Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 3

Hãy Yêu

"Ai không yêu thương thì không biết Đức Chúa Trời, vì Đức Chúa Trời là tình yêu thương." (I Gi 4:8)

Tình yêu như cung đàn muôn điệu, từ thuở ấu thơ chúng ta đã ngọng nghịu hát lên giai điệu đơn sơ nhẹ nhàng với những lời hỏi đáp thật dễ thương : "Nếu hỏi rằng Em Yêu ai? Thì Em rằng Em Yêu Ba, yêu Mẹ, yêu chị, yêu anh…yêu hết cả nhà…" (Hùng Lân)

Theo thời gian, trái tim rộng mở, tầm nhìn vượt ra khỏi cộng đồng nhỏ bé của gia đình để biết nhìn ngắm quê hương, phát hiện những cảnh đẹp chung quanh mình rồi ngân nga khúc hát: "Tôi yêu quê tôi, yêu luỹ tre già đẹp xinh, yêu con sông xanh, bến cát hoe vàng bên Đình… " (Tôi yêu -Trịnh Hưng)

Cho đến một ngày đẹp trời nào đó, bổng nhiên có những xao xuyến, ngẩn ngơ khi tình cờ bắt gặp một ánh mắt liếc nhìn hay một nụ cười đưa duyên đằm thắm…Và cũng kể từ khi ấy, các chàng trai, cô gái có những biểu hiện khác thường : "Nhớ ai ra ngẩn, vào ngơ…". Thế là có thể kết luận một câu ngắn gọn: "Biết Yêu rồi!.."

Nhân gian thường nói rằng: " Sống mà không có Tình yêu thì như chết mà biết thở." Nhà thơ Xuân Diệu đã buột miệng than :

"Làm sao sống được mà không Yêu,

Không nhớ, không thương một kẻ nào?"

Sứ đồ Phao lô đã mô tả tình yêu bằng áng văn tuyệt vời: "Tình yêu thương hay nhịn nhục, tình yêu thương hay nhân từ, tình yêu thương chẳng ghen tị, chẳng khoe mình, chẳng lên mình kiêu ngạo, chẳng làm điều trái phép, chẳng kiếm tư lợi, chẳng nóng giận, chẳng nghi ngờ sự dữ, chẳng vui về điều không công bình nhưng vui trong lẽ thật. Tình yêu thương hay dung thứ mọi sự, tin mọi sự, trông cậy mọi sự, nín chịu mọi sự." (I Cor 13:4-7)

Chúa Jesus mời gọi chúng ta yêu thương đồng loại như chính bản thân (Mat 19:19). Hơn thế nữa, Ngài lại phán dạy rằng: "Hãy yêu thương kẻ thù mình, làm ơn cho kẻ ghét mình, chúc phước cho kẻ rủa mình, cầu nguyện cho kẻ sỉ nhục mình." (Luca 6:27-28) Bởi chưng, nếu chúng ta chỉ yêu thương những kẻ yêu mình…thì tất cả mọi người trên thế gian này ai cũng đều biết yêu như thế.

Chúa Jesus là bằng chứng tuyệt vời về tình yêu của Đức Chúa Trời dành cho nhân loại vốn bất nghĩa, bất trung với Ngài. Sứ đồ Giăng đã xác quyết: "Không phải chúng ta đã yêu kính Đức Chúa Trời, nhưng Ngài đã yêu thương chúng ta, và sai Con của Ngài làm sinh tế hy sinh chuộc tội lỗi chúng ta." Rồi Ngài khuyên bảo: "Các con yêu dấu! Nếu Đức Chúa Trời đã yêu thương chúng ta như thế, thì chúng ta cũng nên yêu thương nhau." (I Giăng 4:10,11).

