Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 58

Dạy Dỗ Con Cái Biết Kính Sợ Chúa

(Châm Ngôn 16:6b / Truyền Đạo 12:13)

 

“Và bởi sự kính sợ Đức Giê-hô-va người ta xây bỏ điều ác.”

“Chúng ta hãy nghe lời kết của lý thuyết nầy: Khá kính sợ Đức Chúa Trời và giữ các điều răn Ngài; ấy là trọn phận sự của ngươi.”

 

 

I. Mối Liên Hệ Hằng Ngày

 

Người Hoa-kỳ có câu nói rất đúng: "No one lives on an island," tạm dịch là "không có ai sống ở trên một hòn đảo, cô lập một mình hết!" Đây có nghĩa là ai trong chúng ta, nếu có sống thì cũng phải có sự liên hệ với nhau, cũng phải lệ thuộc vào nhau, phải nhờ cậy lẫn nhau. Mọi thứ chúng ta dùng mỗi ngày, từ miếng cơm cho đến những manh áo cũng đều cần đến những người khác. Từng hạt gạo trắng thơm ngon mà chúng ta bỏ vào miệng cũng do những người nông dân đã bỏ công ra trồng lúa, cầy ruộng, gặt và đóng vào bao rồi chuyên chở đến chợ để chúng ta mua ăn; hay áo chúng ta mặc cũng do những người đã trồng những cây bông gòn, hái và dệt thành vải rồi may thành áo cho chúng ta mua và mặc. Không phải chỉ nói đến khiá cạnh vật chất mà thôi, nhưng nếu có sống thì chúng ta cũng cần có những mối liên hệ tình cảm nữa để đời sống có ý nghĩa. Sự an lành, yên ổn, hạnh phước của cuộc sống này là tùy thuộc vào những mối liên hệ chúng ta có với nhau. Những mối liên hệ này có thể sẽ giúp đem đến ích lợi, hạnh phúc, vui tươi, nhưng cũng có thể dẫn chúng ta đến sự đau khổ và nước mắt, nếu mình không có sự chọn lựa chính chắn và biết xây dựng những mối liên hệ được tốt đẹp, vì vậy mà người Mỹ cũng có câu nói: "The Relationships will make you, or break you" là vậy!

 

 

Sự an lành, yên ổn, hạnh phước của cuộc sống này là tùy thuộc vào những mối liên hệ chúng ta có với nhau.

 

 

1) Chẳng hạn như có những người chưa đủ trưởng thành mà đã vội vã bước vào những mối liên hệ tình cảm rối beng để rồi dẫn đến sự đổ vỡ, đến nỗi phải thốt lên lời của bài hát: "Xin đừng nói yêu em, nhưng để em khóc một mình..."

 

2) Trong Hội Thánh Chúa cũng vậy, nếu con cái Chúa không có một mối liên hệ tốt đẹp với nhau thì sẽ sanh ra nhiều căn bịnh "nhức đầu hay đau bao tử," ngược lại, nếu biết xây dựng những mối liên hệ được khoẻ mạnh thì chắc chắn sẽ thêm sự phấn khởi để hầu việc Chúa mà chẳng thấy mệt mỏi.

 

3) Trong gia đình giữa cha mẹ và con cái, giữa vợ và chồng nếu có một mối liên hệ tốt, luôn gần gũi với nhau thì sẽ đem đến sự thỏa lòng, vui tươi, hạnh phúc; Ngược lại, nếu không lo chăm sóc nhau kỹ càng thì có thể dẫn đến nước mắt và đổ vỡ một ngày.

 

 

II. Những Định Luật Cha Mẹ Cơ Đốc Cần Biết

 

Sáng nay, chúng ta suy gẫm lời Chúa về mối liên hệ trong gia đình cơ đốc qua những định luật nào cha mẹ cơ đốc cần biết, để gầy dựng những người con lý tưởng cho Chúa. Chúng ta phải hiểu Chúa không chỉ trao trách nhiệm cho chúng ta sanh sản con cái, nhưng còn phải gầy dựng những đứa con ngoan ngoãn, biết tin kính Chúa, có đức hạnh cơ đốc theo ý Chúa nữa. Ai làm cha mẹ biết rõ, đây không phải là một công tác dễ dàng đâu, nhất là khi chúng ta đang sống trong một xã hội đầy sự phóng túng, cám dỗ và buông lung. Có người nói rất đúng “Sống bên đây sanh con không ngán, nhưng nuôi con là cả một vấn đề.”  Nhìn xung quanh thì chúng ta thấy đầy dẫy những luân lý của con người đang bị “đảo lộn,” hay gọi là những bất luân đang phô trương trước mắt con em chúng ta trên màn ảnh TV, báo chí, phim ảnh, mạng lưới hoàn cầu Internet, kể cả về khía cạnh nhạc lý nữa. Có bao giờ trước khi qua Mỹ, chúng ta có thể tưởng tượng được rằng mình sẽ sống trên một con đường mà trời tối đến là phải lo vô nhà ngay, vì có những trẻ em còn dưới tuổi vị thành niên bán, hút thuốc phiện và lo chuyện cướp giựt. Có bao giờ trước khi qua Mỹ mà chúng ta có thể tưởng tượng trên màn ảnh TV ngày nay có những tài tử nổi tiếng cùng một giống "đực hay cái" với nhau, ôm nhau hun hít, gọi người đàn ông là vợ, gọi người đàn bà là chồng mình. Có bao giờ chúng ta qua Mỹ mà tưởng tượng được những phim ảnh đồi trụy mà các con em chúng ta có thể thâu nhập một cách dễ dàng trên màn ảnh điện toán Internet ngày hôm nay. Không có lúc nào mà vai trò và trách nhiệm của các bậc cha mẹ Cơ Đốc quan trọng hơn cho bằng lúc này mà muốn làm tròn trách nhiệm này, chúng ta phải biết những định luật cơ đốc căn bản để nuôi nấng con cái trong thời đại này.

