Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 21

Ăn Năn Thật

Ô-sê 1:1:

                “Có lời Đức Giê-hô-va phán cùng Ô-sê, con trai Bê-ê-ri, về đời Ô-xia, Giô- tham,

               A-cha, Ê-xê-chia của Giu-đa và về đời Giô-rô-bô-am vua Y-sơ-ra-en”

Như vậy có thể nhận ra tiên tri Ô-sê thi hành chức vụ vào khoảng 785-744 TCN, các nghiên cứu đều cho rằng: Ô-sê cùng với A-mốt thi hành chức vụ tại vương quốc Y-sơ-ra-en phía bắc từ thập niên 750 TCN trở về sau (Đồng thời với tiên tri Ê-sai và Mi-chê tại vương quốc Giu-đa phía nam).[1]

Chủ đề chính của cả sách Ô-sê có thể tóm gọn trong hai chữ: Ăn năn. Chúng ta sẽ xét chủ đề nầy trong sách Ô-sê qua ba phần:

-          Tội lỗi và hình phạt

-          Ăn năn mà không phải ăn năn

-          Ăn năn thật

I.TỘI LỖI VÀ HÌNH PHẠT

1.Gia đình tan nát

Ô-sê 1:2 chép:

                “Khi Đức Giê-hô-va bắt đầu phán cùng Ô-sê, Đức Giê-hô-va bảo người rằng:

                 Hãy đi lấy một người vợ gian dâm, và con cái ngoại tình, vì đất nầy chỉ phạm

                sự tà dâm, lìa bỏ Đức Giê-hô-va”

Nhân loại không bắt đầu từ một người, nhưng bắt đầu từ một gia đình: Gia đình có bền vững thì xã hội mới bền vững, gia đình có hạnh phúc, thì xã hội mới ổn định, đất nước mới là nơi đáng sống.

 Vương quốc Y-sơ-ra-en phía bắc và cả vương quốc Giu-đa phía nam vào thời tiên tri Ô-sê mặc dù được hưởng hòa bình một thời gian khá dài, nhưng đất nước đó đang chìm trong gian ác, vô luân. Gia đình đáng lẽ là bến bờ hạnh phúc thì lại là nơi của tà dâm, ngoại tình. Người vợ của tiên tri Ô-sê  đuổi theo hào nhoáng của thế gian đã lìa bỏ chồng chạy theo tình nhân, dù vậy Đức Chúa Trời lại phán cùng Ô-sê lần nữarằng:

              “Hãy đi, lại yêu người đàn bà tà dâm đã có bạn yêu mình, theo như Đức Giê-hô-va

              vẫn yêu con cái Y-sơ-ra-en, dầu chúng nó xây về các thần khác, và ưa bánh ngọt

              bằng trái nho”  (Ô-sê 3: 1)

Quả là đau khổ cho Ô-sê! Cuộc sống gia đình của ông là cả một ác mộng: Ông phải đi mua lại người vợ chạy theo tình nhân về. Còn con cái ông thì sao? Thật tái tê! con cái ông sinh ra chỉ để nhận hậu quả của sự sai trật bởi kẻ sinh thành mình: Chúng chẳng hưởng được hạnh phúc gia đình: Đứa lớn là Git-rê-en: tên chỉ để nhắc đến tội làm đổ huyết, đứa kế là Lô-hu-ra-ma, nghĩa là không được thương xót nữa và đứa cuối là Lô-Ammi: Nghĩa là chẳng phải dân ta: Thật thê thảm: Những đứa con của vị tiên tri bị vùi dập trong tội lỗi của cả một dân tộc và bị từ chối cả nguồn cội của mình.

2. Con người bại hoại, đất nước thảm sầu

Đức Chúa Trời muốn dùng gia đình tan nát của tiên tri Ô-sê để minh họa một xã hội Y-sơ-ra-en tan nát vì tội tà dâm và ngoại tình thuộc linh.

