Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 3

Gắng Hết Sức

(Make Every Effort)

2 Phiêrơ 1:3-11

 

Quyền phép Đức Chúa Trời đã ban cho chúng ta mọi điều thuộc về sự sống và sự tin kính, khiến chúng ta biết Đấng lấy vinh hiển và nhân đức mà gọi chúng ta, 4 và bởi vinh hiển nhân đức ấy, Ngài lại ban lời hứa rất quí rất lớn cho chúng ta, hầu cho nhờ đó anh em được lánh khỏi sự hư nát của thế gian bởi tư dục đến, mà trở nên người dự phần bản tánh Đức Chúa Trời. // 5 Vậy nên, về phần anh em, phải gắng hết sức thêm cho đức tin mình sự nhân đức, thêm cho nhân đức sự học thức, 6 thêm cho học thức sự tiết độ, thêm cho tiết độ sự nhịn nhục, thêm cho nhịn nhục sự tin kính, 7 thêm cho tin kính tình yêu thương anh em, thêm cho tình yêu thương anh em lòng yêu mến. // 8 Vì nếu các điều đó có đủ trong anh em và đầy dẫy nữa, thì ắt chẳng để cho anh em ở dưng hoặc không kết quả trong sự nhận biết Đức Chúa Jêsus Christ chúng ta đâu. 9 Nhưng ai thiếu những điều đó, thì thành ra người cận thị, người mù; quên hẳn sự làm sạch tội mình ngày trước. 10 Vậy, hỡi anh em, hãy chú ý cho chắc chắn về sự Chúa kêu gọi và chọn lựa mình. Làm điều đó anh em sẽ không hề vấp ngã; 11 dường ấy, anh em sẽ được cho vào cách rộng rãi trong nước đời đời của Đức Chúa Jêsus Christ, là Chúa và Cứu Chúa của chúng ta.”

 

 

Trong một thống kê người ta cho biết những câu hỏi quan trọng nhất mà phần đông thiên hạ hay thắc mắc, đó là 3 câu hỏi sau đây:

 

1) Nguồn gốc con người đến từ đâu?

 

2) Tại sao có sự đau khổ trong cuộc sống hiện tại này?

 

3) Tương lai con người sẽ đi về đâu?

 

Câu hỏi thứ nhất thật ra không mấy là quan trọng, vì mỗi người chúng ta đã hiện hữu ở đây rồi. Câu hỏi thứ hai cũng chỉ là một thực trạng, mà không ai sống ở trên đời này thoát được. Nhưng trong 3 câu hỏi này thì câu hỏi thứ ba khó nhất, vì không phải nói đến những điều đã xảy ra trong quá khứ, hay những việc đang ảnh hưởng ngay trong đời sống hiện tại của mỗi chúng ta mà thôi, nhưng nào ai biết được tương lai con người sẽ đi về đâu, phải không? Có vô số người sống ngày hôm nay nhưng tương lai của họ chỉ là một câu hỏi huyền bí rất lớn, mà họ không có câu trả lời cho nó. Họ sống chỉ cho ngày hôm nay mà thôi, và họ cũng biết mình sẽ một ngày năm xuống, nhưng không biết linh hồn của mình sẽ ở đâu đời đời.

 

 

I. Mục Tiêu Tối Hậu

 

Nhưng đối với những người có đức tin nơi Cứu Chúa Giê-xu thì họ biết rõ mình sẽ hưởng được sự sống đời đời trong nước thiên đàng của Đức Chúa Trời trong tương lai. Lý do họ biết và trông đợi điều này là vì:

 

1) Chính Chúa Giê-xu đã chết, nhưng Ngài đã sống lại và hứa sẽ trở lại để ban cho những kẻ tin sự sống đời đời. Trong Giăng 11:25-26 – Đức Chúa Jêsus đã tuyên bố gì? “Ta là sự sống lại và sự sống; kẻ nào tin ta thì sẽ sống, mặc dầu đã chết rồi. Còn ai sống và tin ta thì không hề chết.”

# Trong Giăng 14:1-3 – Đức Chúa Giê-xu đã hứa gì? “Lòng các ngươi chớ hề bối rối; hãy tin Đức Chúa Trời, cũng hãy tin ta nữa. Trong nhà Cha ta có nhiều chỗ ở; bằng chẳng vậy, ta đã nói cho các ngươi rồi. Ta đi sắm sẵn cho các ngươi một chỗ. Khi ta đã đi, và sắm sẵn cho các ngươi một chỗ rồi, ta sẽ trở lại đem các ngươi đi với ta, hầu cho ta ở đâu thì các ngươi cũng ở đó.”

