Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 32

Bài Học A-ga

(Sáng-thế Ký 16:1-13).

Khi Áp ram 75 tuổi và vợ là Sa rai 65 tuổi, Đức Chúa Trời kêu gọi Ông Bà đi theo Chúa. Ðức Chúa Trời có hứa sẽ cho dòng dõi của Ông trở thành một dân lớn. Chờ đợi lời hứa 10 năm trôi qua, nay Ông đã 85 tuổi, Bà 75 tuổi, Ông Bà vẫn chưa có con. Khi đó, hai Ông bà có mướn A ga là một cô gái Ai cập làm đầy tớ trong nhà. Bà Sa rai nói với chồng rằng: "Nầy, Ðức Giê-hô-va đã làm cho tôi son sẻ, vậy xin ông hãy lại ăn ở cùng con đòi tôi, có lẽ, tôi sẽ nhờ nó mà có con chăng. Áp-ram bèn nghe theo lời của Sa-rai." (Sáng thế ký 16:2).

Chúng ta không rõ A-ga đẹp không? Có lẽ A-ga là cô gái Ai Cập sóng mũi dọc dừa, cặp mắt bồ câu, nước da ngâm ngâm và chắc là nụ cười có duyên. Có lẽ nàng đẹp, nên khi Bà Sa rai đề nghị cho cô ta làm nàng hầu, Ông già Áp ram chịu liền! Sau đó nàng mang thai, sẽ sanh con cho Ông. Nếu suy nghĩ, chúng ta sẽ thấy cuộc đời của cô gái nghèo khổ đi làm đầy tớ, tên là A-ga khá thành công, nhờ nàng đẹp.

Nhưng dù có đẹp hay không, vì là một người nữ, nàng phải đoan trang thùy mị. Ðàng nầy khi nàng "thấy mình thọ thai, thì khinh bỉ bà chủ mình." (Sáng thế ký 16:4). Mới vừa mang thai, chưa đi "siêu âm," chưa biết sẽ sanh con gái hay con trai mà A ga đã lên mặt với bà chủ, nào là:

- Bà chủ thấy không, tôi đâu có son-sẻ như bà.

- Bà thấy không, từ ngày tôi mang thai, Ông chủ thương tôi nhiều lắm!

Thái độ lên mình kiêu ngạo như vậy, A ga là người không có phản ánh Chúa Cứu Thế Giê su. Vì Ðức Chúa Jêsus dù là Con Ðức Chúa Trời từ trời cao đến thế gian, nhưng Ngài cho chúng ta có tấm gương quý báu, là Ngài "có lòng nhu mì và khiêm nhường." (Ma thi ơ 11:28). Ðây là điều mà mỗi con dân của Chúa phải học bắt chước Chúa, đừng bắt chước A ga. Hãy nhớ Kinh Thánh dạy rằng: "Sự kiêu ngạo đi trước, sự bại hoại theo sau." (Châm ngôn 16:18). Cho nên "khinh bỉ bà chủ của mình," là một lỗi lầm rất lớn của A ga. Tại vì khinh Bà chủ của mình mà nàng bị mất phước. Ngày xưa A ga đã khinh bỉ người khác, còn mỗi chúng ta ngày nay có nên khinh bỉ ai không? Dĩ nhiên là không? Tại vì chúng ta thật sự chỉ là một người bất toàn như mọi người khác mà thôi.

Nếu chúng ta giàu có nhiều của cải, nếu chúng ta thông minh học giỏi, thì xin nhớ những điều đó là do Chúa ban cho. Vì vậy mình nên cám ơn Chúa, chớ không nên khinh bỉ người khác. Vả lại Lời Chúa dạy là: "Ai khinh bỉ kẻ lân cận mình phạm tội..." (Châm ngôn 14:21). Và: "…hãy khiêm nhường, coi người khác như tôn trọng hơn mình." (Phi líp 2:3).

