Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 9

Môn Đồ Đầu Tiên Của Chúa Giê-xu

                                 ANH RÊ

I. ĐỨC CHÚA TRỜI CHỌN

1. BẮT ĐẦU TỪ NGƯỜI MỞ ĐƯỜNG

Giăng Baptit, người mở đường cho Chúa Jesus đã đến với sứ mạng:

                     Người sẽ làm cho lòng cha trở lại cùng con cái,

                     Lòng con cái trở lại cùng cha.

                                                                                                (Ma-la-chi 4: 5-6)

Để mở đường cho Tin Lành của Chúa Cứu Thế, việc đầu tiên của Giăng Baptit làm là xác định nhiệm mạng của mình:

Khi những thầy tế lễ và người Lê-vy truy vấn Giăng Baptit:

                     “Ông là ai? Phải là Ê-li chăng? Người trả lời: Không phải

                      Ông có phải tiên tri chăng? Người trả lời: không phải”

                                                                                                                (Giăng 1:21)

Họ nhất quyết đòi hỏi ông xưng ra mình là ai? Và Giăng đã không ngần ngại cho họ biết nhiệm mạng mà Đức Chúa Trời đặt trên ông:

                     “Ta là tiếng kêu trong sa mạc rằng: Hãy ban bằng đường cho Chúa”

                                                                                                                                 (Giăng 1:23)

Giăng Baptit đã hết lòng với nhiệm mạng Chúa giao, bằng cách giới thiệu Con Đức Chúa Trời, Đấng cứu chuộc con người, cho mọi người.

Ông cũng ban bằng đường cho Chúa, bằng cách giới thiệu những con người sẽ là trụ và nền trong thế giới mới, cho Đấng kiến tạo thế giới mới.

Trước một đám đông theo mình, một đám đông đang khao khát sự cứu rỗi của Đức Chúa Trời, Giăng Baptit bởi sự khải thị của Đức Chúa Trời đã chỉ tay về phía Chúa Jesus, giới thiệu Ngài cho con người:

                   “Kìa chiên con của Đức Chúa Trời, là Đấng cất tội lỗi thế gian đi”

                                                                                                    (Giăng 1:29)

Với sứ điệp ngắn gọn nhưng vô cùng quan trọng đó, Giăng Baptit đã làm trọn nhiệm mạng thứ nhứt Đức Chúa Trời giao: Hướng lòng con cái về với Cha.

Và ông cũng: Hướng lòng Cha về với con cái khi giới thiệu chính các môn đổ rất yêu dấu của ông với chúa Jesus.

 Kinh thánh chép:

                “Ngày mai Giăng ở lại đó với hai môn đồ mình,

                  Nhìn thấy Chúa Jesus đi ngang qua, bèn nói rằng:

                  Kìa chiên con của Đức Chúa Trời.

                  Hai môn đồ nghe lời đó, bèn đi theo Đức Chúa Jesus.

                                                                                          (Giăng 1:35-37)

Hai môn đồ ở đây chính là Giăng và Anh rê.

2. THẾ NÀO LÀ TRUNG THÀNH

Kinh thánh không chép nhiều về Anh rê, tuy nhiên những ghi chép đó là đủ, để khắc họa nên bóng dáng một trong những con người được Chúa Cứu thế chọn để làm tru, làm nền cho thế giới mới

 Anh rê may mắn gặp được người thầy như Giăng Baptit: Một người thầy luôn nhiệt thành với Đức Chúa Trời, một người thầy chịu sống thanh sạch, khắc khổ bản thân để bày tỏ sự vinh hiển của Đức Chúa Trời, một người thầy không tư vị ai, không xu nịnh bất cứ con người nào trên đất, một người thầy mang trên vai luật pháp của Đức Chúa Trời để mạnh dạn chỉ ra những sai trật trong cách ăn, nết ở của cả một dân tộc, vốn tự hào là dân thánh, dân thuộc riêng của Đức Chúa Trời. Một người thầy như vậy, thật xứng đáng để được kính yêu, tin cậy.

