Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 12

Niềm Hy Vọng

 Kinh thánh: I Phi-e-rơ 1: 3-5.

 Câu ghi nhớ: I Cô-rinh-tô 15: 19.

@ DẪN NHẬP:

Hy vọng là một điều rất cần có cho một con người để sống và sống một đời sống tích cực và có ý nghĩa. Sống mà không có hy vọng, thì cuộc sống buồn chán vô cùng và cũng mất hết ý nghĩa của nó.

Có một số câu nói hay về hy vọng như sau:

+ Một tâm hồn mạnh mẽ luôn luôn hy vọng, và luôn luôn có động cơ để hy vọng.

(Thomas Carlyle)

+ Tất cả sự khôn ngoan của con người được tập hợp lại trong hai từ; chờ đợi và hy vọng. (Alexandre Dumas)

+ Người có sức khỏe, có hy vọng; và người có hy vọng, có tất cả mọi thứ. (Thomas Carlyle)

+ Một khi bạn chọn hi vọng, bất cứ điều gì cũng có thể. (Christopher Reeve)

+ Tất cả mọi điều trên thế giới này đều được hy vọng làm nên. (Martin Luther)

“Sau cơn mưa trời lại sáng”. Đó là câu mà chúng ta thường nghe nói để an ủi người khác khi họ gặp những bất trắc trong cuộc sống. Vâng, đó cũng là một cách để ta có thêm hy vọng mà sống vậy. Nhưng làm sao để có thể có một niềm hy vọng vô biên, một niềm hy vọng không gì có thể lay chuyển được khi chúng ta sống trong cuộc đời nầy? Cứu cánh cho niềm hy vọng của con người chúng ta là đâu?

Nhân mùa kỷ niệm sự Giáng Sinh của Chúa Cứu Thế Giê-su lại về, tôi kính gởi đến quý vị và các bạn đề tài “Niềm hy vọng” với mong ước là tất cả chúng ta đều có được một niềm hy vọng vững chắc khi sống giữa cuộc đời đầy bất trắc và đen tối nầy để sống một đời sống đầy ý nghĩa và hữu ích.

I./ Chúa Giê-su chính là cứu cánh cho niềm hy vọng của con người chúng ta(Câu 3):

Ca ngợi Đức Chúa Trời là Cha Chúa Cứu Thế Giê-su, Chúa chúng ta! Vì lòng thương xót lớn lao, Ngài đã cho chúng ta được tái sinh với đầy hy vọng sống nhờ Chúa Cứu Thế Giê-su sống lại từ kẻ chết.-BDM”(Câu 3).

Kể từ khi tổ phụ của con người là A-đam và Ê-va phạm tội bất tuân mạng lịnh của Đức Chúa Trời thì tội lỗi vào trong thế gian, làm cho con người phải đau khổ và hậu quả cuối cùng là sự chết dành cho con người. Con người sẽ phải chết cả linh hồn và thân thể trong hỏa ngục. Sự chết là một thách thức lớn lao nhất cho con người. Đã từng có nhiều hiền nhân, quân tử đề ra nhiều triết lý hay dạy con người tu thân, tích đức, làm lành, lánh dữ để mong mỏi được siêu thoát, vượt khỏi sự chết, nhưng oái oăm thay, chính các hiền nhân, quân tử đó lại không vượt qua được sự chết, thì tất cả những triết lý của họ đề ra vì vậy, tự nhiên cũng không có quyền năng gì cả.

Chúa Giê-su thì khác hẳn mọi hiền nhân, quân tử hay mọi giáo chủ từ xưa cho đến nay. Kinh Thánh cho biết, Ngài chính là Đức Chúa Trời, Đấng Tạo Hóa của muôn loài vạn vật: “Trước khi sáng tạo vũ trụ, đã có Ngôi Lời. Ngôi Lời ở cùng Đức Chúa Trời và Ngôi Lời là Đức Chúa Trời. Tất cả đều được Ngài sáng tạo, không gì hiện hữu mà không do Ngài.”(Sách Giăng, chương 1, câu 1 và 3-BDM). Nhưng Ngài cũng là Con Người nữa. Ngài đã giáng sinh xuống trần thế nầy cách đây hơn hai ngàn năm để làm sinh tế chịu chết chuộc tội cho con người tội lỗi chúng ta. Kinh Thánh bày tỏ: “Đây là lời đáng tin nhận hoàn toàn: Chúa Cứu Thế Giê-su đã đến trần gian để cứu người tội lỗi.”(Sách I Ti-mô-thê, chương 1, câu 15-BDM); “Nhưng Đức Chúa Trời đã tỏ tình yêu thương Ngài đối với chúng ta, khi chúng ta còn là tội nhân thì Chúa Cứu Thế đã chết thay cho chúng ta.”(Sách Rô-ma, chương 5, câu 8-BDM).

