Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 6

Hy Sinh Cho Tình Yêu

Paul Châu An Phước, Pastor

Kinh thánh dạy rằng tình yêu mạnh như sự chết và điều quan trọng hơn hết trong cõi đời nầy chính là tình yêu (Nhã-ca 8:6; I Côr. 13:13). Trên thế gian nầy, từ cổ cho tới kim, đã có biết bao nhiêu là tư tưởng, là danh ngôn nói về tình yêu. Người ta nói về tình yêu, ca ngợi về tình yêu và sẽ chết cho tình yêu. Thế thì có mấy ai đã thực biết yêu và cô đơn! Thật vậy, Xuân Diệu, một trong những nhà thơ nổi tiếng thời tiền chiến, đã có kinh nghiệm:

"Yêu là chết trong lòng một ít


Và mấy khi yêu mà lại được yêu!


Cho rất nhiều như chẳng nhận bao nhiêu


Người ta phụ hoặc thờ ơ chẳng biết!"

Đặc tính của tình yêu là hy sinh, một sự hy sinh tuyệt đối. Chúa Giê-xu đã phán dạy các môn đệ mình rằng: "Các ngươi hãy yêu thương nhau cũng như ta đã yêu các ngươi. Chẳng có sự yêu thương nào lớn hơn là vì bạn hữu mà phó sự sống mình" (Giăng 13:12-13).

I. Cô Đơn Trong Tình Yêu

Tình yêu đòi hỏi hy sinh và hy sinh có nghĩa là:


- Sẵn lòng để người khác được nhận


- Sẵn lòng buồn để người khác được vui


- Sẵn sàng mất để người khác được còn


- Sẵn sàng chết để người khác được sống

Nói cách khác, khi đã yêu thì tất cả những cái gì thuộc về ta và kể cả chính ta được phó dâng trọn vẹn cho người mà ta yêu, để đem đến cho người ấy hạnh phúc và niềm vui chân chính. Yêu không phải là cưỡng chiếm, là chế ngự, mà là ban cho, là dâng hiến.

Chúa Giê-xu đã sống và yêu trong cõi đời nầy. Tình yêu là lẽ sống của Ngài cho đến giờ phút cuối cùng của cuộc đời tại thế, giờ phút tuyệt đỉnh trong sự thể hiện của tình yêu qua hành động hy sinh mạnh sống và danh dự cho người mình yêu, vì chính những người thân yêu nhất của Ngài đã phản bội hoặc xa lánh Ngài. Còn gì đau khổ hơn khi đã xả thân cho người mình yêu lại người mình yêu đưa vào bẫy rập, bán rẻ sinh mạng của mình (Giuđa Íchcariốt với 30 miếng bạc và một nụ hôn phản bội). Còn gì đau khổ hơn khi người từng hứa chết sống với mình trước đó mấy tiếng đồng hồ, lại phải chối bỏ mình trước quân nghịch, đó là Phierơ (đã chối Chúa ba lần).

Những sự đau khổ nhất và tuyệt đỉnh trong sự cô đơn của Chúa Giê-xu chính là giây phút mà Ngài kêu thống hối trên cây thập tự: "Đức Chúa Trời tôi ôi, Đức Chúa Trời tôi ôi, sao Ngài lìa khỏi tôi!" Ai có thể cảm thông được tâm trạng của Chúa Giê-xu lúc bấy giờ? Những người đã từng gắn bó với Ngài, theo chân Ngài trải qua khắp miền đất nước, đã từng chia xẻ mấy hôm khi Ngài tiến vào kinh đô trên lưng một con lừa tơ với sự reo mừng, tung hôn của dân chúng. Những người đã từng nhân danh Ngài chữa bệnh, làm phép lạ, trừ quỉ, họ đã tha thiết gọi Ngài bằng thầy và đã bao nhiêu lần thề non hẹn biển, nhất quyết đồng sống đồng chết với Ngài trong mọi nghịch cảnh