 

 

Chúa không chỉ trao trách nhiệm cho chúng ta sanh sản con cái, nhưng còn phải gầy dựng những đứa con biết tin kính Chúa, và có đầy dẫy những đức hạnh cơ đốc.

 

 

1) Định luật “Gieo và Gặt”

 

Định luật thứ nhất trong sự nuôi nấng con cái đó là định luật của sự "Gieo & Gặt." Trong Galati 6:7-8 - sứ đồ Phaolô nói rõ về định luật này như sau: "Chớ hề dối mình; Đức Chúa Trời không chịu khinh dể đâu; vì ai gieo giống chi, lại gặt giống ấy. Kẻ gieo cho xác thịt, sẽ bởi xác thịt mà gặt sự hư nát; song kẻ gieo cho Thánh Linh, sẽ bởi Thánh Linh mà gặt sự sống đời đời." Trong chúng ta, không có ai mà không hiểu điều này vì đây là một định luật tự nhiên. Trong định luật này, chúng ta thấy có tối thiểu 4 qui tắc kèm theo:

 

 

Định luật thứ nhất trong sự nuôi nấng con cái đó là định luật của sự "Gieo & Gặt."

 

 

a) Qui tắc thứ nhất: "Có gieo thì mới gặt được." Ở đây có ai không đầu tư bỏ tiền vốn của mình vào nhà bank trước mà đòi lãnh tiền lời mỗi tháng được không? Ai qua Mỹ đều biết, nước này là "the land of opportunity," nhưng chúng ta cũng phải chịu đổ mồ hôi, đầu tắt mặt tối mới gặt hái được sản nghiệp, chứ đâu có tự trên trời rớt xuống cho chúng ta đâu?  Thì cũng vậy, nếu chúng ta không chịu bỏ ra công lao, sức lực, thì giờ trong sự nuôi nấng dạy dỗ con cái thì làm sao chúng nó trở nên những người cơ đốc đầy dẫy đức hạnh trong tương lai được đây? Mỗi quí phụ huynh sống bên nước Tây phương tự do phóng túng này phải trả một giá rất đắt, và cái giá đó là phải “đổ mồ hôi, sôi nước mắt” mà gieo "đạo" vào lòng con mình thì mới gầy dựng con em mình một ngày trở nên những người thuộc của Chúa.

Mỗi bậc cha mẹ cơ đốc sống bên nước tự do phóng túng này phải trả một giá rất đắt mới có thể gieo "đạo" vào lòng con mình và mới gầy dựng con em mình một ngày trở nên những người thuộc của Chúa.

 

 

b) Qui tắc thứ hai: "Gieo chi thì gặt nấy." Nếu suốt đời chúng ta chỉ biết gieo cho chúng nó về gía trị của tiền bạc, danh vọng, địa vị, sự giàu sang thì khi chúng nó lớn lên sẽ chỉ sống cho vật chất, cho tiền bạc, thiếu "tình người" vì đó không phải là điều mình đã gieo. Nếu muốn con em trở thành những người cơ đốc thì chúng ta phải hy sinh thì giờ gần gũi, gieo trong lòng con một tình cảm mật thiết thì chúng ta mới gặt hái được một mối liên hệ tốt đẹp. Chúng ta đừng quên rằng nhu cầu của con em chúng ta không phải chỉ là vấn đề vật chất mà thôi, vì chúng nó đâu phải cái máy hay là những cái cây vô tri vô gía, nhưng còn nhu cầu tình cảm, tâm linh và đạo đức mà chúng ta cũng phải gieo nữa.

 

 

Nếu suốt đời chúng ta chỉ biết gieo cho con cái những gía trị của tiền bạc, danh vọng, địa vị, sự giàu sang thì khi chúng nó lớn lên sẽ chỉ sống cho vật chất, cho tiền bạc, thiếu "tình người" vì đó không phải là điều mình đã gieo.

 

 

c) Qui tắc thứ ba: số lượng gặt nhiều hay ít tùy theo mình đã gieo nhiều hay ít. Điều này khỏi giải thích thì anh chị em cũng biết rồi. Nếu chúng ta xem việc gần gũi với con cái quan trọng hơn của cải vật chất mà để nhiều thì giờ uốn nắn thì tự nhiên con em chúng ta sẽ hấp thụ được nhiều những đức hạnh cơ đốc hơn. Điều đáng buồn mà thống kê ngày nay cho biết, những người cha ở Mỹ trung bình để ra dưới 15 phút mỗi tuần tâm sự, gần gũi, khuyên lơn dạy dỗ con cái của mình và với thì giờ gieo ít như thế thì làm sao chúng ta gặt hái được mùa gặt lớn đây?  Trong gia đình, nếu cha mẹ không để thì giờ cho con cái mình, thì đương nhiên chúng nó sẽ đi “tìm” những người khác và thường là những “bạn bè xấu” để rồi bị sa vào nhiều sự cám dỗ, gặt hái đau thương. Cách đây vài tháng chúng ta đã nghe một tin xấu về hai đứa thiếu niên gái, trong một buổi tối “sleep-over,” đã xuí nhau cùng thắt cổ tự tử mà các cha mẹ không hề biết. Tại sao ngày nay trong nước Hoa-kỳ có đến trên nửa triệu thanh thiếu niên đang ở trong các băng đảng?  Có phải vì con em chúng ta đã kiếm được những người bạn đời sẵn sàng lắng nghe “tâm sự” của mình, vì chính cha mẹ mình quá bận rộn không có thì giờ chăng? Mỗi bậc cha me hãy tự hỏi mình câu này, khi con cái chúng ta gặp một trở ngại, áp lực hay khó khăn nào đó trong đời sống, chúng nó thường đến tâm sự với ai trước tiên; chúng nó có đến tâm sự với mình không, hay là chỉ đến với những “người lạ” vì chúng ta quá bận rộn chăng? Câu chuyện hết sức là cảm động khi có một đứa bé trai đến hỏi má nó: “Má đi làm mỗi giờ người ta trả má bao nhiêu tiền?”  Má nó trả lời: “Khoãng chừng 30 đôla mỗi giờ. Tại sao con hỏi má vậy?” Thằng bé yên lặng chẳng trả lời. Sau đó, nó cố gắng đi cắt cỏ, giúp việc cho những người hàng xóm để được trả lương. Sau một tuần, nó đến với má nó trong tay đầy những giấy đồng đôla lẻ và quarters và nó nói: “Con để dành được 30 đô la. Có thể nào còn đưa cho má để con mua được một tiếng đồng hồ đi làm của má, để má về sớm chơi với con được không?”  

