Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 5

ĐỨC TIN LỚN

 Kinh thánh trong Hê-bơ-rơ chép:

                                Đức Tin là sự biết chắc vững vàng về những điều

                                minh đang hy vọng và là bằng cớ của những điều mình

                               chẳng xem thấy

                                                    (Heb 11:1).

Điều nầy có nghĩa rằng đức tin làm cho những điều chúng ta hy vọng trở nên rõ ràng, chắc chắn, cũng không còn thắc mắc hoặc nghi ngờ gì trong lòng nữa.

Và nếu những điều chúng ta hy vọng vẫn chưa đến, để có thể thấy bằng mắt, nghe bằng tai, cảm nghiệm được bằng những giác quan thuộc thể, thì đức tin sẽ đóng vai trò vật thế chấp cho giác quan của chúng ta, để lòng và trí chúng ta quả quyết rằng điều chúng ta hy vọng sẽ sớm đến. Trong trường hợp nầy, đức tin là một loại bằng chứng cho chính tâm trí và tấm lòng chúng ta.

“Đức tin” trong tiếng Hy Lạp là Pistis (từ nầy xuất hiện 241 lần trong Tân ước) luôn liên kết với một đối tượng: Đức tin vào ai? Đức tin vào điều gì?..

Trong Tân ước, nói đến đức tin, là nói đến đức tin vào Chúa Jesus Christ và đức tin vào lời Ngài.

Đang khi Chúa Jesus sống và làm việc trên đất, Ngài mang thân thể của con người, ăn uống, nghỉ ngơi, vui, buồn như mọi người, yêu thương giúp đỡ mọi người trên đất, nên việc tin rằng Ngài, một con người, là Đức Chúa Trời Ngôi Hai thật là một điều vượt quá sự suy tưởng của những người đương thời. Chính vì vậy Đức tin, tin rằng Chúa Jesus là Đức Chúa Trời Ngôi Hai và tin rằng Lời Ngài là chân lý tuyệt đối, suy nghiệm và hành động căn cứ trên nhận thức đó, chính là Đức Tin lớn

 Trong Tân ước có hai người có đức tin mà Chúa Jesus gọi là Đức tin lớn:

Người thứ nhất là viên đội trưởng trong đạo quân Rô-ma, đóng tại thành Ca-pe-na-um (Ma-thi-ơ 8: 5-13).

Người thứ hai là một phụ nữ Ca-na-an, đến từ xứ Si-don (Ma-thi-ơ 15: 21-28).

 Chúng ta sẽ tìm hiểu câu chuyện của người phụ nữ Canaan, để xem họ đã thể hiện đức tin như thể nào, mà Chúa Jesus khen là người có đức tin lớn

 

I. NHỮNG YẾU TỐ LÀM NÊN ĐỨC TIN LỚN

 

                 1. NHẬN THỨC ĐÚNG VỀ CHÚA JESUS

 

                        Đức tin lớn bắt dầu từ nhận thức đúng về Chúa Jesus:

                       Trong câu chuyện Chúa Jesus chữa lành cho người đầy tớ của một thầy đội trưởng, chép ở Ma-thi-ơ 8:5-13.

                       Thầy đội đã có một nhận thức đúng về Chúa Jesus. Nhận thức của ông dựa vào suy nghiệm trên chính nghề nghiệp của mình, ông đã thưa với Chúa Jesus rằng:

                                         “ Lạy Chúa ,tôi không xứng đáng rước Chúa vào nhà,

                                           xin Chúa chỉ phán một lời, thì đầy tớ tôi được lành.

                                          Vì tôi ở dưới quyền người khác,

                                          tôi cũng có quân lính ở dưới quyền tôi nữa,

                                          tôi biểu tên nầy rằng ; Hãy đi, thì nó đi,

                                          biểu tên khác rằng: Hãy đến, thì nó đến,

                                          và dạy đầy tớ tôi rằng: Hãy làm việc nầy, thì nó làm”

                                                                                                                (Ma-thi-ơ 8:8-9)

                      Chúa Jesus khen thầy đội là người có đức tin lớn căn cứ trên nhận thức của thầy đội về Ngài: Rõ ràng thầy đội biết về Chúa như là Đấng có quyền cao cả trong cả vũ trụ, chỉ một lời phán của Ngài thì mọi việc phải xảy ra, theo đúng lời phán đó.