Chúa Giê-su đã giáng sinh vì con người chúng ta, đã bằng lòng chịu chết trên cây thập tự vì tội lỗi con người chúng ta. Ngài đã thực sự chết và được người ta đem chôn trong một ngôi mộ đá đã được đục sẵn. Nhưng bởi quyền năng siêu việt của Đức Chúa Trời, Ngài không chết luôn trong thạch mộ chắc chắn ấy. Sau ba ngày nằm trong mộ, Ngài đã chiến thắng sự chết và sống lại cách khải hoàn và sống mãi mãi, không hề chết nữa. Kinh Thánh khẳng định: “Vì trước hết, tôi truyền lại cho anh chị em điều chính tôi đã nhận lãnh, ấy là Chúa Cứu Thế đã chết vì tội lỗi chúng ta như lời Kinh Thánh. Ngài được chôn và đến ngày thứ ba Ngài sống lại đúng như lời Kinh Thánh.”(Sách I Cô-rinh-tô, chương 15, câu 3-4-BDM). Chúa Giê-su đã sống lại cũng vì con người chúng ta. Ngài sống lại để ban sự sống vĩnh hằng cho bất cứ ai bằng lòng tin nhận Ngài làm Chủ, làm Chúa cuộc đời mình. Ngài trở nên Đấng duy nhất chiến thắng sự chết và chính vì vậy, Ngài trở nên cứu cánh duy nhất cho niềm hy vọng của con người chúng ta. Đấng chiến thắng sự chết mới là Đấng Sống và Đấng Sống mới có thể ban niềm hy vọng sống cho con người mà thôi. Chính vì vậy mà thánh Phi-e-rơ mới hân hoan công bố: “Ca ngợi Đức Chúa Trời là Cha Chúa Cứu Thế Giê-su, Chúa chúng ta! Vì lòng thương xót lớn lao, Ngài đã cho chúng ta được tái sinh với đầy hy vọng sống nhờ Chúa Cứu Thế Giê-su sống lại từ kẻ chết.”(Sách I Phi-e-rơ, chương 1, câu 3-BDM).

Giả định nếu Chúa Giê-su không sống lại từ trong kẻ chết thì tất cả mọi việc làm của Ngài(như sự giáng sinh kỳ diệu của Ngài, các việc làm kỳ diệu của Ngài, sự chết cách đớn đau nhưng rất đáng trân trọng của Ngài) cũng chẳng có ý nghĩa gì cả và Ngài cũng chẳng hơn gì các hiền nhân, quân tử hay các giáo chủ của con người. Nhưng tạ ơn Đức Chúa Trời, Chúa Cứu Thế Giê-su đã sống lại sau khi chết, nên Ngài vượt hẳn mọi hiền nhân, quân tử, mọi giáo chủ của đời nầy; Ngài vượt cao hơn tất cả mọi quyền bính, mọi thế lực, Ngài là danh trên hết mọi danh, vì Ngài là Chúa của sự sống và sự sống đời đời. Ngài xứng đáng là cứu cánh duy nhất cho niềm hy vọng của con người trải qua mọi thời đại. Ha-lê-lu-gia, ngợi khen Chúa của sự sống, Chúa của mọi niềm hy vọng của con người!

Niềm hy vọng thật của con người đến từ Chúa Giê-su và do chính Ngài ban cho. Ai có Chúa Giê-su, người đó có niềm hy vọng thật sự, ai chưa có Chúa Giê-su trong cuộc đời, người đó chưa thể có niềm hy vọng thật cho mình. Quý vị và các bạn đã có Chúa Giê-su trong cuộc đời của mình chưa?

