Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 24

LÊN NÚI CÙNG CHÚA JESUS CHÚNG TA

                                                                   Kinh Thánh Ma-thi-ơ 17: 1-8; mác 9:1-9; Lu-ca 9: 28-36.

Chúa Jesus hóa hình trên núi là sự kiện rất quan trọng, nên cả ba sách tin lành Ma-thi-ơ, Mác, Lu-ca đã cẩn thận tường thuật tỉ mỉ sự kiện nầy.

Chúa Jesus hóa hình trên núi là sự kiện hết sức quan trọng: Giúp chúng ta có được cái nhìn về thiên đàng trên đất, cũng giúp chúng ta  tránh sai khi vừa thờ lạy Đức Chúa Trời cũng thờ lạy con người nữa.

Chúng ta sẽ cùng suy gẫm sự kiện nầy trong cả ba đoạn sách: (Ma-thi-ơ 17:1-8); (Mác 9::1-9) và (Lu-ca 9: 28-36) qua ba phần sau đây:

     - Ngài hóa hình trước mặt họ

     - Môi-se và Ê-li

     -  Hãy vâng lời con ấy

I. NGÀI HÓA HÌNH TRƯỚC MẶT HỌ

Sách Ma-thi-ơ chép:

           “Khỏi sáu ngày, Đức Chúa Jesus đem Phi-e-rơ, Gia-cơ và Giăng cùng Ngài

            đi tẻ lên núi cao. Ngài biến hóa trước mặt họ” (Ma-thi-ơ 17:1-2)

Chúng ta tìm hiểu hai câu Kinh Thánh nầy qua hai câu hỏi:

1.  VÌ SAO CHÚA JESUS HÓA HÌNH?

Trước khi câu chuyện Chúa Jesus hóa hình được tường thuật, thì cả ba sách phúc âm Ma-thi-ơ, Mác, Lu-ca đều ghi lại một câu nói rất lạ của Chúa Jesus:

Ma-thi-ơ chép

              “Quả thật, ta nói cùng các ngươi, trong các người đứng đây, có một vài kẻ

             sẽ không chết trước khi thấy con người ngự đến trong nước Ngài” (Ma-thi-ơ 16: 28)

Tương tự, Sách Mác chép:

            “Quả thật, ta nói cùng các ngươi, trong những người đứng đây, có mấy kẻ

             sẽ chẳng chết, trước khi chưa thấy nước Đức Chúa Trời lấy quyền phép mà đến”

                                                                                                                                               (Mac 9:1)

Các môn đồ của Chúa ngày xưa khó có thể nghĩ rằng nước Đức Chúa Trời sẽ đến trong chính thế hệ mình[1], và ngày nay, chúng ta cũng bất ngờ về điềù đó vì: Chúa Jesus đã chết, đã sống lại, đã thăng thiên, thiên sứ  cũng đã  cho biết rằng: Ngài sẽ tái lâm, và chúng ta đang trông đợi ngày ấy.  Chúng ta cũng tin rằng: Ngày ấy, ngày Chúa chúng ta tái lâm, chính là ngày nước Đức Chúa Trời đến.

Hơn hai ngàn năm qua rồi, thế gian vẫn còn như xưa, vậy chúng ta sẽ nói làm sao, khi Chúa phán rằng: Trong số các những người nghe Ngài, những môn đồ lúc đó sẽ: “Có người không chết, trước khi thấy con người ngự đến trong nước Ngài”.

Thực ra, ấy là chúng ta lầm trong suy nghĩ của mình! Vì Quả thật, nước Đức Chúa Trời đã từng đến trong chính thế hệ các môn đồ, trong một sự kiện đặc biệt quan trọng: Khi Chúa Jesus, Con Đức Chúa Trời, bày tỏ sự vinh hiển rực rỡ vốn có của Ngài cho ba môn đồ thân tín, trên núi hóa hình.

 Nhưng tại sao Ngài phải hóa hình?

