Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 57

Môn Đồ Của Chúa Giê-xu

(Giăng 8:31-32)

 

“Bấy giờ Ðức Chúa Giê-su nói với những người Do-thái đã tin Ngài, “Nếu các ngươi tiếp tục vâng giữ lời Ta, các ngươi là môn đồ thật của Ta.  32 Các ngươi sẽ biết sự thật, và sự thật sẽ giải thoát các ngươi được tự do.”

 

 

> Tình trạng của Hội Thánh Việt Nam nói chung ở Hoakỳ đang đối diện với 2 nan đề chính:

1) Thứ nhất là thiếu người chịu đứng ra để hy sinh lo việc chăn bày, nhất là Hội Thánh Việt Nam ngày nay thường cần thêm một vị mục sư trẻ để chăm sóc cho thế hệ tới không còn nói tiếng Việt; và

2) Thứ hai, thiếu sự dạy dỗ rõ ràng về giáo lý căn bản của một người sau khi tin Chúa rồi thì bây giờ phải sống như thế nào?

 

> Nếu bạn đã tin nhận Chúa Giê-su, bây giờ bạn có biết mình là ai và phải sống như thế nào không?

> Vô số người đã tin Chúa, nhưng chưa được hướng dẫn trở nên làm môn đồ của Ngài.

> Vì lý do đó mà một số người tin Chúa đi vào “cửa trước” nhà thờ, rồi thoát ra “cửa sau,” hay là cứ còn ở trong tình trạng “con nít thuộc linh” hoài… vì họ thiếu sự dạy dỗ về đời sống mới làm môn đồ của Chúa Giê-su.

> Hội Thánh nhiều khi thiếu sự “chăm sóc” những người mới tin Chúa, ai nấy cứ tự nghĩ “được cứu khỏi lửa địa ngục là đủ rồi,” và thường đổ dồn công việc chăm sóc những người mới này là bổn phận cho vị mục sư mà thôi?

> C/ta đang đặt những công việc nào là ưu tiên, mà lãng quên đại sứ mạng “môn đồ hóa” Chúa dạy trong Mathiơ 28:19-20 sao? “Vậy hãy đi làm cho mọi dân trở thành môn đồ Ta; hãy nhân danh Ðức Chúa Cha, Ðức Chúa Con, và Ðức Thánh Linh làm báp-têm cho họ, 20 và dạy họ giữ tất cả những gì Ta đã truyền cho các ngươi. Và nầy, Ta ở với các ngươi luôn cho đến tận thế.”

 

> C/ta phải hiểu một người mới tin Chúa thì bắt đầu ở trong trạng thái một “em bé thuộc linh” (dù cho ở tuổi tác nào đi nữa) mà cần phải được hướng dẫn, nuôi nấng, chăm sóc lớn lên phần tâm linh, trở thành một môn đồ của Chúa, chứ không chỉ là “tín hữu,” nghĩa là người có đức tin mà thôi.

> Một người môn đồ thật của Chúa Giê-su nghĩa là sao? Và đó là mục đích của bài chia sẻ sáng nay, để mỗi người c/ta tự xét lấy mình đang đứng ở vị trí nào, mà cố gắng nhờ cậy Chúa Thánh Linh giúp đỡ, để tăng trưởng trở nên một môn đồ hữu dụng cho Chúa và nước thiên đàng.

 

> Tiến trình làm môn đồ của Chúa gồm có 5 bước căn bản, và tôi sẽ dùng 5 chữ kép, bắt đầu bằng chữ “T,” cho quí vị nhớ mà làm theo.

 

 

1) Đương nhiên bước đầu tiên của một môn đồ phải là người có niềm “TIN-cậy Chúa thành thật.”

> Làm sao một người bắt đầu tin Chúa? Tin cậy nghĩa là sao?

a) Muốn tin thì thứ nhất phải có đối tượng thật, chứ không thể nào là mù quáng mà dựa vào một điều hư không hay vô lý được.

b) Niềm tin bắt đầu bằng một cơ hội, được nghe và hiểu biết về đối tượng đó là ai, Đấng đó đã làm gì, và đã hứa ban cho mình điều chi.

# Kinh Thánh Rôma 10:17 có chép – Đức tin đến bởi sự người ta nghe, mà người ta nghe, là khi lời của Đấng Christ được rao giảng.”

> Đối tượng rõ ràng của niềm tin c/ta là Đấng Chirst có thật, và được nghe những gì Chúa Giê-su đã tự xưng về mình, cùng những gì Ngài đã làm cho c/ta, và hứa sẽ ban cho c/ta trong tương lai.

i) Thứ nhất trong tiến trình đức tin, là cơ hội c/ta được nghe về Tin Lành, đó là “Đức Chúa Trời có thật - Ngài yêu thương thế gian và đã sai Con một của mình là Cứu Chúa Giê-su xuống để cứu c/ta.”

