Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 33

Bắt Đầu Một Năm Mới

 

Kinh thánh: Phi-líp 4: 4-7

4 Hãy vui mừng trong Chúa luôn luôn. Tôi lại còn nói nữa: hãy vui mừng đi. 5 Hãy cho mọi người đều biết nết nhu mì của anh em. Chúa đã gần rồi. 6 Chớ lo phiền chi hết, nhưng trong mọi sự hãy dùng lời cầu nguyện, nài xin, và sự tạ ơn mà trình các sự cầu xin của mình cho Đức Chúa Trời. 7 Sự bình an của Đức Chúa Trời Vượt Quá mọi sự hiểu biết, sẽ giữ gìn lòng và ý tưởng anh em trong Đức Chúa Jêsus Christ.”

 

Bất cứ mọi việc trong đời sống, việc bắt đầu rất quan trọng!

-Lực sĩ: Khi bắt đầu chậm, khôgn đúng thì có thể thua cuộc đua!

-Học hành: lựa chọn môn học sai có thể làm cho chúng ta mất thời gian, tốn tiền, không đạt những điều mình ước mong.

-Làm việc: Sai công việc làm cho bị căng thằng, mệt mỏi, chán nản, không hăng sai khi đi làm.

-Liên hệ: Bắt đầu với những quan hệ sai lầm đưa chúng ta đến những tổn thương, đau đớn có khi phải trả giá cả cuộc đời!

-Di chuyển: bắt đầu đi lộn hướng làm cho chúng ta đi lạc xa, mất thời gian, có khi nguy hại đến tính mạng của mình và nhiều người khác.

 

Lời Chúa khuyên chúng ta bắt đầu năm mới với những điều sau đây thì đời sống chúng ta thật phước hạnh.

 

I-CHỚ LO PHIỀN

 

“Lo phiền”: Lo lắng trong sự phiền não! Hồi hộp-lo lắng! Câu chuyện vui sau đây giải thích chữ hồi hộp, lo lắng: 

Trong một chung cư nghèo, cũ, sàn nhà bằng gỗ, có một ông cụ  đang thổn thức trên giường bệnh, đau đớn vì chứng bệnh tim của mình. Chỉ một tiếng động nhỏ cũng có thể làm ông giựt mình. Nhưng cứ mỗi tối, chàng thanh niên trẻ ở tầng lầu trên theo thói quen, trước khi thay quần áo thường hay vất 2 chiếc giày của mình xuống sàn. Một chiều nọ không nhịn được nữa, ông cụ cau có, lên phòng người thanh niên và gõ cửa. ông cụ than phiền rằng:

- Xin anh, mỗi lần cởi giày, anh vui lòng để xuống sàn nhà nhè nhẹ vì tôi có chứng yếu tim, tôi sẽ bệnh thêm lên mỗi lần giựt mình bởi những tiếng động mạnh!

Ngày hôm sau, ông bạn trên lầu vốn là một thanh niên yêu đời, vô tư nên đã không còn nhớ lời ông cụ ở tầng dưới nữa. Buổi tối vừa về đến nhà anh đã bắt đầu vứt chiếc giày thứ nhất xuống sàn. Khi định vứt chiếc thứ hai anh chợt nhớ đến lời thỉnh cầu của ông cụ ở tầng dưới ông liền cởi nhẹ nhàng chiếc thứ hai và từ từ đặt xuống sàn, không nghe một tiếng động và anh nằm xuống ngủ.

Một tiếng đồng hồ sau, chàng trai bị ông cụ tầng dưới đánh thức dậy. Ông cụ mặt mày nhợt nhạt, nói với một giọng khẩn cầu: “Xin anh làm ơn vất luôn chiếc giày thứ hai xuống trần đi. Đã gần một tiếng đồng hồ tôi cứ hồi hộp chờ đợi không biết khi nào chiếc giày thứ 2 được quăng xuống!”

 

Lo phiền (Anxious): Quá lo nghĩ về mình, lo lắng, suy nghĩ những điều tiêu cực, khác với những mối bận tâm lo nghĩ hợp lý hay suy nghĩ những điều thuộc về đời sống tin kính hoặc suy nghĩ về công việc Chúa.

-Lo phiền khác với hoạch định (planning).                 

-Lo phiền làm cho chúng ta mất sự tập trung vào Chúa!

 Mất sự tập trung vào hiện tại!

-Lo phiền là dấu hiệu của một tâm hồn bất an!

