Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 1

Tạ Ơn Đức Chúa Trời Vì Tặng Phẩm Không Kể Xiết

(THANKS BE UNTO GOD FOR HIS UNSPEAKABLE GIFT)

Mục Sư Ngô Đình Can

Cảm tạ Chúa, chúng ta đang tận hưởng mùa Lễ Tạ Ơn và Lễ Giáng Sinh năm 2015; cầu mong Chúa ban cho mỗi người mỗi gia đình, hưởng một mùa Holyday tràn đầy ân điển và tình yêu của Thiên Chúa Ba Ngôi.

Trong không khí và tinh thần nầy, chúng ta cần nhận thức rằng lòng biết ơn là một trong những bài học quan trọng và lớn nhất trong cuộc đời của mỗi chúng ta. Đức Chúa Trời đã ban cho chúng ta nhiều phước hạnh qua món quà cứu rỗi mà nhiều người trong vòng chúng ta chưa ý thức hết được: một nơi ở an toàn, một công việc để sống và sống có ý nghĩa, những người bạn, sức khỏe, một tương lai hy vọng và tốt đẹp…

Theo Kinh Thánh, chúng ta phải cảm tạ vì: được cung cấp những nhu cầu về vật chất (I Ti-mô-thê 4: 3- 5); có được sự nhân từ và sự thương xót của Đức Chúa Trời (Thi Thiên 106: 1); được đắc thắng trong sự chết và phần mộ (I Cô-rinh-tô 15: 57); có sự chiến thắng của phúc âm (II Cô-rinh-tô 2: 14); sự qui đạo của những tội nhân (Rô-ma 6: 17). Chúng ta còn tạ ơn cho tất cả mọi người (I Ti-mô-thê 2: 1) và tạ ơn về tất cả mọi điều nữa (Ê-phê-sô 5:20).

Chúng ta cùng nhau ôn lại lời tạ ơn mà Sứ đồ Phao lô đã nói về món quà cứu rỗi mà Đức Chúa Trời ban cho, được chép trong (II Cô-rinh-tô 9: 15) sau đây," Tạ ơn Đức Chúa Trời, vì sự ban cho của Ngài không xiết kể!"

AI LÀ NGƯỜI CẢM TẠ? (WHO IS THANKFUL PERSON?)

Chúng ta đều biết Sứ đồ Phao-lô, vậy Phao lô là ai? Phao-lô là một người Pharisi, được dạy dỗ trong luật pháp và rất ngoan đạo, nhưng bị hư mất vì ông là người đã từ chối Chúa Jesus và từng bắt bớ Hội Thánh (Công vụ 8, 9). Phao-lô giữ áo xống của những người ném đá Ê-tiên và ông đã đặt nhiều người vào án chết; lòng căm thù dai dẳng của Phao-lô đối với thập tự giá của Đấng Christ để rồi cuối cùng, những người bạn của Phao-lô đã đóng đinh Chúa Jesus và chấm dứt tất cả. Phao-lô là người phạm tội, trong thư tín (I Ti-mô-thê 1: 15) ông đã thú nhận "…trong những kẻ có tội đó ta là đầu. "

Về thân thế của Phao-lô thì trong thư gởi cho Hội Thánh tại thành Phi-líp ông đã viết rằng, "Ấy chẳng phải tôi không có thể cậy mình trong xác thịt đâu. Ví bằng kẻ khác tưởng rằng có thể cậy mình trong xác thịt, thì tôi lại có thể bội phần nữa, tôi chịu phép cắt bì ngày thứ tám, về dòng Y-sơ-ra-ên, chi phái Bên-gia-min, người Hê-bơ-rơ, con của người Hê-bơ-rơ; về luật pháp, thì thuộc phe Pha-ri-si; về lòng sốt sắng, thì là kẻ bắt bớ hội thánh; còn như về sự công bình của luật pháp, thì không chỗ trách được. Nhưng vì cớ Đấng Christ, tôi đã coi sự lời cho tôi như là sự lỗ vậy. " (Philíp 3: 4- 7) Phao-lô là một người theo phái Pha-ri-si, người Pha-ri-si là người cậy vào sự công bình riêng, giả hình và bị Chúa Jesus lên án, kết tội; là người không được cứu rỗi giống như những người không tin Chúa Jesus hiện nay.

Tuy nhiên, vào một ngày đáng nhớ trong lịch sử, Phao-lô đã chạm trán với Đấng Christ trên đường đi Đa-mách và nghe Chúa phán, "…Ta là Jesus…"; Cuộc đối thoại của Phao-lô với Chúa Jesus trên đường đi Đa-mách đã thay đổi mọi điều (Công vụ 9). Sự cứu rỗi bởi đức tin đã dời ông từ người sùng đạo sang người được cứu chuộc, từ một người theo đạo sang người tin theo Cứu Chúa Jesus và được cứu rỗi. Ông đã thay đổi từ một người bắt bớ Hội Thánh trở thành người đi loan báo Tin mừng và giảng dạy sự cứu rỗi bởi đức tin cho người khác.