 Câu chuyện bắt đầu khi Chúa Jesus hỏi các môn đồ rằng:

             Theo lời người ta nói, thì con người là ai? Môn đồ thưa rằng:

           Có người nói thầy là Giăng Baptit, kẻ khác nói thầy là tiên tri Ê-li,

           kẻ khác lại nói thầy là tiên tri Giê-rê-mi, hoặc một tiên tri nào đó”(Ma-thi-ơ 16:13-14)

 Dĩ nhiên nhận định nầy không đúng. Chúa Jesus xây lại phía các môn đồ:

              “Nhưng các ngươi nói ta là ai?

              Phi-e-rơ thưa rằng: “Thầy là Đấng Christ, Con Đức Chúa Trời hằng sống”

              Chúa Jesus phán: Hỡi Si-môn, con Giô-na, ngươi có phước đó, vì không phải thịt và

              huyết tỏ cho ngươi biết việc nầy đâu, bèn là cha ta ở trên trời vậy” (Ma-thi-ơ 16:15-17)

Sau đó Chúa Jesus bầy tỏ cho các môn đồ biết về việc sẽ xảy đến:

            “Ngài sẽ đi đến thành Giê-ru-sa-lem tại đó Ngài sẽ chịu nhiều sự khốn khổ

              bởi các trưởng lão, thầy tế lễ cả, cùng các thầy thông giáo, và phải bị giết,

             đến ngày thứ ba phải sống lại” (Ma-thi-ơ 16: 21)

Khi xưng nhận Chúa Jesus là Đấng Christ, con Đức Chúa Trời hằng sống, Phi-e-rơ không thể tin rằng: Đấng Christ đó lại là Đấng Christ bị bắt bớ, bị đánh đập, bị sĩ nhục và bị giết. Đấng Christ trong suy nghĩ của Phi-e-rơ phải là Đấng Christ ngồi trên ngôi cao sang, tràn ngập vinh hiển và xét đoán cả thế gian. Do vậy, khi nghe Chúa nói về chặng hành trình khốn khó sắp đến của Ngài, Phi-e-rơ đã can ngăn như sau:

            “Hỡi Chúa, Đức Chúa Trời nào nỡ vậy, sự đó sẽ không xảy đến cho Chúa đâu.”

                                                                                                                                     (Ma-thi-ơ 16: 22)

Và Phi-e-rơ không ngờ đến phản ứng mạnh  mẽ của Chúa Jesus:

            “Ớ Satan, hãy lui ra đằng sau ta! Ngươi làm gương xấu cho ta

             vì ngươi chẳng nghĩ đến việc Đức Chúa Trời, nhưng nghĩ đến việc người ta”

                                                                                                                                          (Ma-thi-ơ 16:23)

 Phi-e-rơ tuyên xưng về Chúa Jesus bởi “Đức Tin”, tuy nhiên “Đức Tin” ấy đã lung lay khi Chúa bày tỏ cho ông biết rằng: Ngài sẽ chịu bắt bớ, chịu đánh đập, chịu sĩ nhục, chịu chết.”Đức Tin” của ông lung lay khi ông nghe về nỗi khốn khó của Chúa Jesus, nên không có gì bảo đảm rằng: Ông sẽ không mất “đức tin” khi sự khốn khó sẽ đến với chính ông:

Rõ ràng: Phi-e-rơ không chỉ cần”ĐỨC TIN”, ông cũng cần “THẤY CHÍNH ĐIỀU ÔNG TIN”nữa, đó chính là lý do:

                  “Đức Chúa Jesus đem Phi-e-rơ, Gia- cơ và Giăng

                  đi tẻ với Ngài lên núi cao, và Ngài hóa hình trước mặt ba người” (Ma-thi-ơ 17:2)

2. CHÚA HÓA HÌNH NHƯ THẾ NÀO?

Truyền thống của Thiên Chúa Giáo Roma tin rằng: Núi mà Chúa Jesus hóa hình là núi Tabor, ngọn núi của miền Ga-li-lê. Trên núi ấy hiện có một nhà thờ của Giáo hội Roma để kỷ niệm sự kiện nầy:

                     .