Đời sống của chúng ta phải được điều khiển bởi tình yêu, bày tỏ tình yêu và sống trong tình yêu. Vì nếu không có tình yêu thì: "Dầu tôi nói được các thứ tiếng loài người và Thiên sứ…Dầu tôi được ơn nói tiên tri, cùng biết đủ các sự mầu nhiệm và mọi sự hay biết, dầu tôi có cả đức tin đến nỗi dời núi được, nhưng không có tình yêu thương thì tôi chẳng ra gì…Dầu tôi phân phát gia tài để nuôi kẻ nghèo khó, lại bỏ mình để chịu đốt, song không có tình yêu thương, thì điều đó chẳng ích gì cho tôi…"(I Cor 13:1-3)

Không thể phủ nhận giá trị thiết thực của những thành quả nêu trên, đó cũng là những điều tốt đẹp và quý báu mà mỗi chúng ta cần phấn đấu để có thể đạt được. "Nhưng, không có tình yêu thương, thì điều đó chẳng ích gì cho tôi." Tại sao?

- Việc bố thí cho kẻ nghèo cũng có thể được thực hiện chỉ vì ý thức trách nhiệm.

- Khả năng thông thạo các ngôn ngữ của loài người và Thiên sứ hoặc "đức tin đến nỗi dời núi được…" vẫn có thể chỉ là một thứ năng lực lạnh lùng, vô cảm… Trước tôn nhan Thiên Chúa, mọi công tác của chúng ta chỉ có giá trị khi hành động của chúng ta được thúc đẩy bởi tình yêu thương.

Có một định nghĩa về Yêu : "Love is an active verb". Chúng ta cần phải chủ động đến với mọi người, không phải cứ ngồi một chỗ để chờ đợi ai đó đem tình yêu đến cho mình.

Tình yêu cần phải được thể hiện qua những hành động cụ thể mang tính tích cực :

- Cảm thông : Sự cảm thông là chìa khoá của mối tương giao tốt đẹp, mỗi một con người là một thế giới bí ẩn, cần phải tìm hiểu để có thể cảm thông nhau, chấp nhận lẫn nhau. Cuộc đời của mỗi con người là một hành trình tìm kiếm người "tri kỷ" và thật hạnh phúc cho những ai đã ‘hữu duyên’ gặp được.

- Tôn trọng : "Quà tặng quý giá nhất mà chúng ta có thể trao tặng cho người khác chính là TÔN TRỌNG người đó với tất cả phẩm giá cao quý nhất của họ." (Danh ngôn).

Khi yêu thương ai, chúng ta luôn luôn quan tâm, ân cần và tôn trọng người ấy. Sứ đồ Phaolô đã khuyên mời: "Hãy như tôi, gắng sức đẹp lòng mọi người trong mọi việc, chẳng tìm ích lợi cho riêng mình, nhưng cho phần nhiều người để họ được cứu." (I Cor 10:32,33) Là con cái của Thiên Chúa, chúng ta không bao giờ được xem thường người khác. Hãy tôn trọng những mảnh đời bất hạnh, tật nguyền, nghèo khó…Vì tình yêu thương luôn khiêm nhường, xem người khác như tôn trọng hơn mình. (Philip 2:3)