-Lời Chúa Giê-xu nhắc nhở chúng ta: Vậy, chớ lo lắng chi về ngày mai; vì ngày mai sẽ lo về việc ngày mai. Sự khó nhọc ngày nào đủ cho ngày ấy.” (Ma-thi-ơ 6:34). Lời Chúa khích lệ chúng ta: "Lại hãy trao mọi điều lo lắng mình cho Ngài, vì Ngài hay săn sóc anh em.” (Phi-e-rơ 5:7)

 

II-HÃY CẦU NGUYỆN TRONG MỌI SỰ

“Trong mọi sự hãy dùng lời cầu nguyện” Âu lo xao xuyến và cầu nguyện là hai điều đối lập nhau trong từng trải Cơ Đốc nhân. Hãy tưởng tượng thánh Phao Lô đang ở trong tù, bị tuyên án tử hình và chờ ngày bị tử hình. Ông gởi cho các tín hữu tại HT Phi-líp. Điều nầy chỉ đến từ Chúa vì Ngài là ĐCT hằng sống và quyền năng! Điều mà Phao Lô tuyên bố trong thư Rô-ma 1:16 Thật vậy, tôi không hổ thẹn về Tin lành đâu, vì là quyền phép của Đức Chúa Trời để cứu mọi kẻ tin.” Khi chúng ta cầu nguyện trong mọi sự, mọi vấn đề của cuộc sống: chính chúng ta có sự bình an, chính chúng ta kinh nghiệm quyền năng của lời Chúa và để lại những ảnh hưởng không ngờ trên những người quanh ta!

 

Một em bé sắp phải bị giải phẫu. Trước khi lên bàn mổ, vị bác sĩ bảo em rằng: "Muốn chữa bệnh cho em, tôi phải làm cho em bé ngủ nhé!".

Em bé mỉm cười: “Ồ! Nếu bác sĩ muốn cháu ngủ, thì xin bác sĩ cho phép cháu cầu nguyện trước đã". Rồi em quỳ xuống và cầu nguyện rằng:

“Lạy Chúa, bây giờ con sắp đi ngủ. Xin Chúa gìn giữ con. Nếu con qua đời trước khi thức giấc, con sẽ ở trong nước Ngài.” Em bước lên bàn mổ với khuôn mặt bình an khác với những bệnh nhân khác: đầy lo âu, lo lắng lúc trước khi bước lên bàn mỗ. Vị bác sĩ thuật lại rằng, chiều hôm đó ông đã cầu nguyện lần thứ nhất sau 30 năm quên lãng. (Four La Vérité).

 

Tại sao chúng ta lo âu?

-Tại sao chúng ta lo lắng những điều chúng ta không thể thay đổi? (Ví dụ những chuyện trong quá khứ…)

-Tại sao chúng ta lo lắng? Bỡi vì sự lo lắng chỉ làm cho vấn đề thêm tệ hại!

-Tại sao chúng ta phải lo lắng khi chúng ta biết rõ sức lực, khả năng chúng ta có giới hạn trong khi quyền năng của Chúa Giê-xu là vô hạn?

-Tại sao chúng ta phải lo lắng khi chúng ta biết và tin rằng đức tin cùng với niềm hy vọng nơi Chúa Giê-xu sẽ cất đi sự sợ hãi của chúng ta?

-Tại sao chúng ta phải lo lắng khi lời Chúa hứa rằng “Nếu Đức Chúa Trời vùa giúp chúng ta, thì còn ai nghịch với chúng ta?” (Rô-ma 8:31)

 

Thánh Phao-lô khuyên chúng ta nên biến những nỗi lo phiền của chúng ta thành lời cầu nguyện. Chúng ta có muốn ít lo phiền hơn không? Thế thì, hãy cầu nguyện nhiều hơn! Hễ khi nào quý vị bắt đầu lo phiền, hãy dừng lại ngay và cầu nguyện. “Hãy kêu cầu ta, ta sẽ trả lời cho ngươi những việc lớn và khó là những việc ngươi chưa ừng biết.”(Giê-rê-mi 33:3)

 

III-HÃY CẢM TẠ CHÚA LUÔN (c. 6)

“Chớ lo phiền chi hết nhưng trong mọi sự hãy dùng lời cầu nguyện, nài xin, và sự tạ ơn mà trình các sự cầu xin của mình cho Đức Chúa Trời.” Hãy tưởng tượng chúng ta không bao giờ “lo phiền chi hết”! Đây có vẻ là một việc bất khả thi. Tất cả chúng ta đều có nhiều nỗi lo phiền về công việc làm ăn, trong gia đình, khi đi học. Thánh Phao-lô khuyên chúng ta: “Hãy tạ ơn” cùng với lời cầu nguyện nài xin là sự tạ ơn!

 

Tại sao sự tạ ơn Chúa cất đi những lo phiền?

Tác giả Thi thiên 26:7  “Hầu cho nức tiếng tạ ơn,và thuật các công việc lạ lùng của Chúa.”

Thánh Phao-lô chia sẻ kinh nghiệm của ông: “Tạ ơn Đức Chúa Trời, vì sự ban cho của Ngài không xiết kể!” IICôrinhtô 9:15  

 

Sự tạ ơn khiến chúng ta nhớ lại những ơn phước Chúa ban cho chúng ta.

*Tạ ơn Chúa đã cho chúng ta nhận biết Ngài và cứu chúng ta ra khỏi quyền lực của tội lỗi.  Nhưng, tạ ơn Đức Chúa Trời, vì sau khi anh em làm tôi mọi tội lỗi, thì đã từ lòng vâng phục đạo lý là sự đã ban làm mực thước cho mình!” Rô-ma 6:17

*Vì Ngài ban cho chúng ta sự chiến thắng trong danh Chúa Giê-xu!