 

ii) Thứ hai, hiểu được Chúa Giê-su là ai, Ngài đã phán gì về mình… đi đôi với Tin Lành?

# Để biết Chúa Giê-su đã phán gì về mình, quí vị chú ý đến những lời Ngài đã nói, bắt đầu bằng 2 chữ “Ta là…”

> Trong sách Tin Lành Giăng, có tối thiểu 7 câu Chúa Giê-su đã phán “Ta là…” để c/ta biết Ngài:

# Giăng 6:35“Đức Chúa Jêsus phán rằng: Ta là bánh của sự sống; ai đến cùng ta chẳng hề đói, và ai tin ta chẳng hề khát.” Bánh là nhu cầu cần thiết cho sự sống.

# Giăng 8:12“Đức Chúa Jêsus lại cất tiếng phán cùng chúng rằng: Ta là sự sáng của thế gian; người nào theo ta, chẳng đi trong nơi tối tăm, nhưng có ánh sáng của sự sống.” Ánh sáng là điều không thể thiếu được cho cuộc sống.

# Giăng 10:7“Đức Chúa Jêsus lại phán cùng họ rằng: Quả thật, quả thật, ta nói cùng các ngươi, Ta là cửa của chiên.” Cái cửa biểu hiệu cho sự bảo vệ của chiên.

# Giăng 10:11Ta là người chăn hiền lành; người chăn hiền lành vì chiên mình phó sự sống mình.” Nói đến sự chăm sóc, quan phòng luôn của Chúa trên đời sống của c/ta.

# Giăng 11:25“Đức Chúa Jêsus phán rằng: Ta là sự sống lại và sự sống; kẻ nào tin ta thì sẽ sống, mặc dầu đã chết rồi.” Sự sống vĩnh cửu trong nước thiên đàng là điều gì mà c/ta đang trông đợi cho cõi đời sau.

# Giăng 14:6“Vậy Đức Chúa Jêsus đáp rằng: Ta là đường đi, lẽ thật, và sự sống; chẳng bởi ta thì không ai được đến cùng Cha.” Chúa Giê-su là chân lý tuyệt đối, con đường duy nhất để một người được cứu thoát khỏi lửa địa ngục mà vào nước thiên đàng.

# Giăng 15:5Ta là gốc nho, các ngươi là nhánh. Ai cứ ở trong ta và ta trong họ thì sinh ra lắm trái; vì ngoài ta, các ngươi chẳng làm chi được.” Nói đến mối liên hệ với Chúa, chứ không phải là một gánh nặng tôn giáo do con người đặt ra.

> Một người tin Chúa thành thật là chấp nhận những điều Chúa Giê-su tự phán về mình là đúng, là chân lý, là lẽ thật - không thêm, không bớt; như một đứa trẻ tự nhiên tin cậy vào những lời của cha mẹ của nó nói.

 

iii) Thứ ba, người tin Chúa thật là bằng lòng nhận sự chết của Chúa trên cây thập tự là để trả sạch mọi món nợ và bản án tội lỗi của mình đã vi phạm.

> Thay vì c/ta là tội nhân phải bị quăng vào hồ lửa địa ngục cháy không hề tắt, thì sự đau đớn và đổ huyết của Chúa Giê-su trên thập tự, làm của tế lễ thế cho tội của mình, và nay mình thoát được hình phạt này, mà còn nhận được sự sống đời đời trong nước thiên đàng một ngày nữa.

# Tôi tin rằng một người chưa thật sự được cứu, nếu chưa bắt đầu ý thức được tình trạng hư mất của mình, mà Chúa đã gánh lấy cho trên thập tự gía.

# Quí vị có biết lý do số một mà nhiều người đến tin nhận Chúa Giê-su là gì không?

> Vì họ tìm được một Đấng duy nhất, đã hy sinh chịu chết chuộc tội, và hứa sẽ ban cho họ sự tha tội và sự sống đời đời cho cõi đời sau.

 

iv) Thứ tư, niềm tin cậy nơi Chúa không có đứng yên một chỗ, nhưng còn là sự trông cậy, mỗi ngày chờ đợi những gì Ngài đã hứa ban cho c/ta, khi Chúa trở lại lần nữa.

 

 

2) Bước thứ hai của một người môn đồ sau khi TIN là bước “đi-THEO” Chúa Giê-su.

# Khi Chúa Giê-su gọi các môn đồ thì Ngài đã phán gì? “Hãy theo Ta.”

> Các môn đồ đã từ gĩa cha mẹ, nghề nghiệp, chí hướng của mình… mà đi theo Ngài.

> Các môn đồ theo Chúa Giê-su 3 năm dài để làm gì?