 Không phải Chúa đẩy đầy tớ Ngài đến chỗ phải có một gia đình tan nát, nhưng gia đình nào trên đất Y-sơ-ra-en lúc đó đều đã sẵn dành cho sự tan nát rồi vì:

            “Dân ở đây chỉ có tà dâm, lìa bỏ Đức Giê-hô-va” (Ô-sê 1:2b)

Năm 886 TCN, Ôm-ri trở thành vị vua thứ 6 của vương quốc Y-sơ-ra-en phía bắc, Ôm ri cưới Giê-sa-ben cho con trai mình là A-háp để rồi cặp vợ chồng A-háp, Giê-sa-ben đưa đạo thờ Ba-al vào đất nước Y-sơ-ra-en, làm ung thối vương quốc nầy.

Năm 871 TCN Giô-sa-phát lên làm vua nước Giu-đa ở phía nam, Giô-sa-phát liên kết với Vợ chồng A-háp, Giê-sa-ben rồi chon Át-tha-li, con gái của cặp vợ chồng nầy, làm vợ con trai mình là Giê-hô-ram, và khi Giê-hô-ram kế vị Giô-sa-phát, cặp vợ chồng Giê-hô-ram, Át-tha-li đưa đạo thờ Ba-al vào đất Giu-đa: Cả hai vương quốc cùng bị ung thối trong đạo thờ hình tượng.

Đời nào cũng vậy: Hễ lìa bỏ Đức Chúa Trời thánh khiết, vinh hiển, thờ lạy  hình tượng thì con người trở thành mê muội, chìm sâu trong bại hoại, gian ác: Y-sơ-ra-en và Giu-đa trong thời tiên tri Ô-sê cũng vậy: Đức Chúa Trời phán với dân Y-sơ-ra-en rằng:

           “Hỡi con cái Y-sơ-ra-en hãy nghe lời của Đức Giê-hô-va, Vì Đức Giê-hô-va có sự

            kiện cáo với dân đất nầy, bởi dân đất nầy chẳng có lẽ thật, chẳng có sự nhân từ,

            cũng chẳng có sự nhìn biết Đức Chúa Trời:. Ở đó chỉ thấy sự thế gian, thất tín, giết

            người, ăn trộm và tà dâm. Chúng nó làm sự bạo tàn, máu chồng lên máu”

                                                                                                                                            (Ô-sê 4: 1-2)

 Chính sự gian ác trong lối sống của Y-sơ-ra-en: lìa bỏ Đức Chúa Trời mình, chạy theo hình tượng, nên cả môi trường sống của họ cũng bị hũy hoại: Đấng dựng nên Trời và đất tuyên án:

           “Vậy nên đất ấy sẽ thảm sầu, hết thảy người ở đó sẽ hao mòn,

             những thú rừng và chim trời cũng vậy, những cá biển cũng sẽ bị lấy đi”

                                                                                                                                    (Ô-sê 4:3)

3.Vẫn còn cơ hội

Đức Chúa Trời là Đức Chúa Trời thánh khiết, kỵ tà: Luật của Ngài trước hết là luật công bình cho mọi người: Làm điều ác thì phải nhận sự trừng phạt.

Tuy nhiên Đức Chúa Trời cũng lại là Đức Chúa Trời yêu thương: Hoạn nạn, khốn khó mà dân sự Ngài phải chịu, không chỉ là  hình phạt của tội lỗi họ, nhưng hoạn nạn, khốn cùng, thất bại còn là hồi chuông cảnh báo để dân sự biết mình tại sao mình gặp hoạn nạn, khốn cùng, thất bại. Hoạn nạn mà Đức Chúa Trời đem đến cho dân sự luôn mang tính tích cực : Đức Chúa Trời muốn: Qua hoạn nạn, dân sự nhận ra tình trạng bại hoại, ruỗng mục của mình mà quay lại tìm cầu Ngài.

