Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 2

Sống Đắc Thắng

Một số Triết gia có cái nhìn bi quan về cuộc sống của nhân loại, nhất là các Triết gia theo phái ếm thế. Một trong số những Triết gia đó đã có người phát biểu rằng, "Cuộc đời là một khoảng trống, từ sự lãng quên đến sự lãng quên, và được lấp đầy bằng nước mắt" Khi đọc Kinh Thánh Cựu Ước, chúng ta thấy tác giả sách Truyền Đạo cũng có những lời nói và từ ngữ mô tả cuộc đời rất tiêu cực; chẳng hạn như, "…các việc lao khổ loài người làm ra dưới mặt trời, thì được ích lợi chi?...muôn vật thảy đều lao khổ, loài người không thể nói ra được…vì nếu sự khôn ngoan nhiều, sự phiền não cũng nhiều; ai thêm sự tri thức ắt thêm sự đau đớn…" (Truyền Đạo 1: 3, 8, 18).

Điều nầy chắc chắn không phải là quan điểm của Cơ Đốc Giáo hay là cách thế sống của Cơ Đốc Nhân. Tuy nhiên, theo dòng lịch sử tồn tại và phát triển của Hội Thánh, chúng ta biết và chứng kiến nhiều cuộc đời của con dân Chúa phải trải qua những nỗi vất vả, khổ đau với đầy nước mắt; tại sao như vậy? Tại vì các Cơ Đốc Nhân cũng phải đối diện với những nan đề trong cuộc sống, và chính những nan đề đó, đôi khi đã làm cho con dân Chúa phải đau khổ ngút ngàn. Cứu Chúa Jesus trước khi rời khỏi thế gian có lần đã nói, "Ta đã bảo các ngươi những điều đó, hầu cho các ngươi có lòng bình yên trong ta. Các ngươi sẽ có sự hoạn nạn trong thế gian, nhưng hãy cứ vững lòng, ta đã thắng thế gian rồi! " (Giăng 16: 33).

Như vậy, theo lời giáo huấn của Cứu Chúa, Cơ Đốc Nhân trong mọi thời đại không phải là đi tìm mọi cách thức để tránh né nan đề trong cuộc sống, mà là phải đứng vững vàng khi đối diện với nan đề hoạn nạn, và cuối cùng phải là người chiến thắng. Để có thể sống một cuộc đời Cơ Đốc Nhân đắc thắng, thiết tưởng chúng ta phải hiểu biết nguồn gốc dẫn đến những nan đề hoạn nạn trong cuộc sống; rồi nhờ lời Chúa và sức Chúa, thì chúng ta mới có thể là người thắng lướt trong nghịch cảnh được. Kinh Thánh cung cấp cho chúng ta những nguyên tắc để tìm ra những giải pháp cho nan đề sẽ xảy đến, đồng thời cũng chỉ cho chúng ta biết cách thức tránh được nhiều nan đề. Đức Chúa Jesus, Cứu Chúa yêu dấu của chúng ta; Ngài không bao giờ muốn chúng ta là những người đi theo dấu chân Ngài bị đánh bại bởi những nan đề hoạn nạn. Trái lại, chính Ngài là Đấng Giải Quyết nan đề (A Problem Solver), Ngài sẽ giúp đỡ và hướng dẫn chúng ta, chuyển những nan đề hoạn nạn thử thách trở thành sự đắc thắng. Hãy cùng nhau xem xét nguyên nhân xảy ra những nan đề cùng cách giải quyết theo ánh sáng của lời Chúa, và cuối cùng chúng ta sẽ công bố là người có một đời sống đắc thắng trong danh Chúa Cứu Thế Jesus. Amen!

NGUỒN GỐC CỦA HOẠN NẠN NAN ĐỀ

Hễ còn sống trên trần gian nầy, thì chúng ta còn phải đối diện với những nan đề. Tại sao nan đề xảy ra? Tại sao Đức Chúa Trời lại cho phép nan đề xảy đến, khiến cho con dân yêu dấu của Ngài phải chịu đau khổ và bị thử thách? Khi hiểu được nguyên nhân xảy ra nan đề mà chúng ta sẽ phải đương đầu sẽ giúp cho chúng ta tìm ra hướng giải quyết; đồng thời giúp chúng ta có thể chuyển những nan đề hoạn nạn thành những cơ hội để chúng ta trưởng thành hơn, kinh nghiệm hơn trên bước linh trình theo Chúa của mình. Nếu nhìn một cách tổng quát, chúng ta sẽ thấy nan đề hoạn nạn đã và sẽ xảy ra bởi những nguyên nhân như dưới đây.

Bởi Kết Quả Của Tội Lỗi

Chúng ta nhớ khi Đức Chúa Trời tạo dựng nên thế gian, có Ađam và Êva trong vườn Địa đàng thì Kinh Thánh gọi là "tốt lành" hay là "trọn vẹn" hoàn hảo. Nhưng, chẳng được bao lâu sau, bởi ảnh hưởng gian ác của Sa-tan đội lốt trong con rắn; đã khiến cho loài người phạm tội (bất vâng lời) nên sự rủa sả đã đến cho toàn trái đất và cho thế giới loài người (Sáng Thế chương 3). Thế gian và toàn thể nhân loại đã và đang sinh sống, sẽ bị hủy hoại vì tội lỗi ban đầu nầy; cũng từ đó, sinh, lão, bịnh, tử (sinh ra, già lão, bịnh hoạn, chết), đã xâm nhập vào thế giới loài người. Đây cũng là khởi điểm của những nan đề trong cuộc sống như: làm lụng cực nhọc, vất vả, khổ sở, đau đớn, bịnh tật và những tai họa khác…

