Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 20

Mùa Xuân Và Những Con Chồn Nhỏ

Thật vui thích suy gẫm lời Đức Chúa Trời trong Nhã ca, khi mùa xuân đang réo gọi bên ngoài:

Đặc biệt là Nhã ca 2:1-16: Lời êm dịu ngọt ngào thỏa thích cho lòng người biết bao.

Chúng ta sẽ cùng suy gẫm đoạn Kinh Thánh nầy trong 3 phần

-           Lương nhơn tôi

-          Mùa xuân

-          Những con chồn nhỏ

I.                 LƯƠNG NHƠN TÔI

1.   Ấy là tiếng lương nhơn tôi (Nhã 2:8a)

Rất nhiều năm về trước, tôi được đọc cuốn sách mỏng có tựa đề là: “Đức Giáo Hoàng mất tích”. Cuốn tiểu thuyết hư cấu nầy kể về một vị Giáo Hoàng trẻ của Giáo hội Thiên Chúa giáo: người được Hội đồng Hồng Y bầu lên, thay cho vị Giáo Hoàng lớn tuổi vừa qua đời.

 Chuyện kể rằng: Sau một thời gian ngắn nhậm chức, vị tân Giáo Hoàng nghĩ rằng: Quả thật mình ít hiểu biết về tâm tư, tình cảm, quan niệm sống... của anh em công nhân và đa số những người lao động khác, nên ông quyết định tự mình phải trải nghiệm cuộc sống của một người  lao động bình thường trong xã hội là thể nào, hầu có thể giúp đỡ họ: Ông để lại một lá thư tại phòng làm việc, trong đó ông bày tỏ với tất cả tín hữu Thiên Chúa Giáo rằng: Vì nhu cầu riêng cho công việc, ông cần vắng mặt tại nơi làm việc một thời gian: Khi mọi người tìm thấy bức thư, cũng là lúc không ai biết vị tân Giáo Hoàng đang ở đâu nữa.

 Tin vị đứng đầu giáo hội Thiên Chúa Giáo  mất tích làm chấn động cả thế giới: Các cường quốc Hoa Kỳ, Anh, Pháp, Liên Xô, Trung Quốc...đều ra lệnh cho các cơ quan tình báo của mình ra sức tìm kiếm.

Thế rồi Cơ quan tình báo của một trong những  cường quốc nói trên đã tìm được vị Giáo Hoàng mất tích: Thì ra ông đang làm nghề tài xế taxi ở thành phố Paris: Vị Giáo Hoàng bị các điệp viên đánh thuốc mê và được bí mật đưa về thủ đô của cường quốc nầy.

Các nhà lãnh đạo của đất nước nầy háo hức muốn tìm hiểu bí mật của vị Giáo Hoàng: Các chuyên viên điều tra được lệnh tiêm thuốc nói sự thật vào ông: Họ chờ đợi thuốc ngấm và sẵn sàng ghi chép lại các bí mật, các sự thật mà họ muốn biết: Giây phút chờ đợi thật hết sức hồi hộp và cuối cùng vị Giáo Hoàng cũng đã phải mấp máy môi nói ra sự thật rằng:

                            “Ban đầu Đức Chúa Trời dựng nên Trời đất”

Các nhân viên điều tra hết sức ngạc nhiên, họ không hiểu điều nầy là gì? Bỗng một người trong số họ la lên rằng: “Tôi biết rồi: đây là một câu chép trong một cuốn sách thánh của ông ta”. Ông vào lục lọi trong phòng và đem cuốn sách ra và chỉ cho mọi người xem: Đây nầy, đây là câu đầu tiên trong sách (Sáng 1:1)

Sự yên lặng bao trùm cả căn phòng, vị Giáo Hoàng không nói thêm gì nữa. Một chuyên viên đề nghị: phải tiêm một liều thuốc nói sự thật khác mạnh hơn xem ra thể nào: Và thật, liều thuôc đem lại kết quả ngay: Vị Giáo Hoàng lại mấp máy môi:

Vì kìa mùa đông đã qua rồi

Mưa đã dứt hạt

Bông hoa nở ra trên đất

Mùa hát xướng đã đến nơi

Và tiếng chim cu nghe trong xứ

Cây vả đương chín những trái xinh tươi của nó

Và nho trổ hoa nực mùi hương

Hi bạn tình ta, người đẹp của ta ơi, hãy chỗi dậy và đến.

