Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 7

Người Cha Trong Gia Đình Tin Chúa

Kinh thánh: Thi-thiên 127.

Câu ghi nhớ: Thi-thiên 127: 3; Sáng thế ký 18:19.

(Kính tặng những người cha kính yêu)

@ DẪN NHẬP:

+ Nói về tầm quan trọng của Thi-thiên trong Kinh thánh.

-Thi-thiên là một trong 5 sách Văn thơ của Kinh thánh (Gióp, Thi-thiên, Châm Ngôn, Truyền Đạo và Nhã Ca). Nó là sách Thánh ca quý báu của dân Y-sơ-ra-ên thời xưa. Thi-thiên là của bài thơ tự tận đáy lòng sâu thẳm của những người tin kính Chúa, khi họ trải qua những kinh nghiệm riêng tư, phước hạnh khi bước đi theo Ngài, dâng lên cho Đấng mình đang tôn thờ. Người ta nói rằng “Nếu Thi-thiên dạy ta cách bước đi với Đức Chúa Trời, thì Châm Ngôn là sách dạy ta cách cử xử với con người.”

-Thi-thiên đã được Chúa Giê-su và các tác giả Tân Ước trích dẫn nhiều lần và trở thành một kho tàng thi ca quý báu của Hội thánh Chúa trong các lễ thờ phượng ngay từ thuở ban đầu.

+ Sách Thi-thiên do nhiều người viết, Đa-vít viết gần phân nửa, còn lại là các bài thơ của A-sáp, con cháu Cô-rê, Sa-lô-môn, Môi-se…

-Sa-lô-môn (SLM) đóng góp 2 bài thơ rất hay trong Thi-thiên là Thi-thiên 72 và Thi-thiên 127.

-Giới thiệu Thi-thiên 127: Thi-thiên nầy nói đến tầm quan trọng của Đức Chúa Trời trong cuộc sống của con người, nhất là trong gia đình của chúng ta.

+ Nhân Chúa nhật mừng ngày Lễ Cha hôm nay, xin mời Hội thánh cùng tôi suy gẫm với nhau Thi-thiên quý báu nầy với đề tài: “NGƯỜI CHA TRONG GIA ĐÌNH TIN CHÚA.” với mấy phần sau đây:

I./ PHẢI ĐỂ CHÚA LÀM CHỦ TRONG GIA ĐÌNH (C. 1-2):

1./ Chúng ta biết rằng Đức Chúa Trời đã ban hôn nhân cho con người, và Ngài đặt để người chồng làm đầu gia đình, chứ không phải người vợ. Những gia đình Cơ-đốc ngày hôm nay có còn giữ được trật tự nầy trong gia đình mình không? Hay là đã đảo lộn trật tự nầy rồi? Nếu gia đình nào đã đảo lộn trật tự nầy thì gia đình đó sẽ bị đảo lộn. Có một câu nói rất hay rằng: “Nhà cửa sẽ đảo lộn khi con gà mái gáy to hơn con gà trống.”

Thứ tự đẹp đẽ trong gia đình tin kính Chúa phải là:

Chúa –Cha – Mẹ - Con cái.

Câu chuyện: Một người hỏi vợ của một phi công rằng cô có muốn lái phi cơ không? Cô trả lời vui là tôi muốn lái …phi công hơn là lái phi cơ.

Người Việt Nam ta có câu: “Đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm” là nói đến vai trò của người cha người mẹ trong việc xây dựng gia đình của mình. Người chồng, người cha thường chịu trách nhiệm chính trong việc sinh kế, kiếm tiền về để nuôi sống cả gia đình; còn người vợ, người mẹ thì thường lo công việc trong gia đình, chăm sóc con cái, xây dựng tổ ấm của gia đình cho được tốt đẹp. Ngày hôm nay, nhiều gia đình cả cha và mẹ đều có thể đi làm kiếm tiền để lo cho gia đình và cả cha lẫn mẹ đều góp phần chăm lo, dạy dỗ con cái để cùng xây dựng một tổ ấm cho gia đình mình. Nói chung, để xây dựng một gia đình đầm ấm, hạnh phúc, thì mỗi thành viên trong gia đình đều phải biết góp phần của mình vào trong đó. Nhưng vai trò của người cha vẫn là vai trò làm đầu trong gia đình theo như lời Chúa dạy cho chúng ta (Ê-phê-sô 5: 22-23).

