Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 31

Vườn Ghết-sê-ma-nê

• Kinh Thánh : Ma-thi-ơ 26: 36- 56

• Câu gốc: “Hãy thức canh và cầu nguyện, kẻo các ngươi sa vào chước cám dỗ; tâm thần thì muốn lắm, mà xác thịt thì yếu đuối.” (Câu 41)

Giới thiệu:

Tâm lý chung của con người, khi biết trước cái chết ai mà không sợ hãi; cho dù chết cho một lý tưởng cao cả nào đó. Ở đây, trong vườn Ghết-sê-ma-nê, Chúa Jê-sus, Con Đức Chúa Trời đã sẵn sàng đón nhận cái chết vô cùng tàn bạo; chỉ vì Ngài muốn chương trình cứu rỗi của Đức Chúa Trời được hoàn tất. Trong cuộc chiến của linh hồn này, những lời cầu nguyện của Chúa Jê-sus thống thiết với Cha của mình, xin Ngài cất khỏi chén đắng. Lu-ca ký thuật rằng: “Có một thiên sứ từ trên trời hiện xuống cùng Ngài, mà thêm sức cho Ngài. Trong cơn rất đau thương, Ngài cầu nguyện càng thiết, mồ hôi trở nên như giọt máu lớn rơi xuống đất.” Nhưng Ngài xin ý Cha được nên chứ không phải ý Con. Kế đó, Ngài trở lại cùng với các môn đồ, thấy họ đương ngủ mê vì buồn rầu. Ngài phán rằng: Sao các ngươi ngủ? Hãy đứng dậy cầu nguyện, để cho khỏi sa vào sự cám dỗ. (Lu-ca 22: 43,44, 45 &46).

Thưa qúy ông bà anh chị em, đây là khúc Kinh thánh mà chúng ta suy gẫm với thái độ hết sức cung kính và tấm lòng tan vỡ; thì mới có thể thấu hiểu được những chân lý mầu nhiệm và sâu xa của nó.

I. Chúa Jê-sus cầu nguyện (Câu 36-46)

Vườn Ghết-sê-ma-nê ở bên kia khe Xết-rôn dưới chân núi Ô-li-ve; cách xa tường thành Giê-ru-sa-lem độ một cây số. (Giăng 18:1; Mathiơ 26: 36). Vườn đó có danh tiếng không phải là nơi vui chơi; nhưng tại đó trước khi chịu chết trên thập tự giá, Chúa Jê-sus đã cầu nguyện ở đó ba lần (Mathiơ 26: 35-56; Mác 14: 32-52). Tại đây, Chúa dẫn ba môn đệ của Ngài vào vườn. Chúa Jê-sus đã chiến đấu trong sự cầu nguyện. Chính sự cầu nguyện mà Ngài được thêm sức lực; để có thể đương đầu với cái chết rùng rợn sắp sửa xảy ra. Không ai muốn chết ở cái tuổi ba mươi ba; và chết vô cùng đau đớn trên thập hình. Ngài đã chiến đấu can trường để phó thác ý chí của mình cho ý chỉ của Đức Chúa Trời. Phải nói rằng đây là cuộc chiến đầy cam go giữa cái nhức nhối, đau đớn của thể xác và ý muốn của Đức Chúa Trời. Sự cứu rỗi sắp sửa được trọn mà khởi đầu của nó chính là sức chịu đựng của chính Con Đức Chúa Trời, sẵn sàng hy sinh tính mạng, sẵn sàng uống chén đắng cay, sỉ nhục, sẵn sàng chịu phó thân mình cho kẻ có tội hành hạ, nhạo báng, đánh đập trong khi Ngài là Đấng vô tội! Hôm nay, chúng ta học được điều gì ở đây? Phải chăng, “trò không thầy, tớ không hơn chủ?” Vì nước Đức Chúa Trời, chúng ta là những tôi trai, tớ gái của Ngài cũng sẽ bị thế gian ganh ghét, sỉ vả, vu khống, kiện cáo, đặt đủ thứ điều ác để làm cho chúng ta mệt mỏi, ngã lòng và bỏ cuộc. Kinh Thánh Giăng (15: 18-23) chép: “Ví bằng người đời ghét các ngươi, thì hãy biết rằng họ đã ghét ta trước các ngươi: Đầy tớ chẳng lớn hơn chủ mình. Nếu họ đã bắt bớ ta, ắt cũng bắt bớ các ngươi. Nhưng vì danh ta họ sẽ lấy mọi điều đó đãi các ngươi, bởi họ không biết Đấng đã sai ta đến. Nếu ta không đến và không phán dạy họ, thì họ chẳng có tội lỗi gì; song bây giờ họ không thể chữa chối được tội lỗi mình. Kẻ nào ghét ta cũng ghét Cha ta nữa.”