Bởi nguyên nhân loài người đã phạm tội với Đức Chúa Trời, mà thế giới không còn tốt lành và trọn vẹn nữa; đồng thời có những tai họa tự nhiên như: đói kém, lụt lội, động đất…xảy ra mà loài người thường gọi là do thiên tai. Thiên ở đây là thiên nhiên, do tự nhiên vì tội lỗi là nguyên nhân xảy ra chứ không phải là do trời. Do trời chứ không phải là do "Trời". Chúng ta sẽ làm một soi sáng cho ý tưởng nầy như sau. Giả sử một người lái xe phạm luật, có thể là do uống rượu, chạy quá tốc độ, hay vượt đèn đỏ…rồi bị cảnh sát giao thông lập biên bản và đưa ra tòa. Khi vướng vào luật pháp nầy, người lái xe đó sẽ bị rắc rối với pháp luật, phải bỏ công ăn việc làm để đi hầu tòa, sẽ bị đóng tiền phạt, phải bị phạt lao động công ích, phải bị đình chỉ lái xe một thời gian, bị tăng điểm xấu dẫn đến tình trạng phải trả tiền bảo hiểm cao…tất cả những hậu quả xảy ra tiếp theo đó, đều là do hậu quả của hành động phạm pháp lúc ban đầu. Hằng năm, loài người hứng chịu biết bao nhiêu thiên tai với những thiệt hại về người và của. Với những thiên tai nầy loài người sẽ phải gánh chịu, rồi kèm theo với những tổn hại thiếu thốn, sẽ sanh ra những nan đề hoạn nạn, mà không ít người trong số nầy là những Cơ Đốc Nhân.

Bởi Bản Chất Tội Lỗi Của Mỗi Chúng Ta

Kinh Thánh chép, "Cho nên, như bởi một người mà tội lỗi vào trong thế gian, lại bởi tội lỗi mà có sự chết, thì sự chết đã trải qua trên hết thảy mọi người như vậy, vì mọi người đều phạm tội... " (Rôma 5: 12). Mọi người đều sinh ra với bản chất tội lỗi và mọi người đều có tội lỗi của cá nhân mình; hầu hết những nan đề của chúng ta là kết quả của những hành động tội lỗi mà chúng ta đã phạm: những lời nói vô ý bất cẩn hay cố ý, những hành động độc ác, ích kỷ, tham lam, ghen tỵ, hay những điều ưu tiên sai trật. Nhiều người đã và đang làm hại cơ thể mình bằng những chất độc như: ma túy, thuốc lá, rượu, hay bằng những hành động tội lỗi khác, có thể gây ra những nan đề cho cơ thể và cho cuộc sống của chính mình. Khi chúng ta phạm tội bằng sự bất tuân lời của Đức Chúa Trời, thì chúng ta có thể sẽ mang nhiều nan đề cho mình, như: đổ vỡ gia đình, gãy đổ những mối quan hệ dẫn đến buồn rầu, đau khổ, bệnh tật, ngay cả sự chết. Như lời Chúa đã phán, "Vì tiền công của tội lỗi là sự chết; nhưng sự ban cho của Đức Chúa Trời là sự sống đời đời trong Đức Chúa Jêsus Christ, Chúa chúng ta" (Rôma 6: 23)

Mặc dù là những Cơ Đốc Nhân, nhưng nan đề vẫn không lìa khỏi chúng ta, bởi vì chúng ta đã không làm theo những mạng lịnh của Chúa. Chúng ta có thể thấy nhiều nan đề hoạn nạn xảy ra cho con cái Ngài xưa và nay thường là do xâm phạm "Mười Điều Răn" của Đức Chúa Trời. Lại nữa, mỗi khi gặp nan đề hoạn nạn chúng ta đã không giải quyết theo cách của một Cơ Đốc Nhân, mà giống như cách của người thế gian. Cách thức giải quyết nan đề theo bản năng, theo người ngoại không có đức tin, sẽ khiến tạo ra những nan đề khác. Dần dần chúng ta bị bủa vây bởi những nan đề, rồi sinh ra lằm bằm bất lực, mất đi mối tương giao với Chúa và cuối cùng chúng ta sẽ bị đánh bại hoàn toàn. Vậy hãy nên nhớ rằng, khi gặp hoạn nạn nan đề thì phải có thái độ tích cực; càng có nan đề thì càng phải gần gũi với Chúa nhiều hơn. Một chân lý kỳ diệu ấy là, ngay cả khi chúng ta phạm tội, thì Đức Chúa Trời vẫn còn yêu chúng ta. Ngài sẽ giúp đỡ chúng ta tìm hướng giải quyết cho tất cả những nan đề mà chúng ta gặp phải, miễn là chúng ta ăn năn xưng tội và kêu xin với Ngài.

