Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 98

Ra Khỏi Ai-cập

(Xuất Ê díp tô ký 13: 17-22)

Dân Y sơ ra ên lúc ở trong xứ Ai cập và làm tôi mọi cho dân Ai-cập rất khổ sở cho đến nỗi họ được mô tả là ở trong "lò nấu sắt" (Giê rê mi 11:4).

Trong đêm Lễ Vượt qua, Ðức Chúa Trời hành hại các con đầu lòng của dân Ai-cập, thì Pha ra ôn cho phép dân Y sơ ra ên đi ra khỏi xứ Ê díp tô, để đi đến xứ Ca na an, tức là xứ Phi li tin, nơi mà Ðức Chúa Trời đã hứa ban cho dòng dõi của Áp ra ham. Kinh Thánh chép: "Ðức Giê-hô-va phán cùng Áp-ram rằng: Hãy nhướng mắt lên, nhìn từ chỗ ngươi cho đến phương bắc, phương nam, phương đông và phương tây: Vì cả xứ nào ngươi thấy, ta sẽ ban cho ngươi và cho dòng dõi ngươi đời đời. (Sáng thế ký 13: 14-15).

Khi dân Y sơ ra ên ra đi về đất hứa, thì Môi se dời hài cốt của Giô sép đi theo. Quý vị còn nhớ Giô sép là ai không? Giô sép là con trai thứ 11 của Gia cốp. Lúc sinh thời Giô sép làm Thủ Tướng Ai cập. Khi đó Gia cốp đang ở xứ Phi li tin, bị cơn đói kém, Giô sép rước cha và gia đình đến Ai cập ở.

Khi Giô sép sắp chết thì Ông nói với anh em Ông là "Ðức Chúa Trời sẽ đến viếng các anh em thật; đem các anh em về xứ mà Ngài đã thề hứa cùng Áp-ra-ham, Y-sác, và Gia-cốp.…. xin anh em hãy dời hài cốt tôi khỏi xứ nầy." (Sáng 50: 24-26). Cho nên nay Môi se và dân Y sơ ra ên dời hài cốt Giô sép cùng về đất hứa với họ. Việc Môi se đem hài cốt của Giô sép về Ca na na, chúng ta học được bài học gì?

Dù đến khi chết chưa thấy, nhưng Giô sép hết lòng tin rằng những lời Ðức Chúa Trời đã phán với Cha Ông của mình sẽ thành sự thật. Chúa sẽ đem dân Y sơ ra ên sẽ trở về đất hứa. Hài cốt của Ông là một chứng cớ nói với họ rằng: "Các ngươi thấy không, hãy tin vào Chúa, vì Ngài là Ðấng rất đáng tin cậy." Giống như A-bên, dù Giô sép "chết rồi, hãy còn nói." (Hê bơ rơ 11:4).

Sự dời hài cốt của Giô sép nói lên tấm lòng dân tộc Y sơ ra ên kính trọng Ông Cha của họ. Dù Giô sép đã chết hơn 400 năm, nhưng Môi se và những con cháu Y sơ ra ên vẫn tuân giữ lời dặn biểu của Giô sép.

Nhìn hòm hài cốt Giô sép, người ta nhận thấy được sự thành tín của Ðức Chúa Trời. Nghĩa là khi Ngài đã hứa thì Ngài giữ lời hứa. Hơn nữa, Ngài có quyền năng làm tròn lời hứa của Ngài.

Kinh Thánh cho biết: "Vả, khi Pha-ra-ôn tha dân Y-sơ-ra-ên đi, Ðức Chúa Trời không dẫn dân ấy đi theo đường về xứ Phi-li-tin, là đường gần hơn hết, vì Ngài nói rằng: E khi dân thấy trận mạc, dời lòng trở về xứ Ê-díp-tô chăng. Cho nên Ðức Chúa Trời dẫn chúng đi vòng theo đường trong đồng vắng, về hướng Biển-đỏ." (Xuất 13:17-18).

Khi đi đâu, ai cũng biết rằng đi theo đường thẳng thì mau hơn là đi đường vòng. Nhưng thay vì dẫn dân Y sơ ra ên đi đường thẳng về xứ Phi li tin thì Ðức Chúa Trời dẫn họ đi vòng vào đồng vắng. Ði như vậy phải đi xa hơn và nhất là phải đối diện với Biển Ðỏ ở trước mặt.

