Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 28

Bản Án Của Đấng Vô Tội

• Kinh Thánh: Ma-thi-ơ (20: 17-19)

• Câu gốc: “Họ sẽ nộp Ngài cho dân ngoại hầu để nhạo báng, đánh đập, và đóng đinh trên cây thập tự; đến ngày thứ ba, Ngài sẽ sống lại.” (Câu 19)

Giới thiệu:

Sống trong thời đại nào cũng phải có luật pháp. Và để thi hành luật pháp thì phải có quan tòa xét xử. Nhưng, không phải lúc nào các quan tòa cũng luôn luôn xét xử công minh. Lý do dễ hiểu là vì có thể quan tòa bị đút lót tiền bạc, có thể bẻ cong luật pháp, luồng lách để bênh vực kẻ có quyền thế, để gìn giữ chỗ đứng của mình. Chính vì vậy từ xưa đến nay không thiếu gì những bản án bất công, trái với luật pháp. Quan Tổng Đốc Phi-lát trong vụ án xét xử Chúa Jêsus là một trường hợp điển hành. Ông ta nhu nhược nghe theo đám đông để xử tử một Đấng vô tội.

Để đi sâu vào nội dung và kết thức của vụ án, đêm nay chúng ta sẽ cùng nhau suy gẫm hai điều: Cái chết của Chúa Jêsus trong đôi mắt của loài người, và sự hy sinh của Đấng Christ trong chương trình của Đức Chúa Trời.

I. Cái Chết Của Chúa Jê-sus Trong Đôi Mắt Của Loài Người

Đối với người đời, chết là hết! Mọi sự dường như kết thúc ở đó. Chính vì vậy đối với người không tin Chúa Jê-sus, thì cái chết là một điều khủng khiếp nhất trong cuộc đời của họ. Có lẽ vì thế mà một nhà thơ kia đã thốt lên rằng:

“Chết là hết không còn vương vấn nữa
“Hết ân tình, hết oán giận nhân gian

Và một thi nhân khác, Huy Cận đã chối từ cuộc sống, xem cái chết như là một sự trốn chạy khỏi thế giới ta bà, lắm truân chuyên và phiền muộn:

“Lạy Thượng Đế tôi cúi đầu trả lại
“Linh hồn tôi đà một kiếp đi hoang
“Sầu đã chín xin người thôi hãy hái
“Nhận tôi đi dù điạ ngục, thiên đàng!

Sự chết đối với người không tin Chúa là sự chia lìa, là vĩnh biệt, không còn hy vọng gì ở thế giới bên kia. Nhà thơ Huy Cận đã viết lên tâm trạng này:

“Ai chết đó, nhạc buồn chi lắm thế
“Chiều mồ côi, đời rét mướt ngoài đường
“Phố đìu hiu màu đá cũ lên sương
“Sương hay chính bụi phai tàn lả tả

Chúa Jê-sus đã chết, nhưng cái chết của Ngài không phải giống như bao nhiêu cái chết khác của loài người tội lỗi này. Sự hy sinh của Ngài không phải là ai oán, cũng chẳng phải là vô vọng; nhưng chính là niềm hy vọng cho toàn thể nhân loại. Ngài chết và đã sống lại để chúng ta được sống. Ngài chết, để giải cứu con người khỏi xích xiềng của tội lỗi, thoát chốn trầm luân của hỏa ngục mà bước vào sự sống vĩnh hằng. Đó là cái chết đầy ý nghĩa thiêng liêng, của sự hy sinh cao quý, bỏ chính mạng sống của mình để cứu hàng tỉ người thoát khỏi sự chết, mà bước vào sự vinh quang và đắc thắng qua huyết vô tội của Đấng Christ:

“Trong khi Đức Chúa Jê-sus đi lên thành Jê-ru-sa-lem, Ngài đem riêng theo mười hai môn đồ, dọc đường, phán cùng họ rằng: Nầy, chúng ta đi lên thành Giê-ru-sa-lem, và con người sẽ bị bắt nộp cho các thầy tế lễ cả và các thầy thông giáo, bọn đó sẽ luận giết Ngài. Họ sẽ nộp Ngài cho dân ngoại hầu để nhạo báng đánh đập, và đóng đinh trên cây thập tự; đến ngày thứ ba Ngài sẽ sống lại." (Ma-thi-ơ 20: 17-19).