Chúng ta cũng biết rằng, nhiều khi những nan đề xảy ra hoàn toàn nằm ngoài tầm kiểm soát của mỗi người; bởi vì nó phát sinh từ những sức mạnh bên ngoài hoặc do những hành động của những người khác, như do thiên tai, do mất việc làm, do tai nạn hoặc là do chiến tranh. Vì bản chất của con người là có tác động qua lại với nhau, nên có những nan đề hoạn nạn của mình là do hành động bởi người khác. Một tôi tớ Chúa có lần đã nói, "We're all may be victimized now. But in Christ, you don't have to stay a victim. You can be a victor! " Nghĩa là "Tất cả chúng ta có thể bị dùng làm vật hy sinh bây giờ; nhưng trong Đấng Chrsit, bạn không còn là một nạn nhân, bạn là một người chiến thắng"

Kết Quả Do Sự Chọn Lựa Bởi Đức Tin Của Chúng Ta

Nan đề hoạn nạn xảy ra do sự chọn lựa và quyết định sai lầm của chúng ta, do sự bất cẩn, do thiếu hiểu biết, do xếp đặt ưu tiên không đúng chổ, hoặc có thể do điều gì đó được chúng ta cân nhắc kỷ càng trước khi quyết định. Nhưng kết quả xảy ra không theo điều chúng ta mong đợi, vì mỗi chúng ta đều không có sự khôn ngoan trọn vẹn. Tuy nhiên, đôi lúc chúng ta biết rõ điều mình chọn lựa là đúng đắn, tốt đẹp, theo ý Chúa, theo lời Chúa mà nan đề cũng xảy ra. Những nan đề nầy là nan đề mà Chúa chúng ta đã đề cập trong sách Tin Lành Giăng chương 16 câu 33 vậy.

Có nhiều ví dụ minh họa về điều nầy trong Kinh Thánh mà chúng ta có thể gọi là hoạn nạn bởi đức tin, chịu khổ vì danh Chúa, như Kinh Thánh Tân Ước đã đề cập, "người đời sẽ ghét các ngươi vô cớ"; hay "Vả lại, hết thảy mọi người muốn sống cách nhơn đức trong Đức Chúa Jêsus Christ, thì sẽ bị bắt bớ" (II Timôthê 3: 12) Trong sách Đaniên chương ba, chúng ta thấy câu chuyện về ba thanh niên Hêbơrơ đã chọn việc không quỳ xuống thờ lạy tượng vàng của vua; lựa chọn nầy là đồng nghĩa với cái chết, nhưng tạ ơn Đức Chúa Trời, Ngài đã giải cứu họ. Sứ đồ Phao-lô đã chọn việc rao giảng phúc âm và hầu việc Chúa trọn cuộc đời, mặc dầu điều nầy mang đến cho ông sự ngược đãi và cuối cùng là chết vì danh Chúa. Giáo sĩ Jim Elliot, người bị giết bởi bàn tay của người Da Đỏ Auca tại Nam Mỹ đã viết rằng, "He is no fool who gives what he can not keep to gain what he can not loose" nghĩa là "Người ta không dại dột khi ban cho những gì mình không giữ được để nhận lấy những gì mình không thể mất". Jim Elliot thà chọn những giá trị vĩnh cữu của thiên đàng, hơn là những lợi ích nhất thời của những giá trị trần gian; Hoạn nạn mà chúng đang nói đây là loại nan đề trả giá và hy sinh. Đây là hoạn nạn mà Chúa Jesus đề cập và muốn chúng ta mang, chỉ vì lợi ích cho chính mình và làm sáng danh Ngài. Cầu xin Chúa giúp con cái Chúa nhận thức rõ hoạn nạn trên linh trình, để đứng cách vững vàng và công bố sự chiến thắng trong vinh quang. Amen!

ĐẮC THẮNG TRONG HOẠN NẠN THỬ THÁCH

Đức Chúa Trời Quan Tâm Đến Chúng Ta

Như chúng đều biết, tin Chúa là một việc khó, mà theo Chúa và giữ Chúa là việc còn khó hơn; tại sao như vậy? Bởi vì tin Ngài thì dễ, nhưng khi hoạn nạn đến với đời sống chúng ta, mà chúng ta vẫn tin theo Ngài và giải quyết nan đề theo ý Ngài mới là khó. Đây là lý do theo Chúa khó theo nhận định của một số người. Nhiều Cơ Đốc Nhân theo Chúa nhưng họ rất ngạc nhiên vì sao theo Chúa làm điều lành, lánh điều dữ mà lại khó khăn với nhiều trở lực như vậy. Đôi khi, họ lại hỏi, tại sao Đức Chúa Trời Đấng tốt lành, quyền năng, lại để cho dân sự của Ngài khốn khổ? Nếu Ngài thật sự chăm sóc chúng ta, sao Ngài không cứu chúng ta thoát khỏi những nan đề hiện tại? Câu trả lời vì điều đó là ích lợi cho chúng ta, Ngài muốn thử thách đức tin chúng ta, Ngài muốn rèn luyện chúng ta trở thành một Cơ Đốc Nhân trưởng thành. Đức Chúa Trời không lấy sự chịu khổ của chúng ta làm vui thích, nhưng vì Ngài quan tâm đến chúng ta và Ngài muốn ích lợi cho chúng ta như sách (Rôma 8: 28) đã chép, "Vả, chúng ta biết rằng mọi sự hiệp lại làm ích cho kẻ yêu mến Đức Chúa Trời, tức là cho kẻ được gọi theo ý muốn Ngài đã định". Có vài lý do mà Đức Chúa Trời cho phép hoạn nạn xảy ra cho Cơ Đốc Nhân như sau:

1) Để thanh tẩy chúng ta nhằm chứng tỏ đức tin của chúng ta. Như lửa dùng để thử luyện vàng trở nên tinh ròng thể nào, thì hoạn nạn thử thách trong đời sống chúng ta mà Chúa cho phép xảy ra cũng thể ấy. Có một điều chúng ta cần lưu ý, Đức Chúa Trời Cha chúng ta, Ngài không cám dỗ chúng ta, nhưng Ngài có thử thách chúng ta, như có chép: "Phước cho người bị cám dỗ; vì lúc đã chịu nổi sự thử thách rồi, thì sẽ lãnh mão triều thiên của sự sống mà Đức Chúa Trời đã hứa cho kẻ kính mến Ngài. " (Giacơ 1: 12). Một tôi tớ Chúa đã nói, "God can use the worst things you’ve experienced in life for good to develop you into the person who He wants you to be" Nghĩa là, "Đức Chúa Trời có thể dùng điều tồi tệ nhất mà bạn đã kinh nghiệm trong cuộc sống vì lợi ích để phát triển bạn thành người mà Ngài muốn bạn trở thành"

2) Chúa muốn dạy dỗ sửa phạt chúng ta như con trai con gái của Ngài. Ngài làm điều nầy vì Ngài yêu chúng ta, Kinh Thánh bày tỏ rằng," Vì Chúa sửa phạt kẻ Ngài yêu, Hễ ai mà Ngài nhận làm con, thì cho roi cho vọt. Ví bằng anh em chịu sửa phạt, ấy là Đức Chúa Trời đãi anh em như con, vì có người nào là con mà cha không sửa phạt? Nhưng nếu anh em được khỏi sự sửa phạt mà ai nấy cũng phải chịu, thì anh em là con ngoại tình, chớ không phải con thật. Cha về phần xác sửa phạt, mà chúng ta còn kính sợ thay, huống chi Cha về phần hồn, chúng ta há chẳng càng nên vâng phục lắm để được sự sống sao? Vả, cha về phần xác theo ý mình mà sửa phạt chúng ta tạm thời, nhưng Đức Chúa Trời vì ích cho chúng ta mà sửa phạt, để khiến chúng ta được dự phần trong sự thánh khiết Ngài. Thật các sự sửa phạt lúc đầu coi như một cớ buồn bã, chớ không phải sự vui mừng; nhưng về sau sanh ra bông trái công bình và bình an cho những kẻ đã chịu luyện tập như vậy" (Hêbơrơ 12: 6- 11)

3) Hình thành bản tính của Đấng Christ trong chúng ta. Chúng ta nên nhớ một điều quan trọng, sự mong mỏi của Đức Chúa Trời cho mỗi chúng ta là trở nên giống như Con yêu dấu của Ngài là Đức Chúa Jesus Christ. Tân Ước chép, "Vì chúng ta không có thầy tế lễ thượng phẩm chẳng có thể cảm thương sự yếu đuối chúng ta, bèn có một thầy tế lễ bị thử thách trong mọi việc cũng như chúng ta, song chẳng phạm tội. " (Hêbơrơ 4: 15)

4) Để chúng ta có thể chia sẻ và giúp đỡ những người khác. Đức Chúa Trời muốn chúng ta kinh nghiệm những khó khăn để giúp đỡ, đáp ứng nhu cầu của người khác cách tốt hơn. Như Sứ đồ Phao-lô đã kinh nghiệm, "Chúc tạ Đức Chúa Trời, Cha Đức Chúa Jêsus Christ chúng ta, là Cha hay thương xót, là Đức Chúa Trời ban mọi sự yên ủi. Ngài yên ủi chúng tôi trong mọi sự khốn nạn, hầu cho nhơn sự yên ủi mà Ngài đã yên ủi chúng tôi, thì chúng tôi cũng có thể yên ủi kẻ khác trong sự khốn nạn nào họ gặp! " (II Côrinhtô 1: 3- 4)

5) Và cuối cùng là Chúa muốn dạy chúng ta nương dựa nơi Ngài. Chúa muốn chúng ta "trao phó mọi điều lo lắng của chúng ta cho Ngài, vì Ngài là Đấng hay chăm sóc chúng ta" (I Phierơ 5: 7). Sứ đồ Phao-lô đã học biết điều nầy khi ông phát biểu, "Vả, hỡi anh em, chúng tôi không muốn để anh em chẳng biết sự khốn nạn đã xảy đến cho chúng tôi trong xứ A-si, và chúng tôi đã bị đè nén quá chừng, quá sức mình, đến nỗi mất lòng trông cậy giữ sự sống. Chúng tôi lại hình như đã nhận án xử tử, hầu cho chúng tôi không cậy mình, nhưng cậy Đức Chúa Trời là Đấng khiến kẻ chết sống lại. Ấy chính Ngài đã cứu chúng tôi khỏi sự chết lớn dường ấy, và sẽ cứu chúng tôi; phải, chúng tôi còn mong Ngài sẽ cứu chúng tôi nữa. " (II Côrinhtô 1: 8- 10); Vị Sứ đồ thân cận với Cứu Chúa cũng kinh nghiệm điều tương tự, "Vậy những kẻ chịu khổ theo ý muốn Đức Chúa Trời, hãy cứ làm lành mà phó linh hồn mình cho Đấng Tạo hóa thành tín. " (I Phierơ 4: 19)

