Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 25

Ánh Sáng Trên Đường Đa Mách

                                                                                                       Kinh Thánh Ga-la-ti 1: 13-24

Qua phần Kinh Thánh sáng hôm nay, chúng ta sẽ cùng suy gẫm hai điều:

-  Những trang đời bóng tối

- Ánh sáng trên đướng Đa-mách và những bước đường trở lại

I.NHỮNG TRANG ĐỜI BÓNG TỐI

Nói về gốc gác của mình Phao lô viết:

               “Tôi là người Giu đa, sanh tại thành Tạt-sơ, trong xứ Si-li-si, nhưng nuôi tại đây,

                 trong thành nầy, học dưới chân Ga-ma-li-en đúng theo luật pháp của

                tổ phụ chúng ta” (Công vụ 22:3)

Trong Phi lip 3:5 ông viết:

             “Tôi chịu phep cắt bì vào ngày thứ tám,, về dòng Ben gia min, người Hê-bơ-rơ,

              con của người Hê-bơ-rơ, về luật pháp thì thuộc dòng Pha-ri-si”

Có thể nói: Phao lô là người có lý lịch thuộc loại tốt nhất trong những người sống dưới luật pháp, trong xã hội Y-sơ-ra-en lúc bấy giờ. Phao lô gọi những điều nầy là SỰ LỜI.

Tuy nhiên việc nói về mình như như là người Hê-bơ-rơ thuần chủng, gìn giữ luật pháp không chỗ trách được, là người học dưới chân Ga-ma-li-en... những sự mà ông gọi là SỰ LỜI, ấy là nói với những kẻ chống đối ông, những kẻ bắt hiếp chân lý mà thôi, Phao lô muốn nói với họ rằng: Họ chẳng thể nào bắt kịp ông trong những điều họ hãnh diện về đời nầy. Nhưng đối với những người yêu dấu của mình: Ông xem những điều mà ông gọi SỰ LỜI đó thật sự là là SỰ LỖ. Thật đúng là SỰ LỖ, vì nó dẫn ông đến những trang đời bóng tối, dẫn ông đến trọng tội phá tán Hội Thánh của Đức Chúa Trời

Là một người Pha-ri-si trẻ tuổi, nhiệt thành với luật pháp, Phao lô căm ghét Chúa Jesus và các môn đồ Ngài. Ông là người giữ áo xống cho những người ném đá Ê-Tiên, và bằng lòng về việc ném đá con người thánh nầy (Công vụ 8:1). Khi viết cho người Ga-la-ti Phao lô hồi tưởng:

             “Tôi tấn tới trong giáo Giu-đa hơn nhiều người cùng tuổi, cùng nước với tôi,

              tôi là người sốt sắng quá đổi về cựu truyền của tổ phụ tôi”(Ga-la-ti 1: 14)

Và sự nhiệt thành ấy đưa ông đến đâu?

           “Tôi bắt bớ và phá tán Hội Thánh của Đức Chúa Trời quá chừng” (Ga-la-ti 1:13b)

Từ: “phá tán” (Porthrèo) có nghĩa là tiêu diệt, tận diệt, phá hủy hoàn toàn một thành phố [1]

Là từ mang ý nghĩa mạnh nhất trong số khoảng 6 từ Hy Lạp có ý nghĩa tương tự [2]

Đối với Phao-lô lúc nầy Hội Thánh là một nhóm lạc đạo, một thứ gây hại nặng nề cho xã hội Do Thái: Cứ mỗi ngày rất nhiều người trong thành Giê-ru-sa-lem lại gia nhập tôn giáo mới nầy, khiến Thầy tế lễ thượng phẩm, các thầy tế khác, và cả Phao lô đều hốt hoảng như đang ngồi trên lửa, họ cố dùng quyền lực để trấn áp:

           “Chúng ta đã cấm ngặt các ngươi, không cho lấy danh đó (Danh Jesus) mà dạy dỗ,

            song các ngươi đã làm cho thành Giê-ru-sa-lem đầy dẫy đạo giáo của mình.

            Vậy, các ngươi muốn khiến máu người ấy đổ lại trên chúng ta sao?” (Công vụ 5:28)

Trong mắt Phao lô và những người lãnh đạo Y-sơ-ra-en : Hội Thánh lúc bấy giờ không chỉ là thách thức lớn đối với trật tự xã hội, thách thức lớn đối với quyền lãnh đạo của giới cầm quyền, nhưng cũng là thách thức chưa bao giờ có đối với truyền thống của cả dân tộc Y-sơ-ra-en

Chính vì vậy Phao lô không chỉ phá tán Hội Thánh tại Giê-ru-sa-lem, mà còn xin thư giới thiệu của Thầy Tế lễ  thượng phẩm gởi đến các Nhà Hội thành Đa-mách, để phối hợp tận diệt Hội Thánh đang phát triển bên ngoài Y-sơ-ra-en nữa (Công vụ 9: 1-2).