# Để học biết Chúa là ai - Học xem Ngài có sự suy nghĩ như thế nào, Chúa cư xử trong mọi hoàn cảnh ra sao, để bắt chước trở nên giống như Chúa vậy; Vì vậy mà những người theo Chúa được gọi là Cơ Đốc Nhân, tiếng Anh là “Christians,” người của Chúa Christ, sống làm theo lời Ngài.

# Thật ra nguồn gốc của chữ “disciple” trong tiếng Hy-lạp là chữ “student,” nghĩa là một người học trò, đi theo học ở nơi thầy mình.

> Chính Chúa Giê-su đã dùng hình ảnh của chiên đi theo người chăn trong Giăng 10, để nói đến đời sống của những người môn đồ: “Quả thật, quả thật, ta nói cùng các ngươi, kẻ nào chẳng bởi cửa mà vào chuồng chiên, nhưng trèo vào trước nơi khác, thì người đó là trộm cướp. 2 Nhưng kẻ bởi cửa mà vào, là người chăn chiên. 3 Người canh cửa mở cho chiên nghe tiếng người chăn; người chăn kêu tên chiên mình mà dẫn ra ngoài. 4 Khi người đã đem chiên ra hết, thì đi trước, chiên theo sau, vì chiên quen tiếng người. 5 Nhưng chiên chẳng theo người lạ; trái lại nó chạy trốn, vì chẳng quen tiếng người lạ.”

> C/ta đã là chiên của Chúa, mà không chịu đi theo Ngài, để quen tiếng người Chăn, mà cứ đi theo những “con đường lạ,” mà chỉ dẫn đến chỗ đau thương, khổ sở, và bất an thôi sao?

 

> Một sự kiện có chép trong Luca 10:38-42, để giúp c/ta hiểu môn đồ “đi theo” Chúa nghĩa là sao, đó là có lần Chúa Giê-su đến thăm gia đình của Laxarơ, có người chị là Mathê thì lăn xăn bối rối lo việc tiếp khách, còn cô em gái là Mari thì “ngồi dưới chân Chúa Giê-su” để nghe lời Ngài dạy dỗ, làm môn đồ của Chúa là điều tốt hơn.

> Bản tánh tự nhiên của con người c/ta thì thích bận rộn, làm nhiều việc, gặt hái nhiều thứ… hơn là chịu ngồi yên nghe “giảng đạo;” Nhiều người cứ nghĩ cuộc sống mình phải bận rộn nhiều việc thì nó mới có gía trị cao, gặt hái nhiều ích lợi lớn.

> Nhưng Chúa Giê-su dạy điều ưu tiên trong cuộc sống của một người môn đồ… là trước tiên “ngồi dưới chân Ngài.”

 

> Ngày hôm nay, c/ta ngồi dưới chân Chúa là lúc c/ta làm gì?

# Đây là lúc c/ta để ra thì giờ riêng cho việc cầu nguyệnsuy gẫm lời Chúa, bằng cách đọc, hiểu lời Kinh Thánh, và tìm tòi khám phá ra làm sao mình có thể vâng lời áp dụng lẽ thật của lời Chúa trong đời sống hằng ngày của mình.

> Không phải Chúa Giê-su nói rõ trong Giăng 8:31 với những người Do-Thái là: “Nếu các ngươi tiếp tục vâng giữ lời Ta, các ngươi là môn đồ thật của Ta.”

> Một người môn đồ thật không thể nào không có sự khao khát muốn học biết lời Chúa, không thể nào thờ ơ bỏ bê trong sự nhóm lại mỗi tuần.

# Cuốn Kinh Thánh của một người môn đồ thật không thể nào bị đóng bụi được! 

> Một người môn đồ thật không thể nào chỉ đến nhà thờ nghe giảng, mà ra về trong lòng không có một sự cáo trách nào thúc dục mình vâng lời làm theo những lẽ thật mình đã được nghe.

# Tôi thường nhắc Hội Thánh - Điều quan trọng hơn không phải là mình đi nhà thờ mấy lần, nhưng là khi mình đến nhà thờ có gặp được Chúa không, và lòng có được lời Chúa cáo trách, mà ra về cam kết vâng giữ những mạng lệnh của Ngài mà mình đã được nghe giảng dạy không?

> C/ta càng vâng giữ lời Chúa dạy dỗ, c/ta càng trở nên một môn đồ thật, đúng theo ý Chúa.

> Đây là đặc điểm khác biệt giữa một người tín hữu, chỉ nghe biết về Chúa thôi… và một người môn đồ thật bước đi theo Ngài.

# Vô số người cơ đốc bị ngừng lại ở đây, tin Chúa nhận lễ báptêm, nhưng không bước đi theo Chúa.

 

> Động từ “đi theo” là một sự cam kết, để Chúa làm Chủ hướng dẫn đời sống mình, một tấm lòng tôn sùng và đầu phục Chúa luôn; Một sự quyết định dứt khoát, bằng lòng từ bỏ các chủ giáo và tà thần khác, mà chỉ đeo theo Chúa thôi, vì mình tự biết không còn có thể “đi giẹo hai bên, nửa đời nửa đạo” được nữa, không thể nào vừa theo Chúa mà cũng theo các tà thần khác được.