Chúng ta đều biết tôn giáo nào cũng tốt đạo nào cũng tốt, tôn giáo hay đạo chỉ dạy cho con người làm điều thiện điều lành nhưng tôn giáo hay đạo không thể cứu được con người; chỉ có Cứu Chúa mới cứu được con người mà thôi. Lại nữa, con người không cứu được con người, chỉ có Trời mới cứu được con người; Chúa Jesus là Con Trời, Ngài từ Trời và Ngài là Trời vậy.

Thế rồi, phép lạ của ân điển đã khiến Phao-lô là một người đầy lòng biết ơn; Ông đã cảm tạ về sự cứu rỗi bởi đức tin trong Đấng Christ (I Ti-mô-thê.1: 15) chép, "Đức Chúa Jesus Christ đã đến trong thế gian để cứu vớt kẻ có tội, ấy là lời chắc chắn, đáng đem lòng tin trọn vẹn mà nhận lấy; trong những kẻ có tội đó ta là đầu". Một người bị án chết mà được cứu thoát nên Phao-lô tạ ơn; Phao-lô trở thành giáo sĩ vĩ đại nhất của mọi thời đại và ông đã thúc giục các tín hữu tiếp tục tạ ơn như ông đã nói, "Phàm việc gì cũng phải tạ ơn Chúa…" (I Tê-sa-lô-ni-ca 5: 18).

Như vậy, ai có thể nhận được sự ban cho tặng phẩm nầy? Tặng phẩm nầy dành cho tôi, cho mỗi quí vị và cho tất cả mọi người "Nhưng hễ ai nhận Ngài…" (Giăng 1: 12), (Giăng 3:16); hễ ai nhận lãnh sự ban cho tuyệt vời nầy đều có thể sống trong thái độ và tinh thần ngợi khen tạ ơn Chúa. Quí vị có sống trong sự tạ ơn Chúa không? Có bài thơ "Tôi Tạ Ơn" (I’m Thankful) được viết và tạm dịch như dưới đây:

• Sống, Ngài đã yêu tôi (Living, He loved me)

• Chết, Ngài đã cứu tôi (Dying, He saved me)

• Bị chôn, Ngài đã mang tội lỗi của tôi (Buried, He carried my sins far away)

• Sống lại, Ngài đã xưng công bình tự do mãi mãi (Rising, He justified freely forever)

• Một ngày, Ngài sẽ trở lại (One day He’s coming)

• Ôi, Ngày vinh quang! (tuyệt vời!) (Oh, Glorious day!)

AI LÀ NGƯỜI BAN CHO? (WHO IS THE GIVER?)

Câu Kinh Thánh cho chúng ta biết Đức Chúa Trời là Đấng ban cho; tin lành (Giăng 3: 16) đã công bố "Vì Đức Chúa Trời yêu thương thế gian, đến nỗi đã ban Con một của Ngài, hầu cho hễ ai tin Con ấy không bị hư mất mà được sự sống đời đời". Niềm tin Cơ Đốc của chúng ta nhận thức rằng Đức Chúa Trời là Đấng Sáng tạo và là nguồn của mọi phước hạnh. Tuy nhiên, ngày hôm nay còn rất nhiều người vẫn nghi ngờ về sự hiện hữu của Đức Chúa Trời; họ thường đặt câu hỏi, Đức Chúa Trời có hiện hữu không? Có bằng chứng nào về sự thực hữu của Đức Chúa Trời?...Cuộc khảo sát mới nhất cho thấy có hơn 90% dân số trên thế giới ngày nay tin vào sự thực hữu của Đức Chúa Trời hoặc một quyền lực siêu nhiên. Vậy mà trách nhiệm đặt trên những người tin Đức Chúa Trời phải chứng minh điều nầy, và chỉ có những tín hữu với đức tin chân thật mới bày tỏ lòng tạ ơn với Đấng đã ban phước cho cuộc đời mình.