Sau nầy, khi được Chúa Jesus kêu gọi trên đường Đa-mách, Phao lô mới nhận ra rằng: Ông đã “đá vào gai nhọn(Công vụ 26:14b) và nhận lấy vết thương lòng không thôi quặn thắt.

Tội phá tán Hội Thánh của Đức Chúa Trời đeo đẳng trong tâm trí Phao lô trong suốt cuộc đời ông. Vào những ngày cuối đời ông viết cho Ti-mô-thê:

              “Đức Chúa Jesus Christ đến trong thế gian để cứu vớt kẻ có tội,

               ấy là lời chắc chắn, đáng đem lòng tin mà nhận lấy.

               TRONG NHỮNG KẺ CÓ TỘI ĐÓ: TA LÀ ĐẦU. Nhưng ta đã đội ơn thương xót, hầu cho

               Đức chúa Jesus Christ tỏ mọi sự nhịn nhục của Ngài ra trong ta là kẻ làm đầu,

               để dùng ta làm gương cho những kẻ tin Ngài được sự sống đời đời” (I Tim 1:15-16) Phao lô không bào chữa về tội lỗi mình,  ông còn tìm thấy sự nhân từ lạ lùng của Chúa Jesus trong vấn đề nầy: Ấy là Chúa Jesus đã tha thứ tội lỗi của ông như một gương về ân điển Chúa, hầu giúp cho người có tội, mạnh dạn đến với Ngài, để được sự sống đời đời.

Thật không cầm được nước mắt khi ngẫm nghĩ về những dòng tâm sự của Phao lô với Ti-mô-thê ở đây: Trong những ngày cuối đời, trong nhà lao của đế quốc Roma, không vợ con, không mái nhà riêng, “đang bị đổ ra như một lễ quán” trí vẫn nhớ đến tội xưa của mình, còn lòng vẫn đau đáu công việc của Đức Chúa Trời, vẫn đau đáu với linh hồn biết bao tội nhân hư mất, vẫn đau đáu với nỗi chông chênh trong đức Tin của các con cái Chúa khắp nơi...

II. ÁNH SÁNG TRÊN ĐƯỜNG ĐA MÁCH

1. LẤY ÂN ĐIỂN GỌI TÔI

Phao lô viết:

                 ”Nhưng khi Đức Chúa Trời, là Đấng để riêng tôi ra từ lúc còn trong lòng mẹ,

                   và lấy ân điển gọi tôi, vui lòng bày tỏ Con của Ngài ra trong tôi,

                   hầu cho tôi rao truyền con đó ra trong người ngoại đạo, thì lập tức

                  tôi không bàn với thịt và huyết”. (Ga-la-ti 1:15-16)

Luôn có bốn bước trong sự kêu gọi của Chúa đối với người hầu việc Ngài:

-          Chúa chọn: Ngài biệt riêng tôi từ trong lòng mẹ, lấy Ân điển gọi tôi

-          Chúa dạy: Ngài bày tỏ CON NGÀI cho tôi

-          Ngài sai phái: Hầu cho tôi rao truyền con đó cho dân ngoại

-          Đáp ứng của người được chọn: Thi lập tức tôi không bàn với thịt và huyết.

Phao lô biết rằng: Đức Chúa Trời có kế hoạch cho từng con người, đối với ông cũng vậy: Ông biết rằng Đức Chúa Trời chọn lựa ông từ khi ông chưa có mặt trên đời. Ngài “Biệt riêng tôi ra từ trong lòng mẹ” (Ga-la-ti 1:15a). Tuy vậy, về mặt con người, ông biết rằng mình không hề xứng đáng được chọn lựa và kêu gọi: Việc đó là “Ân điển” của Đức Chúa Trời cho ông: Ngài gọi ông, đang khi ông còn trên đường đi đến thành Đa-mách để bắt bớ, phá tán Hội Thánh của Ngài.

Vào thời cổ đại có ba con đường, mà một người Y-sơ-ra-en có thể chọn để từ Giê-ru-sa-lem đi đến thành Đa-mách

-          Con đường thứ nhất gọi là “Con đường nhà Vua”, con đường nầy được đề cập đến trong Dân số ký 21:22 Con đường nầy chạy từ Ai Cập đến thành Petra, kinh đô của người Nê-ba-tan, rồi thẳng lên phía bắc đến Đa-Mách: Phần lớn con đường nầy ngày xưa nằm trên sa mạc nên rất khó đi. Đây cũng chính là con đường mà Môi-se dẫn dân Y-sơ-ra-en đi dọc theo bờ cỏi của Ê-đôm, Mô-áp, Am-môn [3] để vào đất hứa.