# Nói đến những tà thần ngày nay thì kể ra không hết, từ sự cám dỗ tham lam tiền bạc, tham lam tình dục ô uế, cho đến những sự kiêu ngạo thánh, bởi những việc làm phước bố thí của nhiều người.

> “Đi theo” dẫn c/ta đến một mối liên hệ kết chặt với Chúa; Đây không phải là một mối liên hệ “come si, come sa”… vui thì ở, buồn thì đi… hay là rảnh thì tới, bận thì thôi! nhưng cho dù cho gặp phải những khó khăn, trắc trở, kể cả hoạn nạn hay đau thương trong cuộc đời đi nữa… cũng không bỏ cuộc mà ngừng bước đi theo Chúa mãi.

 

 

3) Bước thứ ba cho đời sống của một người môn đồ là được “Nên-THÁNH.”

> Sứ đồ Phiêrơ dạy gì trong 1 Phiêrơ 1:15-16“… như Đấng gọi anh em là thánh, thì anh em cũng phải thánh trong mọi cách ăn ở mình, 16 bởi có chép rằng: Hãy nên thánh, vì Ta là thánh.”

# “Con giống cha là nhà có phước” - vậy thì là con cái Chúa thì c/ta phải nên thánh, giống như Cha Thánh của c/ta ở trên trời.

 

> Tối thiểu có 2 ý nghĩa chính về sự “thánh khiết” là:

          a) Không bị ô nhiễm bằng cách được tẩy sạch, và b) biệt riêng ra cho Chúa xử dụng.

# Thánh ca không phải là những bài hát cho đời, nhưng biệt riêng ra để tôn vinh Chúa;

# Kinh Thánh không phải là một sách khoa học hay vật lý, nhưng là những lời thánh của Chúa ban cho con cái Ngài.

# Đền thánh không phải là một chỗ hội đòan của con người thế gian đến sinh hoạt, nhưng chỗ biệt riêng ra để con cái Chúa thờ phượng Ngài.

 

a) Đời sống của một người môn đồ trở nên thánh là trước hết từ bỏ, ngừng vi phạm những tội ác, để biệt riêng ra cho Chúa xử dụng theo ý Ngài.

> Sự nên thánh bắt đầu bằng sự biến đổi tâm trí tư tưởng từ bên trong ra ngoài; Biến đổi từ những sự suy nghĩ trong tâm trí mình cho đến cách cư xử với mọi người xung quanh không còn theo bản tánh xác thịt, nhưng theo bản tánh của con người thiêng liêng, là người được tể trị, kiềm chế bởi Thánh Linh.

> Vì vậy Phaolô dạy trong Rôma 12:1-2“Vậy, hỡi anh em, tôi lấy sự thương xót của Đức Chúa Trời khuyên anh em dâng thân thể mình làm của lễ sống và thánh, đẹp lòng Đức Chúa Trời, ấy là sự thờ phượng phải lẽ của anh em. 2 Đừng làm theo đời nầy, nhưng hãy biến hóa bởi sự đổi mới của tâm thần mình, để thử cho biết ý muốn tốt lành, đẹp lòng và trọn vẹn của Đức Chúa Trời là thể nào.”

 

# Không thiếu những điều xấu xa, nghiện ngập ngày xưa mình đeo đuổi, nhưng nay nhờ sức năng của Thánh Linh qua sự cầu nguyện, mà chiến thắng được: mê đánh bài, mê xem những hình ảnh ô dâm mà 1 trong 4 người sống trong nước Mỹ bị máng vào, rượu chè say sưa, tình dục xấu xa ngàoi phạm vi vợ chồng, ăn gian nói dối, lười biếng tham ăn, cay đắng không tha thứ những người đã vi phạm nghịch cùng mình… đây là những “xiếng xích vô hình” ngày xưa mà nay mình đã được thánh hóa, bởi sự giúp đỡ của Thánh Linh, từ khi c/ta bước đi theo Chúa Giê-su.

> Vì vậy mà Chúa Giê-su đã phán trong Giăng 8:32 cho những ai làm môn đồ của Ngài thì – “Các ngươi sẽ biết sự thật, và sự thật sẽ giải thoát (buông tha) các ngươi được tự do.”

 

b) Dấu hiệu thứ hai của một người “nên thánh” là sẽ bắt đầu sanh những trái Thánh Linh, bởi vì người môn đồ thật thì luôn để Ngài sống và làm Chủ đời sống mình.