Mặc dầu sự hiện hữu của Đức Chúa Trời không thể chứng minh hay phủ nhận, nhưng Kinh Thánh cho chúng ta biết chấp nhận sự hiện hữu của Đức Chúa Trời phải do niềm tin. Kinh Thánh (Hêbơrơ 11: 6) "Vả không có đức tin, thì chẳng hề có thể nào ở cho đẹp ý Ngài; Vì kẻ đến gần Đức Chúa Trời phải tin rằng có Đức Chúa Trời, và Ngài là Đấng hay thưởng cho kẻ tìm kiếm Ngài. " Nếu Đức Chúa Trời muốn, Ngài có thể hiện ra để chứng minh cho toàn thế giới biết sự hiện hữu của Ngài; nhưng như thế chúng ta không cần đức tin nữa. Đức Chúa Giê Xu phán: "Vì ngươi đã thấy Ta nên ngươi tin. Phước cho những kẻ chẳng từng thấy mà đã tin vậy! " (Giăng 20: 29) Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là không có bằng chứng về sự hiện hữu của Đức Chúa Trời; Kinh Thánh tuyên bố: "Các từng trời rao truyền sự vinh hiển của Đức Chúa Trời, bầu trời giải tỏ công việc tay Ngài làm. Ngày này giảng cho ngày kia, đêm này tỏ sự tri thức cho đêm nọ" (Thi Thiên 19:1-2)

Khi nhìn xem những ngôi sao, hiểu biết về khoảng không của vũ trụ, quan sát những điều kỳ diệu của thiên nhiên, nhìn xem vẻ đẹp của buổi chiều tà… tất cả những điều đó cho thấy có một Đức Chúa Trời là Đấng Sáng tạo. Nếu những điều này chưa đủ, cũng còn có những bằng chứng về Đức Chúa Trời trong tấm lòng của chúng ta. Sách (Truyền đạo 3:11) "…Ngài khiến cho sự đời đời ở nơi lòng loài người…" Người ta nhận biết rằng trong nơi sâu kín của con người có những điều vượt xa đời sống và thế giới này. Kinh Thánh cảnh báo chúng ta sẽ có một số người từ chối sự hiện hữu của Đức Chúa Trời là những người dại: "Kẻ ngu dại nói trong lòng rằng: chẳng có Đức Chúa Trời. " (Thi Thiên 14:1) Hơn 98% số người qua dòng lịch sử, trong mọi nền văn hóa, trong các nền văn minh, trên năm châu bốn biển tin vào sự hiện hữu của nhiều vị thần linh. Con người từ chối những kiến thức rõ ràng không thể chối cãi về Đức Chúa Trời và thay vào đó là tin vào những lời nói dối của ma quỉ (Rô Ma 1:25) "Vì họ đã đổi lẽ thật Đức Chúa Trời lấy sự dối trá, kính thờ và hầu việc loài chịu dựng nên thế cho Đấng dựng nên, là Đấng đáng khen ngợi đời đời. A-men"

Nhưng nếu Đức Chúa Trời hiện hữu, thì chúng ta phải chịu trách nhiệm về những hành động của chúng ta với Ngài. Nếu Đức Chúa Trời không hiện hữu thì chúng ta có thể làm bất cứ điều gì mà không cần lo lắng về sự phán xét của Ngài đối với chúng ta. Nhưng quả thật, có một Đức Chúa Trời và một Cứu Chúa mà Đức Chúa Trời đã cung ứng cho loài người; Chúa Jesus đã thưa với Cha của Ngài rằng, "Vả, sự sống đời đời là nhìn biết Cha, tức là Đức Chúa Trời có một và thật, cùng Jêsus Christ, là Đấng Cha đã sai đến. " (Giăng 17: 3)

Như vậy, chúng ta tin rằng có một Đức Chúa Trời và biết ơn Ngài; Ngài đã tạo dựng nên muôn loài và loài người đã sa ngã (Rô-ma 3: 23); Lòai người không thể tự cứu lấy mình được, cũng không thể làm gì để xứng đáng được cứu, nên Ngài ban cho một tặng phẩm nhận lãnh được thông qua đức tin (Ê-phê-sô 2: 8- 9) "Vả, ấy là nhờ ân điển, bởi đức tin, mà anh em được cứu, điều đó không phải đến từ anh em, bèn là sự ban cho của Đức Chúa Trời. Ấy chẳng phải bởi việc làm đâu, hầu cho không ai khoe mình"; Ngài muốn mọi người được cứu (I Ti-mô-thê 2: 4) (Giăng 5: 24); và Ngài muốn mọi người làm chứng nhân để cứu người khác (Công vụ 1: 8).