Mọi người trong phòng ồ lên: À té ra ông ta có người yêu và đã có những lời thật dịu ngọt cho người yêu của mình, thế nhưng người cầm cuốn sách thánh lại lên tiếng: Không phải đâu: Câu ông ta nói cũng lại là câu được ghi trong cuốn sách thánh nầy: (Nhã ca 2:10-12).

Cách trình bày về Sự thật (Chân lý) của tác giả câu chuyện thật thâm thúy!

Hầu hết các cơ đốc nhân khi đọc câu chuyện đều hiểu: Tác giả muốn mọi người đọc sách của ông biết rằng: Kinh Thánh là Lời Đức Chúa Trời, Kinh Thánh là sự thật, là chân lý: dù lời phán đầy uy quyền: Ban đầu Đức Chúa Trời dựng nên trời đất trong Sáng thế ký 1:1, hay lời ngọt ngào trong Nhã ca 2: 10-12 đều là thánh, là chân lý và:“Ấy là tiếng lương nhơn tôi”

Dĩ nhiên cũng có người thắc mắc rằng: Tại sao sách Nhã ca ghi lại những lời tình tự ngọt ngào êm ái của hai người yêu nhau lại là Kinh thánh được: Thắc mắc nầy không phải mới: Người Y-sơ-ra-en xưa cũng thắc mắc như vậy. Dĩ nhiên người thắc mắc không thấy, không nhận ra ý nghĩa hình bóng của sách, không nhận ra “lương nhơn tôi” trong câu chuyện là ai? Và “tôi” là ai? Tuy vậy nhiều người Y-sơ-ra-en xưa thỏa lòng khi nhận ra rằng: “Lương nhơn tôi” chính là Giê-hô-va Đức Chúa Trời yêu quí của họ và “Tôi” chính là tuyển dân của Đức Chúa Trời.

 Đến thời Tân Ước cũng vậy con cái Chúa thỏa thích khi nhận ra “Lương nhơn tôi” là Chúa Jesus và “Tôi” chính là Hội Thánh Ngài. Nhưng có lẽ điều tốt hơn khi nghiệm ra rằng: “Lương nhơn tôi” là Chúa Jesus, còn “Tôi” là chính cá nhân mình, lúc đó lòng, trí và tai chúng ta sẽ nghe được tiếng dịu êm từ Đấng hằng sống, Đấng yêu chúng ta: “Ấy là tiếng của lương nhơn tôi”

2.  Kìa người đến

                  Kìa người đến: Nhảy qua các núi, vượt qua các gò

                 Lương nhơn tôi giống như con hoàng dương hay con nai tơ

                 Kìa, người đứng sau tường chúng tôi, xem ngang qua cửa sổ,

                ngó ngang qua chấn song (Nhã ca 2: 8-9)

- Lương nhơn tôi giống như con hoàng dương hay con nai tơ:

 Một sự so sánh khá bất ngờ: Tại sao không ví Lương nhơn tôi như con sư tử oai hùng và tràn đầy kiêu hãnh? Lời Chúa ở đây muốn nói đến bản chất hiền lành của “Lương nhơn tôi”: Hoàng dương và nai tơ vốn là những con vật nhanh nhẹn, xinh đẹp nhưng quan trọng hơn hết: Hoàng dương nai tơ đều là những sinh vật hiền lành: Trong suốt cuộc sống hoàng dương và nai tơ chẳng bao giờ hủy diệt sự sống, chẳng bao giờ cướp đi sinh mạng của bất kỳ con vật nào, và thường thì thân thể hoàng dương nai lại là thức ăn nuôi sống nhiều sinh vật khác, đa số là những loài hung dữ: sư tử, hổ, báo, chó rừng... Trong tình yêu: Tôi không cần,  và cũng không muốn: một lương nhơn oai hùng, tràn đầy kiêu hãnh: những con người nầy bị điều khiển bởi lòng tham quyền lực: thèm khát khuất phục kẻ khác bằng bạo lực, họ cắn xé nhau để tranh giành: danh, lợi, quyền. Lương nhơn tôi không như vậy: Lương nhơn tôi đáng yêu dường bao: Người hiền lành, nhơn đức, bao dung: Người lo toan cho tôi, hy sinh vì tôi.