 

2) Chúng ta có sự trông cậy cho tương lai là vì chúng ta có lời Chúa dạy dỗ, nhắc nhở qua các sứ đồ của Ngài, như trong đoạn Kinh Thánh 2 Phiêrơ 1:3 này, sứ đồ Phiêrơ nói về quyền phép của Đức Chúa Trời ban cho chúng ta đó chính là “sự sống” đời đời mà chúng ta đang trông đợi – “Quyền phép Đức Chúa Trời đã ban cho chúng ta mọi điều thuộc về sự sống và sự tin kính, khiến chúng ta biết Đấng lấy vinh hiển và nhân đức mà gọi chúng ta.” Chữ “sự sống” từ nguyên gốc là chữ “breath” nghĩa là hơi thở. Trong Sáng Thế Ký 2:7 - Đức Chúa Trời hà sanh khí, nghĩa là “thở” vào con người đầu tiên là Ađam, thì người có sự sống thuộc linh, mà không có loài nào trên đất có hơi thở của Chúa hết – “Giê-hô-va Đức Chúa Trời bèn lấy bụi đất nắn nên hình người, hà sanh khí vào lỗ mũi; thì người trở nên một loài sanh linh.” Cho nên hai chữ “sự sống” đây ám chỉ về sự sống thuộc linh, chứ không phải thuộc thể, hàm ý nói đến sự sống đời đời ở trên nước thiên đàng một ngày. Rõ ràng trong câu này, ý muốn tối hậu của Đức Chúa Trời cho con cái của Ngài là gì? Đó là được ở trong nhà của Đức Chúa Trời (gọi là nước thiên đàng đời đời) trong tương lai.

 

 

II. Mục Tiêu Hiện Tại

 

Không phải chương trình của Chúa sắm sẵn cho chúng ta trong tương lai chỉ vậy thôi, nhưng còn cho đời sống hiện tại thì sao? Trong câu 3, ý muốn của Đức Chúa Trời cho chúng ta đang lúc chờ đợi ngày phước hạnh lớn sắp đến thì phải sống như thế nào? Chúng ta phải sống một đời sống tin kính. Chữ “tin kính” nói đến nếp sống của những người đang hành trình trên đường đi đến “sự sống” đời đời thì hiện tại phải là một đời sống tin kính, nghĩa là “sống đạo,” hay chỗ khác trong Kinh Thánh gọi là một đời sống “nên thánh.” Sách Rôma 6:22 – sứ đồ Phaolô giải thích thêm “Nhưng bây giờ (anh em) đã được buông tha khỏi tội lỗi và trở nên tôi mọi của Đức Chúa Trời rồi, thì anh em được lấy sự nên thánh làm kết quả, và sự sống đời đời làm cuối cùng.” Cho nên khi nói đến “sự sống,” sứ đồ Phi-e-rơ nói đến mục tiêu cuối cùng chúng ta sống có niềm tin để chờ đợi ngày lên thiên đàng sống vĩnh cửu với Chúa; Nhưng khi nói đến “sự tin kính,” Phiêrơ nói đến việc chúng ta thể hiện niềm tin trong đời sống hằng ngày, sống “nên thánh” để làm sáng danh Chúa và nhận được phần thưởng đời đời khi Chúa Giê-xu trở lại. Một người muốn sống một đời sống “tin kính” nghĩa là sao? Sứ đồ Phiêrơ nhắc đến 2 điều trong câu 4 – “bởi vinh hiển nhân đức ấy, Ngài lại ban lời hứa rất quí rất lớn cho chúng ta, hầu cho nhờ đó anh em được lánh khỏi sự hư nát của thế gian bởi tư dục đến, mà trở nên người dự phần bản tánh Đức Chúa Trời.”

 

1) Thứ nhất, người đó có quyền năng để lánh khỏi (thoát khỏi những xiềng xích) mọi sự hư nát của thế gian, đó là tất cả những điều nghịch lại với Chúa, nghịch lại lời Chúa dạy. Người sống tin kính là người có quyền phép làm chủ, sống chiến thắng được “cái tôi” và những tư dục xấu xa của nó. Trong 1 Giăng 2:16 có chép những tư dục của xác thịt như sau: “Vì mọi sự trong thế gian, như sự mê tham của xác thịt, mê tham của mắt, và sự kiêu ngạo của đời, đều chẳng từ Cha mà đến, nhưng từ thế gian mà ra.”

 

2) Thứ hai, mục tiêu cho một người có nếp sống tin kính đó là mỗi ngày được trở nên người “dự phần bản tánh” giống như Đức Chúa Trời hơn – đây nghĩa là sao? Một tiến trình mỗi ngày được Đức Thánh Linh “gội rửa” chúng ta, và làm chúng ta “nên thánh” giống như Con Đức Chúa Trời hơn. Sách Rôma 8:29 chép mục đích của Đức Chúa Trời cứu chúng ta là để làm gì? “Vì những kẻ Ngài đã biết trước, thì Ngài cũng đã định sẵn để nên giống như hình bóng Con Ngài, hầu cho Con nầy được làm Con cả ở giữa nhiều anh em.” Giống Chúa Giê-xu có nghĩa là có sự suy nghĩ, lời nói, hành động và cách ăn nết ở theo giống như tấm gương của Chúa vậy! Như vậy một người sống đời sống “tin kính” luôn cố gắng phát triển, tăng trưởng những đức hạnh cơ đốc (Christian virtues), để mỗi ngày trở nên giống Chúa Giê-xu hơn, chứ không có ở trong trạng thái thụ động, thái độ tự mãn, thờ ơ giống như một “đứa bé con” hoài.