Tặng phẩm "không kể xiết" là kết quả của tình yêu của Đức Chúa Trời, "Ngài yêu đến nỗi…" (Giăng 3: 16); Món quà nầy là chỉ về máng cỏ chuồng chiên và thập tự giá; Món quà nầy đảm bảo sự tha thứ và thiên đàng dành cho chúng ta; "Lòng Đức Chúa Trời yêu chúng ta đã bày tỏ ra trong điều nầy: Đức Chúa Trời đã sai Con một Ngài đến thế gian, đặng chúng ta nhờ Con được sống. Nầy sự yêu thương ở tại đây: ấy chẳng phải chúng ta đã yêu Đức Chúa Trời, nhưng Ngài đã yêu chúng ta, và sai Con Ngài làm của lễ chuộc tội chúng ta" (I Giăng 4: 9- 10). Chúng ta đầy lòng biết ơn và chúc tụng Cha nhân từ bởi những phước hạnh mà Ngài đã ban cho chúng ta, "Ngợi khen Đức Chúa Trời, Cha Đức Chúa Jêsus Christ chúng ta, Ngài đã xuống phước cho chúng ta trong Đấng Christ đủ mọi thứ phước thiêng liêng ở các nơi trên trời, trước khi sáng thế, Ngài đã chọn chúng ta trong Đấng Christ, đặng làm nên thánh không chỗ trách được trước mặt Đức Chúa Trời" (Ê-phê-sô 1: 3- 4).

TẶNG PHẨM KHÔNG KỂ XIẾT LÀ GÌ? (WHAT IS UNSPEAKABLE GIFT?)

Kinh Thánh cho biết tặng phẩm mà Đức Chúa Trời ban là không thể nói được, không thể diễn tả được (unspeakable); Bản Kinh Thánh Anh ngữ New International Version ghi là "Thanks be to God for His indescribable gift! "; tặng phẩm nầy là gì và như thế nào mà không thể nói hết được và không thể mô tả hình dung (indescribable) được? Thật vậy, không có ngôn ngữ nào có thể nói hết được ân sủng bởi món quà mà Đức Chúa Trời đã ban. Sách Rô-ma còn cho chúng ta biết Đức Chúa Trời ban cho loài người Con độc Sanh của Ngài mà còn cho thêm luôn mọi sự nữa, "Ngài đã không tiếc chính Con mình, nhưng vì chúng ta hết thảy mà phó Con ấy cho, thì Ngài há chẳng cũng sẽ ban mọi sự luôn với Con ấy cho chúng ta sao? " (Rô-ma 8: 32) Vậy, "mọi sự" luôn với con đó là gì? Chúng ta hãy xem Kinh Thánh bày tỏ tặng phẩm tuyệt vời nầy bao gồm:

Sự Sống Đời Đời (The Eternal Life)

Kinh Thánh cho biết cuối cùng cuộc đời của con người là phải bị phán xét và bị định án trong hoả ngục đời đời (Hê-bơ-rơ 9: 27); nhưng hễ ai tin Chúa Jesus làm Chúa và Cứu Chúa thì nhận được sự sống đời đời cho linh hồn mình. Phao lô đã cố gắng cứng lòng vô tín trước khi tin và kính sợ Chúa Jesus, ông đã tìm thấy rằng sự cứu rỗi là một món quà để nhận lãnh. Món quà nầy là sự sống đời đời bởi đức tin trong Con yêu dấu của Đức Chúa Trời mình "Vì tiền công của tội lỗi là sự chết; nhưng sự ban cho của Đức Chúa Trời là sự sống đời đời trong Đức Chúa Jêsus Christ, Chúa chúng ta" (Rô-ma 6: 23)

Quí vị đã công khai tiếp nhận Chúa Jesus làm Chúa và Cứu Chúa của cuộc đời mình chưa? Nếu qúi vị tin và sống trong đức tin thì sẽ vượt khỏi sự phán xét mà đến sự sống đời đời. Chúa Jesus đã từng tuyên bố," Quả thật, quả thật, ta nói cùng các ngươi, ai nghe lời ta mà tin Đấng đã sai ta, thì được sự sống đời đời, và không đến sự phán xét, song vượt khỏi sự chết mà đến sự sống. " (Giăng 5: 24)

Đức Thánh Linh (The Holy Spirit)

