Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 6

Khi Jesus Qua

 

Sứ đồ Giăng không ký thuật tất cả các phép lạ Chúa Jesus thực hiện, vì như ông viết:

                       “nếu cứ từng việc mà chép hết, thì ta tưởng rằng

                        cả thế gian không thể chứa hết các sách mà người ta chép vậy”

                                                                                                           (Giăng 21:25)

Sứ đồ Giăng cẩn thận chọn ra bảy trong số rất nhiều phép lạ (của Chúa) để ký thuật, với mục đích giúp độc giả của ông nhận biết chúa Jesus, như Giăng Baptit biết:

                        “Ấy chính Ngài là Con Đức Chúa Trời”

                                                                    (Giăng 1:34)

Ma-thi-ơ, Mác, Lu-ca ký thuật các phép lạ để bày tỏ tình yêu, sự thương xót của Chúa Jesus, nên các phép lạ được ký thuật thường khởi đầu bằng nhóm từ “NGÀI ĐỘNG LÒNG THƯƠNG XÓT…”

.Trong khi đó Giăng ký thuật các phép lạ để bày tỏ sự vinh hiển, quyền phép của Con Đức Chúa Trời, nên thường các phép lạ diễn ra sau khi Chúa Jesus tuyên bố Thần tính của Ngài bởi nhóm từ: “TA LÀ…”

Trong Giăng 8:12 Chúa Jesus tuyên bố:

                       “TA LÀ sự sáng của thế gian, người nào theo ta,

                         Chẳng đi trong nơi tối tăm, nhưng có ánh sáng của sự sống”

Nên trong chương 9, Giăng ký thuật câu chuyện: Chúa Jesus đem lại sự sáng bằng cách chữa lành cho người mù từ thuở mới sanh.

Chúng ta sẽ xem xét câu chuyện trong Giăng 9:1-7 qua bốn phần sau:

-         Chúa Jesus đi qua và thấy (Giăng 9:1)

-         Tội của người hay cha mẹ người? (Giăng 9:2-3)

-         Đang khi còn ban ngày… (Giăng 9:4)

-         Hãy đi rửa tại ao Si-lô-ê (Giăng 9:5-7)

 

I  CHÚA JESUS ĐI QUA VÀ THẤY

Kinh Thánh chép:

                “ Chúa Jesus vừa đi qua, thấy một người mù từ thuở sanh ra”

 

1. KHI CHÚA JESUS ĐI QUA

 

Mỗi lần kinh thánh chép “Chúa Jesus đi qua”một nơi nào đó, thì luôn có một điều hết sức đặc biệt xảy ra tại nơi đó:

 Có thể là một người phung đang đi trên đường. Do bệnh tật, anh đã bị bị loại khỏi cộng đồng. Anh đau đớn buồn phiền không chỉ vì bệnh tật, mà còn vì thái độ kỳ thị, ghẻ lạnh của những người anh em, những đồng bào của mình.

 Chúa Jesus đã đến với anh, ân điển của Đức Chúa Trời đến với anh, và sự chữa lành kỳ diệu đến với anh, sự vui mừng cũng đến.

 Có thể là một người bị bệnh bại, nằm bên bờ nước, nơi ao Bê-têt-đa. Ba mươi tám năm người mòn mỏi trông đơi một phép lạ, cho căn bệnh của mình. Nhưng mòn mỏi vẫn là mòn mỏi. Thế rồi Cứu Chúa của thế gian đến với lời thăm hỏi ân cần dành cho anh:

                      “Anh có muốn lành bệnh không? (Giăng 5: 6)

 Và tiếp theo là lời phán

                      “Hãy đứng dậy, vác giường mình mà đi” (Giăng 5: 8)

 Chúa Jesus đên, sự thương xót đến, phép lạ đến, sự chữa lành đến và niềm vui đến.

Có thể là một gia đình tang chế, gia đình chỉ có người anh và hai cô em gái. Người anh qua đời và đã được chôn trong mộ bốn ngày. Thế rồi Chúa Jesus của họ đến, Ngài đứng trước mộ kẻ chết, kêu lớn rằng :

                        “ Hỡi La-xa-rơ, hãy ra”

và người chết sống lại, bước ra khỏi phần mộ. (Giăng 11:43)

Chúa Jesus đến, tình yêu, ân điển, quyền phép của Đức Chúa Trời được tỏ ra, người chết được sống lại: một gia đình tang chế biến thành một gia đình yến tiệc.

