Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 28

Lời Chúa Sắc Hơn Gươm Hai Lưỡi

(Hêbêrơ 4:12)

 

Vì lời của Đức Chúa Trời là lời sống và linh nghiệm, sắc hơn gươm hai lưỡi, thấu vào đến đỗi chia hồn, linh, cốt, tủy, xem xét tư tưởng và ý định trong lòng.

 

I. Những Điều Cần Thiết

 

Nếu hỏi những điều căn bản nào cần thiết cho đời sống tâm linh của chúng ta là con cái Chúa được phát triển thì câu trả lời là gì? Khi nói đến đời sống tâm linh chúng ta có thể tóm tắt trong ba khía cạnh chính đó là: Đức tin, tình yêu thương và sự trông cậy, như Phaolô đã một lần nói đến trong 1 Côrinhtô 13:13 như sau: “Nên bây giờ còn có ba điều nầy: đức tin, sự trông cậy, tình yêu thương; nhưng điều trọng hơn trong ba điều đó là tình yêu thương.” Có tối thiểu hai điều mỗi con cái Chúa rất cần cho tâm linh được tăng trưởng đều đặn đó là:

 

1) Kinh Thánh, lời hằng sống của Đức Chúa Trời như có chép trong 2 Timôthê 3:16-17 như sau: “Cả Kinh Thánh đều là bởi Đức Chúa Trời soi dẫn, có ích cho sự dạy dỗ, bẻ trách, sửa trị, dạy người trong sự công bình, 17 hầu cho người thuộc về Đức Chúa Trời được trọn vẹn và sắm sẵn để làm mọi việc lành.”

 

2) Điều thứ hai chính là sự hướng dẫn của Chúa Thánh Linh mà một lần Chúa Giê-xu đã hứa ban cho và nói đến công việc của Ngài giúp đỡ chúng ta trong Giăng 16:13a như sau: “Lúc nào Thần lẽ thật sẽ đến, thì Ngài dẫn các ngươi vào mọi lẽ thật.”

 

Mỗi con cái Chúa không thiếu 2 điều căn bản này, nhất là khi chúng ta được ở trong một đất nước thật tự do phổ biến sách Kinh Thánh rộng rãi. Riêng tôi có đến tối thiểu 4 cuốn Kinh Thánh bằng tiếng Việt theo những bản dịch khác nhau, chưa kể những sách Kinh Thánh bằng tiếng Anh. Mỗi người chúng ta là con cái Chúa thì lời Chúa trong Rôma 8:9 cũng cho chúng ta biết mình có Đức Thánh Linh ngự trị trong lòng – “Về phần anh em, nếu thật quả Thánh Linh Đức Chúa Trời ở trong mình, thì không sống theo xác thịt đâu, nhưng theo Thánh Linh; song nếu ai không có Thánh Linh của Đấng Christ, thì người ấy chẳng thuộc về Ngài.” Mặc dầu có đủ hai điều này nhưng yếu tố quan trọng luôn vẫn là mỗi người chúng ta có chịu học lời Chúa và nhờ cậy Đức Thánh Linh không thì đời sống tâm linh mới được phát triển. Cũng giống như quí vị đi mua một máy tập thể dục tối tân đem về nhà nhưng chưa chịu bước lên máy tập chỉ để chưng thôi, thì máy đó dù có đắt tiền đến đâu đi nữa cũng sẽ chẳng giúp ích chi được cho chúng ta hết, phải không?

 

 

II. Những Dấu Biểu Tượng cho Lời Chúa trong Kinh Thánh

 

Trong Kinh Thánh lời Chúa được biểu hiệu qua nhiều vật để nói lên sự ích lợi của nó cho đời sống tâm linh của chúng ta.

 

1) Trong Giacơ 1:23-25 lời Chúa được so sánh như tấm gương soi mặt, để chúng ta dùng tự xét, tự kiểm lấy mình mà đi trọn trong đường lối, luật pháp và phép tắc của Chúa – “Vì, nếu có kẻ nghe lời mà không làm theo thì khác nào người kia soi mặt mình trong gương, 24 thấy rồi thì đi, liền quên mặt ra thể nào. 25 Nhưng kẻ nào xét kĩ luật pháp trọn vẹn, là luật pháp về sự tự do, lại bền lòng suy gẫm lấy, chẳng phải nghe rồi quên đi, nhưng hết lòng giữ theo phép tắc nó, thì kẻ đó sẽ tìm được phước trong sự mình vâng lời.”

