Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 11

Thuật Lại Chuyện Máng Cỏ

* Kinh thánh: Lu-ca 2: 1 – 21.

* Câu ghi nhớ: Lu-ca 2: 17.

@ DẪN NHẬP:

Như nhiều người trong chúng ta đã biết, có hai vật dụng trong nhân loại, từ chỗ là những hình ảnh mà bất cứ ai khi nghĩ đến đều cảm thấy có cái gì đó hôi hám, dơ nhớp, và nhục nhã, đáng ghê tởm; nhưng kể từ khi Chúa Giê-su hiện diện tại đó, thì nó lại biến thành hai vật dụng được người ta yêu mến, quý trọng vô cùng. Hai vật dụng đó chính là cái máng cỏ và cây thập tự.

Hình ảnh cái máng cỏ nhắc ta nhớ đến một sự kiện trọng đại nhứt trong suốt cả cõi lịch sử loài người, đó là sự kiện Chúa Giê-su giáng sinh để cứu con người ra khỏi tội lỗi. Hình ảnh cây thập tự nhắc nhở ta nhớ đến sự hy sinh vĩ đại nhất trong lịch sử nhân loại, đó là sự chết của Chúa Giê-su trên cây thập tự để đổ huyết vô tội của Ngài ra đền tội cho tội nhân.

Hôm nay, nhân mùa Lễ Chúa giáng sinh, kỷ niệm sự vào đời của Chúa Cứu-thế, nương trên phân đoạn Kinh thánh được chép trong sách Tin Lành Lu-ca 2: 1-21, kính mời quý vị cùng tôi suy nghĩ về một trong hai hình ảnh đó, là hình ảnh cái máng cỏ mà cách đây hơn hai ngàn năm, khi Chúa Giê-su giáng sinh, Ngài đã nằm trong đó, với đề tài:

THUẬT LẠI CHUYỆN MÁNG CỎ

I./ NGHE BIẾT VỀ CHUYỆN MÁNG CỎ(Câu 1-14):

Câu chuyện Chúa Giê-su giáng sinh là một câu chuyện kỳ diệu nhất trong tất cả mọi câu chuyện mà xưa nay con người có được, nhưng đó cũng là câu chuyện giản dị nhất, cảm động nhất trong mọi câu chuyện, giản dị đến không ngờ, giản dị đến nỗi những người thấp hèn nhất trong xã hội như những người chăn chiên cũng có thể nghe biết được. Câu chuyện kỳ diệu nhất và giản dị nhất đó được Kinh thánh ghi lại trong sách Lu-ca 2: 1-21 mà Hội thánh và quý vị đã được nghe mỗi mùa Giáng sinh về.

Câu chuyện Giáng sinh, hay còn có thể gọi một cách bình dị nhất là “câu chuyện máng cỏ” được sử gia Lu-ca ghi lại một cách đầy chứng cứ lịch sử. Chúa Giê-su giáng sinh vào thời Hoàng đế La-mã có tên là Au-gút-tơ cai trị đế quốc La-mã rộng lớn từ năm 31 TC – 14 SC. Nhằm lúc có cuộc kiểm tra dân số lần thứ nhất diễn ra, nên đôi vợ chồng trẻ là Ma-ri và Giô-sép dù đang ở thành Na-xa-rét, xứ Ga-li-lê, và dù vợ đang chuẩn bị đến ngày sanh nở, nhưng họ vẫn phải khăn gói lên đường đến thành Đa-vít, gọi là Bết-lê-hem, xứ Giu-đê (một chặng đường khá xa thời bấy giờ, độ chừng 120 km, tương đương 80 dặm, đi bộ mất chừng ba ngày đường) để khai tên tuổi mình vào sổ theo đúng quy định của pháp luật lúc bấy giờ.

Đang khi còn ở Bết-lê-hem để hoàn thành việc kê khai tên tuổi, thì ngày sanh đẻ của Ma-ri lại đến, Giô-sép phải tìm chỗ cho vợ mình sinh, nhưng tìm không được, vì đang lúc rất đông dân chúng tụ tập về đây để kê khai tên tuổi theo luật định, nên chỗ ở không còn. Không còn cách nào khác, Giô-sép đành phải chấp nhận cho vợ mình sinh tại nơi máng cỏ của chuồng chiên của người chủ quán trọ. Lời Kinh thánh ghi lại rằng: “Đang khi hai người ở nơi đó, thì ngày sanh đẻ của Ma-ri đã đến. Người sanh con trai đầu lòng, lấy khăn bọc con mình, đặt nằm trong máng cỏ, vì nhà quán không có đủ chỗ ở.”(Lu-ca 2: 6-7).