Núi Tabor thuộc vùng Ga-li-lê cao 575 mét, nằm ở phía tây hồ Ga-li-lê, cách hồ 18 km

 

                            

                                    Nhà thờ Thiên Chúa Giáo trên đỉnh núi Tabor

William Barclay[2] và đa số người Tin lành thì cho rằng: Núi mà Chúa Jesus hóa hình là núi Hermon, ngọn núi cao nhất Y-sơ-ra-en: 2814 mét, nằm ở biên giới ba nước Lebanon, Syria và Y-sơ-ra-en dựa theo lời Kinh Thánh:

 “Đức Chúa Jesus đem Phi-e-rơ, Gia-cơ, Giăng đi tẻ lên núi cao (Ma-thi-ơ 17:1)  

 

                           

   Núi Hẹt môn nhìn từ xa, đỉnh núi phủ tuyết, vì là núi cao nhất Y-sơ-ra-en: 2814 mét

Thực ra, Kinh Thánh không xác định núi nào là núi mà Chúa Jesus hóa hình, việc xác định đó hoàn toàn không cần thiết cho chúng ta, chẳng vậy, thì các trước giả kinh thánh đã viết ra rồi.

 Kinh Thánh cho chúng ta biết rằng: Chúa Jesus đưa các môn đồ thân tín của Ngài lên một núi cao, ngọn núi mà về sau Phi-e-rơ gọi là núi thánh (II Phi-e-rơ 1: 18). Ngài muốn họ đồng hành cùng Ngài đến một nơi cần cho họ: Trên đỉnh cao và thánh đó, cái nhìn của họ thoáng đạt, rộng rãi, bao quát, toàn diện hơn những nơi khác, Trên đỉnh cao và thánh đó, Ngài chuẩn bị cho họ một sự kiện trọng đại, mà tại đó, chỉ có ba con người , trong cả thế giới nầy,  mới được hân hạnh thấy điều diệu kỳ: “Chúa Jesus hóa hình trước mắt họ”

Sách Ma-thi-ơ chép:

                  “Ngài biến hóa trước mặt các người ấy, Mặt Ngài sáng lòa như mặt trời,

                   áo Ngài trắng như ánh sáng” (Ma-thi-ơ 17:2)

Mác chép:

                 “Ngài hóa hình trước mặt ba người,Áo xống Ngài sáng rực và trắng tinh chói lòa,

                 đến nỗi chẳng có thợ phiếu nào ở thế gian phiếu được trắng như vậy”(Mác 9:3)

Sự hóa hình là sự kiện Chúa Jesus bày tỏ bản thể vinh hiển của Đức Chúa Trời, vốn vẫn giấu kín, trong con người Ngài, Ngài tuôn đổ vinh quang  vốn ở bên trong Ngài ra bên ngoài cho những người ở với Ngài thấy.

Ba năm theo Chúa Jesus, các môn đồ đã thấy nhiều điều: trước mắt họ: Chúa Jesus làm cho người mù được thấy, người câm được nói, người điếc được nghe, người què được đi, và cũng chính những môn đồ nầy được Chúa dẫn vào nhà Giai-ru để tận mắt thấy Ngài kêu kẻ chết sống lại. Dù vậy: Họ vẫn thấy Ngài là người thợ mộc xứ Na-xa-rét, vẫn thấy Ngài là con Ma-ri, họ vẫn thy Ngài cũng giống như họ: cũng nói năng,  cũng làm việc, cũng nghỉ ngơi, cũng đói, cũng khát, cũng vui, cũng buồn…

Chỉ trong giờ phút nầy họ mới thấy: một điều vô cùng quan trọng:

                Trước kia, họ thấy: NGÀI LÀM GÌ, còn bây giờ, họ mới thấy: NGÀI LÀ AI.

Ánh sáng toàn ho, mà thế gian chưa từng thấy, ra từ bên trong Ngài , chói lọi trước mặt họ, Để bây giờ: Không phải họ TIN NGÀI: là Đấng Christ, con Đức Chúa Trời hằng sống nữa, nhưng là Họ THẤY NGÀI: là Đấng Christ, con Đức Chúa Trời hằng sống.

