Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 18

Dâng Con Cho Đức Chúa Trời

Trong những hành động đức tin của Áp-ra-ham, có lẽ hành động đức tin phi thường nhất chính là việc: Dâng Y-sác, con ông cho Đức Chúa Trời.

Kinh Thánh chép:

                  “Khi mọi việc kia đã xong, thì Đức Chúa Trời thử Áp-ra-ham: Ngài phán rằng: Hỡi Áp-ra-ham! Người thưa rằng: Có tôi đây. Đức Chúa Trời phán rằng: hãy bắt đứa con một ngươi yêu dấu, là Y-sác, và đi đến xứ Mô-ri-a, nơi đó dâng đứa con là của lễ thiêu ở trên một hòn núi kia mà ta sẽ chỉ cho.

                    Áp-ra-ham dậy sớm, thắng lừa đem hai đầy tớ và con mình là Y-sác cùng đi, người cũng chất củi để dùng về của lễ thiêu, rồi đi đến nơi mà Đức Chúa Trời đã truyền dạy.

                    Qua ngày thứ ba, Áp-ra-ham nhướng mắt lên thấy nơi đó ở lối đằng xa, thì nói cùng hai đầy tớ rằng:: Hãy ở lại đây với con lừa, ta cùng đứa trẻ sẽ đi đên chốn kia đặng thờ phượng, rồi sẽ trở lại với hai ngươi. Áp-ra-ham lấy củi về của lễ thiêu, chất trên Y-sác, con mình, rồi người cầm lữa và dao, trong tay và cả hai cha con đồng đi

                    Y-sác nói cùng Áp-ra-ham, cha mình rằng: Hỡi cha! Người đáp: Con ơi! Cha đây. Y-sác bèn nói: Củi đây, lữa dây, nhưng chiên con đâu có đặng làm của lễ thiêu? Áp-ra-ham rằng: Con ơi chính Đức Chúa Trời sẽ sắm sẵn lấy chiên con đặng dùng làm của lễ thiêu, rồi cả hai cha con cứ đồng đi.

                    Họ đến chốn Đức Chúa Trời đã phán dạy: Tại đó Áp-ra-ham lập bàn thờ, chất củi lên, trói Y-sác con mình lại, để lên đống củi trên bàn thờ. Áp-ra-ham bèn giơ tay ra cầm dao đặng giết con mình. Thiên sứ của Đức Chúa Trời từ trên trời kêu xuống rằng: Hỡi Áp-ra-ham, Áp- ra-ham! Người thưa rằng: Có tôi đây. Thiên sứ phán rằng: Đừng tra tay vào mình con trẻ, và chớ làm chi hại đến nó; vì bây giờ ta biết rằng ngươi thật kính sợ Đức Chúa Trời, bởi cớ không tiếc với ta con ngươi, tức con một ngươi.

                    Áp-ra-ham nhướng mắt lên: xem thấy sau lung một con chiên đực, sừng mắc trong bụi cây, bèn bắt con chiên đực đó đặng làm của lễ thiêu thay cho con mình. Áp-ra-ham gọi chỗ đó là: Giê-hô-va Di-rê. Bởi cớ ấy, ngày nay có tục ngữ rằng: Trên núi của Đức Giê-hô-va sẽ có sắm sẵn.

                   Thiên sứ của Đức Giê-hô-va từ trên trời kêu Áp-ra-ham lần thứ nhì mà rằng: Đức Chúa Trời phán rằng: Vì ngươi đã làm điều đó, không tiếc con ngươi, tức là con một ngươi thì ta lấy chính mình ta mà thề rằng: Sẽ ban phước cho ngươi, thêm dòng dõi ngươi nhiều như sao trên trời, đông như cát bờ biển, và dòng dõi đó sẽ chiếm được cửa thành quân nghịch. Bởi vì ngươi đã vâng theo lời dặn ta, nên các dân thế gian đều sẽ nhờ dòng dõi ngươi mà được phước”

