Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 30

Tấm Lòng Của Chúa Jê-sus

• Kinh Thánh: Ma-thi-ơ 15: 29- 39

• Câu gốc: “Dòng dõi hung ác gian dâm này xin một dấu lạ; nhưng sẽ chẳng có dấu lạ chi khác ngoài dấu lạ của đấng tiên tri Giô-na.” (Ma-thi-ơ 16: 4)

Giới thiệu:

Trong tuần lễ trước, kênh truyền hình CBS có đưa một bản tin làm chấn động thế giới và được nhiều người quan tâm. Đó là câu chuyện của một người đàn ông Hồi- Giáo ở Ai-cập giết vợ vì chị đọc Kinh Thánh. Rồi đem chôn cùng hai đứa con gái, một đưá lên tám và một đứa còn bú. Cả hai đều bị chôn sống. Sau đó anh ta đến báo với cảnh sát là một người chú đã giết chết hai đứa bé. Mười lăm ngày sau, một thành viên khác trong gia đình qua đời. Bản tin không nói rõ là ai. Khi đưa người chết đi chôn, người ta tìm thấy hai bé gái bị vùi dưới đất đá. Cả hai vẫn còn sống. Toàn đất nước Ai Cập đều căm phẫn sâu sắc về việc này. Kẻ sát nhân sẽ bị hành hình vào cuối tháng Bảy. Người ta hỏi bé gái tám tuổi làm cách nào để có thể sống sót được và em đã trả lời: “Một người đàn ông mặc áo trắng rực rỡ, cùng với các vết thương trên hai bàn tay hằng ngày đến nuôi sống chúng cháu. Người ấy đánh thức mẹ cháu dậy để mẹ cháu có thể cho em bú.” Cô bé đã được phỏng vấn bởi một phụ nữ Hồi Giáo mang mạng che mặt phụ trách kênh tin tức Đài Truyền Hình Ai Cập. Người này đã nói công khai trên truyền hình, “Đó chính là Đức Chúa Jêsus; bởi ngoài Ngài ra chẳng ai có thể làm được điều đó. Một số người Hồi-giáo cũng đã tin rằng Isa tức là Chúa Jêsus đã thực hiện việc đó. Các vết thương trên hai bàn tay là hình ảnh của Ngài đã từng bị đóng đinh; và rõ ràng là Ngài đang sống ở giữa chúng ta khắp mọi nơi.

Câu hỏi để suy gẫm hôm nay là tại sao Chúa Jê-sus thi thố phép lạ của Ngài cho một số người, và Ngài từ chối một số người khác? Tiếp theo là phần trình bày về tấm lòng của Chúa Jêsus đối với người bệnh tật, kẻ đói. Phần cuối cùng là câu hỏi chúng ta tiếp nhận Chúa Jêsus vì những động cơ nào?

I. Chúa Jê-sus đối với kẻ bệnh tật

Từ (câu 29-31) là hình ảnh “một đoàn dân đông đến với Ngài gồm những kẻ què, đui, câm, tàn tật, và nhiều kẻ bị các chứng bệnh khác nhau, những người này được để dưới chân Chúa Jêsus và được Ngài chữa lành cho. Vậy chúng thấy kẻ câm được nói, kẻ tàn tật được khỏi, kẻ què được đi, kẻ đui được sáng, thì lấy làm lạ lắm, đều ngợi khen Đức Chúa Trời của dân Y-sơ-ra-ên.” Đây không phải là lần đầu tiên Ngài chữa lành cho kẻ bệnh tật, kể từ khi Ngài thi hành chức vụ. Nhưng trước đó, Ngài đã chữa lành cho người bị bệnh phung (Ma-thi-ơ chương 8: 1-3), một đứa đầy tớ của thầy đội mắc bịnh bại nằm liệt; cũng được chữa lành qua tiếng phán của Ngài, “Đức Chúa Jê-sus bèn phán cùng thầy đội rằng: Hãy về, theo như ngươi tin thì sẽ được vậy. Và trong chính giờ ấy đứa đầy tớ được lành.” (Ma-thi-ơ 8: 5-13). Ngoài ra, Chúa Jê-sus cũng đã chữa lành cho người bị quỉ ám ở Ga-đa-ra, con gái Giai-ru, người đàn bà mất huyết, v.v…

