Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 16

Tiếp Tục Tăng Trưởng

Kinh thánh: IIPhi-e-rơ 1: 3-11

 

-Năm mới, ai cũng muốn có những điều mới. Ai cũng muốn phát triển, tăng trưởng trong đời sống cá nhân, gia đình, công việc... Người ta chúc nhau năm mới an khang, thịnh vượng...

-Một ngày đầu năm, một Mục sư đang ngồi trong văn phòng soạn thảo chương trình làm sao để HT tiếp tục được tăng trưởng trong năm mới! Ông là diễn giả nỗi tiếng, thường giảng trên truyền hình. Trong bài giảng, ông thường nói chữ “Halêlugia!”,  ngợi khen Chúa! Một đại diện hãng Coca-Cola tới văn phòng Mục sư thăm và thuyết phục Mục sư một điều gì đó. Một tín hữu đang dọn dẹp phòng bên, nghe loáng thoáng những món tiền mà người đại diện hứa dâng hiến, mà không hiểu sao ông Mục sư cứ nói không được, không thể được… Khi khách thất vọng ra về, người tín hữu thắc mắc hỏi Mục sư. Mục sư nói: “Ông đại diện hãng nước ngọt này hứa dâng 100 ngàn đô la cho Hội Thánh với một điều kiện, từ nay thay vì nói Ha-lê-lu-gia, tôi phải nói là Coca-Cola!  Tôi biết HT mình đang tăng trưởng, cũng  đang cần tiền để phát triển thêm các mục vụ, nhưng tăng trưởng kiều nầy thì không thể! (1)

 

-Trở lại phân đoạn KT hôm nay: chúng ta được cứu để có thể trở nên giống như Chúa Cứu Thế và để có thể phục vụ cho nhiều người khác. Đây là mục đích của người môn đệ của Chúa Giê-xu!  Đức Chúa Trời muốn cho cá tính của Ngài nảy sinh trong chúng ta. Ngài muốn chúng ta tăng trưởng trong nếp sống theo Ngài! Nhưng để làm việc ấy, Ngài đòi hỏi kỷ luật và nỗ lực của chúng ta. Ngài làm phần của Ngài và chúng ta làm phần của chúng ta!

Sự tăng trưởng của Hội thánh phát xuất từ sự tăng trưởng trong nếp sống Cơ đốc của những môn đệ của Chúa! Khi đời sống mỗi tín hữu ngày càng tăng trưởng trong sự nhận biết Chúa thì kết quả là Hội thánh tăng trưởng và lớn mạnh trong mọi phương diện!

Làm sao để chúng ta phát triển những bản tính tốt đẹp nầy? Làm sao để chúng ta tiếp tục tăng trưởng trong đời sống theo Chúa?

 

I-NHẬN LẤY LỜI HỨA CỦA ĐỨC CHÚA TRỞI  (c. 3-4)

Từ  c. 3 -4, lời hứa của ĐCT ban cho chúng ta năng lực để sống đời sống tin kính, phát triển đạo đức của một người môn đệ của Chúa Giê-xu!

Chúng ta chú ý  c. 3: Quyền phép Đức Chúa Trời đã ban cho chúng ta mọi điều thuộc về sự sống và sự tin kính,” Sự sống mới trong Chúa có nghĩa là:

-Sự tha tội.

-Sự xưng công bình trước mặt ĐCT.

-Con của sự sáng.

-Sự sống đời đời trong đời sau.

 

Câu chuyện về một người đàn ông mua vé du hành tàu thủy chỉ đủ tiền cho 1 vé lên tàu, ông mang theo một khúc phô-ma và nhiều hộp bánh lạt. Nhân viên phục vụ trên tàu phát cho thực đơn để order mỗi ngày, ông không dám order gì cả! Trong vài ngày đầu ông ăn bánh tây lạt với phô-mai còn ngon miệng nhưng để lâu chúng bị khô, củ, ăn không còn ngon… nhưng ông phải ráng ăn vì không có tiền mua thức ăn khác…Hằng ngày ông nhìn thấy nhân viên phục vụ mang thịt bít-tết đến phòng cho các hành khách khác, ông thèm vô cùng, ứơc gì mình được ăn thịt bít-tết…Ngày kia, ông chịu hết nổi, chặng đường người phục vụ và nói với giọng van xin: “Ông cho tôi một miếng thịt bít-tết, tôi sẽ giúp anh rữa chén, dọn phòng…mọi việc anh muốn.”  Người phục vụ cười và trả lời: “Ông có mua vé lên tàu chứ? Những bữa ăn có bao gồm trong vé. Mỗi ngày ông được quyền order một phần thịt bít-tết!” (2)