Để gia đình chúng ta là những người tin Chúa được phước hạnh từ Chúa ban cho, thì hơn ai hết người chồng, người cha phải biết đặt để Chúa lên trên hết trong gia đình của mình.

+ Kinh thánh cho biết tác hại của việc xây cất nhà, canh giữ thành mà không có Chúa dẫn dắt: Luống công, vô ích . Ít nhất 3 lần từ “Luống công”, “Uổng công” được lặp đi lặp lại trong 2 câu thơ cho thấy SLM muốn nhấn mạnh sự thất bại là chắc chắn với gia đình nào không để Chúa dẫn dắt gia đình mình đi trong sự hướng dẫn của Ngài. (A-ghê 1: 6)

Ca dao: “Dã tràng xe cát biển đông. Nhọc nhằn mà chẳng nên công cán gì.”

Nếu không để Chúa cai trị trong gia đình, thì chúng ta có nhọc nhằn, vất vả bao nhiêu để lo xây dựng gia đình mình thì cũng “chẳng nên công cán gì” đâu thưa với Hội thánh, thưa với những người làm cha làm mẹ, nhất là những người cha là những người làm đầu trong gia đình.

Châm- ngôn 3: 5-6.

Thi-thiên 128 mô tả rất rõ ràng hình ảnh một gia đình có phước là một gia đình có người cha là người chủ gia đình kính sợ Chúa. Câu 1: “Phước cho người nào kính sợ Đức Giê-hô-va. Đi trong đường lối Ngài.”

Người cha kính sợ Chúa là người cha như thế nào? Là người cha “đi trong đường lối Ngài.” Có nghĩa là vâng giữ và làm theo lời Ngài và hướng dẫn vợ con đi theo con đường ấy. Người cha kính sợ Chúa là người cha biết quý trọng những giá trị thuộc linh hơn những giá trị thuộc thể, biết ham mến các sự ở trên trời hơn là ham mến các sự ở dưới đất, biết quý trọng đời sống đạo đức hơn là những giá trị vật chất.

Có một câu nói rất chí lý như thế nầy: “Người không có tiền là người nghèo, nhưng người chỉ biết có tiền không thôi mới là người nghèo nhất.”

Câu chuyện về xây Vạn lý trường thành: Người Trung Hoa ngày xưa, để ngăn quân thù từ phương Bắc tràn xuống tấn công đất nước mình, họ đã cho xây Vạn lý trường thành. Bức tường nầy dài hơn 2. 000 km. Rộng từ 4m – 12m. Cao từ 6m – 15m. Bức tường quá dày, kẻ thù không thể đánh đổ được; quá dài, kẻ thù không thể đi hết được và quá cao, kẻ thù không thể trèo lên trên để vào bên trong được.

Thế nhưng, ngay sau năm đầu tiên từ khi bức tường hoàn thành, người Trung Hoa đã bị kẻ thù tấn công đến 3 lần. Kẻ thù không tìm cách vượt qua bức tường thành, nhưng họ đã mua chuộc những quan trấn giữ cửa thành. Sai lầm thảm hại trong sự phòng vệ của người Trung Hoa ở đây là họ đã dùng rất nhiều của cải để xây dựng bức tường, nhưng lại lơ là trong việc xây dựng phẩm hạnh của những quan quân trong triều đình mình.

Đạo đức mới là bức tường rào an toàn, lâu bền nhất cho gia đình chúng ta. Là những người cha tin kính Chúa, chúng ta phải biết rằng xây dựng cho gia đình mình một nếp sống tin kính Chúa, gần gũi, thân thiết với Chúa mới là điều quan trọng hơn hết. Để Chúa làm chủ trong việc xây cất nhà cho gia đình chúng ta, để Chúa làm chủ trong việc coi giữ thành, thì gia đình chúng ta chắc chắn sẽ được phước. Nếu chúng ta loại Chúa ra khỏi trong việc xây dựng gia đình mình, thì coi chừng là chúng ta đang bán đứng linh hồn mình, bán đứng gia đình mình, con cái mình cho quỷ dữ.

