Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 29

Đôi Mắt Mù Lòa

• Kinh Thánh: Giăng 19: 1- 16

• Câu gốc: “Nhìn xem Đức Chúa Jêsus, là cội rễ và cuối cùng của đức tin, tức là Đấng vì sự vui mừng đã đặt trước mặt mình, chịu lấy thập tự giá, khinh điều sỉ nhục, và hiện nay ngồi bên hữu Đức Chúa Trời.” (Hê-bơ-rơ 12: 2)

Giới thiệu:

Người đời có câu “Mắt là cửa sổ của tâm hồn.” Kinh Thánh chép: “Con mắt là đèn của thân thể. Nếu mắt ngươi sáng sủa thì cả thân thể ngươi được sáng láng; nhưng nếu mắt ngươi xấu, thì cả thân thể ngươi sẽ tối tăm. Vậy sự sáng láng trong ngươi chỉ là tối tăm, thì sự tối tăm này sẽ lớn hơn biết dường bao!” Quả thật như vậy, đôi mắt thường biểu hiện đời sống bên trong của một người. Chúng ta có thể cảm nhận được người đang đối diện với mình qua ánh mắt. Có ánh mắt yêu thương trìu mến, có ánh mắt xoi mói, tò mò. Cũng có ánh mắt hồ nghi, lưỡng lự, có ánh mắt trịch thượng, cao ngạo; có ánh mắt nhân từ biểu lộ một tình yêu chan chứa, v.v…Tuy không được đối diện trước Chúa Jêsus, nhưng qua Kinh Thánh Tân ước, chúng ta vẫn có thể cảm nhận được ánh mắt nhân từ của Ngài đối với người phụ nữ phạm tội tà dâm, hay kẻ phản bội Giu-đa-ích-ca-ri-ốt, hoặc những kẻ đóng đinh Ngài. Hôm nay, chúng ta sẽ cùng nhau suy gẫm về những kẻ có mắt mà dường như không thấy, hay nói đúng hơn đôi mắt đã bị mù lòa bởi vì điạ vị, quyền thế như vị quan Tổng Đốc Phi-lát trong thời Chúa Jêsus.

I. Phi-lát Sai Người Đánh Đòn Chúa Jêsus

“Bấy giờ, Phi-lát bắt Đức Chúa Jêsus và sai đánh đòn Ngài. Bọn lính đan một cái mão triều bằng gai, đội trên đầu Ngài, và mặc cho Ngài một cái áo điều. Đoạn họ đến gần, nói với Ngài rằng: Lạy vua dân Giu-đa! Họ lại cho Ngài mấy cái vả. Phi-lát lại ra một lần nữa, mà nói với chúng rằng: Kìa xem người này! Nhưng khi các thầy tế lễ và các kẻ sai thấy Ngài, thì kêu lên rằng: Hãy đóng đinh hắn trên cây thập tự, hãy đóng đinh hắn trên cây thập tự! Phi-lát nói cùng chúng rằng: Chính mình các ngươi hãy bắt mà đóng đinh người; bởi vì về phần ta không thấy người có tội lỗi chi hết.” (Giăng 19:1-6)

Qua những câu Kinh Thánh này, hiện lên trong tâm trí chúng ta hình ảnh một vị quan Tổng Đốc tầm thường! Ông ta biết rõ Chúa Jêsus là một người vô tội. Chúng ta nhấn mạnh rằng sự hiểu biết của ông ta chỉ là “người vô tội” chưa nói đến “Đấng vô tội.” Biết người vô tội mà lại giao cho đám đông đem đi đóng đinh. Như vậy, Phi-lát có xứng đáng làm quan không?