Có thể là một quan thu thuế, cảm biết nỗi phiền muộn, dằn vặt bởi cuộc sống tội lỗi của mình, đau đớn bởi sự khinh chê của người đời, muốn tìm được sự bình an nội tâm, muốn sống một đời công chính

Rồi Chúa Jesus đến, Ngài đang đi cùng với đám đông, bỗng dừng lại bên dưới cây sung, nơi người nầy trèo lên (để có thể thấy được Chúa, vì ông lùn thấp), Ngài phán với người rằng:

                     “Hỡi Xa-chê, hãy xuống cho mau, vì hôm nay ta phải ở nhà ngươi.”

                                                                                                                         (Lu-ca 19:5)

Trước sự hiện diện dịu dàng và đầy từ ái của Chúa, Xa-chê biết được rằng ông đang đứng trước Đấng hay thương xót, trước mặt ông bây giờ là “cánh cửa của chiên”(Giăng 10:7), cánh cửa mở ra để ông bước vào đời sống mới.

Xa-chê phát biểu:

                    “Lạy Chúa, nầy, tôi lấy nửa gia tài mình mà cho kẻ nghèo,

                      và nếu có làm thiệt hại ai, bất cứ việc gì, tôi sẽ đền gấp tư”

                                                                                                       (Lu-ca 19:8)

Đấng đó phán với ông rằng:

                      “ Hôm nay, sự cứu đã vào nhà nầy,

                         Vì người nầy cũng là con cháu Ap-ra-ham

                         Bởi con người đã đến tìm và cứu kẻ bị hư mất”

                                                                                                  (Lu-ca 19:9-10)

 Jesus đã đến, sự cứu chuộc đã đến, sự chữa lành nội tâm đã đến, và niềm vui cũng đã đế đến

Oswald J Smith hiểu rằng:

                         Thay thảy nhân loại, hiện lầm than khốn nạn đêm ngày

                         Sinh cảnh ô tội, càng thêm muôn phần đắng cay

                         Người người nhìn nhau, khoanh tay, mong ơn trời thích phóng

                         Khi Jesus qua, thay đổi mới thảnh thơi lòng…

Và ông giải thích:

                         Khi Jesus qua, ma cám dỗ oai quyền còn đâu,

                         Khi Jesus qua, lau ráo hết nước mắt sầu

                         Ngài xua tăm tối, đời được rạng ngần hơn gấm thêu,.

                         Khi Chúa dừng chân, thay đổi hết cả muôn điều.

                                                                                             (Thánh ca 386)

2. NGÀI THẤY MỘT NGƯỜI MÙ

 

Câu chuyện trong Giăng 9:1-7 cũng vây, Chúa Jesus ra khỏi đền thờ, Ngài đi qua và thấy một người mù đang ngồi ăn xin.

Không phải chỉ một mình Chúa Jesus, thấy người mù nầy.

Những người hàng xóm, những người đi đường cũng thấy anh: họ thấy anh là người mù, vẫn ngồi gần đền thờ và làm nghề ăn xin (Giăng 9: 8-9)

Các môn đồ của Chúa Jesus cũng thấy anh: Họ thấy với thắc mắc trong lòng:

                      “Không biết vì tội người hay tội cha mẹ người

                       mà người sinh ra thì bị mù như vậy” (Giăng 9: 2)

Chúa Jesus cũng thấy người mù nầy.

Tuy nhiên, khi Kinh thánh chép rằng Ngài thấy, chính là nói rằng chỉ một mình Ngài thấy, chứ không phải ai nấy đều thấy

Thật vậy, nhiều người thấy người mù, nhưng không ai thấy nỗi đau đớn, thua thiệt do bệnh tật của anh.

 Nhiều người thấy người mù, nhưng không ai thấy nỗi khốn khổ, buồn tủi của một con người bị đẩy ra bên lề cuộc sống.

Người ta chỉ thấy bằng con mắt, nhưng Chúa Jesus thấy bằng tấm lòng thương xót của Ngài

.Con người thấy một đôi điều về quá khứ hoặc hiện tại, nhưng chỉ một mình Ngài, Đấng vô sở bất tri, mới thấy được tương lai

 Ngoài Ngài, không ai có thể thấy rằng một người mù từ thuở mới sinh, sống bằng cách ăn xin nầy, lại có thể trở thành môn đồ của Chúa Jesus, không ai có thể thấy rằng người mù từ thuở mới sinh nầy có thể là chứng cớ lớn, để nhiều người thuộc mọi dân tộc, trải mọi thời đại nhìn thấy lòng thương xót diệu kỳ của Đức Chúa Trời, và quyền phép lớn lao của Đấng Christ.