 

 

Số lượng gặt nhiều hay ít tùy theo mình đã gieo nhiều hay ít.

 

 

d) Qui tắc thứ 4: Chúng ta phải chịu khó mà lo gieo sớm. Sách Châm Ngôn 19:18a chép gì? "Hãy sửa phạt con ngươi trong lúc còn sự trông cậy..." "Còn sự trông cậy" có nghĩa là "khi còn cơ hội" chứ để đến lúc nó cứng thành "tre" rồi thì làm sao mà uốn nắn chúng nó bước đi trong đường lối Chúa được nữa?

 

 

Chúng ta phải chịu khó mà lo gieo sớm trước khi con cái khôn lớn, cứng thành "tre" thì làm sao mà còn uốn nắn chúng nó bước đi trong đường lối của Chúa được nữa.

 

 

Câu chuyện có một đứa bé bị má nó phạt và đánh đòn. Nó giận má nó lắm, nó bèn đi ra đằng sau vườn đến một thung lũng và la lớn lên: "I hate you" thì có nghe tiếng dội lại "I hate you, I hate you..." Nhưng thằng bé không biết đó là tiếng dội, nó sợ quá, chạy về nhà nói với má nó rằng bên kia thung lũng có một thằng bé hung dữ lắm, cứ la lên là: "I hate you, I hate you..." Má nó biết nên đem thằng bé ra lại thung lũng và bà la lên: "I love you," thì có tiếng dội lại "I love you, I love you..." rồi hỏi cháu “thằng bé hung dữ nào đâu mà má không nghe thấy?” Câu chuyện này nói lên rõ định luật gieo & gặt, phải không? Con em chúng ta sẽ ra thể nào trong tương lai tùy thuộc vào những giá trị quí gía, đức hạnh gì chúng ta đã gieo vào đời sống của mỗi đứa con mình ngày hôm nay, theo định luật “dội lại” (Echo), phải không?

 

2) Dạy Con Biết Chúa

 

Nền tảng căn bản của mọi mối liên hệ tốt đẹp ở trong một quốc gia, một xã hội, một Hội Thánh, một gia đình đều tùy thuộc vào mối liên hệ “bề dọc” của mỗi người chúng ta với Chúa. Như vậy nếu chúng ta muốn con cái mình có một mối liên hệ “bề dọc” tốt đẹp với Chúa thì định luật thứ 2 cha mẹ cần ý thức đó là chúng ta phải cố gắng để dành ta thì giờ dạy dỗ con biết Chúa và kính sợ Ngài. Trước hết chúng ta phải hiểu loài người chúng ta được dựng nên không như các loài súc vật hay động vật, nhưng chúng ta là những "nhân vật" vì được dựng nên giống hình ảnh và có sanh khí của Đức Chúa Trời để có một mối liên hệ đời đời với Ngài. Sách Sáng Thế Ký 3:8 - Từ lúc ban đầu, trong vườn địa đàng, Đức Chúa Trời đi "qua lại" để làm chi? Để Ngài tương giao mật thiết với Ađam và Êva là tổ phụ của loài người. Mục đích chính mà chúng ta được dựng nên là để có mối tương giao với Chúa hằng sống. Con cái chúng ta sẽ không tìm được ý nghĩa thật cho cuộc sống này, cho tất cả những mối liên hệ khác cho đến khi nào chúng nó tìm được mối tương giao với Chúa.

 

 

Nền tảng căn bản của mọi mối liên hệ tốt đẹp ở trong một quốc gia, một xã hội, một Hội Thánh, một gia đình đều tùy thuộc vào mối liên hệ “bề dọc” của mỗi người chúng ta với Chúa.

 

  

a) Có mối tương giao với Chúa nghĩa là gì? Có phải là lâu lâu đi nhà thờ một lần không? Không phải vậy đâu, nhưng có mối liên hệ với Chúa là một tiến trình biết rõ Chúa là ai. Anh chị em biết rõ những người thân yêu của mình thế nào? Ở trong đám đông người, tôi không cần thấy, chỉ cần nghe vài tiếng là biết rõ được giọng nói của những đứa con mình. Những cặp vợ chồng sống với nhau có biết rõ nhau không? Từng cái nốt ruồi, cá tánh, và sở thích. Con cái chúng ta phải làm gì để biết rõ Chúa là ai và có một mối liên hệ mật thiết với Ngài? Có ba điều căn bản để chúng ta biết Đức Chúa Trời.

 

 

Có mối liên hệ với Chúa là một tiến trình biết rõ Ngài là ai.

