Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 7

Thanh Âm Của Tâm Hồn

Mathiơ 12:33-37

Ngày xưa, có một vị Vua gửi cho hiền triết Bias một con vật quí hiếm. Ông vua này muốn thử thách tài trí của nhà hiền triết nên phán : "Ngươi phải trả lại cho ta cái gì vừa tốt nhất lại vừa xấu nhất nơi con vật quí hiếm ấy." Nhà hiền triết bèn xẻo ngay cái lưỡi của con vật mà trao cho nhà vua…

Lưỡi là nơi hội tụ của bao điều tốt đẹp nhất cũng như những điều xấu xa nhất. Bởi vì "Lưỡi không xương, nhiều đường lắt léo." (Tục ngữ)

Cổ nhân thường dạy : "Ngôn vi tâm thanh." Lời nói là thanh âm của tâm hồn. Như lời Chúa Jesus đã phán : "…Vì do những điều chất chứa trong lòng mà miệng nói ra. Người tốt do lòng thiện mà nói ra lời lành, người xấu do lòng ác mà nói ra lời dữ." (Mat 12:34b-35)

Là con cái của Đức Chúa Trời, chúng ta cần phải lưu tâm gìn giữ cho thanh âm của tâm hồn mình được luôn luôn trong sáng.

I. Nói lời chân thật : "Hỡi anh em, trước hết chớ có thề, chớ chỉ trời, chỉ đất, cũng chớ chỉ vật khác mà thề; nhưng phải thì nói phải, không thì nói không, hầu cho khỏi bị xét đoán." (Giacơ 5:12)

Là Cơ đốc nhân, chúng ta phải luôn luôn sống thành thật, nói lên sự thật và dám nhìn nhận sự thật cho dù sự thật ấy có thể ảnh hưởng đến quyền lợi của chúng ta. Người nói dối thường hay thề thốt bởi vì họ sợ hãi đủ điều : sợ bị phê bình, sợ bị khiển trách, sợ mất quyền lợi, sợ trách nhiệm, sợ phiền hà… Nếu vì một lý do nào đó mà chúng ta sống không thành thật thì tâm hồn sẽ chẳng thể nào được an tịnh. Chúa Jesus phán : "Chẳng có gì che giấu mãi…tất cả các điều bí mật đều sẽ công bố cho mọi người. Chuyện các con nói ban đêm người ta sẽ nghe giữa ban ngày. Những lời các con thì thầm trong phòng kín sẽ được loan báo nơi công cộng." (Luc 12:2,3)

II. Nói lời xứng hợp : "Lời nói anh em phải luôn luôn ân hậu, mặn mà để anh em đối xử xứng hợp với mọi người." (Col 4:6)

Là con cái của Thiên Chúa, chúng ta cần phải dùng môi miệng để ca ngợi Ngài và nói những lời xứng hợp với địa vị mà Chúa đã ban cho chúng ta. Chúa Jesus đã dạy : "Vì bởi lời nói mà ngươi sẽ được xưng công bình. Cũng bởi lời nói mà ngươi sẽ bị phạt." (Mat 12:37)

Người khôn ngoan luôn biết điều nào nên nói và điều nào không nên nói… Bởi vì : "Hễ lắm lời, vi phạm nào có thiếu, Nhưng ai cầm giữ miệng mình là khôn ngoan." (Châm 10:19)

Đôi khi chúng ta bị cám dỗ muốn thuật lại những chuyện bí mật của người khác. Kinh thánh gọi những kẻ này là : "Đứa mách lẻo rêu rao điều kín giấu…" (Châm 11:13). Vì thế, đừng bao giờ tự ý sử dụng những gì không thuộc sở hữu của mình. Những mẩu chuyện liên quan đến đời tư là điều tuyệt đối không nên vi phạm…

Một trong những nguyên nhân cơ bản dẫn đến sự thiếu sót, non kém trong lời ăn, tiếng nói là do không cân nhắc, thiếu suy nghĩ trong việc lựa chọn ngôn từ cho phù hợp trong từng hoàn cảnh thực tế. Dân gian Việt nam có câu : "Ăn có nhai, nói có nghĩ." Một sự so sánh rất bình dân, mộc mạc nhưng cũng rất thâm thuý. Con người không thể sống nếu không ăn và cũng khó thể tồn tại và phát triển nếu thiếu tiếng nói. Trong thực tiễn cuộc sống, nếu nhai không kỹ, nghĩ không sâu đều có thể dẫn đến hậu quả tai hại. Vì thế, hãy luôn ghi nhớ "Nên uốn lưỡi bảy lần trước khi nói". Bởi vì, "Vàng sa xuống giếng khôn tìm, Người sa lời nói như chim sổ lồng." (Ca dao). Xin Chúa giúp chúng ta luôn biết "cầm giữ miệng lưỡi mình".