# Trong Galati 5:22-23 – cho thấy 9 đức hạnh mà Đức Thánh Linh luôn muốn “trồng” ở trong đời sống của mỗi môn đồ của Chúa – Nhưng trái của Thánh Linh, ấy là lòng yêu thương, sự vui mừng, bình an, nhịn nhục, nhân từ, hiền lành, trung tín, mềm mại, và tiết độ…

> Đây là những mực thước đo lường xem đời sống nên thánh làm môn đồ Chúa tăng trưởng như thế nào.

# Khi những đứa con của tôi còn nhỏ, có thói quen hay bắt từng đứa đứng sát vách cửa để làm dấu coi nó cao bao nhiêu; mỗi năm đến ngày sinh nhật lại làm như vậy, và c/tôi rất vui thích khi thấy mỗi đứa càng ngày càng “mọc” cao lên, lúc nào cũng phải gạch một mức đo mới cao hơn.

# Tỉ dụ như một năm nào đó mình đo thấy con mình lùn hơn năm ngoái thì quí vị có lo không?

> Đời sống của môn đồ Chúa phải luôn tăng trưởng, nên thánh và sanh thêm trái Thánh Linh, chứ không thể nào bị tẹt, chỉ toàn là lá thôi sao?

 

 

4) Bước thứ tư của một người môn đồ là đầy dẫy “tình-THƯƠNG” yêu chân chính.

> Người môn đồ thật thì sẽ bắt đầu sống không còn cho riêng mình nữa, nhưng cho Chúa và yêu thương những người khác.

a) Thứ nhất, c/ta phải hiểu làm môn đồ Chúa c/ta có khả năng để yêu thương, vì có ChúaĐấng Yêu Thương đang sống “ở trong lòng này.”

# 1 Giăng 4:8“Ai không yêu thì không biết Ðức Chúa Trời, vì Ðức Chúa Trời là tình yêu.”

> C/ta đã kinh nghiệm được sự Chúa đã yêu thương và hy sinh chính Con một của Ngài cho c/ta ở trên cây thập tự gía, thì c/ta cũng có thể yêu thương những người khác được.

 

b) Thứ hai, tiêu chuẩn của sự yêu thương chân chính ở đâu?

> Trong Giăng 15:12 - lời Chúa dạy: “Ðây là mệnh lệnh của Ta: các ngươi hãy yêu thương nhau như Ta đã yêu thương các ngươi.”

> Chúa Giê-su đã yêu c/ta bằng một tình yêu “agape” trọn vẹn, nghĩa là không điều kiện, không phân biệt… vậy thì c/ta cũng phải yêu thương mọi người cùng giống một loại tình thương như vậy.

# Thí dụ của tình yêu thương có điều kiện như sau: chẳng hạn tôi thích người này và ghét người kia; nếu người tôi thích bỗng nhiên thích người tôi ghét… thì tôi đâm ra ghét cả 2 người, cho dù người tôi thích không ghét tôi, nhưng chỉ vì người tôi thích lại thích người tôi ghét… nên tôi nghĩ rằng người tôi thích đó cũng sẽ ghét ~điều tôi thích, mà bắt đầu thích những điều tôi ghét…

> Nhưng nếu là môn đồ của Chúa, thì tôi nên phải thương yêu cả 2 người, người tôi thích cũng như người tôi ghét, cho dù người tôi thích đi thích người tôi ghét đi nữa - you get the points!

> Chúa Giê-su chết trên cây thập tự gía và ban cho sự cứu rỗi thì có phân biệt một ai không? Hay là Ngài yêu mọi người đáng ghét… trong đó có tôi và quí vị?

 

c) Thứ ba, sự yêu thương phải được bày tỏ qua những hành động thực tế.

i) Trước hết, là những lời lành… là những lời nói không làm đau lòng, tổn thương những người khác xung quanh, không chứa đựng sự cay đắng, thù hằn, mỉa mai, rủa sả… người khác.

# Một nhà tâm lý tuyên bố - mỗi ngày c/ta nói đến gần 700 vấn đề và dùng khoãng 12 ngàn câu... Nhưng câu hỏi đáng hỏi là… có bao nhiêu vấn đề, hay bao nhiêu câu nói là những lời lành, có tánh chất xây dựng, và khích lệ người nghe?

# Một nhà văn hào nữa… cũng đã tuyên bố một câu rất hay: "Noí ít không phải là ‘ít noí’… mà là đừng noí những điều vô ích!" (không lành mạnh, không giúp ích cho ai hết)

 

> Nói được những lời lành hay không… tuỳ thuộc rất nhiều vào những gì c/ta chứa đựng ở bên trong lòng của mình.

# Chính Chúa Giê-su đã dạy gì trong Tin Lành Mathiơ 15:19 “Vì bởi lòng mà ra những ác tưởng, những tội giết người, tà dâm, dâm dục, trộm cướp, làm chứng dối, và lộng ngôn.”