                                                                                            ( Sáng 22:1-18)

Chúng ta sẽ xem xét câu chuyện nầy qua ba phần:

-          Thử thách

-          Đức tin của Áp-ra-ham

-          Đức Giê-hô-va Di-rê

I.                 THỬ THÁCH

Khoảng cách thời gian giữa Sáng thế ký 21 và sáng thế ký 22, có lẽ khoảng 10 năm: Sáng thế ký đoạn 21 cho biết: Trong ngày lễ thôi bú của Y-sác,[1] một hành động xúc phạm nào đó của Ích-ma-en đã khiến Sa-ra nổi giận: Bà đòi Áp-ra-ham phải đuổi A-ga và Ích-ma en đi. Điều nầy gây đau lòng cho Áp-ra-ham, dù vậy Đức Chúa Trời hứa với ông rằng:

                  “Ngươi chớ buồn bực vì con trai và con đòi ngươi.

                   Sa-ra nói thế nào hãy nghe theo tiếng người nói, vì do nơi Y-sac sẽ sanh ra

                   dòng dõi lưu danh ngươi. Ta cũng sẽ làm cho đứa trai của con đòi ngươi,

                   nên một dân, vì nó cũng do nơi ngươi mà ra.

                                                                                              (Sáng 21: 13)

Và khi câu chuyện trong Sáng thế ký đoạn 22 xảy ra, thì Y-sác đã là cậu thiếu niên 13 hay 14 tuổi: Lúc đó, Đức Chúa Trời thử Ap-ra-ham. Ngài gọi ông:

                  “Hỡi Ap-ra-ham, Ông thưa với Chúa: Có tôi đây.

                   Chúa phán cùng ông: Hãy bắt đứa con một mà ngươi yêu dấu, là Y-sác,

                  và đi đến xứ Mô-ri-a,  nơi đó dâng đứa con làm của lễ thiêu

                  ở trên một hòn núi kia, mà ta sẽ chỉ cho”

                                                                                                                                           (sáng 22: 2)

Kể từ khi mẹ con Ích-ma-en rời khỏi gia đình, Y-sác đã là con một của Ap-ra-ham. Ngày tháng lặng lẽ trôi: Y-sác lớn lên trong sự yêu thương, trân quí, chiều chuộng của vợ chồng Ap-ra-ham. Điều nầy không có gì lạ: Y-sác là đứa con của lời hứa, đứa con mà vợ chồng Áp-ra-ham chờ đợi không biết bao nhiêu ngày, đứa con sinh ra, khi ông tròn 100 tuổi và Sa-ra, vợ ông, cũng đã 90. Không chỉ vậy: Y-sác xinh tốt, hiền lành, vâng phục cha mẹ, nên Y-sác chắc chắn là bảo vật trong gia đình. Hẳn là trong suốt những năm tháng trôi qua, Áp-ra-ham tràn đầy lòng biết ơn Đức Chúa Trời về: sự ban cho lớn và quí của Ngài

Như mọi người cha khác, Áp-ra-ham yêu Y-sác con mình: Ông sẵn sàng chịu khốn khó để Y-sác được vui sướng, chịu mọi đau đớn, nếu đau đớn đó có thể chuộc những đau đớn cho con, ông sẵn sàng chết, nếu điều đó có thể giúp Y-sác, con ông, được sống. Đối với Áp-ra-ham: Y-sác còn quí hơn chính mạng sống của ông: Y-sác thật là: “Con một, rất yêu dấu của Ap-ra-ham”.

Áp-ra-ham yêu dấu Y-sác hơn bất kỳ người nào hay vật gì trong đời, điều đó đúng rồi, nhưng ông yêu đến độ nào: Ông đang coi: Y-sác là của ông, hay là của Đức Chúa Trời ban cho. Ông yêu: Y-sác hay yêu Đức Chúa Trời hơn?