- Người nhảy qua các núi, vượt qua các gò:

Người từ đâu đến như vậy?

 Lương nhơn tôi đến từ một nơi rất cao: Vượt trên mọi núi đồi cao nhất: Bởi những cú nhảy Người xuống thấp dần, thấp dần và cuối cùng đến chỗ thấp nhất: căn phòng mùa đông tôi.

Những cú nhy liên tiếp của lương nhơn tôi là những cú nhảy vĩ đại: Từ trên cao tột cùng đến chỗ cực thấp, điều nầy được sứ dồ Phao-lô diễn tả như sau:

               Ngài vốn có hình Đức Chúa Trời, song chẳng coi sự bình đẵng mình với Đức Chúa Trời

              là sự nên nắm giữ. Chính Ngài tự bỏ mình đi, lấy hình tôi tớ và trở nên giống như

              loài người. Ngài đã hiện ra như một người, tự hạ mình xuống, vâng phục cho đến

              chết, thậm chí chết trên cây thập tự (Phi-lip 2: 6-8)

Bước nhảy đầu tiên thật vĩ đại : Lương nhơn tôi là Đức Chúa Trời vinh hiển, đã tự bỏ mình đi, trở nên con người.

Bước nhảy thứ hai cũng vĩ đại như vậy: Đó là sự tự hạ mình vâng phục ý muốn của Đức Chúa Cha, vâng phục cho đến chết: Đấng vô tội bằng lòng chết trên cây thập tự, Ngài đã tự:

                “Dâng mình làm tế lễ để cất tội lỗ thế gian đi”. (Giăng 1:29)

Hầu cho hễ ai tiếp nhận Ngài không bị hư mất mà được sự sống đời đời: Lương nhơn tôi: chính là Cứu Chúa của tôi

-          Kìa người đứng sau tường chúng tôi: xem ngang qua cửa sổ, ngó ngang qua chấn song

Ai đã từng bị đẩy vào căn phòng kín, cánh cửa sau lưng khép lại với tiếng móc của ổ khóa: Người đó hiểu rằng họ chỉ còn liên hệ với thế giới bên ngoài bằng đôi mắt buồn bã thông qua một ô cửa sổ nhỏ với các chấn song bằng sắt to tròn vững chãi: Họ đang ở trong tù. Người bên trong căn phòng ấy là tội nhân, bị giam giữ vì tội của mình: Lương nhơn tôi đến với tôi đang khi tôi ở nơi tối tăm như vậy của đời mình: Trước mặt Đức Chúa Trời chí thánh tôi là một tội nhân đáng bị hư mất đời đời: Tôi đang ở trong căn phòng mùa đông của đời mình:  tối tăm, lạnh lẽo, buồn phiền, đau ốm, chán chường, vô mục đích...

Nhưng cám ơn Chúa, vẫn còn một hy vọng từ bên kia của bức tường: Cứu Chúa tôi đang  đứng đó: Ngài quan phòng đến tôi: “Người xem ngang qua cửa sổ, ngó ngang qua chấn song”

II.              MÙA XUÂN

1.Lời mời

                     Lương nhơn tôi nói chuyện với tôi rằng:

                    Hỡi bạn tình ta người đẹp của ta ơi hãy chỗi dậy và đến (Nhã 2: 10)

Lời ngọt ngào: “Hỡi bạn tình ta, người đẹp của ta ơi” là lời dành riêng cho tôi, vì không phải: “lương nhơn tôi nói rằng” mà “Lương nhơn tôi nói với tôi rằng “ mọi mối quan tâm của Ngài đều hướng đến tôi, mọi sự Ngài làm là vì tôi và cho chính tôi: Ngài yêu tôi dường bao:

-          Lời ngọt ngào được dùng cho tôi: vì Ngài yêu tôi

-          Ngài đã từ nơi vinh hiễn đời đời “tự bỏ mình đi lấy hình tôi tớ” để trở nên giống tôi: vì Ngài yêu tôi

-          “Ngài hiện ra như một người”: vì yêu tôi,

-          “Ngài tự hạ mình xuống vâng phục cho đến chết” : vì Ngài yêu tôi

-          Ngài bằng lòng nhận lấy thập tự: vì Ngài yêu tôi

-          Ngài tuôn huyết láng lai, chết đớn đau, sĩ nhục đã sống lại vinh hiển: vì Ngài yêu tôi.