 

 

i) Thứ nhất đó là qua sự sáng tạo xung quanh mình, chúng ta biết Đức Chúa Trời có thật. Nếu “chim có tổ, người có tông” vậy thì ai đã sinh thành ra tổ tông của loài người?  Tại sao vạn vật hiện hữu một cách kỳ lạ xung quanh chúng ta và ở trong vũ trụ bao la? Ai đã dựng nên nó? Làm thế nào trái đất có thể xoay xung quanh trục của nó với tốc độ khoãng 1,000 dặm một giờ, mà chúng ta không bị văng đi và bay vào không gian? Ai đang làm cho trái đất này lơ lửng trong vũ trụ bao la và làm cho nó quay xung quanh mặt trời với tốc độ chính xác mỗi vòng là 365 ngày, 5 giờ, 48 phút, 46 giây?  Có thể nào mọi sự ngẫu nhiên mà tự có như vậy được không? Phải có một Đấng Chủ Tể, Tối Cao và quyền năng đã dựng nên muôn loài, muôn vật, con người chúng ta một cách tinh vi và bảo tồn sự sống của mỗi loài một cách lạ lung, và đây là điều chúng ta phải dạy dỗ con cái mình biết đến Ngài. Mắt chúng ta không thấy được Ngài vì Đức Chúa Trời, Đấng Sáng Tạo là Chân Thần, có một không hai, nhưng chúng ta có thể thấy được sự thực hữu và quyền phép của Chúa qua những bằng cớ bởi những việc Ngài đã làm, đã dựng nên xung quanh chúng ta. Người ta nói sau khi bay xung quanh mặt trăng với phi thuyền Apollo 8, phi hành gia người hoa kỳ tên Frank Borman đã được một nhà báo phỏng vấn. Trước hết nhà báo này nhắc đến lời nói của một phi hành gia khác người Sôviết sau khi trở về từ một chuyến bay trong không gian và đã tuyên bố rằng ông không thấy Đức Chúa Trời hay thiên sứ nào cả và rồi nhà báo hỏi nhà phi hành gia Frank Borman: “Còn ông, ông có thấy Đức Chúa Trời không?” Phi hành gia Frank Borman đã trả lời: “Không, tôi cũng không thấy Ngài, nhưng tôi thấy rõ những bằng chứng của Ngài!”  Vì vậy mà có người đã nói một câu đáng cho chúng ta suy nghĩ: “Không ai thật sự có thể vừa làm một nhà bác học hay khoa học gia mà cùng một lúc là một người vô thần được?”

 

ii) Điều thứ hai, con cái chúng ta có thể biết rõ Chúa qua lời Kinh Thánh và những điều răn của Ngài. Thử xem xét 10 điều răn của Đức Chúa Trời phần đầu thôi thì biết rõ được Đức Chúa Trời là ai? Ngài là Đấng độc tôn chân thần, ngoài Ngài ra không có một thần nào nữa để chúng ta thờ lạy và hầu việc. Nhiều người đến với Chúa nhưng lại thường hiểu lầm tự nghĩ rằng tin Chúa giống như là "cộng" thêm cho mình một ông thần nữa vì đây cũng là điều ích lợi mà thôi, vì nếu thần cũ của mình không đáp ứng nhu cầu, phù hộ cho mình thì Đức Chúa Trời mới này sẽ giúp mình. Nhưng không ai giải thích cho họ biết điều răn thứ nhất - "Trước mặt Ta các ngươi chớ có các thần khác!" nghĩa là khi họ bằng lòng tin Chúa thì phải bắt đầu bằng một sự quyết định dứt khoát, từ bỏ tất cả các thần thánh khác, mà chỉ tôn thờ một mình Ngài mà thôi.  Muốn con cái mình biết Chúa, chúng ta phải dạy dỗ chúng nó lời của Ngài đừng đổ thừa trách nhiệm này cho một ai hết. Sách Phục Truyền 6:6-9 - Lời Chúa dạy gì về bổn phận của những người cha mẹ cơ đốc? “Các lời mà ta truyền cho ngươi ngày nay sẽ ở tại trong lòng ngươi; khá ân cần dạy dỗ điều đó cho con cái ngươi và phải nói đến, hoặc khi ngươi ngồi trong nhà, hoặc khi đi ngoài đường, hoặc lúc ngươi nằm, hay là khi chổi dậy. Khá buộc nó trên tay mình như một dấu, và nó sẽ ở giữa hai con mắt ngươi như ấn chí; cũng phải viết các lời đó trên cột nhà, và trên cửa ngươi.” Cho những đứa bé còn nhỏ thì đọc những mẫu chuyện Kinh Thánh cho chúng nó nghe mỗi tối. Nếu là tuổi thiếu niên thì có thể thường xuyên học Kinh Thánh chung với con cái mỗi tuần ở nhà mình. Khi nó đã trưởng thành thì sai nó lãnh đạo hướng dẫn những buổi học Kinh Thánh trong gia đình.

 

iii) Con cái của chúng ta biết rõ Chúa qua chính Con Ngài là Cứu Chúa Giê-xu. Trong 1 Côr. 3:11 sứ đồ Phaolô nói rõ: Nền tảng xây dựng mọi sự thông biết Đức Chúa Trời chính là mối liên hệ biết và tin cậy nơi Cứu Chúa Giê-xu – “Vì, chẳng ai có thể lập một nền khác ngoài nền đã lập, là Đức Chúa Jêsus Christ.” Tại sao? Vì Chúa Giê-xu phản chiếu trọn vẹn hình ảnh và sự vinh hiển của Đức Chúa Trời. Trong Giăng 1:14 - "Ngôi Lời đã trở nên xác thịt, ở giữa chúng ta, đầy ơn và lẽ thật; chúng ta đã ngắm xem sự vinh hiển của Ngài, thật như vinh hiển của Con một đến từ nơi Cha."… vì chính Ngài là Đức Chúa Trời hiện thân thành người. Giăng 14:7 - Chính Chúa Giê-xu đã có lần phán: "Ví bằng các ngươi biết ta, thì cũng biết Cha ta; và từ bây giờ các ngươi biết và đã thấy Ngài." Qua đời sống của Chúa Giê-xu và lời dạy dỗ của Ngài, con em chúng ta biết rõ Đức Chúa Trời là ai, điều chi làm Ngài buồn, điều chi Ngài ghét và điều chi làm Ngài vui. Như vậy, con em của chúng ta chỉ thật sự biết Chúa nếu trước hết được giới thiệu, dạy dỗ và bằng lòng mời Chúa Giê-xu ngự vào lòng làm Chủ đời sống của chúng nó.