Đức Thánh Linh được ban xuống cho các môn đồ đầu tiên trong ngày Lễ Ngũ Tuần (Công vụ 2), sau khi nhận lãnh báp tem trong Đức Thánh Linh Phi-e-rơ đã dõng dạc tuyên bố, "Phi-e-rơ trả lời rằng: Hãy hối cải, ai nấy phải nhân danh Đức Chúa Jêsus chịu phép báp-tem, để được tha tội mình, rồi sẽ được lãnh sự ban cho Đức Thánh Linh. " (Công vụ 2: 38); và thư tín (Ê-phê-sô 1: 13- 14) cũng xác nhận, "Ấy lại cũng trong Ngài mà anh em sau khi đã nghe đạo chơn thật, là đạo Tin Lành về sự cứu rỗi anh em, ấy là trong Ngài mà anh em đã tin và được ấn chứng bằng Đức Thánh Linh là Đấng Chúa đã hứa, Đấng ấy làm của cầm về cơ nghiệp chúng ta, cho đến kỳ chuộc lấy những kẻ mà Ngài đã được để khen ngợi sự vinh hiển Ngài. " Chân lý nầy là đúng, vì hễ ai tin nhận Chúa Jesus làm Chúa và Cứu Chúa của mình thì được nhận lãnh Đức Thánh Linh. Tuy nhiên, đây là chân lý đúng một phần hay chỉ về mặt tiêu cực, bởi vì với đức tin thụ động và thiếu hiểu biết thì Đức Thánh Linh sẽ đến với tín hữu để ấn chứng cho sự cứu rỗi.

Chúng ta nên nhớ rằng, tiêu chuẩn mà Cứu Chúa Jesus đòi hỏi những kẻ tin và theo Ngài là phải được báp tem trong Đức Thánh Linh (Luca 24: 49) (Công vụ 1: 4) hay phải đầy dẫy Đức Thánh Linh (Ê-phê-sô 5: 18b) để sống và kết quả cho danh và vương quốc của Ngài. Chúng ta hãy xem phân đoạn Kinh Thánh khác đề cập về vấn đề đức tin và Đức Thánh Linh sau đây, "Các sứ đồ vẫn ở tại thành Giê-ru-sa-lem, nghe tin xứ Sa-ma-ri đã nhận lấy đạo Đức Chúa Trời, bèn sai Phi-e-rơ và Giăng đến đó. Hai người tới nơi, cầu nguyện cho các môn đồ mới, để cho được nhận lấy Đức Thánh Linh. Vì Đức Thánh Linh chưa giáng xuống trên một ai trong bọn đó; họ chỉ nhân danh Đức Chúa Jêsus mà chịu phép báp-tem thôi. Phi-e-rơ và Giăng bèn đặt tay trên các môn đồ, thì đều được nhận lấy Đức Thánh Linh" (Công vụ 8: 14- 17)

Ngày nay cũng vậy có nhiều tín hữu mặc dầu đã công khai bày tỏ đức tin, thậm chí là đã nhận lãnh phép báp tem bằng nước nhưng hoàn toàn không nghe, không biết và không cảm nhận bất cứ ảnh hưởng nào của Đức Thánh Linh trong đời sống đức tin của mình; điều nầy cũng giống như các tín hữu tại Sa-ma-ri ngày xưa mà phân đoạn Kinh Thánh ở trên đã ký thuật và giống như những tín hữu tại thành Ê-phê-sô trong (Công vụ 19: 1- 7) mà thôi. Như thế, tin Chúa Jesus thì được nhận lãnh sự ấn chứng đức tin của Đức Thánh Linh để được sự cứu rỗi là tiêu cực; còn về mặt tích cực thì những Cơ đốc Nhân cần phải được đầy dẫy Đức Thánh Linh và được nhận chìm trong Thánh Linh thì mới sỡ hữu và kinh nghiệm một đời sống phong phú kết quả cho vương quốc của Đức Chúa Trời. Được vậy, chúng ta mới có thể sống một đời sống biết ơn, tạ ơn và thấm thía lời nói của Sứ đồ Phao lô về "tặng phẩm không kể xiết" được.

Sự Vui Mừng (Joy)

Sự vui mừng là biểu lộ đầu tiên và thường xuyên trong đời sống của Cơ Đốc Nhân, là những người qui đạo như chúng ta. Biến cố Chúa Jesus giáng sinh, các thiên sứ đã loan báo, "Thiên sứ bèn phán rằng: Đừng sợ chi; vì nầy, ta báo cho các ngươi một Tin Lành, sẽ làm một sự vui mừng lớn cho muôn dân" (Luca 2: 10). Những môn đồ của Chúa Jesus sỡ hữu sự vui mừng bởi vì biết rằng, tội lỗi trong quá khứ và hiện tại của mình đã được Chúa tha rồi; Cơ Đốc Nhân cũng sống trong vui mừng vì biết mình không còn bị đoán xét và định án nữa; chúng ta cũng vui mừng vì biết mình như có của cải quí báu để dành nơi chẳng hề có mối mọt ten rét làm hư hại hay kẻ trộm đào ngạch khoét vách mà lấy (Ma-thi-ơ 6: 20).