                     Sứ đồ Phao-lô cũng có nhận thức nầy khi ông chép:

                                         Cũng vì đó nên Đức Chúa Trời đã đem Ngài lên rất cao

                                         và ban cho Ngài danh trên hết mọi danh,

                                         hầu cho nghe đến danh Đức Chúa Jesus,

                                         mọi đầu gối trên trời, dưới đất, bên dưới đất, thảy đều quì xuống,

                                        và mọi lưỡi thảy đều xưng Jesus Christ là Chúa,

                                        mà tôn vinh Đức Chúa Trời là Đức Chúa Cha”

                                                                                             (Philip 2: 9-11)

                     Trong hơn ba năm dạy dỗ các môn đồ, điều mà Ngài muốn thấy là nhận thức đúng của họ về Ngài: Kinh thánh chép

                                         “Ngài phán rằng: Còn các ngươi xưng ta là ai?     

                                         .Simon Phi-e-rơ thưa rằng: Chúa là Đấng Christ,. Con Đức Chúa Trời hằng sống.

                                         Bấy giờ Chúa Jesus phán cùng người rằng:

                                         Hỡi Si-môn, con Giô-na, ngươi có phước đó,

                                          vì chẳng phải thịt và huyết tỏ cho ngươi biết điều nầy đâu.

                                                                                                                       (Ma-thi-ơ16:15-16)                        Như vậy đức tin lớn, trước hết là nhận biết Chúa Jesus là ai?

                       Tuy nhiên chỉ nhận thức không thôi, thì chưa đủ: Đức tin lớn bắt đầu từ nhận thức về Chúa Jesus, và phải được tiếp tục bằng hành động: Mọi hành động bám chặc vào nhận thức đúng về Chúa Jesus làm nên đức tin lớn

 

                        2. ĐỨC TIN LỚN: HÀNH ĐỘNG CĂN CỨ TRÊN LỜI ĐỨC CHÚA TRỜI

 

                        Đức tin lớn khẳng định mọi lời Chúa phán ra là chân lý tuyệt đối, đức tin lớn đòi hỏi con người vâng phục tuyệt đối lời Chúa. Chúa Jesus chỉ cho con người thấy về lời Ngài::

                                          “Trời đất qua đi, song lời ta sẽ không qua đi đâu”

                                                                                                                     (Lu-ca 21:33)

                      Tuy biết lời Chúa là chân lý, song con người không dễ vâng lời chúa phán trong mọi tình huống của cuộc đời. Tại sao vậy? Câu trả lời là: Con người vốn quen thuộc với lối sống sống dựa vào lý trí. Do vậy: nếu đức tin vào lời Chúa, còn song hành với lý trí, thì việc chon lựa hành động còn dễ dàng. Nhưng một khi đức tin vào lời Chúa có những đòi hỏi vượt cao trên lý trí, thì việc chọn lựa hành động, trở thành rất khó khăn.

                       Chọn lựa hành động theo đức tin vào lời Chúa, dù đòi hỏi của đức tin vượt lên trên lý trí, chính là điều làm nên đức tin lớn

                      .Ví dụ:.

                       Khi chúng ta nghe lời dạy của Chúa Jesus:

                                                 “ Các ngươi là muối của đất, song nếu mất mặn đi,

                                                   thì sẽ lấy giống chi làm cho mặn lại?

                                                   Muối ấy không dùng chi được nữa,

                                                  chỉ phải quăng ra ngoài và bị người ta đạp dưới chân

                                                                                                                           (Ma-thi-ơ 5: 13)

                      Hoặc:

                                                “Chẳng ai được làm tôi hai chủ,

                                                 vì sẽ ghét người nầy, mà yêu người kia,

                                                  hoặc trọng người nầy mà khinh người kia.

                                                 Các ngươi không thể làm tôi Đức Chúa Trời mà lại làm tôi Ma-môn nữa.

                                                                                                                                           (Ma-thi-ơ 6:24)

                     Lời dạy như vậy thật gần gũi với lý trí.

                     Lý trí chúng ta hẳn sẽ đồng thanh với đức tin mà rằng: Thật đúng như vậy, Lời Chúa dạy thật tuyệt vời, thật cao trọng, đáng kính, đáng trân trọng, cần cẩn thận làm theo.

                     Tuy nhiên không phải lúc nào Lời Chúa cũng dễ nghe, dễ nhận như vậy.