 

II. TỘI CỦA NGƯỜI, HAY TỘI CỦA CHA MẸ NGƯỜI?

 

1. TỘI LỖI CỦA AI?

 

Môn đồ của Chúa Jesus cũng thấy người mù nầy, họ hỏi Chúa rằng:

                     “ Thưa Thầy, ai đã phạm tội?

                        Người, hay cha mẹ người, mà người sinh ra thì mù như vậy?”

                                                                                                              (Giăng 9:2)

Các môn đồ của Chúa Jesus không chỉ thấy người mù bằng mắt như phần đông những người khác, nhưng họ còn thấy bằng trí óc: họ thấy người mù về phương diện thần học.

Họ khẳng định rằng nguyên nhân của bệnh mù (và mọi khiếm khuyết của thân thể hay tâm trí) là do tội lỗi.

 Điều họ đang thắc mắc là không biết tội lỗi gây ra bệnh mù là tội lỗi của ai? Của chính người mù hay của cha mẹ người nầy.

Có lẽ họ đọc Kinh Thánh nhiều, họ thấy rằng Adam phạm tội nên hình phạt đến với ông: Adam và dòng dõi ông  không chỉ phải chết mà còn phải chịu khổ,Adam và dòng dõi ông phải:

                       “đổ mồ hôi trán mới có miếng ăn”.

                                                                          (Sáng 3:19)

Có lẽ họ đọc Kinh thánh nhiều và thấy rằng Đa-vit phạm tội gian dâm với Bát-sê-ba và âm mưu giết chết U-ri chồng người, nên Đức Chúa Trời hình phạt Đa-vit

                      “Ta sẽ khiến từ nhà ngươi nổi lên những tai họa giáng trên ngươi.

                        Ta sẽ bắt các vợ ngươi tai trước mặt ngươi

                        Trao cho một người lân cận ngươi

                        Nó sẽ làm nhục chúng, tai nơi bạch nhựt.               

                        Vì ngươi đã làm sự kia cách kín nhiệm,

                        Nhưng ta sẽ làm việc nầy trước mặt cả Y-sơ-ra-en và tại nơi bạch nhựt “

                                                                                                          (II Samuel 12:11-12)

Thấy bằng trí óc, có thể tốt hơn việc thấy bằng con mắt hời hợt của người đời, nhưng đó cũng không phải là cách thấy. mà Chúa đẹp lòng.

Không thấy chỗ nào trong kinh thánh khẳng định rằng: một thai nhi còn trong lòng mẹ chưa có nhận thức, chưa được sinh ra, chưa sống một ngày trên đất, chưa hề có giao tiếp với người khác trong thế gian nầy, lại bị lên án là kẻ phạm tội và phải nhận hình phạt như suy nghĩ của những môn đồ của Chúa.

Kinh thánh chỉ ra ít nhất ba nguyên tắc liên quan đến tội lỗi, hình phạt và sự khốn khổ

- Thứ nhất: Người phạm tội chắc chắn sẽ bị hình phạt vì:

                     Linh hồn cha cũng như linh hồn con

                     Linh hồn nào phạm tội, linh hồn ấy phải chết

 - Thứ hai: Hình phạt đến trên tội nhân lúc nào thì hoàn toàn thuộc thẫm quyền của Đức Chúa Trời: Có người nhận hình phạt ngay sau khi phạm tội, nhưng có người chỉ nhận hình phạt sau khi nhắm mắt tắt hơi

Ê-li-hu nhận xét:

                    “Đức Chúa Trời không cần định thời hạn

                      Cho loài người chịu phán xét trước mặt Ngài” (Gióp 34:23) (BDM)

Có nhiều người sống một đời gian ác, nhưng suốt cuộc sống trên đất, họ an hưởng mọi sự lành, không hề chịu hình phạt.

Gióp nhận xét:

                   “Cớ sao bọn gian ác được sống,

                     Lại còn sống lâu và quyền thế?

                    Chúng nhìn thấy dòng dõi chúng ổn định

                    Con cháu chúng vững vàng,

                    Chúng sống trong nhà bình an, không lo sợ

                    Ngọn roi của Đức Chúa Trời

                    Không hề giáng xuống trên chúng

                    Bò đực chúng truyền giống không thất thoát,

                    Bò cái chúng sinh con không sẫy thai

                    Chúng cho trẻ thơ mình chạy

                   Tung tăng như đàn chiên

                    Trẻ con mình nhảy múa

                   Ca hát theo tiếng trống, tiếng đàn lia

                   Vui đùa theo tiếng sáo

                    Bọn gian ác tận hưởng ngày đời mình trong cảnh giàu sang

                   Rồi về cỏi chết trong giây lát.