Khi quí vị đầu phục Đức Thánh Linh thì năng quyền của Ngài sẽ tràn ngập trong đời sống, và quí vị sẽ phát triển bông trái vui mừng trong cuộc đời tin kính của chính mình. Bởi vì, "Vì nước Đức Chúa Trời chẳng tại sự ăn uống, nhưng tại sự công bình, bình an, vui vẻ bởi Đức Thánh Linh vậy" (Rô-ma 14: 17); Quí vị có hưởng được sự vui mừng trong cuộc sống hiện tại hay không? Hãy cố gắng sống đẹp lòng Chúa thì sự vui mừng chắc chắn sẽ bao phủ cuộc đời và gia đình quí vị "…vì sự vui vẻ của Đức-Giê-hô-va là sức lực của các ngươi. " (Nê-hê-mi 8: 10c)

Sự Bình An (Peace)

Chúa Jesus cho biết rằng cuộc linh trình của chúng ta về miền Đất Hứa chắc chắn sẽ có những hoạn nạn gian nan (Giăng 16: 33), nhưng Ngài vẫn ban cho chúng ta sự bình an, vì Ngài đã đắc thắng thế gian và sự chết rồi. Sách (Giăng 14: 27) đã chép, "Ta để sự bình an lại cho các ngươi; ta ban sự bình an ta cho các ngươi; ta cho các ngươi sự bình an chẳng phải như thế gian cho, lòng các ngươi chớ bối rối và đừng sợ hãi". Mặc dù nhiều Cơ Đốc Nhân đã và đang trải qua cuộc đồng hành tuyệt vời với Chúa, nhưng đôi khi hoàn cảnh và nan đề cũng làm cho họ xao xuyến dao động; những lúc như vậy hãy cầu nguyện và nghe lời trấn an của Sứ đồ Phao lô mà bình tịnh "Sự bình an của Đức Chúa Trời vượt quá mọi sự hiểu biết, sẽ giữ gìn lòng và ý tưởng anh em trong Đức Chúa Jêsus Christ. " (Phi-líp 4: 7)

Ông Nguyễn Thái Bảo là một tỷ phú tại Miền Nam Việt Nam trước năm1975; Ông có nhiều nhà đất cho quân đội Mỹ thuê, có nhiều trạm xăng, xe bus, xe Taxi trong thành phố. Ông cũng có ngân hàng và nhập khẩu phân bón…Ông tin Chúa năm 1983 qua bài giảng về "Sự Bình An Trong Chúa Jesus". Sau đó ông ghi lại trong bài làm chứng "Chọn Lại Con Đường" như sau: "Trong đời nầy không có sự bình an nào cả. Nếu chúng ta đặt sự bình an trong một chính phủ mạnh, nhưng sau một thời gian chính phủ đó cũng thay đổi…Mọi tỷ phú lúc nào cũng lo sợ mất của vì cướp, vì lỗ lã trong kinh doanh…Chỉ trong Chúa mới có sự bình an không đâu bằng…chúng tôi đặt niềm tin nơi Ngài, chúng tôi sống thoải mái vui vẻ, không còn lo âu phiền muộn, giận hờn; Gặp sự gì khó khăn, chúng tôi cầu nguyện nhờ Cha Thiên Thượng giải quyết".

Sự vui mừng và sự bình an là đôi cánh tiếp sức nâng đỡ chúng ta trong cuộc đời tin kính; đồng thời nó cũng mang chúng ta lên các nơi cao để tận hưởng cái tiên vị của thiên đàng khi còn hiện hữu trên trần gian nầy. Quí vị có được sự bình an trong cuộc sống hiện tại không? Hãy để tâm linh tâm trí nương cậy nơi Chúa mình.

Sự Chữa Lành (Healing)

Nhiều Cơ Đốc Nhân đang sống trong trong bệnh hoạn bởi không những không tin mà còn có lòng nghi ngờ về sự chữa lành bệnh tật của Chúa. Họ cứ nghĩ rằng Chúa chỉ chữa lành về tâm linh, về linh hồn mà thôi, còn bệnh tật thì phải đi tìm gặp các bác sĩ và thầy thuốc mới có thể giải quyết được. Đó là lý do chúng ta đã giới hạn Chúa, đó là lý do chúng ta đang sống trong vô tín hay chỉ sống trong đức tin tiêu cực; có phải Kinh Thánh chép Đức Chúa Trời phán rằng, "Ta là Đấng Chữa Lành" không? Phải! (Xuất Ê-díp-tô 15: 26); Có phải Chúa đã hứa ban ơn trên thức ăn đồ uống cho những kẻ kính sợ và phục vụ Ngài không? Phải! (Xuất Ê-díp-tô 23: 25) Thế thì, vì sao ngày nay chúng ta không tin và chối bỏ một trong những danh xưng cao cả của Ngài: "Đấng Chữa Lành" "Giê-hô-va Ra-pha" (The Lord Who Heals)?