Gióp là người cha kính sợ Chúa, biết chăm sóc đời sống thuộc linh của con cái (Gióp 1: 5)

2./ Phước hạnh của việc để Chúa làm chủ trong gia đình: Bình an (Giấc ngủ):

-Khi nhìn thấy một người đang nằm ngủ thì chúng ta thấy điều gì? Có thấy họ bồn chồn, lo lắng không? Không! Có thấy họ sợ sệt điều gì không? Không! Chúng ta thấy họ hoàn toàn bình an.

Thi-thiên 4: 8, vua Đa-vít đã kinh nghiệm điều đó.

-Khi chúng ta kính sợ Chúa, khi người cha kính sợ Chúa, biết để Chúa hướng dẫn gia đình mình thì ai muốn bon chen, lo lắng, lao khổ trong cuộc sống thì Chúa cứ để mặc họ trong những nỗi khổ đó, nhưng mình vẫn được bình an, gia đình mình vẫn được bình an, vì Chúa hứa “ban giấc ngủ cho những ai yêu mến Ngài.”

Hỡi quý con cái Chúa yêu dấu, hỡi những người cha Cơ-đốc, hãy là những người làm đầu trong gia đình biết đặt để Chúa lên trên hết trong gia đình, để Chúa làm chủ, cai trị gia đình mình, cầu xin Ngài hướng dẫn mọi sự cho gia đình mình, thì chắc chắn gia đình của mình sẽ được bình an, phước hạnh (Ê-sai 58: 11).

II./ PHẢI NHẬN BIẾT CON CÁI LÀ PHẦN THƯỞNG CHÚA BAN (C. 3):

1./ Con cái là cơ nghiệp Chúa ban cho (C. 3a):

+ Có không ít người quan niệm rằng: “Con là nợ, vợ là oan gia”. Đó không phải là quan niệm đến từ Kinh thánh. Kinh thánh dạy cho chúng ta rất rõ rằng “Con cái là cơ nghiệp Chúa ban cho, là phần thưởng của Chúa dành cho vợ chồng.”

Chúng ta, nhất là những người cha Cơ-đốc phải nhận biết con cái là cơ nghiệp Chúa ban cho (C. 3a)

-Cơ nghiệp là nói đến một cái gì đó quý giá mà một người hay một gia đình có được.

Đa-vít và Giê-rê-mi đều xem Chúa là cơ nghiệp của mình. (Thi-thiên 16: 5-6; Ca-thương 3: 24)

Ở đây Kinh thánh dạy chúng ta biết “con cái là cơ nghiệp” của Chúa ban cho.

Những người cha người mẹ Cơ-đốc có xem con cái là cơ nghiệp phước hạnh, quý báu mà Chúa ban cho chúng ta hay không? Nếu chúng ta xem con cái là cơ nghiệp Chúa ban cho, thì chúng ta sẽ yêu thương con cái, nuôi nấng, chăm sóc chúng nó hết mình với một niềm vui và hạnh phúc, chứ không than vãn, kêu ca. Còn nếu chúng ta xem con cái là cái của nợ, thì chúng ta sẽ dễ dàng bỏ bê chúng nó, không quan tâm đến chúng nó đúng như lời Chúa dạy. Có câu nhiều người hay nói vui là “Vợ mình là con người ta, con mình do vợ đẻ ra. Suy đi tính lại chẳng bà con chi.” Chẳng bà con chi nên mắc mớ chi phải lo lắng, phải quan tâm??? Đó chỉ là câu nói đùa cho vui mà thôi.

2./ Con cái là phần thưởng của Chúa (C. 3b):

+ Phần thưởng là nói đến một điều gì đó rất quý, rất ý nghĩa mà một người nhận được.

Khi vợ chồng sống với nhau, ăn ở với nhau thì sẽ sinh ra bông trái của vợ chồng. Và bông trái đó không chi khác hơn là con cái mà Chúa ban cho chúng ta. Con cái không chỉ là cơ nghiệp mà còn Kinh thánh còn cho biết đó là phần thưởng từ Chúa cho nữa.

+ Không ai trong chúng ta mà không vui mừng khi được nhận phần thưởng cả. Khi đi học hay là khi chúng ta tham dự thi Kinh thánh mà được phần thưởng thì chúng ta rất là vui mừng, phấn khởi. Khi Chúa cho có một đứa con ra đời trong gia đình chúng ta, thì cả gia đình ai nấy đều vui mừng khôn xiết, vì có thêm được một thành viên mới trong gia đình. Đó chính là phần thưởng mà vợ chồng nhận được từ Chúa vậy.