Có một nguyên tắc dành cho những người muốn bước theo và phục sự Đức Chúa Trời: Ngài phải là trên hết, trước hết trong tâm tư, tình cảm của kẻ ấy:

Câu hỏi trước hết mà Chúa Jesus dành cho Phi-e-rơ, khi Ngài gặp lại ông trên bờ hồ Ga-li-lê là:

                         “Hỡi Simon, con Giô-na, ngươi yêu ta hơn những kẻ nầy chăng?” (Giăng 21: 15)

Chúa Jesus, Đức Chúa Trời của chúng ta, muốn kẻ theo Ngài yêu Ngài: đặt Ngài lên trên hết mọi người khác. Chúa phán:

                       “Ai yêu cha mẹ hơn ta thì không đáng cho ta,

                        Ai yêu con trai hay là con gái hơn ta thì cũng không đáng cho ta,

                        Ai không vác cây thập tự giá mình mà theo ta, thì cũng chẳng đáng cho ta”

                                                                                                                  (Ma-thi-ơ 1037-38)

Chúng ta thường có: “những điều quí nhất trong đời”, những “Y-sác” mà lòng mình yêu dấu: Danh vọng, địa vị, quyền thế, tài sản…Và nhiều khi miệng chúng ta xưng rằng mình yêu mến, quí trọng Đức Chúa Trời hơn hết mọi điều, nhưng lòng thì lại chỉ chú đến những “Y-sác” của riêng mình. Đức Chúa Trời muốn chúng ta minh bạch trong điều nầy, bằng cách thử nghiệm chúng ta: Ngài ban cho chúng ta những cơ hội để tự xác định lại: Chúng ta có thật yêu mến, quí trọng Đức Chúa Trời trên hết mọi điều không? Và đó cũng là lý do mà Đức Chúa Trời thử thách Áp-ra-ham.

Thử thách một người, trước hết để làm bộc lộ những phẩm tính bên trong của người ấy, thử thách một người cũng là cách rèn luyện người ấy: Vì mỗi lần con người vượt qua được thử thách, là mỗi lần con người được trưởng thành: trở nên chin chắn hơn, kinh nghiệm hơn, hoàn thiện hơn, có ích cho Đức Chúa Trời và cho cộng đồng xã hội hơn: Vô số con trai sống ở đáy biển, nhưng chỉ những con trai nào bất ngờ bị một vật lạ, một hạt cát sắc nhọn chẳng hạn, đâm sâu vào thịt: Những con trai nầy có thể chịu khốn khổ, đau đớn, không được bình yên như những con trai khác, nhưng rồi chỉ những con trai đó mới tạo ra được những viên ngọc óng ánh, quí giá cho chính mình và cho đời. Con người cũng vậy: Thử thách luôn gây ra đau đớn, nhưng đó là cách Đức Chúa Trời dùng để giúp ích cho kẻ yêu mến Ngài

cũng bởi đó, mà có lời khuyên của Sứ đồ Gia Cơ:

                “Hỡi anh em, hãy coi sự thử thách trăm bề thoạt đến cho anh em

                 như là điều vui mừng trọn vẹn. vì biết rằng sự thử thách đức tin anh em

                 sanh ra sự nhịn nhục. Nhưng sự nhịn nhục phải làm trọn việc nó,

                 hầu cho chính mình anh em cũng trọn lành toàn vẹn, không thiếu thốn thốn chút nào  

                                                                                                                                    (Gia-cơ 1:2-4)

II. ĐỨC TIN CỦA ÁP-RA-HAM

Tại sao Đức Chúa Trời đặt thử thách nặng nề như vậy: cho Áp-ra-ham, chứ không phải cho ai khác? Câu trả lời là: Vì Ngài biết: chỉ một người có đức tin như Áp-ra-ham, mới có thể chịu nổi một thử nghiệm như vậy:

                  “Những sự cám dỗ[2] đến cho anh em, chẳng có sự nào quá sức loài người:

                   Đức Chúa Trời là thành tín: Ngài chẳng hề cho anh em bị cám dỗ

                   quá sức mình đâu. Nhưng trong cám dỗ Ngài cũng mở đường cho ra khỏi,

                   để anh em có thể chịu được”

                                                                                                                  (I Cor 10:13)

 

-          Áp-ra-ham thật là người có đức tin lớn: Ông cẩn thận làm đúng mỗi mạng lệnh Đức Chúa Trời ban cho ông:

Ngài hiện ra với ông tại xứ U-rơ phán với ông rằng:

                “Hãy ra khỏi quê hương, vòng bà con mà đến xứ ta chỉ cho”

                                                                                                        (Công vụ 7: 3)

Ông đã vâng lời một cách trọn vẹn: Cùng với đại gia đình gồm: gia đình Tha-rê, cha ông, gia đình Na-cô, em ông, và phần còn lại của gia đình Ha-ran, em út của ông, rời U-rơ với ý định qua Canaan, Nhưng đại gia đình nầy, dưới sự lãnh đạo của Tha-rê, cha Áp-ra-ham, lại định cư tại Cha-ran (sáng 11: 11)

Một thời gian, sau Chúa lại hiện ra một lần nữa tại Cha-ran, Ngài ban cho ông một mạng lệnh khác:

            “Hãy rời bỏ quê hương, vòng bà con và nhà cha ngươi đi đến xứ ta chỉ cho”

                                                                                                                               (sáng 12:1)

Một lần nữa ông vâng lời Chúa: rời bỏ chính gia đình mình, để bước đi theo sự dắt dẫn của Đức Chúa Trời: Ông cẩn thận thực hiện mọi điều nào Đức Chúa Trời truyền cho ông: Phẩm chất đó được Đức Chúa Trời khen ngợi và ban thưởng:

           “Áp-ram tin Đức Giê-hô-va, thì Ngài kể sự đó là công bình cho người

                                                                                                                         (Sáng 15: 6)

-          Áp ra-ham thật là người có đức tin lớn: Ông biết Đức Chúa Trời một cách rõ ràng:

Chúng ta thật không biết Đức Chúa Trời hiện ra và truyền phán cho Áp-ra-ham cách nào, nhưng rõ ràng: Áp-ra-ham biết rõ và không hề lầm lẫn, khi Đức Chúa Trời hiện ra và truyền phán với ông:

            “Bắt đứa con một và yêu dấu của ngươi là Y-sác và dâng đứa trẻ đó làm của lễ thiêu

Bởi đó: Ông đã thực hiện mạng lệnh của Đức Chúa Trời mà chẳng hề thắc mắc rằng: Không biết có đúng là Chúa đang phán với ông không? Và nếu Ngài phán: thì tại sao lời phán truyền lần nầy lại hết sức mâu thuẩn với lời Ngài hứa trước đây với ông:

                   “Vì do nơi Y-sác sanh ra dòng dõi lưu danh ngươi”

                                                                                      (Sáng 21:13b)

-          Áp-ra-ham thật là người có đức tin lớn: Ông làm theo mạng lệnh của Chúa một cách một cách nhanh chóng:

Sau khi nhận mạng lệnh nơi Chúa, ông không chậm trễ: dậy sớm và chuẩn bị mọi điều có cần cho công việc:

            “Áp-ra-ham dậy sớm, thắng lừa, đem hai đầy tớ và con mình là Y-sác, cùng đi,

             người cũng chặt củi dùng làm của lễ thiêu, rồi đi đến nơi mà Đức Chúa Trời

             đã truyền dạy.