Chúa Giê-su là Vua của cả trời đất vũ trụ nầy mà lại sinh hạ tại một cái máng cỏ, nơi thấp hèn nhất của thế gian. Thật đáng cảm động thay! Có thể nói không có câu chuyện nào cảm động như câu chuyện kỳ diệu và giản dị nầy.

Sau khi Chúa Giê-su đã sinh tại nơi máng cỏ rồi, các anh chăn chiên đang thức đêm canh giữ bầy chiên của mình, được thiên sứ đến báo tin cho biết về sự kiện trọng đại nầy, khiến họ rất sợ hãi, vì đó là điều mà tai họ chưa từng nghe, mắt họ chưa từng thấy và lòng họ chưa hề suy nghĩ tới. Thiên sứ trấn an họ: “Đừng sợ chi; vì nầy, ta báo cho các người một tin lành, sẽ là một sự vui mừng lớn cho muôn dân; ấy là hôm nay tại thành Đa-vít đã sanh cho các ngươi một Đấng Cứu-thế, là Christ, là Chúa. Nầy là dấu cho các người nhìn nhận Ngài: Các ngươi sẽ gặp một con trẻ bọc bằng khăn, nằm trong máng cỏ.”(Lu-ca 2: 10-12).

Kinh thánh cho biết, các anh chăn chiên đã nghe biết rất rõ ràng về câu chuyện Chúa giáng sinh tại trong máng cỏ đê hèn. Có thể nói, cả cuộc đời các anh chăn chiên, chưa bao giờ nghe biết được một câu chuyện kỳ diệu, giản dị mà cảm động như thế. Có thể các anh đã biết được có nhiều những em bé trong làng xóm các anh ở được sinh ra dù không phải trong giường êm, nệm ấm đi nữa, thì chí ít cũng được sinh ra một nơi đàng hoàng trong nhà được cha mẹ chuẩn bị khá kỹ càng. Nhưng đây là lần đầu tiên, các anh nghe biết được trường hợp một đôi vợ chồng trẻ sinh con yêu quý của mình tại một nơi thấp hèn như máng cỏ. Là những người chăn chiên, các anh biết hơn ai hết, cái máng cỏ là nơi thật thấp hèn và hôi hám nữa. Chắc chắn, lòng các anh rạo rực lắm khi chính tai mình nghe biết được một câu chuyện cảm động như thế trong cuộc đời.

Muốn thuật lại chuyện máng cỏ thì trước hết các anh chăn chiên phải được nghe biết về câu chuyện nầy cái đã. Quả thật, các anh đã được nghe biết rất rõ ràng về câu chuyện máng cỏ qua thiên sứ của Đức Chúa Trời. Các anh không những chỉ nghe biết về câu chuyện máng cỏ đầy cảm động, mà các anh còn được nghe các thiên binh, thiên sứ của Chúa cùng ngợi khen Đức Chúa Trời một bản hoan ca một cách vô cùng mạnh mẽ và oai nghi:

Sáng danh Chúa trên các từng trời rất cao
Bình an dưới đất, ân trạch cho loài người!
”(Lu-ca 2: 14)

Ngày hôm nay, con dân Chúa muốn thuật lại ơn phước Chúa ban cho cuộc đời mình, thì trước hết, chính mình phải được nghe biết về câu chuyện Chúa giáng sinh nơi máng cỏ năm xưa với một tấm lòng được cảm động sâu xa về tình yêu tuyệt vời của Chúa Giê-su dành cho mình. Nếu không được nghe biết cách rõ ràng về câu chuyện máng cỏ và nếu lòng không cảm động về câu chuyện tình yêu cao đẹp ấy, thì khoan hãy thuật lại chuyện máng cỏ, vì câu chuyện chỉ có thể cảm động được người nghe khi chúng ta thuật lại từ lòng qua lòng mà thôi.

Chúa Giê-su đã từng nhiều lần phán: “Ai có tai mà nghe, hãy nghe.”(Ma-thi-ơ 11: 15; 13: 43). Câu chuyện máng cỏ là một câu chuyện mà mọi người cần được nghe biết cách rõ ràng và đầy đủ hơn bất cứ câu chuyện nào trên trần gian nầy.