 

 

III. Quyền Phép Bởi Sự Thông Biết Chúa

 

Cũng trong câu 3 này lời Chúa cũng cho chúng ta biết quyền phép, năng lực rất quí rất lớn ở đâu để một người có thể trông đợi sự sống đời đời và sống tin kính, đó là qua sự thông biết (epgnosis) trọn vẹn Chúa của chúng ta là ai! Thay vì dịch là “Quyền phép Đức Chúa Trời đã ban cho chúng mọi điều thuộc về sự sống và sự tôn kính, khiến chúng ta biết Đấng lấy vinh hiển và nhơn đức mà gọi chúng ta,” chúng ta phải dịch câu 3 là, “Quyền phép Đức Chúa Trời đã ban cho chúng mọi điều thuộc về sự sống và sự tôn kính, qua sự thông biết Đấng... “ (theo bản dịch tiếng Anh là “Through the true knowledge of Him...” và bản dịch Kinh Thánh tiếng Việt mới). Đây là bí quyết quan trọng để có được quyền năng của Chúa để chắc chắn chờ đợi sự sống đời đời và có năng lực để sống “nên thánh.” Chúng ta càng thông biết Chúa Giê-xu nhiều, chúng ta càng mau “nên thánh,” càng giống Ngài hơn, và sự trông cậy/chờ đợi của sự sống đời đời của mình càng rõ rệt và chắc chắn sẽ không bị lay chuyển. Người Mỹ có câu: “It’s not what you know, but Who you know!” There is a power in Knowing who God is, Who Jesus is!  Trung tâm điểm của đời sống chúng ta nói riêng và Hội Thánh nói chung phải là để thông biết Chúa Giê-xu nhiều hơn mỗi ngày. Làm sao chúng ta thông biết Chúa? Qua lời Kinh Thánh của Ngài. Sách Êphêsô 5:25b-26 - Sứ đồ Phaolô dạy gì? “Đấng Christ đã yêu Hội thánh, phó chính mình vì Hội thánh, 26 để khiến Hội nên thánh sau khi lấy nước rửadùng Đạo làm cho Hội tinh sạch.” Đạo là chân lý, là lẽ thật, là lời Đức Chúa Trời để tinh sạch chúng ta dần giống như Chúa Giê-xu hơn mỗi ngày. Vì vậy chúng ta cần tĩnh tâm mỗi ngày, học trường Chúa Nhật và nhóm thờ phượng mỗi tuần, học Đạo để có thể biết rõ “Đạo.”

 

 

IV. Gắng Hết Sức

 

Trong câu 5 cho thấy thái độ đúng của những người đang nhắm mục tiêu này cho đời sống thì phải như thế nào? Phải “gắng hết sức.” – “Vậy nên, về phần anh em, phải gắng hết sức thêm cho đức tin mình sự nhân đức, thêm cho nhân đức sự học thức.” Sứ đồ Phaolô vẽ cho chúng ta thấy hình ảnh của một người lực sĩ chạy đua, luôn nhắm mục tiêu, bươn tới trước, mà gắng hết sức chạy, chứ không có cà rề, hay thờ ơ. Người lực sĩ gắng hết sức vì mục tiêu là phần thưởng huy chương vàng. Người Việt mình biết rất rõ về sự “gắng hết sức” nghĩa là gì? Nhiều người chịu khó học hành thức khuya, dậy sớm, để đạt được bằng cấp và công ăn việc làm tốt. Chịu khó “đầu tắt mặt tối” bỏ ăn, bỏ ngủ, để lao động hái được nhiều tiền. Chịu khó dạy sớm để đi câu cá, ở dưới nắng cháy, cố gắng câu thêm một tiếng đồng hồ nữa. Gắng hết sức thức khuya chơi game, cố gắng tiến thêm một “level” nữa. Nhưng còn con người thuộc linh của mình, chúng ta có đang gắng hết sức để trở nên giống như Cứu Chúa Giê-xu hơn mỗi ngày và mong được ở với Ngài trong nước thiên đàng một ngày không? Những lý do thường làm cho đức tin của vô số người cơ đốc bị nghẹt ngòi nói riêng và sự phát triển của Hội Thánh Chúa nói chung bị thụt lùi?

 

a) Bởi vì tánh lười biếng, chẳng cố gắng nữa, chẳng còn quan tâm đến sự kêu gọi của Chúa cho mình nữa,

 

b) Tánh tự mãn vì hay so sánh với những người xung quanh nên không cần cố gắng nữa. Người thế gian thường nhìn đời theo cái nhìn tương đối, nghĩa là so sánh với người khác; con cái Chúa nhiều khi cũng vậy tự nghĩ: “Tôi đi nhà thờ thường xuyên hơn nhiều người, và như vậy là đủ rồi. Tôi đọc kinh thánh nhiều hơn người ngồi bên cạnh, và như vậy là đủ rồi. Nhưng người sống tin kính không so sánh với người khác, chỉ tự nhận biết mình, và tìm cách phát triển tất cả những khả năng mình có đến mức tối đa, theo ý muốn của Chúa cho chính mình.

