Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 80

Đời Phiêu Lưu

(Sáng thế ký 47: 1-10).

Giô sép ở Ai cập, chàng mời cha là Gia cốp qua Ai cập sinh sống vì nạn đói kém chưa dứt. Gia cốp đồng ý. Rồi "Gia-cốp cùng cả nhà người, nào các con trai, nào các cháu trai, nào các con gái, nào các cháu gái, thảy đều xuống xứ Ê-díp-tô." (Sáng thế ký 46:7). Khi gia đình Gia cốp đi đến bờ cõi Ê díp tô thì Ông sai Giu đa cho Giô sép hay và xin Giô sép đưa gia đình vào xứ Gô sen. Hay tin, "Giô-sép thắng xe đi lên Gô-sen, đón Y-sơ-ra-ên, cha mình. Người ra mắt cha, ôm choàng lấy người và khóc một hồi lâu." (Sáng thế ký 46: 29).

Giô sép hiện là quan Tể Tướng và Ông đang có lúa gạo, trong khi đó thì tất cả toàn dân Ai Cập và các xứ xung quanh đang đói. Quyền lực của Giô sép là nắm quyền trên tất cả bao tử của toàn dân Ai cập và nhiều xứ khác. Vậy thì quyền hành Ông rất lớn. Quyền lớn, vua quan trọng nễ, toàn dân cầu cạnh thì tại sao khóc? Khóc như vậy dân chúng thấy rồi cười chê thì sao? Giô sép khóc như vậy có hạ phẩm cách, có mất uy tín không? Chắc chắn là không. Vì lâu quá mới gặp lại cha, và khi gặp lại cha quá vui, nên chàng không cầm được giọt lệ vui mừng trào dâng. Dù cho dân Ê díp tô có thấy, chàng vẫn khóc vì chàng quá đỗi vui mừng.

Chúng ta học được bài học ở đây là dù con cái có làm lớn đến đâu, có giàu sang đến đâu thì cha mẹ vẫn là cho mẹ của mình, những tình cảm của mình đối với cha mẹ không được phép vơi đi tại vì mình giàu sang! Lời Chúa dạy: "Hãy hiếu kính cha mẹ ngươi hầu cho ngươi được sống lâu trên đất." Chúng ta phải hiếu kính cha mẹ trong mọi hoàn cảnh dù nghèo hèn hay dù giàu sang suốt cả đời của chúng ta.

Chúng ta biết rằng Gia cốp thương yêu Giô sép nhiều lắm, nên Ông đã từng may cho Giô sép cái áo dài nhiều màu sắc. Bây giờ chúng ta thử suy nghĩ lúc gặp lại Giô sép, Gia cốp có khóc không? Kinh Thánh không nói chúng ta không biết. Nhưng Gia cốp có nói một câu đầy ý nghĩa với Giô sép rằng: "Chớ chi cho cha chết bây giờ đi! vì cha đã thấy được mặt con, và biết con vẫn còn sống." (Sáng thế ký 46: 30). Gia cốp nói gì đây? Có phải Ông buồn bực quá, muốn chết đi cho rồi, không? Không! Ông vui lắm và thỏa lòng lắm khi gặp lại đứa con trai yêu dấu của Ông. Câu nói của Ông có nghĩa rằng: "Con ơi cha không còn ước ao gì hơn nữa, bây giờ gặp lại con, cha thỏa lòng quá rồi. Con ơi con giỏi lắm, con được lắm. Con là con yêu dấu của cha. Bây giờ dù cha có chết, cha cũng vui vì cha rất thỏa lòng về con."

Gặp lại Giô sép, Gia cốp thỏa lòng quá! Còn khi Chúa gặp lại chúng ta thì sao? Kinh Thánh cho biết rằng lúc đó muôn dân sẽ sẽ nhóm trước mặt Ngài. Ngài chia làm hai nhóm bên hữu và bên tả của Ngài. Ngài phán với nhóm bên hữu rằng: "Hỡi các con được Cha ta ban phước, hãy đến mà nhận lấy nước thiên đàng đã sắm sẵn cho các con từ khi dựng nên trời đất." (Ma thi ơ 25:34). Sau đó, Ngài phán với nhóm bên tả rằng: "Hỡi kẻ bị rủa, hãy lui ra khỏi ta; đi vào lửa đời đời đã sắm sẵn cho ma quỉ và những quỉ sứ nó." (Ma thi ơ 25:41). Ðức Chúa Jesus gặp lại Quý vị và tôi thì Ngài sẽ phán lời nào cho mỗi chúng ta? Cầu xin Chúa cho mỗi chúng ta được nghe Ðức Chúa Giê su phán lời thỏa lòng của Ngài cho quý vị và tôi rằng: "Hỡi các con được Cha ta ban phước, hãy đến mà nhận lấy nước thiên đàng đã sắm sẵn cho các con từ khi dựng nên trời đất." Cảm tạ ơn Chúa.