II./ NHÌN THẤY CON TRẺ ĐANG NẰM TRONG MÁNG CỎ(Câu 15-16):

Người Việt ta có câu nói: “Trăm nghe không bằng một thấy.” Câu nói nầy áp dụng đúng với trường hợp các anh chăn chiên năm xưa. Không những thiên sứ báo tin cho các anh nghe biết rõ ràng về câu chuyện Giáng sinh kỳ diệu, nhưng các anh còn thấy được y như lời những gì thiên sứ đã loan báo. Được nghe câu chuyện máng cỏ đã là kỳ diệu, phước hạnh rồi, nhưng được tận mắt chứng kiến câu chuyện máng cỏ lại là điều kỳ diệu và phước hạnh bội phần hơn.

Chắc chắn sau khi nghe biết về câu chuyện máng cỏ, lòng các anh được cảm động sâu xa lắm về hình ảnh một Hài nhi Giê-su bọc bằng khăn nằm trong máng cỏ. Và các anh khao khát mau mau được đến tận nơi chiêm ngưỡng Hài nhi Thánh. Điều đó được thể hiện qua lời nói, và tinh thần, thái độ của các anh như Kinh thánh đã ghi lại: “Sau khi thiên sứ lìa họ lên trời rồi, bọn chăn chiên nói với nhau rằng: Chúng ta hãy tới thành Bết-lê-hem, xem việc đã xảy đến mà Chúa cho chúng ta hay. Vậy, họ vội vàng đi đến đó, thấy Ma-ri, Giô-sép, và thấy con trẻ đang nằm trong máng cỏ.”(Lu-ca 2: 16-16).

Các anh nói với nhau điều gì? “Chúng ta hãy tới thành Bết-lê-hem, xem việc đã xảy đến mà Chúa cho chúng ta hay.”(Lu-ca 2: 15). “Chúng ta hãy tới thành Bết-lê-hem”, đó là một lời gọi mời tha thiết, đầy tình cảm. Họ rủ nhau đến tận nơi xảy ra câu chuyện máng cỏ để xem thấy cho tận tường sự việc kỳ diệu mà họ vừa mới nghe biết.

Tinh thần, thái độ các anh ra sao? “Vậy, họ vội vàng đi đến đó.”(Lu-ca 2: 16a) “Vội vàng” là đi liền, một thái độ dứt khoát, không do dự, không chần chừ, không bán tín bán nghi, hay nửa tin nửa ngờ, quyết không bỏ lỡ cơ hội “ngàn năm một thuở” để diện kiến Đấng Cứu-thế của nhân loại.

Họ thấy gì khi đến nơi? “Vậy, họ vội vàng đi đến đó, thấy Ma-ri, Giô-sép, và thấy con trẻ đang nằm trong máng cỏ.”(Lu-ca 2) 16). Họ thấy ba người là Ma-ri, Giô-sép và con trẻ đang nằm trong máng cỏ.

Mọi điều họ vừa được nghe biết về câu chuyện máng cỏ trước đó, giờ đây đã thật sự hiển hiện trước mắt họ một trăm phần trăm không một chút sai trật nào. Trí não họ đã tin nay lại càng tin hơn. Lòng họ đã cảm động nay lại càng cảm động hơn.

Muốn thuật lại chuyện máng cỏ, thì trước hết các anh chăn chiên cần phải được nghe biết cách rõ ràng, không những chỉ nghe biết không thôi, mà các anh còn cần phải được chứng kiến, nhìn thấy tận mắt, thì mới có thể thuật lại câu chuyện cách chính xác và có sức thuyết phục cho người khác.

Bạn và tôi ngày hôm nay, muốn thuật lại những ơn phước Chúa ban cho mình, những điều kỳ diệu mà Chúa đã làm cho mình, thì cũng như thế, chúng ta cần phải được nghe biết rõ ràng về câu chuyện tình yêu kỳ diệu của Chúa Giê-su dành cho mình. Và sau đó, phải nhìn thấy, “rờ đụng” được chính Chúa Giê-su và kinh nghiệm được những ơn phước Ngài ban cho trong chính cuộc đời mình. Có như thế, thì chúng ta mới có thể giới thiệu về câu chuyện máng cỏ mới có sức thu hút người khác đến với Ngài, nếu không thì chỉ là những lý thuyết suông, thiếu quyền phép từ Chúa Thánh Linh ban cho, chẳng ích lợi gì, chẳng kết quả chi. Phao-lô đã quả quyết rằng: “Lời nói và sự giảng dạy của tôi chẳng phải bằng bài diễn thuyết khéo léo của sự khôn ngoan, nhưng tại sự tỏ ra Thánh Linh và quyền phép.”(I Cô-rinh-tô 2: 4).