 

2) Trong 1 Phiêrơ 1:23 sứ đồ Phiêrơ so sánh lời Chúa như là hạt giống chẳng hư nát được ươm ấp trong lòng của một người mà từ đó sẽ phát sanh ra những trái Thánh Linh - “anh em đã được lại sanh, chẳng phải bởi (hạt) giống hay hư nát, nhưng bởi (hạt) giống chẳng hư nát, là bởi lời hằng sống và bền vững của Đức Chúa Trời.”

 

3) Trong Thi Thiên 119:105 tác gỉa so sánh lời Chúa như ngọn đèn phát ra ánh sáng để soi dẫn cuộc đời, bước đi của chúng ta như sau: “Lời Chúa là ngọn đèn cho chân tôi, ánh sáng cho đường lối tôi.”

 

4) Trong 1 Phiêrơ 2:2 lời Chúa cần thiết được ví như thức ăn thuộc linh của con người mới tái sanh của mỗi chúng ta như sau: “thì hãy ham thích sữa thiêng liêng của đạo, như trẻ con mới đẻ vậy, hầu cho anh em nhờ đó lớn lên mà được rỗi linh hồn.”

 

5) Còn trong Hêbêrơ 4:12 thì lời Chúa được biểu tượng như “thanh gươm hai lưỡi,” và đây có nghĩa là sao?

 

 

III. Đặc Tánh của Lời Chúa

 

Trong Hêbêrơ 4:12 cho chúng ta thấy lời Chúa có 3 đặc tánh chính:

 

1) Thứ nhất, lời Chúa là lời sống. Một thứ gì có sự “sống động” nghĩa là sao? Thứ đó phải “đụng đậy và có sự phát triển.” Chúng ta có thể thấy điều này nếu so sánh những cây kiển chúng ta chưng trong nhà làm bằng plastic với những cây ăn trái chúng ta trồng ở ngoài vườn. Một cây thì không có sự sống, cứ y nguyên từ năm này đến năm nọ, còn một cây trồng trong vườn thì phát triển sanh trái mỗi năm vì trồng từ một hạt giống sống. Lời Chúa là sống nghĩa là không bị lỗi thời, vẫn luôn còn áp dụng qua mọi thời đại, cần thiết và tác động (có ảnh hưởng) đến những người đọc. Lời Chúa là sống, không như những lý thuyết, những câu chuyện huyền thoại, những bài thơ du dương chỉ đưa người nghe vào cái vòng lẩn quẩn trong hư vô mà thôi. câu chuyện của một người tù trưởng trong một dân mọi đang ngồi đọc sách thì có một người Mỹ trắng đến phỏng vấn và hỏi ông đang đọc gì. Người tù trưởng mọi đó trả lời tôi đang đọc Kinh Thánh. Người phỏng vấn lên tiếng nói là sách Kinh Thánh đã lỗi thời rồi, không nên tốn thì giờ đọc vì không đem ích lợi chi cho chúng ta đâu. Vị tù trưởng mọi đó bèn đứng lên và dẫn người phóng viên đến một cái hố rất lớn và nói: “Ngày xưa, dân chúng tôi thuộc là dân hay ăn thịt người. Đây là cái hố chúng tôi khi bắt được một người nào thì giam vào đó cho đến ngày ăn thịt. Nhưng bây giờ vì sự hiểu biết của lời Kinh Thánh, dân chúng tôi đã bỏ thói ăn thịt người rồi. Nếu không có lời của Chúa thì chắc anh cũng đã nằm trong cái hố sâu này hôm nay rồi?”