Chúa phán:

          “ Vậy nên, Ta giống như con mọt cho Ép-ra-im, như sự mục nát cho nhà Giu-đa.

             Khi Ép-ra-im đã biết bịnh mình, và Giu-đa đã biết vết thương mình, thì Ép-ra-im

             đi đến cùng người A-sy-ri và sai đến cùng vua Gia-rép. Nhưng nó không thể chữa

             lành các ngươi và không buộc vết thương cho các ngươi:

             Vì Ta sẽ như một con sư tử cho Ép-ra-im, như một sư tử con cho nhà Giu-đa.

            Thật chính ta, chính ta sẽ cắn xé rồi đi luôn. Ta sẽ bắt đem đi và chẳng có ai có thể

            giải cứu. Ta sẽ đi, sẽ vào nơi ta, cho đến chừng nào chúng nó nhìn biết mình phạm tội

            và tìm kiếm mặt ta. Trong cơn khốn nạn chúng sẽ cố tìm ta”

                                                                                                                             (Ô-sê-5: 12-15)

II.ĂN NĂN MÀ KHÔNG PHẢI LÀ ĂN NĂN

Đúng như Lời Đức Chúa Trời phán: “Trong cơn khốn nạn chúng sẽ cố tìm ta”. Dân Y-sơ-ra-en kêu gọi nhau trở về cùng Đức Chúa Trời:

          “Hãy đến, chúng ta hãy trở về cùng Đức Giê-hô-va, Vì Ngài đã xé chúng ta, song Ngài

           sẽ chữa lành cho, Ngài đã đánh chúng ta, song sẽ buộc vết tích. Trong hai ngày Ngài

           sẽ khiến chúng ta tỉnh lại, ngày thứ ba Ngài sẽ dựng chúng ta dậy, chúng ta sẽ sống

           trước mặt Ngài. Chúng ta khá nhìn biết Đức Giê-hô-va, chúng ta khá gắng sức nhìn

           biết Ngài. Sự hiện ra của Ngài là chắc chắn như sự hiện ra của mặt trời sớm mai,

           Ngài sẽ đến cùng chúng ta như mưa, như mưa cuối mùa tưới đất”

                                                                                                                                             (Ô-sê 6:1-3)

Lời kêu gọi của Y-sơ-ra-en nghe thật hùng hồn: Họ tán dương Đức Chúa Trời nhân từ: sẽ sẵn sàng chữa lành thương tích của họ, và rằng: Đức Chúa Trời quyền phép sẽ thay đổi tình trạng hoạn nạn của họ.

Hẳn là Đức Chúa Trời sẽ cảm động về sự ăn năn nầy của họ?

Không phải vậy:

Đức Chúa Trời trả lời với họ rằng:

        “Ta sẽ làm gì cho ngươi hỡi Ép-ra-im? Ta sẽ làm gì cho ngươi hỡi Giu-đa?

          Vì lòng nhân từ của các ngươi như mây buổi sáng như móc tan ra vừa lúc sớm mai.

          Vậy nên Ta sẽ dùng các tiên tri sửa phạt chúng nó, Ta sẽ giết chúng nó bởi lời nói

          từ miệng ta, những sự phán xét của ta mọc lên như ánh sáng. Vì ta ưa sự nhơn từ

          mà không ưa của lễ, ưa sự nhìn biết Đức Giê-hô-va hơn là ưa của lễ thiêu.

          Nhưng theo cách người ta, chúng nó phạm lời giao ước, và ở đó chúng nó đã phỉnh dối ta”

                                                                                                                                                  (Ô-sê 6: 4-7)

Vì sao lạ vậy? Tại sao sự ăn năn của Y-sơ-ra-en không được Chúa chấp thuận?

 Câu trả lời là: Sự ăn năn như trên của người Y-sơ-ra-en là: ăn năn mà không phải ăn năn.