Kế đến, chúng ta thấy rằng trong những giờ phút căng thẳng đầy hiểm nguy, thì Chúa Jê-sus rất cô đơn giữa con người; cho dù bên cạnh mình có nhiều môn đồ; nhưng họ đã ngủ mê! Ngài đã phán cùng Phi-e-rơ rằng: “Thế thì các ngươi không tỉnh thức với ta trong một giờ được sao! Hãy thức canh mà cầu nguyện, kẻo các ngươi sa vào chước cám dỗ…” Sau khi ba lần đi cầu nguyện, Ngài trở lại vẫn thấy các môn đồ say ngủ. Ngài lặp lại như như lời trước: “ Bây giờ các ngươi ngủ và nghỉ ngơi ư! Nầy, giờ gần tới, Con người sẽ bị nộp trong tay kẻ có tội. Hãy chờ dậy, đi hè, kìa kẻ phản ta đến kia.”

Thưa quý ông bà anh chị em, Chúa Jê-sus chết vì tội lỗi của loài người chất trên vai Ngài, mà trong đó có các môn đồ của Ngài nữa. Thế mà, trong những giờ phút cuối cùng này, Ngài thật sự cô đơn! Chúa Jê-sus không trách móc, nhưng chỉ khuyên lơn các môn đồ “Hãy thức canh mà cầu nguyện!” Có lẽ hôm nay lời khuyên đó cũng là lời nhắc nhở cho quý ông bà anh chị em và chính mình tôi, trước những thời khắc khởi đầu của kỳ tận thế.

II. Cái hôn của kẻ phản bội (Câu 47- 50)

Nụ hôn là biểu lộ của tình yêu thương, hay cảm mến một người nào đó giữa những người yêu nhau như: tình nhân, vợ chồng, cha mẹ với con cái. Đối với văn hóa Á- Đông, thì không phải gặp ai cũng ôm hôn như người Âu- Mỹ. Ngay cả cái “hug”cũng rất dè dặt; bởi vì nét văn hóa Đông- phương vốn kín đáo, sâu lắng và lễ độ. Có những cái ôm hôn xuất phát bởi sự yêu thương tận đáy lòng, không thể diễn tả bằng lời. Đó là những nụ hôn cả đời người khó có thể quên được; bởi vì nó đem lại sự ngọt ngào, ấm áp, sức mạnh của tình yêu. Trong Chúa, Phao lô có dạy chúng ta “hãy lấy cái hôn thánh mà chào nhau.”

Ở đây, trong câu chuyện diễn ra trong vườn Ghết-sê-ma-nê, có một nụ hôn đáng gớm ghiếc; vì đó là nụ hôn lừa dối của kẻ phản bội.

“Đứa phản Ngài đã trao cho bọn đó dấu này: Người nào mà tôi sẽ hôn, ấy là người ấy, hãy bắt lấy. Tức thì Giu-đa đến gần Chúa Jê-sus, mà rằng: Chào thầy! Rồi hôn Ngài.” (Ma-thi-ơ 26: 49)