Ngài yêu tôi như vậy, nên Ngài mới có thể dành những lời dịu dàng nhất, ngọt ngào nhất, âu yếm nhất cho tôi: “Hỡi bạn tình ta, người đẹp của ta ơi”.

Và cũng bởi Ngài: Đấng vô tội đã: “Vâng phục cho đến chết, thậm chí chết trên cây thập tự” (Philip 2: 8), để“Cất tôi lỗi của thế gian đi” (Giăng 1: 29), nên Ngài là Đấng duy nhất có quyền mở cửa căn phòng mùa đông. Thật chính Ngài đã trở nên “Cái của của chiên” (Giăng 10: 7) Chiên  nghe tiếng Ngài có thể tự do vào ra đồng cỏ xanh tươi, mé nước bình tịnh (Giăng 10: 9)

Tôn giáo vô quyền, triết lý vô quyền, con người vô quyền, xã hôi với tất cả cơ câu của nó vô quyền, chỉ một mình Chúa Jesus, lương nhơn tôi, Đấng đã chết thay cho tôi, mới có quyền ra lời mời gọi một người ở trong “căn phòng mùa đông” rằng: “Hãy chỗi dậy và đến”

 Mọi sự đã sẵn sàng: Ngài đã làm xong sự cứu chuộc. Vấn đề còn lại thuộc về tôi, về người trong căn phòng giá rét, u buồn của mùa đông: Tôi có dám vâng lời Ngài để: chỗi dậy và đến với Ngài hay không?

2.Mùa đông qua rồi

              “Vì kìa mùa đông đã qua, mưa đã dứt hết rồi” (Nhã 2:11)

“Mùa đông qua , mưa đã dứt rồi” là tin mừng được truyền đến: Một sự thay đổi: lớn, toàn diện và đời đời đã được truyền đến. Phải chăng tin lành nầy sẽ được mọi người hớn hở đón chào? Không phải vậy, không phải bất kỳ người nào nhận được lời mời gọi “chỗi dậy và đến” thì đều chỗi dậy và đến. Nhưng chắc chắn rằng: Hễ ai thực lòng vâng theo tiếng gọi, sẽ thấy được,  sẽ nhận được một điều: Ấy là: Mùa đông đã qua rồi: Sẽ không còn là u ám, lạnh giá, buồn phiền, trống rỗng, vô mục đích nữa, vì:

                “Nếu ai ở trong Đấng Christ, thì nấy là người được dựng nên mới:

                 Những sự cũ đã qua đi, nầy mọi sự đều trở nên mới”( IICor 5:17)

3.Mùa xuân

Mùa xuân luôn là mùa đẹp nhất trong năm: Bầu trời thấp và ảm đạm của ngày đông bỗng dưng được nâng lên cao với nền trời xanh biên biếc, không gian bổng thoáng đãng đến bất ngờ:

                  Cỏ non xanh tận chân trời

                 Cành lê trắng điểm một vài bông hoa (Nguyễn Du, Kiều)

Nắng xuân không gay gắt, đổ lữa như nắng hè, không hanh hao man mác buồn như nắng thu, nắng xuân thoáng nhẹ như mơm man làn tóc, như xoa dịu làn da, như làm mới tấm lòng:

Hàng cây mãng cầu tưởng chừng như đã chết, phô những cành trụi lá, khẳng khiu trong ngày đông, bỗng dưng, khi nắng xuân về, từ trong thân, và cành khẳng khiu đó những chồi non mơn mởn hối hả nứt ra, mấy cây sầu đông trong vườn cũng vậy, cũng vội vã ra những chùm hoa nhỏ tim tím đưa hương thoang thoảng trong gió, tiếng chim sẻ ríu rít quanh nhà và những cánh én chao liệng vui vẻ chào mừng trời mới, đất mới.