Có ít ra ba điều mà người Y-sơ-ra-en sai lầm trong điều mà họ gọi là ăn năn:

-          1.Ăn năn để giải quyết điều gì?

 Người Y-sơ-ra-en  biết rằng hoạn nạn, khốn khó là hình phạt của Đức Chúa Trời, điều nầy là đúng, nhưng chưa đủ, hoạn nạn mà Đức Chúa Trời đưa đến cho họ còn là lời cảnh báo cho họ biết rằng: Họ đang phạm tội, đang đi sai đường, nghĩa là đang đi vào con đường cấm của Đức Chúa Trời.

 Hoạn nạn đang là hồi chuông báo thức, đánh thức họ ra khỏi cơn mê muội của tội lỗi. Sự kêu gọi ăn năn của người Y-sơ-ra-en  trong Ô-sê 6:1-3 chỉ vì vần đề hoạn nạn của họ, nên họ lầm: Ăn năn không phải để giải quyết vấn đề hoạn nạn, ăn năn là để giải quyết vấn đề tội lỗi.

-          2. Của lễ và lòng thống hối

Người Y-sơ-ra-en quá quen với các nghi lễ chuộc tội, chuộc lỗi: Khi họ vô tình phạm một điều răn nào đó trong các điều răn của luật pháp, nếu họ tự nhận biết, hoặc ai đó chỉ ra cho họ, thì họ phải đến với các thầy tế lễ, dâng một của lễ để chuộc tội: Có thể là bò, chiên, dê hoặc có khi là cặp chim bồ câu, các sinh tế nầy bị giết như là một hình thức chết thay cho họ (Lê-vy ký 5:17-19)

Tuy nhiên do quá quen với các nghi lễ, người Y-sơ-ra-en coi cái giá phải trả cho tội lỗi của họ ngang bằng với giá tiền họ bỏ ra mua con sinh, họ không biết rằng: Trước mặt Đức Chúa Trời  giá phải trả cho tội lỗi không phải là tiền, mà là sự chết của sinh tế. Hai cái giá nầy khác nhau trời vực, vì thật ra: không có món tiền nào, dù lớn đến đâu, để có thể coi là ngang bằng với sự sống mà sinh tế phải chịu mất đi khi hy sinh.   

Ăn năn là để giải quyết vấn đề tội lỗi: Do vậy, chỉ khi hiểu được cái giá rất kinh khủng của tội lỗi, con người mới biết ghê sợ tội lỗi và thống hối về các sai phạm của mình.

 Vua Đa-vít viết:

       “Vì Chúa không ưa thích của lễ bằng chẳng vậy tôi chắc đã dâng

        Của lễ thiêu cũng không đẹp lòng Chúa

        Của lễ đẹp lòng Đức Chúa Trời ấy là tâm thần đau thương

        Đức Chúa Trời ôi, lòng đau thương thống hối Chúa không khinh dễ đâu”.

                                                                                                           (Thi Thiên 51: 16-17)

Lòng đau thương thống hối về tội lỗi là bằng chứng thật của sự ăn năn. Chúa muốn thấy điều ấy nơi con cái Y-sơ-ra-en chứ không phải của lễ: Đây cũng chính là điều tiên tri Ô-sê nhắc cho dân Y-sơ-ra-en:

     “Vì Ta ưa sự nhân từ hơn là ưa của lễ, ưa sự nhìn biết Đức Chúa Trời   hơn là ưa của lễ thiêu”

                                                                                                                              (Ô-sê 6: 6)

3. Phỉnh dối Đức Chúa Trời

Đang khi người Y-sơ-ra-en hô hào rằng : “Hãy trở về cùng Đức Giê-hô-va”, đang khi họ tán dương sự thành tín của Ngài: “Ngài sẽ hiện ra như mặt trời sớm mai”, đang khi họ ca tụng sự nhân từ Ngài: “Ngài sẽ đến như mưa, như mưa cuối mùa” ,nhưng về phần họ: Họ vẫn miệt mài trong gian ác:

  “Ga-la-át là thành của kẻ làm ác, đầy những dấu máu, như bọn trộm cướp

    rình người đi qua, thì bọn thầy tế lễ cũng giết người trên con đường về

    Si-chem, chúng nó phạm biết bao tội ác. Trong nhà Y-sơ-ra-en ta đã thấy

    một việc gớm ghiết, ở đó Ép-ra-im thì làm sự gian dâm, còn Y-sơ-ra-en thì bị ô uế”

                                                                                                                             (Ô-sê 6: 8-10)

Cách ăn năn của người Y-sơ-ra-en là: Miệng thì hô khẩu hiệu: hãy trở về cùng Đức Giê-hô-va, hô khẩu hiệu về sự thành tín và lòng nhân từ của Ngài, còn tay họ thì vẫn tiếp tục làm điều ác: Đó là sự ăn năn mà chẳng ăn năn gì cả.

Và Lời Đức Chúa Trời kết án họ một cách chính xác rằng:

 “Chúng nó đã phỉnh dối ta”

 

III. ĂN NĂN THẬT

1.              Vẫn là tội lỗi và vẫn là hình phạt

Đức Chúa Trời yêu Y-sơ-ra-en: Ngài muốn họ ăn năn thật để được tha thứ tội lỗi, ra khỏi hoạn nạn, nhưng tội lỗi cứ ràng rịt họ, vây nghẹt cuộc đời họ:

             “Khi ta muốn chữa lành cho Y-sơ-ra-en, thì tội lỗi của Ép-ra-im và sự gian ác

              của Sa-ma-ri bày tỏ, vì chúng nó làm sự giả dối: Kẻ trộm vào trong và bọn cướp

              đánh giựt bên ngoài. Chúng nó không nghĩ trong lòng rằng: Ta nhớ mọi sự gian ác

           của chúng nó. Bấy giờ tội phạm chúng nó ràng rịt lấy mình: Chúng ở trước mặt ta”

                                                                                                                                     (Ô-sê 7:1-2)

 

Ghì mài trong tội lỗi, Y-sơ-ra-en chế nhạo các tiên tri và khinh thường lời cảnh báo của Đức Chúa Trời:

             “Những ngày thăm phạt đã đến rồi. Những ngày báo trả đã tới rồi. Y-sơ-ra-en sẽ biết.

              Kẻ tiên tri là dại dột, người được cảm động bởi thần linh là điên cuồng,

             vì sự gian ác dư dật của các ngươi, và sự hờn ghét là lớn lắm” (Ô-sê 9:7)

Y-sơ-ra-en vẫn cứ nhờ cậy nơi thế gian: nghiêng ngã giữa hai đế quốc: Khi thì Ê-díp-tô, lúc thì A-sy-ri:

         Ép-ra-im như bồ câu ngây dại, không có trí khôn, vì chúng nó kêu Ê-díp-tô

         và đi đến A-sy-ri” (Ô-sê 7:11)

 Đã vậy, Đức Chúa Trời đẫy họ đến Ê-díp-tô, đưa họ đến A-sy-ri:

        “Chúng nó sẽ không ở trong đất Đức Giê-hô-va nữa, nhưng Ép-ra-im sẽ trở về Ê-díp-tô

          và sẽ ăn đồ ô uế trong A-sy-ri” (Ô-sê 9:3).

Cuối cùng, Y-sơ-ra-en hướng lòng mình về A-sy-ri, thay vì hướng lòng về Đức Chúa Trời Đấng thương xót mình, nên Y-sơ-ra-en không thể tránh được hình án đi đày đến đất A-sy-ri:

          “Nó cũng sẽ bị dời qua A-sy-ri, làm lễ vật dâng cho vua Gia-rép.