 Nhưng thật bất ngờ đối với Anh rê, khi Giăng Baptit, thầy mình, chỉ vào chúa Jesus và giới thiệu với mọi người rằng:

                 “Kìa chiên con của Đức Chúa Trời Đấng cất tội lỗi thế gian đi”

                                                                                                                   (Giăng 1:29)

Không chỉ vậy, Giăng Baptit đem chính mình ra so sánh:

                  “Có một Đấng ở giữa các ngươi mà các ngươi không nhận biết

                   Ấy là Đấng đến sau ta, trỗi hơn ta, ta chẳng đáng mở dây giày cho người”

                                                                                                             (Giăng 1: 26-27)

Và khi đứng gần Anh rê, Giăng Baptit đã chỉ vào Chúa Jesus, và giới thiệu Chúa Jesus cho Anh rê

                   “Kìa chiên con của Đức Chúa Trời” (Giăng 1:36)

Một sự chỉ dạy vô cùng quan trọng: Đấng vừa đi qua không chỉ là con người, đó là con Đức Chúa Trời, và sẽ là sinh tế mà Đức Chúa Trời sắm sẵn cho con người, để chuộc tội cho con người.

Anh rê đứng trước một thực tế không phải dễ để lựa chọn: Trung thành với thầy, để tiếp tục theo thầy, hay trung thành với lời dạy của thầy, để theo Chúa Jesus.

Nhiều môn đồ của Giăng trung thành đi theo thầy: Họ trung thành với thầy, nhưng khi chọn lựa như vậy, họ lại không trung thành được với lời dạy của thầy.

Anh rê đã có chọn lựa khác: Ông trung thành với lời dạy của thầy.

 Thầy ông, Giăng Baptit, đang là con người vô cùng nỗi tiếng trong xã hội Y-sơ-ra-en lúc đó đã cố gắng tự làm biến mất mình khi tuyên bố:

                       “Ta là tiếng kêu trong đồng vắng: Hãy ban bắng đường cho Chúa”

                                                                                                               (Giăng 1:24)

Nhưng tại sao Giăng Baptit tự giới hạn mình thành một tiếng kêu? Ông muốn mọi người thôi chú ý vào ông, nhưng chú ý, chú lòng vào Chúa Jesus:

                      “ Chiên con của Đức Chúa Trời, Đấng cất tội lỗi của thế gian đi”

Với Giăng Baptit, điều quan trọng nhất cho từng con người trên đất không phải là bước theo ông, nhưng bước theo Đấng vốn có quyền cất bỏ tội lỗi cho con người.

Trung thành với lời dạy của thầy, là trung thành với ý nguyện của thầy, và cũng chính là trung thành thật sự với thầy

Anh rê (đã cùng với Giăng sứ đồ) trung thành với lời dạy của thầy, họ cất bước theo Chúa Jesus.

3. “TÌM CHI” VÀ “Ở ĐÂU”                

                “Đức Chúa Jesus vừa xây lại, thấy hai người đi theo mình, thì phán rằng:

                  Các ngươi tìm chi? Thưa rằng: Ra-bi (nghĩa là thầy), Thầy ở đâu?

                 Ngài phán rằng: Hãy đến xem. Vậy, hai người đi, thấy nơi Ngài ở,

                 Và ở lại cùng Ngài trong ngày đó,  lúc bấy giờ độ chừng giờ thứ mười”.

                                                                                                                 (Giăng 1:38-39)

Thực ra Chúa Jesus không chỉ thấy Giăng và Anh-rê khi họ đi theo Ngài. Ngài thấy họ từ trước vô cùng và cũng thấy họ trong cõi tương lai đời đời: Họ được định trở thành trụ và nền cho thế giới mới, thế giới mà Ngài sẽ đem đến.

 Đức Chúa Jesus đã chào đón họ bằng một câu hỏi tưởng chừng đơn giản:

                 “Các ngươi tìm chi?”

                                            (Giăng 1:38)

Thực ra câu hỏi của Chúa không đơn giản, chỉ vài lời ngắn ngủi, Chúa Jesus đưa ra thông điệp quyết liệt cho những kẻ muốn theo Ngài:

              “Các ngươi tìm chi?”

