Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 17

Sự Sáng Của Thế Gian

Chùm lễ mùa thu của người Y-sơ-ra-en gồm ba lễ liên tiếp, diển ra vào tháng bảy của lịch Do Thái (Khoảng tháng 9 dương lịch) gồm:

-          Lễ thổi kèn (ngày 1/7)

-          Lễ chuộc tội (ngày 10/7)

-          Lễ lều tạm (ngày 15/7) và kéo dài suốt tuần sau đó.

Lễ thổi kèn báo hiệu sự khởi đầu của cả kỳ lễ.

lễ lều tạm bắt đầu tử giữa tháng: Trong cả tuần lễ nầy, dân Y-sơ-ra-en dùng lá cây làm những chiếc lều trong sân, hay trên mái bằng của nhà họ để ở, điều nầy nhắc họ nhớ đến những ngày dân Y-sơ-ra-en lưu lạc trong đồng vằng.

Đai lễ chuộc tội là lễ lớn nhất trong chùm lễ mùa thu: Vào ngày nầy, thầy tế lễ thượng phẩm vào nơi chí thánh, để chuộc tội cho chính mình và cho dân sự.

Trong sân đền thờ người ta làm bốn cây đuốc lớn, ban đêm khi đuốc được thắp lên, ánh sáng không chỉ soi sáng sân như ban ngày, mà còn soi sáng rất xa đến các vùng xung quanh: Điều nầy nhắc đến sự dẫn dắt của Đức Chúa Trời đối với dân Y- sơ-ra-en trong suốt hành trình trên sa mạc: Ban ngày bằng đám mây, và ban đêm bằng trụ lửa.

Giữa khung cảnh lễ hội đó, Chúa Jesus xuất hiện trong đền thờ dạy dỗ cho những người theo Ngài: Chúa Jesus phán:

               “Ta là sự sáng của thế gian, người nào theo ta, chẳng đi trong nơi tối tăm,

                 nhưng có ánh sáng của sự sống”

                                                                                                                                   (Giăng 8:12)

Chúng ta sẽ cùng suy nghiệm chủ đề nầy qua các phần sau:

-          Chúa Jesus phán: Ta là Sự sáng của thế gian

-          Chúa Jesus phán: Người nào theo ta, chẳng đi trong nơi tối tăm

-          Sự sáng và cõi đời đời

I.               CHÚA JESUS PHÁN: TA LÀ SỰ SÁNG CỦA THẾ GIAN

Chúng ta sẽ xét sự sáng trên cả hai khía cạnh: Sự sáng thuộc thể và sự sáng thuộc linh

1.  SỰ SÁNG LÀ NGUỒN SỰ SỐNG THUỘC THỂ

Đức Chúa Trời của chúng ta là Giê-hô-va Di-rê: Đức Chúa Trời sắm sẳn:

Ngài dựng nên con người, sau khi đã dựng nên muôn loài vạn vật.

Tại sao vậy? Câu trả lời là:  Để khi con người đến, mọi điều con người cần: Đức Chúa Trời đã sắm sẵn cả rồi.

Ngài ban lệnh: “Phải có sự sáng” thì “có sự sángĐức Chúa Trời vốn biết đây là nhu cần số một của con người: không có sự sáng thì không có sự sống. chính vì vậy Ngài dựng nên sự sáng trước mọi điều khác.

Ngài ban lệnh: “Phải có khoảng không chia cách nước ở bên trên và nước ở bên dưới”:  Theo lệnh Ngài bầu trời được thành hình với khoảng không gian tràn ngập không khí được tạo ra: Đức Chúa Trời biết: Con người cần không khí để thở.

Ngài ban lệnh: “nước trên đất phải tụ lại một nơi để nơi khô cạn được phô bày ra”Đức Chúa Trời biết: con người cần nước để uống, cần đất để cất nhà che mưa nắng, để sinh sống, đi lại, làm việc.

Con người cần không khí để thở, cần nước để uống, cần đất để ở, và dĩ nhiên con người cần đến vật thực để ăn: Đức Chúa Trời ban cây cỏ trên đất, chim trên trời, cá dưới nước, thú trên đồng: Đức Chúa Trời biết: con người cần những thứ đó.

Khi tất cả đã sẵn sàng: Ngài dựng nên con người:

                “Đức Chúa Trời phán rằng: Chúng ta hãy làm nên loài người như hình ta

                 và theo tượng ta, đặng quản trị loài cá biển, loài chim trời, loài súc vật,

                 loài côn trùng bò trên mặt đất và khắp cả đất”.

                                                                                                              (Sàng thế ký 1: 26)

Ngài nuôi mọi vật Ngài dựng nên, một cách lạ lùng:

                “Đức Chúa Trời lại phán rằng: Nầy ta ban cho các ngươi mọi thứ rau cỏ

                 kết hạt mọc trên đất, và mọi thứ cây cối sinh quả, kết hạt, để dùng làm

                 thực phẩm cho các ngươi. Ta cũng ban tất cả cây cỏ xanh cho các thú vật,

                 chim trời và mọi loài vật bò trên đất, mọi loài có sinh khí làm thực phẩm

                 thì có như vậy”

                                                                                                                                    (Sáng thế ký 1:29-30)

Thực vật được Đức Chúa Trời ban cho để làm thức ăn cho mọi loài và con người. Mọi điều cần thiết liên quan đến: cái ăn, cái mặc, thuốc chữa bệnh của con người, đều được Đức Chúa Trời dự bị sẵn trong muôn loài cây cỏ.