                                                                                                                             (Sáng 22: 3)

-          Áp-ra-ham thật là người có đức tin lớn: Ông không để cho bất cứ ai hoặc bất cứ điều gì cản trở ông thực hiện mạng lịnh của Đức Chúa Trời:

Công việc mà Đức Chúa Trời giao cho ông là việc khó: loại việc chỉ một mình ông biết và chỉ một mình ông làm

Để việc của Đức Chúa Trời không bị cản trở: Ông không đã hề tiết lộ cho bất kỳ ai việc dâng Y-sác: Ông đã một mình mang gánh nặng mà Đức Chúa Trời đặt để trên ông một cách yên lặng.

-          Áp-ra-ham thật là người có đức tin lớn: Đức tin của Áp-ra-ham thể hiện một cách tột đỉnh trong cách mà ông chiêm nghiệm lời truyền phán của Đức Chúa Trời cho ông;

Với nhận thức của mỗi người trong thế gian nầy thì: nếu dâng Y-sác làm của lễ thiêu thì đâu còn Y-sác nữa để mà có dòng dõi ra từ Y-sac lưu danh Áp-ra-ham: Lời hứa của Đức Chúa Trời cho Áp-ra-ham trong Sáng thế ký 21:13 hoàn toàn mâu thuẩn, không thể dung hòa với mạng lệnh Ngài đang đòi ông thực hiện.

Nhưng Áp-ra-ham không nghĩ như vậy, Với ông thì: lời hứa trong Sáng 21:13

       “Vì do nơi Y-sác sanh ra dòng dõi lưu danh ngươi”

Và mệnh lệnh trong Sáng thế ký 22:2

       “Bắt con một rất yêu dấu của ngươi là Y-sác, dâng làm của lễ thiêu”

 là không mâu thuẩn nhau:

 Áp ra-ham tin chắc rằng lời hứa của Đức Chúa Trời trong (Sáng 21:13) phải được thực hiện: Y-sác sẽ có vợ, có con và có dòng dõi kế theo. Và mạng lệnh trong Sáng 22:2 cũng là mạng lệnh phải được thực hiện: Ông tỉn rằng: Dù ông dâng Y-sác làm của lễ thiêu, thì chính Đức Chúa Trời cũng có quyền làm cho người đã chết khi ông dâng, được sống lại.

 Tác giả Hê-bơ-rơ giải thích điều nầy khi viết:

      “Bởi đức tin: Áp-ra-ham dâng hiến Y-sác làm sinh tế, khi bị Chúa thử nghiệm.

        Ông sẵn sàng dâng hiến con một của mình, dù đứa con đó là lời hứa ông đã

        nhận: Vì Đức Chúa Trời đã phán bảo ông rằng: “Từ Y-sác, con sẽ có dòng dõi

        mang tên con. Và vì kể rằng: Đức Chúa Trời có khả năng khiến kẻ chết sống lại.

      Cũng giống như từ kẻ chết, mà người lại được con mình”

                                                                                                                (Heb 11:17-19 BDM)

 

Đức tin như vậy thật sự là quá đổi lạ lùng: là tột đỉnh của những đức tin:

Chính vì tin rằng: Đức Chúa Trời có quyền khiến con ông sống lại, nên khi tạm biệt các đầy tớ mình ông nói với họ rằng:

             “Hãy ở đây với con lừa, ta cùng con trẻ sẽ đến chốn kia để thờ phượng

              rồi sẽ trở lại với hai ngươi” (Sáng 22;5).

Bản Kinh Thánh tiếng Việt dịch chỗ nầy không được rõ: Các bản tiếng Anh: New King James, N.I.V đều dịch: “Rồi chúng ta sẽ trở lại cùng hai ngươi”.

 Đức tin giúp cho Áp-ra-ham thấy rằng: ông và con mình sẽ an toàn để trở lại.