-Cơ nghiệp và phần thưởng đều nói đến những gì quý giá nhất mà một người có được.

Hỡi những bậc làm cha mẹ, hãy vui mừng vì Chúa đã ban cho mình có được những đứa con yêu quý trong gia đình. Đó là cơ nghiệp, là phần thưởng rất quý báu của chúng ta.

Chúng ta không thể đem vào Thiên đàng nhà cửa hay xe cộ của mình, mà chúng ta chỉ có thể đem được vào Thiên đàng với những đứa con mà Ngài đã ban cho chúng ta mà thôi.

Đừng ai trong chúng ta có suy nghĩ “Con là nợ, vợ là oan gia”. Con cái là một phước hạnh, chứ không phải là gánh nặng. Chúng ta phải nhận biết con cái là cơ nghiệp, là phần thưởng quý báu mà Chúa đã ban tặng cho chúng ta.

III./ PHẢI NHẬN BIẾT TRÁCH NHIỆM ĐỐI VỚI CON CÁI (C. 4-5):

1./ Con cái giống như mũi tên trong tay dõng sĩ (C. 4).

+ Mũi tên trong tay dõng sĩ :

Dõng sĩ chính là chúng ta, là những người làm cha làm mẹ. Con cái Chúa giao cho ở trong tay chúng ta như những mũi tên quý giá.

Có 3 điều cần làm cho mũi tên con cái của chúng ta, hỡi những người làm cha mẹ, nhất là những người cha.

-Phải có đích đến của nó: Cha mẹ phải hướng dẫn con cái biết sống có mục đích, có ước mơ cao đẹp cho cuộc đời chúng nó. Mục đích của đời sống chúng ta, ước mơ cao đẹp của cuộc đời chúng ta là gì? Sống đẹp lòng Chúa, sống làm vinh hiển danh Chúa của chúng ta.

-Phải được trau chuốt cho thật ngay thẳng và cứng vững: Cha mẹ phải dạy dỗ con cái cho nên người, nhất là dạy dỗ cho con cái một đời sống tin kính Chúa, kính sợ Chúa một cách ngay lành và trung tín ngay từ khi còn nhỏ (Châm-ngôn 22: 6; II Tim. 3: 14-17).

Ca dao: Dạy con từ thuở còn thơ.

Từ nhỏ mà cha mẹ không dạy dỗ con cái, thì lớn lên, chúng ta sẽ khó mà dạy dỗ được chúng nó.

Chữ Nho có câu: “Ngọc bất trát, bất thành khí. Nhân bất học bất tri lý.” (Nghĩa là: Ngọc không mài không giũa, không sáng được. Người không học, không biết lý lẽ”.

Chứ không phải là “Nhỏ không học lớn lên làm …đại úy” được đâu.

Cha mẹ phải dành thì giờ để dạy dỗ con cái (Phục truyền 6: 4-9). Nếu không thì ma quỷ sẽ tình nguyện “dạy dỗ” con cái thay cho chúng ta.

Nghe nói có người cha dạy con như thế nầy: “Con ơi nhớ lấy lời cha. Một năm ăn cướp bằng ba năm làm.” Dạy con như thế thì thật là cực kỳ nguy hiểm. Và đó là cách dạy con đến từ ma quỷ chứ không phải là từ Chúa.

Cha mẹ phải làm gương tốt trong vấn đề dạy dỗ con cái. Nếu không nó sẽ đi theo gương xấu của cha mẹ.

Câu chuyện: Ước mơ trở thành lính cứu hỏa.

Cô giáo hỏi một học sinh về ước mơ của em trong tương lai, em học sinh trả lời: “Thưa cô, ước mơ của em sau nầy là em muốn trở thành lính cứu hỏa.” Cô giáo ngạc nhiên về ước mơ đó, thì được em cho biết sở dĩ em có ước mơ như thế là vì hằng ngày em thường nghe ba mẹ em cãi nhau, và mỗi lần như thế thì ba em hay nói là: “Bà có tin không, bà mà còn nói nữa thì tôi đốt nhà bây giờ.”