# Nếu trong tấm lòng này của c/ta đang chứa đựng toàn là những câu chuyện cười nhảm nhí, tục tĩu, đầy dẫy người cay đắng, bực tức chưa thỏa lòng… thì không thể nào miệng c/ta xuất ra những lời tốt lành được?

> Nhưng nếu c/ta chịu nuôi lòng với những điều lành… là những điều có chép trong Philíp 4:8 - “chơn thật, đáng tôn, công bình, thánh sạch, đáng yêu chuộng, tiếng tốt, nhơn đức, đáng khen, có tiếng tốt” thì dễ cho c/ta phát ra lời lành.

 

ii) Theo sau là những việc lành, là những việc có ích cho những người khác, chứ không đổ thêm gánh nặng trên đời sống họ.

# Philíp 2:4 – khi sứ đồ Phaolô nhắc đến sự yêu thương thực tế nghĩa là gì? “Không phải chăm về lợi riêng của mình mà thôi, nhưng chăm lợi kẻ khác nữa"

> Động từ “chăm” là gì? Là để ý, chú ý với lòng cảm động… mà sanh ra hành động giúp đỡ, giống như là người Samari nhơn lành trong ẩn dụ của Chúa Giê-su có chép trong sách Luca.

# Có bao nhiêu lần ACE đến nhóm thờ phượng mà để ý đến nhu cầu của những người xung quanh, của mục sư, người lãnh đạo mà có ý giúp đỡ không?

> Có bàn chân của ai trong Hội Thánh mà mình sẵn sàng rửa chưa?

 

> Nhiều khi việc lành rất khó làm, là vì tấm lòng tự ái của c/ta quá lớn.

# Khi c/ta nói mình bận rộn không thể giúp được ai… nghĩa là mình nói “công việc bận rộn của tôi” quan trọng hơn nhu cầu của anh, “thì giờ của tôi” quan trọng hơn ích lợi cần thiết của chị… hay gián tiếp c/ta nói “tôi quan trọng hơn anh chị,” phải không?

 

> C/ta có nhận biết việc lành của mình là chứng cớ rõ ràng mình thật là môn đồ của Chúa không?

# Câu chuyện giảng tin lành bằng hành động tốt… về một nữ giáo sĩ trẻ tuổi giảng đạo tại một tầng lớp đê hèn bên ấn độ.

> Một hôm có người đem đến cho cô một người bị đau chân vì bị một cái đinh đâm vào lâu ngày và đã cương mủ… làm người đó rất nhức nhối. Vì lúc đó người giáo sĩ không có dụng cụ y khoa… nên cô phải cúi xuống dùng chính răng mình mà cắn vỡ mủ để rút đinh ra.

> Người bệnh nhân vô cùng cảm động… ngày hôm sau, anh đem cả gia đình đến tin nhận Chúa, muốn nhận lễ báptêm và noí: “Người giáo sĩ này đã bất chấp bàn chân dơ bẩn của tôi, cô dám dùng răng sạch của mình để rút mũi đinh ra cho tôi. Đối với tôi, việc truyền giảng đạo của cô bấy lâu nay tại vùng này chỉ có gía trị qua hành động tốt của cô đã bày tỏ ra ngày hôm qua… và đã làm tôi cảm động đến tin nhận Chúa Giê-su."   

> Đúng như thiên hạ hay nói câu: “Người ta không cần biết bạn nói gì, cho đến khi họ thấy bạn đã làm gì.”

# Tôi tin rằng có rất nhiều người đang đứng rất gần với thiên đàng, rất gần với sự cứu rỗi… nhưng chỉ còn cần một vài lời nói lành, hay một việc lành của c/ta chia xẻ với họ nữa mà thôi… để giúp họ đến sự quyết định tin nhận Chúa Giê-su!

 

 

5) Bước thứ năm, cuối cùng của một môn đồ Chúa là người có tinh thần TRUYỀN-giáo, đem nhiều người khác đến với Chúa Giê-su, và hướng dẫn họ trở nên làm môn đồ của Cứu Chúa Giê-su.

# Tôi rất thích đi câu cá, và ai cũng biết một trong những điều cần thiết để câu cá được nhiều là ở chỗ có mua được “mồi tôm sống và tươi” không?

> Có những tháng câu cá rất yếu là vì không có mồi tươi, và lý do không có là vì họ đóng cửa các bờ sông con rạch không cho những chiếc thuyền cài tôm, để làm chi vậy? Để cho những tôm con, có thì giờ sanh sản và tăng trưởng, không như ở Việt Nam, người ta cài hết thì còn đâu cá tôm mà ăn.

> Nếu Hội Thánh nào không có chiều hướng chú tâm đến việc truyền giáo, gặt hái thêm người và dạy dỗ họ trở nên môn đồ của Chúa, thì Hội Thánh đó dù có lớn đến đâu thì một ngày sẽ bị “teo” lại, vì sự “sanh sản” đã bị ngừng.