Thái Độ Của Chúng Ta Trong Hoạn Nạn

Sứ đồ Phierơ tập trung vào lợi ích trong hoạn nạn khi ông chép, "Anh em vui mừng về điều đó, dầu hiện nay anh em vì sự thử thách trăm bề buộc phải buồn bã ít lâu; hầu cho sự thử thách đức tin anh em quí hơn vàng hay hư nát, dầu đã bị thử lửa, sanh ra ngợi khen, tôn trọng, vinh hiển cho anh em khi Đức Chúa Jêsus Christ hiện ra… Hỡi kẻ rất yêu dấu, khi anh em bị trong lò lửa thử thách, chớ lấy làm lạ như mình gặp một việc khác thường. Nhưng anh em có phần trong sự thương khó của Đấng Christ bao nhiêu, thì hãy vui mừng bấy nhiêu, hầu cho đến ngày vinh hiển của Ngài hiện ra, thì anh em cũng được vui mừng nhảy nhót. Ví bằng anh em vì cớ danh Đấng Christ chịu sỉ nhục, thì anh em có phước; vì sự vinh hiển và Thánh Linh của Đức Chúa Trời đậu trên anh em. " (I Phierơ 1: 6-7; 4: 12- 14). Thánh Phao-lô có cùng sự bày tỏ khi phát biểu rằng, "Vì sự hoạn nạn nhẹ và tạm của chúng ta sanh cho chúng ta sự vinh hiển cao trọng đời đời, vô lượng, vô biên" (II Côrinhtô 4: 17) Những cây mọc ở đồng bằng và nơi khí hậu hiền hòa, thì gỗ của nó thường là mềm và ít có giá trị; còn những cây mọc ở những nơi núi non hiểm trở, khí hậu khắc nghiệt, thì cây đó cho ra gỗ cứng cáp và quí giá biết bao. Con sâu tự xé lớp võ kén ra sẽ trở thành con Bướm xinh đẹp; còn nếu chúng ta giúp xé vỏ kén ra thì nó sẽ chết.

Với những lợi ích thiết thực trong hoạn nạn như vậy, Cơ Đốc Nhân phải có thái độ như thế nào? Chúng ta phải vui mừng, phải phát huy sự kiên trì nhẫn nại vốn dẫn đến sự tăng trưởng thuộc linh. Có một lý do giải thích vì sao chúng ta được dạy dỗ phải vui mừng trong hoạn nạn thử thách. Điều nầy được chép trong sách (Nêhêmi 8: 10) như sau," …Chớ buồn thảm, vì sự vui vẻ của Đức Giê-hô-va là sức lực của các ngươi". Mục đích của Đức Chúa Trời cho những hoạn nạn thử thách là để đức tin chúng ta trở nên quí hơn vàng, sanh ra sự ngợi khen, tôn trọng và vinh hiển khi Chúa Jesus hiện ra. Cha của chúng ta muốn chúng ta kiên trì, bền đổ và chứng minh đức tin của chúng ta là một đức tin chân thật. Bên cạnh đó, Ngài hứa ở cùng chúng ta mọi lúc mọi khi và cho đến tận thế; Ngài còn hứa ban ân điển là quyền năng thêm sức của Ngài cho chúng ta mỗi ngày. Trong lãnh vực nầy, thiết tưởng không có ai dày dạn kinh nghiệm như Sứ đồ Phao-lô; chúng ta hãy nghe ông phát biểu về từng trải của ông, "Nhưng Chúa phán rằng: Ân điển ta đủ cho ngươi rồi, vì sức mạnh của ta nên trọn vẹn trong sự yếu đuối. Vậy, tôi sẽ rất vui lòng khoe mình về sự yếu đuối tôi, hầu cho sức mạnh của Đấng Christ ở trong tôi. Cho nên tôi vì Đấng Christ mà đành chịu trong sự yếu đuối, nhuốc nha, túng ngặt, bắt bớ, khốn khó; vì khi tôi yếu đuối, ấy là lúc tôi mạnh mẽ" (II Côrinhtô 12: 9- 10)

Khi đối diện với hoạn nạn thử thách, không những chúng ta phải có thái độ vui mừng, nhẫn nại và tin cậy, mà còn phải bày tỏ lòng biết ơn Chúa nữa; Kinh Thánh dạy chúng ta rằng, "phàm việc gì cũng phải tạ ơn Chúa; vì ý muốn của Đức Chúa Trời trong Đức Chúa Jêsus Christ đối với anh em là như vậy. " (I Têsalônica 5: 18). Câu Kinh Thánh trên cho chúng ta biết, hoạn nạn nan đề xảy ra trong đời sống của Cơ Đốc Nhân là chương trình của Đức Chúa Trời. Nếu chúng ta vẫn yêu mến Ngài, sống trong sự hiện diện của Ngài, mà đang trong hoạn nạn nào đó, thì hãy biết rằng đó là chương trình tốt lành mà Đức Chúa Trời dành cho cuộc đời mình.

Đức Chúa Trời không dẫn chúng ta vào trong một cuộc đời thảnh thơi, vô tư chẳng ý nghĩa; Kinh Thánh dạy chúng ta rằng Đức Chúa Trời có thể cho phép những cơn bão mãnh liệt (hoạn nạn to lớn) đến với cuộc sống của chúng ta. Nhưng Ngài sẽ luôn ở với chúng ta trong những cơn bão đó; và xuyên qua nó, chúng ta sẽ khám phá được quyền năng của ĐCT cùng với sự kiểm soát của Ngài trong cuộc đời của chúng ta, và tất cả mọi điều chung quanh chúng ta. Amen!

ĐẮC THẮNG TRONG SỰ CÁM DỖ

Kẻ Cám Dỗ Chúng Ta Đối Diện

Từ buổi đầu sáng thế, Êva đã bị cám dỗ; xuyên suốt dòng lịch sử của nhân loại sự cám dỗ vẫn tiếp tục tồn tại và ngày càng tinh vi dữ dội hơn bao giờ hết. Tại sao sự cám dỗ đến và làm phiền tất cả chúng ta? Chúng ta có thể đắc thắng sự cám dỗ được chăng? Câu trả lời là, bởi vì tất cả chúng ta đều là mục tiêu của kẻ cám dỗ; tất cả cảm thấy sự cám dỗ của thế gian và đều kinh nghiệm những thèm muốn của xác thịt. Chúa Jesus cũng bị cám dỗ, nhưng Ngài đã đắc thắng và để lại cho chúng ta một tấm gương để chúng ta cũng chiến đấu và chiến thắng như Ngài.