 

Khi nói đến lời của Chúa, chúng ta cũng đừng quên rằng trong Giăng 1:1 chính Chúa Giê-xu là ai? “Ban đầu có Ngôi Lời, Ngôi Lời ở cùng Đức Chúa Trời, và Ngôi Lời là Đức Chúa Trời.” Ngôi Lời đây chính là Cứu Chúa đã đến thế gian. Đặc điểm của sách Tin Lành Giăng đó là sứ đồ Giăng đã giới thiệu Chúa Giê-xu với cái nhìn khác với 3 sách Tin Lành Mathiơ, Mác và Luca, vì Giăng nhìn Chúa Giê-xu chính là Đức Chúa Trời trong xác thịt loài người (God in the flesh) nên dùng chữ “Ngôi Lời.” Chữ “Ngôi Lời” theo tiếng Hylạp là chữ “logos” mà thời đó cả người Do Thái lẫn người Hylạp đều hiểu. Chữ “Ngôi Lời” sứ đồ Giăng dùng để nhân cách hóa Đức Chúa Trời vô hình trở thành con người ở trong Chúa Giê-xu. Chúng ta phải hiểu Đức Chúa Trời là Thần, trong Cựu Ước người do thái không thấy Ngài được bằng mắt trần, nhưng họ chỉ biết Chúa qua những lời Ngài phán. Cho nên đối với họ lời quyền năng của Đức Chúa Trời chính là Ngài, và “Lời” này được nhân cách hóa thành “Người” trong Cứu Chúa Giê-xu, gọi là “Ngôi Lời.” Khi ai bằng lòng tiếp nhận “Ngôi Lời” thì chính Chúa Giê-xu đã hứa gì trong Giăng 10:10 – “còn Ta đã đến, hầu cho chiên được sự sống và được sự sống dư dật” vì “Ngôi Lời” là lời sống.

 

2) Thứ hai, lời Chúa có linh nghiệm. Với bản dịch mới thì dùng chữ “năng lực” nghĩa là quyền phép – “Vì lời của Đức Chúa Trời sống động và đầy năng lực, sắc bén hơn mọi gươm hai lưỡi, xuyên thấu, đến nỗi phân chia hồn với linh, khớp với tủy, xét đoán các tư tưởng, và ý định trong lòng người.”

 

a) Trước hết chúng ta thấy trong Cựu Ước về quyền năng của lời Đức Chúa Trời. Trong Sáng Thế Ký 1:1-20 khi Đức Chúa Trời dựng nên trời đất thì Ngài đã dựng nên mọi vật bằng cách nào? “Ban đầu Đức Chúa Trời dựng nên trời đất. 2 Vả, đất là vô hình và trống không, sự mờ tối ở trên mặt vực; Thần Đức Chúa Trời vận hành trên mặt nước. 3 Đức Chúa Trời phán rằng: Phải có sự sáng; thì có sự sáng. 4 Đức Chúa Trời thấy sáng là tốt lành, bèn phân sáng ra cùng tối. 5 Đức Chúa Trời đặt tên sự sáng là ngày; sự tối là đêm. Vậy, có buổi chiều và buổi mai; ấy là ngày thứ nhất. 6 Đức Chúa Trời lại phán rằng: Phải có một khoảng không ở giữa nước đặng phân rẽ nước cách với nước. 7 Ngài làm nên khoảng không, phân rẽ nước ở dưới khoảng không cách với nước ở trên khoảng không; thì có như vậy. 8 Đức Chúa Trời đặt tên khoảng không là trời. Vậy, có buổi chiều và buổi mai; ấy là ngày thứ nhì. 9 Đức Chúa Trời lại phán rằng: Những nước ở dưới trời phải tụ lại một nơi, và phải có chỗ khô cạn bày ra; thì có như vậy. 10 Đức Chúa Trời đặt tên chỗ khô cạn là đất, còn nơi nước tụ lại là biển. Đức Chúa Trời thấy điều đó là tốt lành. 11 Đức Chúa Trời lại phán rằng: Đất phải sanh cây cỏ; cỏ kết hột giống, cây trái kết quả, tùy theo loại mà có hột giống trong mình trên đất; thì có như vậy. 12 Đất sanh cây cỏ: cỏ kết hột tùy theo loại, cây kết quả có hột trong mình, tùy theo loại. Đức Chúa Trời thấy điều đó là tốt lành. 13 Vậy, có buổi chiều và buổi mai; ấy là ngày thứ ba. 14 Đức Chúa Trời lại phán rằng: Phải có các vì sáng trong khoảng không trên trời, đặng phân ra ngày với đêm, và dùng làm dấu để định thì tiết, ngày và năm; 15 lại dùng làm vì sáng trong khoảng không trên trời để soi xuống đất; thì có như vậy. 16 Đức Chúa Trời làm nên hai vì sáng lớn; vì lớn hơn để cai trị ban ngày, vì nhỏ hơn để cai trị ban đêm; Ngài cũng làm các ngôi sao. 17 Đức Chúa Trời đặt các vì đó trong khoảng không trên trời, đặng soi sáng đất, 18 đặng cai trị ban ngày và ban đêm, đặng phân ra sự sáng với sự tối. Đức Chúa Trời thấy điều đó là tốt lành. 19 Vậy, có buổi chiều và buổi mai; ấy là ngày thứ tư. 20 Đức Chúa Trời lại phán rằng: Nước phải sanh các vật sống cho nhiều, và các loài chim phải bay trên mặt đất trong khoảng không trên trời.” Trong 21 câu Kinh Thánh này chúng ta thấy có 6 lần Đức Chúa Trời chỉ “phán” thì mọi vật được dựng nên, vì lời Ngài có quyền năng. Vừa rồi chúng ta biết nước Mỹ đã tốn cả chục tỉ bạc chỉ để bắn một máy dò thám tối tân lên đến hành tinh MARS; nhưng ai đã dựng nên hành tinh MARS, chỉ là một hạt bụi trong vũ trụ, bởi một lời Đức Chúa Trời đã phán.