III./ THUẬT LẠI CHUYỆN MÁNG CỎ(Câu 17-21):

Sau khi đã đến tận nơi nhìn “thấy Ma-ri, Giô-sép và thấy con trẻ đang nằm trong máng cỏ”, thì họ liền thuật lại chuyện máng cỏ cho người khác biết.

Kinh thánh ghi lại rằng: “Đã thấy vậy, họ bèn thuật lại những lời thiên sứ nói về con trẻ đó.”(Lu-ca 2: 17).

Chú ý thật kỹ, chúng ta sẽ thấy rất ý nghĩa việc thuật lại chuyện máng cỏ của mấy anh chăn chiên. Các anh chăn chiên đã thấy 3 người, đó là Ma-ri, Giô-sép và con trẻ đang nằm trong máng cỏ, nhưng khi thuật lại thì các anh chỉ thuật lại “những lời thiên sứ nói về con trẻ đang nằm trong máng cỏ” mà thôi.

Thuật chuyện là một nghệ thuật. Văn thuật chuyện là một thể văn mà không một học sinh nào không được học qua, nhưng như thế không có nghĩa là tất cả những ai học qua thể văn thuật chuyện đều có thể biết cách thuật chuyện một cách hiệu quả đâu. Thuật chuyện hiệu quả là biết nhắm vào vấn đề trọng tâm, cốt lõi của câu chuyện để thuật lại, biết làm nổi bật vấn đề hay nhân vật chính yếu của câu chuyện.

Các anh chăn chiên ngày xưa, chắc chưa được học biết về thể văn thuật chuyện, nhưng có thể nói các anh là những bậc thầy về thuật chuyện. Các anh nhìn thấy nhiều điều về sự việc đang xảy ra, nào là thấy Ma-ri, thấy Giô-sép, thấy con trẻ đang nằm trong máng cỏ, cũng có thể các anh thấy những con chiên đang nằm trong chuồng, thấy nhiều người chung quanh và thấy nhiều thứ khác nữa… nhưng khi thuật lại câu chuyện máng cỏ cho người khác nghe, các anh chỉ thuật lại “những lời thiên sứ nói về con trẻ đang nằm trong máng cỏ” mà thôi. Đó chính là phương pháp thuật chuyện hiệu quả nhất vậy. Nếu các anh chăn chiên thuật lại hết mọi điều khác mà không thuật hoặc chỉ thuật lại sơ sài “những lời thiên sứ nói về con trẻ đang nằm trong máng cỏ” thì thiết tưởng rằng câu chuyện chẳng có một ý nghĩa gì cả và sẽ chẳng ai lấy làm lạ về câu chuyện ấy cả. Nhưng các anh đã không làm thế, có thể các anh cũng có kể lại một vài điều xung quanh máng cỏ như Ma-ri, Giô-sép, hay ngay cả cái máng cỏ nữa, nhưng chỉ là vài nét chấm phá mà thôi, với mục đích để làm nổi bật “những lời thiên sứ nói về con trẻ đang nằm trong máng cỏ” vậy.

Các anh chăn chiên đã “thuật lại những lời thiên sứ nói về con trẻ đó”. “Những lời thiên sứ nói về con trẻ đó” là những lời nào? Đó chính là những lời thiên sứ đã phán với họ: “Đừng sợ chi; vì nầy, ta báo cho các người một tin lành, sẽ là một sự vui mừng lớn cho muôn dân; ấy là hôm nay tại thành Đa-vít đã sanh cho các ngươi một Đấng Cứu-thế, là Christ, là Chúa.”(Lu-ca 2: 10-11).

Thuật lại chuyện máng cỏ chính là thuật lại Tin Lành cứu rỗi của Chúa Giê-su đã được ban cho loài người cách nay hơn hai ngàn năm qua. Thuật lại chuyện máng cỏ chính là thuật lại sự vui mừng lớn cho muôn dân. Sự vui mừng lớn đó chính là Chúa Giê-su, Đấng Cứu-thế của nhân loại đã giáng sinh, chịu chết đền tội cho con người tội lỗi chúng ta. Đó chính là trọng tâm của câu chuyện máng cỏ mà các anh chăn chiên đã thuật lại cho người khác.