Kỷ niệm nầy sâu  thẳm trong linh hồn họ đến nỗi sau nầy khi viết TIN LÀNH GIĂNG, sứ đồ Giăng viết:

              “Ngôi lời đã giáng thế làm người, cư ngụ giữa chúng ta, tràn đầy ân sủng và chân lý.

                CHÚNG TÔI ĐÃ TẬN MẮT CHIÊM NGƯỠNG VINH QUANG NGÀI, LÀ VINH QUANG

               CỦA CON MỘT ĐẾN TỪ CHA (Giằng 1:14 BDM)

Còn sứ đồ Phi-e-rơ thì nhớ lai:

              “Vả khi chúng tôi đã làm cho anh em biết quyền năng và sự đến của Đức Chúa

               Jesus Christ chúng ta, thì chẳng phải theo những chuyện khéo đặt để,

               BÈN LÀ CHÍNH MẮT CHÚNG TÔI NGÓ THẤY SỰ OAI NGHIÊM NGÀI

               Vì Ngài đã nhận lãnh sự tôn trọng vinh hiển từ nơi Đức Chúa Trời, Cha Ngài,

               khi Đấng Tôn Nghiêm rất cao phán cùng Ngài rằng: Nầy là con yêu dấu của ta, đẹp

               lòng ta mọi đàng.

              CHÍNH CHÚNG TÔI ĐÃ TỪNG NGHE TIẾNG ẤY ĐẾN TỪ TRƠI, LÚC CHÚNG TÔI Ở

              VỚI NGÀI TRÊN HÒN NÚI THÁNH (II Phi-e-rơ 1:16-18)

II. MÔI-SE VÀ Ê-LI

Ma-thi-ơ chép tiếp:

                 “Nầy có Môi-se và Ê-li hiện đến, nói chuyện cùng Ngài” (Ma-thi-ơ 17:3)

Có một số thắc mắc từ câu kinh thánh ngắn ngủi nầy::

-          Tại sao hai người hiện ra nói chuyện cùng Chúa Jesus là Môi-se và Ê-li chứ không phải những người khác? Tại sao không là Ap-ra-ham, Đa-vít, Sa-mu-en, Ê-sai... những con người rất được tôn trọng trong tâm trí và đời sống của người Y-sơ-ra-en?

-          Tại sao các sứ đồ nhận ra hai người đó là Môi-se và Ê-li, những người vốn sống trên thế gian nầy trước họ rất lâu?

-          Và điểm thứ ba là: Môi-se và Ê-li nói chuyện với Ngài, nhưng nói về điều gì vây?

Trước hết: tại sao là Môi-se và Ê-li chứ không phải người khác?

Người xứng đáng đến trước mặt Chúa Jesus và nói chuyện cùng Ngài chỉ có thể là Môi-se và Ê-li, vì họ được sai phái làm người chứng cho Chiên Con Đức Chúa Trời (Khải huyền 11:4-6):

Môi-se  là người được Đức Chúa Trời chọn lựa, để qua ông, Đức Chúa Trời ban luật pháp cho dân Y-sơ-ra-en và cho cả thế gian. Sứ đồ Giăng nói đến địa vị cao trọng của Môi-se khi viết:

                             “Vì luật pháp đã được ban cho bởi Môi-se,

                             còn ân điển và chân lý bởi Đức Chúa Jesus Christ mà đến” (Giăng 1:17)

Còn Ê-li là tiên tri đầu nhứt, vị tiên tri không trải qua sự chết, là đại diện cho các tiên tri, những con người được Đức Chúa Trời dùng để dạy dỗ dân sự.