Đức Chúa Trời đã thiết kế các quá trình biến hóa tổng hợp mọi vật phẩm cần cho sự sống của muôn loài trong các chuổi phản ứng diệu kỳ trong thực vật dù đó là: Protein (Chất thịt), lipid (dầu mỡ) hay gluxit (bột đường), vitamin (Các vi chất thiết yếu)

Có một phản ứng lạ lùng trong cây cỏ mà con người khám phá từ khá lâu: Đó là phản ứng quang hợp:                                            

                        6 CO6    +   6 H2O à   C6H12O6    (G­luco)

                      n C6H12O   à + n H2O  + (C6H10O5)n  (Tinh bột)

Các phản ứng nầy được thực hiện bởi: ánh sáng tác động trên lá xanh.

Hai trăm năm trước, Marcelin Berthelot, (1827-1907), nhà hóa học người Pháp cho rằng chỉ cần hiểu rõ và thực hiện được phản ứng nầy trong phòng thí nghiệm, thì có thể chủ động sản xuất ra các loại thực phẩm cần thiết cho con người và như vậy chẳng bao giờ con người phải lo đến mất mùa, đói kém…

Ý tưởng nầy thúc đẩy nhiều nhà khoa học lao vào nghiên cứu phản ứng tổng hợp bột đường, trong phòng thí nghiệm, nhưng không ai thành công vì:

 Sẽ chẳng bao giờ có phòng thí nghiệm tiên tiến nào thế giới có thể thực hiện được phản ứng quang hợp, mà ánh sáng thực hiện trên chiếc lá xanh mỗi giây, mỗi phút trên khắp quả đất nầy.

Không có sự sáng thì cũng không có sự sống: dù sự sống của thực vật, động vật hay con người cũng vậy. Chính ánh sáng cung cấp năng lượng để khai mở và bảo tồn sự sống cho muôn loài vạn vật trên địa cầu nầy.

Tất cả các sinh vật trên địa cầu đều nhận được năng lượng cho sự sống của mình, mà Đức Chúa Trời sẵn ban, qua sự sáng nói chung, và đặc biệt qua ánh sáng của mặt trời nói riêng:

Mặt trời được xem là nhà máy phát điện khổng lồ: Cứ mỗi mét vuông trên bề mặt của mặt trời liên tục phát ra một lượng điện năng với công suất 70.0000 mã lực/giây. Con số nầy thật kinh khủng, vì diện tích của mặt trời rất lớn: gấp khoảng 10.000 lần so với diện tích trái đất. Người ta tính rằng: nếu chúng ta phải mua năng lượng do mặt trời phát ra trong vòng 24 giờ với giá 0.25 cent/Kilowatt giờ, thì số tiền phải trả tính bằng đồng USD sẽ phủ kín trên toàn diện tích châu Á với bề dày khoảng 4 cây số.[1]

Chiêm nghiệm sự kiện đơn giản trên, có thể giúp chúng ta nhận ra quyền năng vô hạn và sự chăm sóc lạ lùng của Đấng yêu thương chúng ta: Đấng ban cho và bảo tồn sự sống của muôn loài.

2.  SỰ SÁNG LÀ NGUỒN SỰ SỐNG THUỘC LINH

Đức Chúa Trời dựng nên con người theo ảnh tượng vinh hiển của chính Ngài, nên con người vượt trên muôn loài vạn vật: Con bò chỉ cần cỏ, con khỉ chỉ cần lá và trái cây trong rừng, các con vật nầy không cần tôn giáo, không cần văn chương, triết học, và cũng chẳng cần khoa học kỷ thuật, chẳng cần nhà lầu, ô tô, máy tính, điện thoài di động…

Đức Chúa Trời ban hơi sống của chính Ngài cho con người, để

                  “Con người trở nên một loài sanh linh” (Sáng thế ký 2:7)

Qua đó: con người tìm kiếm Ngài, biết Ngài và được tương giao với Ngài.

 Đức Chúa Trời chính là sự sáng: Ngài dùng sự sáng trong Lời Ngài để dẫn dắt con người giúp họ tìm kiếm Ngài, biết Ngài và được tương giao với Ngài:

 Lời Chúa cho chúng ta biết điều phải, điều trái, biết đường chúng ta cần đi, đích chúng ta cần đến: Đó là sự sáng.

 Sự sáng giúp tôi biết rằng: Trời đất, muôn vật được dựng nên và bảo tồn bởi quyền năng và tình yêu của Đức Chúa Trời.

Sự sáng giúp tôi biết rằng: tôi phạm tội với Đức Chúa Trời, đã làm tổn thương tình yêu và sự thánh khiết của Ngài.

Sự sáng giúp tôi biết rằng: tôi, cũng như mọi người khác, không thể tự cứu mình ra khỏi tội, vì giá trả cho tội lỗi là sự chết: không người nào trả được cái giả phải trả:

                 Không ai có thể chuộc mạng cho anh em mình

                 Cũng không thể đóng tiền chuộc nơi Đức Chúa Trời cho người

                 Vì giá chuộc mạng sống họ quá mắc

                Người sẽ chẳng bao giờ trả nổi

                Để được sống đời đời, không phải thấy vực sâu.