II./ Mục đích Chúa Giê-su ban niềm hy vọng cho chúng ta(Câu 4, 5):

Để thừa hưởng gia tài không thể bị phá hủy, không hư hoại hay phai tàn đã dành cho anh chị em trên trời, là những người nhờ đức tin được quyền năng của Đức Chúa Trời gìn giữ cho sự cứu rỗi, là điều sẵn sàng để được bày tỏ trong thời cuối cùng.-BDM”(Câu 4, 5).

Chúa Cứu Thế Giê-su là cứu cánh duy nhất cho niềm hy vọng của chúng ta. Ngoài Ngài ra, chắc chắn con người không thể tìm đâu ra niềm hy vọng cho cuộc đời của mình. Mục đích Chúa ban niềm hy vọng cho chúng ta ấy là để chúng ta hưởng gia tài mà Ngài dành cho những người đặt đức tin nơi Ngài.

Người tin Chúa Giê-su không những sống một cuộc sống lạc quan, tích cực trong đời nầy, mà còn có một niềm hy vọng vững chắc trong tương lai, khi kết thúc cuộc sống trên trần gian nầy là sẽ được thừa hưởng thiên đàng phước hạnh mãi mãi với Chúa Cứu Thế.

Trong thư tín I Cô-rinh-tô, chương 1, câu 18, Phao-lô nhấn mạnh: “Nếu hy vọng của chúng ta trong Chúa Cứu Thế chỉ về đời nầy mà thôi thì chúng ta là những kẻ đáng thương hại hơn hết trong tất cả mọi người.”(Sách I Cô-rinh-tô, chương 15, câu 19-BDM). Người tin Chúa không chỉ sống có hy vọng trong đời nầy, nhưng còn có hy vọng nơi đời sau nữa. Niềm hy vọng về đời sau mới là niềm hy vọng vững chắc và lâu bền của người tin Chúa.

Thực ra, rất nhiều người quan tâm đến đời sau, khi đi qua cuộc đời nầy. Có người biết kết thúc cuộc đời nầy, sẽ bước vào một cuộc đời khác, nhưng không biết cuộc đời đó như thế nào và ra làm sao? Nên thôi cứ sống cuộc đời nầy cho xong đã, còn chuyện…đời sau để …sau rồi hãy tính. Có người biết có đời sau và được dạy, phải ăn ngay ở lành, tu thân tích đức để may chăng, sau khi qua đời, hy vọng có thể được siêu thoát lên cõi niết bàn nào đó mà mình cũng chẳng rõ nữa. Nhưng cũng có một số người lại cho rằng chẳng có đời sau nào cả, chỉ có đời nầy mà thôi. Họ quan niệm “chết là hết”, cho nên, họ sống và làm tất cả những gì mình có thể làm được trong cuộc đời nầy, rồi ăn chơi cho thỏa thích những đòi hỏi của thể xác, để khi nhắm mắt xuôi tay thì …xong đời.

Người tin Chúa Giê-su tin chắc chắn có đời sau sau khi kết thúc cuộc đời nầy, và tin chắc, biết rõ nơi mình sẽ đi đến khi kết thúc cuộc sống ngắn ngủi trên trần gian.

Chúa Giê-su đã từng tuyên bố cho những người tin Ngài rằng: “Trong nhà Cha Ta có nhiều chỗ ở. Nếu không, Ta đã nói cho các con rồi. Ta ra đi để sửa soạn chỗ ở cho các con; nếu Ta đi và sửa soạn một chỗ cho các con, Ta cũng sẽ trở lại đón các con về với Ta, để Ta ở đâu các con cũng ở đó. Các con biết đường đến nơi Ta đi.”(Sách Giăng, chương 14, câu 2 đến câu 4-BDM).