Chưa nói đến khi ông ta trở lại trường án để thẩm vấn Chúa Jêsus một lần nữa, và ông ta đã xác định với Chúa Jêsus rằng ông ta có quyền buông tha và quyền đóng đinh Chúa Jêsus. Thế mà ông đã quay lưng lại với công lý, với lương tâm của chính mình; để phó một người vô tội vào trong tay của kẻ có tội. Cuối cùng, là tướt đi mạng sống của một con người với bản án thô bạo cùng với sự hành hình dã man! Phi-lát đã giữ chức quan cao ấy trong xã hội đương thời, nhưng rõ ràng luơng tâm của ông ta quá tầm thường, vì không nghe được tiếng nói của công lý, mà chỉ nghĩ đến quyền lợi của mình. Ông ta đã hoàn toàn buông trôi và bất lực trước những con người xấu xa, hèn hạ, giết một mạng người chỉ vì lòng ganh ghét. Quả nhiên, Phi-lát có mắt mà như không, bời vì mắt ông ta bị mù lòa bởi quyền lợi của thế gian này. Ông ta nghĩ đến chiếc ghế chức tước to hơn một mạng người. Chúa Jêsus phán thí dụ về nước Đức Chúa Trời:

“Vậy nên ta phán thí dụ cùng chúng; vì họ xem mà không thấy, lắng tai mà không nghe và không hiểu chi hết…Nhưng phước cho mắt các ngươi vì thấy được! Phước cho tai các ngươi vì nghe được! Quả thật ta nói cùng các ngươi, có nhiều đấng tiên tri, nhiều người công chính đã ước ao thấy điều các ngươi thấy, mà chẳng được thấy; ước ao nghe điều các ngươi nghe, mà chẳng được nghe.”

Cầu xin Đức Thánh Linh cho mỗi con dân của Ngài hôm nay nghe được tiếng phán của Ngài; thấy được công việc của Ngài qua các tôi trai tớ gái của Ngài trên mọi nẻo đường của công trình thuộc linh. Xin đừng để họ bị mù lòa, bị giựt dây của kẻ ác, núp phía sau xúi giục họ ném đá vào các tiên tri hay tôi tớ của Ngài. Xin đừng để họ giống như đám đông dua nịnh xưa kia, mà hô hoán lên để đóng đinh người vô tội!

II. Phi-lát Nghe Theo Đám Đông

Kinh nghiệm thông thường ho chúng ta thấy, ý kiến số đông là chuẩn mực trong các cuộc bỏ phiếu hay trưng cầu dân ý. Mọi hoạt động của nhiều tổ chức, đoàn thể chính trị, tôn giáo hay thậm chí trong tổ chức của Hội Thánh, chúng ta cũng thường dựa trên số đông để biểu quyết các vấn đề quan trọng hoặc chọn người lãnh đạo. Tuy nhiên, thực tế cũng cho thấy rằng không phải lúc nào đám đông cũng đúng; vì lắm lúc đám đông bị mua chuộc, bị áp lực chính trị, bị mù quáng vì kẻ ác xuyên tạc. Chính vì vậy, đám đông vẫn có thể sai lầm. Hiện trạng chính trị ngày nay, cho chúng ta nhiều bài học về các cuộc xuống đường biểu tình, đôi khi vì bị áp bức, nhưng có khi chỉ vì các phe phái chính trị cầm đầu.

Trở lại với Phi-lát, ông ta đã không tìm thấy tội lỗi nào từ Chúa Jêsus, nhưng ông vẫn phó Ngài vào trong tay kẻ ác và để mặc họ đóng đinh Ngài trên thập tự giá. Phi-lát nói với dân chúng: “Đây này, ta dẫn người ra ngoài, để các ngươi biết rằng ta không tìm thấy người có tội lỗi chi.”

Biết vậy, mà vẫn giao Ngài cho đám đông dẫn đi đóng đinh Ngài. Có thể nói rằng vị quan Tổng Đốc kia chỉ là con bù nhìn có mắt mà không thấy, có lương tâm mà không biết đâu là phải trái, không sống cho lương tâm; nhưng sống bởi quyền lợi thế gian; vì ông ta sợ mất chức quan, sợ bị dân chúng cho là không trung thành với Sê-sa. Đây, tiếng nói của đám đông:

“Ví bằng quan tha người này, thì quan không phải là trung thần của Sê-sa; vì hễ ai tự xưng là Vua, ấy là xướng lên nghịch cùng Sê-sa vậy!” (Giăng 19:12b)