Những nguời ấy giờ đây có kẻ bán Ngài, có kẻ phản Ngài, để mặt Ngài phải đối diện một mình đau khổ với kẻ thù. Ngài đã mất những kẻ mà Ngài đã yêu thương và đã lựa chọn, cận kề dạy bảo, những kẻ mà Ngài phải hiến dâng hy sinh cho họ. Lúc đó Ngài cũng lại mất đi niềm an ủi cuối cùng của tình yêu thiên thượng. Đức Chúa Trời đã quây mặt lìa khỏi Ngài mà Đức Chúa Trời còn rủa sả Ngài, bởi vì theo luật pháp của Đức Chúa Trời: "Kẻ nào bị treo ắt bị Đức Chúa Trời rủa sả" (Phục truyền 21:23). Nỗi đau đớn, chính là đòn chí tử kết thúc sinh mạng của Chúa Cứu Thế Giê-xu đến trong thế gian nầy vì tình yêu. Ngài đã sống cho tình yêu và chết cho tình yêu. Để đổi lại những sự ban cho và hy sinh của Ngài là khổ đau, nhục nhã, phản bội và sự cô đơn tột cùng của một kẻ bị Đức Chúa Trời từ bỏ.

Yêu là cô đơn! Đức Chúa Giê-xu đã chết trong cô đơn. Cô đơn khác với cô độc, chỉ có mỗi một mình, xung quanh không còn ai khác nhưng người ta vẫn có thể có được an ủi, niềm vui bởi những người thương yêu, hiểu biết mình về hoàn cảnh cho được gần nhau. Nhưng cô đơn có nghĩa là chẳng có ai tri kỷ, tri âm với mình dù đang sống giữa đám đông nhân loại. Người ta có thể cô độc mà không cô đơn, và người ta lại thường rất cô đơn mà không cô độc

Chúa Giê-xu không hề cô đơn trong suốt cuộc đời tại thế của Ngài, ngoại trừ những giây phút cuối cùng trên thập tự giá. Nói thế không có nghĩa là đã tìm được một người bạn tri ân nào trên trần gian nầy. Thật vậy, cho đến giây phút cuối cùng hy sinh cho tình yêu, Ngài không có một nguời nào hiểu mình, nhưng ngược lại, Ngài vẫn hiểu họ và yêu họ. Ngài có hàng trăm môn đệ, hàng chục ngàn người đã đi theo Ngài, nghe Ngài dạy dỗ, hưởng ơn chữa bệnh và các phép lạ Ngài đã làm cho họ, vì họ ở giữa họ

Thế mà không có một người nào đứng ra chia xẻ đau khổ với Ngài, để có thể hy sinh mạng sống cho Ngài.

Vâng, Chúa Giê-xu là một người cô đơn ở trần gian nầy, mặc đầu dù Ngài không hề cô độc, lúc nào xung quanh Ngài cũng có các môn đệ, những đoàn dân đông vây quanh. Cô đơn vì không ai hiểu và yêu Ngài như Ngài vẫn yêu họ. Nói cách khác, Chúa Giê-xu không hề cô đơn vì Ngài còn có Cha trên trời, là Đấng yêu thương Ngài, và Thánh Linh trong lòng là Đấng yên ủi, cảm thông Ngài. Thật vậy, dù cả thế gian có chối bỏ Ngài hoặc yêu Ngài bằng tình yêu vị kỷ, đầy dẫy những sự toan tính và lợi dụng. Dù ở thế gian Ngài cô đơn, nhưng mỗi sáng sớm và chiều tối Ngài có những giây phút thông công với thiên phụ, đầm thấm trong tình yêu ngọt ngào của tình yêu Chúa Cha và cảm thông tuyệt đối. Niềm vui được thông công với Chúa Cha đã xóa tan bao nhiêu nhọc nhằn trong chức vụ và niềm cô đơn trong trần gian nầy vì tình yêu Ngài đã sống cho tình yêu và chết cho tình yêu. Trong đời sống tại thế, Ngài hoàn toàn vâng phụ theo thánh ý của Cha trên trời. Nhưng khi trao tình yêu bằng sự hy sinh của Ngài cho thế nhân, Ngài đã nhận sự đau thương, tủi nhục trên cây thập tự. Chính Chúa Giê-xu đã từng phán: "Nếu hột giống lúa mì kia chẳng chết sau khi gieo xuống đất, thì cứ ở một mình. Nhưng nếu chết đi thì kết quả được nhiều" (Giăng 12:24). Hôm nay chúng ta là Cơ đốc nhân, là những người theo Chúa, yêu mến Chúa và hầu việc Chúa với lời hứa dâng trọn cuộc đời. Chúng ta mang danh hiệu của Ngài là Cơ đốc nhân (Christian), nghĩa là chúng ta thuộc về Chúa Cứu Thế, chúng ta có vui lòng đi theo Chúa không? Chúng ta có yêu Chúa và chia xẻ những sự cô đơn với Ngài, để trở thành hạt giống Tin lành chăng?

