Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 20

Động Lực Của Tình Yêu

Kinh thánh:  II Cô-rinh-tô 4:1-6

Vả, chúng tôi chẳng rao giảng chính mình chúng tôi, nhưng rao giảng Đức Chúa Jêsus Christ, tức là Chúa; và vì tình yêu mến Đức Chúa Jêsus mà chúng tôi xưng mình là tôi tớ của anh em.”.

 

Quận công Windsor (1894-1972) chính là quốc vương Edward Đệ Bát của nước Anh, sau khi cầm quyền cai trị nước Anh 325 ngày, đã tự nguyện thoái vị, nhường ngôi lại cho George Đệ Lục, để theo tiếng gọi của tình yêu, cưới bà Wally Simpson, một thiếu phụ người Hoa Kỳ. Luật lệ Hoàng gia không cho phép một quốc vương cưới vợ như thế, nên vua thà lấy người yêu hơn là có ngai vàng mà mất nàng. Vào ngày 10-12-1936, quốc vương Edward sau khi thoái vị đã tuyên bố như sau: “Một vài giờ trước đây, tôi đã từ bỏ nhiệm vụ hoàng đế nước Anh… Chắc hẳn quốc dân đồng bào đã biết rõ lý do nào mà tôi phải lìa bỏ ngôi báu… Xin quốc dân đồng bào hãy tin lời tôi rằng, tôi không thể nào làm trọn trọng trách do quốc dân đồng bào giao phó nếu không có sự giúp đỡ và ủng hộ của người đàn bà mà tôi yêu mến.” Sau khi lìa bỏ ngai vàng, vua Edward cùng với người yêu sống lưu vong tại Pháp với tước vị Quận Công Windsor. Ông đã qua đời tại Paris vào thượng tuần tháng 6-1972, hưởng thọ 78 tuổi. Thi hài ông được đem về Anh quốc chôn cất tại phần đất của lâu đài Windsor.

Chúng ta thấy động lực của tình yêu thật mãnh liệt. Sức mạnh tình yêu có thể vượt lên tất cả. Khi yêu, người ta có thể làm những điều tưởng chừng như không thể nào thực hiện được. Nếu một người đã thật sự yêu ai, người ấy có thể hy sinh mọi thứ: Vua Edward từ bỏ ngai vàng.

Sứ đồ Phao-lô – một người từng thù ghét Chúa Jêsus, sau khi đầu phục Chúa, nhận biết tình yêu Chúa dành cho mình, ông đã hoàn toàn thay đổi, ông: “Vì tình yêu thương của Đấng Christ cảm động chúng tôi.” II Cô-rinh-tô 5:14a.

 

Qua phân đoạn KT nầy, thánh Phao lô chia sẻ với các tín hữu trong HT Cô-rinh-tô lý do nào khiến ông có thể phục vụ Chúa kết quả

­

I-TÌNH YÊU CỦA CHÚA GIÚP CHÚNG TA VƯỢT QUA NHỮNG KHÓ KHĂN CỦA ĐỜI SỐNG.

 “Vậy nên, chúng tôi nhờ sự thương xót đã ban cho, mà được chức vụ nầy, thì chúng tôi chẳng ngã lòng.”

Điều gì giúp cho thánh Phao-lô vượt qua những khó khăn của đời sống? Nhờ sự tình yêu thương và sự nhân từ của Chúa dành cho đời sống ông. Khi Phao lô nhìn lại quãng đời đã qua, nhìn lại quá khứ …ông thấy Chúa yêu thương ông vô cùng, Ông nói trong I Ti-mô-thy 1: 12-14 12 Ta cảm tạ Đấng ban thêm sức cho ta, là Đức Chúa Jêsus Christ, Chúa chúng ta, về sự Ngài đã xét ta là trung thành, lập ta làm kẻ giúp việc; 13 ta ngày trước vốn là người phạm thượng, hay bắt bớ, hung bạo, nhưng ta đã đội ơn thương xót, vì ta đã làm những sự đó đương lúc ta ngu muội chưa tin. 14 Ân điển của Chúa chúng ta đã dư dật trong ta, với đức tin cùng sự thương yêu trong Đức Chúa Jêsus Christ.”