 

Đôi khi chúng ta là những người theo Chúa cứ sống với “phô-ma củ và bánh lạt”! Ví dụ, chúng ta muốn rút 100 đô la từ trương mục đã có số tiến nhiều hơn 100 đô la. Chúng ta có cần viết chi phiếu và đến ngân hàng van xin: “Làm ơn cho tôi rút tiền 100 đô la được không?” Dĩ nhiên là không! Chúng ta chỉ cần đi tới ngân hàng với đầy lòng tin và đặt phiếu lên quầy và đợi người phục vụ rút tiền đưa cho chúng ta. Cùng một cách như vậy, chúng ta tuyên bố những nhận những gì ĐCT đã hứa ban cho chúng ta bằng đức tin! Lời hứa trong c, 4:  Ngài lại ban lời hứa rất quí rất lớn cho chúng ta, hầu cho nhờ đó anh em được lánh khỏi sự hư nát của thế gian bởi tư dục đến, mà trở nên người dự phần bổn tánh Đức Chúa Trời.” Đây là lời hứa về đời sống theo Chúa hằng ngày:

-Quyền phép trong lời Chúa để đắc thắng bản tính củ, vượt qua những cám dỗ. 

-Kinh nghiệm bản tính và nếp sống của của một công dân nước trời (Sự nên thánh mỗi ngày). Đây là những lời hứa đã được ban cho, chúng ta chỉ cần lấy đức tin tin và nhận lấy. Chúng ta phải tuyên xưng hằng ngày rằng:

-Trong Chúa, tôi đã được tha tội. (Ma quỹ không còn kiện cáo lương tâm của  

  chúng ta).

-Trong Chúa, tôi là con của ĐCT. (Không còn sợ hãi bất cứ quyền lực nào).

-Trong Chúa, tôi là con của sự sáng. (Thế giới tối tăm không còn ảnh hưởng trên

  tôi).

-Trong Chúa, tôi có sự sống đời đời. (Không còn lo lắng qua đời như thế nào).

-Trong Chúa, Ngài ban cho tôi quyền phép và sức mạnh để đắc thắng bản tính con người củ và vượt qua những cám dỗ, “Những sự cám dỗ đến cho anh em, chẳng có sự nào quá sức loài người. Đức Chúa Trời là thành tín, Ngài chẳng hề cho anh em bị cám dỗ quá sức mình đâu; nhưng trong sự cám dỗ, Ngài cũng mở đàng cho ra khỏi, để anh em có thể chịu được.” (I Côrinhtô 10:13).

IICôrinhtô  7:1   Hỡi những kẻ rất yêu dấu của tôi, chúng ta đã có lời hứa dường ấy, thì hãy làm cho mình sạch khỏi mọi sự dơ bẩn phần xác thịt và phần thần linh, lại lấy sự kính sợ Đức Chúa Trời mà làm cho trọn việc nên thánh của chúng ta.

 

II-THỰC THI PHẦN CỦA CHÚNG TA (c. 5-7)

-Trong thực tế, đức tin phải vượt trên một niềm tin đơn thuần;  phải dẫn đến hành động, sự tăng trưởng trong cá tính Cơ Đốc, và việc thực thi kỷ luật đạo đức nếu không, nó sẽ phải chết đi. Lời Chúa trong sách Gia cơ Gc 2:14-17 14 Hỡi anh em, nếu ai nói mình có đức tin, song không có việc làm, thì ích chi chăng? Đức tin đó cứu người ấy được chăng? 15 Ví thử có anh em hoặc chị em nào không quần áo mặc, thiếu của ăn uống hằng ngày, 16 mà một kẻ trong anh em nói với họ rằng: Hãy đi cho bình an, hãy sưởi cho ấm và ăn cho no, nhưng không cho họ đồ cần dùng về phần xác, thì có ích gì chăng? 17 Về đức tin, cũng một lẽ ấy; nếu đức tin không sanh ra việc làm, thì tự mình nó chết.