 “Nhưng, tạ ơn Đức Chúa Trời đã cho chúng ta sự thắng, nhờ Đức Chúa Jêsus Christ chúng ta.” ICôrinh tô 15:57  

*Tạ ơn vì Ngài ban ơn cho chúng ta:

 “Tôi hằng vì anh em tạ ơn Đức Chúa Trời, bởi cớ anh em đã được Đức Chúa Trời ban ơn trong Đức Chúa Jêsus Christ.” ICô-rinh-tô1:4  

*Tạ ơn về ân điển dư dật của Ngài ban cho chúng ta trong mọi hoàn cãnh của cuộc sống, ngay cả trong những lúc tâm linh chúng ta suy yếu.

“Bởi chưng mọi điều đó xảy đến vì cớ anh em, hầu cho ân điển rải ra cách dư dật, khiến sự tạ ơn nơi nhiều người hơn cũng dư dật, mà thêm vinh hiển cho Đức Chúa Trời.” IICô-rinh-tô 4:15

 

*Đôi khi  có những chặng đường khó khăn ...để ta có thể cảm nhận rằng: "con đường đời không bằng phẳng như ta tưởng và để ta biết nhờ cậy sức Chúa và sự dẫn dắt của Chúa!"
*Đôi khi có những  buồn phiền  ... để biết rằng: "ta có thể thông cảm với những người đang trãi qua những phiền muộn!"
*Đôi khi có những thất vọng ... để ta nhận biết "không có con người nào là hoàn hảo cả. Tất cả mọi người đều phạm tội và ta biết chỉ có Chúa là Đấng toàn hảo, thành tín!"
*Đôi khi có những giây phút cô đơn ... để ta thấy được rằng: "ta không thể sống một mình,  ta rất cần đến sự chăm sóc, quan tâm của các Anh, chị, em, khác trong Hội thánh".
*Đôi khi ta cần nhận biết những gì mình đang có... để biết rằng "quanh ta vẫn còn nhiều người bất hạnh, đau khổ, nghèo khó hơn ta…”                    

 Với những suy nghĩ nầy sẽ giúp cho chúng ta biết cảm tạ Chúa! Lời Chúa khuyên chúng ta: “Mặc dầu anh em nói hay làm, cũng phải nhân danh Đức Chúa Jêsus mà làm mọi điều, nhờ Ngài mà tạ ơn Đức Chúa Trời, là Đức Chúa Cha.” Cô-lô-se 3:17 .   Sự cảm tạ ơn Chúa là thuốc ngăn ngừa và chữa trị chứng lo phiền hữu hiệu nhất!

 

KẾT LUẬN

 

Sau khi chúng ta đã dâng các lo phiền quan sự cầu nguyện, nài xin và cảm tạ cho ĐCT thì “Sự bình an của Đức Chúa Trời Vượt Quá mọi sự hiểu biết, sẽ giữ gìn lòng và ý tưởng anh em trong Đức Chúa Jêsus Christ.”(c. 7)

 

Sự bình an của Đức Chúa Trời khác với sự bình an của thế gian: Ta để sự bình an lại cho các ngươi; ta ban sự bình an ta cho các ngươi; ta cho các ngươi sự bình an chẳng phải như thế gian cho. Lòng các ngươi chớ bối rối và đừng sợ hãi. GiăngGa 14:27. Người ta không thể tìm được sự bình an thật trong việc suy nghĩ tích cực, trong chỗ không có xung đột, hoặc ngay cả trong chỗ yên tịnh. Sự bình an đến từ sự nhận biết và tin rằng Đức Chúa Trời đang nắm quyền kiểm soát. “Nầy, ta là Giê-hô-va, Đức Chúa Trời của mọi xác thịt; có sự gì khó quá cho ta chăng?” Giê-rê-mi 32:27  

Hãy để cho sự bình an của Đức Chúa Trời bảo vệ, che phủ lòng chúng ta khỏi sự lo phiền qua sự cầu nguyện nài xin và cảm tạ!

 

Năm mới xin Chúa giúp chúng ta:

-Bắt đầu mọi công việc trong danh của Chúa Giê-xu!

-Làm mọi công việc Chúa qua sự giúp đỡ của chính Ngài!

-Kết thúc mọi công việc với sự tạ ơn Chúa!

Bỡi vì, ngoài Chúa chúng ta chẳng làm chi được!

vì ngoài ta, các ngươi chẳng làm chi được.” (Giăng 15:5)

 

Xin Chúa giúp chúng ta hãy bắt đầu năm mới 2013 với sự cầu nguyện và cảm tạ trong mọi sự và khi kết thúc năm 2013 cũng với lời cầu nguyện và tạ ơn!

 

Mục sư Nguyễn Duy Trung

Bài giảng cho Hội Thánh Chúa nhật 27/1/2013