Bị con đòi lên mặt kiêu ngạo khinh bỉ mình, Sa-rai tức giận lắm và nói cùng Áp-ram rằng: "Ðiều sỉ nhục mà tôi bị đây, đổ lại trên ông. Tôi đã phú con đòi tôi vào lòng ông, mà từ khi nó thấy mình thọ thai, thì lại khinh tôi. Cầu Ðức Giê-hô-va xét đoán giữa tôi với ông." (Sáng thế ký 16:5). Sống mãi trong sự gây gổ của hai người đàn bà trong nhà, chịu không nỗi, Áp ram đáp: "Nầy, con đòi đó ở trong tay bà, phân xử thể nào, mặc ý bà cho vừa dạ." (Sáng thế ký 16: 6). Thế là bà Sa rai ra tay "hành hạ A-ga, thì nàng trốn đi khỏi mặt người." (Sáng thế ký 16: 6b).

Sa rai nổi cơn ghen hành hạ A ga. Có chuyện nầy tôi xin nói nhỏ cho Quý Ông nghe, xin Quý bà đừng nghe. Ðó là khi mấy bà ghen thì dễ sợ lắm! Nguyễn Du có tả cơn ghen của Hoạn Thư, Quý Ông còn nhớ không? Nguyễn Du tả rằng trong cơn ghen, Hoạn Thư khiến cho chồng của bà và nàng Kiều dù cách nhau không xa, nhưng không thể nhìn nhau.

Trong vụ ghen của bà Sa rai cũng vậy, Áp ram và A ga không thể nhìn nhau. Vì khi ghen, bà Sa rai đã hành hạ A ga, chịu không nổi, nàng phải trốn đi vào đồng vắng, và nàng không có đem theo điện thoại di động theo, nên Áp ram không biết đâu mà tìm! A ga trốn đi vào "trong đồng vắng, nơi gần bên suối nước." (Sáng thế ký 16:7). Trong bài hát "Trăng mờ bên suối," Lê Mộng Nguyên có viết câu: "Suối mơ!" Nhưng bên suối, ai mơ chớ A-ga mơ không nổi! Nhìn nước suối chảy, nàng không biết nước đổ về đâu, rồi nghĩ lại số phận của mình, nàng cũng không biết rồi sẽ trôi giạt về đâu?

Theo Quý vị nghĩ thì trong cảnh buồn não nuột nầy A ga có khóc không? Tôi nghĩ nàng đã khóc nhiều nơi gần bên suối nước! Xin chúng ta suy nghĩ:

- Một trong những nỗi buồn khổ của A ga bây giờ là gì?

- Là không có ai để nàng chia xẻ hoàn cảnh của mình. Nếu có người để than thở thì cũng vơi đi phần nào khổ đau, nhưng trong đồng vắng, nàng nhìn trước ngó sau chỉ có mình với mình mà thôi! Ðã thế mà cảnh vật xung quanh chỉ có buồn và buồn thắm thía! Vì:

Cảnh nào cảnh chẳng đeo sầu,

Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ! (Kiều).

Nhưng có điều đặc biệt đến với nàng. Trong khi buồn khổ như vậy thì Thiên sứ của Ðức Giê hô va đến thăm viếng và nói chuyện với nàng. (Chúng ta nên biết rằng theo các nhà giải kinh thì cụm từ "Thiên sứ của Ðức Giê hô va" là chỉ về Ðức Chúa Giê-xu trước khi Ngài giáng thế). Thiên sứ của Ðức Giê hô va biết A ga đang cô đơn buồn thảm. Ngài đến an ủi A ga và ban cho nàng lời hứa có hy vọng lớn để nàng sống vui trong những ngày sắp tới. Ngài phán: "Ta sẽ thêm dòng dõi ngươi nhiều, đông đảo đến đỗi người ta đếm không đặng nữa. Nầy, ngươi đang có thai, sẽ sanh một trai…" (Sáng thế ký 16:10-11).