Từ c. 6-7, thánh Phi-e-rơ liệt kê nhiều hành động của đức tin: học tập để càng biết rõ Đức Chúa Trời hơn, phát triển đức tính kiên trì nhẫn nhục, làm theo ý chỉ Đức Chúa Trời, thương yêu người khác… Các hành động này không tự nhiên tự động đến; đòi hỏi chúng ta phải làm việc gian khổ và phải buộc mình vào kỷ luật. Nói một cách thực tế và dễ hiều:

-Nếu nói có đức tin mà không đi thờ phượng thì đức tin sẽ chết!

-Nếu đức tin mà không học lời Chúa, không cầu nguyện thì đức tin sẽ yếu mỏn,

 gầy guộc.

-Nếu đức tin mà không được bày tỏ qua tình yêu thương: sự nâng đỡ, giúp đỡ người khác. Không chấp nhận, không  tha thứ người khác, không giúp người khác tiếp nhận Chúa… thì đức tin đó không ích chi, có nghĩa là là đức tin không thật hiện hữu trong đời sống chúng ta!

-Lời Chúa dạy, phải gắng hết sức thêm cho đức tin mình sự nhân đức, thêm cho nhân đức sự học thức, 6 thêm cho học thức sự tiết độ, thêm cho tiết độ sự nhịn nhục, thêm cho nhịn nhục sự tin kính, 7 thêm cho tin kính tình yêu thương anh em, thêm cho tình yêu thương anh em lòng yêu mến.Mọi sự “thêm” nầy đều phải là một phần liên tục của đời sống Cơ Đốc. Chúng ta không làm xong việc này rồi tiếp tục việc khác, hay lúc làm, lúc nghỉ, nhưng phải làm tất cả đồng thời.

-Nói tóm lại, chúng ta phải chấp nhận chịu tĩa sửa, chịu rèn luyện. Lời Chúa chép trong sách Ma-la-chi 3:3 Ngài sẽ ngồi như kẻ luyện bạc và làm cho sạch; Ngài sẽ chùi các con trai Lê-vi, làm cho họ sạch như vàng và bạc; họ sẽ dâng của lễ cho Đức Giê-hô-va trong sự công bình.” Chúa sẽ rèn luyện trong những lò luyện qua những thử thách trong đời sống, qua những con người chung quanh chúng ta, qua những hoàn cảnh để nếp sống chúng ta được thanh sạch hơn.

 

Câu chuyện về người tín hữu vào lò luyện bạc, vì Bà muốn hiểu câu KT nầy. Bà ngồi xem người thợ luyện bạc. Anh ta đưa miếng bạc vào lò lửa, rồi lấy ra xem, rồi đưa vào lò lửa…Bà hỏi: “Làm sao anh biết khi nào lửa đồt hết những chất dơ trong miếng bạc nầy?” Anh cười và và nói: “Bà thấy không, tôi đốt và lấy ra xem, rồi lại đốt, rồi lại xem… chi đến khi nào tối thấy rõ mặt của mình trong miếng bạc. Khi miếng bạc sáng, lóng lánh như mặt gương, lúc ấy tôi biết miếng bạc đã sạch, không còn những chất dơ bẫn!”

 -Vâng, Chúa muốn rèn luyện chúng ta! Phần chúng ta phải chịu để lời Chúa tỉa sữa, uốn nắn và Chúa cũng dùng những hoàn cảnh để tôi luyện chúng ta. Mục đích là để hình ảnh và tình yêu thương của Ngài được phản chiếu rõ nét qua nếp sống hằng ngày của chúng ta!