Thưa quý ông bà anh chị em! Cảm ơn Ba Ngôi Đức Chúa Trời đã ban cho chúng ta một trí óc sáng suốt, biết nhận ra Đấng Chân Thần mà thờ lạy Ngài. Cầu xin Đức Thánh Linh giữ lòng, giữ trí chúng ta luôn trung tín với Ngài, đừng để bị những thế lực của trần gian che khuất. Đừng để cho quyền lợi cá nhân tầm thường lôi kéo vào con đường lầm lạc. Tổ phụ chúng ta có ăn ma-na rồi cũng chết. Chúng ta cần sự sống đời đời hơn tất cả những gì thuộc về thế gian này. Nếu không nhờ cậy Đức Thánh Linh mà giữ lòng, giữ trí cho thanh sạch; thì biết đâu chúng ta cũng bị mù lòa nhưng vị quan Tổng Đốc Phi-Lát xưa kia!

Khi căm giận hay ganh ghét người nào, thì chúng ta thường dùng môi miệng rủa sả hay vu khống cho thỏa thích. Nhưng phải biết rằng mọi lời nói ra Chúa đều nghe thấy hết. Ngài phán: “Vả, ta bảo các ngươi đến ngày phán xét, người ta sẽ khai ra mọi lời hư không mà mình đã nói. Vì bởi lời nói mà ngươi sẽ được xưng công bình, cũng bởi lời nói mà ngươi sẽ bị phạt.” (Ma-thi-ơ 12: 36)

III. Phi-lát Giao Chúa Jêsus Cho Đám Đông Để Đóng Đinh Ngài

Có lẽ đây là một trong những câu chuyện đau lòng nhất của Tân ước; làm cho bất cứ ai còn chút lương tâm đều bất mãn trước quyền lực và công lý. Điều này minh chứng rằng những vị quan của thế gian không phải lúc nào cũng chính trực. Như đêm thứ Sáu vừa qua tôi đã trình bày rằng, họ có thể bị mua chuộc, bị đút lót tiền bạc, bị sức ép của kẻ quyền thế, v.v…

Hãy nghe cuộc hội thoại ngắn sau đây giữa vị quan Tổng Đốc và Chúa Jêsus. Phi-lát bèn nói rằng:

- Thế thì ngươi là vua sao? Đức Chúa Jesus đáp rằng:

- Thật như lời, ta là vua. Này, vì sao ta đã sanh và vì sao ta đã giáng thế: Ấy là để làm chứng cho lẽ thật. Hễ ai thuộc về lẽ thật thì nghe lấy tiếng ta. Phi-lát hỏi rằng:

- Lẽ thật là cái gì?

Khi người nói vậy, rồi lại đi ra đến cùng dân Giu-đa mà rằng: Ta chẳng thấy ngươi có tội lỗi gì cả. Nhưng các ngươi có lệ thường, hễ đến ngày lễ Vượt- qua, thì ta tha cho các ngươi một tên tù, vậy các ngươi có muốn ta tha Vua dân Giu-đa cho chăng? Chúng bèn kêu lên rằng: Đừng tha nó, nhưng tha Ba-ra-ba! Và Ba-ra-ba là một kẻ trộm cướp (Giăng 18: 37-40).

Chương tiếp theo là quang cảnh quân lính sỉ nhục Đức Chúa Jêsus và Phi-lát sai đánh đòn Ngài.

Không cần bình luận gì cả, ai cũng có thể nhận thấy được đó là bức tranh của một trường án hỗn tạp, một đám đông hàm hồ, một vị quan nhu nhược và hèn nhát!

Biết người vô tội mà vẫn phó người vào trong tay kẻ có tội, để sỉ nhục, đánh đập rồi giết đi!