Và với cách thuật chuyện hiệu quả như thế, các anh đã làm cho những người nghe đều lấy làm lạ về câu chuyện tình yêu kỳ diệu của Chúa Giê-su dành cho nhân loại. “Ai nấy nghe chuyện bọn chăn chiên nói, đều lấy làm lạ.”(Lu-ca 2: 18)

Sau khi thuật lại chuyện máng cỏ cách hiệu quả cho người khác, các anh chăn chiên đã ra về trong vui mừng, sung sướng và sống làm sáng danh Ngài. “Bọn chăn chiên trở về, làm sáng danh và ngợi khen Đức Chúa Trời về mọi đều mình đã nghe và thấy y như lời đã bảo trước cùng mình.”(Lu-ca 2: 20).

Ngày hôm nay cũng vậy, nếu mỗi chúng ta đều biết thuật lại chuyện máng cỏ đúng trọng tâm như các anh chăn chiên năm xưa đã thuật thì chắc chắn chúng ta cũng sẽ có một đời sống vui mừng, sung sướng và sống đẹp lòng Ngài chẳng sai.

Đây là điều chắc chắn, bất cứ ai sống đúng theo tinh thần của Kinh thánh dạy, làm đúng theo lời Chúa dạy, tôn cao Chúa trong đời sống, thì sẽ hưởng được đời sống thoả vui thật sự, làm sáng danh Ngài thật sự, cho dù có đang sống trong một cuộc sống giản đơn nhất như các anh chăn chiên. Phao-lô là một người học thức uyên thâm khó có ai bì kịp, nhưng khi tin nhận Chúa Giê-su làm Chúa, làm Chủ cuộc đời rồi, ông đã khẳng định: “Vì tôi đã đoán định rằng ở giữa anh em, tôi chẳng biết sự gì khác ngoài Đức Chúa Giê-su Christ, và Đức Chúa Giê-su Christ bị đóng đinh trên cây thập tự.”(I Cô-rinh-tô 2: 2).

Khi thuật lại câu chuyện cứu rỗi, hãy học nơi các anh chăn chiên, chỉ thuật lại “những lời thiên sứ nói về con trẻ”, hãy học nơi Phao-lô, chỉ thuật lại những lời Kinh thánh nói về Chúa Giê-su mà thôi, đừng nói điều gì khác, và cũng đừng để điều gì khác làm chìm khuất hình ảnh Hài nhi Thánh, Đấng Cứu-thế của nhân loại, đừng để điều gì khác làm chìm khuất hình ảnh của Đức Chúa Giê-su Christ bị đóng đinh trên cây thập tự.

@ KẾT LUẬN:

Chúng ta vừa cùng nhau suy gẫm về câu chuyện Chúa Giáng sinh với đề tài “THUẬT LẠI CHUYỆN MÁNG CỎ”.

Muốn “thuật lại chuyện máng cỏ”, muốn thuật lại câu chuyện tình yêu kỳ diệu của Chúa Giê-su dành cho nhân loại, thì trước hết, chúng ta phải được nghe biết cách rõ ràng, chính xác về chuyện máng cỏ như các anh chăn chiên ngày xưa đã nghe.

Muốn “thuật lại chuyện máng cỏ”, muốn thuật lại câu chuyện tình yêu kỳ diệu của Chúa Giê-su dành cho nhân loại, thì không chỉ nghe biết rõ ràng, chính xác về câu chuyện đó, mà còn phải được nhìn thấy tận tường những điều mình đã nghe biết, mình phải như “rờ đụng” được Chúa Giê-su trong cuộc đời của mình như các anh chăn chiên đã tận mắt chứng kiến con trẻ đang nằm trong máng cỏ năm xưa vậy.

Để “thuật lại chuyện máng cỏ”, thuật lại câu chuyện tình yêu kỳ diệu của Chúa Giê-su dành cho nhân loại một cách hiệu quả, thì mỗi chúng ta phải biết chú tâm đến vấn đề trọng tâm nhất của câu chuyện Tin Lành cứu rỗi nhân loại, đó chính là Hài nhi Thánh, đó chính là Đấng Cứu-thế, đó chính là Đức Chúa Giê-su Christ đã bị đóng đinh trên thập tự giá để cứu chuộc tội nhân và đã sống lại và sống mãi mãi để ban sự sống đời đời cho bất cứ ai bằng lòng tin nhận Ngài.