-Vâng, Đức Chúa Trời ban sức lực, ơn và tài năng cho chúng ta, nhưng Ngài cũng giao cho chúng ta trách nhiệm phải học tập và tăng trưởng. Xin chúng ta đừng ngạc nhiên hay khó chịu về tiến trình để phát triển đức tin và phát triển nếp sống tốt đẹp này. Ngài tỉa sửa những nhánh nào kết quả, để được sai trái hơn.  Các ngươi đã được trong sạch, vì lời ta đã bảo cho… Nầy, Cha ta sẽ được sáng danh là thể nào: Ấy là các ngươi được kết nhiều quả, thì sẽ làm môn đồ của ta vậy.” (Giăng 15: 2b,3,8)

 

III-KINH NGHIỆM NẾP SỐNG PHƯỚC HẠNH

Từ c. 8-11, cho chúng ta thấy những phước hạnh của một người quyết tâm muốn phát triển và tăng trưởng những điều tốt đẹp trong nếp sống Cơ đốc:

-“Không ở dưng”: Người ấy sẽ bận rộn với sự tìm kiếm Chúa, phục vụ Chúa với  lòng vui thỏa vì cuộc sống có mục đích

-‘Kết quả trong sự nhận biết Chúa Giê-xu càng hơn” đức tin biến thành những hành động giống Chúa. (Sâu nhiệm trong Chúa Giê-xu không chỉ là có kiến thức về lời KT).

-Biết rõ sự tiếng gọi của Chúa trên đời sống mình. Biết rõ địa vị là con của ĐCT, là công dân Thiên quốc. Biết rõ mục đích tại sao mình theo Chúa? Tại sao mình phục vụ Chúa?

-Vững vàng trong niềm tin “Không bị vấp ngã”.

-Biết chắc mình hưởng được sự sống đời đời ở đời sau, (Sống bình an, vui thỏa dù hoàn cảnh có ra sao, vì biết đời nầy chỉ là đời tạm!)

 

KẾT LUẬN

Lời Chúa nhắc nhở, khuyến khích chúng ta phải tiếp tục tăng trưởng trong đức tin được bày tỏ qua nếp sống hằng ngày: cách cư xử với người chung quanh. Nếp sống phục vụ Chúa. Cách phản ứng trước những hoàn cảnh của cuộc sống, những sự việc trong đời sống hằng ngày.

-Để có những hạt ngọc trai lấp lánh và đẹp tuyệt vời, con Trai phải đi qua một tiến trình dài, rất khó chịu. Các nhà sinh vật học cho biết nguyên nhân phát sinh ra những hạt trai nằm trong con Trai: khi con Trai bị những hạt cát lọt vào trong lòng nó, làm cho con Trai khó chịu, đau đớn…lúc ấy cơ thể con Trai tự động tiết chất ngọc nàg trắng bao lấy những hạt cát nầy. Đây là một tiến trình rất khó chịu, đòi hỏi kiên trì và liên tục…Chất ngọc bao lấy những hạt cát nhỏ và con Trai cảm thấy dễ chịu hơn khi viên ngọc ngày càng lớn lên theo tuổi tác của con Trai…Cuối cùng thành những viên ngọc trai lấp lánh và có giá trị cao quý!

-Chúng ta cần tiếp tục trau dồi những bản tính mà lời Chúa nhắc nhở chúng ta trong phân đoạn Kinh thánh nầy: chấp nhận chịu rèn luyện, giữ kỷ luật thuộc linh để đức tin chúng ta tiếp tục tăng trưởng, để hình ảnh của Chúa Giê-xu ngày càng rõ nét trong đời sống chúng ta! Mục đích của người môn đệ của Chúa Giê-xu là người chugn quanh nhìn thấy Chúa Giê-xu qua cuộc đời của chúng ta.  Hãy tấn tới trong ân điển và trong sự thông biết Chúa và Cứu Chúa chúng ta là Đức Chúa Jêsus Christ. Nguyền xin vinh hiển về nơi Ngài, từ rày đến đời đời! A-men!” (II Phi-e-rơ 3:18)

 

(1) Trích từ bài “Nếp Sống Mới”

(2) Trích từ “thienan.vietnet”