Thánh Phi-e-rơ thì cho biết tất cả những người tin Chúa Giê-su sẽ được thừa hưởng Thiên đàng phước hạnh, tức “thừa hưởng gia tài không thể bị phá hủy, không hư hoại hay phai tàn đã dành cho anh chị em trên trời, là những người nhờ đức tin được quyền năng của Đức Chúa Trời gìn giữ cho sự cứu rỗi, là điều sẵn sàng để được bày tỏ trong thời cuối cùng.”(Sách I Phi-e-rơ, chương 1, câu 4 và 5-BDM).

Trong sách Khải-huyền, chương 21 cũng ký thuật rất rõ ràng về Thiên đàng mà những người tin Chúa Giê-su sẽ đến ở sau khi qua đời nầy. Đó quả là một nơi tuyệt mỹ mà không một nơi nào trên trần gian nầy có thể ví sánh được, dù chỉ một phần nhỏ mà thôi. Và đó cũng là niềm hy vọng vô biên của những người tin Chúa Giê-su trải qua mọi thời đại.

Chính vì có một niềm hy vọng lớn lao như thế mà từ xưa cho đến nay, nhiều người tin Chúa Giê-su dù gặp nhiều khó khăn, bắt bớ, chống đối từ ma quỷ và những thế lực của nó, nhưng họ vẫn không hề nao núng, vẫn quyết một lòng theo Ngài cho đến hơi thở cuối cùng, vì họ biết rằng, sau khi kết thúc cuộc đời tạm bợ nầy, họ sẽ được bước vào Thiên đàng phước hạnh để ở với Chúa Giê-su trong niềm vui khôn tả đời đời, mãi mãi.

Có một câu Kinh Thánh mà khi đọc tôi thấy rất kỳ lạ, kỳ lạ một cách thích thú, đó là câu: “Phước cho những người chết là chết trong Chúa.”(Sách Khải-huyền, chương 14, câu 13-BDM).

Chết không bao giờ là phước cả. Kinh Thánh cũng không nói chết là phước. Vì chết là hậu quả của tội lỗi con người(“vì tiền công của tội lỗi là sự chết” (Kinh Thánh sách Rô-ma, chương 6, câu 23-BDM) mà). Nhưng Kinh Thánh nói: “Chết trong Chúa là phước”. Vì chết trong Chúa có niềm hy vọng lớn lao là được bước vào ở trong Thiên đàng phước hạnh với Ngài. Nói như thế cũng có nghĩa là “Chết ngoài Chúa là họa” vậy. Vì chết ngoài Chúa sẽ bị đoán phạt nơi hỏa ngục đời đời kinh khiếp.

Quý vị và các bạn muốn “chết trong Chúa” hay “chết ngoài Chúa”? Quyết định thuộc nơi mỗi một người trong chúng ta cách cá nhân với Chúa Giê-su. Ai đến với Chúa Giê-su, Ngài sẽ không bỏ ra ngoài đâu và Ngài chẳng hề để bị thất vọng bao giờ. Đó là một niềm tin chắc chắn.

Mục đích Chúa ban niềm hy vọng cho những người tin Chúa Giê-su, ấy là để họ được hưởng Thiên đàng vinh hiển, phước hạnh mà Ngài đã sắm sẵn cho người có lòng tin.

Người sống có mục đích là người sống có hy vọng. Ngược lại, người sống vô mục đích là người sống vô hy vọng.

Mục đích của đời sống tạm bợ nầy là để chuẩn bị cho cuộc sống vĩnh cửu đời sau. Nếu chúng ta sống mà không chuẩn bị cho đời sau thì quả thật là nguy hiểm vô cùng, vì chắc chắn mình sẽ phải đi đến một nơi mà mình không hề muốn đến, đó là hỏa ngục đời đời kinh khiếp.

Trong tác phẩm “Bình an với Chúa”, Mục Sư Billy Graham viết rằng: “Người không chịu tin có đời sống đằng sau cõi chết, không tin có thiên đàng hay hỏa ngục, không tin lời Chúa nói về những thực tại này, khi bước sang thế giới bên kia mới bừng tỉnh biết mình sai lầm thì anh ta đã mất tất cả”(“Bình an với Chúa”, p. 100).