 

Tình yêu thương có sức mạnh vô biên! Mục Sư Ed Hird, mục sư Hội Thánh St. Simon ở North Vancouver,  khi nói về tình yêu đã cho rằng: “Trong đáy lòng sâu thẳm của mỗi con người chúng ta đều có một nhu cầu được người khác hiểu, thông cảm và thật lòng lo lắng cho ta hay nói thẳng có người yêu thương chúng ta thật lòng! Khi được yêu thương, thông cảm, người ấy có thể làm được nhiều điều vượt qua sức bình thường và người ấy cũng có thể  chịu đựng được bất cứ điều gì xảy ra trên thế giới này.”                  -Tình thương của Chúa đã giúp Phao lô vượt qua những khó khăn ông phải đương đầu mỗi ngày. Ông nói trong II Côrinhtô 3:8-9 Chúng tôi bị ép đủ cách, nhưng không đến cùng; bị túng thế, nhưng không ngã lòng;  bị bắt bớ, nhưng không đến bỏ; bị đánh đập, nhưng không đến chết mất.” Ông nói tiếp trong đoạn 11: 26 “Lại nhiều lần tôi đi đường, nguy trên sông bến, nguy với trộm cướp, nguy với giữa dân mình, nguy với dân ngoại, nguy trong các thành, nguy trong các đồng vắng, nguy trên biển, nguy với anh em giả dối.”  Ai trong chúng ta không ngã lòng khi mỗi ngày phải đối diện với những điều trên? Những khó khăn trong đời sống cá nhân, trong gia đình, trong công việc….Ai cũng phải đối diện…nhưng chúng ta biết nhận ra những phước hạnh mình đang có và cảm tạ Chúa về tình thương Ngài dành cho chúng ta.

-Tình thương của Chúa cũng được thể hiện qua tình thương của các tín hữu dành cho Phao lô vì trước mặt Đức Chúa Trời, là Cha, chúng tôi nhớ mãi về công việc của đức tin anh em, công lao của lòng yêu thương anh em, sự bền đỗ về sự trông cậy của anh em trong Đức Chúa Jêsus Christ chúng ta.” (I Tê-sa-lô-ni-ca 1:3)

 

II-LÒNG YÊU MẾN CHÚA GIÚP CHÚNG TA HY SINH VÀ PHỤC VỤ CÁCH HIỆU QUẢ.

“ Vả, chúng tôi chẳng rao giảng chính mình chúng tôi, nhưng rao giảng Đức Chúa Jêsus Christ, tức là Chúa. và vì tình yêu mến Đức Chúa Jêsus mà chúng tôi xưng mình là tôi tớ của anh em.”.

-Điểm mà Phao-lô chú trọng khi ông rao giảng là nói về tình yêu của Chúa Cứu Thế, chớ không phải bản thân ông. Khi nào chúng ta làm chứng, hãy nói cho người ta về những gì Chúa Cứu Thế đã làm trên đời sống bạn, chớ không phải là về các tài năng và thành tựu của bạn. Người ta phải được đưa đến với tình thương Chúa Cứu Thế, chớ không phải là đến với bạn.

-Phao lô xưng mình là tôi tớ (Servant: người phục vụ). Điều gì khiến một người rất kiêu ngạo trước đó trở thành một người tôi tớ phục vụ mọi người? Lòng yêu mến Chúa!

-Sự phục vụ của chúng ta có kết quả khi chúng ta phục vụ với lòng yêu mến Chúa. Phao-lô sẵn sàng phục vụ Chúa với các tín hữu HT Cô-rinh-tô, cả khi các tín hữu tại HT Côrinhtô khiến ông thất vọng ê chề.

-Xin Chúa giúp mỗi chúng ta đi thờ phượng, dâng hiến, góp phần phuc vụ, học kinh thánh, cầu nguyện, làm chứng…với lòng yêu mến Chúa! Như vậy, những điều nầy mới còn lại đời đời. Mother Teresa có lời nói rất hay  “Khi vào Thiên đàng Chúa không hỏi chúng ta đã làm bao nhiêu việc lớn cho Chúa nhưng Ngài hỏi chúng ta có làm những việc bằng lòng yêu mến Chúa không?”

-Thánh Phao lô chia sẻ với chúng ta

ICô-rinh-tô 13:4   Tình yêu thương hay nhịn nhục; tình yêu thương hay nhân từ; tình yêu thương chẳng ghen tị, chẳng khoe mình, chẳng lên mình kiêu ngạo.”Chúng ta có thể diễn giải thế nầy: “Lòng yêu mến Chúa được bày tỏ qua sự nhịn nhục. Lòng yêu mến Chúa được bày tỏ qua sự nhân từ. Lòng yêu mến Chúa được bày tỏ qua việc chẳng ghen tị. Lòng yêu mến Chúa được bày tỏ qua việc chẳng lên mình chẳng khoe mình, chẳng lên mình kiêu ngạo.”  Một người phục vụ với tinh thần như vậy thì chắc chắn hiệu quả vì được Chúa đẹp lòng và mọi người yêu mến!