 

c) Thiếu kỷ luật - thiếu sự tập luyện tâm linh, chẳng chịu trau dồi, muốn phát triển những đức hạnh của tâm linh, phí thải cuộc đời của mình trong những thú vui đua đòi của trần thế. Người Việt Nam có một ví dụ là đời sống giống như bơi thuyền trên dòng nước ngược; Nếu không cố gắng chèo, thì mình sẽ bị lùi. Đời sống thuộc linh cũng vậy, nếu chúng ta không cố gắng hết sức để tiến lên, phát triển thì tự động chúng ta sẽ bị thụt lùi, đức tin bị nguội lạnh mà thôi.

 

 

V. Trau Dồi Những Đức Hạnh Cơ Đốc

 

Trong câu 5-7 - sứ đồ Phiêrơ cho thấy những điều thực tế chúng ta phải gắng sức đeo đuổi và muốn phát triển? “Vậy nên, về phần anh em, phải gắng hết sức thêm cho đức tin mình sự nhân đức, thêm cho nhân đức sự học thức, thêm cho học thức sự tiết độ, thêm cho tiết độ sự nhịn nhục, thêm cho nhịn nhục sự tin kính, thêm cho tin kính tình yêu thương anh em, thêm cho tình yêu thương anh em lòng yêu mến.” Có tất cả 8 điều cần phải đeo đuổi, phải cố gắng muốn phát triển, từ đức tin đến tình yêu không điều kiện (agape). Bắt đầu thứ tự bằng đức tin rồi mới đến 7 đức hạnh khác theo sau. Cái thứ tự giữa đức tin và việc làm trong một đời sống “nên thánh” rất quan trọng, không thể đi ngược lại; nếu làm ngược lại thì trở thành giống như mọi tôn giáo khác ngay. Đức tin phải đi trước những việc làm; Chúng ta được cứu bởi đức tin nơi Cứu Chúa Giê-xu chứ không bởi những việc làm lành. Đức tin là nền tảng để chúng ta xây dựng căn nhà của những việc lành lên trên theo sau đó. Đức tin là mảnh đất đã được chuẩn bị để chúng ta trồng những việc làm lành theo sau trong đó. Sau khi có nền đức tin rồi, chúng ta phải cố gắng hết sức xây cất và trồng trọt trên nền đó 7 đức hạnh cơ đốc. Theo thứ tự của 7 điều này đây không có nghĩa là phải làm trọn xong một điều thì mới bước tới điều thứ hai.

 

1. Sự nhân đức

 

The bản dịch tiếng Anh thì chữ “nhân đức” moral excellence, trong đó có chữ “excellence” noí đến nhưng mục đích cao thượng tuyệt mỹ mà người nào sống nhân đức sẽ cố gắng bươn tới cho đến khi nào đạt được, chứ không có tự mãn chẳng cố gắng gì hết. Cuộc thi đua nào cũng có giải vô địch, chứ không phải ai cũng sẽ về hạng nhất hay ai cũng sẽ được giải thưởng. Trong Philíp 3:14 sứ đồ Phaolô diễn tả đời sống cố gắng thuộc linh của mình như sau: “nhưng tôi cứ làm một điều: quên lửng sự ở đằng sau, mà bươn theo sự ở đằng trước, tôi nhắm mục đích mà chạy, để giựt giải về sự kêu gọi trên trời (moral excellence) của Đức Chúa Trời trong Đức Chúa Jêsus Christ.” Sứ đồ Phaolô sống trong kỷ luật thuộc linh, đãi thân thể mình một cách nghiêm khắc, để làm sao đạt đục mục đích đạo đức tuyệt mỹ đó là sự nhân đức.

 

2. Sự Học thức

 

Sự học thức từ chữ “gnosis” nghĩa là nói đến kiến thức trên đầu, khác với chữ epignosis, nghĩa là sự hiểu biết thuộc linh trong câu 3 - nói đến kiến thức thuộc linh trọn vẹn trong trái tim. Kiến thức ở đây là lý do tại sao mình học trường Chúa Nhật và tham dự giờ thờ phượng, là lý do tại sao mình giở kinh thánh ra đọc hằng ngày. Nếu muốn sống đạo, chúng ta phải có kiến thức trên đầu trước. Như vậy nếu không chịu đọc và hiểu rõ kinh thánh là bước đầu tiên, và để những kiến thức đó đi vào trong trái tim thì làm sao chúng ta thể bắt đầu biết sống đạo được? Nó đòi hỏi một đời sống kỷ luật tâm linh phải tự đọc lời Chúa mỗi ngày, và mỗi tuần học chung với anh chị em mình. Có bao giờ chúng ta xin Chúa cho mình có ơn thích đọc Kinh Thánh không, giống như say mê xem phim chưởng, hay chơi video game?