                                                                                           (Thi thiên 49: 7-9 BDM)

Sự sáng giúp tôi biết rằng:

                Chúa Jesus vốn bình đẵng với Đức Chúa Trời, song chẳng coi sự bình đẵng

                mình với Đức Chúa Trời là sự nên nắm giữ, chính Ngài đã tự bỏ mình đi,

                lấy hình tôi tớ và trở nên giống như loài người.

                Ngài đã hiện ra như một người, tự hạ mình xuống,

                vâng phục cho đến chết, thậm chí trên cây thập tự”. (Phi-lip 2: 6-8)

Ngài: Đấng từ trời, đã bằng lòng đến thế gian chịu chết: Làm nên sự chuộc tội cho những ai bằng lòng tiếp nhận Ngài (Giăng 3:16)

Sự sáng giúp tôi: ăn năn tội mình, tiếp nhân sự chết chuộc tôi của Chúa Cứu thế Jesus, để tôi được tha thứ và được sống lại trong Đức Chúa Trời:

Sự sáng không chỉ là nguồn cội của sự sống thuộc thể, vốn giới hạn trong cõi trăm năm, nhưng sự sáng còn là nguồn cội của sự sống đời đời.

II.           CHÚA JESUS PHÁN: NGƯỜI NÀO THEO TA, CHẲNG ĐI TRONG NƠI TỐI TĂM

Chúa Jesus hứa rằng:

                “Người nào theo ta, chẳng đi trong nơi tối tăm”.

Bởi sự sáng trong Lời Đức Chúa Trời con người có thể nhận ra cánh tay Đức Chúa Trời hành động trên cuộc sống con người: Con người nhận ra Ngài là Đấng tạo Hóa: Đấng dựng nên vũ trụ và loài người. Đấng thương yêu, chăm sóc, cứu chuộc con người cũng là Đấng sẽ xét đoán kẻ sống và kẻ chết. Chúa Jesus dẫn dắt kẻ tin cậy Ngài để biết, để thấy điều mà nhiều người khôn ngoan, thông sáng của thế gian không thấy.

Ai tin Ngài, đi theo Ngài: Sẽ chẳng đi trong nơi tối tăm, nhưng có ánh sáng của sự sống.

1.  VŨ TRỤ ĐƯỢC DỰNG NÊN.

Những người vô thần trong suốt dòng lịch sử cho rằng: vũ trụ tự có và sẽ còn mãi mãi như vậy.

Lý trí họ cho biết như vậy: vì mỗi sáng mai mặt trời mọc lên từ phương đông, chạy giáp vòng rồi lặn ở phương tây, để bóng tối tràn về, rồi đêm hết, mặt trời lại mọc lên cho ngày mới:

              “Chẳng có gì mới dưới ánh mặt trời”

 Cuộc sống cứ xoay vần: Hoa mùa xuân tàn để đem không khí oi bức của mùa hè về. Chỉ ít lâu sau: gió heo may mùa thu đến thế chỗ cho oi bức mùa hè, và rồi những cơn mưa rả rich giành lấy không gian mùa thu, mời gọi cái lạnh cắt da của mùa đông:

             “Chẳng có gì mới dưới ánh mặt trời”

Người ta sinh ra, được nuôi nấng chăm sóc, lớn lên, rồi lìa cha mẹ để có gia đình riêng, lo toan cho gia đình, nuôi nấng con cái, rồi tuổi già xộc đến nhanh như cơn lốc, đem theo đủ thứ bệnh tật đe dọa và tàn phá sức khỏe, và cuối cùng, con người mới ngày nào tươi trẻ giờ đây bước vào cái chết: vòng lẩn quẩn của nhân sinh là vậy:

                “Chẳng có gì mới dưới ánh mặt trời”

Cho đến đầu thế kỷ 20, con người vẫn quả quyết rằng: Vật chất có từ đời đời, trước sau vật chất vẫn là vật chất: Không có sự mất đi, cũng không có sự thêm vào của vật chất: Chỉ có sự biến đổi từ dạng nầy qua dạng khác mà thôi.

Ngày xưa con người thấy mặt trời: hôm qua, ngày nay và hẳn là mai sau vẫn vậy. Nhưng đến thế kỷ 20 các nhà khoa học nhìn nhận khác hơn: Mặt trời giống như một cây đuốc: mỗi ngày sức nóng, ánh sáng từ mặt trời phát ra liên tục như vậy: Đuốc thì tàn, còn mặt trời thì sao?

Vật chất trên mặt trời là vật chất gì mà cháy hoài như vậy?. Vật gì cháy thì cũng phải cạn dần nhiên liệu, vậy nếu lui về quá khứ hàng triệu năm như các nhà khoa học giả định, thì mặt trời phải to đến như thế nào? Và nếu sự đốt cháy trên mặt trời cũng bằng những nguyên liệu như than, dầu hỏa những chất cháy mà con người sử dụng lúc bấy giờ (trong các thế kỷ 18-19 và nửa đầu thế kỷ 20) thì thể tích ban đầu của mặt trời lớn như thế nào? và liệu với thể tích còn lại chừng ấy, thì mặt trời còn cháy được bao lâu nữa?

Quả là những câu hỏi không có câu trả lời cho con người sống trước thế kỷ 20.