 

 

Con cái chúng ta biết Chúa qua sự sáng tạo xung quanh mình, qua lời Kinh Thánh và qua chính Con Ngài là Cứu Chúa Giê-xu.

 

 

3) Dạy con biết yêu Chúa

 

Chúng ta phải hiểu niềm tin, sự yêu mến Chúa, và sự kính sợ Ngài là yếu tố chính ảnh hưởng, chi phối mọi hoạt động, mục đích và chí hướng của một người không? Vì điều này quá quan trọng nên Chúa Giê-xu đã một lần tóm tắt điều răn lớn nhất có chép trong Mathiơ 22:37, mà chúng ta phải dạy dỗ con em mình đó là phải "hết lòng, hết linh hồn và hết ý kính mến Đức Chúa Trời ngươi." Tại sao chúng ta cần phải dạy con cái biết yêu Chúa? Trong 1 Giăng 4:10 - "Này sự yêu thương ở tại đây - ấy chẳng phải chúng ta đã yêu Đức Chúa Trời, nhưng Ngài đã yêu chúng ta và sai Con Ngài làm của lễ chuộc tội chúng ta" Chúng ta yêu Chúa vì chính Con Ngài là Cứu Chúa Giê-xu từ trời đã giáng thế, trở nên Người, để hy sinh chịu đóng đinh đổ huyết chết thế trên thập tự gía, trả mọi giá tội lỗi cho chúng ta. Chưa hết, Ngài còn hứa một ngày sẽ trở lại để tiếp rước chúng ta về nước thiên đàng và ở với Ngài đời đời. Ngày ấy cũng gần rồi, nếu chịu khó quan xát những dấu hiệu xung quanh về những tại họa, kể cả những tiên tri gỉa đang nổi lên, y như lời Chúa Giê-xu đã một lần nói đến. Biết yêu Chúa thì chúng ta mới biết yêu nhau, làm trọn những trách nhiệm bổn phận của mình mà từ đó xây dựng được những mối liên hệ tốt đẹp, đem đến hạnh phước cho gia đình cho Hội Thánh của Chúa. Con cái đứa nào thương cha mẹ thì đâu dám phạm những điều xấu xa tội lỗi vì không muốn làm buồn lòng cha mẹ mình, huống gì đứa nào biết thương Chúa sẽ cứ còn sống trong tội lỗi làm Chúa buồn lòng được chăng?

 

 

Chúng ta yêu Chúa vì chính Con Ngài là Cứu Chúa Giê-xu từ trời đã giáng thế, để hy sinh chịu đóng đinh đổ huyết chết trên thập tự gía, trả mọi giá tội lỗi cho chúng ta và còn hứa một ngày sẽ trở lại để tiếp rước chúng ta về nước thiên đàng đời đời.

 

 

4) Không phải biết Chúa, yêu Chúa thôi, nhưng phải dạy con cái biết kính sợ Chúa.

 

Trong sách Châm Ngôn 1:7 có chép - "Sự kính sợ Đức Giêhôva là khởi đầu của sự trí thức," đó là sự khôn ngoan thật. Trong Kinh Thánh có tất cả 116 chỗ nhắc đến sự kính sợ Chúa (Fear the Lord). Hai chữ "kính sợ" đây không có nghĩa là "kinh sợ hay hoãng sợ," như khi thấy một con rắn bò trên đất, hay lần đầu tiên đến văn phòng nha sĩ để bị nhổ răng. Nhưng theo từ ngữ Hylạp, chữ kính sợ là chữ "Eulabeia" có mang tính chất trong sự kính trọng, và tôn sùng. Một người thợ điện chuyên môn sẽ không sợ điện, nhưng không có nghĩa là người đó không biết cẩn thận khi sửa điện? Khi còn nhỏ ở bên Việt Nam, có rất nhiều lần tôi không dám đi theo bạn bè làm những điều tầm bậy vì sợ ba má tôi buồn, khi suy nghĩ đến biết bao công lao ông bà đã hy sinh nuôi nấng mình cho đến ngày nay mà bây giờ chẳng lẽ mình lại đi nghe theo lời những thằng bạn sao? Không phải sợ ba má tôi buồn mà thôi nhưng còn sợ bị đánh đòn, nhớ cái roi mây tre của ba tôi hay treo giữa nhà, cái chiếu phải trải ra và nằm xuống khi bị đòn và trong thâm tâm lúc nào cũng biết rõ ba mình sửa phạt vì ông bà thương yêu mình và muốn mình trở nên một người tốt.  Lời Kinh Thánh Châm Ngôn ở đây dạy sự kính sợ Chúa là sự kính sợ đúng (healthy fear) mà sẽ giúp chúng ta sống khôn ngoan tránh được biết bao nhiêu là những điều bại hoại.

 

 

Kính sợ Chúa là sự kính sợ đúng (healthy fear) mà sẽ giúp chúng ta sống khôn ngoan tránh được biết bao nhiêu là những điều bại hoại trong thế gian này.

 

 

a) Châm Ngôn 16:6b - "Bởi sự kính sợ Đức Giêhôva mà người ta xây bỏ điều ác." Bởi sự kính sợ Chúa mà con em chúng ta sẽ nhận thức những điều ác mà biết tránh xa. Chúng nó sẽ nhận ra các mưu kế của ma quỉ đang len lỏi vào nhiều thứ ở trên đời này mà biết canh chừng và tránh xa.