 

3. Sự tiết độ

 

Sau kiến thức là tiết độ. Đây là sự biết canh chừng, kiềm hãm về những điều khoái lạc của tự dục xác thịt mà làm mình trùng bước bỏ cuộc không bươn tới. Phi-e-rơ khuyên chúng ta đừng nuông chiều theo dục vọng, đừng để mình bị lôi cuốn theo những sự mê tham của xác thịt, sự mê tham của mắt và sự kiêu ngạo của đời. Không phải những điều không được phép làm phải tránh xa mà thôi, nhưng kể cả những điều có ích cũng phải biết kiềm hãm, đừng làm quá độ hay bị nó bắt phục mình.  Tỉ dụ như tiền bạc không phải lúc nào cũng là xấu. Nhưng nó sẽ là xấu, nếu chúng ta không biết tự kiềm chế, điều khiển nó nhưng lại chạy theo tiền bạc để nó điều khiển đời sống mình mà quên đi những điều ưu tiên khác. Vấn đề ăn uống là những điều thú vị Chúa ban cho chúng ta trong đời sống – không có gì sai hết, nhưng chúng ta không thể sống chỉ để ăn uống mà thôi, nhưng còn hầu việc Chúa nữa. Bí quyết hay nhất để có đức hạnh tiết độ đó là phải thường xuyên cầu nguyện mỗi ngày, để có quyền phép của Đức Thánh Linh mà cai trị được con khổng lồ của tư dục xác thịt!

 

4. Sự nhịn nhục

 

Nhịn nhục đây nghĩa là sức chịu đựng khi gặp đau khổ, hay khó khăn. Nhiều khi chúng ta không hiểu hết tại sao có những sự đau khổ, nhưng chúng ta phải tin rằng trong mọi sự đau khổ ở trên đời này Đức Chúa Trời biết và Ngài có mục đích cho nó, vì không điều nào ngẫu nhiên xảy ra hết.  Nhớ rằng nhịn nhục đây không nói đến những điều mình phải chịu vì đã làm điều sai quấy, như là hút thuốc để rồi mắc bịnh ung thư phổi, mê đánh bài để rồi bị phá sản, nhưng nói đến điều mình phải chịu đựng vì danh Chúa, bị bắt bớ có thể ngay cả ở trong gia đình, hay trong sở làm vì chúng ta là con cái Chúa.  Ở bên Mỹ, chúng ta sống quá sung sướng, nên khi gặp những khó khăn, mình thường không nhịn nhục được, nhưng thường muốn bỏ cuộc liền.

 

a) Bí quyết đểsự nhịn nhục đó là không nhìn vào vấn đề, không nhìn người, nhưng luôn nhìn Chúa thì sẽ thấy Ngài đã nhịn nhục trên thập tự giá như thế nào để mình có thể bắt chước được. Trong sách Công Vụ 7:54-57 chúng ta thấy chấp sự Êtiên đã nhịn nhục chịu sự bắt bớ đến mức nào? “Chúng nghe những lời đó, thì giận trong lòng, và nghiến răng với Ê-tiên. Nhưng người, được đầy dẫy Đức Thánh Linh, mắt ngó chăm lên trời, thấy sự vinh hiển của Đức Chúa Trời, và Đức Chúa Jêsus đứng bên hữu Đức Chúa Trời; thì người nói rằng: Kìa, ta thấy các từng trời mở ra, và Con người đứng bên hữu Đức Chúa Trời. Bấy giờ, chúng kêu lớn tiếng lên, bịt lỗ tai lại, cùng nhau chạy a lại, kéo người ra ngoài thành, rồi ném đá người.” Đây là lúc chấp sự Êtiên bị ném đá chết, nhưng Êtiên đã nhịn nhục và vượt qua được sự bắt bớ này vì “ngó chăm lên trời” và thấy sự vinh hiển của Chúa.

 

b) Một bí quyết nữa để có năng sức nhịn nhục là luôn nắm chặt những lời hứa của Chúa ban cho trong tương lai khi Ngài trở lại mà chúng ta có thể nhịn nhục được. Sách Khải Huyền 2:10 - lời Chúa Giê-xu hứa gì cho Hội Thánh Simiệcnơ? “Ngươi chớ ngại điều mình sẽ chịu khổ. Nầy, ma quỉ sẽ quăng nhiều kẻ trong các ngươi vào ngục, hầu cho các ngươi bị thử thách; các ngươi sẽ bị hoạn nạn trong mười ngày. Khá giữ trung tín cho đến chết, rồi ta sẽ ban cho ngươi mũ triều thiên của sự sống.”