Chỉ khi nhà bác học Albert Einstein đến, thì điều nầy mới được giải thích:

 Einstein cho rằng: Có thể biến đổi vật chất thành năng lượng.

Công thức biến đổi nầy theo ông là:    E = mc

(trong đó E: năng lượng sinh ra; m: khối lượng vật chất; c: vận tốc ánh sáng)[2]

Dựa trên công thức nầy người ta có thể ước tính: Mỗi giây mặt trời phải mất đi khoảng 4.200.000 tấn vật chất, đây là mức tiêu hao vật chất do biến đổi vật chất thành năng lượng của mặt trời.[3]

Kết quả của phép tính nói trên đưa đến hai điều:

-          Thứ nhất: mặt trời phải được dựng nên, vì nếu không như vậy thì với thời gian vô hạn phía trước thì kích thước của mặt trời phải là vô hạn nghĩa là chỉ riêng mặt trời đã chiếm hết không gian, chứ chưa nói đến hàng tỉ, tỉ những mặt trời khác trong vô số các đảo thiên hà trong vũ trụ

-          Thứ hai: với mức tiêu hao vật chất như vậy, thì đến một lúc nào đó mặt trời sẽ biến mất kéo theo sự biến mất sự sống vật chất của con người.

Con người, trong suốt dòng lịch sử, không bao giờ nghĩ rằng: Có ngày nào đó trái đất và mặt trời sẽ mất đi. Nhưng việc trời và đất sẽ mất đi là điều đã được khẳng định từ xưa trong kinh thánh:

              “Trước mặt Chúa trời và đất trốn hết, không chỗ cho nó nữa” (Khải huyền 20:11)

Vì:

             “Trời đất sẽ hư đi, nhưng Chúa hằng có

               Trời đất sẽ cũ đi như chiếc áo

               Ngài sẽ cuốn nó lại như chiếc áo choàng.

               Rồi trời đất sẽ biến đổi

               Nhưng Chúa vẫn y nguyên”

                                                                (Hê-bơ-rơ 1: 11-12)

Không phải nhờ vào các thành tưu Khoa học, mà con người biết được vũ trụ được dựng nên và vũ trụ rồi sẽ mất đi, vì nếu chỉ căn cứ trên những tiến bộ của khoa học, con người đã lạc lối từ ngàn xưa, và sẽ cứ mãi mãi lạc lối: Vì khoa học phản ánh những hiểu biết giới hạn của loài người, trong một khoảnh khắc ngắn ngủi của Lịch sử: Khoa học có thể đúng hôm nay, rồi trở thành sai trật trong ngày mai[4].

 Con người ngày xưa cũng như hôm nay, nhận thức đúng khi tin vào Lời Đức Chúa Trời trong kinh thánh:

Chúa Jesus phán

                  “Ta là đường đi, chân lý và sự sống”. (Giăng 14:6)

Ngài bày tỏ cho tin Ngài biết rằng:

                 “Trời đất sẽ qua đi, nhưng lời ta nói sẽ chẳng bao giờ qua đi” (Ma-thi-ơ 24:35)

Con người, trong suốt dòng lịch sử, dù đơn sơ, ít kiến thức khoa học không như con người ngày nay, nhưng lịch sử cho thấy: Hễ ai tin vào lời Đức Chúa Trời và tình yêu của Ngài, thì nhận thức đúng, suy nghĩ đúng, làm điều đúng.[5]

 Về sự hiện hữu của trời đất:

Kinh Thánh dạy cho con người rằng:

                   “Ban đầu Đức Chúa Trời dựng nên trời đất”

                                                                       (Sáng thế ký 1:1)

Sứ đồ Giăng nói về Chúa cứu thế Jesus một cách rất đặc biệt, như là lời giải thích cho Sáng thế ký 1:1

                  “Trước khi sáng tạo ra vũ trụ, đã có Ngôi Lời.

                   Ngôi Lời ở cùng Đức Chúa trời và Ngôi Lời là Đức Chúa Trời.

                   Ngay từ ban đầu Ngài ở cùng Đức Chúa Trời.Tất cả đều do Ngài sáng tạo.

                   Không gì hiện hữu mà không do Ngài.

                  Trong Ngài có nguồn sự sống và sự sống là ánh sáng cho nhân loại.

                  Ánh sáng tỏa ra trong bóng tối và bóng tối không thể khống chế được ánh sáng”

                                                                                                                                           (Giăng 1:1-5 BDM)

Trời đất không tự nhiên mà có: Nó được dựng nên bởi quyền năng vô hạn và được nâng đỡ, duy trì bởi tình yêu của Đức Chúa Trời. Nhưng cuối cùng, khi người công chính và kẻ gian ác đã được tách ra như người chăn tách chiên với dê, thì trời đất cũng sẽ bị hủy phá, cùng với những con người gian ác, cứng lòng không tin:

Sứ đồ Phi-e-rơ bởi sự cảm động của Chúa Thánh Linh mà viết:

              “Trước hết phải biết rằng: trong những ngày sau rốt, sẽ có mấy kẻ gièm chê,

               dùng lời giễu cợt, ở theo tình dục riêng của mình, đến mà nói rằng:

               Chớ nào lời hứa về sự Chúa đến ở đâu? Vì từ khi tổ phụ chúng ta qua đời rồi,

               muôn vật vẫn còn nguyên như buổi sáng thế.