 

i) Chẳng hạn như nền văn hóa của cái TV mà nhà nào ở đây cũng có, có nhà mỗi phòng có một cái. TV là con dao 2 lưỡi, nó tốt cho sự mở rộng trí óc của con người, nhưng cũng có thể là cánh cửa đưa chúng ta vào nhiều thứ làm bại họai gia đạo, vì trên TV có trộn lẫn những chương trình xấu xa, kích thích sự tò mò của con em chúng ta và dần dần thay đổi tấm lòng yêu Chúa và kính sợ Ngài. Anh chị em có chú ý và thấy chưa bao giờ hết, trên TV ngày nay có rất nhiều những chương trình có tính chất "sciene fiction" nghĩa là "gỉa tưởng" cộng thêm tính chất của thần linh ma quái như những shows "Buffet the vampire, Xfiles, Harry Potter." Những chương trình này đang gián tiếp, ngấm ngầm phô trương quyền lực của ma quỉ, mà một số con em chúng ta say mê xem mỗi ngày vì thấy "lạ mắt."  Càng xem những chương trình này thì lòng yêu mến, tin cậy nơi Chúa sẽ càng bị phai nhạt đi và dần dần sẽ dẫn đến chỗ không còn tin cậy có Chúa nữa, nhưng lại chỉ “sợ ma” mà thôi.

 

ii) Nền văn hóa của mạng lưới hoàn cầu Internet cũng là một nguồn lực nguy hiểm, nếu không biết dùng và giới hạn nó. Nó văn minh là vì chỉ cần vài nút bấm, chúng ta có thể đi "khắp thế giới." Nhưng trong Internet cũng có thể là cánh cửa ma quỉ len lỏi vào đó để cám dỗ chúng ta bởi những mạng lưới đầy dẫy những hình ảnh ô dâm để rồi lôi kéo biết bao nhiêu người bị xiềng xích, bị nô lệ trong sự nghiện ngập mà không thể nào thoát ra được.

 

Sự kính sợ nhất mà cha mẹ cần đặt trong lòng con cái của mình là sự kính sợ Chúa để biết tránh xa những nguồn lực của tội ác cho dù một ngày chúng ta không có ở đó để nắm tay dìu dắt chúng nó nữa. Cuộc đời của anh Giôsép sau khi bị các người anh em của mình đối xử tệ bạc, bán qua xứ lạ, nước Ai cập, nhưng khi sống ở bên đó, ông vẫn không chịu làm điều bậy bạ cho dù khi vợ của ông chủ ép mình ngủ cùng người. Giôsép đã không làm điều này, không phải vì sợ bị mất job, sợ mắc bịnh AIDS, hay bị gọi là cù lần, nhưng bởi vì Giôsép kính sợ Đức Chúa Trời, biết rằng điều đó là tội lỗi, là nghịch cùng Chúa cho dù cha mẹ mình không có ở đó. Trong sách Sáng Thế Ký 39:8-9 – Giôsép đã đáp lời như thế nào với bà vợ của chủ mình đòi anh nằm ngủ cùng bà khi không có ai ở gần? “Chàng từ chối và đáp rằng: Chủ đã giao nơi tay tôi mọi vật của người, và nầy, chủ chẳng lo biết đến việc chi trong nhà nữa; trong nhà nầy chẳng ai lớn hơn tôi, và chủ cùng không cấm chi tôi, trừ ra một mình ngươi, vì là vợ của chủ tôi. Thế nào tôi dám làm điều đại ác dường ấy, mà phạm tội cùng Đức Chúa Trời sao?” Đây là tấm lòng tự giác kính sợ Chúa mà chúng ta phải cố gắng hết sức đặt trong lòng của mỗi con em chúng ta, trước khi nó mọc cánh bay đi. Muốn con cái biết kính sợ Chúa, chúng ta phải tận tâm cố gắng dậy con cái mình lời Kinh Thánh mà chẳng sợ những áp lực của đám đông người. Anh chị em có biết áp lực lớn nhất của con em chúng ta ngày nay là gì không? Chính là áp lực của sự "ùa theo đám đông." Ngày xưa gia đình, Hội Thánh Chúa là những áp lực ảnh hưởng mạnh nhất trong đời sống trẻ em, nhưng thời đại ngày nay, ảnh hưởng mạnh nhất cho giới trẻ là những đứa bạn bè của chúng nó, vì con em chúng ta muốn được đám đông chấp nhận. Nhưng đứa nào biết kính sợ Chúa thì “chẳng theo mưu kế của kẻ dữ, chẳng đứng trong đường tội nhân, không ngồi chỗ của kẻ nhạo báng.”

 

 

Chúng ta phải cố gắng hết sức đặt trong lòng của mỗi con em chúng ta một tấm lòng tự giác kính sợ Chúa, trước khi nó mọc cánh bay đi.

 

 