- Khoan dung : Chuyện kể rằng : Một vị sư phụ nọ có rất nhiều môn sinh theo học. Một hôm, các đệ tử tình cờ bắt gặp một đồng môn đang "cầm nhầm" vật dụng, tư trang của người khác. Việc này được trình lên sư phụ với lời kiến nghị "Trục xuất khỏi sư môn", nhưng vị sư phụ vẫn cứ điềm nhiên, xem như chẳng có chuyện gì xảy ra. Cách mấy hôm sau, người đệ tử kia lại một lần nữa bị bắt quả tang khi đang "tự ý sử dụng" đồ dùng của anh em. Vụ việc lại được trình lên sư phụ nhưng dường như vị Thầy chẳng mấy bận tâm…Thái độ khó hiểu của Thầy đã khiến các đệ tử bất bình, phản đối…Họ họp nhau lại và soạn thảo bản kiến nghị, lên án hành động xấu xa của ‘tên ăn cắp’ và tuyên bố rằng : "Nếu sư phụ không trục xuất hắn thì chúng con sẽ xuống núi để tìm Thầy khác." Lần này sư phụ cho gọi tất cả môn sinh lại và nói rằng : " Các con là những con người khôn sáng, biết phân biệt điều phải, điều quấy. Các con có thể ra đi để học với bất cứ vị Thầy nào mà các con muốn…Còn người anh em đáng thương này thì đang u-mê lầm lạc…Nếu ta không dạy dỗ thì ai sẽ chấp nhận con người này? Nếu ta từ chối thì ai sẽ sẵn lòng đón nhận anh ta đây? Thế nên, ta vẫn giữ người anh em này lại, cho dẫu vì thế mà tất cả các con đều bỏ ta để ra đi. Một dòng nước mắt chảy dài trên khuôn mặt của ‘tên ăn cắp’, nhờ cảm được tấm lòng khoan dung của sư phụ nên đã biết hối lỗi, ăn năn…" Thế ra, tiến trình cải hoá một con người không nhất thiết là phải kết án, khước từ hay trục xuất.

Sức mạnh có khả năng tái sinh và thăng tiến tâm hồn chính là Tình yêu. Chỉ có tình yêu với lòng quảng đại, bao dung cùng sự cảm thông, nhân ái mới có thể thay đổi và phục hồi những nét đẹp cao quý trong tâm hồn của con người. Thiên Chúa đã bày tỏ lòng yêu thương của Ngài đối với chúng ta bằng sự tha thứ những tội lỗi gớm ghiếc nhất của chúng ta. Vì vậy, chúng ta phải biết tha thứ cho người khác. Nhưng làm sao có thể tha thứ nếu không có tình yêu? Hãy tha thứ với tấm lòng khiêm nhu, vì nhận biết rằng chính bản thân chúng ta cũng thật bất toàn.

- Phục vụ : Ca dao Việt nam có câu: "Yêu nhau mọi việc chẳng nề…" Việc phục vụ tha nhân phải phát xuất từ một động lực ngay lành, trong sáng. Nếu chúng ta phục vụ vì một sự tưởng thưởng nào đó hoặc vì tư lợi thì việc phục vụ ấy không còn ý nghĩa và giá trị cao quý nữa. Chúa Jesus đã nêu gương phục vụ và Ngài tuyên bố rằng : "Đã là Thầy, là Chúa mà Ta còn rửa chân cho các con, thì chính các con cũng phải rửa chân cho nhau." (Giăng 13:12-17)

Phục vụ tha nhân trong tình yêu Thiên Chúa là một đặc ân. Hạnh phúc chỉ có thể đến với những con người luôn biết sẵn sàng cho đi, không phải cứ mãi ngồi chờ để đón nhận. "Vì chính lúc hiến thân là lúc được nhận lãnh, chính lúc quên mình là lúc gặp lại bản thân…" (Francis of Assisi)

Lòng tử tế sẽ phát triển khi chúng ta làm những việc tử tế. Tình yêu thương sẽ triển nở khi chúng ta tập tành sống yêu thương. Hãy yêu thương mọi người đang sống chung quanh ta, yêu người láng giềng khó tính, yêu bạn đồng nghiệp hay tranh cạnh, khó gần… Hãy yêu mến tất cả những người hằng ngày chúng ta gặp gỡ, hãy trao cho mọi người nụ cười thân thiện, ánh mắt hiền hoà. Hãy nói với nhau những lời dịu dàng, thân ái. Chúng ta sẽ thật sự hạnh phúc khi mỗi ngày càng biết YÊU nhiều hơn.

"…Nếu chúng ta yêu nhau thì Đức Chúa Trời ở trong chúng ta, và sự yêu mến Ngài được trọn vẹn trong chúng ta." (IGiăng4:12) Amen.

Mục sư Hoàng Siêu