                                                                    (Gióp 21:7-13) (BDM)

Nhưng cuộc đời an nhiên vô sự của người gian ác cũng có lúc kết thúc.

 Họ thoát khỏi sự phán xét trên đất, nhưng sự phán xét tối hậu, uy nghiêm của Đức Chúa Trời sẽ giáng trên họ, khi họ vừa nhắm mắt tắt hơi.

 Hình phạt con người chịu trên đất, có thể giúp họ nhận ra sự sai trật của mình, họ có cơ hội ăn năn để được tha thứ, nhưng hình án con người nhận sau khi qua đời là hình án chung thẩm, đời đời, một hình án đáng sợ, vì không còn cơ hội thay đổi:

                    Tuy Ngài để chúng sống bình an vô sự

                    Mắt Ngài theo dõi mọi đường đi nước bước

                    Chúng được tôn cao trong chốc lát, rồi biến mất

                   Chúng khô héo, rũ xuống như cỏ dại

                   Như gié lúa bị cắt rời khỏi thân

                                                                 (Gióp 24:23-24) (BDM)

- Thứ ba: Tội lỗi dẫn con người đến đau khổ, tuy nhiên không phải hễ ai chịu đau khổ, thì đều là người tội lỗi.

 Sứ đồ Phao Lô nói đến nỗi khốn khó, sự chịu khổ của mình:

                 “Năm lần bị người Giu Đa đánh bằng roi,

                  mỗi lần thiếu một roi đầy bốn chục,

                  ba lần bị đánh đòn, một lần bị ném đá, ba lần chìm tàu.                                    

                 Tôi đã ở trong biển sâu một ngày một đêm.

                  Lại nhiều lần tôi đi đường, nguy hiểm trên sông bến,

                 nguy với trộm cướp,,nguy giữa dân mình,

                  nguy với dân ngoại, nguy trong các thành, nguy trong đồng vắng,

                 nguy trên biển, nguy với anh em giả dối.

                 Chịu khó nhọc, lắm lúc thức đêm, chịu đói khát,

                  thường khi phải nhịn ăn, chịu lạnh và lõa lồ.

                 Còn chưa kể mọi sự khác,

                 là mỗi ngày tôi phải lo lắng về hết thảy các hội thánh.

                 Nào có ai yếu đuối, mà tôi chẳng yếu đuối ư?

                 Nào ai vấp ngã, mà tôi chẳng như nung như đốt ư?”

                                                                                            (IICor 11: 23-29)

Tuy Phao-lô chịu khốn khổ trăm bề, nhưng có ai dám nói rằng vị thánh đồ nầy chịu đau khổ vì cớ tội lỗi của chính ông hay không?

Vì những lẽ đó, người khôn ngoan kính sợ Đức Chúa Trời khi thấy, chính mình gặp hoạn nạn đau đớn, thường xem lại cách sống, lời nói, việc làm của mình. Xem hoạn nạn, đau khổ là những sứ giả đến từ Đức Chúa Trời để cảnh cáo, dạy dỗ mình, đặng dẫn mình trở lại con đường công chính vì:

                “Đức Chúa Trời dùng hoạn nạn, cứu người gặp nạn

                 Mở tai họ ra, trong cảnh gian nan”

                                                                   (Gióp 36:15) (BDM).

Nhưng lời Chúa cũng giúp người khôn ngoan, kính sợ Đức Chúa Trời biết giữ mình.

Khi thấy kẻ lân cận gặp đau khổ, hoạn nạn, họ sẽ không kết luận vội vàng dại dột rằng: Ắy là bởi tội lỗi, mà người nầy, hoặc người kia chịu đau đớn, hoạn nạn. Vì Chỉ chính người gặp hoạn nạn, khốn khó mới có thể biết ý nghĩa thật của hoạn nạn mà họ đang gặp phải.

Các môn đồ của Chúa Jesus, trong câu hỏi của mình đã khẳng định một điều mà họ không biết rõ. Sai lầm nầy vốn là một tội: Tội đoắn xét sai trật đối với người khác.

 Sự đoán xét một cá nhân thuộc về Đức Chúa Trời, vì chỉ Ngài mới biết rõ mọi ngóc ngách trong đời sống của mỗi người trên đất

 

2.NHƯNG ẤY LÀ ĐỂ CÔNG VIỆC CỦA ĐỨC CHÚA TRỜI ĐƯỢC BÀY TỎ.