Kinh Thánh cho chúng ta biết chúng ta có một kẻ thù, "Hãy tiết độ và tỉnh thức: kẻ thù nghịch anh em là ma quỉ, như sư tử rống, đi rình mò chung quanh anh em, tìm kiếm người nào nó có thể nuốt được" (I Phierơ 5: 8). Sa-tan được ví sánh như một con sư tử rống, nó tiếp tục tìm kiếm những nạn nhân. Sa-tan là nguồn của sự cám dỗ, nó cám dỗ trong vườn Ê-đen (Sáng Thế chương 3); nó cám dỗ Chúa Jesus (Mathiơ chương 4). Kẻ cám dỗ là một kẻ lừa gạt (II Côrinhtô11: 3) "Nhưng tôi ngại rằng như xưa Ê-va bị cám dỗ bởi mưu chước con rắn kia, thì ý tưởng anh em cũng hư đi, mà dời đổi lòng thật thà tinh sạch đối với Đấng Christ chăng" và "Nào có lạ gì, chính quỉ Sa-tan mạo làm thiên sứ sáng láng. " (II Côrinhtô 11: 4). Kẻ cám dỗ là một kẻ nói dối, "Các ngươi bởi cha mình, là ma quỉ, mà sanh ra; và các ngươi muốn làm nên sự ưa muốn của cha mình. Vừa lúc ban đầu nó đã là kẻ giết người, chẳng bền giữ được lẽ thật, vì không có lẽ thật trong nó đâu. Khi nó nói dối, thì nói theo tánh riêng mình, vì nó vốn là kẻ nói dối và là cha sự nói dối" (Giăng 8: 44). Và cuối cùng, kẻ cám dỗ là một tên trộm cướp, "Kẻ trộm chỉ đến để cướp giết và hủy diệt; còn ta đã đến, hầu cho chiên được sự sống và được sự sống dư dật. " (Giăng 10: 10).

Sách Giacơ chương 1 câu 12 có chép, "Phước cho người bị cám dỗ; vì lúc đã chịu nổi sự thử thách rồi, thì sẽ lãnh mão triều thiên của sự sống mà Đức Chúa Trời đã hứa cho kẻ kính mến Ngài". Theo nguyên văn tiếng Hy-lạp, chữ "Peirasmon-G3986" có hai nghĩa, nó vừa có nghĩa là "cám dỗ - temptation" vừa có nghĩa là "thử thách – trial". Chúng ta đều biết rằng, Đức Chúa Trời không thể bị cám dỗ mà Ngài cũng không hề cám dỗ ai. Sự thử thách mà Ngài mang đến cho dân sự của Ngài thông qua những nghịch cảnh (adversity) và những nỗi đau đớn (affliction), nhằm khích lệ, cải thiện đức tin và sự tin cậy của họ. Trái lại, khi ma quỉ cám dỗ thì mục đích của nó là làm cho người nào đó sa ngã, thất bại và cuối cùng là bị hủy diệt. Vì thế, kẻ cám dỗ loài người nói chung và Cơ Đốc Nhân nói riêng, không ai khác chính là Satan cùng các quỉ sứ của nó, là kẻ thù nghịch truyền kiếp với Đức Chúa Trời.

Trong 3 tháng đầu của cuộc chiến Hoa-Nhật, quân đội Trung Hoa bị thiệt hại mất nhiều chiến xa nên không thể đương đầu với binh giáp Nhật Bản, cho đến khi họ tìm được một kế hoạch như sau: Từ chỗ phục kích, một người bắn giỏi sẽ bắn 1 phát vào chiến xa Nhật. Sau tiếng súng thứ nhất cách một khoảng thời gian, sẽ bắn tiếp tiếng thứ 2. Rồi nghĩ lâu hơn một chút nữa, mới bắn luôn tiếng thứ 3 và cứ như thế cho đến khi tài xế chiến xa muốn tìm ra manh mối, sẽ thò đầu ra nhìn chung quanh…và bị thiện xạ hạ gục. Hễ còn ở bên trong chiến xa anh ta còn được an toàn, mà ra khỏi chiến xa thì sẽ gặp nguy hiểm. Kế hoạch nầy được đặt ra, nhằm kéo anh ta ra ngoài chiến xa. Cũng một thể ấy, cám dỗ của Satan trước hết không nhằm xui khiến chúng ta làm điều gì để phạm tội, nhưng nhằm khiến chúng ta hành động với sức riêng của mình, và ngay khi chúng ta bước ra khỏi nơi trú ẩn để hành động cho tiêu chuẩn đó, chúng ta sẽ vươn vào bẫy của nó và bị hạ gục. Chúa là vầng đá và là nơi nương náu của chúng ta, Ngài là đồn lũy của chúng ta; nếu khi nào chúng ta bước ra khỏi "chiến xa" đó, chúng ta cũng sẽ rơi vào bẫy của ma quỉ y như vậy.