              Chúng nó quên lửng đi rằng: Buổi xưa bởi Lời của Đức Chúa Trời mà có các từng trời

              và trái đất, đất ra từ nước và làm nên ở giữa nước thế gian bấy giờ cũng bị hủy phá

              như vậy, là bị chìm đắm bởi nước lụt.

              Nhưng trời đất thời bấy giờ cũng bởi lời ấy mà còn lại và để dành cho lửa.

              lửa sẽ đốt nó đi trong ngày phán xét và hủy phá kẻ ác”

                                                                                                    (II Phi-e-rơ 3: 3-7)

2.  CÒN HAY MẤT

Chúa Jesus là sự sáng. Sự sáng Ngài giúp con người bước theo Chúa biết được lẽ: “Còn, mất” để có thể cẩn thận giữ mình khỏi mọi điều gian ác. Vì người ấy biết rằng: Đến cuối cùng mỗi người đều phải khai trình việc mình đã làm ra trên đất, cho Đức Chúa Trời: Đấng đoán xét loài người. Con người có thể trốn tránh luật pháp của loài người, nhưng chẳng ai tránh được luật pháp của Đức Chúa Trời. Người Việt Nam chúng ta chẳng từng phát biểu: “Lưới Trời lồng lộng, thưa mà không lọt” đó sao?

Chúa Jesus phán:

           “Ta là sự sống lại và sự sống, kẻ nào tin ta thì sẽ sống mặc dầu đã chết rồi” (Giăng 11: 25)

Chúa của sự sống bảo đảm cho kẻ tin Ngài: sẽ sống, dầu đã chết rồi: Con người tưởng rằng: Chết là hết, nhưng không phải vậy: Con người đã tiếp nhận Đấng Cứu Thế, đã thuộc về Ngài: Chúa của sự sống, thì dù đã qua đời rồi, họ vẫn sống:

           “Vì hễ ai tin con ấy, thì được sự sống đời đời”. (Giăng 3:16b)

 Thật: Những người người tin nhận Chúa Jesus: dù đã mất, nhưng vẫn còn

Còn ai dù đang sống, nhưng nếu: không biết đến, không tin nhận Chúa của sự sống, thì dù sống nhưng thực chất là đã chết rồi. Chúa Jesus đã từng phán với một môn đệ Ngài rằng:

           “Hãy để kẻ chết chôn kẻ chết, còn con hãy đi rao giảng nước Đức Chúa Trời”

                                                                                                                                (Lu-ca 9: 60)

Kẻ khiêng quan tài, kẻ đào huyệt… dù đang làm việc, nhưng nhiều khi đã chết rồi:

Những người nầy: tuy còn, nhưng đã mất.

 Lẽ “còn, mất” thuộc linh mang ý nghĩa:

Được nối kết với Đức Chúa Trời, nguồn của sự sống, là sống, là còn. Và nếu mối liên kết với nguồn sự sống không có, hoặc bị cắt đứt, thì đó là chết, là mất

Chúa Jesus cũng bày tỏ cho con người biết lẽ “còn, mất” một cách thuộc thể nữa:

Ngày xưa người ta tin rằng ánh sáng thì tức thời, nghĩa là ánh sáng không mất thời gian khi đi từ vật sáng đến vật nhận sáng, nhưng khi ngành vật lý phát triển, các nhà vật lý không tin như vậy: Từ năm 1638, nhà vật lý Galileo Galilei đã tìm cách đo vận tốc ánh sáng, nhưng không thành công, vì thiếu hổ trợ của các dụng cụ đo đạc cần thiết. 

Tuy nhiên, cùng với các tiến bộ khoa học kỷ thuật, các phép đo vận tốc ánh sáng ngày càng hoàn thiên, đưa đến các kết quả ngày càng chính xác hơn:

Năm 1926 Michelson đưa ra kết quả vận tốc ánh sáng c= 299.796 km/s

Đến năm 1950 Nhóm Essen-Gordon Smith đưa ra kết quả c= 299.792,5 km/s

Năm 1972 Evenson đưa ra kết quả c= 299.792, 4563 km/s

Ngày nay người ta công nhận vận tốc ánh sáng là c= 299.792,458 km/s.

Con người ngày xưa thấy ánh sáng tức thời, chỉ vì vận tốc ánh sáng quá lớn, khiến thời gian đi từ nguồn sáng đến vật nhận sáng là quá nhỏ và cảm giác ánh sáng là tức thì, là điều hiển nhiên: Vận tốc ánh sáng không có ý nghĩa nhiều đối với các khoảng cách nhỏ trên địa cầu.

Tuy nhiên, vận tốc ánh sáng có ý nghĩa quan trọng đối với các khoảng cách lớn, đặc biệt là khoảng cách giữa các vì sao, các dải thiên hà…

Ví dụ ánh sáng đi từ mặt trăng đến quả đất mất khoảng 1,3 giây

Từ mặt trời đến quả đất mất 8,3 phút

Còn muốn đi xuyên qua dải ngân hà, ánh sáng phải mất khoảng 100.000 năm .

Và để đi từ dải thiên hà gần nhất là Andromedia đến quả đất, thì ánh sáng phải mất khoảng 2,5 triệu năm.

Nói rằng ánh sáng phải mất 8,3 phút để từ mặt trời đến với chúng ta, có nghĩa rằng:

 Buổi sáng thức dậy, khi ta nhìn thấy mặt trời đỏ ối mọc lên ở hướng đông, thì mặt trời ta đang thấy không phải là mặt trời của hiện tại, mà là mặt trời của 8,3 phút trước.