 Danh vọng? Địa vị? Quyền thế? Tiền bạc? hay sự an thân trong cuộc đời trên đất?...

Ngài cần họ xác định lại điều gì đã thúc đẩy họ theo Ngài

 Động cơ đúng dẫn con người đến sự sống đời đời, còn động cơ sai trật sẽ khiến con người theo Chúa hụt hẫng, thất vọng, thương tổn, ngã lòng, thất bại…

Sứ đồ Phao lô cảnh cáo cho những con người theo Chúa vì những động cơ sai trật rằng:

                   “Nếu chúng ta chỉ có sự trông cậy trong Đấng Christ về đời nầy mà thôi,

                     Thì trong cả mọi người, chúng ta là kẻ khốn nạn hơn hết.

                                                                                                                 (I Cor15:29)

Anh rê (cùng với Giăng) đã trả lời Chúa Jesus bằng một câu hỏi cũng rất độc đáo:

                      “Thưa thầy, thầy ở đâu?”

                                                            (Giăng 1:38)

- Câu hỏi của Anh rê độc đáo, trước hết, vì nó không chỉ là câu hỏi: Nó còn là một câu trả lời cho câu hỏi của Chúa: Chúng tôi không tìm kiếm gì khác, chúng tôi không tìm danh, lợi, quyền của đời nầy. Chúng tôi đang tìm kiếm chính Ngài.

- Câu hỏi của Anh-rê cũng độc đáo khi bộc bạch được tấm lòng của ông với Chúa: Chúng tôi không tìm Chúa như người qua đường: Chúng tôi muốn biết “nơi ở” của Ngài.

Dĩ nhiên “nơi ở” dưới ngòi bút của sứ đồ Giăng, không đơn giản là một căn nhà, một phòng trọ, mà là một điều gì đó cao trọng, hơn linh thiêng hơn nhiều:

Kinh thánh cho biết Đức Chúa Trời là “nơi ở” của những người thánh của Ngài:

          “Lạy Chúa từ đời nầy qua đời kia, Chúa là “nơi ở” của chúng con”

                                                                                      (Thi thiên 90:1)                                                                                                                                                                                         

Chúa Jesus cũng giới thiệu chính Ngài là “nơi ở” của những người theo Ngài:

           “Hãy cứ ở trong ta, thì ta sẽ ở trong các ngươi”

                                                                                      (Giăng 15:4)

Anh rê (và với Giăng) đã biết nơi ở của Giăng Baptit: Đó là nơi tốt đẹp, nhưng chưa phải là nơi nương náu đời đời cho linh hồn họ. Họ muốn biết “nơi ở” của Chúa Jesus, vì đó sẽ là “nơi ở” của họ, nơi nương náu đời đời cho linh hồn họ.

4. HÃY ĐẾN XEM

Chúa Jesus trả lời cho Anh-rê và Giăng rằng:

                          “Hãy đến xem” (Giăng 1: 39

“Hãy đến xem” trước hết là lời mời rất ân cần của Chúa Jesus dành cho Anh-rê và Giăng để hai người không chỉ nghe về Chúa, nhưng họ cần thấy, cần ngẫm nghĩ, cần rờ đụng đến Đấng vốn là Lời Đức Chúa Trời. Như điều sứ đồ Giăng đã nhớ về Chúa Jesus, sau gần cả đời theo Chúa:

                          “Điều có từ trước hết là điều chúng tôi đã nghe,

                           Điều mắt chúng tôi đã thấy,

                           Điều chúng tôi đã ngắm và tay chúng tôi đã rờ, về lời sự sống”

                                                                                                                         (I Giăng 1:1)

 

“Hãy đến xem” thực ra cũng là đòi hỏi của Chúa đối với những kẻ theo Ngài. Tại sao vậy?