Trong con mắt của các môn đệ Chúa Jê-sus bấy giờ, thì đây quả là những gì kinh khủng nhất! Họ nghe những lời này từ miệng Chúa Jê-sus phán; khiến cho họ không khỏi bàng hoàng với bao nỗi âu lo! Có lẽ họ cho rằng đó chỉ là một tấm bi kịch của đau thương và kết thúc trong nỗi sợ hãi cùng với sự tuyệt vọng! Dường như họ đã quên đi lời của Chúa phán rằng Ngài sẽ chết, nhưng sau ba ngày Ngài sẽ sống lại. Nếu có nhớ chăng, thì chắc họ cũng không tin. Đồng thời, các môn đồ của Ngài có lẽ cũng cảm thấy xót xa vì họ nghĩ rằng thầy mình sẽ phải chết; khi họ chứng kiến sự phản bội của kẻ bất trung có tên là Giu-đa Ích-ca-ri-ốt, là một trong mười hai môn đệ của Ngài đã bán Chúa với giá ba mươi miếng bạc; cùng với nụ hôn của tấm lòng phản trắc tại vườn Ghết-sê-ma-nê. (Ma-thi-ơ 26:14-15 và 46:29).

Khi Ngài bị treo trên cây gỗ cùng với tấm bảng trên đầu ghi: Người Này Là Jê-sus, Vua Dân Giu-đa. Đây là bản án bất công của loài người dành cho một Đấng vô tội! Một bản án nghịch lý phát sinh từ lòng ganh ghét, của trí óc ngu muội, phản trắc, chống lại một Đấng vô tội, một trái tim nhân ái chỉ biết yêu thương, tha thứ, đem lại sự chữa lành những thương đau cho muôn người: Kẻ què được đi, kẻ điếc được nghe, kẻ chết trong mồ mả được sống dậy, kẻ đói được ăn v,v…Thế mà quan án nhu nhược như Phi-lát kia, đã phó Đấng vô tội vào trong tay của những người có tội và giết Ngài đi. Trong khi đó, họ lại toa rập với nhau, xu hướng theo đám đông dua nịnh; hô hào tha bổng cho một tên tướng cướp. Ôi, luật pháp bất minh! Ôi, lòng người thật đáng sợ! Họ đã đánh đập tàn nhẫn, chà đạp lên nhân phẩm và mạ lỵ Ngài như một kẻ bất lương! Họ đã đối xử với một Đấng Thánh còn tàn tệ gấp trăm ngàn lần so với những kẻ đáng nguyền rủa! Những thầy tế lễ cả, thầy dạy luật và đám người dua nịnh vô lương tâm kia đã sỉ nhục nhạo báng Ngài; chỉ vì cớ sự ngu dốt, tối tăm, có mắt mà không thấy, có tai mà không nghe. Cho nên họ không thể nhận ra Chúa Jê-sus là Đấng Cứu Thế của nhân loại. Ma-thi-ơ tường thuật bức tranh của sự ngu muội này như sau:

“Cùng lúc đó, họ đóng đinh hai tên trộm cướp với Ngài, một tên ở cây thập tự bên hữu, một tên ở cây thập tự bên tả. Những kẻ đi ngang qua đó chê cười Ngài, lắc đầu mà nói rằng: Ngươi là kẻ phá đền thờ và dựng lại trong ba ngày, hãy cứu lấy mình đi! Nếu ngươi là Con Đức Chúa Trời, hãy xuống khỏi thập tự giá! Các thầy tế lễ cả, các thầy thông giáo và các trưởng lão cũng nhạo Ngài rằng: Nó đã cứu kẻ khác mà cứu mình không được. Nếu phải vua dân Y-sơ-ra-ên, bây giờ hãy xuống khỏi cây thập tự đi, thì chúng ta mới tin." (Ma-thi-ơ 26: 38-42)

Qúy vị và các bạn ơi! nếu chúng ta thuộc về Chúa, là con cái thật của Đức Chúa Trời; thì có lẽ mỗi người trong chúng ta đều cảm thấy ngán ngẫm cho thế thái nhân tình; và cảm thương sự hy sinh cao cả của Chúa Jê-sus. Chúng ta chỉ muốn quỳ xuống mà dâng lên Chúa trọn đời sống mình để biết ơn Ngài. Đồng thời, có lẽ cũng có những câu hỏi cho chính mình như sau:

Nếu đồng sống trong thời kỳ nhiễu nhương của Chúa Jêsus, thì:

• Liệu chúng ta có giống những các thầy tế lễ cả, các trưởng lão và đám đông xưa kia, xin với Tổng Đốc Phi- Lát tha cho một tên cướp Ba-ra-ba thay vì Đấng vô tội?