Câu hỏi mà chúng ta đặt ra ở đây là tại sao những người này được chữa lành? Chắc chắn là câu trả lời: Bởi vì họ tin Đức Chúa Jêsus có thể làm được điều đó. Tuy nhiên Chúa Jê-sus lại từ chối không làm phép lạ cho những kẻ vốn hung ác, gian dâm, không tin Ngài, chỉ muốn thử Ngài, hoặc thách thức Ngài: “Dòng dõi hung ác gian dâm này xin một dấu lạ; nhưng sẽ chẳng có dấu lạ chi khác ngoài dấu lạ của đấng tiên tri Giô-na. Rồi Ngài bỏ họ mà đi.” (Ma-thi-ơ 16: 4)

Hình ảnh Ngài lìa khỏi họ mà đi, cho thấy Ngài gớm ghiếc những kẻ giả hình, những người không tin Ngài, luôn nghi ngờ về Ngài. Họ dạy luật, nhưng không làm theo luật! Họ là những người Pha-ri-si và Sa-đu-sê từ chối Chúa. Còn quý vị và chúng tôi hôm nay có tin Chúa Jê-sus là Con của Đức Chúa Trời, là Đấng Cứu Thế, Ngài có thể chữa lành bệnh tật của chúng ta không?

Nếu quý vị đã từng đọc quyển sách: “Thượng Đế Còn Làm Phép lạ của bà Karyn Culman thì có thể nhận ra hàng trăm, hàng nghìn người được chữa lành trong những buổi thờ phượng Chúa tại Pittsburg vào những năm 1972. Thật lạ lùng và kỳ diệu bởi quyền năng và ân điển của Ngài ban cho con dân Chúa, là những kẻ đặt trọn niềm tin nơi Ngài. Ngay cả hôm nay, bằng cớ của sự chữa lành thiên thượng và bao nhiêu dấu lỳ phép lạ, đã và đang xảy ra qua những lời chứng sống động của những tôi tớ Chúa và con dân của Ngài vẫn còn đó. Những bằng cớ này xác quyết Chúa Jê-sus hôm qua, hôm nay và mãi mãi không bao giờ thay đổi.

II. Chúa Jê-sus đối với kẻ đói

Từ câu 32- 34 cho chúng ta bức chân dung của Đấng Chăn Chiên nhân lành, và đầy lòng trắc ẩn đối với kẻ đói.

Ngài phán với môn đồ rằng, “Ta thương xót đoàn dân này; vì đã ba ngày ở cùng ta, bây giờ không có chi ăn hết. Ta không muốn để họ nhịn đói mà về, e phải mệt lủi dọc đường chăng.” Điều này cho thấy Chúa Jê-sus là Đấng quan tâm đến nhu cầu của người lân cận. Ngài rất ư thực tế. Ngài không phải yêu thương trên môi miếng nhưng bởi hành động thiết thực. Ngài còn lo lắng cho đoàn dân trên đường về sẽ bị mệt lủi vì đói. Chính vì vậy Ngài đã hỏi các môn đồ rằng, “Các ngươi có mấy cái bánh?” Chúa Jê-sus đã biết mình phải làm gì; nhưng các môn đồ vẫn còn suy nghĩ theo cái nhìn xác thịt của con người bình thường. Họ cho rằng ở nơi đồng vắng thì làm sao kiếm đủ bánh cho đoàn dân ăn no? Điều này chứng tỏ các môn đồ rất mau quên những ơn phước và quyền năng mà Chúa đã thi thố trước đó. Ngài đã từng hoá bánh và cho năm ngàn người được ăn no nê không kể đàn bà con nít, mà thức ăn còn thừa thâu được mười hai giỏ (Ma-thi-ơ 14: 15-20). Đến đây, các việc làm của Chúa Jê-sus dường như Ngài muốn hé mở cánh cửa cho các môn đồ biết rằng, Ngài là ai, từ đâu đến? Tôi không rõ các môn đồ của Ngài lúc bây giờ đã thực sự tin Chúa Jê-sus là Đấng đến từ Đức Chúa Trời chưa? Rõ ràng họ không thể phủ nhận Ngài là Đấng có quyền năng chữa lành bệnh tật, là Đấng làm nên những dấu kỳ phép lạ, mà không ai có thể làm được. Cho đến khi Chúa Jê-sus đi bộ trên mặt biển mà đến cùng môn đồ, thì họ bối rối cho rằng: Ấy là một con ma; rồi sợ hãi mà la lên. Phi-e-rơ thấy vậy, bèn thưa rằng: Lạy Chúa, nếu phải Chúa, xin khiến tôi đi trên mặt nước mà đến cùng Chúa…Song khi thấy gió thổi, thì Phi-e-rơ sợ hãi, hòng sụp xuống nước, bèn la lên rằng: Chúa ôi, xin cứu lấy tôi. Đức Chúa Jê-sus nắm lấy tay người, mà nói rằng: Hỡi người ít đức tin, sao ngươi hồ nghi làm vậy? Ngài và Phi-e-rơ lên thuyền rồi, thì gió yên lặng. Các người trong thuyền bèn đến quì lạy Ngài mà nói rằng: Thầy thật là Con Đức Chúa Trời! (Ma-thi-ơ 14: 24-33)