Vì rằng, người hầu việc Đức Chúa Jesus không thể không biết Ngài: Ngài là Emmanuel” là Đức Chúa Trời ở cùng chúng ta, là Đấng diệu kỳ vượt trên những hiểu biết thông thường của con người.  Chính vì vậy “Hãy đến xem” là yêu cầu đối với người muốn theo Chúa

 “Hãy đến xem” để tự mình tìm hiểu Ngài, tự mình khám phá Ngài, Ngài luôn muốn bày tỏ chính Ngài cho họ, hầu cho họ được tri thức và được ơn cao rao về Ngài, cho người khác.

 Anh rê (cùng với Giăng) “đã đến xem”:

             “Vậy hai người đi, thấy nơi Ngài ở, và ở lại cùng Ngài trong ngày đó”

                                                                                                                  (Giăng 1:39).

Không gì tốt hơn để biết về Chúa một khi:

-          Đã đi theo Chúa.

-          Đã thấy nơi Ngài ở

-          Đã ở với Ngài

  “Đã đi”, “đã thấy”, “đã ở” thật là một quá trình hết sức cần thiết, mà Anh rê và Giăng đã thực hiện. Vì người hầu việc Chúa Jesus hiệu quả phải là người “đã đi”, “đã thấy”, “đã ở cùng” với Chúa Jesus.

                     “Lúc ấy độ chừng giờ thứ mười” (bốn giờ chiều)

                                                                      (Giăng 1:39)

Giăng và Anh rê nhớ kỷ giây phút nầy, giây phút bắt đầu cuộc đời mới của họ.

II. TÔI ĐÃ GẶP ĐẤNG MÊ-SI

Đã đi, đã thấy, đã ở cùng Chúa Jesus, giúp Anh rê trở thành người đầu tiên trong thời đại của mình, và là người đầu tiên trong vòng nhân loại, dùng môi miệng mình xưng nhận một cách hết sức mạnh mẽ, táo bạo, chính xác về Chúa Jesus:  Chúa Jesus là Đấng Mê-si.

Không chỉ có vậy, ngay từ ngày đầu biết Chúa, Anh rê đã trở thành người đưa dắt người khác đến với Chúa.

Người được Anh rê dắt đến với Chúa trước hết, chính là anh mình: Simon Phi-e-rơ

Kinh thánh ghi:

                    “Trước hết người gặp anh mình là Simon thì nói rằng:

                     Chúng tôi đã gặp Đấng Mê-si (Nghĩa là Đấng Christ).

                     Người bèn dẫn Simon đến cùng Đức Chúa Jesus”

                                                                                          (Giăng 1: 41-42)

Sứ đồ Giăng cũng đã chép hai lần khác Anh rê đưa người đến với Chúa:

Trong Giăng (6:8-9) trước một đám đông từ nhiều nơi trên khắp Y-sơ-ra-en đến với Chúa tại Bêt-sai-đa. Họ đang đói, Chúa phán với Phi lip (Vốn là người thuộc Bết-sai-đa) rằng:

                     “ Chúng ta sẽ mua bánh ở đâu để cho dân nầy có mà ăn?

                        Ngài phán điều đó đặng thử Phi-líp, chớ Ngài đã biết điều Ngài sẽ làm rồi.

                                                                                                                                  (Giăng 6:6)

 Phi-líp tính nhanh trong đầu và thưa Ngài rằng:

                       “Hai trăm Đơ-ni-ê bánh không đủ phát cho mỗi người một ít”

                                                                                                                  (Giăng 6:7)

Và Anh-rê xuất hiện: Ông đưa một em bè đến với Chúa:

                        “Đây có một đứa con trai, có năm cái bánh và hai con cá,

                          Nhưng đông người dường nầy, thì ngần ấy có thấm vào đâu”

                                                                                                                     (Giăng 6:9)

Anh rê đưa em bé trai có bánh và cá đến với Chúa Jesus, nhưng sau đó ông lại phát biểu dường như thiếu đức tin:

                        “Nhưng đông người dường ấy, thì ngần ấy có thấm vào đâu”

Anh rê thiếu đức tin chăng?

Thật ra không phải vậy.

Khi đem em bé trai có năm cái bánh và hai con cá đến với Chúa, Anh rê đã bày tỏ đức tin một cách mạnh mẽ.