Gia đình Gia cốp đến Ai cập, Giô sép chào đón cha mẹ và anh em xong thì: "…. Giô-sép nói cùng anh em và người nhà cha mình rằng: Tôi sẽ lên trước tâu cho Pha-ra-ôn hay rằng: Anh em và cả nhà cha tôi, ở xứ Ca-na-an đã đến cùng tôi." (Sáng thế ký 46:31). Giô sép căn dặn các anh rằng nếu vua đòi các anh đến hỏi: "Các ngươi làm nghề chi?" thì các anh hãy tâu rằng: "Kẻ tôi tớ chúa cùng tổ phụ chúng tôi vẫn làm nghề nuôi súc vật từ thuở còn nhỏ cho đến giờ. Ấy hầu cho anh em đặng ở lại xứ Gô-sen, vì dân Ê-díp-tô có tánh gớm ghê hết thảy kẻ chăn chiên lắm." (Sáng thế ký 46:34).

Giô sép ra mắt vua và tâu với vua rằng cha và anh em mình có đem tài sản và chiên, họ đã đến Ê díp tô và hiện ở Gô-sen. Rồi người dẫn 5 người anh của mình đến yết kiến vua Pha ra ôn. Vua cho phép họ cư ngụ tại Gô sen. Tiếp theo sau đó, Giô sép dẫn cha mình là Gia cốp đến yết kiến vua Pha ra ôn. Gia cốp chúc phước cho Pha ra ôn. Kế đó vua hỏi Gia cốp rằng: "Ngươi hưởng thọ được bao nhiêu tuổi?" (Sáng thế ký 47:8). Gia cốp tâu rằng: "Những năm tôi sống ở đời phiêu lưu hết thảy là một trăm ba mươi năm; các năm của đời tôi lấy làm ngắn-ngủi và lại nhọc nhằn, chẳng bằng những năm bình sanh của tổ phụ tôi khi người ở phiêu lưu đó." (Sáng thế ký 47:9). Ðoạn, Gia-cốp chúc phước cho Pha-ra-ôn một lần nữa, rồi xin phép ra về. Chúng ta nên bắt chước Gia cốp là đến thăm ai thì trước khi ra về thì cầu nguyện xin Chúa ban phước cho gia đình người đó.

Thưa Quý vị, vua đã từng nói với Giô sép rằng vua sẵn sàng ban cho gia đình Gia cốp những gì "tốt nhất của xứ Ê díp tô" (Sáng thế ký 45:20). Giô sép là Quan Tể Tướng và vua rất trọng đãi. Vậy việc Ông dẫn cha và các anh yết kiến vua có cần không? Sự thật thì "Một tiếng chào cao hơn mâm cổ." Dù sao thì gia đình Gia cốp chỉ là khách kiều ngụ trong nước Ai cập, còn vua Pha ra ôn là chủ quốc gia nầy. Chúng ta có thể nói rằng vì vua dễ dãi, nếu Giô sép không dẫn cha và các anh đến yết kiến vua có lẽ cũng được, nhưng nếu Giô sép dẫn cha và các anh đến yết kiến vua thì tốt hơn. Sống trên đời chúng ta nên suy nghĩ khi làm một việc nào không những làm việc đó một cách tốt mà chúng ta còn nên làm việc đó một cách tốt hơn hoặc làm việc đó một cách tốt nhất, nếu có thể được. Như vậy mới là người làm việc tận tụy và hết lòng.

Dầu vua có hết sức tử tế với Giô sép thì Giô sép cũng phải biết lễ phép. Một người sống trong một tổ chức, trong gia đình, trong xã hội hay trong quốc gia đều phải có tôn ti trật tự. Nếu không có trật tự, lập tức có sự bất ổn xảy ra ngay. Thế còn trong Hội thánh thì sao? Cần có tôn ti trật tự không? Phải có chứ! Muốn có bình an trong Hội thánh thì Hội thánh phải có trật tự. Vì "Ðức Chúa Trời chẳng phải là Chúa của sự loạn lạc." (1 Cô rinh tô 14:33).

Khi được vua hỏi: "Ngươi hưởng thọ được bao nhiêu tuổi?" Gia cốp tâu rằng: "Những năm tôi sống ở đời phiêu lưu..." Cầu xin Chúa Thánh Linh dạy dỗ, chúng ta cùng học chữ phiêu lưu. Chữ phiêu lưu có thể có nghĩa là trôi giạt vì sóng gió không biết về đâu? Cũng có nghĩa là mạo hiểm chớ không biết chắc chắn sẽ có kết quả ra sao? Cuộc đời của Gia cốp Ông cho là một cuộc đời phiêu lưu.