 

b) Chúng ta cũng thấy quyền năng của lời Chúa Giê-xu. Trong Kinh Thánh chép lại biết bao nhiêu những phép lạ Chúa Giê-xu đã làm chỉ một lời phán của Ngài mà thôi. Chẳng hạn như sự kiện các môn đồ của Chúa gặp phải một cơn giông bão có chép trong Mathiơ 8:23-26 thì khi Chúa Giê-xu thức dậy với chỉ một lời phán thôi thì mọi sự “liền yên lặng như tờ.” Trong Giăng 11:43-44 có chép về phép lạ Chúa Giê-xu đã làm cho Laxarơ sống lại, chỉ bởi một lời phán khi Ngài đứng trước mộ và lớn tiếng gọi Laxarơ – “Khi Ngài nói xong, bèn kêu lên một tiếng lớn rằng: Hỡi La-xa-rơ, hãy ra! 44 Người chết đi ra, chân tay buộc bằng vải liệm và mặt thì phủ khăn. Đức Chúa Jêsus phán cùng chúng rằng: Hãy mở cho người, và để người đi.” Trong Khải Huyền 1:16 có chép Chúa Giê-xu đã khải thị cho Giăng thấy gì về Ngài? “Tay hữu người cầm bảy ngôi sao; miệng thò ra thanh gươm nhọn hai lưỡi và mặt như mặt trời khi soi sáng hết sức.” Tại sao miệng Ngài lại thò ra gươm hai lưỡi? Trong Khải Huyền 19:21 giúp chúng ta thấy trong ngày tận thế sắp đến Chúa Giê-xu sẽ trừng diệt anti-christ và các tiên tri gỉa bằng gì trong trận chiến “Armageddon?” Bằng chính lời của Ngài như có chép “Những kẻ khác đều bị giết bởi lưỡi gươm ra từ miệng Đấng cỡi ngựa, và hết thảy chim chóc đều được ăn thịt chúng nó no nê.

 