b) Sự kính sợ Chúa không phải chỉ giúp con em chúng ta xoay bỏ điều ác mà thôi nhưng còn thúc dục chúng nó làm những điều lành nữa đó là vâng giữ các điều răn của Chúa. Sách Truyền đạo 12:13 là những lời phán cuối cùng của một người khôn ngoan và giàu có nhất đó là vua Salômôn đã một lần nói: "Khá kính sợ Đức Chúa Trời và giữ các điều răn Ngài; ấy là trọn phận sự của ngươi.” Dấu hiệu rõ nhất để chúng ta biết con em chúng ta đang biết kính sợ Chúa đó là chúng nó có vâng lời làm theo những mạng lệnh của Chúa dạy không? Chúng ta phải luôn khích lệ con cái chúng ta biết đầu tư trong sự thực hành lời Chúa mỗi ngày để rể đức tin của chúng nó được đâm sâu và lan rộng và khi cơn giông “tornado” đến và đi qua, con em chúng ta vẫn còn đứng vững. Tại sao một số con cái của Chúa khi bị thử thách, gặp hoạn nạn, đối diện với những sự mời mọc kéo đến, gặp những người bạn trai, bạn gái thì lại mau đi xa bến bờ yêu thương của Chúa. Không phải con em chúng ta đã từng đi nhà thờ mỗi Chúa Nhật, sinh hoạt từ hồi nhỏ trong các ban ngành sao? Suy đi nghĩ lại, câu trả lời là vì con em chúng ta có đức tin chưa được xây trên nền đá vững chắc đó là sự thực hành lời Chúa. Nhớ ẩn dụ của Chúa Giê-xu trong Mathiơ 7:24-25 - về hai người xây nhà, một người xây trên cát, một người xây trên đá không? Bình thường thì cả hai sống giống như nhau, có lẽ cũng thường đi nhà thờ, cũng sinh hoạt trong Hội Thánh Chúa, cho đến khi mưa sa gió lớn kéo đến thì chỉ căn nhà của người được xây trên đá còn đứng vững mà thôi và Chúa Giê-xu dạy gì: “Vậy, kẻ nào nghe và làm theo lời ta phán đây, thì giống như một người khôn ngoan cất nhà mình trên hòn đá. Có mưa sa, nước chảy, gió lay, xô động nhà ấy; song không sập, vì đã cất trên đá.”

 

 

Chúng ta phải luôn khích lệ con cái mình biết đầu tư trong sự thực hành lời Chúa mỗi ngày để rể đức tin của chúng nó được đâm sâu và lan rộng, đứng vững vàng qua những cơn giông tố.

 

 

Một trong những nan đề hiện đại ở Mỹ cho giới trẻ em là nan đề “obesity” dịch ra là bịnh “béo phì” và khi lớn lên các em sẽ dễ bị máng vào những căn bịnh liên hệ đến tim. Lý do dẫn đến bịnh này là vì ăn quá nhiều những đồ ăn có chất mỡ, cao lượng cholesterol, thường ở từ những tiệm “fast food” có thể vì cha mẹ ngày nay quá bận rộn, không còn nhiều thì giờ để nấu những món ăn có chất bổ cho con cái. Không phải vậy thôi, nhưng “mập ú” cũng là vì các em lại ít thể dục thể thao hay ngồi trước cái máy video, máy computer và cái TV suốt ngày. Quảng cáo của tiệm ăn Subway, một đứa trẻ chơi Nintendo video, nó cố gắng nhẩy lên đớp được một cái hamburger, uống được một ly coke lớn, ăn được một gói French fries và sau đó muốn tiến đến “next level,” nhưng không qua cánh cửa được vì quá mập ù, ngay sau đó có hàng chữ nổi lên như sau: “Eat Fresh” để mời gọi thiên hạ nên ăn bánh mì Subway. Nan đề của con em chúng ta cũng vậy có thể máng vào căn bịnh “mập ú thuộc linh” (Spiritual Obesity) nếu chúng nó chỉ đi nhà thờ hiểu biết rất nhiều về đạo lý, được dạy dỗ nhiều lời Chúa, nhưng chưa chịu thực hành (exercise), áp dụng những lẽ thật mình đã học thì coi chừng chỉ làm chúng nó có “đầu to và thân hình thuộc linh béo ù” thôi chăng?

 

3) Cầu Nguyện cho con cái

 

Định luật thứ 3 cha mẹ cần biết đó là phải nhờ cậy Chúa là Đấng quyền năng, giúp đỡ chúng ta trong thiên chức này thì mới thành công được. Người Việt có câu nói gì? "Mưu sự tại nhân, thành sự tại Thiên." Có nghĩa là cha mẹ phải biết nhờ cậy Thiên Chúa trong sự cầu nguyện cho mỗi đứa con của mình. Thử hỏi anh chị em đã làm điều này hôm nay chưa, trong suốt tuần này chưa?

 

 

Cha mẹ cần biết nhờ cậy Chúa là Đấng quyền năng, giúp đỡ chúng ta trong thiên chức này thì mới thành công được.

 

 

James Dobson (Mục sư nổi tiếng chuyên về cố vấn gia đình) có chép lại những điều chúng ta cần cầu nguyện cho con cái mình mỗi ngày như sau:

 

1) Thứ Hai - Xin Chúa giữ gìn chúng nó suốt tuần lễ vượt qua những sự cám dỗ ở đời này,

2) Thứ Ba - Ban cho chúng nó có sự khôn ngoan trong sự chọn người bạn mỗi ngày, biết phân biệt bạn tốt & xấu,

3) Thứ Tư - Giúp chúng nó lúc nào cũng có những suy nghĩ, ý tưởng thánh khiết, trong sạch trong đầu óc,

4) Thứ Năm - Khi chúng nó làm những điều xấu như nói láo, ăn gian thì xin Chúa cho bị lộ tẩy ra, và lãnh hậu quả của nó, để tránh làm ác nữa, không khẻo những tai họa lớn khác sẽ xẩy đến,

5) Thứ Sáu - chúng nó có sự khôn ngoan thông minh, chịu khó và siêng năng, cố gắng trong sự học hành,

6) Thứ Bảy - cầu nguyện cho những người vợ hoặc chồng tương lai của chúng nó cũng là những người cũng yêu mến Chúa và có tấm lòng muốn hầu việc Chúa. Cho con cháu của chúng nó là những người đầy dẫy đức hạnh cơ đốc,

7) Chúa Nhật - Sống cho Chúa và là những chứng nhân tốt cho sự vinh hiển của Chúa.