 

“Mọi người đều đã phạm tội”: là điều không chỉ Cơ đốc nhân, mà hầu hết những người từng sống trên quả đất, đều có thể cảm nghiệm được.

 Nhưng qui kết cho những khiếm khuyết của thân thể một ai đó với tội lỗi, không phải là điều đúng đắn, đáng làm.

Phải chăng một người sinh ra bị tật nguyền: hoặc mắt, hoặc môi, hoặc tay chân, hoặc sinh ra trong xã hội nghèo khó, hoặc thuộc về một gia đình nghèo khó là là tội lỗi?

 Người châu Âu, Bắc Mỹ thường cao lớn, có da trắng, đẹp đẽ dễ nhìn, còn người châu Á, châu Phi thường thấp nhỏ, hoặc da đen không được đẹp. Phải chăng do tội lỗi của người châu Á, châu Phi hoặc tội lỗi của tổ phụ họ nên họ sinh ra thì không được đẹp như người da trắng?

 Sự qui kết như vậy vừa bất công, vừa phi lý.

 Chúa Jesus cho môn đồ Ngài thấy rằng: không có gì chứng minh mối liên hệ trực tiếp giữa một khiếm khuyết thân thể của một người, với tội lỗi của người hoặc cha mẹ người, Chúa phán:

                      “Đó chẳng phải tại người nầy, hay cha mẹ người phạm tội”

Không dừng tại đó, Chúa Jesus còn muốn mở mắt, để cho môn đồ Ngài thấy một khía cạnh, mà nhiều người không thấy: Mất mát, hoạn nạn, sầu khổ thường là cơ hội để công việc Đức Chúa Trời được tỏ ra và qua đó con người nhận ra tình yêu, ân điển và quyền phép của Đức Chúa Trời.

 Mở mắt một người mù từ lúc sinh ra, không chỉ bày tỏ tình yêu, ân điển, quyền phép của Ngài cho người mù, mà còn làm vinh hiển Đức Chúa Trời, Cha Ngài nữa.

Luôn có các cơ hội cho Cơ đốc nhân, sống trong thế giới ngày nay, để bày tỏ tình yêu, ân điển và quyền phép của Đức Chúa Trời, cho những con người bất hạnh, khốn khổ trong xã hội chúng ta đang sống..

Không thiếu những người nghiện ngập trong rượu chè, ma túy, cờ bạc… chung quanh chúng ta. Những sai trật của họ dẫn họ và gia đình họ đến những nỗi bất hạnh, khốn cùng, đau buồn không nguôi. Thế nên khi Tin Lành của Chúa Jesus được truyền cho họ, khi quyền phép của Chúa Jesus được tỏ ra chữa lành họ, khi tình yêu, tình huynh đệ trong Chúa đến được với họ, thì Chúa Jesus luôn được vinh hiển giữa họ, gia đình họ và cộng đồng xã hội chung quanh. Công việc tại các trại cai nghiện ma túy của những anh em Tin lành lập ra nhiều năm qua, trên đất miền bắc, đã gây nên tiếng vang lớn: Nhiều người, nhiều gia đình tìm lại được hạnh phước, nhiều cộng đồng biết đến tình yêu, ân điển và quyền phép của Đức Chúa Trời.

Đúng như điều Chúa Jesus phán:

                 “Nhưng ấy để cho những việc của Đức Chúa Trời tỏ ra trong người”

                                                                                                             (Giăng 9:3)

 

 III.ĐANG KHI CÒN BAN NGÀY

 

1.ĐỜI SỐNG CHÓNG QUA

 

Chúa Jesus tiếp tục phán cùng các môn đồ Ngài rằng:

                     “ Trong khi còn ban ngày, ta phải làm trọn những việc

                        Của Đấng đã sai ta đến,

                       Tối lại không ai làm việc được” (Giăng 9:4)

Thật đáng ngạc nhiên, vì khi các môn đồ hỏi về trường hợp người mù, Chúa đã trả lời cho họ một cách đầy đủ:

                     “Chẳng phải tội lỗi của người hay cha mẹ người

                       nhưng ấy là để công việc của Đức Chúa Trời được tỏ ra trong người”

Nhưng tại sao tiếp đó Ngài lại đề cập đến việc ngắn ngủi, chóng qua của cuộc sống? Ngài đang nghĩ gì vậy?