                     Trong Lu-ca  5: 4-7

                                              “Chúa Jesus phán cùng Simon Phi-e-rơ rằng:

                                               Hãy chèo ra ngoài sâu, thả lưới mà đánh cá.

                                              Simon thưa rằng:

                                              Thưa thầy, chúng tôi đã làm suốt đêm mà không bắt được chi hết”.

                      Rõ ràng lời truyền của Chúa Jesus cho Si-môn Phi-e-rơ, đi ngược với kinh nghiệm của ông, vốn là người nhiều năm sống với nghề chài lưới.

                      Lời Chúa và kinh nghiệm cá nhân của Phi-e-rơ không còn đồng hành với nhau nữa. Bây giờ là lúc Phi-e-rơ phải quyết định: bởi đức tin vâng lời Chúa, hay hành động dựa trên kinh nghiệm của mình

                       Phi-e-rơ, bởi đức tin, đã chọn vâng lời:

                                              Dầu vậy, tôi cũng vâng lời thầy mà thả lưới (Lu-ca 5:5b).

                       Đức tin của Phi-e-rơ ở đây là đức tin vượt lên trên lý trí.

                       Một ví dụ khác: 

                       Trong Giăng (6:52-68) Chúa Jesus phán rằng:

                                             Ai ăn thịt ta và uống huyết ta thì được sự sống đời đời;

                                             nơi ngày sau rốt, ta sẽ khiến người đó sống lại.

                                            Vì thịt ta thật là đồ ăn, huyết ta thật là đồ uống.

                                                                                                             (Giăng 6:54-54)

                         Rất nhiều người từng theo Chúa Jesus, nhận định rằng:

                                             “Lời nầy thật khó, ai nghe được”

                         Họ nghe và xét đoán lời nầy bằng lý trí, bằng những kinh nghiệm thường có của mỗi con người trên đất: Họ nói:

                                               “ Chẳng lẽ người nầy lấy thịt mình mà cho chúng ta ăn sao?”

.                      Và kết quả là họ bỏ Ngài mà đi.

                         Chúa Jesus xây lại với nhóm nhỏ còn lại, chỉ gồm các sứ đồ, và hỏi rằng:

                                                “Còn các ngươi cũng muốn lui chăng?

                                                  Si-môn Phi-e-rơ thưa rằng: Chúng tôi theo ai?

                                                 Chúa có những lời của sự sống đời đời”.

                                                                                                            (Giăng 6:68)

                        Một lần nữa Phi-e-rơ nghe Chúa bằng đức tin: Lời mà nhiều người cho là: “khó nghe, ai nghe được”? Thì Phi-e-rơ khẳng định đó là lời của sự sống đời đời.

                        Những ví dụ trên cho thấy ít nhất hai lần Phi-e-rơ đã sử dụng đến loại đức tin vượt lên trên lý trí.

                       Thật không dễ thấy nhiều người có được đức tin mạnh mẽ như Phi-e-rơ, tuy vậy, trong Ma-thi-ơ 15: 21-28, một phụ nữ Ca-na-an còn có đức tin mạnh mẽ hơn cả đức tin của Phi-e-rơ. Một đức tin vượt cao lên trên lý trí, một đức tin mà Chúa Jesus gọi là Đức Tin Lớn.

 

                        II  CÂU CHUYỆN  ĐỨC TIN CỦA NGƯỜI PHỤ NỮ CA-NA-AN

 

                        Câu chuyện đức tin lớn của người phụ nữ Ca-na-an được ghi lại trong Ma-thi-ơ (15:21-28) như sau:

                        “Đức Chúa Jesus đi từ đó, vào bờ cỏi thành Ty-rơ và thành Sidon.

                        Xảy có một người đàn bà xứ Ca-na-an, từ xứ ấy đến,

                         mà kêu lên rằng:

                        Lạy Chúa, là con cháu vua Đa-vit,

                         xin thương xót tôi cùng, vì con tôi mắc quỉ ám, khốn cực lắm.

                        Nhưng ngài chẳng đáp một lời.

                        Môn đồ bèn đến gần, cố nài xin rằng:

                        Xin thầy truyền cho đàn bà ấy về, vì người kêu van ở đàng sau chúng ta.

                       Ngài đáp rằng: Ta chịu sai đến đây,

                       chỉ vì các con chiên lạc mất của nhà Y-sơ-ra-en đó thôi.

