Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 33

Dạy Con Từ Thuở Còn Thơ

Kinh Thánh: I. Timôthê 1: 3-5

Câu gốc: Về phần con, hãy đứng vững trong những sự con đã đem lòng tin chắc mà học và nhận lấy, vì đã biết con đã học những điều đó với ai, vì từ khi con còn thơ ấu đã biết Kinh Thánh vốn có thể khiến con khôn ngoan để được cứu bởi đức tin trong Đức Chúa Jê-sus Christ. (II.Timôthê 3: 14, 15)

Kính thưa Quý tôi tớ Chúa, quý ông bà anh chị em và quí vị thân hữu!

Trước hết, tôi xin dâng lên Ba Ngôi Đức Chúa Trời lòng biết ơn; vì cớ Ngài đã cho phép có thêm một dịp tiện nữa để thờ phượng và chúc tụng danh của Ngài. Cảm ơn Chúa về sự thành tín mà Ngài đã ban cho chúng tôi trong những ngày qua; dù gặp rất nhiều thử thách, gian truân; nhưng Chúa luôn bước đi bên cạnh, hướng dẫn và giúp đỡ mọi sự. Đây là một đặc ân lớn lao bởi sự thương xót của Chúa, không thể dùng ngôn ngữ để bày tỏ hết tấm lòng tôn kính và biết ơn của chúng tôi đối với Ngài. Xin thay cho Hội Thánh, kính gửi đến quý tôi tớ Chúa, quý ông bà anh chị em, quý vị thân hữu lời chào kính mến trong tình yêu của Chúa Jesus. Chân thành cảm ơn quý vị và các bạn đã dành thời gian quý báu để đến với Hội Thánh chúng tôi; thờ phượng Đức Chúa Trời nhân dịp ngày Mother’s Day mà tiếng Việt dịch là Ngày Hiền Mẫu hay Từ Mẫu. Cũng có thể hiểu là ngày tri ân mẹ. Cầu xin Ba Ngôi Đức Chúa Trời tuôn đổ ơn phước dư dật của Ngài trên hết thảy quý ông bà anh chị em và gia đình; trong sự thương xót và ân điển lạ lùng của Ngài! Để Chúa ban phước cho buổi thờ phượng, kính mời quý ông bà anh chị em cùng đứng lên để dâng lời cầu nguyện...

Thưa quý ông bà anh chị em yêu dấu! lịch sử của ngày Hiền Mẫu có lẽ chúng ta đã nghe quá nhiều lần, thiết nghĩ không cần phải nhắc lại nữa. Công ơn của mẹ bao la như biển trời, ai cũng biết điều đó. Vì vậy, hôm nay chúng tôi chỉ đề cập đến ảnh hưởng của người mẹ đối với con cái. Vai trò dạy dỗ của người mẹ đối với con cái vô cùng quan trọng. Nương trên Kinh Thánh sách I Timôthê 1: 3-5, tôi xin giải bày ba phần sau đây:

I.Trách Nhiệm Người Mẹ Đối Với Con Cái

Có một người mẹ thương con, nhưng dạy con không đúng cách đó là mẹ của Gia-cốp. Trong Sáng Thế Ký chương 27 có chép câu chuyện về một người mẹ có tên là Rê-bê-ca; vì thương con trai Gia-cốp hơn là Ê-sau, một đôi trẻ song sinh. Chồng bà là Y-sác thương đứa đẻ ra trước là Ê-sau, bởi vì Y-sác thích ăn thịt rừng; mà Ê-sau là một tay săn bắn giỏi. Còn Gia-cốp lại hiền lành thường ở trong trại, bà Rê-bê-ca thương Gia-cốp nhiều hơn. Nên bà đã dạy cho Gia-cốp lập mưu kế để lừa đảo Ê-sau, người anh của mình.