            Bấy giở Ép-ra-im sẽ mang lấy xấu hổ. Y-sơ-ra-en sẽ hổ thẹn về mưu kế của mình”

                                                                                                                                             (Ô-sê 10: 6)

2.Vẫn là lòng thương xót của Đức Chúa Trời

Đức Chúa Trời đặt vào lòng, vào trí tiên tri Ngài thảm cảnh sẽ đến: Ngày thành Sa-ma-ri sẽ bị vây hãm, bị chiếm, ngày mà dân Y-sơ-ra-en bị bắt đi đày đã gần, đã gần lắm rồi: Quả thật điều nầy đã đến với Y-sơ-ra-en chỉ khoảng 20 năm sau, khi những lời cảnh báo nghiêm trọng nầy được tiên tri Ô-sê gửi đến cho dân Y-sơ-ra-en[2]

Tiên tri Đức Chúa Trời không chỉ đau vì sự khờ dại của dân sự, đau vì sự cứng lòng ghì mài trong tội lỗi, chống đối và nhạo báng người có bổn phận rao báo về tai họa sẽ đến, Tiên tri của Đức Chúa Trời đau đớn vì dân sự như người điếc trước lời cảnh báo, như người mù không thấy cánh tay hành động của Đức Chúa Trời. Tiên tri của Đức Chúa Trời hụt hẫng khi tự hỏi lòng:

             “Ai tin điều đã rao truyền cho chúng ta,

              và cánh tay Đức Giê-hô-va tỏ ra cho ai? (Ê-sai 53:1)

Tiên tri của Đức Chúa Trời thất vọng, còn chính Đức Chúa Trời thì đau đớn buồn rầu, Ngài làm rúng động trời đất khi bày tỏ lòng yêu thương lớn của Ngài đối với Y-sơ-ra-en:

           “Hỡi Ép-ra-im thể nào ta bỏ được ngươi?

             Hỡi Y-sơ-ra-en thể nào ta lìa được ngươi?

             Thể nào ta sẽ đãi ngươi được như đãi At-ma,

             Hay làm cho ngươi như Sê-bô-im?[3]

             Lòng ta rung động trong ta,

             Lòng thương xót của ta cả đều nóng nảy”

                                                                                 (Ô-sê 11:8)

Ngài cầm sự nóng giân Ngài lại, Ngài muốn bày tỏ cho họ điều có thể giúp cho họ giải quyết được vấn đề tội lỗi: Họ cần ăn năn, phải, họ cần ăn năn là ăn năn thật

2.              Ăn năn thật

Không phải người dân Y-sơ-ra-en kêu gọi nhau ăn năn nữa, nhưng chính Tiên tri Ô-sê kêu gọi họ, và cũng ân cần giúp họ hiểu ăn năn là thế nào? Bày tỏ ra trước mặt Đức Chúa Trời ra sao? Và Ngài sẽ làm điều gì cho họ: Ông viết:

         “Hỡi Y-sơ-ra-en, hãy trở lại cùng Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi,

           vì ấy là tại tội lỗi ngươi làm cho ngươi sa ngã.

          Các ngươi khá lấy lời nói trở lại cùng Đức Giê-hô-va.

          Khá thưa cùng Ngài rằng: Xin cất mọi sự gian ác đi và nhậm sự tốt lành,

          Vậy chúng tôi sẽ dâng lời ngợi khen ở môi chúng tôi thay vì con bò đực.

          A-sy-ri sẽ không giải cứu chúng tôi,

          Chúng tôi sẽ không cưỡi ngựa chiến nữa,

          Không nói với đồ tay chúng tôi làm ra mà rằng: các ngài là thần của chúng tôi.