II. Chăm Sóc Cho Tình Yêu

Tình yêu thì tích cựu, lo lắng đến đời sống và tăng tiến của đối tượng ta yêu. Đâu thiếu sự chăm sóc, lo lắng thì ở đó thiếu tình yêu thương. Yếu tố yêu thương nầy được diễn tả rất rõ, rất đẹp trong câu chuyện tiên tri Giôna trong Thánh kinh. Thiên Chúa sai Giôna báo cho dân thành Ninive rằng họ sẽ bị Chúa phạt nếu không thống hối tội lỗi, Giôna trốn không thi hành mạng lịnh của Chúa vì tiên tri sợ thành Ninive ăn năn rồi Chúa tha thứ tội cho họ. Giôna là con người thích trật tự và luật pháp, nhưng lại thiếu tình yêu thương. Nhưng trên đường trốn thiên lịnh, Giôna đã bị con cá nuốt vào bụng trong ba ngày. Bụng cá tượng trưng cho tình trạng cô độc, tù đày, thiếu tình yêu thương và tinh thần liên đới. Thiên Chúa cứu ông khỏi chết trong bụng cá, rồi lại sai ông đến thành Ninive. Ông rao truyền cho dân thành điều Chúa đã truyền cho ông, nhưng trong thân tâm ông sợ dân thành ăn năn. Dân thành Ninive đã thống hối, cải tà qui chánh và Chúa tha tội chết cho họ, không tàn phá thành trì của họ nữa, Giôna vô cùng giận dữ và buồn rầu. Ông muốn sự công chính được thi hành, không xót thương. Cuối cùng ông ra ngoài thành làm một cái chòi nhỏ để ở và xin Chúa được chết. Chúa an ủi, ban cho ông một dây dưa lá sum suê che nắng. Nhưng được một ngày qua đêm, sáng hôm sau Chúa đã làm cho cành lá đó héo đi, không còn che mát cho ông nữa.

Giôna lại càng buồn giận Chúa. Chúa trả lời: "Con nổi giận vì tàng lá nầy phải không?" Tiên tri trả lời: "Lạy Chúa, con giận cho đến chết cũng là đáng". Chúa lại phán: "Con tiếc xót một tàng lá mà con chưa hề khó nhọc vì nó, con không thấy nó sinh ra, qua một đêm thấy nó chết đi. Còn ta, há không tiếc thương một thành Ninive to lớn, trong đó có 12 vạn người không biết phân biệt tay tả và tay hữu, cùng với một số thú vật rất nhiều hay sao?" Câu trả lời của Chúa cho Giôna cần phải hiểu theo nghĩa tượng trưng. Chúa cắt nghĩa cho Giôna rằng, bản chất của tình yêu thương là sự chăm sóc cho một thực thể nào đó và làm cho nó tăng tiến lên. Người ta yêu thương cái người ta chăm sóc vun trồng, và người ta chăm sóc vun trồng cái người ta yêu.

III. Trách Nhiệm Của Tình Yêu

Ngoài sự chăm sóc tình yêu còn có một khía cạnh khác, đó là trách nhiệm. Ngày nay người ta thường hiểu lầm trách nhiệm và bổn phận. Trách nhiệm là một cái gì đó người khác giao cho ta. Nhưng theo nghĩa đích thực, trách nhiệm là một công việc hoàn toàn tự nguyện. Đó là đáp ứng của tôi cho những nhu cầu mình hoặc của tha nhân. Là người có trách nhiệm có nghiã là người đó có thể và sẵn sàng đáp ứng. Giôna không cảm thấy có trách nhiệm với dân thành Ninive, ông chẳng khác gì Cain nói một cách vô tình rằng: "Tôi có phải là người giữ em tôi sao?". Người có tình yêu thương thì trả lời khác. Đời sống của em tôi là thuộc của nó, nhưng tôi là anh tôi có trách nhiệm đối với em là Abên. Chính Cain đã không giữ em của mình mà lại còn giết em (Sáng 4:9). Được Chúa chăn nuôi, vua Đa-vít đã tuyên bố: "Tôi sẽ chẳng thiếu thốn gì