Thực ra khi đề cập đến “mùa đông”, “mùa xuân” Nhã ca không chỉ đơn giản nói về mùa vụ thời tiết: Mùa đông, mùa xuân là hai trạng thái đối lập trong tâm cảm của con người: như u buồn đối với vui mừng, ủ dột đối với rạng rỡ, như chán chường đối với hy vọng...

Không chỉ mùa xuân là quí, là đẹp, mà mùa nào cũng quí cũng đẹp: Mùa vụ, thời tiết trong năm: Xuân, hạ, thu, đông đều bởi Đức Chúa Trời mà có: Vì lợi ích cho con người trên đất mà Ngài dựng nên mùa vụ, thời tiết, chúng ta không chỉ muốn có mùa xuân, nhưng cũng muốn có mùa hè với ê hề trái ngon quả ngọt, chúng ta cũng muốn mùa thu để oi bức đi qua, để được đi trên con đường râm mát, để bâng khuâng khi nhìn những chiếc lá lìa cành và suy nghiệm về cuộc đời, chúng ta cũng muốn mùa đông: muốn những giờ phút sum vầy với gia đình vào những tối rộn ràng của lễ giáng sinh, trong cái lạnh se sắt của những ngày cuối năm. Mỗi mùa đều quí, đều cần cho con người, bởi đó Đức Chúa Trời không đổi mới mùa vụ, thời tiết: Ngài đổi mới con người

                “Ai ở trong Đấng Christ ấy là người được dựng nên mới”

Buồn hay vui không phải bởi mùa vụ, thời tiết nhưng bởi con người: Thi hào Nguyễn Du cũng nhận ra lẽ thật nầy:

                Cảnh nào cảnh chẳng đeo sầu

                Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ.

Và nếu vậy, chúng ta cũng có thể bắt chước Nguyễn Du để nói rằng:

               Chuyện gì cảnh phải đeo sầu.

              Người vui cảnh có buồn đâu bao giờ.

Quả thật người vui thì mọi thứ đều vui: “Ở trong Đấng Christ, ở trong Chúa Xuân” thì mọi sự đều xuân, mọi sự đều vui: Mắt vui, tai vui, lưỡi vui và mũi cũng vui:

Bông hoa nở ra trên đất làm mắt vui, tiếng ríu rít của muôn chim khiến tai vui, hoa quả ngọt ngào làm lưỡi vui và hương thơm thoang thoảng của đồng ruộng, vườn tược làm mũi vui.

-          Bông hoa nở ra trên đất:

 Đức Chúa Trời làm nên muôn hoa: Mỗi hoa một vẻ: không hoa nào là không đẹp: Tuy nhiên  những người ở trong Chúa còn nở những bông hoa đẹp đẽ hơn, rạng ngời hơn: Sách Công Vụ Các Sứ Đồ cho thấy một hình ảnh rộn ràng của những ngày đầu Hội Thánh được thành lập: 

                 “Phàm mọi người tin Chúa đều hiệp lại với nhau, lấy mọi vật làm của chung:

                 Bán hết gia tài điền sản mình mà phân phát cho nhau tùy sự cần dùng của mỗi người”. 

                                                                                                                              (Công vụ 2:44-45)

Quả thật đây là điều chưa hề có trong lịch sử con người trên đất trước đó: Những người không phải là cật ruột lại yêu nhau, lo tưởng đến nhau như vậy: Cách sống khiến những con người “Ở trong Đấng Christ” lúc đó đã trở thành những bông hoa đẹp đến rạng ngần.