                       Song người đàn bà lại gần, lạy Ngài mà thưa rằng:

                                                Lạy Chúa xin Chúa giúp tôi cùng                                

                        Ngài đáp rằng:

                       Không nên lấy bánh của con cái mà quăng cho chó con ăn.

                        Người đàn bà lại thưa rằng:

                       Lạy Chúa, thật như vậy, song mấy con chó con ăn những miếng bánh vụn trên bàn chủ nó rớt xuống.

                        Ngài bèn phán rằng: Hỡi người đàn bà kia, ngươi có đức tin lớn, việc phải xảy ra theo ý ngươi muốn. Cùng giờ đó, con gái người liền được lành”

                                                                                                                                 (Ma-thi-ơ 15: 21-28)

 

.                 1. NHẬN THỨC ĐÚNG VỀ CHÚA JESUS: MỘT LỜI CẦU NGUYỆN CHUẨN MỰC

 

                          Câu chuyện bắt đầu bằng một lời cầu xin hết sức chuẩn mực của người đàn bà Ca-na-an:

                                               Lạy Chúa, con cháu vua Đa-vit

                                               Xin thương xót tôi cùng

                                              Vì con gái tôi mắc quỉ ám khốn cực lắm

                                                                                               (Ma-thi-ơ 15:22)

                          Nói rằng lời cầu thay nầy chuẩn mực, vì người phụ nữ Ca-na-an đã mở đầu lời cầu xin bằng một nhận thức chính xác về Chúa Jesus:

                                             “Lạy Chúa con Cháu vua Đavit”

                         Đây là danh hiệu mà người Do Thái dung để xưng nhận về Đấng Mê-si của họ

                       Gọi là lời cầu nguyện chuẩn mực, vì bà đã mở đầu lời cầu nguyện bằng cách xưng danh của Chúa, không như nhiều người ngày nay cầu xin theo kiểu “Lạy chúa kính yêu của con” hoặc “Lạy chúa, Đấng con đang thờ phượng và hầu việc” các cách “Lạy chúa”nầy căn cứ trên tình cảm hoặc công việc mình làm, hoặc sự công bình riêng của mình chứ không phải căn cứ trên Danh Chúa, hoặc dựa trên lòng thương xót của Chúa, như cách Đa-ni-en và các thánh đồ xưa cầu xin:

                                            “Chúng con không dựa vào việc làm công chính nào của chúng con

                                            Nhưng dựa vào lòng thương xót bao la của Ngài, mà dâng lên Ngài

                                            Lời nài xin khẩn thiết

                                                                            (Đa-ni-en 9:18b BDM 2002)

                       Lời cầu thay nầy còn đặc biệt chuẩn mực ở chỗ, người cầu thay mang trọn nỗi đau của người được cầu thay:

                      Người phụ nữ nầy KHÔNG nói: “Lạy Chúa xin thương xót CON GÁI TÔI, vì nó mắc quỉ ám khốn cực lắm,. nhưng bà nói:

                                            Lạy Chúa con cháu vua Đa-vit xin thương xót TÔI cùng,      

                                            vì con gái tôi mắc quỉ ám, khốn cực lắm

                       Bà xin Chúa thương xót bà, vì bà đang mang trọn vẹn nỗi đau của con gái mình, kẻ đang bị khốn cực trong xiềng xích của ma quỉ.

 

                      2.. THỬ THÁCH CHO ĐỨC TIN LỚN

 

                        Đức tin lớn được hình thành trước hết trên nhận thức đúng về Chúa Jesus và phải hành động căn cứ trên chính nhận thức đó.

                        Đức tin lớn còn là đức tin vững chắc vào lời Ngài. Mọi lời nói ra từ miệng Ngài là chân lý. Lời ấy cần được suy nghiệm cặn kẻ và cẩn thận làm theo. Phần sau chúng ta sẽ cùng suy gẫm cách vâng theo lời Chúa của người phụ nữ Ca-na-an nầy.

 

                - a.. MỘT DỐC ĐỨNG PHẢI VƯỢT QUA

 

                       Phải chăng lời cầu xin chuẩn mực, và tình cảnh hết sức khốn cực của bà, hẳn khiến Chúa Jesus nhanh chóng nhận lời kêu xin và giúp đỡ bà?

                       Không phải vậy.

                       Thế Ngài làm gì?

