Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 9

Rao Báo Tin Mừng

* Kinh Thánh: Lu ca 2: 1 - 20.

* Câu nền tảng: Câu 10-11và 17.

@ DẪN NHẬP:

Ngay trong đêm Chúa Giê-su giáng sinh cách đây hơn hai ngàn năm trước, Đức Chúa Trời đã sai thiên sứ đến báo tin cho các anh chăn chiên đang chăn chiên tại vùng Bết-lê-hem, xứ Do-thái rằng: “Đừng sợ chi; vì nầy, ta báo cho các ngươi một tin lành, sẽ là một sự vui mừng lớn cho muôn dân; ấy là hôm nay tại thành Đa-vít đã sanh cho các ngươi một Đấng Cứu-thế, là Christ, là Chúa.” (Trích sách Tin Lành Lu-ca, chương 2, câu 10, 11).

Các anh chăn chiên sau khi nghe được tin mừng lớn lao ấy, đã vội vàng, hăng hái rủ nhau đi đến tận nơi Chúa vừa hạ sinh để chiêm ngưỡng Hài Nhi Thánh đang nằm trong máng cỏ. Sau đó, họ trở về rao báo tin mừng ấy cho nhiều người.

Từ đó trở đi cho đến ngày hôm nay, tin mừng lớn cho muôn dân là sự giáng sinh của Chúa Giê-su đã được các con dân Chúa trải qua mọi thời đại cứ thế tiếp tục rao báo cho nhiều người khác tại nơi mình đang sống và mỗi khi mình gặp.

Có thể nói, bởi tinh thần rao báo tin mừng của con dân Chúa như thế mà hôm nay, Tin Lành cứu rỗi của Chúa Giê-su đã được loan truyền ra khắp hoàn cầu.

Nhân mùa Giáng Sinh, xin mời Hội Thánh và quý vị cùng suy gẫm lời Chúa với tôi được trích trong sách Phúc âm Lu-ca, chương 2, câu 1 – 20.

với đề tài:

RAO BÁO TIN MỪNG.

Mong ước rằng, chính lời Chúa sẽ khích lệ, giục giã mỗi lòng chúng ta tiếp tục hăng hái rao báo tin mừng cho mọi người để nhiều người biết và trở lại tin nhận Ngài.

I./ NGUỒN GỐC CỦA TIN MỪNG( c. 1-14):

Bác sĩ kiêm sử gia Lu-ca đã cho biết: Au-gút-tơ là vị vua La-mã đầu tiên, cai trị từ năm 31 TC đến 14 SC, đã ra lịnh kiểm tra dân số lần đầu tiên. Mọi người dân theo lịnh đó đều phải đi khai hộ khẩu. Giô-sép cũng vậy, ông dẫn Ma-ri là vợ hứa lên Bết-lê-hem xứ Giu-đa để kê khai. Chặng đường từ Na-xa-rét đến Bết-lê-hem dài chừng 120 km, họ đi bộ mất chừng ba ngày đường. Khi đi đến nơi thì Ma-ri cũng đến ngày sanh nở đứa con đầu lòng. Nàng sanh con trai đầu lòng tại một máng cỏ của chuồng chiên, vì nhà quán không còn chỗ ở cho hai người. Và cũng trong thời điểm đó, một thiên sứ của Đức Chúa Trời hiện đến với mấy anh chăn chiên trong vùng ấy và loan báo một tin rằng: “Đừng sợ chi; vì nầy, ta báo cho các ngươi một tin lành, sẽ là một sự vui mừng lớn cho muôn dân; ấy là hôm nay tại thành Đa-vít đã sanh cho các ngươi một Đấng Cứu-thế , là Christ, là Chúa.” (Lu-ca 2: 10, 11).

Tin mừng nầy không phải do con người loan báo, nhưng do một sứ thần đến từ trời cao. Sau khi loan tin mừng đó rồi, vị thiên sứ ấy cùng với muôn vàn thiên binh khác ca ngợi Đức Chúa Trời bằng một bài thần ca bất hủ như sau:

Sáng danh Chúa trên các từng trời rất cao.
Bình an dưới đất ân trạch cho loài người.
” (Lu-ca 2: 14).