 

Trong sách Thi Thiên 127:3 có chép: “Con cái là cơ nghiệp bởi Đức Chúa Trời mà ra.” Vì thế trách nhiệm nuôi nấng con cái là một Thiên chức mà Chúa đã trao cho các bậc cha mẹ từ lúc ban đầu. Điều này không phải là một việc dễ làm, vì sự suy đồi của đạo lý xã hội ngày nay, sự xung đột của hai nền văn hóa tây phương và á châu, sự đòi hỏi của đời sống vật chất, và sự bất toàn của chính mỗi chúng ta. Có một cách mà chúng ta có thể làm trọn trách nhiệm này, đó là hãy nương cậy nơi quyền năng của Thiên Chúa trong sự cầu nguyện.

 

Tóm tắt, mọi mối liên hệ tốt đẹp ở trên đời này được treo bởi chỉ "một sợi giây" mà thôi và sợi giây đó chính là mối liên hệ “bề dọc” của mỗi người với chính Chúa mỗi ngày qua Cứu Chúa Giê-xu, để biết Chúa, yêu Chúa và kính sợ Ngài!

 

 

Mọi mối liên hệ tốt đẹp ở trên đời này được treo bởi chỉ "một sợi giây" và sợi giây đó chính là mối liên hệ “bề dọc” của mỗi người với Chúa Giê-xu mỗi ngày, để biết Chúa, yêu Chúa và kính sợ Ngài!

 

 

--------------------- Lời Mời Gọi:

 

Nếu chịu khó quan xát chúng ta sẽ thấy vô số những gia đình đang thiếu hạnh phúc, nhiều cuộc sống chưa tìm được ý nghĩa thật, con cái của một số người đang ở trong tình trạng hư hỏng cũng chỉ là vì những gia đình này thiếu một nền tảng vững chắc đó là mối liên hệ tương giao mật thiết với Chúa. Chúng ta có thấy rõ lẽ thật này không? Mọi mối liên hệ tốt đẹp ở đời này đều lệ thuộc ở mối liên hệ bề dọc với Chúa không? Con cái chúng ta có nên người, đầy dẫy những đức hạnh cơ đốc là tùy thuộc vào sự cố gắng của chúng ta dạy dỗ đạo để chúng nó có một mối liên hệ mật thiết với Chúa không? Hay là chúng ta đang đổ dồn trách nhiệm này cho những người khác, những thứ khác? Nếu chúng ta không chịu “gieo” thì làm sao đòi “gặt” được đây? Đây không phải là những công thức mới lạ, nhưng toàn là những định luật căn bản tự nhiên mà thôi. Chúng ta đang đẩu tư chi trong đời sống của con em mình. Sự đầu tư quan trọng nhất cho những bậc cha mẹ cơ đốc đó là dạy dộ con cái mình biết Chúa, yêu Chúa và kính sợ Ngài. Vì khi con em chúng ta biết kính sợ Chúa, chúng nó sẽ xây bỏ những điều ác. Còn hơn nữa, chúng nó sẽ biết vâng giữ những điều răn của Chúa là những con đường chắc chắn dẫn đến một đời sống có ý nghĩa và phước hạnh. Làm cha mẹ, chúng ta có nhận biết kho tàng lớn nhất ở trên đất này mà Chúa ban cho chúng ta là mỗi đứa con không? Nếu ý thức được như vậy thì chúng ta có đang bắt lấy mọi cơ hội để đầu tư và ảnh hưởng con cái nhiều “đạo” của Chúa không? Có người nói: “Tấm lòng của những đứa trẻ lớn lên giống như một tờ giấy trắng tinh, nếu cha mẹ không để thì giờ viết trên đó “đạo,” thì tự nhiên những điều xấu xa, không tin kính sẽ được chép ở trên đó, trong lòng chúng nó.” Thế hệ cơ đốc tương lai sẽ ra sao tùy theo thế hệ này có dạy dỗ chúng nó biết và kính sợ Chúa không? Mỗi bậc cha mẹ hãy tự xét xem coi có điều gì trong đời sống của mình cần được điều chỉnh ngay bây giờ không để dạy dỗ con cái biết Chúa, yêu Chúa và kính sợ Ngài?

 

Cuộc sống bạn đang có ý nghĩa không? Bạn có muốn cuộc sống mình được đầy ý nghĩa không? Nếu muốn bạn phải nhận biết kho tàng lớn nhất Đức Chúa Trời dành cho mỗi chúng ta đó là sự sống đời đời trong nước thiên đàng của Ngài. Bạn muốn có của báu này thì tùy thuộc vào mối liên hệ của bạn với Chúa. Chúa Giê-xu đã từ trời đến để bạn có mối liên hệ đời đời với Đức Chúa Trời nếu bạn bằng lòng tin nhận Con Đức Chúa Trời ngay hôm nay.


Teaching our Children to Know, Love and Fear God

(Proverbs 16:6b/Ecclesiastes 12:13)

 

 

Our life is gorverned by many different relationships. The peace and happiness of this life are depended on how we wisely choose and carefully build these relationships. God wants to bless our family relationship and expects us to raise godly kids. To achieve this goal, we must understand some important principles. The first one is the law of “sow & reap.” We must sow “theo” in the heart of our children today to reap godly man and woman tomorrow. We cannot raise godly kids if we only sow materialistic and wordly philosophies in our children’s heart. The quantity of how much we will reap depends on how much do we sow.  The second principle is that every healthy relationship depends on the vertical relationship with God. Knowing God takes a lifetime journey. We can know God through three basics facts: His creation, the Bible, and His Son Jesus. Knowing Jesus Who died for our sin brings us to love God. The last principle to raise godly kids is to teach them to fear God. This healthy fear will help our children to keep away from evil. If our children truly fear God, they will keep His commandments and stay strong even through the storms of life. Christian parents must also learn to lean on God in prayer to successfully raise godly kids. Every healthy relationships on this earth is hanged by a string and that string is the fear of God. We must teach our children to know, to love and to fear God.