Cũng vậy: nếu ta nhìn bầu trời đêm và thấy ngôi sao Arcturus[6],  thì ngôi sao ta đang thấy không phải là sao Arcturus của hiện tại, mà là ngôi sao Arcturus của 37 năm trước, vì ngôi sao nầy cách chúng ta 37 quang niên[7].

Và bây giờ, ta giả sử rằng: Khi nhìn lên sao Arcturus, ta thấy ngôi sao nầy đang nổ tung.

 Liệu ngôi sao đang nổ tung nầy: còn hay đã mất?

 Có nhiều điều lý thú rút ra được, từ tình huống giả sử nầy:

-          Thứ nhất: Nếu có một quan sát viên đang ở trên một hành tinh (A) nào đó, cách Arcturus khoảng 17 quang niên, thì quan sát viên nầy đã chứng kiến vụ nổ của Arcturus từ hai mươi năm trước rồi.

 Vụ nỗ Arcturus đối với quan sát viên nầy là một sự kiện của quá khứ, trong khi đối với chúng ta sự kiện thuộc hiện tại vì đang xảy ra.

      Còn đối với một quan sát viên khác trên một hành tinh (B) cách Arcturus 57 năm ánh  sáng thì sao? Người nầy vẫn nhìn thấy Arcturus mọc lên mỗi tối, vẫn lung linh đẹp như anh ta vẫn thấy: Đối với quan sát viên nầy: Việc Arcturus nổ tung chỉ là việc của tương lai.

-          Điều thứ hai: Vậy Arcturus còn hay mất? và điều nầy có ý nghĩa gì?

Arcturus đã mất từ lâu đối với quan sát viên trên hành tinh (A), nhưng lại đang còn với quan sát viên trên hành tinh (B)

Và vì vũ trụ là vĩ đại, không xác định được biên giới: nên ta có thể nói rằng:

                    Arcturus đã mất, nhưng vẫn còn

                   Arcturus tuy còn, nhưng đã mất.

Và nếu điều nầy là đúng cho Arcturus thì cũng đúng cho mọi sự kiện từng xảy ra trong vũ trụ: Chẳng có sự kiện nào mất đi trước mắt Đấng đoán xét loài người và:

             “Họ sẽ phải khai trình với Đấng đã sẵn sãng xét đoán kẻ sống và kẻ chết”

                                                                                                                               (I Phi 4:5)

Có ai giấu được điều gì với Đức Chúa Trời: Đấng sẽ xét đoán mình chăng?

III.SỰ SÁNG VÀ CÕI ĐỜI ĐỜI

Cho mãi đến thế kỷ 20, vật lý học quan niệm: thới gian, không gian là tuyệt đối và vô hạn không phụ thuộc vào chuyển động của của vật chất.

Trong khi đó: Môi-se, tác giả Thi thiên 90, một người sống cách nay khoảng 3.500 năm viết về thời gian như sau:

                “Vì một ngàn năm trước mắt Chúa khác nào hôm qua đã qua rồi,

                  giống như một canh của đêm.” (Thi 90: 4)

Và sứ đồ Phi-e-rơ sống cách nay khoảng 2.000 năm viết:                                                                

               “Hỡi kẻ rất yêu dấu, chớ nên quên rằng:

                 Ở trước mặt Chúa một ngày như ngàn năm, ngàn năm như một ngày”

                                                                                                            (II Phi-e-rơ 3: 8)

Còn về không gian, tác giả thi thiên 102 viết:

             “Thuở xưa Chúa lập nền trái đất, các từng trời là công việc của tay Chúa.

              Trời đất sẽ bị hư hoại, song Chúa hằng còn.

              Trời đất sẽ cũ mòn hết như áo xống. Chúa đổi trời đất như cái áo, và nó bị biến thay”

                                                                                                                           (Thi 102:25-27)

Những nhà khoa học thông thái từng sống trên quả địa cầu nầy, hẳn đã từng dè bỉu những câu kinh thánh nầy: Vì khi người ta căn cứ trên giả định: Không gian và thời gian là tuyệt đối, là vô hạn, không biến cải, không mất đi, thì những điều kinh thánh chép thật khó nghe đối với họ.

Tuy nhiên sang đến thế kỷ 20, con người, đặc biệt là các nhà khoa học, không thể không nhìn nhận lại ý nghĩa của: không gian và thời gian, bởi các phát kiến trong thuyết tương đối của Albert Einstein

Thuyết tương đối của Albert Einstein xuất phát từ hai tiên đề:

-          Tiên đề thứ nhất:

“Các định luật tự nhiên là như nhau trong mọi hệ qui chiếu chuyển động thẳng đều đối với nhau”

Qui luật công vận tốc liên quan đến tiên đề nầy: ví dụ một hành khách đi lại trên toa tàu đang chuyển động, đối với quan sát viên đứng tại sân ga: thì vận tốc của người hành khách nầy phải bằng vận tốc của tàu cộng với vận tốc anh di chuyển trên sàn tàu.

-          Tiên đề thứ hai:

“Vận tốc ánh sáng là tuyệt đối, không phụ thuộc nguồn sáng đứng yên hay chuyển động”

Trong thực tế vận tốc ánh sáng khoảng 300.000km/s đối với bất cứ hệ qui chiếu nào. Như vậy: phép cộng vận tốc không được công nhận trong tiên đề này.