III. ĐỨC GIÊ-HÔ-VA DI-RÊ

1.    TÌNH CẢM, LÝ TRÍ VÀ ĐỨC TIN

Khoảng cách từ Bê-e-sê-ba, nơi gia đình Áp-ra-ham đang cư ngụ, đến núi Mô-ri-a tại Giê-ru-sa-lem (II Sử ký 3:1) độ chừng 70 km theo đường chim bay, nhưng đường bộ thì xa hơn[3]: phải mất ba ngày: Đường đi khó, không khó vì ngăn sông cách núi[4], và có thể cũng không khó ngay cả với những gánh nặng trên lưng, nhưng khó nhất: Chính là gánh nặng trong lòng: Mỗi bước đến gần ngọn núi Mô-ri-a là mỗi bước đến gần với nỗi buồn khổ của mất mát, đau đớn, chia ly. Lòng người cha đang bị xâu xé bởi tình yêu dành cho con, với sự yêu mến, vâng phục Đức Chúa Trời. Điều nầy khiến bước chân của Áp-ra-ham càng thêm nặng nhọc: Nhất là những bước cuối cùng: khi chỉ còn hai cha con trên chặng chót hướng về đỉnh núi:

                      “Y-sác bèn nói cùng Áp-ra-ham, cha mình, rằng: Hỡi cha!

                        Người đáp: Con ơi cha đây. Y-sác nói: Củi đây, lữa đây,

                       nhưng chiên con đâu có đặng làm của lễ thiêu

                                                                                                         (Sáng 22: 7)

Một câu hỏi có thể làm quả tim Áp-ra-ham tan vỡ: Lời nói ngây thơ của Y-sác không chỉ bày tỏ một nếp sống kính thờ Đức Chúa Trời của gia đình Áp-ra-ham, nhưng lời ngây thơ ấy của con xoáy vào tâm can người cha như một mủi dao nhọn: Tình cảm, lý trí đã đến điểm tận cùng của chịu đựng: Tình cảm, lý trí muốn lên tiếng lấn át đức tin: Có phải thật là Đức Chúa Trời lên tiếng gọi mình chăng? Sao lời kêu gọi nầy lại mâu thuẩn với lời hứa ngọt ngào trước kia của Ngài như vậy? Lý trí và tình cảm: muốn Ap-ra-ham dừng lại, muốn Áp-ra-ham quay lui.

Nhưng đức tin nơi Áp-ra-ham lên tiếng kịp thời:

-          Từ khi rời bỏ quê hương và các thân tộc tại U-rơ ra đi, rồi sau đó lại rời bỏ nhà cha để theo tiếng gọi của Chúa, Ngài có thất tín lần nào với mình chăng?

-          Ngài luôn là Đấng Thành tín

-          Có lần nào trong những cơn khốn khó buồn khổ nhất của mình, Ngài để mình bơ vơ, không quan tâm, yên ủi, nâng đỡ, ban phước chăng?

-          Ngài vẫn luôn gần, vẫn thương yêu, quan phòng, chăm sóc

-           Tài sản mình có, phải chăng là bởi: “Bàn tay ta làm nên tất cả, với sức người sỏi đá cũng thành cơm”[5] chăng?

-          Không, mọi điều tôi có, đều đến bởi lòng yêu thương, ân điển của Ngài

-          Năng lực khôn ngoan, sự thông sáng, khiến một ông cụ trăm tuổi và bà cụ 90 như những năm trước của đời mình, giúp mình sinh được đứa con như Y-sác chăng?

-           Chắc chắc là không: đứa con yêu dấu ấy đến từ chính Đức Chúa Trời

Đức tin cũng nhắc Áp-ra-ham : Chính Đức Chúa Trời phán với ông rằng:

                  “Há có điều chi Đức Giê-hô-va làm không được chăng?