-          “Mùa hát xướng tới nơi và tiếng chim cu nghe trong xứ”:

 Còn hơn những tiếng ríu rít của muôn chim: Từ con người mùa xuân những bài hát ngợi khen, những lời làm chứng về ân điển, quyền phép của Đức Chúa Trời là những âm thanh tràn ngập niềm vui, mà thế gian không có:

         “Thình lình tôi cảm thấy dường như lời Đức Chúa Trời phán riêng cho tôi: “Bởi lằn roi Người chịu, chúng ta được lành bịnh” (Ê-Sai 53:5). Tôi ngước mắt lên xin Chúa chữa lành cho tôi: Cũng rất thình lình cảm giác nôn nao trong ngực khiến tôi phải lê chân vào buồng tắm để nôn: Ồ, ít nhất cũng phải là một ly đầy thứ chất lỏng nặng, sệt tuôn ra khỏi miệng tôi, rôi tôi ngước đầu lên hít một hơi dài:Đúng là tôi hít một hơi dài, một điều mà bốn năm qua tôi không có được do căn bệnh Emphysema, căn bệnh gây khó thở: Tôi đã được lành bệnh”[1]

 Đây là lời chứng của Bruce Baker một người bị bệnh: Bụi phổi” căn bệnh nghề nghiệp khiến ông không thở được: Ông đã chạy chữa khắp nơi nhưng không khỏi, cho đến ngày quyền phép của Đức Chúa Trời chạm đến thân thể ông.

 Chỉ có một người may mắn được chữa lành như vậy, và chỉ một người làm chứng như vây phải không? Không phải: Ở trong Chúa, mỗi ngày, chúng ta có thể nghe không biết bao nhiêu lời chứng tương tự như vậy, trên mọi góc đất của quả địa cầu nầy, những lời chứng đó khiến lòng ngập tràn niềm vui và sự biết ơn: Chúng rộn ràng hơn tiếng ríu rít của muôn chim trong buổi  sáng thanh bình.

-          “Cây vả đương chín những trái xanh tươi của nó, và nho trổ hoa sực nức mùi hương”:

Con người mùa xuân không chỉ được thưởng thức trái ngọt của cây, hương thơm của ruộng vườn, con người mùa xuân cũng sản sinh ra những quả quí: Lòng yêu thương, sự vui mừng, bình an, nhịn nhục, nhân từ, hiền lành, trung tín, mềm mại tiết độ (Ga-la-ti 5:22). Những quả ấy ngọt hơn quả ngọt, thơm hơn hương thơm của muôn hoa, những quả ấy đưa hương tin lành đi xa đến tận lòng người.

III.          NHỮNG CON CHỒN NHỎ

1.  Hãy cho ta xem

           Hỡi chim bồ câu ta trong hốc đá

          Tại chốn đụt của nơi hê hẩm

          Hãy tỏ cho ta xem mặt mũi mình

          Cho ta nghe tiếng mình

         Vì tiếng mình êm dịu, mặt mũi mình có duyên (Nhã ca 2:14)

Không phải con người ra khỏi căn phòng mùa đông rồi thì chẳng bao giờ thất bại nữa: Tin Chúa là khó, nhưng bước theo Chúa mỗi ngày thì khó hơn:

Từ căn phòng mùa đông, con người chỗi dậy và đến: Họ đến với Chúa Jesus: Đấng toàn hão, nhưng đồng thời họ cũng đến với một cộng đồng dân Chúa: Cộng đồng đó đặt trên căn bản đức tin vào sự cứu chuộc của Chúa Jesus, cộng đồng đó bày tỏ: tình yêu, sự vui mừng, bình an tốt hơn muôn vạn lần thế giới của căn phòng mùa đông, nhưng dù sao cộng đồng đó vẫn là cộng đồng của con người, vẫn có muôn ngàn thứ thuộc về con người: Những bất đồng, va chạm, giận hờn giữa các thành viên không thể không xảy ra, và sự tha thứ vốn là chìa khóa để duy trì mối tương giao thân ái bị đánh rơi đâu đó, điều nầy khiến cho kẻ đã chỗi dậy và đến nếu chưa kịp ra những trái: nhịn nhục, nhân từ, hiền lành: vốn là thứ trái giúp giữ và hàn gắn mối quan hệ giữa người với người, thì dễ lắm người ấy một lần nữa lại thất vọng, lại muốn đến ẩn mình tại “Chốn đụt của nơi hê hẩm”: Người ta không còn thấy nét mặt vui tươi, với nụ cười rạng rỡ trên môi nữa, người ta cũng không còn nghe tiếng ngợi khen, tiếng cảm tạ về ân điển Chúa ban cho nơi con người ấy nữa.