                       Câu trả lời là:

                                          “ Ngài chẳng đáp một lời”( Ma-thi-ơ 15: 23)

                      Ồ sao lạ vậy? Ngài không nghe người phụ nữ nầy cầu xin sao? Hay là lúc đó có đông người chen lấn quá, ồn ào quá, khiến Chúa không nghe chăng?.

                      Cũng không phải.

                      Bản dịch truyền thống của chúng ta diễn tả chỗ nầy không được rõ.Các bản dịch tiếng Anh (King James, New King James, N.I.V…) dịch rõ hơn như sau:

                                        “Trả lời bà, Ngài không nói gì cả”.

                     Cách dịch nầy cho thấy: Ngài nghe tất cả những điều bà nói, Ngài hiểu rõ hoàn cảnh đáng thương của bà và Ngài đã trả lời bà bằng cách không nói gì cả,.

                     “Yên lặng”,“không nói gì cả” chính là câu trả lời của Ngài cho bà.

                     Nhưng vì sao Ngài chọn cách trả lời lạ lùng như vậy?

                     Ngài chọn cách trả lời đó, để bà có cơ hội nghiệm lại câu bà thưa với Ngài rằng:

                                          “Lạy Chúa , con cháu vua Đa-vit…”

                      Danh hiệu “Con Cháu Vua Đa-vit” là danh hiệu mà người Y-sơ-ra-en dùng chỉ Đấng Mê-si,

                      mà họ hằng trông đợi.

                     Nếu bà có đức tin rằng Chúa Jesus là Đấng đó, bà phải cho thấy rằng đó thực sự là nhận thức của bà, chứ không phải chỉ là lời đầu môi chót lưỡi, bà vay mượn từ một ai khác.

                     Cách trả lời lạ lùng của Chúa Jesus được Ngài dùng như là một thách thức đối với đức tin của bà. Nếu bà tin rằng Ngài là Đấng Mê-si, thì đức tin của bà phải chỉ ra được điều đó.

                     Thách thức Ngài đặt trước mặt bà giống một cái dốc đứng, mà đức tin bà phải đưa bà vượt qua.

                    Nếu là con người chỉ sống dựa vào lý trí, dựa vào kinh nghiệm thường nhật, hẳn bà đã thối lui rồi.

                        Lý trí của bà nói với lòng bà rằng:

                        “Mình nghe nhiều người nói rằng: Chúa Jesus luôn yêu thương những người khốn khổ, luôn giải cứu cho kẻ gặp hoạn nạn, đau đớn, muộn phiền. Thế nhưng trăm nghe không bằng một thấy, mình đã trình bày hết hoàn cảnh khốn khó của mình cho Ngài, song Ngài chẳng chú ý gì cả, Ngài thờ ơ, lãnh đạm không nói lấy một lời. Thôi còn trông mong gì nơi Ngài nữa….”

                        Lý trí đã không giúp gì cho bà trong trường hợp nầy, lý trí còn ngáng trở bà, không muốn bà tiếp tục nương cậy vào Chúa nữa..

                        Nhưng đức tin thì không phải như vậy. Đức tin luôn hành động một cách tích cực: Đức tin của bà nói với bà rằng: Ngài không nói, không có nghĩa là Ngài từ chối lời kêu xin của bà.

                       Đức tin cũng nói với lòng bà rằng: Thật ra, Ngài chưa nói chứ không phải không nói.

                       Ngài chưa nói, nhưng rồi Ngài sẽ nói. Và đức tin của bà giúp bà có cách để làm Ngài nói:

                       Vậy đức tin giúp bà làm gì trong trường hợp nầy?

                        Cũng như chúng ta ngày nay, khi lời cầu nguyện chưa được trả lời hoặc chậm được trả lời, đa số trong chúng ta sẽ nhờ người khác, sâu nhiệm trong chúa hơn chúng ta, cầu thay. Người phụ nữ nầy cũng vậy, bà níu áo ông Phi-e-rơ, ông Giăng, ông Andre, ông Ma-thi-ơ… và nài xin những người nầy nói giúp bà với Chúa.

                       Kinh thánh chép như thế nào?

                                          Môn đồ bèn đến gần cố nài xin rằng:

                                           Xin thầy truyền cho đàn bà ấy về, vì người kêu van ở đàng sau chúng ta                                                                                                                                                                   

                     

                                                                                                                                               (Ma-thi-ơ 15:23b)

                       Không phải tự nhiên mà các môn đồ đến nài xin Chúa.