Suy gẫm về câu chuyện Chúa Jêsus cách đây hơn hai nghìn năm rồi liên tưởng đến hiện tại. Những gì đã và đang xảy ra trên nhiều nơi của thế giới ta bà này. Chúng ta không khỏi không đau lòng khi mỗi ngày trên những trang báo hay tin tức từ máy vô tuyến truyền hình hay trên hệ thống mạng internet, có biết bao nhiêu là câu chuyện ức hiếp dân lành của kẻ có dùi cui và roi điện trong tay, đánh giết người vô tội vạ! Bao nhiêu cái chết thảm thương, bao nhiêu người đàn bà mất chồng, trẻ thơ mất cha, kêu gào mà không ai có thể cứu vớt được!

Trong thư thứ hai của Phao-lô gửi cho Ti-mô-thê có nói tiên tri về sự luân lý bại họai, đã và đang ứng nghiệm cho Hội Thánh của Đức Chúa Trời hôm nay : “Hãy biết rằng trong ngày sau rốt, sẽ có những thời kỳ khó khăn. Vì người ta đều tư kỷ, tham tiền, khoe khoang, xấc xược, hay nói xấu, nghịch cha mẹ, vô tình, khó hòa thuận, hay phao vu, không tiết độ, dữ tợn, thù người lành, lường thầy phản bạn, hay nóng giận, lên mình kiêu ngạo, ưa thích sự vui chơi hơn là yêu mến Đức Chúa Trời, bề ngoài giữ điều nhân đức, nhưng chối bỏ quyền phép của nhân đức đó. Những kẻ thể ấy con hãy tránh xa đi. Trong bọn họ có kẻ lẻn vào các nhà, quyến dụ lòng những người đàn bà mang tội lỗi, bị bao nhiêu tình dục xui khiến.” (2Ti-mô-thê 3:1-6

Kết luận:

Khác với đôi mắt mù lòa, nhu nhược của kẻ ác thì Chúa Jêsus là biểu hiện của đôi mắt nhân từ đầy lòng trắc ẩn. Trước người đàn bà tà dâm, theo luật Môi-se thì phải bị ném đá, khi các thầy thông giáo và Pha-ri-si đem bà ta đến cáo trước Chúa Jêsus thì Ngài bảo ai thấy mình vô tội thì hãy ném đá trước đi, mọi người bỏ đi. “Đức Chúa Jêsus bây giờ ngước lên không thấy ai hết, chỉ có người đàn bà bèn phán rằng: Hỡi mụ kia, những kẻ cáo ngươi ở đâu? Không ai định tội ngươi sao? Người đàn bà thưa rằng: Lạy Chúa, không ai hết. Đức Chúa Jêsus phán rằng: Ta cũng không định tội ngươi; hãy đi đi và đừng phạm tội nữa!” (Giăng 8:3-10) Trước những người đóng đinh Ngài trên thập tự tại một chỗ gọi là chỗ Sọ, Ngài vẫn kêu xin Đức Chúa Trời rằng: Lạy Cha xin tha cho họ, vì họ không biết mình đang làm điều gì.

Bài học cho chúng ta hôm nay là xin Đức Thánh Linh ban cho chúng ta sự khôn ngoan thiêng thượng; vì nguồn của sự khôn ngoan đến từ Đức Chúa Trời. Cầu xin Ba Ngôi Đức Chúa Trời ban cho chúng ta đôi mắt thuộc linh, để biết phân biệt đâu là lẽ thật và đâu là gian tà! Bài học cuối cùng hôm nay, là tấm lòng biết tha thứ cùng với sự đầy dẫy tình yêu thương: “Tình yêu thương hay nhịn nhục, tình yêu thương hay nhân từ, tình yêu thương chẳng ghen tị, chẳng khoe mình,, chẳng lên mình kiêu ngạo, chẳng làm điều trái phép, chẳng nóng giận, chẳng nghi ngờ sự dữ, chẳng vui về điếu không công bình, nhưng vui trong lẽ thật, Tình yêu thương hay dung thứ mọi sự, tin mọi sự, trông cậy mọi sự, nín chịu mọi sự. Tình yêu thương chẳng hề hư mất bao giờ.”

Cầu xin Ba Ngôi Đức Chúa Trời ban cho mỗi chúng ta có được đôi mắt nhân từ, đầy lòng thương xót; giống như Chúa Jêsus để nhìn nhau!

Pastor Lê Văn Thể