Tôi sẽ chẳng sợ tay họa nào. Quả thật trọn tôi, phước hạnh và sự thương xót sẽ theo tôi luôn. Tôi sẽ ở trong nhà Đức Giêhôva cho đến lâu dài" (Thi. 23).

Cuộc đời của Chúa Cứu Thế lúc còn ở trong trần gian, Ngài đã chăm sóc đoàn dân khi Ngài giảng dạy trên núi. Trước đoàn dân gần một vạn đang đối, Chúa bảo các môn đệ: "Chính các ngươi phải cho họ ăn" (Mác 7:35). Các môn đệ đã nhận bánh từ nơi Chúa rồi phân phát lại cho đoàn dân, mọi người được ăn no nê và còn thừa lại. Khi Ngài còn ở với các môn đệ, Ngài đã dạy cho các môn đệ về lẽ thật và huấn luyện họ trở nên những người hữu dụng cho nước Đức Chúa Trời. Chúa Giê-xu đã đến thế gian, Ngài luôn luôn làm trọn trách nhiệm chăm sóc tất cả mọi người, ngay cả cha mẹ phần xác của Chúa Jêsus cũng vậy. Ngài đã chịu lụy cha mẹ và với trách nhiệm thương yêu, chăm sóc chu đáo trên đoạn đường dài ở tại thế ba mươi ba năm. Khi Chúa bị đóng đinh, Ngài cũng còn trách nhiệm với bà Mari, giao cho một môn đệ chăm sóc và nuôi dưỡng. Với tình yêu cao cả và vĩ đại của Chúa Cứu Thế, đã hy sinh vì tình yêu cho nhân loại, vì bạn hữu mà phó sự sống mình làm giá chuộc cho nhiều người. Chúa Giê- xu đã chết vì tình yêu săn sóc họ, với trách nhiệm lo cho họ, nhưng không đủ. Chính Ngài phải đổi mạng sống để cứu họ ra khỏi tội lỗi hư hoại của trần gian nầy trong đó có tôi và quý vị. Sau đó Chúa phục sinh cách khải hoàn, để cho nhân loại thấy và biết rằng Ngài là vua trên muôn vua chúa trên muôn chúa. Ngài ở với các môn đệ trong 40 ngày để dạy cho họ biết lẽ thật và bảo họ giữ những điều mà Ngài truyền cho họ. Chúa hứa sẽ ban Đấng yên ủi đến chăm sóc họ và hướng dẫn họ giữ mọi điều trong Thánh kinh. Và Ngài hứa sẽ ở cùng chúng ta cho đến tận thế.

Vâng, ngày hôm nay biết bao nhiêu triệu người đã tin Chúa và tuyên xưng đức tin: Tôi là người Cơ đốc. Từ một thế giới tối tăm tội lỗi, họ đã được thay đổi đến nơi sáng láng, sống một cuộc đời thánh sạch. Vì vậy họ đã học được giá trị của sự cứu chuộc, được cứu để phục vụ, và học theo gương của Chúa Giê-xu: "Ngài đã yêu thương kẻ thuộc về mình trong thế gian, thì cứ yêu cho đến cuối cùng". Và Ngài cũng hứa với các môn đệ và con dân Chúa một cách chắc chắn: "Trong nhà Cha ta có nhiều chỗ ở, bằng chẳng vậy, ta đã nói cho các ngươi rồi. Ta đi sắm sẵn cho các ngươi một chỗ. Khi ta đã đi và đã sắm sẵn cho các ngươi rồi, ta sẽ trở lại đem các ngươi đi với ta, hầu cho ta ở đâu thì các ngươi cũng sẽ ở đó" (Giăng 14:2-3). Muốn thật hết lòng.