• Liệu chúng ta có trà trộn, núp bóng trong đoàn dân đông kia, cùng nhau xúi giục đóng đinh một Đấng Cứu Thế, mà hô lên rằng: hãy đóng đinh nó đi?

• Liệu chúng ta có sẵn sàng kê vai mà vác thập tự giá cùng với Chúa Jêsus, trong nỗi cô đơn cùng cực của Ngài, hay chỉ theo Chúa xa xa?

• Liệu chúng ta có tiếp tay với kẻ ác mà sỉ nhục Chúa Jêsus, nhạo báng Ngài và cùng nhau chia chác áo xống của Ngài chăng?

• Liệu chúng ta có bắt chước kẻ phản bội như Giu-đa Ích-ca-ri-ốt, mà đánh đổi đức tin của mình cùng với sự thờ phượng Đức Chúa Trời, chỉ vì những quyền lợi vật chất nhất thời và tạm bợ của thế gian này chăng?

• Ngày xưa, những kẻ theo Chúa còn nghi ngờ sự sống lại của Chúa Jêsus, nên đau khổ, tuyệt vọng. Còn chúng ta hôm nay có nghi ngờ sự tái lâm của Chúa Jêsus; mà sống nghịch lại với những gì Kinh Thánh dạy dỗ chăng?

• Giữa hai sự chọn lựa Chúa Jê-sus và thế gian, chúng ta đang đứng về phía nào?

Hãy lắng nghe lời phán của Chúa Jê-sus: “Các ngươi không có thể làm tôi Đức Chúa Trời lại làm tôi ma môn nữa.” (Ma-thi-ơ 6: 24b)

II. Sự Hy Sinh Của Đấng Christ Trong Chương Trình Của Đức Chúa Trời

Như chúng ta đã biết, Kinh Thánh Cựu ước đã bày tỏ sự chết của Chúa Jêsus là điều tất yếu phải xảy ra; bởi vì nó đã nằm trong chương trình cứu chuộc của Đức Chúa Trời. Tiên tri Ê-sai (chương 53: 7-9) đã tiên báo về sự kiện này: “Người bị hiếp đáp, nhưng khi chịu sự khốn khổ chẳng hề mở miệng. Như chiên con bị dắt đến hàng làm thịt, như chiên câm ở trước mặt kẻ hớt lông, người chẳng từng mở miệng. Bởi sự ức hiếp và xử đoán, nên người đã bị cất lấy; trong những kẻ đồng thời với người có ai suy xét rằng Ngài đã bị dứt khỏi đất người sống, là vì cớ tội lỗi dân ta đáng chịu đánh phạt? Người ta đã đặt mồ người với những kẻ ác, nhưng khi chết người được chôn với kẻ giàu; dầu người chẳng hề làm điều hung dữ và chẳng có sự dối trá trong miệng.”

Ngoài ra, Kinh Thánh Tân ước cũng bày tỏ chương trình và mục đích của Đức Chúa Trời, đã vạch định sẵn trong kế hoạch của Ngài. Chẳng hạn như sư sụp đổ và hủy phá của thành Jê-ru-sa-lem ( Lu-ca 21: 20-22), sự bội đạo và phản trắc của Giu-đa- Ích-ca-ri-ốt; “sự khát” của Chúa Jêsus được ban cho mật đắng và giấm (Thi Thiên 69: 21; Ma-thi-ơ 27:34 & Giăng 19: 29). Như vậy, mọi sự đã diễn ra để hoàn thành kế hoạch cứu rỗi nhân loại trong chương trình của Đức Chúa Trời. Trong cái nhìn của Ngài dĩ nhiên mọi việc đã trọn vẹn và tốt đẹp. Vậy thì, con cái của Chúa ngày hôm nay có gì phải lo sợ; bởi vì chúng ta đang ở trong sự quan phòng, che chở, bảo vệ và nằm trong mục đích tốt đẹp của Ngài dành cho mỗi đời sống.