Thưa qúy ông bà anh chị em, có lẽ không còn nỗi đau xót nào hơn khi những người thân yêu của mình phản bội! Tất cả những gì vốn yêu thương trìu mến, trong phút chốc trở nên căm ghét và hận thù. Giu-đa là môn đồ của Chúa Jê-sus, là người học trò bất nghĩa! Hắn ta đã bán Chúa của mình với giá ba mươi miếng bạc. Chúa Jê-sus đã biết trước điều đó, Ngài đã phán trong bữa ăn sau cùng của lễ Vượt- qua: “Quả thật, ta nói cùng các ngươi rằng: Có một người trong các ngươi sẽ phản ta… Giu-đa là kẻ phản Ngài cất tiếng hỏi rằng: Thưa thầy, có phải tôi chăng? Ngài phán rằng: Thật như người đã nói” (Ma-thi-ơ 26: 20, 24, 25). Biết vậy, nhưng Chúa Jê-sus không giận, không ghét Giu-đa; Ngài chỉ hối tiếc: “khốn nạn thay cho kẻ phản Con người! Thà nó chẳng sanh ra thì hơn!” Bài học cho chúng ta ở đây là hậu quả sau cùng của kẻ phản bội: “Giu-đa là kẻ phản Ngài, thấy Ngài bị án, thì ăn năn, bèn đem ba chục miếng bạc trả cho các thầy tế lễ cả và các trưởng lão, mà nói rằng: Tôi đã phạm tội vì nộp huyết vô tội! Song họ đáp rằng: Sự đó can gì đến chúng ta? Mặc kệ ngươi! Giu-đa bèn ném bạc vào đền thờ, liền trở ra đi thắt cổ.” (Ma-thi-ơ 27: 3-5)

Quý ông bà anh chị em ơi! Chúng ta hãy thức canh mà cầu nguyện. Đừng để cho tấm lòng nguội lạnh, chớ tư tưởng về những ham muốn của thế gian. Trên hết, “ xin đừng đóng đinh Chúa Jê-sus” thêm một lần nữa! Hãy nghe lời khuyên dạy của Phao-lô gửi cho người Phi-líp:

“Vì tôi thường nói điều này cho anh em, nay tôi lại khóc mà nói nữa: lắm người có cách ăn ở như là kẻ thù nghịch thập tự giá của Đấng Christ. Sự cuối cùng của họ là hư mất; họ lấy bụng mình làm chúa mình, và lấy sự xấu hổ của mình làm vinh hiển, chỉ tư tưởng về những việc của thế gian mà thôi. Nhưng chúng ta là công dân trên trời; ấy là từ nơi đó mà chúng ta trông đợi Cứu Chúa mình là Đức Chúa Jê-sus Christ.” (Phi-lip 3: 18- 20)

III. Kẻ cầm gươm sẽ bị chết vì gươm (Từ câu 51- 56)

“Và này, có một người trong những người ở với Đức Chúa Jê-sus giơ tay rút gươm ra, đánh đầy tớ của thầy cả thượng-phẩm, chém đứt một cái tai của người.” Trong Ma-thi-ơ, Mác và Lu-ca không nói rõ ai là người cầm gươm chém; nhưng sách Giăng thì xác định rõ ràng: “Bấy giờ, Si-môn Phi-e-rơ có một thanh gươm, bèn rút ra, đánh đầy tớ của thầy cả thượng phẩm, chém đứt tai bên hữu. Đầy tớ đó tên là Man-chu.” (Giăng 18: 10). Chúa Jê-sus bảo Phi-e-rơ nạp gươm vào vỏ, vì Ngài đã sẵn sàng uống chén mà Cha đã ban cho Ngài. (Giăng 18: 11). Tuy nhiên, Ma-thi-ơ chép một câu mang ý nghĩa sâu xa về lẽ đạo và đường lối của Chúa Jê-sus.