Nhưng bất chấp mọi điều: Lương nhơn tôi, Đấng yêu tôi đời đời không bao giờ  quên tôi, Đấng đó đến với tôi nơi hốc đá, tại chốn đụt hê hẩm: Lời Ngài vẫn tràn đầy yêu dấu khích lệ tôi:

             Hãy cho ta xem mặt mũi mình

             Cho ta nghe tiếng mình

             Vì tiếng mình êm dịu, mặt mũi mình có duyên (Nhã 2: 14b)

Tôi há có thể quay đi trước một ái tình như vậy sao?

2.  Hãy bắt cho tôi những con chồn nhỏ

          Hãy bắt cho chúng tôi những con chồn nhỏ

         Những con chồn nhỏ phá hoại vườn nho

         Vì vườn nho chúng tôi đang trổ bông (Nhã 2:15)

Không phải con người ra khỏi căn phòng mùa đông rồi, thì không còn thất bại nữa: Tin Chúa là khó, nhưng bước theo Chúa mỗi ngày thì khó hơn.

Con người mùa xuân không chỉ thất bại bởi những bất đồng, va chạm, giận hờn giữa những con người trong cộng đồng dân Chúa để rút lui về “chốn đụt của nơi hê hẩm”, con người mùa xuân còn thất bại khi để: vườn nho đang ra hoa bị phá hại bởi những con chồn nhỏ.

Con chồn nào vậy? Con chồn, đặc biệt là những con chồn nhỏ: nhanh nhẹn, tinh khôn, đẹp đẽ,  chồn nhỏ với lớp lông dài mềm mại luôn trông thật đáng yêu, do vậy đối với đa số chúng ta, chồn dường như vô hại và tốt nữa: Tuy nhiên điều nầy không đúng với những người làm vườn, đặc biệt là những người trồng nho ngày xưa: Chồn thường đào hang, ẩn núp dưới những hàng cây trong vườn: Khi thức ăn phong phú, chồn không cần ăn thực vật, nhưng khi thức ăn thiếu: các rễ cây nho trở thành thức ăn của chồn, rễ cây bị phá hại, cây nho bị cắt đứt với cội rễ của mình và chết: Cả vườn nho đương thời trổ hoa bỗng héo tàn.

Chồn nhỏ biểu hiện cho những gì có thể cản trở mối tương giao giữa Cơ đốc nhân với Chúa của mình: Đôi khi chỉ là một chiếc điện thoại xinh xinh, nhưng có thể lấy đi hầu hết thì giờ của một tín hữu trẻ tuổi, đến nỗi người ấy không còn giờ phút nào dành cho Chúa cả. Có thể là niềm đam mê nghề nghiệp của một tráng niên,  Có thể là thú giải trí nào đó ở người trung niên... những điều nầy không phải là những điều xấu, nhưng khi một cơ đốc nhân chưa có được những trái: Mềm mại, Trung tín, Tiết độ thì thường: họ dành quá nhiều thì giờ cho điện thoại, cho vi tính, cho phim ảnh, cho đam mê nghề nghiệp, cho những thú tiêu khiển trong đời, mà bỏ qua những buổi thờ phượng, những giờ đoc và suy gẫm lời Chúa, bỏ qua những cơ hội cùng với anh em mình hầu việc Đức Chúa Trời: Mất đi mối tương giao với Đức Chúa Trời thì con người sẽ chết.

           “Hãy bắt cho chúng tôi những con chồn,

          Những con chồn nhỏ phá hại vườn nho, vì vườn nho chúng tôi đang trổ bông”

 Cảm tạ Chúa: Vườn nho bây giờ là vườn nho của Chúng tôi: Của Lương nhơn tôi và tôi vì:

          “Lương nhơn tôi thuộc về tôi, và tôi thuộc về người” (Nhã 2:16)

 Tôi biết rằng: Chính Ngài sẽ giữ cho vườn nho xanh tốt, Ngài muốn hoa nho của vườn sực nức mùi hương.



[1] Kathryn Kuhlman, I Believe in Miracles, Prentice Hall, INC, New jersey, page 55