-          Con đường thứ hai gọi là: “Via Maris” con đường giao thương nổi tiếng: bắt dầu từ Ai Cập chạy dọc theo bờ biển Địa Trung Hải qua Gaza, lên Askelon, Ashdod, Jaffa,..đến tận Akko[4], rồi rẽ về hướng đông, băng qua thung lũng Git-rê-en (Zereel) phì nhiêu của vùng Ga-li-lê hạ, vượt qua núi Hét môn [5]vào đất Syria: Con đường nầy được đề cập đến trong Ê-sai 9:1 có lẽ là con đường dễ đi nhất.

-          Con đường “Các Tổ Phụ”: Đây là đoạn đường mà Tổ phụ Áp-ra-ham đi từ Cha-ran (trên vùng biên giới Syria và Thổ nhĩ kỳ ngày nay), qua Đa-mách, để vào xứ Palestine rồi lần lần về phía nam đến tận Bê-e-sê-ba, thủ phủ vùng Negev. Đây cũng là con đường Tổ phụ Gia-côp (cháu nội Áp-ra-ham) đi theo chiều ngược lại. Con đường nầy tuy ngắn, nhưng nhiều đồi dốc, khó đi

-           

-                                    

Đường Nhà Vua (màu đỏ), Đường Via Maris (Màu tím) và đường Các Tổ Phụ (màu xanh)

Con đường ngắn nhất, lại xuất phát ngay tai Giê-ru-sa-lem chính là: “Con Đường Các Tổ Phụ” nên đây có lẽ là chính con đường Phao lô và những người tùy tùng của mình trải qua để đến thành Đa-mách.

Đối với Phao-lô, người đang bắt bớ Hội Thánh Đức Chúa Trời, thì dù bằng con đường nào đến Đa-mách, thì đoạn đường ấy cũng thật là CON ĐƯỜNG BÓNG TỐI:

 Cái chết của Ê-tiên hẳn còn đang đè nặng lên tâm trí ông. Ông mãi thắc mắc trong lòng: Tại sao trong giờ bị ném đá, khuôn mặt kẻ bị hành hình không một chút sợ hãi, không một biểu hiện của lòng hận thù?  Ông vẫn còn ngạc nhiên: Tại sao người bị hành hình lại có lời cầu nguyện cung kính, thân mật và đầy đức tin hướng về Đức Chúa Jesus?

                  “Lạy Đức Chúa Jesus, xin tiếp lấy linh hồn tôi” (Công vụ 7:59)

và cũng đầy nhân từ khi hướng lòng về những kẻ giết minh?

                 “Lạy Chúa xin đừng đổ tội nầy cho họ”  (Công vụ 7: 60)

Chúa Jesus là ai, mà một người Y-sơ-ra-en như Ê-tiên lại thờ lạy và cầu nguyện với? Chúa Jesus là ai, mà tiếp lấy linh hồn Ê-tiên? Há không phải Jesus nầy là người đã bị hành hình trên thập tự vài tháng trước đây sao? Tại sao không chỉ Ê-tiên mà vô số người lại chạy theo Jesus, người bị treo trên thập giá. Kinh Thánh há không viết rằng ”Đáng rủa sả thay là kẻ bị treo trên cây gỗ” sao? (Phục truyền 21:23) . Thế tại sao người ta lại đổ xô chạy theo một người bị rủa sả như vậy? . Chẳng lẽ  Jesus nầy đã sống lại như điều mà những kẻ theo đạo mới nầy vẫn xưng ra mỗi ngày?

Những câu hỏi cứ xoáy mãi trong đầu Phao lô. Ông không lý giải được những điều nầy. Nó giống như những đám mây u ám theo ông suốt trên đường đi.

              “Thình lình có ánh sáng từ trời soi sáng chung quanh. Người té xuống đất và

                 nghe có tiếng phán cùng mình rằng: Hỡi Sau-lơ, Hỡi Sau-lơ sao ngươi bắt bớ ta?

                 Người thưa rằng: Lạy Chúa, Chúa là ai? Chúa phán: Ta là Jesus mà ngươi bắt bớ,

                 nhưng hãy đứng dậy vào trong  thành, người ta sẽ nói cho ngươi mọi điều phải làm.

                 Những kẻ đi cùng người đứng lại, sững sờ vì nghe tiếng nói, mà chẳng thấy ai hết.

                  Sau-lơ chờ dậy khỏi đất, mắt dầu mở, nhưng không thấy chi cả; người ta

                  bèn cầm tay dắt người đến thành Đa-mách. Người ở đó trong ba ngày,

                  chẳng thấy, chẳng ăn cũng chẳng uống” (Công vụ:9: 3-9)

Giữa lúc bóng tối u ám vẫn vương vất trong lòng Phao lô, thì ánh sáng chói chang từ trời soi chiếu mạnh mẽ trên ông, thứ ánh sáng chói lòa sự thánh khiết, thứ ánh sáng ngập tràn sự vinh hiển chạm mạnh trên Phao lô, đánh ngã ông: “Người té xuống đất”, tiếp theo tiếng từ trời phán cùng ông rằng:

- “Hỡi Sau lơ, Sau lơ sao người bắt bớ ta?”