 

5. Sự tôn kính

 

Bây giờ Phi-e-rơ đổi hướng nói đến mối liên hệ của chúng ta đối với Chúa phải như thế nào, đó là gắng hết sức trau dồi sự tôn kính. Đây cũng là chữ dùng trong câu 3 “Quyền phép Đức Chúa Trời đã ban cho chúng ta mọi điều thuộc về sự sống và sự tôn kính...”  Chúng ta biết sống tôn kính Chúa khi chúng ta hiểu phần nào về sự thánh khiết của Đức Chúa Trời. Có vô số người thường nghĩ đến Chúa như chỉ là một Đấng Yêu Thương, chẳng bao giờ phạt ai hết, nhưng chúng ta quên rằng Ngài cũng là Đấng Thánh Khiết mà chúng ta phải biết kính sợ nữa. Sách 2 Phiêrơ 2:4-6 - nhắc chúng ta 3 sự kiện gì về sự thánh khiết của Đức Chúa Trời đóan xét những kẻ ác và việc ác của họ làm như thế nào? “Vả, nếu Đức Chúa Trời chẳng tiếc các thiên sứ đã phạm tội, nhưng quăng vào trong vực sâu, tại đó họ bị trói buộc bằng xiềng nơi tối tăm để chờ sự phán xét; nếu Ngài chẳng tiếc thế gian xưa, trong khi sai nước lụt phạt đời gian ác nầy, chỉ gìn giữ Nô-ê là thầy giảng đạo công bình, với bảy người khác mà thôi; nếu Ngài đã đoán phạt thành Sô-đôm và Gô-mô-rơ, hủy phá đi khiến hóa ra tro, để làm gương cho người gian ác về sau.” Với thái độ kính sợ Chúa, chúng ta sẽ tránh phạm tội, ghét điều ác, sợ làm buồn lòng Đấng đã yêu thương chúng ta quá đỗi.

 

6. Tình yêu thương anh em

 

Đây là chữ philadelphiatrong tiếng Hy Lạp, nói đến lòng yêu thương những người đồng đạo. Sự kính Chúa và yêu người phải đi đôi với nhau, nhất là cho những người cùng một đức tin. Nếu chúng ta chưa có thể yêu thương anh chị em mình là những người mình biết, thì làm sao chúng ta có thể yêu thương những người mình chưa hề biết?  Tình yêu thương đó phải thành thật, chứ không có gỉa hình trên “đầu môi trót lưỡi” của mình thôi. Sách 1 Giăng 3:18 – “Hỡi các con cái bé mọn, chớ yêu mến bằng lời nói và lưỡi, nhưng bằng việc làm và lẽ thật.” Trong Công Vụ 16:15 có chép gì về một người phụ nữ tên Lyđi, sau khi Phaolô làm chứng cho, cô lắng nghe, Chúa Thánh Linh mở lòng cô tiếp nhận Đấng Christ, cô nhận phép Báptêm rồi làm chi nữa? “Khi người đã chịu phép báp-tem với người nhà mình rồi, thì xin chúng ta rằng: Nếu các ông đã đoán tôi là trung thành với Chúa, thì hãy vào nhà tôi, mà ở lại đó; rồi người ép mời vào.” Tiếp rước anh em mình vào nhà. Tình yêu thương cao đẹp đòi hỏi chúng ta phải gạt bỏ tất cả những xích mích nhỏ nhặt, phải chấp nhận nhua, phải phục vụ cho nhau, phải nhớ nhau trong sự cầu nguyện, phải lo lắng cho nhau, và giúp đỡ lẫn nhau, còn không thì làm sao chúng ta nói rằng mình yêu Chúa là Đấng vô hình mình chưa thấy?

 

7. Lòng yêu mến

 

Cuối cùng, điều cao hơn hết là lòng yêu mến. Đây là chữ agapetrong tiếng Hy Lạp. Nó không chỉ nói đến lòng yêu thương những tín hữu trong hội thánh, nhưng cũng nói đến lòng yêu thương tất cả mọi người, kể cả đối với kẻ thù của mình, dầu không nhận được gì lại. Đây là những đức hạnh chúng ta phải gắng hết sức xây cất và trồng trọt vì nay là người “dự phần bản tánh” của Đức Chúa Trời, nhắm mục đích cao đẹp của sự sống đời đời.

 

 

VI. Ích Lợi của sự Gắng Hết Sức

 

Ích lợi của một đời sống gắng hết sức cho sự sống đạo, nên thánh và tin kính này là gì?

 

a) câu 8 - Tránh được tình trạng cây thuộc linh của mình bị trụi trái, đời sống tâm linh bị thụt lùi, không làm đẹp lòng Chúa của mình, mà còn bị rủa trong ngày phán xét là “đầy tớ dữ và biếng nhác” (Mathiơ 25:14-30) nữa sao? “Vì nếu các điều đó có đủ trong anh em và đầy dẫy nữa, thì ắt chẳng để cho anh em ở dưng hoặc không kết quả trong sự nhận biết Đức Chúa Jêsus Christ chúng ta đâu.” Có ai ở đây khi khách tới nhà đem họ ra đằng sau khoe một cảnh vườn toàn là những cây ăn trái bị khô héo không? Hay là cây bông hồng không có một bông nào, nhưng lại đầy gai góc sao? Động từ “ở dưng” cho thấy hình ảnh của một tình trạng thất nghiệp thuộc linh; không làm được gì hết, không kết quả, không đem lợi ích gì cho Chúa, hay cho nước Chúa.