3) Đặc tánh thứ ba của lời Chúa thì sắc bén hơn gươm hai lưỡi. Tại sao gươm cần sắc bén để làm gì? Có bao giờ quí vị cắt một thứ gì mà dao bị cùn, cho nên không cắt đứt được và làm cho mình hết sức là bực mình không? Nếu chú ý đến 2 động từ trong câu Kinh Thánh gốc (theo bản dịch 2011) thì chúng ta sẽ hiểu tại sao gươm phải sắc bén, đó là động từ “xuyên thấu” và “phân biệt” – “Vì lời của Đức Chúa Trời là sống và linh nghiệm, sắc bén hơn mọi gươm hai lưỡi, xuyên thấu vào đến nỗi có thể chia hồn và linh, cốt và tủy, phân biệt những tư tưởng và ý định trong lòng.” Lời Chúa sắc bén để trước hết có thể xuyên thủng vào lòng của những người nghe hay đọc. Chúng ta thường có thể đụng đến thể xác của một người, nhưng không ai đi vào được bên trong tấm lòng của người đó được, vì lòng là chỗ kín dấu. Chúng ta có thể hành hạ một người, bỏ họ vào tù; nhưng chưa chắc có thể thay đổi tấm lòng của họ. Chúng ta có thể thấy dấu hiệu bên ngoài một người bị đau, nhưng không thấy được con vi trùng, cục bứu ở bên trong, cho đến khi chiếu X-ray cho thấy và con dao của vị bác sĩ mổ nó ra xem. Lời Chúa xuyên thủng vào lòng để làm gì vậy mà có chép trong Rôma 12:2? Để cáo trách và dần dần biến hóa tâm linh chúng ta, như có chép “Đừng làm theo đời nầy, nhưng hãy biến hóa bởi sự đổi mới của tâm thần mình, để thử cho biết ý muốn tốt lành, đẹp lòng và trọn vẹn của Đức Chúa Trời là thể nào.” Có bao giờ quí vị học lời Chúa, tự nhiên bị cáo trách, và ý thức được một thói quen hay một sự suy nghĩ sai lầm nào đó của con người cũ, cần phải được điều chỉnh hay sửa đổi không? Đó là lúc lời Chúa xuyên thủng vào lòng mình. Chúng ta đã tin Chúa rồi, nhưng cũng phải hiểu những thói quen và tư tưởng cũ của con người xác thịt ở trong chúng ta vẫn còn, mà cần được thánh hóa dần bởi lời của Chúa mỗi ngày.

 

Trong sách 2 Thêsalônica 2:13 – có chép Đức Thánh Linh làm gì trong đời sống chúng ta? “Hỡi anh em yêu dấu của Chúa, còn như chúng tôi, phải vì anh em tạ ơn Đức Chúa Trời không thôi, vì vừa lúc ban đầu, Ngài đã chọn anh em bởi sự nên thánh (thánh hóa) của Thánh Linh, và bởi tin lẽ thật, đặng ban sự cứu rỗi cho anh em.” Đức Thánh Linh được ban cho để giúp chúng ta rất là nhiều việc, và một trong những công việc chính Ngài sẽ làm đó là thánh hóa cuộc sống chúng ta dần mỗi ngày. Trong Rôma 8:29 giúp cho chúng ta thấy mục tiêu của sự nên thánh là ai? “Vì những kẻ Ngài đã biết trước, thì Ngài cũng đã định sẵn để nên giống như hình bóng Con Ngài, hầu cho Con nầy được làm Con cả ở giữa nhiều anh em.” Ấy chính là trở nên giống như Chúa Giê-xu hơn mỗi ngày, hầu sửa soạn để hưởng sự vinh hiển của Chúa khi mặt đối mặt với Ngài. Và loại “xà bông” Đức Thánh Linh dùng để thánh hóa chúng ta là gì? Chính là lời của Đức Chúa Trời. Trong Giăng 17:17 có chép về lời cầu nguyện tha thiết của Chúa Giê-xu trước khi Ngài bị tử hình thì chính Chúa nói chúng ta được thánh sạch bởi gì? “Xin Cha lấy lẽ thật khiến họ nên thánh; lời Cha tức là lẽ thật.” Đức Thánh Linh dùng lời Chúa như gươm sắc bén, xuyên thủng vào lòng để thanh tẩy, lấy đi những con vi trùng tội lỗi hay những thói hư tật xấu. Đây là một tiến trình từ lúc chúng ta được xưng công bình bởi đức tin, qua suốt cuộc đời của mình, cho đến khi chúng ta được hưởng sự vinh hiển của Chúa đời đời trong nước Ngài.

 

Đặc tánh của gươm sắc bén này còn được diễn tả là gươm “hai lưỡi” nữa. Đây có nghĩa là sao?

 

i) Thứ nhất, lời Chúa khi được giảng dạy ra phải được xuyên thấu vào lòng của tất cả những người nghe, cũng cho cả người giảng dạy nữa, vì lời Chúa có “hai lưỡi.” Chúng ta không nên giảng dạy điều gì cho ai mà trước hết chưa sẵn sàng tiếp nhận cho chính mình. Bài hát đoản ca xin: “Chạm lòng con Chúa ơi!” trước, chứ không phải người ngồi bên cạnh mình. Lý do tại sao có những lúc, có những người đi nhà thờ thường xuyên nhưng đời sống tâm linh vẫn chưa phát triển? Cũng vì người đó chưa cho phép lời Chúa “xuyên thủng hay đụng chạm” vào lòng của chính họ. Tấm lòng của họ còn đây dẫy những thành kiến cố định, những lý lẽ riêng, tánh bướng bỉnh chống nghịch lại Chúa, nên thanh gươm bén hai lưỡi chưa xuyên thủng được. Một trong thành kiến nguy hiểm nhất ngày nay mà nhiều người chưa được cứu là lý lẽ “Đạo nào cũng tốt. Đường nào cũng về Lamã, lên núi hết” để rồi cứ từ chối không chịu tin nhận Cứu Chúa Giê-xu tuyệt đối để được tha tội và nhận sự sống đời đời.