Kinh Thánh cũng bày tỏ Chúa cứu rỗi chúng ta và chữa lành bệnh tật cho chúng ta "Hỡi linh hồn ta, hãy ngợi khen Đức Giê-hô-va, Chớ quên các ân huệ của Ngài. Ấy là Ngài tha thứ các tội ác ngươi, Chữa lành mọi bịnh tật ngươi, Cứu chuộc mạng sống ngươi khỏi chốn hư nát, lấy sự nhơn từ và sự thương xót mà làm mão triều đội cho ngươi. " (Thi Thiên 103: 2- 4).

Cựu Ước cũng đã nói về công ơn cứu chuộc của Chúa Jesus đi đôi với sự chữa lành thể xác cho các con chiên con của Ngài (Ê-sai 53: 5); bởi những lằn đòn và roi Ngài chịu thì chúng ta ĐÃ được lành bịnh rồi "Ngài bị rủa mà chẳng rủa lại, chịu nạn mà không hề ngăm dọa, nhưng cứ phó mình cho Đấng xử đoán công bình; Ngài gánh tội lỗi chúng ta trong thân thể Ngài trên cây gỗ, hầu cho chúng ta là kẻ đã chết về tội lỗi, được sống cho sự công bình; lại nhơn những lằn đòn của Ngài mà anh em đã được lành bịnh" (I Phi-e-rơ 2: 23). Không những thế, Chúa còn muốn các môn đồ, các tôi tớ của Ngài cũng có thể dùng danh quyền năng của Ngài để công bố sự chữa lành cho những người khác nữa, "Vậy những kẻ tin sẽ được các dấu lạ nầy: lấy danh ta mà trừ quỉ; dùng tiếng mới mà nói; bắt rắn trong tay; nếu uống giống chi độc, cũng chẳng hại gì; hễ đặt tay trên kẻ đau, thì kẻ đau sẽ lành. " (Mác 16: 17- 18). Sau cùng, sứ đồ Gia-cơ một lãnh đạo của Hội Thánh tại Jerusalem hỏi, "Trong anh em có ai đau ốm chăng? Hãy mời các trưởng lão Hội thánh đến, sau khi nhơn danh Chúa xức dầu cho người bịnh đoạn, thì các trưởng lão hãy cầu nguyện cho người. Sự cầu nguyện bởi đức tin sẽ cứu kẻ bịnh, Chúa sẽ đỡ kẻ ấy dậy; nếu kẻ bịnh có phạm tội, cũng sẽ được tha. Vậy, hãy xưng tội cùng nhau, và cầu nguyện cho nhau, hầu cho anh em được lành bịnh…" (Gia-cơ 5: 14- 16)

Mục Sư A. W. Tozer đã nói: "Thanksgiving has great curative power" mà chúng ta tạm hiểu là: "Sự tạ ơn có sức mạnh chữa bịnh lớn lao". Quí vị có tin rằng Chúa vẫn còn chữa lành bịnh tật thể xác ngày hôm nay không? Quí vị có được mạnh khoẻ hay vẫn bị bệnh tật quấy rầy và cướp đi những phước hạnh trong đời sống tin kính mỗi ngày? Quí vị có được chữa lành bệnh tật trong Danh của Chúa Cứu Thế Jesus không? Được như vậy, quí vị cũng sẽ thốt lên như Sứ đồ Phao lô rằng"Tạ ơn Đức Chúa Trời, vì sự ban cho của Ngài không kể xiết" vậy.

Cung Cấp Nhu Cầu Thuộc Thể (Provide the Physical Needs)

Người vô tín quan niệm rằng sự thạnh vượng về vật chất là do tài năng của họ chứ không liên quan gì đến tâm linh thần thánh. Trong khi đó một số Cơ Đốc Nhân sống trong thái độ vô ơn vì tin rằng, Đức Chúa Trời chỉ ban cho họ thạnh vượng về tâm linh, linh hồn chứ không phải về vật chất. Câu Kinh Thánh căn bản làm nền tảng cho niềm tin của mọi công dân Thiên Quốc là "Nhưng trước hết, hãy tìm kiếm nước Đức Chúa Trời và sự công bình của Ngài, thì Ngài sẽ cho thêm các ngươi mọi điều ấy nữa. " (Ma-thi-ơ 6: 33); "mọi điều ấy" là chỉ về vật chất mà những tín nhân cũng được Chúa ban cho khi đã thuộc về Ngài.

Sứ Đồ Giăng cũng đã cho biết sự thạnh vượng về tâm linh đến trước rồi mới thạnh vượng về thể xác và cuối cùng là thạnh vượng về phần vật chất như sau, "Hỡi kẻ rất yêu dấu, tôi cầu nguyện cho anh được thạnh vượng trong mọi sự, và được khỏe mạnh phần xác anh cũng như đã được thạnh vượng về phần linh hồn anh vậy. " (III Giăng 2).

