụ ba tụ bảy chè chén say sưa, cờ bạc được không? Không khẻo một ngày chúng ta thức giấc và hối tiếc vì thấy hình ảnh của chúng ta diễn lại ở trong chính đời sống của con cái mình? Nho giáo có câu: “Giọt nước trước nhỏ sao, giọt nước sau nhỏ vậy;” để nói lên ông bà cha mẹ làm điều gì thì con cái sau này cũng chịu ảnh hưởng rất nhiều. Học trò quan sát thầy giáo, trẻ con bắt chước người lớn như thế nào, thì con cái sẽ làm giống theo gương của cha mẹ như vậy.

 

 

III. Kỷ Luật

 

          Trong sự dạy dỗ con cái, có lẽ vấn đề kỷ luật là khó làm nhứt. Trước hết, chúng ta nên hiểu chữ kỷ luật (tiếng Anh gọi là “discipline”) có hàm ý của chữ “huấn dạy” (hay “teaching” và “training”) chứ không phải chỉ là “trừng phạt.”  Sự trừng phạt là một trong những phương cách để đạt mục đích của kỷ luật, đó là dạy dỗ con cái mình biết điều đúng và sai, nhận thức được hậu quả của mỗi sự chọn lựa và giúp chúng nó biết tự giác chọn làm điều đúng. Tùy từng lứa tuổi, sự trừng phạt rất cần thiết nhưng phải được xử dụng một cách tự chế, và trong tình yêu thương; chứ không phải để làm cho “cha mẹ hả giận.” Lời Chúa dạy trong Kinh Thánh Châm Ngôn 13:24 như sau: “Người nào kiêng roi vọt ghét con trai mình; song ai thương con ắt cần lo sửa trị nó,” giống như ca dao Việt-Nam thường nói “Thương con cho roi cho vọt...” Tình yêu và kỷ luật phải luôn được dung hòa nhau, giống như nước và ánh nắng đối với cây cối. Nhiều nước quá mà thiếu ánh sáng thì cây sẽ bị úng rể; nắng chói quá mà không đủ nước làm cây chết khô. Nuôi dạy con cái mà nuông chìu quá sức chỉ làm chúng nó trở nên “vô giáo dục;” nhưng nếu quá khắt khe trong kỷ luật thì làm con cái trở nên nhục chí, nhút nhát thiếu tự tin. Kỷ luật cần đặt giới hạn rõ ràng cho con cái và giúp con nhận biết được những kết qủa trong mọi quyết định nó muốn làm. Những đứa con lớn lên trong khuôn phép/thứ tự từ hồi nhỏ, thường đạt được nhiều thành công lớn trong “đường đời” sau này.

 

 

IV. Nương Cậy Chúa

    

          Trong sách Thi Thiên 127:3 có chép: “Con cái là cơ nghiệp bởi Đức Chúa Trời mà ra.” Vì thế trách nhiệm nuôi nấng con cái là một Thiên chức mà Chúa đã trao cho các bậc cha mẹ từ lúc ban đầu. Điều này không phải là một việc dễ làm, vì sự suy đồi của đạo lý xã hội ngày nay, sự xung đột của hai nền văn hóa, sự đòi hỏi của đời sống vật chất, và sự bất toàn của chính mỗi chúng ta. Có một cách mà chúng ta có thể làm trọn trách nhiệm này, đó là nương cậy nơi quyền năng của Thiên Chúa. Nương cậy Chúa là bắt đầu nhận thức Chúa là ai và biết kính sợ Ngài. Lời Kinh Thánh trong Thi Thiên 111:10 có chép: “Sự kính sợ Đức Giê-hô-va là khởi đầu sự khôn ngoan.” Khi chúng ta biết kính sợ Chúa, đầu phục Ngài làm Chúa, làm Chủ mình và gia đình mình, chúng ta sẽ bắt đầu có đủ khôn ngoan để dạy dỗ con cái “nên người.” Bước đầu tiên trong sự kính sợ Chúa là hãy mở lòng tiếp nhận Con Trời, Cứu Chúa Giê-xu và để Ngài hướng dẫn đời sống của chúng ta, kể cả trách nhiệm nuôi nấng con cái mình.

 

                                                                                                                                                                Mục Sư Nguyễn Trọng Vinh

vinh.nguyen@c-ka.com 

                          (June 2011)


Parent Responsibilities

Deuteronemy 6:5-7

 

“You shall love the LORD your God with all your heart and with all your soul and with all your might. 6 These words, which I am commanding you today, shall be on your heart. 7You shall teach them diligently to your sons and shall talk of them when you sit in your house and when you walk by the way and when you lie down and when you rise up.”

 

          God commanded parents the responsibility of raising godly children. This is very difficult considering the complexity of many evil influences and pressures from the world today. There are four major tasks the parents must fulfill: 1) Meeting our children’s physical, emotional and spiritual needs, 2) Setting godly examples for our children to follow, 3) Practicing discipline through teaching and training our children using God’s word and circumstances in life, and 4) Leaning on God for wisdom and help. The shape of future generations is defined by the fulfillment of our responsibility to our children today, so may God help us all!