Qua đó, chúng ta thấy nguồn gốc của tin mừng không đến từ hạ giới, nhưng đến từ thượng giới, không đến từ con người, nhưng đến từ Đức Chúa Trời.

Xưa nay, không ít người nghĩ rằng đạo Tin Lành là của Mỹ, vì thấy nhiều người Mỹ theo Tin Lành. Hay cho rằng đó là đạo của người Do-thái, vì biết Chúa Giê-su là một người Do-thái. Đó là một suy nghĩ sai lầm. Đành rằng nước Mỹ là nước có rất đông người tin Chúa, nhưng không vì thế mà Tin Lành là đạo của Mỹ được. Đành rằng Chúa Giê-su là người Do-thái, nhưng không phải vì thế mà Tin Lành là đạo của người Do-thái đâu. Tin Lành không thuộc và cũng không có nguồn gốc từ bất cứ một nước nào trên trần gian nầy.

Nguồn gốc chính xác và đúng đắn duy nhất của tin mừng, đó là đến từ trời, do Đức Chúa Trời ban xuống cho con loài người.

Chính Chúa Giê-su đã tuyên bố: “Tin Lành nầy về nước Đức Chúa Trời sẽ được giảng ra khắp đất, để làm chứng cho muôn dân. Bấy giờ sự cuối cùng sẽ đến.” (Ma-thi-ơ 24: 14).

Phao-lô cũng đã xác quyết rằng: “Hỡi anh em, tôi nói cho anh em rằng, Tin Lành mà tôi đã truyền, chẳng phải đến từ loài người đâu, vì tôi không nhận và cũng không học Tin Lành đó với một người nào, nhưng đã nhận lấy bởi sự tỏ ra của Đức Chúa Giê-su Christ.” (Ga-la-ti 1: 11, 12).

Như vậy, nguồn gốc của tin mừng không xuất phát từ con người, không ở nơi hạ giới mà đến từ thiên thượng, đến từ Đức Chúa Trời. Nhưng, có người sẽ hỏi tin mừng đó là gì?

Xin thưa, tin mừng đó chính là Chúa Giê-su đã giáng sinh làm người để rồi chịu chết đổ huyết ra cứu chuộc con người ra khỏi tội lỗi.

Cảm tạ Chúa đã ban tin mừng đó đến cho con người chúng ta cách nay đã hơn hai ngàn năm rồi!

II./ TINH THẦN RAO BÁO TIN MỪNG( câu 15-19):

Sau khi nghe được tin mừng từ thiên sứ loan báo, các anh chăn chiên đã thể hiện một tinh thần hăng hái, sốt sắng rất rõ ràng trong việc rao báo tin mừng mình đã nhận được cho người khác.

Câu 16 cho thấy rằng họ đã “vội vàng” đi đến nơi đã được tin báo. Họ thấy Ma-ri, Giô-sép và thấy con trẻ đang nằm trong máng cỏ. Sau khi đã tận mắt chứng kiến được hình ảnh con trẻ đang nằm yên trong máng cỏ. Họ bèn thuật lại, hay báo tin lại cho nhiều người về tin mừng mà chính mình đã thấy, đã cảm nhận, khiến cho nhiều người khi nghe được điều họ rao báo đều lạ lùng, đều ngạc nhiên, đều cảm kích. (câu 18).

Hăng hái, sốt sắng rao báo tin mừng, đó chính là tinh thần cần có của người làm công việc rao báo tin mừng.

Sau khi các anh chăn chiên đã thấy con trẻ, thì họ liền thuật lại tin mừng ấy cho người khác.

Điều nầy dạy dỗ chúng ta, muốn làm người rao báo tin mừng cho người khác, thì trước hết, chúng ta phải thấy, phải biết, phải chứng kiến, phải kinh nghiệm về tin mừng cho chính mình, rồi sau đó, chúng ta mới có thể rao báo tin mừng cho người khác cách đúng đắn được.