“…vì hễ ai cầm gươm thì sẽ bị chết vì gươm.” Điều này có nghĩa gì, nếu như không phải Ngài muốn dạy cho các môn đồ của Ngài về đường lối chiến cự của Chúa để thắng thế gian không phải bằng bạo lực, nhưng bởi tình yêu thương: “Các ngươi có nghe lời phán rằng: Mắt đền mắt, răng đền răng. Song ta bảo các ngươi, đừng chống cự kẻ dữ. Trái lại nếu ai vả má bên hữu ngươi, hãy đưa má bên kia cho họ luôn. Nếu ai muốn kiện ngươi đặng lột cái áo vắn, hãy để cho họ lấy luôn cái aó dài nữa. Nếu ai muốn bắt ngươi đi một dặm đường, hãy đi hai dặm với họ. Ai xin của nguơi, hãy cho, ai muốn mượn của ngươi thì đừng trớ. Các ngươi có nghe phán rằng: hãy yêu người lân cận, và hãy ghét kẻ thù nghịch mình. Song ta nói cùng các ngươi rằng: Hãy yêu kẻ thù nghịch và cầu nguyện cho kẻ bắt bớ các ngươi, hầu cho các ngươi được làm con của Cha các ngươi ở trên trời; bởi vì Ngài khiến mặt trời mọc lên soi kẻ dữ cùng kẻ lành, làm mưa cho kẻ công bình cùng kẻ độc ác. Nếu các ngươi yêu những kẻ yêu mình, thì có được thưởng gì đâu? Những kẻ thâu thuế há chẳng làm như vậy sao? Người ngoại há chẳng làm như vậy sao? Lại nếu các ngươi tiếp đãi anh em mình mà thôi, thì có lạ gì hơn ai? Thế thì các ngươi hãy nên trọn vẹn, như Cha các ngươi ở trên trời là trọn vẹn.” (Ma-thi-ơ 5:38-48)

Tại đây, chúng ta học được bài học về lòng nhân từ, tha thứ của Chúa đối với kẻ thù nghịch. Cho dù đó là kẻ ám hại Chúa, nhưng Ngài vẫn cứ yêu thương. Bài học tiếp theo, là chúng ta không nên xét đoán, tấn công anh chị em mình.

“Các ngươi có nghe lời phán cho người xưa rằng: Ngươi chớ giết ai, và rằng: Hễ ai giết người thì đáng bị tòa án xử đoán. Song ta phán cho các ngươi: Hễ ai giận anh em mình thì đáng bị tòa án xử đoán; ai mắng anh em mình rằng: Ra-ca, thì đáng bị tòa công luận xử án, ai mắng anh em mình là đồ điên, thì đáng bị lửa điạ ngục hành phạt.” (Ma-thi-ơ 5: 21- 22)

Kết luận:

Qua hình ảnh Chúa Jê-sus chiến đấu bằng sự cầu nguyện trong vườn Ghết-sê-ma-nê, cho chúng ta nhận biết được tình yêu của Ngài đối với mỗi chúng ta vô bờ bến! Vì tội lỗi của loài người mà Ngài đành uống chén đắng, mang lấy thập hình, chịu điều sỉ nhục. Nhưng trong mọi sự Ngài đều vâng phục theo ý muốn của Đức Chúa Trời cho đến chết. Hôm nay đây, câu hỏi cho quý vị, các bạn và tôi rằng: Chúng ta có sẵn sàng uống chén đắng, để cho ý định của Đức Chúa Trời được hoàn thành trên đời sống của chúng ta không? Chúng ta đang làm gì đó, có thức canh mà cầu nguyện không? Chúng ta có sẵn sàng tha thứ cho kẻ bắt bớ, sỉ nhục, vu khống chúng ta chăng? Tôi muốn dùng những câu Kinh Thánh sau đây để kết thúc bài học hôm nay, được chép trong I Phi-e-rơ (3: 8-12):

“Rút lại, hết thảy anh em phải đồng lòng đầy thương xót và tình yêu anh em, có lòng nhân từ và đức khiêm nhường. Đừng lấy ác trả ác, cũng đừng lấy rủa sả trả rủa sả; trái lại, phải chúc phước, ấy vì điều đó mà anh em được gọi để hưởng phước lành. Vả,
Ai muốn sự sống
Và thấy ngày tốt lành
Thì phải giữ gìn miệng lưỡi,
Đừng nói điều ác và lời gian giảo;
Phải lánh điều dữ, làm điều lành,
Tìm sự hòa bình mà đuổi theo,
Vì mắt của Chúa đoái trông người công bình,
Tai người lắng nghe lời cầu nguyện người,
Nhưng mắt Chúa sấp lại nghịch với kẻ làm ác.

Virginia 4/10/2014

Pastor The Van Le