                       Các môn đồ xin Chúa giúp bà để bà ra về, vì nếu điều cầu xin của bà chưa được giải quyết, bà vẫn cứ còn kêu xin, vẫn cứ còn níu áo các sứ đồ của Chúa.

                      .Đó chính là đức tin: Đức tin nầy khiến Chúa mở miêng.

 

- b. MỘT ĐỒI CAO

 

Câu chuyện lại được tiếp tục như sau

 

                        Chúa Jesus trả lời cho các môn đồ Ngài (và cũng để cho người phụ nữ Ca-na-an nghe) rằng:

                                           “ Ta chịu sai đến đây, chỉ vì các con chiên lạc mất của nhà Y-sơ-ra-en đó thôi”

                                                                                                                                               (Ma-thi-ơ 15: 24)

                       Chúa đã mở miệng, nhưng Ngài nói ở đây, là nói với các môn đồ Ngài, chứ không phải nói vời bà. Tuy nhiên bà cũng hiểu rằng lời ấy dù nói với các sứ đồ, nhưng cũng chính là lời dành cho bà.

                       Và dĩ nhiên bà nghe rất rõ những gì Ngài nói.

                       Lời Ngài nói lần nầy lại tiếp tục là một thách thức đối với đức tin của bà, dường như Ngài đặt trước mặt bà một ngọn đồi cao, rất cao, để xem đức tin bà có thể giúp bà vượt qua lần nữa không?

                        Lời Ngài là một thách thức quá lớn, quá khó, không thể vượt qua đối với tình cảm và lý trí của bà:

                        Lý trí và tình cảm của bà lại nói với tấm lòng bà rằng:

                       “Chẳng có hy vọng gì, Ngài không chỉ thờ ơ với hoàn cảnh khốn khó của mình, nhưng Ngài còn phân biệt chủng tộc, Ngài chỉ lo cho dân Y-sơ-ra-en của Ngài thôi, còn mình là người Ca-na-an, một dân bị rủa sã, vậy mình còn đứng đây làm gì nữa?

                        Tiếng nói của xác thịt, luôn muốn kéo con người ra khỏi ân điển của Chúa.

                        Chỉ có đức tin mới giúp bà vượt khó:

                        Đức tin giúp bà nhanh chóng đồng ý với Chúa rằng:

                       :Chúa đến để làm ứng nghiệm mọi điều đã được dự ngôn từ trước trong luật pháp của Y-sơ-ra-en.

                        Ngài đến để làm trọn giao ước của Đức Chúa Trời với dân sự Ngài, nên nhiệm mạng của Ngài trước hết là dành cho “những con chiên lạc mất của nhà Y-sơ-ra-en”.Với bà điều nầy là hiển nhiên.

                        Bà đến với Chúa không phải để đòi hỏi nơi Ngài bất cứ điều gì, căn cứ trên giao ước của Đức Chúa Trời với dân Y-sơ-ra-en, như mọi người Y-sơ-ra-en khác.

                        Bà là người Ca-na-an, bà đến với Chúa để kêu nài tình yêu của Ngài. Bà không gõ đến cánh luật pháp, cánh cửa giao ước. Bà đang kéo nắm cửa của tình yêu Ngài.

                                                “Bà đến gần Chúa, sấp mình lạy Ngài mà rằng:

                                                  Lạy Chúa xin Chúa giúp tôi cùng”    (Ma-thi-ơ 15:25)

                       Quả thật, đức tin của bà đã giúp bà vượt qua một ngọn đồi cao, rất cao mà Chúa đã đặt trước mặt bà.

                       Bà vẫn ở đó, không bỏ cuộc, bà vẫn đang tiếp tục nài xin Chúa.

 

                                                - c. MỘT NÚI LỚN

 

                       Câu chuyện chưa chấm dứt ở đây.

                       Sau lời kêu xin của bà, Chúa Jesus phán trực tiếp cho bà rằng:

                                               “Không nên lấy bánh của con cái mà cho chó con ăn”

                                                                                                        (Ma-thi-ơ 15:26)

                      Đến đây sự thách thức đức tin lên đến tột đỉnh: Ngài đang đặt trước mặt bà một núi lớn. Đúng vậy: một núi lớn, một núi khó khăn còn bội phần hơn con dốc đứng hoặc ngọn đồi cao, mà bà  đã trải qua.