“Thấy” phải đi trước, “thuật”(rao báo) mới đi sau. Đó là nguyên tắc cần nhớ của người rao báo tin mừng. chúng ta chỉ có thể rao báo tin mừng có hiệu quả khi chính chúng ta đã nếm trải được kinh nghiệm, ơn phước của Tin Lành cứu rỗi của Đức Chúa Giê-su Christ. Bằng không, thì tất cả chỉ là lý thuyết suông mà thôi, chẳng có năng quyền gì cả. Người xưa có câu “Đạo phi kinh nghiệm bất năng truyền” (đạo mà không kinh nghiệm thì chẳng có quyền năng gì hết để rao truyền) thật là chí lý.

Ngày xưa khi Chúa sai tiên tri Giê-rê-mi đi rao báo lời Ngài cho dân sự, dù gặp nhiều khó khăn, chống đối, nhưng ông vẫn quyết tâm rao báo lời Ngài cách nóng cháy. Ông khẳng định: “Nếu tôi nói: Tôi sẽ chẳng nói đến Ngài nữa; tôi sẽ chẳng nhơn danh Ngài mà nói nữa, thì trong lòng tôi như lửa đốt cháy, bọc kín trong xương tôi, và tôi mệt mỏi vì nín lặng, không chịu được nữa.” (Giê-rê-mi 20: 9). Thật là một tinh thần nóng cháy, một trái tim nóng bỏng rao báo lời Ngài hiếm thấy và đáng cho chúng ta học hỏi biết bao!

Phao-lô ngày xưa cũng đã có một tinh thần rao báo tin mừng sốt sắng vô cùng. Ông đã nói rằng: “Anh em biết tôi chẳng trễ nải rao truyền mọi đều ích lợi cho anh em, chẳng giấu đều chi hết… Vì tôi không trễ nải một chút nào để tỏ ra cho biết hết thảy ý muốn của Đức Chúa Trời” (Công vụ. 20: 20, 27). Tạ ơn Chúa về tấm lòng nóng cháy rao báo Tin Lành của Phao-lô!

Cách đây độ trên một trăm năm, Mục Sư Tấn Sĩ A. B. Simson, người Gia-nã-đại, một Mục Sư thuộc hệ phái Tin Lành Trưởng Lão đã được Chúa thôi thúc trong lòng, nên ông đã quyết tâm rời quê hương thân yêu của mình, cùng với các Mục sư thuộc nhiều hệ phái khác nhau như Baptist, Ngũ tuần, Mennonite,…ra đi rao báo tin mừng cứu rỗi của Chúa Giê-su cho những dân tộc ở những vùng đất bị lãng quên trên thế giới, trong đó có đất nước Việt Nam yêu quý của chúng ta. Bởi tinh thần hăng hái, nóng cháy đó của Mục Sư và các Giáo sĩ khác mà ngày hôm nay, Tin Lành đã được truyền đến Việt Nam hơn một trăm năm rồi và nhờ đó mà nhiều người Việt Nam chúng ta mới biết đến Tin Lành của Chúa và đã có cả không dưới hai triệu người Việt Nam tin nhận Ngài. Tạ ơn Chúa về tinh thần rao báo tin mừng của Mục Sư Simson và các Giáo sĩ tiền phong thuộc nhiều hệ phái Tin Lành.

Còn biết bao nhiêu người chưa được nghe Tin Lành cứu rỗi của Chúa Giê-su, chúng ta có tinh thần hăng hái, sốt sắng rao báo tin mừng cho họ không?

Hãy noi gương các anh chăn chiên năm xưa trong tinh thần rao báo tin mừng Chúa vào đời cho mọi người. Đó là cách kỷ niệm lễ Giáng Sinh mà Chúa vui lòng nhất.