Thưa quý ông bà anh chị em! Hãy mời Chúa Jê-sus bước lên con thuyền của cuộc đời mình mà vượt qua những sóng gió, bão táp bủa vây. Ngài sẽ bảo vệ che chở cho chúng ta. Hãy thôi nhờ cậy con loài người, hãy tránh xa những cám dỗ trông cậy vào quyền thế, tiền bạc của người thế gian; bởi vì tất cả những thứ đó chỉ là tạm bợ, vô thường, nay còn, mai mất. Đó chỉ là miếng mồi của ma quỉ, là cạm bẫy dẫn chúng ta đến chỗ hư vong. Bài học về hậu quả của người phản Chúa, Giu-đa Ích- Ca-Ri-Ốt nhắc nhở chúng ta phải thức tỉnh mà canh giữ lòng mình. Thực phẩm, thuốc men, chỉ có thể giúp chúng ta tồn tại những ngày tháng ngắn ngủi trên đất. Mọi sự rồi sẽ chấm dứt ở một ngày. Nhưng, chỉ có sự tin cậy và trông đợi vào Chúa Jê-sus mới có thể đem lại cho chúng ta sự sống đời đời.

“Vì Đức Chúa Trời đã yêu thương thế gian, đến nỗi đã ban Con một của Ngài, hầu cho hễ ai tin Con ấy không bị hư mất mà được sự sống đời đời.” (Giăng 3: 16)

III. Chúng ta tin Chúa Jê-sus vì những lý do nào?

Có lẽ Chúa kêu gọi mỗi người tuỳ theo ý muốn cũng như sự lựa chọn của Ngài; chúng ta không thể nào biết được! Trong 12 môn đệ của Ngài không ai giống ai, và động cơ khiến họ chạy đến với Ngài hầu hết là nghe theo tiếng Chúa gọi trong những hoàn cảnh khác nhau. Chúa Jê-sus khi còn ở trần gian, Ngài sống cách khiêm nhường giữa đời thường, Ngài không có gì đặc biệt để quyến rũ người ta chạy đến với Ngài vì áo cơm hay tiền bạc. Cũng có người chạy theo Ngài vì hiếu kỳ về những phép lạ, hoặc tìm cớ để bắt bẻ Ngài. Còn những môn đệ theo Ngài vì họ nghe tiếng Chúa gọi, nên bỏ hết mọi sự mà theo Ngài. Có người bỏ lưới đánh cá như Phi-e-rơ và em là Anh-rê. Còn Gia-cơ với em là Giăng bỏ thuyền và cha mình mà theo Ngài.

Còn mỗi chúng ta theo Chúa không ai dám nói buổi đầu mình đến với Ngài, với những lý do hoàn toàn cao cả hay trong sáng. Rất có thể chúng ta chạy đến với Ngài vì cuộc đời quá ư khổ đau hay vì cớ những tuyệt vọng. Chúng ta đến với Ngài như một cái phao cứu sống với những hy vọng được giải thoát những khổ đau, đôi khi là muốn được đáp ứng những nhu cầu cấp thời. Chúa Jê-sus rất thực tế. Ngài không những đem đến cho chúng ta sự sống đời đời; mà Ngài là Đấng đáp ứng những nhu cầu. Trước đoàn dân đông không có gì ăn Ngài động lòng thương xót và đã hoá bánh để họ được ăn no. Trong những ngày thi hành chức vụ, Ngài sẵn sàng đáp ứng nhu cầu chữa lành cho những người bệnh tật nhờ cậy đến Ngài. Gia-cơ đã cho chúng ta bài học tình yêu thương phải đi đôi với hành động, lời nói phải kèm theo việc làm:

"Ví thử có anh em hoặc chị em nào không có quần áo mặc, thiếu của ăn uống hằng ngày, mà một kẻ trong anh em nói với họ rằng: Hãy đi cho bình an, hãy sưởi cho ấm và ăn cho no, nhưng không cho họ đồ cần dung về phần xác, thì có ích gì chăng?" (Gia-cơ 2: 15-16). Tuy nhiên, càng lớn lên trong Chúa, càng trưởng thành trong đức tin thì chúng ta nhận thấy rằng: Động cơ quan trọng nhất mà chúng ta tin theo Chúa là mong mỏi nhận được sự tha thứ tội lỗi, bình an trong tâm hồn, thỏa lòng với những gì Chúa ban cho. Điều tối ưu quan trọng là có được sự sống đời đời. Kinh Thánh Ma-thi-ơ (6: 31-33) có chép lời phán dạy của Chúa Jê-sus như sau: “Ấy vậy, các ngươi chớ lo lắng mà nói rằng: Chúng ta sẽ ăn gì? Uống gì? Mặc gì? Vì mọi điều đó, các dân ngoại vẫn thường tìm, và Cha các ngươi ở trên trời vốn biết các ngươi cần dung những điều đó rồi. Nhưng trước hết hãy tìm kiếm nước Đức Chúa Trời và sự công bình của Ngài, thì Ngài sẽ cho thêm các ngươi mọi điều ấy nữa.”

Kết luận

Qua câu chuyện Chúa Jêsus chữa lành cho người bệnh tật và hóa bánh cho người nghèo, chúng ta nhận thấy tấm lòng nhân từ đầy dẫy sự thương xót của một Đấng quyền năng. Nhưng Đấng ấy chỉ bày tỏ phép lạ và quyền năng của Ngài đối với kẻ tin Ngài thành thật và hết lòng. Còn kẻ lưỡng lự, kẻ nghi ngờ, kẻ gian ác Ngài từ chối. Câu gốc của bài học hôm nay đã nói lên điều đó.

Ông Paul Louis Courier, văn hào Pháp kể về một câu chuyện có một người kia đi chơi cùng người em họ, lạc vào một khu rừng rậm và xin ngủ nhờ tại một căn nhà lụp xụp của những người làm nghề đốt than. Thấy trên tường treo nhiều vũ khí như gươm giáo, sung ống, anh ta nghi ngờ những người này thuộc hạng người bất lương. Vì nghi ngờ nên anh ta không dám ngủ. Đến gần sáng, anh ta nghe tiếng xì xào bàn với nhau ở nhà dưới rằng:

- Có nên giết cả hai không?

- Giết hết cả hai! Tiếng người đàn bà trả lời

Anh ta hốt hoảng lạnh cả người, phập phồng lo sợ. Nhưng chờ đến sáng thì anh ta quá đỗi ngạc nhiên và vui mừng khi thấy người chủ nhà bưng lên hai con gà quay đãi khách. Lúc đó anh ta mới vỡ lẽ.

Thưa qúy ông bà anh chị em!

Bài học hôm nay nhắc nhở mỗi chúng ta chớ nên nghi ngờ sự dữ; mà cầu xin Chúa ban cho sự thông sáng để nhận ra đâu là chính, đâu là tà. Tiếp đến là hãy học theo gương Chúa Jê-sus biết yêu thương và cung cấp nhu cầu cho kẻ đói, giúp đỡ những người khốn khó bệnh tật trong khả năng mình có. Và cuối cùng là chớ nên “tập tành sự dữ,” để nhận được ơn phước của Chúa ban cho như những câu Kinh Thánh trong Thi Thiên (37:1-4):

Chớ phiền lòng vì cớ kẻ làm dữ,
Cũng đừng ghen tị kẻ tập tành sự gian ác
Vì chẳng bao lâu chúng nó sẽ bị phát như cỏ
Và phải héo như cỏ xanh tươi
Hãy tin cậy Đức Giê-hô-va và làm điều lành
Khá ở trong xứ và nuôi mình bằng sự thành tín của Ngài
Cũng hãy khoái lạc nơi Đức Giê-hô-va
Thì Ngài sẽ ban cho ngươi điều lòng mình ao ước.

Pastor The Van Le