-Phải lìa tay người dõng sĩ để đến đích: Đến một thời điểm, cha mẹ phải cho con cái được tự do để bay đến với ước mơ của nó. Đừng mãi giữ nó khư khư trong tay của mình (Sáng. 2: 24)

Người dõng sĩ sau khi đã chuẩn bị xong cung và tên rồi, thì cài tên vào cung mình, nhắm đích bắn một cách cẩn thận và chính xác và quyết định bắn mũi tên đi đến nơi mà mình mong nó đến. Và rồi, hồi hộp, hăm hở chờ đợi để biết kết quả của công việc tay mình làm. Không người dõng sĩ nào mà sau khi giương cung tên lên mà tiếc tên không chịu bắn cả.

-Phải sẵn sàng để cho mũi tên quý báu của mình bay đi trong sự háo hức của nó và trong sự mong đợi tốt đẹp của mình về một tương lai đầy hy vọng trong sự ban cho của Chúa dành cho con cái mình (Giê-rê-mi 29: 11- BDM)

2./ Thỏa vui với con cái Chúa cho (C. 5):

+ Kinh thánh dạy con cái là phước hạnh của Chúa ban cho.

“Phước cho người nào vắt nó đầy gùi mình.”

-Người dõng sĩ mà có nhiều mũi tên trong gùi là một niềm hãnh diện và là một niềm vui thỏa và phước hạnh.

Ca dao: Có vàng vàng chẳng biết phô. Có con, con nói trầm trồ mẹ nghe.

Thi-thiên 128: 3: “Con cái ở chung quanh bàn ngươi. Khác nào những chồi ô li ve.”

Những người làm cha làm mẹ có vui khi thấy con cái ngồi chung quanh bàn ăn với mình trong mỗi bữa ăn không?

Ngày nay có nhiều người quan niệm rằng có nhiều con thì vất vả, cực nhọc, nuôi không xuể, nhưng Kinh thánh cho biết người có nhiều con là phước. “Phước cho người nào vắt nó đầy gùi mình.” (C. 5a). Vì con cái là niềm hãnh diện của cha mẹ và nó cũng làm cho gia đình thêm vững chãi nữa. “Người sẽ không hổ thẹn khi nói năng với kẻ thù nghịch mình tại của thành.” (C. 5b)

Các cặp vợ chồng trẻ ngày hôm nay muốn có nhiều con hay ít con thì tùy sự lựa chọn của các bạn. Nếu xem việc phải nuôi nấng, chăm sóc con cái là điều vất vả, cực nhọc, thì sẽ không muốn sinh nhiều con đâu, nhưng nếu xem việc nuôi nấng, chăm sóc con cái là một phước hạnh, thì sẽ cầu xin Chúa cho sinh được nhiều con. Dầu lựa chọn như thế nào thì lựa chọn, nhưng lời Chúa luôn luôn là chân lý cho mọi thời đại: Con cái là phước hạnh của Chúa ban cho. Và: “Phước cho người nào vắt nó đầy gùi mình.”chứ không phải là “Họa cho người nào vắt nó đầy gùi mình” đâu.

Hãy nhớ rõ điều đó hỡi quý con cái yêu dấu của Chúa!

@ KẾT LUẬN:

+ Tóm lại các ý chính:

-Phải để Chúa làm chủ trong gia đình mình thì gia đình mình mới được phước.

-Phải nhận biết con cái là phần thưởng Chúa ban cho chúng ta, chứ không phải là cái của nợ.

-Phải nhận biết trách nhiệm đối với con cái của mình.

+ Đọc lại câu ghi nhớ (câu 3)

+ Lời kêu gọi con cái Chúa sống theo lời Chúa dạy để có một gia đình phước hạnh.

Lời Chúa trong Sáng. 18: 19 chép: “Ta đã chọn người (tức Áp-ra-ham) đặng người khiến dạy các con cùng nội nhà người giữ theo đạo Đức Giê-hô-va, làm các điều công bình và ngay thẳng.”

Nguyện Chúa ban phước cho tất cả những bậc làm cha mẹ, nhất là những người làm cha một cách bội phần nhân ngày Lễ Cha để chúng ta xứng đáng là những người cha gương mẫu trong gia đình tin Chúa. Amen!

Mục sư Nguyễn - Đình - Liễu.