 

b) câu 9 - Không bị cận thị, nhưng thấy được rõ. “Nhưng ai thiếu những điều đó, thì thành ra người cận thị, người mù; quên hẳn sự làm sạch tội mình ngày trước.” Ai bị cận thị phải mang kính nhiều lúc đọc không rõ rất là bực mình. Có nhiều lý do khiến một người bị cận thị. Nhưng có lẽ một trong những lý do đó là mình đọc sách quá gần. Con mắt mình quen điều chỉnh để đọc gần, đến chừng phải nhìn xa, mình không thấy rõ. Người cận thị thuộc linh cũng vậy. Sống trên đời, mình cứ mải mê cặm cụi nhìn những gì chỉ có gía trị tạm bợ trước mắt, cứ bận tâm lo nhà, xe, công ăn việc làm của mình, lo hái tiền. Đến chừng nhìn lên những điều thuộc linh, như là khi nhìn về quá khứ, mình “quên hẳn sự làm sạch tội mình ngày trước.” Mình quên là, có một lúc nào đó, Chúa đã kêu gọi mình bước vào một con đường mới, để sửa soạn chuẩn bị tiến đến thiên đàng. Khi nhìn đến tương lai như sự trông cậy của sự sống đời đời của mình trong lời hứa của Chúa, chúng ta thấy nó mờ mờ ảo ảo, làm cho người đó chỉ nghi ngờ, bối rối, lo sợ mà thôi.

 

c) câu 10-11 – Cho những ai cố gắng đeo đuổi những điều “nên thánh” thì sẽ chắc chắn, bảo đảm, chẳng nghi ngờ, sợ hãi, bối rối, nhưng thoải mái, bình an, vui mừng bước vào “sự sống đời đời” một ngày, cho dù đối diện với những tại họa và kể cả tên khổng lồ lớn nhất là thần chết. “Vậy, hỡi anh em, hãy chú ý cho chắc chắn về sự Chúa kêu gọi và chọn lựa mình. Làm điều đó anh em sẽ không hề vấp ngã; dường ấy, anh em sẽ được cho vào cách rộng rãi trong nước đời đời của Đức Chúa Jêsus Christ, là Chúa và Cứu Chúa của chúng ta.” Trên đời này, đang có biết bao nhiêu người xưng mình là cơ đốc nhân, đi nhà thờ thường xuyên, nhưng vẫn còn lo sợ, nghi ngờ, vì không biết nếu mình chết có được lên thiên đàng không, hay chắc sẽ vào ngay ngục luyện tội mà không biết bao giờ sẽ ra khỏi chỗ đó được? Giống như câu chuyện của một số người đang lo việc đào đất làm đường, chẳng may một ngày nọ, họ khám phá ra được một sợi giây điện ngầm ở dưới đất đang lúc đào, họ bèn gọi ngay một anh kỹ sư điện tới. Sau một thời gian kiểm kê, anh kỹ sư điện mạnh dạn nói với người lao công đào đất: “Tôi bảo đảm với anh giây điện này an toàn, không có gì hết. Anh hãy tự nhiên cắt bỏ nó đi.” Người lao công cầm cây kìm sắt thật lớn để sửa soạn cắt giây điện, nhưng ngó lại và hỏi anh kỹ sư điện một lần nữa: “Ông có chắc là giây điện này an toàn để tôi cắt không?” Anh kỹ sư điện lớn tiếng trả lời: “Chắc chắn mà, anh đừng lo!” Người nhân công suy nghĩ vài giây rồi đưa chiếc kìm sắt qua cho anh kỹ sư điện và nói: “Nếu ông chắc chắn như vậy thì xin ông vui lòng cắt giây điện này cho chúng tôi đi!” Anh kỹ sư điện bấy giờ mới thốt lên và nói: “Để tôi xem lại!” Đang có biết bao nhiêu người đi nhà thờ mạnh dạn nói rằng mình tin chắc vào lời hứa của Chúa Giê-xu sẽ ban cho nước thiên đàng, nhưng khi đối diện với họan nạn hay xui xẻo thì lại bối rối “chuồn” đâu mất tiêu!  Sở dĩ chúng ta chưa có sự trông cậy chắc chắn là vì chúng ta không làm gì, để “thêm cho đức tin mình sự nhơn đức, thêm cho nhơn đức sự học thức, thêm cho học thức sự tiết độ, thêm cho tiết độ sự nhịn nhục, thêm cho nhịn nhục sự tôn kính, thêm cho tôn kính tình yêu thương anh em, thêm cho tình yêu thương anh em lòng yêu mến.”