Cảm tạ Chúa, cuộc đời chúng ta trước khi tin nhận Chúa Giê-su thì chẳng khác nào cái máng cỏ hôi tanh, ai cũng xem thường, khinh khi, nhưng kể từ khi tiếp nhận Ngài làm Chúa, làm Chủ cuộc đời, được Ngài ngự vào đời sống, cuộc đời chúng ta được Chúa biến đổi từ chỗ xấu xa, tội lỗi trở thành một con người tốt đẹp trước mặt Chúa và trước mặt mọi người. Giống như máng cỏ hôi hám xưa kia đã lập tức trở thành thơm tho, đẹp đẽ ngay khi có “con trẻ bọc bằng khăn nằm trong đó”.

* Chuyện kể rằng, sau khi vẽ xong bức tranh nổi tiếng “Bữa tiệc ly”, thì Leonardo Đa Vin ci(hoạ sĩ lừng danh người Ý) hỏi người xem có nhận xét gì về bức tranh, thì người ta nói bức tranh đẹp lắm, mười hai môn đồ rất đẹp, Chúa Giê-su rất giống và nhất là cái ly đẹp quá, giống như thật. Danh hoạ nghe thế liền sửa liền cái ly lại đúng mức độ và vị trí của nó, chỉ để Chúa Giê-su nổi bật trong toàn bức tranh mà thôi.

Chúa Giê-su có phải là trọng tâm trong mọi câu chuyện của chúng ta, trong mọi lời làm chứng của chúng ta hay không? Có điều gì làm chìm khuất Chúa Giê-su trong chúng ta hay không? Hãy sửa ngay lại và chỉ để Chúa Giê-su là trọng tâm duy nhất trong mọi lời làm chứng, trong mọi lời tường thuật của chúng ta mà thôi.

Xin Chúa ban cho mỗi chúng ta là những người đã tin nhận Chúa Giê-su rồi, hãy hết lòng biết ơn Ngài như các anh chăn chiên năm xưa mà sống một đời sống vui mừng, làm sáng danh Thiên Chúa của mình, vì chính Ngài đã cứu chúng ta “ra khỏi nơi tối tăm, đến nơi sáng láng lạ lùng của Ngài.” Chính Ngài đã “đem chúng ta lên khỏi hầm gớm ghê, khỏi vũng bùn lấm của tội lỗi” và “đặt chơn chúng ta trên hòn đá và làm cho bước chúng ta vững bền”(Thi-thiên 40: 2).

Ai trong chúng ta là những con dân Chúa mà chưa “thuật lại chuyện máng cỏ” cho người khác ít nhất một lần, thì hôm nay hãy bắt đầu làm điều đó và hãy tiếp tục làm điều đó trong suốt cuộc đời còn lại của mình để cho nhiều người được biết về câu chuyện máng cỏ và đến chiêm ngưỡng Đấng Cứu-thế với chúng ta.

Xin Chúa ban cho những thân hữu là những người chưa tin nhận Chúa Giê-su làm Cứu Chúa cho cuộc đời mình, có tham dự buổi lễ Giáng sinh hôm nay, hãy sớm quyết định mở lòng ra tiếp nhận Chúa Giê-su vào đời sống để cuộc đời được bình an, vui thoả và sống cuộc sống đầy ý nghĩa như các anh chăn chiên năm nào đã đón Hài nhi Thánh vào lòng và đã sống một đời sống phước hạnh vô cùng. Chúa Giê-su sẵn sàng ngự vào lòng bạn bất cứ lúc nào như Ngài đã từng ngự vào nơi máng cỏ đơn sơ, hèn mạt năm xưa vậy.

Xin gởi tặng quý vị và các bạn những vần thơ viết về máng cỏ thật gần gũi như sau:

Máng cỏ xưa mục đồng gặp Chúa
Họ trở về hăm hở báo tin:
Một Cứu Chúa quyền năng giáng hạ
Máng cỏ xưa - lòng mãi không quên.

Máng cỏ xưa rơm khô hèn mạc
Như đời ta tội lỗi xấu xa…
Khi Đấng Christ ngự vào thay đổi
Máng cỏ xưa sung mãn tình Cha.

Máng cỏ xưa nghĩ suy tình Chúa
Đấng cao vời hạ xuống trần gian
Cảm tạ Chúa thương con vô đối
Biết ơn Ngài đã đến cứu con.

Nguyện Hài nhi Thánh ban mọi ơn phước thiên thượng trên hết thảy mỗi một chúng ta cách dư dật. Kính chúc Hội thánh và quý vị hưởng một mùa Giáng sinh phước hạnh và năm mới sắp tới tràn đầy niềm vui và sự bình an từ Hài nhi Giê-su ban cho. A men!

- Mục sư Nguyễn - Đình - Liễu –