Lý do chúng ta rơi vào trong sự cám dỗ mà Sứ đồ Gia-cơ đã cho biết, "Chớ có ai đang bị cám dỗ mà nói rằng: Ấy là Đức Chúa Trời cám dỗ tôi; vì Đức Chúa Trời chẳng bị sự ác nào cám dỗ được, và chính Ngài cũng không cám dỗ ai. Nhưng mỗi người bị cám dỗ khi mắc tư dục xui giục mình. Đoạn, lòng tư dục cưu mang, sanh ra tội ác; tội ác đã trọn, sanh ra sự chết. " (Gia-cơ 1: 15). Theo Chúa đòi hỏi phải chết đi bản ngã, "Tôi đã bị đóng đinh vào thập tự giá với Đấng Christ, mà tôi sống, không phải là tôi sống nữa, nhưng Đấng Christ sống trong tôi; nay tôi còn sống trong xác thịt, ấy là tôi sống trong đức tin của Con Đức Chúa Trời, là Đấng đã yêu tôi, và đã phó chính mình Ngài vì tôi" (Galati 2: 20) Quí vị đã được tái sanh chưa? Tiến Sĩ T. J. Bach đã nói: "God often permits us to be perplexed so that we may learn patience and so that we may better recognize our dependence upon Him" Nghĩa là: "ĐCT thường cho phép chúng ta bị lúng túng (hay bị bối rối) ngõ hầu chúng ta có thể học được sự kiên nhẫn và để chúng ta nhận thức tốt hơn sự tin cậy của chúng ta đặt ở trên Ngài"

Ma quỉ thường cám dỗ con người trong ba lãnh vực: tiền bạc, tình cảm và sự tự tôn mà có người ví sánh là 3 gờ (gold, girl, glory). Về tiền bạc vật chất thì Chúa đã cảnh tỉnh chúng ta trong (I Timôthê 6: 6- 10) "Vả, sự tin kính cùng sự thỏa lòng ấy là một lợi lớn. Vì chúng ta ra đời chẳng hề đem gì theo, chúng ta qua đời cũng chẳng đem gì đi được. Như vậy, miễn là đủ ăn đủ mặc thì phải thỏa lòng; Còn như kẻ muốn nên giàu có, ắt sa vào sự cám dỗ, mắc bẫy dò, ngã trong nhiều sự tham muốn vô lý thiệt hại kia, là sự làm đắm người ta vào sự hủy diệt hư mất. Bởi chưng sự tham tiền bạc là cội rễ mọi điều ác, có kẻ vì đeo đuổi nó mà bội đạo, chuốc lấy nhiều điều đau đớn. Cám dỗ về tư dục thì Kinh Thánh cũng cho biết, "Chớ yêu thế gian, cũng đừng yêu các vật ở thế gian nữa; nếu ai yêu thế gian, thì sự kính mến Đức Chúa Cha chẳng ở trong người ấy. Vì mọi sự trong thế gian, như sự mê tham của xác thịt, mê tham của mắt, và sự kiêu ngạo của đời, đều chẳng từ Cha mà đến, nhưng từ thế gian mà ra. Vả thế gian với sự tham dục nó đều qua đi, song ai làm theo ý muốn Đức Chúa Trời thì còn lại đời đời. " (I Giăng 2: 12- 15). Sau cùng, chúng ta hãy nên nhớ sự tự tôn, kiêu ngạo, muốn nên tôn trọng là bản chất của Sa-tan. Cũng vì điều nầy mà nó đã phản loạn và bị loại bỏ khỏi thiên đàng vinh hiển, để chờ đợi sự phán xét hư mất đời đời của Đức Chúa Trời chúng ta.

Lời hứa Của Chúa

Đức Chúa Trời của chúng ta là người Cha thật tuyệt vời, Ngài cho phép Sa-tan cám dỗ chúng ta, để rèn luyện trưởng dưỡng chúng ta; đồng thời Ngài cũng hứa mở cho chúng ta một con đường để ra khỏi sự cám dỗ đó. Câu Kinh Thánh mang lại sự đắc thắng cho Cơ Đốc Nhân trong mọi thời đại khi bị cám dỗ đó là, "Những sự cám dỗ đến cho anh em, chẳng có sự nào quá sức loài người. Đức Chúa Trời là thành tín, Ngài chẳng hề cho anh em bị cám dỗ quá sức mình đâu; nhưng trong sự cám dỗ, Ngài cũng mở đàng cho ra khỏi, để anh em có thể chịu được. " (I Côrinhtô 10: 13). Chúa là Đấng thành tín, Đấng giữ lời hứa đời đời; Ngài sẽ giới hạn sự cám dỗ mà Sa-tan thực hiện trên con cái yêu dấu của Ngài. Ngài biết sức lực của mỗi chúng ta, Ngài cũng biết thời giờ để mà chấm dứt sự cám dỗ đó; Ngợi khen Cha kính yêu của chúng ta. Joseph đã chiến thắng sự cám dỗ vì bỏ chạy (Sáng thế 39). Có trận chiến mà đôi khi người bỏ chạy chính là người thắng cuộc; mỗi Cơ Đốc Nhân hãy nên nhớ rằng, bất cứ sự cám dỗ nào trên thế gian nầy, chúng ta cũng sẽ là người chiến thắng. Trong khi bị cám dỗ hãy nói chúng ta là người có thể, đừng nói tiêu cực; Đức Chúa Trời đảm bảo bạn đứng lên với một cơ hội. Ân điển của Ngài là có đủ cho thử thách ngày hôm nay, vì có lời chép rằng, "Nhưng Chúa phán rằng: Ân điển ta đủ cho ngươi rồi, vì sức mạnh của ta nên trọn vẹn trong sự yếu đuối. Vậy, tôi sẽ rất vui lòng khoe mình về sự yếu đuối tôi, hầu cho sức mạnh của Đấng Christ ở trong tôi. " Amen!