         Vì ấy là trong Ngài mà kẻ mồ côi tìm thấy sự thương xót”

                                                                                                                        (Ô-sê 14:1-3)

Khi viết: “Hãy trở về cùng Đức Chúa Trời ngươi, Tiên tri của Đức Chúa Trời muốn nhắc lại cho dân Y-sơ-ra-en nhớ rằng : Họ có mối dây liên hệ đặc biệt với Đức Chúa Trời: Họ là tuyển dân của Ngài: Ngài yêu thương họ

Tiên tri của Đức Chúa Trời ân cần chỉ cho họ biết nguyên nhân của mọi hoạn nạn, đớn đau, thất bại của họ:

       “Ấy là tại tội lỗi ngươi làm cho ngươi sa ngã” (Ô-sê 14:1)

Và cách mà họ phải làm trước mặt Ngài:

       “Khá lấy lời nói mà trở lại cùng Đức Giê-hô-va” (Ô-sê 14: 2a)

Đáng là như vậy: Ăn năn là nhận biết tội lỗi mình và kêu cầu cùng Chúa, Đức Chúa Trời của mình.

Kêu cầu thể nào? Hãy xin với Chúa rằng: “Xin cất mọi sự gian ác đi và nhậm sự tốt lành”

Có hai phần trong sự kêu cầu:

-          Trước tiên là kêu xin sự tha thứ: “Xin cất sự gian ác Ngài thấy nơi con”(Ô-sê 14 2b)

-          Kế đó là lời hứa nguyện:“Xin nhậm sự tốt lành”(Ô-sê 14:2c)

Có năm điều mà Tiên tri của Đức Chúa Trời gợi ý cho Y-sơ-ra-en trong sự hứa nguyện

1.      Cảm tạ Đức Chúa Trời bằng sự ngợi khen, tán dương tự đáy lòng mình:

“Chúng tôi sẽ dâng lời ngợi khen ở môi chúng tôi, thay vì con bò đực” (Ô-sê 14:2d)

2.      Hứa nguyện không nương cậy thế gian nữa:

“A-sy-ri sẽ không giải cứu chúng tôi”(Ô-sê 14:3a)

3.      Hứa nguyện thôi nương cậy nơi xác thịt mình nữa:

“Chúng tôi sẽ không cởi ngựa chiến nữa” (Ô-sê 14:3b)

4.      Hứa nguyện từ bỏ hình tượng tà thần:

“Không nói với đồ tay mình làm ra mà rằng: Ngài là thần của tôi” (Ô-sê 14:3c)

5.      Và cuối cùng là: Hứa nguyện nương cậy nơi chính Đức Chúa Trời:

“Vì ấy là trong Ngài mà kẻ mồ côi tìm thấy sự thương xót” (Ô-sê 14:3:d)

Có phải sự hướng dẫn của tiên tri Đức Chúa Trời là quá khó, đến nỗi dân Y-sơ-ra-en không thể làm theo được?. Không phải vậy. Nhưng sự mê muội sinh ra từ sự tà dâm thuộc linh khiến họ cứng lòng, khiến họ quay lưng với Đức Chúa Trời: Họ vẫn tưởng A-sy-ri quốc gia hùng mạnh nhất thế giới lúc đó là nơi họ có thể nương nhờ: Họ lầm: Chính A-sy-ri tấn công họ, chà đạp họ, giết chóc họ, bắt họ đi đày.

ở thế kỷ thứ 8 TCN, Y-sơ-ra-en đã khinh bỏ lời cảnh báo của tiên tri Đức Chúa Trời và nhận lấy hậu quả thê thảm: Đất nước bị chiếm đoạt, dân sự bị giết choc, bị bắt đi đày, chịu cảnh nô lệ đau thương.