III. Nói lời xây dựng "Một lời quở trách tỏ tường còn hơn là yêu thương kín giấu." (Châm 27:5)

a. Lời thật : Tục ngữ Việt nam có câu : "Thuốc đắng giã tật, Lời thật mất lòng" nhưng "Thà mất lòng trước mà được lòng sau." Chúng ta có thể quở trách, nhắc nhở người khác khi họ làm điều sai trái…Nhưng phải bởi thiện ý và trong tình yêu thương. Cũng cần lưu ý "Đừng bao giờ đưa ra lời khuyên ở chỗ đông người." (Châm ngôn Ả rập) Bởi chưng, lời thành ý nếu nói không đúng lúc, đúng nơi có thể sẽ phản tác dụng, trở nên ác ý…

b. Lời hay : "Lời nói không mất tiền mua…". Khi yêu thương chân tình, chúng ta không bao giờ muốn làm người khác bị tổn thương. Yêu Chúa, chúng ta chỉ muốn dùng những ngôn từ tốt đẹp nhất để ca ngợi Ngài. Yêu tha nhân, chúng ta cũng nên nói những lời chân thành và xây dựng. Nhưng điều quan trọng là phải biết "Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau."

c. Lời sạch : "Đừng nói hành ai, chớ có một lời tục tỉu nào ra từ miệng anh em." (Côl 3:8)

Ngày xưa, có một hiền nhân vui sống cùng trời đất cách an nhiên, tự tại. Học trò hỏi: Vì sao thầy có thể sống an lạc như vậy? Vị hiền nhân trả lời: "Ta không chỉ vệ sinh răng miệng mà còn vệ sinh cả lời nói. Trong sạch ở lời nói là cửa ngõ dẫn vào an lạc. Bởi lời nói chính là thứ đại diện cho tư tưởng và hành động. Khi đã trong sạch ở lời nói, trong sáng ở tâm hồn thì sự an lạc sẽ là kết quả tất yếu mà thôi!".

"Ăn lắm thì hết miếng ngon Nói lắm thì hết lời khôn hoá rồ." (Ca dao).

Chúng ta thường nói nhiều quá! Nhiều lời nói có thể làm tổn thương người khác, làm tan vỡ hạnh phúc gia đình, khiến bạn bè hiểu lầm rồi xa cách…Nhiều cuộc chiến tranh đã phát sinh chỉ vì những lời nói gây hiềm khích tạo mối bất hoà… Hãy luôn nhớ rằng : "Ai kiềm chế được lưỡi mình là người trọn vẹn, có thể tự kiềm chế cả thân thể."(Giacơ 3:2)

Chúng ta ít gặp khó khăn hoặc rắc rối khi phải lắng nghe… lại còn có thể học biết thêm nhiều điều hay, lẽ phải…Nói không đúng cách, không đúng chỗ và không đúng lúc thường dễ chuốc lấy tai hoạ cho mình và gieo tai hoạ cho người…Vì thế, "Người nào cũng phải mau nghe mà chậm nói, chậm giận…" (Gia cơ 1:19). Chúa Jesus dạy rằng : "Mọi lời nói vu vơ mà người ta thốt ra cũng đều phải báo cáo lại trong ngày phán xét." (Mat 12:36)

Phúc hay họa đều do lời nói, thất bại hay thành công cũng do lời nói. Lời khích lệ sẽ xua tan đi những khó khăn, âu lo, muộn phiền. Lời cảm thông sẽ hàn gắn trái tim đang rạn vỡ. Lời yêu thương sẽ kiến tạo một thế giới hoà bình.

Hãy cầu nguyện : "Hỡi Đức Giêhôva, xin hãy giữ miệng tôi và canh cửa môi tôi." (Thi 141:3) Để lời nói của chúng ta luôn mãi là thanh âm tuyệt diệu của tâm hồn. Amen.