Anh rê muốn thưa với Chúa rằng: Chúng con hiện có được một phần đóng góp ít ỏi, và thực tế phần đóng góp nầy không thể đáp ứng nhu cầu lớn lao của đám đông như Chúa muốn. Chúng con dâng phần nhỏ nầy vào tay Ngài, vì tin rằng chính Ngài sẽ đáp ứng nhu cầu của đám đông, theo cách mà chúng con không thể biết. Đức tin là vậy.

Chúa đã nhân phần đóng góp nhỏ nhoi, không đáng gì của con người, để làm nên việc lớn lao cho con người.

Một lần khác khi những người Hy Lạp muốn gặp Chúa Jesus, họ đã nhờ đến Phi líp:

                      “Thưa Chúa, chúng tôi muốn ra mắt Đức Chúa Jesus.

                        Phi-líp đi nói với Anh rê,

                       Rồi Anh rê cùng với Phi-líp đến thưa cùng Chúa Jesus”

                                                                                       (Giăng 12: 21-22)

Anh rê không bỏ lỡ cơ hội nào để đưa dắt con người đến với Chúa Jesus. Ông luôn trung thành với nhiệm mạng nầy.

III. NHÂN VẬT THỨ YẾU?

Có 9 lần kinh thánh nhắc đến tên Anh rê:

Khi Chúa Jesus kêu gọi các môn đồ, Ma-thi-ơ và Mác thuật:

                      “Khi Ngài đi dọc theo mé biển Ga-li-lê,

                        Thấy anh em kia, là Simon, cũng gọi là Phi-e-rơ, với em là Anh rê,

                        Đang thả lưới dưới biển, vì hai an hem vốn là người đánh cá.

                        Ngài phán cùng hai người rằng: Hãy theo ta,

                       Ta sẽ cho các ngươi nên tay đánh lưới người (Ma-thi-ơ 4: 18-19),( Mác 1:16-17)

Về việc Chúa lập các sứ đồ Ma-thi-ơ viết:

                          “Tên mười hai sứ đồ như sau nầy: Sứ đồ thứ nhất là Simon

                           Cũng gọi là Phi-e-rơ và Anh rê em người.

                           Gia cơ là con của Xê-bê-đê, và Giăng em Gia cơ,

                           Phi-líp cùng Ba-thê-lê-mi, Thô-ma và Ma-thi-ơ là người thâu thuế,

                           Gia-cơ con của A-phê, cùng Tha-đê,

                           Simon người Ca-na-an cùng Giu-đa-ich-ca-ri-ôt, là kẻ phản Đức Chúa Jesus

                                                                                                  (Ma-thi-ơ 10:2)

Trong khi đó Mac ghi lại danh sách các sứ đồ theo trật tự hơi khác:

                       “Nầy là mười hai sứ đồ Ngài đã lập:

                         Simon, Ngài đặt tên là Phi-e-rơ,Gia cơ con Xê-bê-đê và Giăng em Gia cơ,

                         Anh rê, Phi-líp, Ba-thê-lê-mi, Ma-thi-ơ, Thô-ma,Gia cơ con A-phê,  

                         Tha đê, Simon người Ca-na-an và Giu-đa-ich-ca-ri-ốt chính tên nầy đã phản Ngài

                                                                                                                                               (Mac 3: 16-19)

Còn Lu-ca chép:

                       “Đến sáng ngày, Ngài đòi môn đồ đến, chọn mười hai người gọi là sứ đồ:

                        Simon, Ngài đặt tên là Phi-e-rơ, Anh rê em ruột của Phi-e-rơ,

                       Gia-cơ và Giăng, Phi-líp và ba-thê-lê-mi,Ma-thi-ơ và Thô-ma,

                      Gia-cơ con của A-phê và Simon gọi là Xê-lốt,

                      Giu-đe con của Gia-cơ và Giu-đa-ich-ca-ri-ốt là kẻ phản Ngài.