Có thể trả lời cho câu hỏi nầy như sau:

Khi trả lời về các thắc mắc của các môn đồ, Chúa Jesus không chỉ cho các môn đồ thấy điều không đúng trong nhận định của họ về mối liên hệ giữa tội lỗi và vấn đề chịu khổ, nhưng Ngài còn chỉ ra cho họ thấy, một sai trật khá nặng của họ: Họ đoán xét người khác, đang khi không biết rõ về người bị đoán xét.

 Chúa trách các môn đồ:

 Ngài trách nhẹ nhàng, nhưng nghiêm khắc:

 Ngài muốn họ thôi đoán xét người khác, công việc chính yếu, trong quỹ thời gian của một môn đồ không phải là đoán xét người khác, mà là dành thì giờ cho công việc cứu người.

Thì giờ trên đất thật ngắn ngủi, nhưng Cơ đốc nhân lại thường hoang phí thì giờ cho những việc hư không. Môi-se than rằng:

                    “Tuổi tác của chúng tôi đến được bảy mươi,

                      Còn nếu mạnh khỏe, thì đến tám mươi.

                      Song sự kiêu căng của nó, bất quá là lao khổ và buồn thảm.

                     Vì đời sống chóng qua, rồi chúng tôi bay mất đi”.

                                                                                           (Thi thiên 90: 10)

Ít khi Cơ đốc nhân nhìn lại, để xem mình đã đáp lại tình yêu, ân điển của Chúa dành cho mình như thế nào? Và cũng ít người hối tiếc về khoảng thời gian trôi qua một cách vô ích trong đời.

Cách đây không lâu, trong một Hội Đồng của khu vực, vị Mục sư diễn giả yêu cầu những người từ sáu mươi tuổi trở lên, cùng đứng lên và hát lời thứ ba trong thánh ca 319:

                  Lo làm việc mau, đêm đến kia. Làm hồi trời chiều le lói.

                  Lo làm việc trong giây chót đây.Tịch dương khuất non đoài.

                  Làm việc, vì hoàng hôn bủa giăng.

                  Mau mau gia công, kẻo tối

                  Lo làm việc mau, đêm đến kia, mọi công tác xong rồi.

                                                                                (Lời :Anna Coghill)

Trong giờ phút ngắn ngủi ấy, không ít người vừa hát, vừa ngẫm lại đời mình và khóc với Chúa.

 

2. TA HAY CHÚNG TA?

.

Bản Kinh Thánh truyền thống chép câu Giăng 9:4 như sau:

               “Trong khi còn ban ngày, TA phải làm trọn công việc của Đấng sai ta đến”.

Bản N.I.V thì viết:

                “Đang khi còn ban ngày, CHÚNG TA phải làm

                  những công tác của Đấng sai ta đến”

Bản King James Version và bản New King James Version đều dùng chữ TA, tuy nhiên ở cuối trang đều có chua thêm cho thấy bản văn Hy Lạp dùng chữ CHÚNG TA, thay vì dùng chữ TA.

Như vậy chữ chính xác ở đây là CHÚNG TA thay vì là TA.

Có gì khác biệt khi dùng hai chữ nầy không?

Chắc chắc là có.

 Nếu chỗ nầy dùng chữ “TA”, thì công việc mà Chúa Cha sai đến chỉ là công việc của riêng của Chúa Jesus. Và phần trả lời:

                  “ Không phải người nầy hay cha mẹ người phạm tội

                    Nhưng ấy là để công việc của Đức Chúa Trời được tỏ ra trong người” (9:3)

Không có liên hệ gì với phần kế tiếp:

                   “Trong khi còn ban ngày Ta phải làm trọn công việc Đấng sai ta đến”(9:4)

Trong trường hợp nầy, lời Chúa trong 9:4 chỉ là lời Ngài tâm sự, chứ không phải là sự dạy dỗ của Chúa cho môn đồ Ngài..  

Thực ra, Chúa dùng chữ “CHÚNG TA”, thay vì là “TA” để dạy dỗ các môn đồ.

 Ngài đã ban cho các môn đồ Ngài (và chúng ta) một vinh dự hết sức lớn lao, khi đem họ (và chúng ta) vào công việc của Ngài. Nhưng cũng vì vậy, Ngài ràng buộc họ (và chúng ta) trong trách nhiệm với Ngài và với thế gian:

 Mọi nỗ lực trong đời sống của Cơ đốc Nhân, đều phải hòa hiệp với công việc của Chúa Jesus: Cơ đốc nhân không thể phí thì giờ để đi đoán xét người khác, họ phải đi cứu người.