 

          Xin chúng ta luôn giúp đỡ lẫn nhau, cầu nguyện cho nhau, khích lệ nhau “gắng hết sức,” siêng năng, chuyên cần, sốt sắng, hắm hở trong sự xây cất trồng trọt những đức hạnh này trên nền tảng đức tin của mình, chứ không có tự mãn, lười biếng, bào chữa, để một ngày hết thảy chúng ta được bước vào thiên đàng một cách rộng rãi, thoải mái, vui sướng, để gặp mặt đối mặt với Cứu Chúa Giê-xu của chúng ta, mà lãnh phần thưởng đời đời. Amen!

 

 

Lời Mời Gọi ------------------

 

          Biết bao nhiêu người đang sống trên thế gian này chỉ cho ngày hôm nay mà thôi; họ chẳng có sự trông cậy chi hết cho linh hồn của mình trong tương lai. Họ không biết rằng Đức Chúa Trời còn ban cho mỗi người chúng ta sự sống ngày hôm nay để sửa soạn cho cõi đời sau là cõi đời đời. Chúng ta là con cái của Chúa, chúng ta có sự trông cậy một ngày được hưởng cơ nghiệp nước thiên đàng, y như lời hứa của Chúa Giê-xu đã một lần hứa. Không phải ý muốn của Chúa ban cho chúng ta nước thiên đàng trong tương lai mà thôi, nhưng ý muốn của Chúa còn là chúng ta phải sống một đời sống tin kính, nên thánh trên hành trình tiến đến thiên đàng nữa. Mỗi con cái của Chúa đã có nền tảng đức tin nơi Chúa Giê-xu và lời Ngài, bây giờ chúng ta phải gắng hết sức trau dồi trên đó “thêm cho đức tin mình sự nhơn đức, thêm cho nhơn đức sự học thức, thêm cho học thức sự tiết độ, thêm cho tiết độ sự nhịn nhục, thêm cho nhịn nhục sự tôn kính, thêm cho tôn kính tình yêu thương anh em, thêm cho tình yêu thương anh em lòng yêu mến” để mình có thể sống một đời sống “nên thánh” mà làm vừa lòng Chúa và tôn cao danh của Ngài.

 

          Chúa Giê-xu đã ban cho chúng ta mọi quyền phép để kiên nhẫn chờ đợi sự sống đời đời và tập tành nếp sống tin kính. Ngài còn ban cho chúng ta Đức Thánh Linh nữa luôn ở bên cạnh để giúp đỡ cho thêm những đức hạnh cơ đốc nữa, để mỗi ngày chúng ta có quyền phép lánh xa được những sự hư nát của thế gian và mặc lấy bản tánh của Đức Chúa Trời. Quyền phép đã sẵn sàng, có điều là chúng ta có sẽ dám tìm kiếm và cầu xin ở nới Chúa Thánh Linh không? Hãy thử tìm kiếm Ngài đi và rồi chúng ta sẽ làm được những điều đem đến sự vinh hiển của Chúa từ nay.     


Try Your Best

(2 Peter 1:3-11)

 

“God's power has given us everything we need to lead a godly life. All of that has come to us because we know the One who chose us. He chose us because of his own glory and goodness. 4 He has also given us his very great and valuable promises. He did it so you could share in his nature. He also did it so you could escape from the evil in the world. That evil is caused by sinful longings. 5 So you should try very hard to add goodness to your faith. To goodness, add knowledge. 6 To knowledge, add the ability to control yourselves. To the ability to control yourselves, add the strength to keep going. To the strength to keep going, add godliness. 7 To godliness, add kindness to believers. And to kindness to believers, add love. 8 You should possess more and more of those good points. They will make you useful and fruitful as you get to know our Lord Jesus Christ better. 9 But what if some of you do not have those good points? Then you can't see very well. You are blind. You have forgotten that your past sins have been washed away. 10 My brothers and sisters, be very sure that God has appointed you to be saved. Be sure that he has chosen you. If you do everything I have just said, you will never trip and fall. 11 You will receive a rich welcome into the kingdom that lasts forever. It is the kingdom of our Lord and Savior Jesus Christ.”

 

One of the most mysterious questions is “where will the human soul spend in eternity?” For Christians, we surely know that we will inherit the eternal life in God’s kingdom because of what the living Christ had once promised. We also eagerly wait for this hope because of God’s word through His disciples reminds us. While waiting for this hope, God’s will is that we should live a godly and sanctified life. God also promises to give us all the power we need to accomplish this goal by escaping from the evil in the world and sharing His nature. The power comes from the heart knowledge of Who God is in Christ Jesus. Living a godly life means trying our best to build upon the foundation of our faith the Christian’s virtues which are goodness, knowledge, self-control, strength, godliness, kindness and love. By trying the best, our tree life will not be barren; we will not be blind of God’s promises, but have an assurance of the great welcome into God’s kingdom one day. Do you know where you will spend eternity? Are you sure to receive a rich welcome when Jesus returns? Trust Christ and try your best to obtain goodness, knowledge, self-control, strength, godliness, kindness and love with all God’s power and faith that are in you.