                           Đời xưa, Đức Chúa Trời đã dùng các Đấng Tiên Tri phán dạy tổ phụ

                              chúng ta nhiều lần, nhiều cách. Rôi đến những ngày sau rốt nầy,

                              Ngài phán dạy chúng ta bởi con Ngài, là con mà Ngài lập lên kế tự muôn vật,

                              lại bởi con mà Ngài đã dựng nên thế gian (Hê-bơ-rơ 1: 1-2)

Hai người nầy là ĐẠI DIỆN CỦA LUẬT PHÁP VÀ LỜI TIÊN TRI, Luật pháp và lời tiên tri không chỉ ban riêng cho dân Y-sơ-ra-en, mà là ban cho cả loài người. Chỉ hai con người nầy mới là người lãnh đạo thuộc linh của tuyển dân của Đức Chúa Trời (dù tuyển dân ấy là Y-sơ-ra-en hay không phải Y-sơ-ra-en). Chỉ có họ mới được các trước giả thời Tân ước đem đặt cạnh Chúa Cứu Thế của thế gian như chúng ta đã đọc.

 Tại sao các môn đồ nhận ra Môi-se và Ê-li?

Một điều cũng lạ lùng nữa là: Tại sao các môn đồ của Chúa Jesus nhận ngay ra rằng: Đó là Môi-se, người sống trước họ khoảng 1.400 năm và Ê-li người sống trước họ khoảng 900 năm?, Liệu một ngày kia, khi đến thiên đàng vinh hiển, chúng ta có nhận ra những người hoặc quen, hoặc chưa từng quen trong cuộc đời nầy không?

Để trả lời cho câu hỏi nầy chúng ta trở lại câu kinh thánh trong Mác 9:1

                 “Quả thật ta nói cùng các ngươi, trong những người đang đứng

                  đây, có mấy kẻ  sẽ chẳng chết, trước khi chưa thấy nước Đức Chúa Trời

                 LẤY QUYỀN PHÉP MÀ ĐẾN”

Các môn đồ nhận ra Môi-se, Ê-li không phải vì hình hoặc tượng của họ còn lại đâu đó trên thế gian, mà họ nhận ra vì Nước Đức Chúa Trời là nước quyền năng, con người ở đó có thể biết        được người khác một cách trực tiếp bởi quyền năng được ban cho, sứ đồ Phao-lô chép:

                   “Ngày nay chúng ta xem như trong một cái gương cách mập mờ,

                     đến bấy giờ chúng ta sẽ thấy hai mặt đối nhau, ngày nay tôi chưa biết hết.

                     Đến bấy giờ tôi sẽ biết như Chúa biết tôi vậy” (I Cô-rinh-tô 13:12)

Cảm ơn Chúa.

Và câu hỏi thứ ba: Môi-se và Ê-li nói gì với Chúa Jesus trên núi hóa hình?

Câu trả lời có trong (Lu-ca 9:30-31):

                  “và nầy, có hai người nói chuyện cùng Ngài: Ấy là Môi-se và Ê-li

                   hiện ra  trong sự vinh hiển, và nói về sự Ngài qua đời, là sự sẽ phải

                   ứng nghiệm tại thành Giê-ru-sa-lem”

Môi-se và Ê-li là hai người chứng của Đức Chúa Trời về Đấng Cứu Thế, Chiên con của Đức Chúa Trời (Khải Huyền 11: 4-6) Trước mặt các môn đồ của Chúa Jesus, họ đến để xác nhận lại điều Chúa Jesus bày tỏ cho các môn đồ nầy tại thành Xê-xa-rê Philip: Chúa sẽ đến thành Giê-ru-sa-lem sẽ bị bắt, bị đánh đập, bị sĩ nhục, bị đóng đinh trên thập tự, sau ba ngày Ngài sẽ sống lại: Họ cần vững lòng trước những điều sẽ xảy đến, vì rằng:Thập Giá phải đến trước Mão Triều Thiên.

III. HÃY VÂNG LỜI CON ẤY

Sứ đồ Ma-thi-ơ viết tiếp:

             “Phi-e-rơ bèn cất tiếng thưa cùng Đức Chúa Jesus rằng: Chúng ta ở lại đây tốt lắm,

              ví bằng đẹp ý Chúa, thì tôi sẽ đóng ba trại tại đây, một cái cho Chúa, một cái cho Môi-se,

              và một cái cho Ê-li. Đang khi người còn nói, bỗng chúc có một đám mây sáng rực

             che phủ những người ở đó, và có tiếng trong mây phán rằng:

             NẦY LÀ CON YÊU DẤU CỦA TA, ĐẸP LÒNG TA MỌI ĐÀNG, HÃY NGHE LỜI CON ẤY.