Thưa Quý vị, Gia cốp nói cuộc đời phiêu lưu không phải chỉ áp dụng cho cuộc đời của chính Ông mà thôi, mà còn áp dụng cho cuộc đời của mỗi chúng ta. Cuộc đời của mỗi chúng ta từ lúc mới sanh cho đến lúc lớn lên, mỗi chúng ta đều đã phải phiêu lưu những bước vào tương lai. Mà tương lai thì không ai biết sẽ ra sao cả! Kinh Thánh dạy rằng: "Người ta đi chẳng có quyền dẫn đưa bước của mình." (Giê rê mi 10:23b).

Có hai người bạn thân nhau là Giô na than và Ða vít. Đa vít thương mến Giô na than. Giô na than "thương yêu Ða-vít như mạng sống mình." (1 Sa mu ên 20:17). Họ đã kết ước cùng nhau. Giô na than nói: "Anh sẽ làm vua Y-sơ-ra-ên, còn tôi sẽ làm tể tướng anh." (1 Sa mu ên 23:17). Nhưng đó chỉ là ước mơ. Vì không ai biết được tương lai. Đến ngày Ða vít làm vua thì Giô na than đã tử trận nơi chiến trường! Giô na than không bao giờ là Tể tướng của Ða vít dù cho cả hai người đều ước ao như vậy.

Gia cốp tâu rằng: "Những năm tôi sống ở đời phiêu lưu..." tôi tin rằng mỗi chúng ta cũng đang sống phiêu lưu vào tương lai, vì tất cả chúng ta không ai biết ngày mai của mình sẽ ra sao? Tuy nhiên chúng ta được phước là vì chúng ta có Chúa. Ngài là Ðấng định đoạt tương lai của chúng ta. Ngài phán về ý tưởng của Ngài cho tương lai chúng ta rằng: "Ta biết ý tưởng Ta nghĩ đối cùng các ngươi, là ý tưởng bình an, không phải tai họa, để cho các ngươi được sự trông cậy trong lúc cuối cùng của mình." (Giê rê mi 29:11). Nương cậy vào tình yêu cao của của Ðức Chúa Trời, chúng ta yên lòng về những ngày sắp tới của chúng ta, cho đến những ngày cuối cùng cuộc đời của chúng ta. Cảm tạ ơn Chúa.

Chữ phiêu lưu Gia cốp còn có nghĩa là cuộc đời của Ông không dừng lại nơi nào nhất định. Ông luôn luôn đi nơi nầy dời nơi khác, bất cứ nơi nào Chúa dẫn dắt Ông đi.

Ðó là cuộc đời của Gia cốp. Còn cuộc đời chúng ta thì sao? Mỗi chúng ta là những người theo Chúa. "Theo Chúa" có nghĩa là chúng ta không theo con đường riêng của mình. Chúng ta phải đi theo con đường Chúa dẫn chúng ta đi. Quyết định đi theo Chúa, và theo Chúa mãi mãi. Có bài hát rất hay rằng: "Jêsus Christ dẫn dắt, tôi xin theo. Dầu đi đâu tôi quyết đi theo thường. Tôi không kể khoảng khoát hay cheo leo, Nguyện đi với Ngài, với Ngài luôn mọi đường." (TC 230). Ðoạn đường dễ dàng thì theo Chúa, đoạn đường khó, chông gai cũng theo Chúa. Chúng ta không thể nói theo Chúa lâu quá rồi, thôi tôi dừng lại. hoặc theo Chúa, nhưng phiền Ông Mục sư, phiền Chấp sự, phiền tín đồ kia, tín đồ nọ, nên tôi dừng lại. Phao lô làm gương cho chúng ta bước đường theo Chúa. Ông quyết tâm theo Chúa và hết sức mong được: "….. giựt giải về sự kêu gọi trên trời của Ðức Chúa Trời trong Ðức Chúa Jêsus Christ." (Philip 3:14). Những bước đi theo Chúa hàng ngày của chúng ta là nhắm mục đích về sự kêu gọi trên trời. Nghĩa là chúng ta hết lòng sống theo Ý Chúa và sống làm vinh hiển Danh Ngài. Chúng ta hướng đến quê hương trên trời. Chúng ta sẽ theo Chúa mỗi ngày để rồi, đến ngày cuối cùng chúng ta sẽ dời cư đến nơi ở của Ðức Chúa Jêsus. Như Ngài đã hứa với mỗi chúng ta rằng: "Ta ở đâu thì các con cũng ở đó." (Giăng 14: 2-3). Cuộc đời nầy đối với chúng ta chỉ ở tạm, chỉ là một giai đoạn phiêu lưu của cuộc sống mà thôi.

Cầu xin Thánh Linh của Ðức Chúa Trời dẫn dắt chúng ta mỗi ngày theo Chúa cho đến khi được gặp Ðức Chúa Giê su. A-men.

Mục sư Trần Hữu Thành