 

IV.  HÃY ĐI RỬA TẠI AO SI-LÔ-Ê

 

I. TA LÀ SỰ SÁNG CỦA THẾ GIAN

 

Thế giới không có Jesus là thế giới của sự tối tăm, con người đi trong tối tăm: không có ánh sáng sự sống.

Thế giới không có Chúa Jesus là thế giới của sự tối tăm: con người quờ quạng đi tìm chân lý. Tuy nhiên chân lý con người tìm, vốn dời đổi mỗi ngày.

 Thế giới không có Chúa Jesus là thế giới của sự tối tăm: thế giới trong đó người mù dẫn đường cho người mù..

Thế giới không có ĐƯỜNG ĐI, CHÂN LÝ, SỰ SỐNG, nên thế giới ấy vốn không có hy vọng.

Dù vậy, Đức Chúa Trời yêu mến từng con người của thế giới tối tăm nầy, nên CON ĐỨC CHÚA TRỜI đã được sai đến:. Ngài là sự sáng, là Đấng đem sự sáng đến cho thế gian tăm tối.

Trước sự kiện Chúa chữa lành người mù không lâu, trong lễ lều tạm, giữa sân đền thờ, đèn đuốc sáng rực, Chúa Jesus đã phán hứa một lời diệu kỳ:

                    “Ta là sự sáng của thế gian,

                      người nào theo ta, chẳng đi trong nơi tối tăm, nhưng có ánh sáng sự sống”

                                                                                                                          (Giăng 8:12)

Và bây giờ, bên cạnh người mù từ thuở mới sanh, một người sống trong bóng tối dày đặc của bệnh mù thuộc thể,. Ngài nhắc lại lời phán hứa của Ngài:

                     “Đang khi ta còn ở thế gian, Ta là sự sáng của thế gian” (Giăng 9: 5)

Nhờ vào sự sáng, con người mới thấy được.

Chúa Jesus là sự sáng, để kẻ mù thuộc thể được chữa lành, để kẻ mù thuộc linh thấy được đường đi, chân lý, và sự sống của Đức Chúa Trời. Qua đó, con người nhận ra mục đích của đời mình.

Chúa Jesus là sự sáng của thế gian. Ngài đem sự sáng đến cho con người trong thế gian tăm tối ấy. Nhưng có phải mọi người đều nhận được sự sáng từ Chúa Jesus?

 Câu trả lời là: không.

 Ngài hứa với mọi người, nhưng chỉ người có đức tin bằng lòng bước theo Ngài, mới sỡ hữu được lời hứa nầy, Chúa phán:

                    “Người nào theo ta, chẳng đi trong nơi tối tăm,

                      nhưng có ánh sáng của sự sống ”(Giăng 8:12b)

Người mù trong Giăng 9:1-41 là một người như vậy.

 

2.HÃY ĐI RỬA TẠI AO SI-LÔ-Ê

 

Kinh Thánh chép:

                                     

                    “Nói xong Ngài nhổ xuống đất,

                     Lấy nước miếng trộn thành bùn,

                     Và đem xức mắt cho người mù

                     Đoạn Ngài phán cùng người mù rằng:

                     Hãy đi rửa tại nơi ao Si-lô-ê (Nghĩa là chịu sai đi)

                    Vậy, người đi đến ao đó, rửa, và trở lại, thì được thấy rõ

                                                                                                (Giăng 9:6-7)

Nhiều người thắc mắc tại sao Chúa Jesus lại dùng nước miếng trộn với đất, để xức mắt người mù, mà không phải cách khác,

Và cũng có nhiều người tìm cách giải thích điều nầy

Nhà giải kinh William Barclay viết rằng:

          “ Trong thế giới cổ, nước miêng, nhất là nước miếng của những người đáng kính,

             được người ta tin là có tác dụng chữa bệnh.

            Tacitus kể rằng Hoàng Đế Vespasian khi viếng thăm thành phố Alexandria,

            đã dùng nước miếng để chữa lành cho một người đau mắt và một người đau tay”…[1]

Cũng có người giải thích việc trộn nước miếng với đất là do con người vốn là bụi đất, nên cần làm như thế [2].

Các cách giải thích nầy, thực sự không cần thiết. Chúa Jesus có thể chữa lành bất cứ người bệnh nào, bất cứ loại bệnh nào, theo bất cứ cách nào, chẳng ai có thể hạn chế Ngài trong cách nầy hay cách khác, và cũng chẳng ai có thể bắt chước Ngài để chữa bệnh mắt, bằng cách rờ vào mắt, bằng cách phán một lời, hay bằng cách lấy nước miếng hoặc lấy bùn xức trên mắt người bệnh.