Trong cuộc đời theo Chúa, nhiều khi chúng ta thấy Chúa đặt mình vào hoàn cảnh thật là khó khăn. Theo ý chúng ta thì cách khác sẽ dễ hơn, nhưng Chúa muốn chúng ta theo ý của Ngài. Xin nhớ lời Chúa dạy mỗi chúng ta như lời Chúa phán: "Ý tưởng ta chẳng phải ý tưởng các ngươi, đường lối các ngươi chẳng phải đường lối ta. Vì các từng trời cao hơn đất bao nhiêu, thì đường lối ta cao hơn đường lối các ngươi, ý tưởng ta cao hơn ý tưởng các ngươi cũng bấy nhiêu." (Ê sai 55:8-9).

Khi ra khỏi Ai cập, dân Y sơ ra ên có khoảng hai triệu người, khi Môi se dẫn họ đi con đường xa xôi và bị Biển Ðỏ cản đường như vậy họ có thể trách móc Môi se không? Thật ra họ không thể trách móc Môi se vì Chúa đã định như vậy, chớ không phải Môi se định. Ðiều tốt là họ nên vâng theo ý Chúa, qua lời chỉ dẫn của tôi tớ Ngài là Môi se. Có một bài hát rất hay mà chúng ta nên thuộc lòng và thực hành câu hát: "Tin cậy vâng lời, Nào nhờ cách gì trong đời, Muốn hưởng phước thiên thượng ai ơi! Hằng duy tin cậy vâng lời." Phải tin Chúa và vâng lời Ngài.

Bây giờ chúng ta suy nghĩ tại sao Chúa không dẫn dân sự Ngài đi con đường ngắn hơn mà Ngài lại dẫn họ đi con đường xa hơn. Vì "Ngài nói rằng: E khi dân thấy trận mạc, dời lòng trở về xứ Ê-díp-tô chăng."

Nếu họ đi họ đi con đường chính thì họ phải đi qua những đồn binh của Ai cập. Rồi, khi đến biên giới Phi li tin thì họ lại gặp những đội quân biên phòng dóc dáng to lớn của người Phi li tin. Gặp những trường hợp như vậy e cho họ ngã lòng, đòi trở lại Ê díp tô chăng. Hơn nữa, họ phải tập tành chiến đấu và nhất là học biết Chúa thêm để tăng trưởng đức tin dọc đường rồi họ mới đủ sức vào xứ Ca na an. Vì vậy Ðức Chúa Trời quyết định cho dân Y sơ ra ên đi con đường dài hơn để đến Phi li tin.

Khi đi "Ðức Giê-hô-va đi trước dân sự, ban ngày ở trong một trụ mây, để dẫn đường đi; ban đêm trong một trụ lửa, để soi sáng cho chúng, hầu cho được đi luôn ngày và đêm." (Xuất 13: 21). Kinh Thánh dạy chúng ta rằng: "Nước nào có Giê-hô-va làm Ðức Chúa Trời mình, Dân tộc nào được Ngài chọn làm cơ nghiệp mình có phước thay!" (Thi thiên 33: 12). Thật vậy. Ai đã từng vượt biên trên biển đều biết là nhìn tứ phía, bốn bên, không biết đâu là bến là bờ cả. Chỉ thấy mây bay với sóng biển mà thôi. Người ta phải nhờ hải bàn để tìm phương hướng. Dân Y sơ ra ên đi trong sa mạc cũng vậy, người ta nhìn quanh nhìn quẩn nhưng không biết hướng nào để đi. Tạ ơn Ðức Chúa Trời, Ngài biết hoàn cảnh dân của Ngài, nên Ngài tạo nên một trụ mây ban ngày, và một trụ lửa ban đêm để dẫn đường cho họ.

Dân Y sơ ra ên sung sướng quá, có trụ mây, trụ lửa dẫn đường, còn chúng ta bây giờ có gì dẫn đường không? Thưa Quý vị, có chớ! Ngày nay chúng ta có Lời Chúa dẫn đường. Vì "Lời Chúa là ngọn đèn cho chơn tôi, Ánh sáng cho đường lối tôi." (Thi Thiên 119:105). Nhưng tiếc là không biết có mấy người trong chúng ta chịu tìm kiếm con đường theo Ý của Chúa bằng cách đọc Kinh Thánh hằng ngày?