                                                                                                           (Lu-ca 6:13-16)

Sứ đồ Giăng chép tên Anh rê bốn lần:

                     “Trong hai người nghe điều Giăng nói và đi theo Chúa Jesus đó,

                     một là Anh rê, em của Simon Phi-e-rơ” (Giăng 1:40)

                     “Vả, Phi-líp là người Bết-sai-đa, đồng thành với Anh rê và Phi-e-rơ”

                                                                                                                        (Giăng 1:44)

                      “Một môn đồ, là Anh rê, em của Simon Phi-e-rơ, thưa rằng:

                      Đây có một đứa con trai, có năm cái bánh mạch nha và hai con cá,

                     Nhưng đông người dường nầy, thì ngần ấy có thấm vào đâu”

                                                                                                                  (Giăng 6:8-9)

                     “Có mấy người Gờ-réc đến tìm Phi-líp là người thành Bết-sai-đa,

                      thuộc xứ Ga-li-lê mà xin rằng: Thưa Chúa, chúng tôi muốn ra mắt Chúa Jesus.

                      Phi-líp đến nói với Anh rê. Rồi Anh rê với Phi-líp đến thưa cùng Chúa Jesus

                                                                                                                                Giăng 12: 21-22)

Như vậy, trong chín lần nhắc đến tên Anh rê, có đến sáu lần, các sách phúc âm, nhắc đến cụm từ “Em của Simon Phi-e-rơ”.  Điều nầy cho thấy vai trò đứng sau của Anh rê: Ông dường như bị che lấp dưới cái bóng quá lớn của anh mình.

Anh rê cũng không được đứng trong nhóm “ba môn đồ” thân cận nhất của Chúa Jesus.  Ông không có được đặc ân như Phi-e-rơ, Giăng, Gia cơ.

 Những sứ đồ nầy được cùng đi với Chúa vào nhà Giai ru, để chứng kiến Ngài dùng quyền phêp kêu kẻ chết sống lại.

 Họ được theo Chúa lên núi hóa hình, để thấy vinh hiển đời đời của con Đức Chúa Trời.

Họ được cùng vào sâu trong vườn Ghết-sê-ma-nê trong những giờ phút Chúa đối đầu với nỗi cô đơn cùng tột.

 Anh rê vốn là người đầu tiên đến với Chúa Jesus, vốn là người dẫn anh mình đến với Ngài, Ông há không buồn lòng vì phải đứng sau anh mình và đứng sau cả Gia cơ và Giăng nữa sao?

Quả thật, những dòng kinh thánh ngắn ngủi viết về Anh rê, cho thấy ông không hề buồn phiền gì về những điều đó. Ông bằng lòng nhận địa vị khiêm nhường trong đoàn sứ đồ, và vui vẻ đứng sau anh mình, để phục sự Chúa. Ông hiểu rằng viếc Chúa chọn, việc Chúa dùng người nầy ở địa vị nầy, người kia ở địa vị ki, là sự sắp xếp thiên thượng, theo sự khôn ngoan cùng tột, của Đấng khôn ngoan cùng tột.

Chính vì vậy, đối với ông được biết Chúa Jesus, được phục sự Con Đức Chúa Trời đã là đặc ân quá lớn cho ông rồi.

Chúa Jesus đã khiến ông trở thành tấm gương vĩ đại về sự khiêm nhu. Muôn vàn những thế hệ sau ông được phước, không phải vì những việc lớn lao họ làm cho Chúa trong cuộc đời họ, nhưng được phước vì sự khiêm nhu, như tấm gương Anh rê khiêm nhu.

PHẦN KẾT

Sách Khài huyền chép về thành thánh:

                         “Thành có một bức tường cao lớn, với mười hai cửa,

                         Trên những cửa có mười hai vị thiên sứ, cùng những danh đề,

                         Là danh mười hai chi phái của con cháu Y-sơ-ra-en.

                         Phía đông có ba cửa, phía bắc có ba cửa, phía nam có ba cửa,

                         Phía tây có ba cửa.Còn trên tường thành có mười hai cái nền,

                         Tại trên đó có đề mười hai danh là danh mười hai sứ đồ của Chiên con”

                                                                                                                    (Khải huyền 21:12-14)

Có tên Anh rê, vị sứ đồ khiêm nhu, trong số các tên đó.