             Khi môn đồ nghe tiếng ấy, thì té sấp mặt xuống đất, và sợ hãi lắm.

             Song Đức Chúa Jesus lại gần, rờ môn đồ mà phán rằng: Hãy đứng dậy, đừng sợ.

             Môn đồ bèn ngước lên, thì chỉ thấy một mình Đức Chúa Jesus” (Ma-thi-ơ 17: 4-8)

Về phát biểu của Phi-e-rơ sách Mác  có lời bình luận:

             “Vì Phi-e-rơ không biết mình nói chi, tại cả ba đều sợ hãi” (Mac 9:6)

Lu-ca cũng viết như vây:

             “Vì Phi-e-rơ không biết mình nói chi (Lu-ca 9: 33b)

“Không biết mình nói chi” có nghĩa là nói nhưng không được hướng dẫn bởi một sự suy nghiệm kỹ càng, là nói theo thói quen, nói theo cảm xúc, chứ không phải nói theo sự dạy dỗ của Chúa và lời Ngài.

Một phát biểu như vậy dĩ nhiên mang theo nhiều sai lầm: Có ít nhất ba sai lầm trong phát biểu của Phi-e-rơ:

1.  CHÚNG TA Ở ĐÂY TỐT LẮM

                “Phi-e-rơ cất tiếng thưa rằng: Lạy Chúa, chúng ta ở đây tốt lắm” (Ma-thi-ơ 17:4a)

Trên núi hóa hình giữa khung cảnh diệu kỳ, vinh hiển của nước Đức Chúa Trời: không còn khái niêm không gian, thời gian, không còn quá khứ, tương lai như trong thế giới loài người, không có gian dâm, ô uế, luông tuồng, không có xảo quyệt, tráo trở, tham lam, hung dữ, giết người, cũng không có đau khổ, già nua, ốm yếu, bệnh tật, chết chóc như trong thế giới loài người, chỉ có Sự uy nghiêm, tôn trọng, vinh hiển, thánh sạch ra từ Đức Chúa Trời ngôi hai, đang tràn ngập ở đây: Điều nầy khiến Phi-e-rơ (và cả chúng ta, nếu chúng ta được tham dự sự kiện nầy) muốn giữ mãi thời khắc đó.

 Ừ, ở đây thì tốt lắm, nhưng như thế thì nhiệm mạng của Chúa Cứu Thế và của những người được chọn sẽ không được thi hành và chẳng có con người nào dưới ách của ma quỉ được cứu. Ma quỉ chẳng từng cám dỗ Chúa Jesus một điều y như vậy hay sao? (Ma-thi-ơ 4: 8-9)

Quả thật: Ai là người mà không muốn ở nơi mà Phi-e-rơ gọi: “Ở đây thì tốt lắm”? Nhưng qui luật của Đức Chúa Trời luôn là: Thập Tự Giá phải đến trước Mão Triều Thiên.

 

2.  TÔI SẼ ĐÓNG BA TRẠI: MỘT CHO CHÚA, MỘT CHO MÔI-SE VÀ MỘT CHO Ê-LI

Ma-thi-ơ kể tiếp:

               “Phi-e-rơ thưa rằng: Ví bằng đẹp ý Chúa, tôi sẽ đóng ba cái trại:  

               Một cái cho Chúa, một cho Môi-se và một cho Ê-li”.(Ma-thi-ơ 17:4b)

 Phi-e-rơ định làm gì vậy? Đóng ba trại cho ba nhân vật đó, không phải chỉ để tỏ lòng yêu mến, ngưỡng mộ, nhưng còn bày tỏ rằng: Ông sẵn lòng thờ phượng họ[3]

Môi-se, Ê-li là những nhân vật hết sức cao trọng đối vời người Y-sơ-ra-en. Người Y-sơ-ra-en ngưỡng mộ, yêu mến hai con người nầy, những con người được Đức Chúa Trời dùng một cách đặc biệt, để giúp dân Y-sơ-ra-en trở nên một dân biệt riêng, một dân thánh cho Đức Chúa Trời.