Là con cái của Chúa, chúng ta luôn bị thế gian ghen ghét là chuyện tất nhiên không có gì lạ. Thế gian thuộc về ma quỉ, chúng ta thuộc về Đức Chúa Trời. Cho nên, cuộc chiến tâm linh này không bao giờ ngưng nghỉ. Có điều hãy nhớ rằng Chúa Jêsus đã chiến thắng tại thập tự giá, thì Ngài cũng ban cho con dân của Ngài sự chiến thắng_ Đó là cái nọc của sự chết không còn nữa. Đừng ngạc nhiên khi Hội Thánh của Đức Chúa Trời ngày nay vẫn luôn xảy ra những tranh chấp, những cuộc cãi lẫy, tranh đấu; bởi vì Sa-tan đã và đang lẻn vào Hội Thánh, rình mò những con cái Chúa mà nó có thể nuốt được. Thiên sứ trưởng Lu-xi-phe đã và đang tấn công Hội Thánh và con dân của Đức Chúa Trời; bởi vì nó đang là vua của chốn không trung mờ tối này. Hỡi quý đầy tớ Chúa, hỡi con dân yêu dấu của Ngài, hãy thức canh mà cầu nguyện để khỏi sa vào mưu chước cám dỗ của kẻ ác!

Hỡi qúy ông bà anh chị em dấu yêu trong Chúa, hãy cùng chúng tôi mà “làm mạnh dạng trong Chúa, nhờ sức toàn năng của Ngài. Hãy mang lấy mọi khí giới của Đức Chúa Trời , để được đứng vững mà địch cùng mưu kế của ma quỉ…Hãy đứng vững, lấy lẽ thật làm dây nịt lung, mặc lấy giáp bằng sự công bình, dùng sự sẵn sàng của Tin lành bình an mà làm giày dép. Lại phải lấy thêm đức tin làm thuẫn, nhờ đó anh em có thể dập tắt được các tên lửa của kẻ dữ. Cũng hãy lấy sự cứu chuộc làm mão trụ, và cầm gươm của Đức Thánh Linh là Lời Đức Chúa Trời. Hãy nhờ Đức Thánh Linh, thường thường làm đủ mọi thứ cầu nguyện và nài xin. Hãy dùng sự bền đỗ trọn vẹn mà tỉnh thức về điều đó, và cầu nguyện cho hết thảy các thành đồ. Cũng hãy vì tôi mà cầu ngyện, để khi tôi mở miệng ra, Chúa ban cho tôi tự do mọi bề, bày tỏ lẽ mầu nhiệm của đạo Tin lành, mà tôi vì đạo ấy làm sứ giả ở trong vòng xiềng xích, hầu cho tôi nói cách dạn dĩ như tôi phải nói." (Ê-phê-sô 6: 10-20)

Kết luận

Thưa quý ông bà anh chị em! Tất nhiên, trên con đường theo Chúa không phải chỉ có hoa thơm cỏ lạ, chỉ có bánh mì kẹp “hamburger” hay “pizza” chính hiệu của Ý; nhưng còn có giấm, có mật chúng ta cũng phải nếm đủ mùi vị đắng cay, mới co thể lớn lên trong đức tin, bền đỗ trong hoạn nạn; để rồi cuối cùng mới nhận được mão triều của sự vinh hiển. Chúa Jêsus phán:

“Ai yêu cha mẹ hơn ta thì không đáng cho ta; ai yêu con trai hay con gái hơn ta thì không đáng cho ta; ai không vác thập tự mình mà theo ta thì không đáng cho ta.” (Ma-thi-ơ 10: 37-38)

Sự chết của Chúa là sự sống của chúng ta. Bản án Chúa Jêsus đã gánh chịu là vì cớ tội lỗi của loài người. Vì vậy, không nên đau buồn mà ngược lại sống vui, sống tỉnh thức, sống hy vọng, sống biết ơn Chúa Jêsus trong nỗi mong chờ sự tái lâm của Ngài.

Thân ái kính chào quý tôi tớ Chúa, quý con cái Chúa yêu dấu của Ngài trong tình yêu của Chúa Jêsus. Cảm ơn sự hiện của quý vị và các bạn hôm nay. Nguyện xin Ba Ngôi Đức Chúa Trời ở cùng quý vị và các bạn sự đắc thắng trong mùa kỷ niệm sự thương khó và phục sinh của Chúa Jêsus. Amen!

(Chia sẻ cho Hiệp nguyện các Hội Thánh vùng DC, Virginia và Maryland tháng 3/ 2014)

Pastor Le Van The