# Câu chuyện vui có thật – cách đây nhiều năm ở tại Hội Thánh c/tôi trong ngày “lễ dâng con,” có đến 6 cặp dâng con nhỏ mình. Tôi nói với con cái Chúa – “Tôi chỉ 2 tay, cho nên không thể bồng bế 6 em bé cùng một lúc, thôi thì mỗi cha mẹ bế con mình để tôi chúc phước cho các cháu, và tôi nói thêm – Có lẽ quí vị đã hiểu lầm những bài chia sẻ của tôi với Hội Thánh về truyền giáo rồi, truyền giáo mơ mang Hội Thánh Chúa không phải là làm việc sanh con đẻ cái này…”

 

> C/ta phải có cái nhìn sâu về việc truyền giáo và chăm sóc những người mới tin Chúa cho đến khi họ trở nên môn đồ của Chúa Giê-su.

# Tôi luôn mong có được một điều đó là cho mỗi người tin Chúa trong một Hội Thánh phải có một người bạn thân trong Hội Thánh gần gũi giúp đỡ hướng dẫn trong những bước đường mới theo Chúa, nhất là vấn đề thuộc linh như cách học Kinh Thánh và cầu nguyện.

> Như vậy ai sẽ là người sẽ bằng lòng đứng ra để nhận tránh nhiệm này đây?

 

> Là môn đồ của Chúa c/ta phải có cái nhìn truyền giáo giống như Chúa Giê-su, thấy cơ hội để cầu nguyện và sẵn sàng dự phần gặt hái trong những cánh đồng.

# Trong Mathiơ 9, khi Chúa Giê-su thấy đoàn dâng đông thì Ngài bảo các môn đồ làm gì? “Ðức Chúa Jesus đi khắp các thành và các làng, dạy dỗ trong các hội đường, rao giảng Tin Mừng của Vương Quốc, và chữa lành mọi người yếu đau và bịnh tật trong dân. 36 Thấy những đoàn dân đông đảo, Ngài động lòng thương xót họ, vì họ khốn cùng và tản lạc như chiên không có người chăn.  37 Ngài nói với các môn đồ Ngài, “Mùa gặt thật trúng, nhưng thợ gặt lại ít.  38 Vậy hãy cầu xin Chủ mùa gặt sai các thợ gặt vào cánh đồng của Ngài.”    

> Người môn đồ với tinh thần truyền giáo sẽ không bao giờ chỉ nói “Hội Thánh này chỉ cho người Việt thôi,” vì người đó biết rõ Chúa Giê-su là Cứu Chúa cho cả thế giới mà.

 

> Theo 1 Phiêrơ 3:15, một người môn đồ có tinh thần truyền giáo cao thì “… tôn Ðấng Christ làm Chúa trong lòng mình, và luôn luôn sẵn sàng trả lời mọi kẻ chất vấn về sự trông cậy của mình có trong Chúa, với thái độ khiêm tốn và kính trọng.”

> Truyền giáo không phải chỉ là đi về Việt Nam hay qua các nước khác, nhưng là bắt lấy những cơ hội ngay trước mắt mỗi ngày, chẳng hạn như qua sự tiếp những người khách lạ, cơ hội trong những ngày lễ sinh nhật, các đám cưới, ngày ra trường, ngày người ta được lên chức thành công - c/ta chia sẻ niềm tin của mình có trong Chúa.

# Vừa đi Đại Hội ở San Jose và cũng có cơ hội đi thăm nghĩa trang của mẹ tôi qua đời đúng một năm. Tại ngôi mộ tôi chia sẻ với những người thân trong gia đình một đoạn Kinh Thánh ngắn trong Thi Thiên 90 - nhắc nhở mọi người về cuộc sống con người là ngắn ngủi, “trôi nhanh như dòng nước lũ, thoáng qua như một giấc ngủ. Ðời người như cỏ mọc ban mai… chiều lại chúng héo khô và tàn tạ… Tuổi tác chúng ta đến được bảy mươi, còn nếu mạnh khỏe thì đến tám mươi; Nhưng niềm kiêu hãnh của chúng chẳng qua là lao khổ và buồn thảm; Vì đời sống chóng qua và chúng con bay đi mất… Xin dạy chúng ta biết đếm số ngày của mình, hầu chúng ta được lòng khôn ngoan.”

> Sau đó tôi nói rõ cho mọi người biết: “Điều quan trọng nhất cho cuộc sống không phải là mình sống được lâu bao nhiêu, nhưng là mình có câu trả lời biết chắc mình sẽ đi về đâu đời đời không? Và Chúa Giê-su có câu trả lời cho mỗi c/ta, nếu ai bằng lòng đến tin nhận Ngài.”

> Truyền giáo là bắt lấy những cơ hội tốt Chúa sắm sẵn mỗi ngày cho c/ta.