                                                                                             (Sáng 18:14)

Đức tin nói với lòng ông rằng: Ngài làm được mọi điều, nên dù mình phải dâng Y-sác trong những giờ phút sắp đến thì Ngài cũng có quyền làm cho người con yêu dấu của mình được sống lại để hoàn tất những lời hứa quí báu của Ngài. Đức tin ấy giúp ông có lời cho con mình:

                “Con ơi! Chính Đức Chúa Trời sẽ sắm sẵn chiên con dùng làm của lễ thiêu”

                                                                                                                     (Sáng 22:8)

2.    TRÊN THỜ BÀN CỦA LỄ THIÊU

Kinh thánh chép tiếp:

               “Họ đến chốn Đức Chúa Trời phán dạy, tại đó Áp-ra-ham lập một bàn thờ,

                chất củi lên, trói Y-sác con mình lại, để lên đống củi trên bàn thờ”

                                                                                                                      (Sáng 22:9)

Nếu: người cha, Áp-ra-ham, thuận phục Đức Chúa Trời một cách tuyệt đối, thì người con, Y-sác, cũng vâng phục cha mình một cách tuyệt đối như vậy.

Y-sác biết: Cha yêu mình, và đáp lại Y-sác cũng yêu mến, tin cậy, vâng phục cha mình : Nếu không vậy, thì một thiếu niên mười ba, mười bốn tuổi bỏ chạy khi biết hiểm nguy đến với mình, thì một ông cụ 113 tuổi há có thể đuổi kịp chăng?

Nhưng Y-sác đã không làm như vậy: Y-sác để mình bị trói, bị đặt trên bàn thờ để làm một của lễ, mà không có lấy một lời: Đức Chúa Trời đã chiếu dọi hình ảnh nầy nhiều lần trong tâm trí tiên tri Ê-sai để ông viết về Đấng Cứu Thế sẽ đến:

                    “Như chiên con bị dắt đến hàng làm thịt,

                     như chiên câm trước mặt kẻ hớt lông, người chẳng từng mở miệng”

                                                                                                                           (Ê-sai 53:7)

Qua thật: Con một yêu dấu của Áp-ra-ham đã đóng trọn ven hình bóng con một yêu dấu của Đức Chúa Trời

    3.  CHIẾN THẮNG CỦA ĐỨC TIN

               Áp-ra-ham bèn giơ tay ra cầm lấy dao đặng giết con mình

               Thiên sứ của Đức Giê-hô-va từ trên trời kêu xuống mà rằng:

               Hỡi Áp-ra-ham, Áp-ra-ham! Người thưa rằng: Có tôi đây

               Thiên sứ phán rằng: Đừng tra tay vào mình con trẻ, và chớ làm chi hại đến nó.

               Vì bây giờ ta biết rằng: Ngươi thật kính sợ Đức Chúa Trời,

               Bởi cớ không tiếc với ta con ngươi tức con một ngươi.

                                                                                                               (Sáng 22:11-12)

Nếu câu chuyện trong sáng thế ký đoạn 22 được dựng thành phim, và người xem chúng ta chưa biết kết cuộc của chuyện phim, hẳn chúng ta sẽ phải nhắm mắt hoặc xây đi trước cảnh người cha giơ dao ra đặng giết con mình: Chuyện ấy tàn nhẫn quá, ghê khiếp quá, tấm lòng con người không chịu đựng được, nên con mắt cũng không chịu đựng được. Mà không chỉ con người: Chính tấm lòng và con mắt của Đức Chúa Trời cũng vậy: Thiên sứ Ngài gọi:

              “Áp-ra-ham, Áp-ra-ham”

                                                (Sáng 22:11b)

Tên của Áp-ra-ham được nhắc lại hai lần: cho thấy thiên sứ Đức Chúa Trời cũng đã vội vàng như thế nào trong việc dừng cánh tay của Ap-ra-ham:

Thử thách đối với Ap-ra-ham cũng chấm dứt: Đức tin ông đã thắng hơn tình cảm, lý trí, xúc cảm tự nhiên của con người, đức tin ông vượt qua những ràng buộc trong mọi mối quan hệ gia đình, xã hội. Đức tin ấy đưa ông đối diện với Đức Chúa Trời để nghe lời chứng rằng:

              “Bây giờ ta biết rằng: Ngươi thật kính sợ Đức Chúa Trời, bởi cớ không tiếc

               với ta chính con ngươi, tức là con một ngươi”

                                                                                         (Sáng 22:12b)

4.    ĐIỀU SẮM SẴN Ở ĐÀNG SAU

            “Áp-ra-ham nhướng mắt lên, xem thấy sau lưng: một con chiên đực

             sừng mắc trong bụi cây, bèn bắt con chiên đực đó dâng làm của lễ thiêu thay

             cho con mình. Áp-ra-ham gọi chỗ đó là: Giê-hô-va Di-rê. Bởi cớ ấy ngày nay có

             tục ngữ rằng: Trên núi của Đức Giê-hô-va sẽ có sắm sẵm”

                                                                                                          (Sáng 22: 13-14)

Thi thiên 121 viết:

           “Tôi ngước mắt lên núi: Sự tiếp trợ tôi đến từ đâu?

             Sự tiếp trợ tôi đến từ Đức Giê-hô-va

             Là Đấng đã dựng nên trời và đất”

                                                                     (Thi 121:1-2)

Tác giả Thi thiên 121 thật đã kinh nghiệm về sự quan phòng chăm sóc của Đức Chúa Trời cho mình: Ông biết rằng: Chỉ khi ông hướng mắt lên cao, ông mới nhận ra nguồn tiếp trợ dư dật cho chính cuộc đời mình:  Đức Chúa Trời đã dự bị điều có cần cho ông, tại nơi ông cần: Ngài là Đức Giê-hô-va Di-rê của cuộc đời ông.

Nhưng không phải tác giả Thi thiên 121, mà chính Áp-ra-ham mới là người trước tiên khám phá ra chân lý nầy, khi ông: “Nhướng mắt lên” thì ông: “xem thấy sau lưng mình” điều Đức Chúa Trời sắm sẵn cho ông: một con chiên đực dùng làm của lễ thiêu: Con chiên đực đó không nằm ở phía trước mặt, nhưng đang ở sau lưng ông. Ông nhướng mắt lên không phải ông thấy điều ở trước mặt, nhưng thấy điều ở sau lưng mình.

 Muôn đời vẫn vậy: Của mà Đức Chúa Trời sắm sẵn đã được đặt vào đúng chỗ kín đáo cho nó rồi, kín đáo đủ để người nào có lòng nhờ cậy nơi Đức Chúa Trời khi: “ngước lên” thì sẽ thấy ở phía sau mình.

5.    PHẦN THƯỞNG

             “Bởi vì ngươi đã vâng theo lời dặn ta, nên các dân thế gian sẽ nhờ

              dòng dõi ngươi mà được phước

                                                                                                             (Sáng 22:18)

Ap-ra-ham yêu kính Đức Chúa Trời hơn mọi điều trong thế gian nầy:

 Ông bằng lòng hiến dâng con một yêu dấu của mình lên cho Ngài.

 Bởi đó Đức Chúa Trời làm điều lớn hơn cho ông:

Ngài bằng lòng hiến dâng con một yêu dấu của Ngài, không chỉ cho ông, mà cho cả thế gian, để thế gian nhờ con ấy mà được phước



[1] Lễ nầy thường được tổ chức khi trẻ lên hai hoặc ba tuổi

[2] Từ nguyên: Peizaro:được dịch là: cám dỗ, cũng được dich là: thử thách hay thử nghiệm

[3] Ngày nay đường cao tốc Bê-e-sê-ba đến Giê-ru-sa-lem là 107 km)

[4] Nguyễn bá Học: Đường đi khó, không khó vì ngăn sông cách núi, mà khó vì lòng người ngại núi e sông

[5] Thơ Hoàng trung Thông