Ngưỡng mộ, yêu mến người của Đức Chúa Trời không phải là xấu, là sai trật, nhưng thờ phượng họ lại là điều khiến Đức Chúa Trời phẩn nộ. Người Y-sơ-ra-en nói riêng và loài người nói chung thường:

                “Tự xưng mình là khôn ngoan, mà trở nên điên dại,họ đã đổi vinh hiển của

                 Đức Chúa Trời không hề hư nát lấy hình tượng của loài người hay hư nát,

                hoặc của điểu thú côn trùng” (Roma 1:22-23)

Từ sự ngưỡng mộ, yêu mến một người, đến chỗ thờ lạy chính người ấy, là một bước rất ngắn, vốn từng xảy ra trong Cơ đốc giáo.

 Không phải tự nhiên mà:

             “Chính Thiên sứ trưởng Mi-chen chống với ma quỉ, giành xác Môi-se” (Giu-đe: 9)

Và cũng không phải tự nhiên Đức Chúa Trời đem Ê-li về với Ngài không trải qua sự chết:

             “Kìa có một cái xe lửa và ngựa lửa phân rẻ hai người, Ê-li lên trời

              trong một cơn gió lốc” (II Các Vua 2:11)

Đức Chúa Trời không để lại xác của các bậc vĩ nhân đáng kính nầy trên đất, ấy  là một trong những cách giúp người Y-sơ-ra-en khỏi vướng bẫy: Thờ lạy con người.

3.   HÃY VÂNG LỜI CON ẤY

Ma-thi-ơ viết tiếp:

              ”Đang khi người còn nói, bỗng chúc có một đám mây sáng rực che phủ

               những người đó, và có tiếng từ trong mây phán rằng: Nầy là con yêu dấu của ta

               đẹp lòng ta mọi đàng hãy vâng lời con đó” (Ma-thi-ơ 17:5)

 Sự hiện diện của Đức Chúa Trời là sự hiện diện đầy uy nghiêm: Chẳng ai có thể thấy được Ngài, chính Ngài phán với Môi-se rằng:

               “Ngươi sẽ chẳng thấy được mặt ta, vì không ai thấy mặt ta mà còn sống”(Xuất 33:20)

Vì cần dịu bớt sự uy nghiêm cuả Ngài, nên Sự hiện diên của Đức Chúa Trời thường được biểu hiện bằng đám mây tại những nơi con người thờ phượng Ngài:

 Ngài hiện diên bằng đám mây và lửa trên núi Sinai, để ban luật pháp cho Môi-se (Xuất 19:16-20), Ngài hiện diện bằng đám mây trên hội mạc nơi Môi-se lập ra để ông và dân sự cầu khẩn Đức Chúa Trời (Xuất 33:9). Ngài đi cùng dân sự trong sa mạc bằng sự hiện diện của đám mây che chở họ trong ban ngày và trụ lửa soi sáng họ trong ban đêm (xuất 40:34-38). Ngài cũng hiện diện tại hội mạc trong đám mây để phán xử tranh chấp giữa Môi-se với anh, chị của ông (Dân số ký 12:4); Và trong buổi lễ cung hiến đền thờ cho Đức Chúa Trời, mà Salomon xây dựng, Ngài cũng bày tỏ sự hiện diện qua một đám mây phủ ngập đền thờ (I Vua 8:10-11).

Bây giờ, trên núi hóa hình, Đức Chúa Trời cũng hiện ra như vậy: Một đám mây sáng rực che phủ Chúa Jesus,  Môi-se, Ê-li và ba môn đồ của Chúa

Ngài hiện diện một cách uy nghiêm tại đó để làm gì?