Như vậy, phải chăng có mâu thuẩn giữa hai tiên đề nầy?

Einstein thì không nghĩ như vậy: Ông cho rằng: cả hai tiên đề được rút ra từ thực nghiệm và thực tế cả hai tiên đề đều đúng: Và nếu cả hai đều đúng thì chúng không thể mâu thuẩn nhau.

Thông qua toán học, Einstein cho rằng nếu hai tiên đề trên đều đúng, không mâu thuẩn nhau, thì cần thiết phải xét lại các khái niệm vật lý của không gian và thời gian: Nghĩa là phải từ bỏ quan niệm niệm không gian tuyệt đối và thời gian tuyệt đối.

Thuyết tương đối cho rằng: vật thể chuyển động sẽ làm cho thời gian chậm lại, độ dài của vật thể ngắn lại và khối lượng vật thể thì tăng lên theo một công thức đơn giản. Ví dụ đối với một vật thể chuyển động với vân tộc v thì: thời gian vật thể chuyển động t và thời gian vật thể đứng yên t0 liên hệ với nhau theo công thức t= t0

Trong đó: t0 là thời gian khi vật thể đứng yên, c: là vận tốc ánh sáng.

Để minh họa công thức tính thời gian của một vật thể chuyển động với vận tốc lớn xấp xỉ vận tốc ánh sáng, Albert Einstein đưa ra một bài toán rất nổi tiếng gọi là “Bài toán nghịch lý anh em sinh đôi” (Twin paradox) như sau:

Có hai anh em sinh đôi: là cư dân của địa cầu. Năm hai người lên 20 tuổi, thì người anh chia tay em mình, bước lên phi thuyền bay lên sao Arcturus cách địa cầu 37 quang niên với vận tốc v = 0,99c. Khi đến nơi, người anh quay về địa cầu với vận tốc như cũ.

 Câu hỏi Einstein đặt ra là: Liệu khi gặp lại nhau: sức khỏe, tuổi tác của hai anh em có còn giống nhau nữa không?

Câu trả lời là: không.

Theo thuyết tương đối thì thời gian người anh phải mất cho chuyến đi là:

t=t0 =  = 10,5 năm

Như vậy lúc ấy tuổi của người anh là: 20+10,5 = 30,5 tuổi

Và tuổi của người em là: 20+ 74 = 94 tuổi

Có nghĩa là: người anh bây giờ còn là một thanh niên trong độ tuổi 30, trong khi người em đã là một ông lão gần bách niên.

 Thật lạ lùng! Nhưng chính đó là điều Sứ đồ Phi-e-rơ được cảm thúc bởi Thánh Linh mà viết:

                “Hỡi kẻ rất yêu dấu, chớ nên quên rằng:

                 Trước mắt Chúa: một ngày như ngàn năm và ngàn năm như một ngày”

                                                                                                                      (IIPhi-e-rơ 3:8)

Trở lại với công thức: thức:  t=t0

 

Nếu một vật thể chuyển động bằng với vận tốc ánh sáng thì sao?

Nếu: v=c thì t= 0 Điều nầy có nghĩa gì? Câu trả lời là: Nếu vật thể chuyển động bằng với vận tốc ánh sáng thì vật thể ấy không còn mất thời gian nữa, vật thể ấy cứ ở thì hiện tại mãi mãi. Nói cách khác vật thể ấy bước ra khỏi cõi thời gian: vật thể ấy là đời đời.

Khi Chúa Jesus phán:

                “Ta là sự sáng của thế gian”

Ngài mang đến cho con người thông điệp: Ngài là Đấng đời đời, Đấng hôm qua, ngày nay, cho đến đời đời không hề thay đổi.

Ngài không phụ thuộc thời gian, không gian vì: thời gian, không gian đều là các sáng tạo của Ngài:

                  “Chẳng có vật chi hiện hữu mà không bởi Ngài” (Giăng 1: 3 BDM)

Trong Tân ước không phải một lần, nhưng nhiều lần Chúa Jesus phán: “Ta Là” Chỉ riêng trong sách Tin Lành Giăng, vị sứ đồ yêu của Chúa đã ghi lại 14 dịp khác nhau Chúa phán: TA LÀ trong đó có 7 lần nhóm từ Ta Là có định ngữ theo sau:

-          Ta là bánh của sự sống, ai đến cùng ta chẳng hề đói, ai tin ta chẳng hề khát (Giăng 6:35)

-          Ta là sự sáng của thế gian, người nào theo ta, chẳng đi trong nơi tối tăm song có ánh sáng của sự sống (Giăng 8:12)

-          Quả thật, quả thật, Ta là cửa của chiên. (Giăng 10: 7 và 9)

-          Ta là người chăn hiền lành (Giăng 10: 11 và 14)

-          Ta là sự sống lại và sự sống, kẻ nào tin ta thì sẽ sống dầu đã chết rồi, còn ai sống mà tin ta thì không hề chết (Giăng 11: 25-26)

-          Ta là đường đi, chân lý và sự sống, chẳng bởi ta thì không ai đến được cùng cha (Giăng 14:6)

-          Ta là gốc nho thật, cha ta là người trồng nho (Giăng 15:1)

Cũng có 7 lần ghi lại Chúa Jesus phán: “Ta Là” nhưng không có định ngữ: Giăng 4:26; 6:20; 8:24; 8:28; 8:58; 13:19; 18:5.