Chúng Ta Thắng Hơn Sự Cám Dỗ

Chúng ta được trang bị để thắng hơn kẻ thù mạnh sức nầy; vì mỗi sự cám dỗ đòi hỏi có một phương cách để trốn thoát. Kinh Thánh cung cấp cho chúng ta một số điều để chúng ta tránh khỏi hay đương đầu và đắc thắng như dưới đây:

1) Hãy Tiết Độ và Tỉnh Thức," Hãy tiết độ và tỉnh thức: kẻ thù nghịch anh em là ma quỉ, như sư tử rống; đi rình mò chung quanh anh em, tìm kiếm người nào nó có thể nuốt được. " (I Phierơ 5: 8); và "hầu đừng để cho quỉ Sa-tan thắng chúng ta, vì chúng ta chẳng phải là không biết mưu chước của nó" (II Côrinhtô 2: 11)

2) Chống trả ma quỉ (Giacơ 4: 7) "Vậy hãy phục Đức Chúa Trời; hãy chống trả ma quỉ, thì nó sẽ lánh xa anh em."; và "Hỡi kẻ rất yêu dấu, anh em như người ở trọ, kẻ đi đường, tôi khuyên phải kiêng những điều xác thịt ưa thích, là điều chống trả với linh hồn. (I Phierơ 2: 11)

3) Trang Bị Khí Giới (Êphêsô 6: 10- 18) "Vả lại, anh em phải làm mạnh dạn trong Chúa, nhờ sức toàn năng của Ngài. Hãy mang lấy mọi khí giới của Đức Chúa Trời, để được đứng vững mà địch cùng mưu kế của ma quỉ. Vì chúng ta đánh trận, chẳng phải cùng thịt và huyết, bèn là cùng chủ quyền, cùng thế lực, cùng vua chúa của thế gian mờ tối nầy, cùng các thần dữ ở các miền trên trời vậy. Vậy nên, hãy lấy mọi khí giới của Đức Chúa Trời, hầu cho trong ngày khốn nạn, anh em có thể cự địch lại và khi thắng hơn mọi sự rồi, anh em được đứng vững vàng. Vậy, hãy đứng vững, lấy lẽ thật làm dây nịt lưng, mặc lấy giáp bằng sự công bình, dùng sự sẵn sàng của Tin Lành bình an mà làm giày dép. Lại phải lấy thêm đức tin làm thuẫn, nhờ đó anh em có thể dập tắt được các tên lửa của kẻ dữ. Cũng hãy lấy sự cứu chuộc làm mão trụ, và cầm gươm của Đức Thánh Linh, là lời Đức Chúa Trời. Hãy nhờ Đức Thánh Linh, thường thường làm đủ mọi thứ cầu nguyện và nài xin. Hãy dùng sự bền đổ trọn vẹn mà tỉnh thức về điều đó, và cầu nguyện cho hết thảy các thánh đồ".

4) Chúng Ta Có Lời Của Đức Chúa Trời, Chúa Jesus đã dùng Lời đã chép để đánh bại Sa-tan. Tác giả Thi Thiên cũng giúp chúng ta một bí quyết, "Tôi đã giấu lời Chúa trong lòng tôi, Để tôi không phạm tội cùng Chúa" (Thi Thiên 119: 11)

5) Chúng Ta Có Đức Thánh Linh, "Hỡi các con cái bé mọn, phần các con, là thuộc về Đức Chúa Trời, đã thắng được họ rồi, vì Đấng ở trong các con là lớn hơn kẻ ở trong thế gian" (I Giăng 4: 4). Đức Thánh Linh đang ở bên trong mỗi Cơ Đốc Nhân, Đức Thánh Linh là lớn hơn trong quyền năng đối với kẻ thù của chúng ta. Quí vị có ĐTL ở cùng không? Hãy đầu phục Ngài thì sẽ đắc thắng!

Trong những ngày tối tăm nhất Đức Chúa Trời mở một con đường; có phải quí vị đang chịu đựng sự cám dỗ ngày hôm nay? Có phải bạn gần bị đánh bại không? Có phải bạn nhường cho kẻ cám dỗ? Chúa của chúng ta đã đối mặt với kẻ cám dỗ và đánh bại nó, Ngài cũng sẽ ban sức mạnh và ân điển cho qúi vị để đắc thắng. Tiến Sĩ T. J. Bach đã nói: "The grace of God in our lives grows best in times of adversity just as the roots of a tree go deeper during cold weather and on cloudy days" Nghĩa là: "Ân điển của ĐCT trong đời sống chúng ta lớn lên tốt nhất trong thời gian của nghịch cảnh, như những rể cây đâm sâu hơn trong thời tiết lạnh giá và trong những ngày u ám"

KẾT LUẬN

Các anh hùng của đức tin đã sống một đời sống đắc thắng trong mọi hoàn cảnh; Nếu chúng ta chiến thắng được nghịch cảnh, hoạn nạn và thử thách; nếu chúng ta chiến thắng được sự cám dỗ mà ma quỉ giăng ra; và nếu chúng ta là một CĐN đầy dẫy ĐTL... thì chúng ta là những người sống một đời sống đắc thắng và kết quả vinh hiển cho danh Chúa. Ngày nay, cho dù bạn và tôi đang sống trong hoàn cảnh nào, hãy nói cách dõng dạc như Sứ đồ Phao-lô, "Nhưng, tạ ơn Đức Chúa Trời đã cho chúng ta sự thắng, nhờ Đức Chúa Jêsus Christ chúng ta. " Amen! Halêlugia!

(5 / 2014)

Mục Sư Ngô Đình Can