Mục sư, nhà văn Cơ-đốc Lữ Thành Kiến đã rất có lý khi bày tỏ về cách yêu quê hương của ông đó là rao báo Tin Lành cho người Việt Nam thân yêu của mình. Vâng, đó là một cách yêu quê hương Việt Nam đẹp lòng Chúa. Làm cho đất nước Việt Nam đầy dẫy Tin Lành của nước Đức Chúa Trời (Công cụ. 5: 28), đó cũng phải là mong muốn của mỗi con dân Chúa vậy. Vì khi có hàng chục triệu người Việt Nam tin nhận Chúa Giê-su làm Cứu Chúa của mình thì chắc chắn Đức Chúa Trời sẽ ban phước xuống cho dân tộc của chúng ta chẳng sai. Dân tộc Việt Nam sẽ được hưởng không chỉ đủ mọi thứ phước thiêng liêng ở các nơi trên trời mà còn được hưởng nhiều ơn phước vật chất tốt đẹp khác nữa. Dân tộc chúng ta sẽ được hưởng đầy đủ những quyền con người mà Đức Chúa Trời đã ban cho, được giải phóng ra khỏi sự dối trá và sự kiêu ngạo (Thi-thiên 33: 12; 144: 11, 15).

III./ ĐỜI SỐNG CỦA NGƯỜI RAO BÁO TIN MỪNG (Câu 20):

Sau khi đến tận nơi nhìn thấy được con trẻ nằm trong máng cỏ và thuật lại cho nhiều người khác về tin mừng đó, thì các anh chăn chiên đã quay trở lại nơi cánh đồng chăn chiên quen thuộc của mình và tiếp tục công việc chăn chiên của mình như ngày nào. Nhưng có điều đời sống các anh bây giờ đã thay đổi hẳn.

Lời Kinh Thánh ghi lại rằng: “Bọn chăn chiên trở về, làm sáng danh và ngợi khen Đức Chúa Trời về mọi đều mình đã nghe và thấy y như lời đã bảo trước cùng mình.” (Câu 20).

Có lẽ trước đây, khi chưa gặp Chúa, đời sống các anh chắc là buồn nhiều hơn vui. Có lẽ các anh sống trong âm thầm, lặng lẽ, ít muốn giao tiếp với ai, vì tự ty mặc cảm chăng? Có thể cuộc sống khó nghèo làm “tắt” tiếng ca của các anh? Nhưng kể từ khi gặp Chúa, cuộc đời của các anh đã thật sự thay đổi, các anh sống một đời sống tốt đẹp, một đời sống vui mừng. Cuộc sống không có Chúa thường dễ “tắt” tiếng ca, nhưng cuộc đời có Chúa thì sẽ “cất” tiếng ca vui mừng mãi mãi.

Cuộc đời của mỗi chúng ta ngày hôm nay như thế nào? Sau khi gặp Chúa, tin Chúa rồi, đời sống chúng ta có được thay đổi tốt đẹp lên không? Người khác có nhìn thấy một đời sống sáng sủa, vui mừng ở nơi chúng ta không? Chúng ta có làm sáng danh Chúa hay làm tối danh Chúa? Chúng ta có vui mừng cảm tạ Chúa hay vẫn cứ buồn bã, ta thán Chúa? Mỗi chúng ta phải tự tra xét lại đời sống của chúng ta trước mặt Chúa và xin Chúa tha thứ, giúp đỡ mỗi chúng ta.

Chúng ta chỉ có thể rao báo tin mừng cách kết quả khi chúng ta có một đời sống xứng hiệp với tin mừng mà chúng ta đã tin nhận. Một đời sống đầy dẫy sự buồn bã, chán chường, ta thán, thì không thể nào có thể rao báo tin mừng được.

Người rao báo tin mừng, phải là người có một đời sống tốt đẹp, vui mừng. Nếu không thì chỉ có thể đem đến tin buồn cho người khác mà thôi. Nếu không thì chỉ làm hoen ố tin mừng mà thôi.