Lại nữa, một số con cái Chúa còn cho rằng, tin Chúa là được rồi chứ hầu việc Chúa thì nghèo nàn thiếu thốn lắm; hãy để cho những người nào được Chúa kêu gọi đặc biệt thì mới phục sự Ngài. Tư tưởng nầy chẳng có gì lấy làm lạ, bởi vì thời Chúa Jesus sống trên thế gian các môn đồ đi theo Ngài cũng đã từng hỏi Chúa như vậy. Tuy nhiên, chúng ta hãy nghe chính Chúa Jesus yêu dấu phán hứa về sự ban phước vật chất của Ngài, "Đức Chúa Jêsus đáp rằng: Quả thật, ta nói cùng các ngươi chẳng một người nào vì ta và Tin Lành từ bỏ nhà cửa, anh em, chị em, cha mẹ, con cái, đất ruộng, mà chẳng lãnh được đương bây giờ, trong đời nầy, trăm lần hơn về những nhà cửa, anh em, chị em, mẹ con, đất ruộng, với sự bắt bớ, và sự sống đời đời trong đời sau. " (Mác 10: 29- 30). Sứ đồ Phao lô đã kinh nghiệm sự cung cấp tiếp trợ của Chúa trong chức vụ hầu việc lẫy lừng của ông, "Đức Chúa Trời tôi sẽ làm cho đầy đủ mọi sự cần dùng của anh em y theo sự giàu có của Ngài ở nơi vinh hiển trong Đức Chúa Jesus Christ. " (Phi-líp 4: 19)

Cuối cùng, chúng ta nên sống trong thái độ biết ơn và cảm tạ mỗi ngày, theo gương vị Sứ đồ từng trãi vĩ đại, "Vì anh em biết ơn của Đức Chúa Jêsus Christ chúng ta, Ngài vốn giàu, vì anh em mà tự làm nên nghèo, hầu cho bởi sự nghèo của Ngài, anh em được nên giàu" (II Cô-rinh-tô 8: 9).

Có câu chuyện kể về "Lòng Biết Ơn" như sau: Một người tên là John Chinaman một lần kia bị một đảng vô thần chất vấn:

• "John Chinaman! Anh sẽ làm gì trước hết khi anh vào thiên đàng?"

• Trả lời: "Trước hết tôi sẽ đi tìm gặp Chúa Jesus để cảm ơn Ngài đã cứu tôi. "

• "Kế đó anh làm gì nữa?"

• "Tôi sẽ cố tìm cho đến chừng nào gặp được vị giáo sĩ đã đến đất nước của tôi và nói cho tôi biết về Chúa Jesus, để cảm ơn vị ấy."

• "Rồi anh còn làm gì nữa?"

• "Sau cùng, tôi cũng sẽ tìm xem ai là người đã dâng tiền cho công cuộc truyền giáo, để nhờ đó giáo sĩ mới có thể đến xứ tôi truyền giảng và tôi có thể nghe về Chúa Jesus mà được cứu, để cũng cảm ơn người đó nữa. "

KẾT LUẬN (Conclusion)

Hãy tiếp nhận Chúa Jesus như món quà từ Cha Từ ái và hãy sống trong sự tạ ơn; Sứ đồ Phao-lô phát biểu khi nhận được ơn Chúa, "Nhưng tôi nay là người thể nào, là nhờ ơn Đức Chúa Trời, và ơn Ngài ban cho tôi cũng không phải là uổng vậy. Trái lại, tôi đã làm nhiều việc hơn các người khác, nhưng nào phải tôi, bèn là ơn Đức Chúa Trời đã ở cùng tôi" (I Cô-rinh-tô 15: 10).

Quí vị có cảm tạ Chúa giống như Phao-lô không? Nếu không thì tại sao? Hãy tạ ơn tôn vinh ngợi khen Chúa của chúng ta mỗi Ngày.

Sau khi Phao-lô nhận được "sự ban cho không kể xiết" nầy, ông đã loan báo sứ điệp về sự sống đời đời cho người khác ở khắp mọi nơi; ông đã cầu nguyện, đã rao giảng và chịu đựng sự bắt bớ với tất cả sự tạ ơn Ngài. Hãy nói về tin mừng như là tặng phẩm vĩ đại "không thể mô tả", "không thể kể xiết" mà Đức Chúa Trời sẵn dành cho hết cả mọi người. Amen! Hallelujah!

(5/2015)

Mục Sư. Ngô Đình Can