 Đây không phải là CÁCH CHỮA BỆNH, đây là SỰ CHỮA LÀNH THIÊN THƯỢNG, bởi quyền phép của Con Đức Chúa Trời.

Dù có vô số người mù được chữa lành, nhưng các sách phúc âm chỉ đề cập đến một số trường hợp gồm:

- Hai người mù thành Ca-pê-na-um: theo Chúa và xin Chúa chữa lành (Ma-thi-ơ 9:27-31)

- Hai người mù thành Giê-ri-cô: khi nghe Chúa Jesus đi qua, đã kêu lớn tiếng xin Ngài chữa lành (Ma-thi-ơ 20:29-34; Mac 10:46-53; Lu-ca 18:35-43)

- Người mù thành Bêt-sai-đa: được người khác đem đến và những người nầy kêu xin giúp (Mác 8:22-26)

- Và người mù tai thành Giê-ru-sa-lem (Giăng 9:1-41)

Trong các câu chuyện được kể:

Theo Ma-thi-ơ, Chúa Jesus đã chữa lành cho hai người mù ở Ca-pê-na-um và hai người mù tại thành Giê-ri-cô bằng cách rờ mắt họ.

 Riêng trong câu chuyện người mù tai Giê-ri-cô, Mác và Lu-ca ký thuật rằng Chúa Jesus phán thì người mù được lành

Người mù ở thành Bết sai đa được Chúa chữa lành bằng cách thoa nước miếng của Ngài lên mắt người.

Chỉ riêng trường hợp người mù tại thành Giê-ru-sa-lem, Ngài nhổ nước miếng hòa với đất thành bùn, để xức mắt người, rồi sai người tự đi rửa nơi ao Si-lô-ê.

Vậy tại sao có sự khác biệt trong sự chữa lành của Chúa Jesus?

Việc nầy liên quan đến lợi ích của người được chữa lành.

Những người mù tại Ca-pê-na-um và tại Giê-ri-cô là những người có đức tin mạnh mẽ, họ nhận biết Chúa Jesus là “Con cháu Vua Đa-vit”(một từ dùng chỉ Đấng Mê-si của người Do Thái), Đức tin của họ rõ ràng, lòng khao khát của họ mạnh mẽ, nên Chúa đã đáp ứng tức thì ước muốn của họ. Ngài đưa tay rờ mắt họ, cùng với lời khích lệ:

                       “Đức tin con đã cứu con” (Lu-ca 18:42)

Riêng người mù tai Giê-ru-sa-lem không hề biết Ngài là ai? Và cũng chưa từng mở miệng xin Ngài chữa lành.

 Khi kể lại chuyện mình được sáng mắt cho những người hàng xóm, anh nói về Ngài như sau:

                       “Một người tên là Jesus” (Giăng 9:11)

Và khi họ hỏi:    

                         “Người ấy ở đâu?”(Giăng 9:12a)

 Câu trả lời của anh là

                        “Tôi không biết” (Giăng 9:12b)

Quả thật anh chưa biết gì về Chúa Jesus, Đấng chữa lành cho anh.

Anh không biết Chúa, nhưng Ngài biết anh.

Vì lợi ích của anh, Đức Chúa Jesus đặt anh trong cảnh khó, để giúp anh bộc lộ đức tin: Ngài xức bùn trên mắt anh và sai anh đến rửa tại ao Si-lô-ê.

Việc xức bùn lên mắt để chữa bệnh, là việc người mù không thể tưởng tượng ra được.

Lý trí anh khó chấp nhận điều đó, nó cũng có thể khiến lý trí anh chế giễu cách chữa bệnh như vậy.

 Nhưng không phải vậy. Đức tin của anh vượt lên trên lý trí. Đức tin ấy đã bộc lộ một cách mạnh mẽ, Anh sẵn sàng vâng lời Chúa: Anh mầy mò, trong mù lòa, tìm đến ao Si-lô-ê.

Và phần thưởng lớn của Đức Tin đang chờ anh: Anh đã được chữa lành.


[1] William Barclay, Phúc Âm Giăng II,   NXB Văn phẩm Nguồn sống, 1993, 113

[2] Warren W. Wiersbe, Phúc Âm Giăng, NXB Văn Phẩm Nguồn Sống 2003, 139