Có câu chuyện vui kể về một người đi bán thuốc mọc tóc trong khi đó đầu mình lại phải đội một đầu tóc giả, vì không có tóc, cho nên anh không thể nào thuyết phục được người khác mua thuốc mọc tóc của mình được. Cũng một thể ấy, nếu đời sống của người rao báo tin mừng mà không được thay đổi một cách tốt đẹp và đầy niềm vui, thì không thể nào rao báo tin mừng cho người khác hiệu quả được.

Trong Thánh ca 210 có lời như sau: “Ngày vui hơn hết, ngày tôi tin Chúa, tôn Giê-su Christ làm Cứu Chúa mình. Từ đây tôi mãi mừng vui ca múa, đi khắp mỗi nơi truyền bá Tin Lành.

Đó chính là đời sống mà một người rao báo tin mừng cần phải có.

@ KẾT LUẬN:

Trước khi về trời, Chúa Giê-su đã để lại Đại Mạnh Lịnh cho con dân Ngài rằng: “Hết cả quyền phép ở trên trời và dưới đất đã giao cho ta. Vậy, hãy đi dạy dỗ muôn dân, hãy nhơn danh Đức Cha, Đức Con, và Đức Thánh Linh mà làm phép báp-têm cho họ, và dạy họ giữ hết cả mọi đều mà ta đã truyền cho các ngươi. Và nầy, ta thường ở cùng các ngươi luôn cho đến tận thế.” (Ma-thi-ơ 28: 18-20).

Chúa cũng phán: “Hãy đi khắp thế gian, giảng Tin Lành cho mọi người.” (Mác 16: 15).

Rao báo tin mừng là trách nhiệm của mọi con dân Chúa trải qua mọi thời đại. Ngay trong đêm Chúa giáng sinh, các anh chăn chiên đã vâng lời Chúa mà rao báo tin mừng cho nhiều người. Từ đó đến nay, trải hơn hai ngàn năm qua, con dân Chúa tiếp tục rao báo tin mừng cho mọi người. Và nhiệm vụ rao báo tin mừng vẫn con tiếp tục cho đến ngày Chúa trở lại.

Vậy, chúng ta phải tiếp tục làm nhiệm vụ rao báo tin mừng từ trời cho mọi người với một tinh thần hăng hái, sốt sắng. Để rao báo tin mừng hiệu quả thì mỗi con dân Chúa phải có một đời sống được thay đổi tốt đẹp và đầy sự vui mừng.

Một khi chúng ta có đời sống tốt đẹp, chúng ta ra đi rao báo tin mừng, chắc chắn Chúa sẽ ban cho có người nghe và có người tin, vì lời Chúa khẳng định: “đức tin đến bởi sự người ta nghe, mà người ta nghe, là khi lời của Đấng Christ được rao giảng.” (Rô-ma 10: 17).

Tác giả Bình Tú Ngọc có làm bài thơ về rao giảng Tin Lành dựa trên câu Kinh Thánh trong Rô-ma 10: 16 như sau(Chữ đầu của mỗi câu thơ trong bài thơ ghép lại thành câu Kinh Thánh trong Rô-ma 10: 15b):

Những ai rao giảng Tin Lành
Bàn tay của Chúa sẵn dành phước cho
Chơn đi bền bỉ không ngờ
Kẻ đem tin tốt bao giờ cũng vui
Rao ra ân điển Chúa Trời
Truyền bá Lời Sống là Lời của Cha
Tin mừng phước hạnh cho ta
Lành, hiền, đẹp đẽ, thật thà, đáng yêu
Là con dân Chúa sớm chiều
Tốt danh, thơm thảo, mỹ miều đó thôi
Đẹp thay tình Chúa yêu tôi
Biết rằng tôi chỉ tội - tồi – đáng kinh
Bao la, vĩ đại: Chúa mình!

Nguyện Chúa ban phước cho mỗi con cái Chúa trung tín, tận tâm rao giảng tin mừng Chúa giáng sinh cho mọi người và ước mong Chúa ban cho có nhiều đồng bào Việt Nam thân yêu của chúng ta trở lại tin nhận Ngài qua sự tích cực rao báo tin mừng của mỗi chúng ta. Amen!

-Mục sư Nguyễn - Đình - Liễu-