 

ii) Trong Êphêsô 6:17 giúp cho thấy thêm lời Chúa là gươm hai lưỡi để làm gì? “Cũng hãy lấy sự cứu chuộc làm mão trụ, và cầm gươm của Đức Thánh Linh, là lời Đức Chúa Trời.” Khi nghe đến chữ “gươm,” quí vị nghĩ ngay đến gì trong thời của Chúa Giê-xu? Gươm chính là vũ khí của một người lính la mã dùng để chiến đấu kẻ thù mình. Không phải lời Chúa sắc bén chỉ để “mổ xẻ thánh hóa” tâm linh chúng ta mà thôi, nhưng lời Chúa còn là vũ khí để mỗi chúng ta dùng để chống lại với kẻ thù, vì là gươm hai lưỡi. Ai trong chúng ta cũng biết môn đấu thể thao nào (như đá banh) cũng có tối thiểu qua 2 phương cách: Thủ và tấn. Chúng ta dùng gươm để “thủ” giúp ích cho chính đời sống tâm linh của mình, nhưng cũng để “tấn” chiến đấu với kẻ thù mình. Trong Mathiơ 4:1-11 – Chúa Giê-xu dùng gì để đối nghịch với sự cám dỗ của ma quỉ? “Bấy giờ, Đức Thánh Linh đưa Đức Chúa Jêsus đến nơi đồng vắng, đặng chịu ma quỉ cám dỗ. 2 Ngài đã kiêng ăn bốn mươi ngày bốn mươi đêm rồi, sau thì đói. 3 Quỉ cám dỗ đến gần Ngài, mà nói rằng: Nếu ngươi phải là Con Đức Chúa Trời, thì hãy khiến đá nầy trở nên bánh đi. 4 Đức Chúa Jêsus đáp: Có lời chép rằng: Người ta sống chẳng phải chỉ nhờ bánh mà thôi, song nhờ mọi lời nói ra từ miệng Đức Chúa Trời. 5 Ma quỉ bèn đem Ngài vào nơi thành thánh, đặt Ngài trên nóc đền thờ, 6 và nói rằng: Nếu ngươi phải là Con Đức Chúa Trời, thì hãy gieo mình xuống đi; vì có lời chép rằng: Chúa sẽ truyền các thiên sứ gìn giữ ngươi, Thì các Đấng ấy sẽ nâng ngươi trong tay, Kẻo chân ngươi vấp nhằm đá chăng. 7 Đức Chúa Jêsus phán: Cũng có lời chép rằng: Ngươi đừng thử Chúa là Đức Chúa Trời ngươi. 8 Ma quỉ lại đem Ngài lên trên núi rất cao, chỉ cho Ngài các nước thế gian, cùng sự vinh hiển các nước ấy; 9 mà nói rằng: Ví bằng ngươi sấp mình trước mặt ta mà thờ lạy, thì ta sẽ cho ngươi hết thảy mọi sự nầy. 10 Đức Chúa Jêsus bèn phán cùng nó rằng: Hỡi quỉ Sa-tan, ngươi hãy lui ra! Vì có lời chép rằng: Ngươi phải thờ phượng Chúa là Đức Chúa Trời ngươi, và chỉ hầu việc một mình Ngài mà thôi. 11 Ma quỉ bèn bỏ đi; liền có thiên sứ đến gần mà hầu việc Ngài.” Cả 3 lần Chúa Giê-xu đều nói: “Có lời chép rằng…” Điều kiện đầu tiên để thắng sự cám dỗ đó là chúng ta phải nhận diện ra kẻ thù của mình, nếu không phân biệt được thì làm sao thắng được nó, giống như người ta thường có câu: “Biết người, biết ta; trăm trận, trăm thắng?” Biết bao nhiêu con cái Chúa vẫn còn chìm đắm trong đời sống tội lỗi vì chưa dùng lời Chúa để nhận diện và phân biệt những mồi cám dỗ của ma quỉ. Họ chưa phân biệt được những sòng bài casino, những vé xổ số, những lời tử vi, những chai rượu mạnh, những thú vui hay đam mê là mưu kế của kẻ thù luôn muốn bẫy chúng ta.