Khi dân Y sơ ra ên đóng trại tại Phi-Ha-hi-rốt nơi gần bờ biển thì triều đình và Pha ra ôn đổi ý. Họ đem binh hùng tướng mạnh rượt theo dân Y sơ ra ên. Dân chúng sợ lắm, nhưng Ðức Chúa Trời khiến cột mây "lại ở về sau" (Xuất 14:19) dân sự để ngăn cách họ và quân đội Ê díp tô. Lúc đó lạ thay, "áng mây tối tăm cho đàng nầy, soi sáng ban đêm cho đàng kia" (Xuất 14:20), nghĩa là mây che tối tăm bên phía quân Ai cập, nhưng lại soi sáng bên phía dân Y sơ ra ên. Nói cách rõ ràng là dù chỉ có một cột mây, nhưng ai đứng bên phía con dân của Chúa thì áng mây có ánh sáng. Trái lại ai đứng bên phía đối nghịch Chúa thì trụ mây đó là bóng tối. Cảm tạ Ðức Chúa Trời Ngài là Ðấng quyền năng và rất yêu thương con dân của Ngài.

Suy nghĩ điều nầy chúng ta học được rằng Lời Chúa là ngọt ngào, là phước hạnh dẫn đến sự sống đời đời cho những ai tin nhận Ngài. Nhưng Lời Chúa lại là bản án kết tội, đối với những ai không chịu tin nhận Ngài, từ chối Ngài. Thật vậy, lời Chúa phán: "Vì Ðức Chúa Trời yêu thương thế gian, đến nỗi đã ban Con một của Ngài, hầu cho hễ ai tin Con ấy không bị hư mất mà được sự sống đời đời." (Giăng 3: 16). Câu nầy có nghĩa là ai tin Ðức Chúa Jesus thì không bị hư mất và được sự sống đời đời. Còn ai không tin Ðức Chúa Jesus thì bị hư mất và bị sự chết đời đời. Ðây là một bản án!

Nói về cột mây, tác giả Thi thiên cho biết: "Ngài bủa mây ra để che chở, Và ban đêm có lửa soi sáng." (Thi thiên 105:39). Ban đêm Ðức Chúa Trời ban cho trụ lửa để soi sáng, còn ban ngày Ðức Chúa Trời bủa mây ra để che gì? Ðể che nắng cho dân của Ngài. Tiên tri Ê sai thuật lại ơn dẫn dắt của Chúa đối với dân Ngài như sau: "Họ sẽ không đói không khát, hơi nắng chẳng đốt đến, khí nóng mặt trời chẳng phạm đến nữa; vì Ðấng thương xót họ …." (E-sai 49:10).

Thưa Quý vị, khi học về việc Ðức Chúa Trời bủa mây che nắng cho dân sự của Ngài, chúng ta nhớ lại hình ảnh các Bà Mẹ Việt Nam. Có những bà mẹ bồng con mình bị bịnh đi thăm thầy thuốc. Khi đi, khi về Bà cẩn thận ôm con sát vào lòng, chiếc nón lá thay vì đội trên đầu Bà, Bà lấy nón che kín cho con, sợ gió, sợ nắng làm hại con mình, còn đầu mình thì bà sẵn sàng chịu gió, chịu nắng!

Chúa che cho dân sự của Ngài. Có bài viết nói về bị cáo trước Tòa án Ðức Chúa Trời. Sa tan kiện cáo một người trước mặt Chúa. Nó tố cáo người nầy phạm tội nói dối, tội hung dữ, tội ganh ghét. v.v… và nó thưa thẳng với Ðức Chúa Trời rằng tội nhơn nầy phải bị hình phạt đời đời vì tội trạng quá nhiều và quá rõ ràng. Khi Sa tan đã buộc tội xong thì Chúa Jêsus đứng đó thưa với Ðức Chúa Trời rằng: "Thưa Ðức Chúa Cha thật sự người nầy có đủ mọi thứ tội. Nhưng người nầy đã ăn năn tội và Con đã chịu hình phạt thay thế cho tất cả tội của người nầy rồi."

Ðức Chúa Cha phán rằng: "Tội đã được đền trả, cho nên tội nhơn được tha thứ." Lời Chúa minh định điều nầy rằng: "Hiện nay chẳng còn có sự đoán phạt nào cho những kẻ ở trong Ðức Chúa Jêsus Christ." (Rô ma 8:1). Cảm tạ ơn Ðức Chúa Jesus đã đem thân Ngài treo trên thập giá để che chở cho chúng ta khỏi bị nắng táp mưa sa trong ngày Ma quỷ kiện cáo.

Cầu xin Ðức Chúa Trời ban ơn cho chúng ta biết sống trong thánh ý của Chúa hầu đẹp lòng Ðấng xả thân trên thập giá để cứu mỗi chúng ta. A men.

Mục sư Trần Hữu Thành.