“Ta là” là một mệnh đề ở thì hiện tại: Mệnh đề nầy mang sứ điệp rằng: Chúa Jesus lá Đấng tự hữu, hằng hữu, là đấng đời đời

Trong Tin Lành Giăng đoạn 8: Chúa nói chuyện với một đám đông người Giu đa: Khi Chúa Jesus nói với họ rằng: Áp-ra-ham, tổ phụ của họ, (người sống trước họ hai ngàn năm), thấy “Ngày của Ngài” thì nức lòng mừng rỡ. Họ phản ứng một cách mỉa mai:

                  Thầy chưa đầy năm mươi tuổi, mà đã thấy Áp-ra-ham! (Giăng 8:57)

                  Đức Chúa Jesus đáp rằng: Quả thật, quả thật, ta nói cùng các ngươi:

                  Trước khi có Áp-ra-ham đã có ta”. (Giăng 8: 58)

Nhóm từ “đã có ta” dịch trong ngôn ngữ Việt không phản ánh đúng nguyên văn: Câu nầy vốn là: Trước khi có Áp-ra-ham Ta hiện hữu.[8].

Không phải “đã có ta” một câu xử dụng thì quá khứ, nhưng: “Ta hiện hữu” là câu của thì hiện tại: Chúa Jesus là sự sáng: Ngài đời đời

Trong Ma-thi-ơ 17: 1-7  Chúa Jesus đưa riêng ba môn đồ là Phi-e-rơ, Giăng và Gia-cơ lên núi hóa hình. Trên núi đó:

                “Ngài biến hóa trước mặt các người ấy, mặt Ngài sáng lòa như mặt trời,

                 áo Ngài trắng như ánh sáng. Nầy có Môi-se và Ê-li hiện đến, nói chuyện cùng Ngài.”

                                                                                                                                      (Ma-thi-ơ 17: 2-3)

-          Tại sao Ngài phải biến hóa?

-          Ngài biến hóa để từ cõi thời gian vào cõi đời đời, vì các nhân vật Ngài muốn gặp đang ở cõi đời đời: Cõi phi thời gian.

-          Ngài biến hóa như thế nào?

-          Ngài trở thành ánh sáng: Mặt Ngài như mặt trời, áo Ngài như ánh sáng.

Kinh thánh cũng hé lộ cho những kẻ tin nhận Chúa Jesus về những phút giây họ được chuyển từ cõi thời gian về cõi đời đời:

                   “Nầy là sự mầu nhiệm tôi tỏ cho anh em: Chúng ta không ngủ hết,

                    nhưng hết thảy sẽ đều biến hóa, trong giây phút, trong nháy mắt, lúc tiếng kèn

                    chót thổi: Vì kèn sẽ thổi, kẻ chết được sống lại không hay hư nát và chúng ta đều

                   sẽ được biến hóa.

                   Vả thể hay hư nát nầy phải mặc sự không hay hư nát

                   và thể hay chết nầy phải mặc lấy sự không hay chết.

                                                                                          (I Corinhto 15:51-53)

Vậy con người được biến hóa như thế nào?

 Câu trả lời: Chúa đã biến hóa như thế nào, thì kẻ tin nhận Ngài cũng sẽ được biến hóa giống như ngài:

                 “Mặt Ngài sáng lòa như mặt trời, áo Ngài trắng như ánh sáng”.(Ma-thi-ơ 17:2)

Thật: Ai theo Jesus sẽ không đi trong nơi tối tăm, nhưng có ánh sáng của sự sống

 



[1] Tài liệu “Khoa học và Kinh Thánh”, Thánh kinh Thần học viện Nha Trang VN, trang 30

[2] Trươc Einstein, các nhà khoa học cho rằng vật chất và năng lượng là hai thực thể khác nhau, nhưng hiện nay, để phù hợp với công thức của Einstein, các nhà khoa học lại cho rằng năng lượng cũng là vật chất.

[3] Để từ một lượng nhỏ vật chất biến thành một lượng năng lượng lớn, ngày nay các nhà khoa học cho rằng: phản ứng trên mặt trời là phản ứng nhiệt hach, trong đó các đồng vị2D và 3T của Hydro kết hợp với nhau tạo thành nguyên tố Heli  (4He) và giải phóng ra một lượng năng lương khổng lồ

 

[4] Về điều nầy nhà bác học thiên tài Isaac Newton viết: Điều chúng ta biết chỉ là giọt nước, còn điều chúng ta không biết là cả đại dương

[5] Tin Lời Đức Chúa Trời của Kinh Thánh khác xa với việc tin Lời của một giáo hội tôn giáo nào đo.

[6] Arcturus là ngôi sao màu cam, mà người ta vẫn gọi là ngôi sao “Giữ gấu” (Alpha bootes) thuộc chum sao “Mục đồng” (Bootes). Ngôi sao nầy cách quả đất 37 quang niên

[7] Khoảng đường mà ánh sáng đi trong một năm, thì gọi là một quang niên

[8]  Kinh thánh bản tiếng Anh:” Before Abraham was born, I am” (Bản N.I.V)

                                                 : “Before Abraham was, I AM”  (Bản New King James}