Ngài hiện diện để: LÀM CHỨNG VỀ CON NGÀI, VÀ DẠY CÁC MÔN ĐỒ VỀ SỰ THỜ PHƯỢNG

Khi đề nghị làm ba cái trại, một cho Chúa Jesus, hai cái còn lại cho Môi-se và Ê-li, Phi-e-rơ không phân biệt được bản thể và công việc của Chúa Jesus so với bản thể và công việc của những con người nầy.

Về bản thể thì:

Dù rất cao trọng, nhưng Môi-se chỉ là vật thọ tạo, trong khi Chúa Jesus chính là Đức Chúa Trời vinh hiển:

                    “Vì Ngài được xưng là đáng vinh hiển cao trọng hơn Môi-se,

                     chẳng khác nào người thợ cất nhà, được tôn trọng hơn chính cái nhà.

                     Vả chẳng có cái nhà nào không phải bởi có người dựng nên. Ấy là Đức Chúa Trời”

                                                                                                                                         (Hê-bơ-rơ 3: 3-4)

Về công việc thì:

 Môi-se là đầy tớ trong nhà Đức Chúa Trời, còn Chúa Jesus là con vinh hiển của Đức Chúa Trời

                    “Còn về Môi-se, người đã trung tín trong cả nhà Chúa, như một kẻ tôi tớ,

                     gọi đến làm chứng về điều ngày sau sẽ được rao giảng.

                     Nhưng Đấng Christ thì trung tín như con trai quản trị nhà Chúa,

                     mà nhà Chúa tức là chúng ta”  (Hê-bơ-rơ 3: 5-6)

Để dạy dỗ điều nầy cho Phi-e-rơ và cho toàn thể nhân loại đến đời đời: Đức Chúa Trời từ trong đám mây vinh hiển đó phán rằng:

             “ NẦY LÀ CON YÊU DẤU CỦA TA, ĐẸP LÒNG TA MỌI ĐÀNG, HÃY VÂNG LỜI CON ĐÓ”

                                                                                                                                  (Ma-thi-ơ 17:5)

Nếu Mội-se và Ê-li đến để công bố sự chết chuộc tội của Đấng Christ, thì Đức Chúa Cha đến để công bố sự vinh hiển đời đời của Đức Chúa Con                                                                                                                                  Ba năm về trước Đức Chúa Trời đã tuyên phán về Chúa Jesus khi Ngài chịu Giăng Baptit báp têm rằng:

                  “NẦY LÀ CON YÊU DẤU CỦA TA, ĐẸP LÒNG TA MỌI ĐÀNG”                         

                                                                                                                                    (Ma-thi-ơ 3:17)

Nhưng lần nầy là có thêm mệnh lệnh dứt khoát kèm theo: “HÃY VÂNG LỜI CON ĐÓ”

-          Luật pháp và lời tiên tri đã được ứng nghiệm trọn vẹn trong con yêu dấu của Đức Chúa Trời: HÃY VÂNG LỜI CON ẤY

 

-          Con Đức Chúa Trời là sự sáng của thế gian: HÃY VÂNG LỜI CON ẤY

-          Con ĐỨc Chúa Trời là sự sống lại và sự sống: HÃY VÂNG LỜI CON ẤY

-          Con Đức Chúa Trời là đường đi, chân lý và sự sống cho hôm nay và cho đời đời: HÃY VÂNG LỜI CON ẤY

-           Mọi quyền phép trên trời dưới đất đã được giao cho con yêu dấu của Đức Chúa Trời: HÃY VÂNG LỜI CON ĐÓ

 



[1] Điều nầy là tâm trạng chung của dân Y-sơ-ra-en, Câu Ma-thê trả lời Chúa Jesus về sự sống lại của La-xa-rơ, anh bà, cho ta thấy suy nghĩ nầy::”Tôi vẫn biết rằng đến sự sống lại ngày cuối cùng, anh tôi sẽ sống” (Giăng 11:24)

[2] William Barclay, Giải nghĩa phúc âm Ma-thi-ơ III, Văn phẩm Nguồn sống, trang 32

[3] Từ “Trại” trong các bản kinh thánh King James và New King James dịch là “Tabernacle” để chỉ một nơi thờ phượng.