Đức Chúa Trời của chúng ta thật là tuyệt dịu! Ngài thăm viếng kẻ cô đơn, tuyệt vọng. Ngài giúp đỡ kẻ cùng đường, và ban ơn cho kẻ sầu khổ. Chúa sẵn lòng thăm viếng an ủi những ai đang ở trong hoàn cảnh hoạn nạn, đớn đau! Vì vậy trong vòng chúng ta, nếu có ai đang ở trong hoàn cảnh hoạn nạn thử thách, khó khăn xin hãy đến với Chúa, thiết tha cầu nguyện với Ngài. Ngài sẽ thương xót, yên ủi và giúp đỡ. Vì Ðức Chúa Trời của chúng ta là Ðấng ban mọi sự an-ủi. Phao lô đã nếm trãi điều nầy nên Ông nói: "Chúc tạ Ðức Chúa Trời, Cha Ðức Chúa Jêsus Christ chúng ta, là Cha hay thương xót, là Ðức Chúa Trời ban mọi sự yên ủi." (2 Cô rinh tô 1:3).

Thiên sứ của Ðức Giê hô va hỏi A ga rằng: "Hỡi A-ga, đòi của Sa-rai, ngươi ở đâu đến, và sẽ đi đâu?" (Sáng thế ký 16:8). Tại sao Chúa hỏi như vậy? Chúa biết A ga ở đâu, và nàng định sẽ đi đâu không? Chúa biết mọi sự. Thế thì tại sao Chúa hỏi? Tại vì Chúa muốn chúng ta trình dâng lên Chúa những tâm tư, những hoàn cảnh và nguyện vọng của chúng ta. Chúa muốn chúng ta có sự thông công thường xuyên với Ngài. Như lời Kinh Thánh dạy rằng: "Trong mọi sự hãy dùng lời cầu nguyện, nài xin, và sự tạ ơn và trình các sự cầu xin của mình cho Ðức Chúa Trời." (Phi líp 4:6).

Loài người có đặc điểm là ưa thích sống có bạn, sống hợp quần, nếu không thì dễ bị cảm thấy cô đơn. Vì vậy nếu chúng ta không thông công với Chúa, không gần gũi với Chúa, chúng ta sẽ tìm đến những cuộc vui xa cách Chúa. Nếu chúng ta không gần gũi Chúa, thì chúng ta sẽ gần gũi ai? Xin mỗi chúng ta nhớ rằng: Ma quỷ là kẻ rất gian ác, nó luôn luôn tìm mọi cách, mọi mưu kế, mọi dịp tiện để cám dỗ chúng ta bước theo nó, để sẽ bị chung số phận hoàn cảnh Ðịa ngục đời đời với nó.

Thiên sứ của Ðức Giê hô va hỏi A ga rằng: "Hỡi A-ga, ngươi… đi đâu?" A ga thưa rằng: "Tôi lánh xa mặt Sa-rai, chủ tôi." (Sáng thế ký 16:8). Trong hoàn cảnh khó, người xưa có nói: "Tam thập lục kế, tẩu vi thượng sách." Nghĩa là 36 kế thì kế chạy trốn là hay hơn hết. A ga đã áp dụng phương cách nầy, nên nàng đã chạy trốn bà chủ. Nhưng Chúa không bằng lòng giải pháp "chạy trốn." Chúa bảo A-ga: "Ngươi hãy trở về chủ ngươi." (Sáng thế ký 16:9).

Lời Chúa dạy A ga ở đây chúng ta học được điều quan trọng là: Nếu chúng ta có điều gì phiền nhau trong gia đình, Chúa muốn con cái đừng bỏ nhà ra đi, vợ đừng bỏ nhà ra đi, chồng đừng bỏ nhà ra đi. Trong Hội Thánh thì sao, khi một con dân của Chúa giận Ban Chấp sự, giận Mục sư có nên bỏ Hội Thánh ra đi không? Không! Không nên bỏ Hội Thánh ra đi. Chúa muốn chúng ta nên ngồi lại với nhau để có dịp cùng cầu nguyện với Chúa, rồi giải thích cho nhau nghe, giải bày cho nhau hiểu, để chúng ta có dịp xóa bỏ những phiền hà hiểu lầm nhau.