“Rê-bê-ca nói cùng Gia-cốp con trai của mình rằng: Này, mẹ có nghe cha nói cùng Ê-sau rằng: Hãy đem thịt rừng về cho cha, dọn một món ngon cha ăn; đặng trước khi qua đời, cha sẽ chúc phước cho con trước mặt Đức Giê-hô-va. Vậy con ơi! bây giờ hãy nghe mẹ và làm theo lời mẹ bảo: Hãy ra ngoài bầy bắt hai con dê tốt, rồi mẹ sẽ dọn cho cha con một món ngon, tùy theo người sở thích; con sẽ đem cho cha ăn, đặng người chúc phước cho con trước khi qua đời. Gia-cốp thưa lại cùng mẹ rằng: Thưa mẹ, Ê-sau, anh con có lông, còn con lại không. Có lẽ cha sẽ rờ mình chăng, coi con như kẻ phỉnh gạt, thì con chắc lấy cho mình sự rủa sả, chớ chẳng phải sự chúc phước đâu. Mẹ đáp rằng: Con ơi! xin sự rủa sả đó để cho mẹ chịu, hãy cứ nghe lời mẹ , ra bắt hai dê con. Vậy Gia-cốp đi bắt hai dê con, đem lại cho mẹ, làm món ngon làm theo tuỳ theo cha sở thích. Đoạn Rê-bê-ca lấy quần áo của tốt nhật của Ê-sau, con trưởng nam, sẵn để trong nhà, mà mặc cho Gia-cốp, con út mình, rồi người lấy da dê con bao hai tay và cổ Gia-cốp không có lông. Rê-bê-ca bèn để món ngon và bánh của mình đã dọn vào tay con út mình.” Gia-cốp nghe theo lời mẹ, cho nên Y-sác vì mắt đã bị làng, không còn nhìn thấy được. Cho nên đã bị vợ là Rê-bê-ca và con út là Gia-cốp lừa gạt. Ông tưởng Gia-cốp là Ê-sau con trưởng nam của mình, nên đã dùng món thịt dê con của Gia-cốp mà ngỡ tưởng rằng đó là thịt săn của con trưởng nam là Ê-sau. Cuối cùng ông đã chúc phước cho Gia-cốp thay vì Ê-sau.

Hậu quả của sự lừa gạt ấy là Gia-cốp bị cậu của mình là La-ban lừa gạt trở lại, khi Gia -cốp được hứa gả người con gái thứ nhì là Ra-chên, lại bị tráo trong đêm tân hôn là đứa con gái đầu có tên là Lê-a chứ không phải người mà Gia-cốp yêu thương muốn lấy làm vợ. Mắt Lê-a yếu, còn Ra-chên dung nhan đẹp đẽ. Vì vậy, Gia-cốp đã đem lòng yêu thương Ra-chên từ buổi đầu gặp nàng bên giếng nước khi Ra-chên dắt bầy chiên của cha mình đến để uống nước. Sau khi biết mình bị cậu tráo trở, Gia-cốp bèn thưa rằng với La-ban rằng: “ Cậu đã đãi tôi cách chi vậy? Có phải vì Ra-chên mà tôi mới giúp việc cho nhà cậu chăng? Sao cậu lừa gạt tôi? La-ban đáp rằng: Phong tục ở đây chẳng phải được gả em út trước, rồi chị cả sau. Hãy ở với đứa này trọn một tuần đi, rồi ta sẽ gả luôn đứa kia cho, về đứa kia cháu phải giúp công cho cậu thêm bảy năm nữa.” (Sáng 29: 15-29)

Qua câu chuyện này, mỗi người cha người mẹ nên dạy dỗ con mình ngay thẳng , thật thà để tránh khỏi những “quả báo”; vì Kinh thánh dạy rằng, “gieo giống chi thì gặt giống nấy.” Người trẻ tuổi phải hưởng các năm tươi tốt của mình, trước khi già và chết, nhưng chớ quên Đức Chúa Trời. “Hỡi kẻ trẻ kia, hãy vui mừng trong buổi thiếu niên, khá đem lòng hớn hở trong khi còn thơ ấu, hãy đi theo đường lối mình mong muốn, và nhìn xem sự mắt mình ưa thích, nhưng phải biết rằng vì mọi việc ấy, Đức Chúa Trời sẽ đòi ngươi đến mà đoán xét.” (Truyền đạo 11: 9)