KẾT LUẬN:

Tôi rất thích thú khi đọc bài ca dao của cha ông ta nói về niềm hy vọng của một con người trong cuộc sống vốn dĩ đầy những nan đề như sau:

“Tháng giêng, tháng hai, tháng ba, tháng bốn, tháng khốn, tháng nạn, đi vay, đi mượn được một quan tiền. Ra chợ Kẻ Giêng mua con gà mái về nuôi ba tháng.

Nó đẻ ra được mười cái trứng:

Một trứng ung, hai trứng ung, ba trứng ung, bốn trứng ung, năm trứng ung, sáu trứng ung, bảy trứng ung.

Còn ba trứng nở được ba con.

Con diều tha, con quạ bắt, con mặt cắt xơi.

Đừng than phận khó ai ơi

Còn da lông mọc, còn chồi nẩy cây.”

Trước một cuộc đời dồn dập nhưng tai ách, rủi ro, niềm hy vọng vào mười quả trứng tan tành theo mây khói, dường như không còn một chút hy vọng nào nữa khi ba quả trứng cuối cùng, như một bám víu cuối cùng cũng vụt mất khỏi tầm tay. Nhưng người này vẫn biết tin vào ngày mai, vẫn còn biết hy vọng vào …con gà còn lại mà thổ lộ được một niềm tin sau cuối thật đáng quý: “Đừng than phận khó ai ơi/ Còn da lông mọc, còn chồi nẩy cây.

Người dân nầy vẫn còn có một niềm hy vọng vào cuộc sống, vì người nầy biết …bám víu vào con gà mẹ còn lại của mình. Còn con gà mẹ thì sẽ còn có trứng gà và rồi sẽ có gà con thôi. Đó là một niềm tin, một niềm hy vọng có cơ sở đúng đắn.

Quý vị và các bạn có một niềm tin, một niềm hy vọng đúng đắn cho tương lai của mình chưa? Có thể cuộc đời chúng ta sẽ gặp nhiều điều bất trắc như người dân trong bài ca dao trên, nhưng nếu đã có Chúa Giê-su, Chúa của sự sống trong cuộc đời mình, thì chúng ta không phải lo sợ gì cả, mà vẫn có một niềm hy vọng vững chắc vào tương lai mai sau, bởi chính Chúa Giê-su là nguồn của mọi sự bình an và nguồn của mọi niềm hy vọng cho con người chúng ta.

Chúa Giê-su đã giáng sinh hơn hai ngàn năm qua rồi để tìm và cứu người tội lỗi. Chúa Giê-su cũng đã chịu chết để đền tội thế cho chúng ta trên thập tự giá rồi. Ngài cũng đã sống lại cách vinh hiển sau khi nằm trong thạch mộ ba ngày và sống mãi mãi để ban sự sống vĩnh cửu cho những ai bằng lòng tin nhận Ngài. Ngài chính là niềm hy vọng vững chắc duy nhất cho con người chúng ta. Ngài đã đến trong thế gian tội lỗi nầy với mục đích để ban niềm hy vọng cho con người chúng ta, để đem con người chúng ta về ở với Ngài trong thiên đàng phước hạnh trong tương lai.

Quý vị và các bạn đã có một cuộc đời đầy hy vọng chưa? Quý vị và các bạn muốn có một đời sống đầy hy vọng ngay hôm nay cho hôm nay và cho ngày mai của mình không? Hãy mời Chúa Giê-su, Chúa của niềm hy vọng vào trong cuộc đời mình, chắc chắn quý vị và các bạn sẽ kinh nghiệm được một cuộc đời đầy hy vọng cho mình ngay hôm nay và cả mai sau nữa. Cho đời nầy và cho cả cõi đời đời nữa.

Đó là một điều chắc chắn, đáng đem lòng tin trọn vẹn mà nhận lấy!

Lời Kinh thánh tuyên bố dứt khoát rằng: "Nếu hy vọng của chúng ta trong Chúa Cứu Thế chỉ về đời nầy mà thôi, thì chúng ta là những kẻ đáng thương hại hơn hết trong tất cả mọi người." (I Cô-rinh-tô 15: 19)

Nguyện Chúa ban phước dư dật cho quý vị và các bạn trong mùa Giáng sinh nầy.

Mục sư Nguyễn - Đình - Liễu.

Bài13