Có chuyện vui nói tiếng Huế như sau: Thiếu Úy được gọi vào văn phòng Thiếu Tướng. Thiếu Úy thấy có một binh sĩ bị thương đang nằm rên trước mặt Thiếu Tướng. Thiếu Tướng nói giọng Huế ra lịnh Thiếu Úy: "Thiếu Úy đem binh sĩ nầy đi băn bó. Khi nào xong báo cáo tôi. "

Thiếu Úy dìu anh thương binh đi. Mấy phút sau Thiếu Úy vào trình với Thiếu Tướng là thi hành xong. Thiếu Tướng hỏi:

- Sao Thiếu Úy thi hành mau vậy?

- Thưa Thiếu Tướng: Dễ thôi, chỉ cần cho hai phát "bắn bỏ" là nó chết liền tại chỗ!

Ô thôi, Thiếu Tướng bảo "băn bó" mà Trung Úy thi hành lịnh "bắn bỏ!" Ðây chỉ là câu chuyện vui. Nhưng trong sự giao tiếp hằng ngày, chúng ta cũng có nhiều khi hiểu lầm nhau như vậy. Ðể tránh hậu quả những sự hiểu lầm không tốt, chúng ta phải ngồi lại để nói rõ cho nhau nghe, để hiểu nhau, thông cảm nhau rồi tha thứ cho nhau. Xin đừng bỏ đi! Như lời Chúa dạy chúng ta rằng: "nếu một người trong anh em có sự gì phàn nàn với kẻ khác thì hãy nhường nhịn nhau và tha thứ nhau: như Chúa đã tha thứ anh em thể nào, thì anh em cũng phải tha thứ thể ấy." (Cô lô se 3:13)

Thiên sứ của Ðức Giê hô va dạy bảo A ga: "Ngươi hãy trở về cùng chủ ngươi, và chịu lụy dưới tay người." (Sáng thế ký 16: 9). Chịu lụy là gì? Theo Tự điển Lê ngọc Trụ thì: "Chịu lụy là chấp nhận thua sút."

Suy nghĩ lời dạy của Chúa, chúng ta học được điều nầy. Chúa muốn các thành viên trong gia đình, phải có sự chịu lụy nhau, nghĩa là chịu nhường nhịn nhau, vợ chồng, cha con, mẹ con, anh chị em nên sẵn sàng chấp nhận thua sút nhau để gia đình giữ được sự hòa thuận với nhau. Trong Hội Thánh cũng phải có tinh thần nhường nhịn, chịu lụy nhau để con dân của Chúa có sự hiệp một trong tình yêu của Ngài. Như vậy chúng ta mới có đời sống làm sáng Danh Chúa.

Cảm tạ ơn Chúa dù chúng ta có bị ở trong hoàn cảnh bị thử thách nào thì có Ðức Chúa Trời biết. Ngài vẫn nhớ đến chúng ta, chăm sóc và an ủi chúng ta. Xin mỗi chúng ta nhớ rằng Ðức Chúa Trời là Ðấng yêu thương chúng ta. Không phải Ngài chỉ yêu thương trong lúc chúng ta bình an vui thỏa, nhưng Ngài cũng yêu thương chúng ta khi chúng ta ở trong cảnh buồn rầu, sầu khổ. Như Ngài hứa với mỗi chúng ta rằng: "Ta đã lấy sự yêu thương đời đời mà yêu ngươi." (Giê rê mi 31:3).

Cầu xin Chúa dạy mỗi chúng ta và dẫn dắt mỗi chúng ta sống theo ý Chúa luôn. A men.

Mục sư Trần Hữu Thành.