 

-----------------------------

> Bạn có phải là một môn đồ tốt cho Chúa Giê-su chưa?

> Bạn đang ở đâu trong tiến trình làm môn đồ của Chúa?

> Bạn có muốn được tăng trưởng trong tiến trình này không?

# Nếu chỉ biết TIN-cậy thôi thì bây giờ hãy bước một bước nữa – đi-THEO Chúa Giê-su để học biết và bắt chước Ngài.

> Nếu chi theo thôi, nhưng chưa biến đổi nên-THÁNH chi hết, thì hãy cầu nguyện, nhờ cậy Thánh Linh giúp đỡ mình đi, từ bỏ các tội lỗi xấu xa và sanh thêm trái Thánh Linh.

> Có thể muốn được thêm tình-THƯƠNG yêu cho Chúa và cho mọi người xung quanh qua những lời lành và việc lành chăng?

> Hay là bạn muốn Chúa giúp mình có sự dạn dĩ trong việc TRUYỀN-giáo Tin lành cho mọi người, bắt đầu từ trong những người thân của mình, và bắt lấy những cơ hội Chúa xếp đặt cho c/ta mỗi ngày?

> Có thể một số ACE đã đến bước thứ 5 mà thấy thoả lòng rồi chăng?

# Không! Hãy trở lại bước số một và càng thêm lòng TIN-cậy, bước THEO gần Chúa hơn nữa, THÁNH-sạch hơn nữa, thêm tình-THƯƠNG đậm đà, và luôn sốt sắng trong tình thần TRUYỀN-GIÁO chia sẻ Tin Lành trong mọi cơ hội và cho mọi người.

 

> Hãy trở nên một môn đồ trung tín và ngay lành theo ý Chúa! Chúa Giê-su đang mời gọi bạn – “Hãy Theo Ta.”

 

 

------------------------------------ Invitation

> Mong bài giảng sáng nay đã giúp cho mỗi c/ta hiểu và tự xét coi mình có đang là “môn đồ thật” của Chúa không, hay chỉ là một tín hữu mà thôi?

> Câu hỏi quan trọng không phải là c/ta đã tin Chúa bao lâu rồi? Nhưng là câu hỏi c/ta có đang đi theo làm môn đồ của Ngài chưa?

 

> Một môn đồ Chúa thì phải biết TIN-cây, đi-THEO học, đời sống nên-THÁNH dần, đầy dẫy lòng THƯƠNG-yêu, và đời sống là một khí cụ TRUYỀN-giáo cho nước Chúa.

> Một phước hạnh được Chúa cứu khỏi lửa địa ngục, hứa ban cho nước thiên đàng, còn được gọi làm môn đồ Ngài – có phước hạnh gì lớn hơn nữa không?

> Mọi phước trên đời này một ngày sẽ trôi qua, ngoại trừ ơn được thông biết Chúa và hầu việc Ngài.

# Người đời thì chẳng có thể đợi để mua được vé sổ số “power ball,” còn c/ta thì phải nóng lòng được trở nên một môn đồ hữu dụng sống làm vui lòng Chúa của mình?

 

> C/ta hãy cùng khích lệ nhau trở nên môn đồ thật của Chúa để xây dựng Hội Thánh của Ngài.

# Quí vị có bao giờ tưởng tượng xem nếu mỗi con cái Chúa ngồi đây có tấm lòng cam kết muốn được trở nên làm môn đồ Chúa, để Thánh Linh uốn nắn, rèn luyện mình mỗi ngày từ ngày hôm nay, thì Hội Thánh tin lành Báptít ở đây sẽ ra sao trong những ngày tháng tới?

 

> C/ta không thể nào đến đây nghe lời Chúa giảng dạy mà không có sự cáo trách, hay cam kết gì hết được?

# Mỗi buổi sáng tôi thức dậy tôi thường cầu nguyện với Chúa 3 điều, trước khi cầu thay cho những nhu cầu của mình – 3 điều đó là Ngợi khen, Cảm tạ Chúa và cam kết đời sống của mình ngày hôm đó cho Chúa.

> Cam kết là điều khó làm, đôi khi c/ta sợ làm, vì không biết mình có giữ được những lời mình hứa với Chúa không; nhưng đừng sợ, vì c/ta có Chúa Thánh Linh là Đấng Giúp Đỡ, Ngài hứa sẽ nâng đỡ cho c/ta để làm trọn điều mình cam kết với Chúa.

 

> Sự cam kết là bước đầu tiên của một đời sống phục hưng và hầu việc Chúa một cách trung tín.

 

> Có ai trong c/ta ở đây cùng tôi muốn đến với Chúa ngay sáng hôm nay mà dám cam kết rằng: “Lạy Chúa Giê-su! Con muốn được làm môn đồ của Ngài. Xin Chúa Thánh Linh giúp con từ ngày hôm nay.”