Nhưng Lời hứa của Đức Chúa Trời vẫn còn đó: Ai đã từng biết tội lỗi mình, ai sẵn lòng ăn năn, người đó sẽ biết sự nhân từ lạ lùng của Đức Chúa Trời:

Ngài sẽ làm điều cần nhất cho Y-sơ-ra-en:

              “Ta sẽ chữa lành sự bội nghịch của chúng nó”(Ô-sê 14:4a)

Không chỉ vậy, Ngài sẽ bày tỏ tình yêu dồi dào của Ngài:

               “Ta sẽ lấy lòng tốt yêu chúng nó, vì cơn giận của ta đã xây khỏi nó rồi”. I(Ô-sê 14:4b)

Ngài sẽ khiến họ trở nên phong phú, thịnh vượng:

              “Ta sẽ như sương móc cho nhà Y-sơ-ra-en, nó sẽ trổ hoa như bông huệ,

               và đâm rễ như Liban, những hánh nó sẽ lan ra tận xa, sự xinh tốt nó như

               sự xinh tốt của cây Olive, mùi thơm như mùi thơm Liban”. (Ô-sê 14:5-6))

Và dầu cả một thế hệ Y-sơ-ra-en cứng lòng phải đi đày,nhưng một khi họ thật lòng ăn năn, ơn phước của Đức Chúa Trời cũng sẽ đến với họ và với con cháu họ, Ngài hứa:

             “ Những người ngồi dưới bóng nó sẽ trở về.

              Nó sẽ tỉnh lại như cây lúa, trổ hoa như cây nho, và mùi thơm nó như rượu Liban”

                                                                                                                                                (Ô-sê 14:7)

IV KẾT LUẬN

Dòng cuối của sách tiên tri Ô-sê: như một lời thách thức:

        “Ai là người khôn ngoan mà hiểu những sự nầy? Ai là người giỏi giang mà biết

         những sự đó? Vì các đường lối của Đức Giê-hô-va là ngay thẳng: Những kẻ công bình

         sẽ bước đi trong đó, còn những kẻ phạm phép thì vấp ngã trong đó”

                                                                                                                                         (Ô-sê 14:9)

Không phải khôn ngoan của thế gian, không phải kẻ giỏi giang, thạo việc đời, nhưng ai nhận biết tội lỗi mình, ăn năn hết lòng, người đó sẽ là người được chuộc bởi chiên con thánh: Chính kẻ được chuộc sẽ đi trên con đường của Đức Chúa Trời:

         “Tại đó sẽ có một đường cái , và một lối  gọi là đường thánh.

           Kẻ nào ô uế sẽ không được đi qua, song nó sẽ dành cho người được chuộc,

          Ai đi trong đó dầu khờ dại cũng không lầm lạc”

                                                                                           (Ê-sai 35: 8)

Lời cuối trong sách Ô- sê không chỉ là lời dành cho người Y-sơ-ra-en xưa: Lời ấy đang được dành cho thế hệ hôm nay



[1] Thời gian trị vì của các vua Giu-đa thời Ô-sê gồm: Ô-xia (780-736TCN); Giô-tham (736-735 TCN); A-cha (735-721) TCN, Ê-xê-chia (721-693 TCN), và Vua Y-sơ-ra-en ở vương quốc phía bắc lúc đó là Giê-rô-bô-am II (785-744 TCN)

[2] Năm 722 TCN, khoảng hơn 20 năm sau lời phán quyết của Đức Chúa Trời qua miệng tiên tri Ô-sê, quân đội A-sy-ri đã vây hãm và chiếm được Sa-ma-ri, kinh đô của vương quốc Y-sơ-ra-en phía bắc: Hầu hết dân Y-sơ-ra-en bị bắt đưa đi đày qua A-sy-ri, người A-sy-ri để họ định cư tại Cha-la, trên bờ sông Cha-bo, và trong các thành của xứ Mê-đi (II Các Vua 17:6)

[3] Át-ma và Sê-bô-im là hai thành ở gần và luôn gắn bó với Sô-đôm và Gô-mô-rơ, Do vậy, khi Đức Chúa Trời hủy diệt Sô-đôm và Gô-mô-rơ, Ngài cũng hũy diệt Át-ma và Sê-bô-im (Sáng: 14:2) và (Phuc 29:23)