 

 

IV. Xử Dụng Lời Chúa

 

Khi học lời Chúa chúng ta hãy tập làm vài điều gì để thật sự kinh nghiệm lời Chúa là lời sống, linh nghiệm, và sắc bén hơn gươm hai lưỡi?

 

1) Chúng ta phải xin Chúa dùng lời Ngài dạy dỗ chính mình để biết những điều gì cần điều chỉnh, và sửa đổi. Có bao nhiêu con cái Chúa trước khi bước vào giờ tĩnh tâm mỗi ngày hay sửa soạn vào nhóm thờ phượng mỗi tuần thường đã thầm cầu nguyện: “Xin Chúa dạy con. Xin lời Ngài xuyên thấu vào lòng con,” thay vì cho người ngồi bên cạnh?

 

2) Cố gắng học thuộc lòng câu Kinh Thánh chính. Thử hỏi nếu một người chiến sĩ ra trận chiến mà không đem theo vũ khí thì làm sao đối địch với kẻ thù? Chúng ta chắc có thắng được nó không? Nếu đi câu mà không đem theo cần, móc câu, và mồi thì làm sao bắt được cá? Thiết nghĩ có biết bao nhiêu lần chúng ta bị rớt vào sự cám dỗ vì không nói được “Có lời chép rằng…” như Chúa Giê-xu đã nói.

 

3) Giúp con biết đem lời Chúa ra thực hành và xử dụng trong cuộc sống. Cầu xin Chúa dùng lời Ngài giúp mình có sự khôn ngoan để phân biệt được xấu và tốt, sự cần thiết và điều ưu tiên, xem xét coi ý định của mọi lời nói và hành động có đang làm đẹp lòng Chúa không, có đang theo ý Chúa chưa?

 

          Nếu một người cơ đốc thật hiểu lời Chúa là sống, linh nghiệm, sắc bén hơn gươm hai lưỡi và bằng lòng để cho Chúa Thánh Linh thường xuyên dùng xuyên thấu và xét đoán đời sống tâm linh của mình thì đức tin, tình yêu thương và sự trông cậy của người đó sẽ luôn được phát triển mà làm đẹp lòng Chúa. Bạn có ý thức được lẽ thật này không?  


 

 

God’s Word is a Double-edged Sword

(Hebrews 4:12)

 

“For the word of God is living and active and sharper than any two-edged sword, and piercing as far as the division of soul and spirit, of both joints and marrow, and able to judge the thoughts and intentions of the heart.”

 

What are some of the basic things we as Christians need to grow our faith, love and hope? There are at least two things: The Bible (God’s word) and the guide of the Holy Spirit. In the Bible, God’s Word is symbolized as a mirror for our spiritual self-check, a seed to produce spiritual fruits, a lamp to light our paths, milk as our food; but also a double-edged sword.

 

In Hebrews 4:12, there are three main characteristics of God’s Word. First, God’s word is living that means not out-of-dated; but giving life to the listerners throughout times. Jesus was called by the apostle John as the Word that personizes the invisible God in the flesh. And whoever has the Word will have life, and have it to the full. Secondly, God’s word is ative that means it has the power to make an impact to the hearts. The power of God’s word was demonstrated through His creation. The power of Jesus’ word was shown through many of His miracles. At the end times, the powerful word of Jesus will be the weapon for Him to defeat anti-christ, and false teachers in the final Armageddon battle. Thirdly, God’s word is sharper than any two-edged sword. The sword must be sharp to pierce through the hearts of men. The Holy Spirit uses God’s word to sanctify and transform us each day to be more like Jesus. The sword is double-edged because it impacts both the hearts of the speakers as well the listerners. This double-edged sword is also our weapon to fight against the enemies. This was the weapon Jesus once used when He faced the temptations from satan.

 

To really experience this power of God’s word, one must take it in for himself, learn to memorize, and keep God’s word.