II. Dạy Con Cái Nếp Sống Tin Kính Chúa

Văn hóa Việt Nam ảnh hưởng của phong kiến lâu đời, trải qua nhiều thế hệ; người chồng thường gánh vác công việc bên ngoài để mưu sinh. Người vợ thường ở nhà lo chăm sóc công việc gia đình, mà trong đó việc gần gũi,dạy dỗ con cái một trong những công việc trọng yếu. Chính vì vậy mà tục ngữ Việt có câu: “Con hư tại mẹ, cháu hư tại bà.” Ngày nay, sống trong thời đại tân tiến, người phụ nữ không còn bị giới hạn trong bếp núc, gia đình mà cùng người chồng chia sẻ mọi việc để sinh sống. Tuy vậy, không vì cớ đó, mà ảnh hưởng của người mẹ không có trên con cái. Ngược lại, trong mỗi con người chúng ta được sinh ra, lớn lên trong vòng tay chăm sóc của mẹ. Từ bầu sữa, đến chiếc nôi, lúc đau ốm, cho đến khi trưởng thành cũng luôn được sự che chở, yêu thương, dìu dắt của người mẹ. Văn chương, hội hoạ, âm nhạc đã sáng tác bao nhiêu tác phẩm về người mẹ, vẫn không hề khô cạn suối nguồn của cảm hứng. Có thể nói rằng, trong mỗi một con người được sinh ra đều có hình ảnh hay dáng nét của một người mẹ.

Chính vì ảnh hưởng quan trọng đó, mà người mẹ trong Chúa của chúng ta cần phải hết sức chú ý trong sự dạy dỗ uốn nắn con cái của mình ngay trong tuổi còn ấu thơ, để chúng lớn lên trong sự tin kính Đức Chúa Trời; sống gương mẫu và làm sáng danh Ngài. Dạy dỗ như thế nào để trong mỗi đứa bé khi lớn lên, đều có những dáng nét của tâm tính giống như Chúa Jê-sus trong sự công bình, yêu thương, nhân từ và thánh sạch. Nhìn lại những chặng đời đã qua trong cuộc sống mình, có lẽ mỗi chúng ta đều thấy sự ảnh hưởng không ít từ người mẹ của mình. Chúng ta có cớ lớn ngợi khen Chúa về điều này.

Là người mẹ, chúng ta cần hiểu rõ lời Kinh Thánh dạy: “Con cái là cơ nghiệp Đức Chúa Trời ban cho” để chúng ta nuôi dạy hầu cho con cái có đời sống tin kính Chúa hết lòng, vâng phục Ngài trọn vẹn; không những nhận được sự cứu rỗi chắc chắn từ nơi Chúa mà còn đem lại ảnh hưởng tốt cho nhiều người trong cộng đồng xã hội.

Lời Chúa dạy rằng người mẹ được giao phó cho một trách nhiệm quan trọng, đó là nuôi nấng, hướng dẫn, yêu thương, chăm sóc, sửa phạt và dạy dỗ cho con cái nên người. Cần chú ý phải dạy dỗ từ thuở ấu thơ, không để “măng thành tre” thì khó mà uốn nắn được. Tính cách của một đứa bé thường biểu lộ ngay trong lúc tuổi còn nhỏ, người mẹ khôn ngoan sẽ theo dõi uốn nắn con mình đi trong đường tin kính Chúa; dạy và làm gương trong nếp sống đạo tinh sạch, và mối tương giao với Chúa trong sự cầu nguyện. Có nhiều bà mẹ vì tất bật với cuộc sống, phó mặc con cái cho nhà trường; và nếu như không được quan tâm đủ trong Hội Thánh; rất dễ khiến con cái mình trở nên xa cách Chúa lúc nào mà mình không hay biết! Sở dĩ Ti-mô-thê có được nếp sống đạo đẹp lòng Chúa, đã trở thành người chăn bầy có tiếng tốt; chính là do sự dạy dỗ của mẹ và bà ngoại ngay từ khi còn nhỏ. ( 2Ti-mô-thê 1: 5) Lời Chúa dạy: “Trong buổi còn thơ ấu, hãy tưởng nhớ Đấng Tạo Hóa ngươi” (Truyền đạo 12: 1).

Nếu chúng ta không dạy con cái biết Chúa từ khi còn nhỏ, lớn lên con em của chúng ta khó có được một đức tin vững vàng. Nếu chúng ta dạy cho chúng những điều tốt đẹp, mà chúng ta sống không đúng với điều mình dạy, thì phản tác dụng; và tất nhiên sẽ đem lại ảnh hưởng xấu với con cái. Vì vậy, trước hết người mẹ phải có một đời sống tin kính gương mẫu để con cái noi theo.

III. Kinh Thánh Hướng Dẫn Đức Tin Và Sự Cứu Rỗi

Có một người đến nghe ông D. L Moody, nhà truyền giáo trứ danh của người Mỹ thuyết giảng; ông ta đến để tìm cách để bắt bẻ, chỉ trích. Nhưng sau khi nghe xong, người ấy thay vì chỉ trích lại được biến đổi, trở thành một con người khác. Ông kể lại:

- Ông Moody chỉ đứng đó và đập liên tiếp vào người tôi bằng những câu Kinh Thánh cho đến khi đi vào da thịt tôi.