-Lời nói không cẫn thận có thể khơi mào cho những bất hòa!

-Lời nói nguyền rũa có thể làm vỡ một cuộc đời!

-Lời nói cay đắng có thể có thể làm cho những ghen ghét vẫn tiếp diễn!

-Lời nói  hung ác có thể làm ám ảnh và giết một cuộc đời!

*Lời nói “hòa nhã, lịch thiệp” có thể làm cho mọi việc được êm ái, tốt đẹp

  hơn!

*Lời nói “vui mừng” có thể  làm cho một ngày tươi sáng hơn!

*Lời nói “đúng thời điểm” có thể làm giảm những áp lực của cuộc sống!

*Lời nói “yêu thương” có thể mang lại sự chữa lành và phước hạnh!

-HÃY ĐỐI XỬ VỐI NHỮNG LỖI LẦM CỦA NGƯỜI KHÁC ÊM ÁI NHƯ ĐỐI XỬ VỚI NHỮNG LỖI LẦM CỦA CHÍNH BẠN! Hãy yêu thương người khác như Chúa đã và đang yêu bạn!

KẾT LUẬN

Tình yêu của Chúa dành cho chúng ta và lòng yêu mến Chúa của chúng ta dành cho Ngài là hai yếu tố giúp cho đời sống cá nhân và sự phục vụ của chúng ta được kết quả. Một ngừơi ý thức được Chúa yêu mình nhiều thế nào? Chúa ban phước cho mình thế nào thì người ấy sẽ vượt qua những khó khăn thủ thách của đời sống hằng ngày để cứ tiếp tục trung tín với Chúa. Và người trung tín với Chúa sẽ phục vụ với lòng yêu mến Chúa.

 

Khi chồng của Catherine Lawes là ông Lewis làm quản đốc nhà tù Sing Sing nổi tiếng vào năm 1921, thì bà đang là mẹ của ba cô gái. Mọi người cảnh giác bà chớ bao giờ bước chân vào trong nơi đó. Nhưng bà đã không nghe theo họ. Khi trận bóng rổ tranh giải đầu tiên trong nhà tù được tổ chức, bà đã vào trong cùng với ba cô con gái và ngồi nơi hàng ghế chung với các tù nhân. Khi nghe được rằng có một kẻ phạm tội giết người bị mù, bà dạy cho anh chữ Braile (loại chữ in nổi cho người mù đọc bằng cách sờ) để có thể biết đọc. Trong 16 năm, bà Catherine đã làm mềm mại những trái tim cứng cỏi của các phạm nhân ở khám đường Sing Sing bằng tình yêu thương.

Khi được báo là bà Catherine đã bị chết trong một tai nạn xe cộ. Ngày hôm sau khi vị quản đốc tạm của khám đường giữ phiên đi dạo trại buổi sáng, ông nhận thấy một đám đông lớn nơi cổng chính. Mỗi người tù đứng ép mình vào hàng rào. Nước mắt dàn dụa; mặt đầy kính cẩn. Không ai nói năng hay động đậy. Vị quản tù làm một quyết định táo bạo. Được rồi, các anh có thể đi. Phải nhớ trở về trình diện tối nay. Đây là những kẻ phạm tội nặng nhất ở Mỹ. Người quản tù đã mở khóa cổng cho ho, và những người này đã đi, không có canh gác hoặc hộ tống, đến nhà bà Catherine Lawes để bày tỏ lòng kính trọng cuối cùng của họ. Họ đã trở về khám tù đầy đủ!

 

-Tình yêu thương của Chúa đã biến đổi cuộc đời của Phao-lô từ người bắt bớ đạo Chúa để ông trở thành người hy sinh tất cả sống phục vụ Chúa và tha nhân!

-Tình yêu thương của Chúa đã biến đổi cuộc đời của Phi-e-rơ từ người chối Chúa trở nên người rao giảng  tình thương của Chúa cách mạnh mẻ, sẵn sàng chịu chết vì Chúa!

 

*Xin tình yêu Chúa là động lực thúc đẫy chúng ta sống và phục vụ Chúa, phục vụ tha nhân!

*Tôi bày tỏ lòng yêu Chúa bằng những hành động gì?

-Những điều gì tôi có thể làm để xây dựng HT Chúa ngày càng vững mạnh?