                      Nó là núi lớn cho lý trí, (và tình cảm) của bà:

                      Lý trí nói với bà rằng: Ngài không chỉ thờ ơ với hoàn cảnh của bà, Ngài cũng không chỉ là người phân biệt chủng tộc, nhưng Ngài còn sĩ nhục bà nữa.

                       Thật ra Chúa Jesus chưa từng sĩ nhục con người, Ngài dạy cho những kẻ theo Ngài “hãy yêu kẻ lân cận như mình”. Không hề có ai yêu kẻ lân cận như mình, mà lại đi sĩ nhục họ.

                       Lời Chúa cho người phụ nữ nầy, không phải để sĩ nhục bà, mà để thử thách đức tin lạ lùng của bà.

                       Kinh thánh chép tiếp câu chuyện như sau:

                                              “ Người đàn bà lại thưa rằng: Thật như vậy” (Ma-thi-ơ 15:27a)

                      Ồ sao lại “thật như vậy”?, có phải người phụ nữ nầy đang nịnh Chúa chăng?

                      Không phải!.

                      Bà đã nói rất thành thật trong điều nầy, bà hiểu rằng mọi lời nói ra từ miệng Chúa Jesus là chân lý.

                      Điều mà Ngài nói cho bà nghe, và cho chúng ta nghe là chân lý: Ngài đang nói về một lối sống, mà mọi người trong chúng ta ai cũng sống như vậy:

                                          . “ Không nên lấy bánh của con cái cho chó con ăn”

                     Hãy thử nghe lại lời Chúa: Hãy thử tưởng tượng chúng ta vừa ra phố mua một chiếc bánh ngon, dành cho đứa con yêu quí của mình. Phải chăng khi về đến nhà, thấy con chó con tung tăng vẫy đuôi đón mừng, chúng ta sẽ đem chiếc bánh ngon dành cho con cái ra cho chó con ăn ?

                     Dĩ nhiên là không. Chẳng ai làm như vậy cả.

                     Chúa Jesus không sĩ nhục người phụ nữ đáng thương nầy: Ngài thử thách bà bằng cách nói ra một điều hiển nhiên mà ai nấy đều làm như vậy.

                     Đức tin giúp cho người phụ nữ nầy cũng nhận ra điều nầy, nên bà nhanh chóng đồng ý với Chúa rằng:

                                                “Lạy Chúa thật như vậy”.

                     Nhưng đức tin còn giúp bà bước thêm một bước hạ mình tuyêt diệu nữa:

                                                “ Thật như vậy, song mấy con chó con ăn những miếng

                                                   bánh vụn trên bàn chủ nó rớt xuống

                                                                                               (Ma-thi-ơ 15: 27)

                    Chúa cố ý thử thách bà bằng một lời lạ lùng: Thoạt đầu nghe như một lời sĩ nhục bà, nhưng thực ra không phải lời sĩ nhục: Lời Ngài là chân lý giản đơn về một lối sống, mà mọi người vẫn thường làm.

                    Đức tin của người phụ nữ nầy cũng giúp bà nhanh chóng đưa ra một hình ảnh vừa phù hợp với lời Chúa, lại vừa quen thuộc, mà mọi người đều có thể dễ dàng bắt gặp trong cuộc sống thường nhật::

                                               “Thật như vậy, Song mấy con chó con

                                                 ăn những miêng bánh vụn trên bàn chủ nó rớt xuống”

                    Lời đối đáp không những đầy khôn ngoan, nhưng cũng đầy sự khiêm nhu của một con người trước Đấng tối cao, bày tỏ một đức tin quá đổi diệu kỳ.

                    Không thể còn thử thách nào, cho một người có đức tin như vậy nữa, Chúa Jesus tuyên bố:

                                               “ Hỡi người đàn bà kia, ngươi có đức tin lớn,

                                                  việc phải xảy ra theo ý ngươi muốn”

                                                                                              (Ma-thi-ơ 15:28a)

                    Ngay khi Chúa Jesus khen ngợi đức tin của người phụ nữ nầy, thì quyền phép của Ngài đã chữa lành cho con gái bà.

                    “Mọi việc phải xảy ra theo ý ngươi muốn” đó là phần thưởng cho đức tin của bà.

                     Há có phần thưởng nào trên đất lớn hơn phần thưởng như vậy chăng???