Lời Chúa là cái búa đập vỡ những tấ lòng bằng đá. Dưới sức mạnh của lời Chúa, những tấm lòng bằng đá sẽ bị tan vỡ. Lời Chúa chẳng những là búa, nhưng còn là gươm nữa. Kinh Thánh chép rằng: “Vì lời của Đức Chúa Trời là lời sống và linh nghiệm, sắc hơn gươm hai lưỡi, thấu vào đến đỗi chia hồn, linh,cốt, tủy, xem xét tư tưởng và ý định trong lòng.” ( Hê-bơ-rơ 4:12)

Như chúng ta đã biết, Kinh Thánh là mực thước, là ‘kim chỉ nam’, là lẽ sống cho con dân Chúa. Chúng ta không phủ nhận những kiến thức khác của thế gian như khoa học, xã hội, nhân văn, kỹ thuật, lịch sử, y khoa,vv…Nhưng, những kiến thức đó không thể thay đổi bản chất tội lỗi của con người, và cũng không thể đem lại cho chúng ta sự sống đời đời. Ngoài Chúa Jê-sus, chúng ta không có sự cứu rỗi trong đấng nào khác. Kinh Thánh đã khẳng định: “Vì tiền công của tội lỗi là sự chết; nhưng sự ban cho của Đức Chúa Trời là sự sống đời đời trong Đức Chúa Jê-sus Christ của chúng ta.” (Rôma 3: 23)

Vì vậy, trên hết mọi sự là chúng ta đừng bao giờ quên, hay ngưng nghỉ trong sự cầu nguyện cho con cái mình; dâng chúng lên trong tay của Đức Chúa Trời để Ngài quan phòng gìn giữ. Tôi hoàn toàn tin rằng, khi người cha mẹ thiết tha mỗi ngày cầu thay cho con cái mình cách hết lòng, trông cậy nơi sự thương xót của Đức Chúa Trời, chắc chắn cánh tay Ngài sẽ lay động và Ngài sẽ làm những điều lạ lùng trên đời sống của con cái mình là những điều tốt đẹp ngoài suy tưởng và mong đợi của chúng ta.

Thưa quý ông bà anh chị em! Những lời cầu nguyện của người mẹ, đức tin và đời sống gương mẫu của người mẹ sẽ là gia tài qúy báu để lại cho con cái mai sau. Đó là những trang bị cần thiết cho những công dân thiên quốc trong nước Đức Chúa Trời.

Kết luận

Để có những đứa con hiếu đạo và kính sợ Đức Chúa Trời, thì trách nhiệm của những người mẹ đóng vai trò chủ yếu trong sự dạy dỗ con cái, uốn nắn, sửa trị bằng cách dạy lời của Đức Chúa Trời cho con cái ngay từ thuở nhỏ. Những người làm mẹ nên noi gương hai người đàn bà có tên là Ơ-nít (mẹ) và Lô-ít (bà ngoại) của Ti-mô-thê. Họ đã có công dạy dỗ cho con trai và cháu ngoại của mình trở thành một tôi tớ của Đức Chúa Trời không chỗ trách.

Là con cái không thể bất hiếu với cha mẹ vì cớ đó là đạo lý làm người; là bản chất thiêng liêng mà Đức Chúa Trời đã đặt vào trong mỗi con người. Nếu ai đi ngược lại bản chất cao đẹp đó sẽ bị Đức Chúa Trời trừng phạt: “Ngọn đèn của kẻ rủa cha mẹ mình, sẽ tắt giữa vùng tăm tối mờ mịt.” (Châm ngôn 20: 20)

Chuyện kể có một bà mẹ kia cả đời vất vả, lam lũ để nuôi con. Cho đến khi già yếu mà vẫn con đẩy xe than bán dọc trên các đường phố. Hôm bà gần qua đời, bà thì thào nói với vị Mục sư của mình:

- Mục sư ơi, tôi lấy gì mà ra mắt Chúa đây?

Vị Mục sư nâng đôi bàn tay sần sùi của bà lên và nói:

- Thưa bà, xin hãy để Chúa nhìn rõ đôi tay này, đôi tay đã được tận dụng để trưởng dưỡng những đứa con ngoan cho Đức Chúa Trời.

Nghe xong lời ấy, mắt bà long lanh ngấn lệ, rồi bà nhìn vị Mục sư mỉm cười và về với Chúa./.

Pastor The Van Le