-  Lạy Chúa, Chúa là ai?

- Ta là Jesus, mà ngươi đang bắt bớ.

Ánh sáng chói lọi của CON ĐỨC CHÚA TRỜI đánh ngã Phao lô, ánh sáng ấy làm mù con mắt xác thịt của ông, và ánh sáng ấy cũng đang mở mắt lòng của ông: Ánh sáng ấy soi rọi lên những thắc mắc từ lâu trong lòng ông, Ánh sáng ấy đang đem đến cho ông câu trả lời: Ông tưởng rằng: Jesus, người bị treo trên thập tự đã chết và chết luôn như mọi con người trên đất rồi. Nhưng không phải vậy: JESUS THẬT ĐÃ CHẾT TRÊN THẬP TỰ, NHƯNG JESUS ẤY CŨNG THẬT ĐÃ ĐÃ SỐNG LẠI RỒI, như những người theo đạo mới nầy làm chứng.

Trong ánh sáng ấy: Tiếng của Người còn vang: “Sao ngươi bắt bớ ta” (Công vụ 9: 4): Ánh sáng ấy không chỉ giúp mắt lòng Phao lô biết Jesus là ai? Mà còn giúp ông biết Hội Thánh của Jesus là gì? Và biết chính ông là ai?  Bắt bớ Hôi Thánh là bắt bớ Jesus, làm đau đớn Hội Thánh, thân thể của Đấng Christ, là làm đau đớn chính Đấng Christ, đầu Hội Thánh.

Ánh sáng ấy cũng giải thích cho ông: Vì sao nhiều người lại chạy Jesus, người bị treo trên cây gỗ, ánh sáng ấy bày tỏ cho ông rằng:

               “Đấng Christ đã chuộc chúng ta khỏi sự rủa sả của luật pháp,

                bởi Ngài đã nên sự rủa sả vì chúng ta”(Ga-la-ti 3: 13)

Một lệnh truyền cho ông  “Nhưng hãy đứng dậy vào thành, tại đó người ta sẽ nói cho ngươi mọi điều phải làm” (Công vụ 9: 6)

Ở trong thành đó Đức Chúa Trời đã chuẩn bị A-na-nia, một người thánh, đến để bày tỏ cho Phao lô biết về Chúa và về ông. Khi A-na-nia muốn thoái thac, Chúa phán với ông rằng:

            “ Hãy đi, vì ta đã chọn người nầy làm một đồ dùng ta,

            để đem danh ta đồn ra trước mặt các dân ngoại, các vua và con cái Y-sơ-ra-en”

                                                                                                                                         (Công 9:15)

A-na-nia vâng lời đến gặp Phao lô, đặt tay trên mình người và nói rằng:

           “Hỡi anh Sau lơ, Chúa là Jesus nầy, đã hiện ra cùng anh trên con đường anh đi

            đến đây, đã sai tôi đến, hầu cho anh được sáng mắt lại và đầy Đức Thánh Linh.

            Tức thì có cái chi giống như cái vảy từ mắt người rớt xuống thì người được

            sáng mắt, rồi chờ dậy và chịu phép báp tem” (Công vụ 9:17-18)

SAU LƠ người bắt bớ Hội Thánh, đã thành PHAO LÔ người hầu việc Đức Chúa Trời.

2.ĐẶNG TÔI RAO TRUYỀN CON ẤY...

Chúng ta đã thấy cách Đức Chúa Trời đã lấy Ân điển gọi Phao lô, cách Ngài “Bày tỏ Con Đức Chúa Trời cho ông, Cách Ngài sai phái ông. Bây giờ chúng ta xem cách Phao lô đáp ứng với nhiệm mạng mà Đức Chúa Trời giao cho ông

a.    ĐỒNG VẮNG

Điều bày tỏ trước hết của Phao lô: Ấy là ông không bàn với thịt và huyết”: Ông chưa muốn gặp bất cứ người nào, đặc biệt là những người đã làm sứ đồ trước ông: Ông cần ở riêng với Chúa  trong Sa-mạc A-ra-bi

     “Tôi cũng không lên thành Giê-ru-sa-lem cùng những người làm sứ đồ

       trước tôi, Song tôi đi qua xứ A-ra-bi [6], sau đó trở về thành Đa-mách” (Ga-la-ti 1:17) 

 

                          

Phần Sa mạc A-ra-bi gần Đa mách có lẽ là nơi Phao lô đến để ở riêng với Đức Chúa Trời mình. Phao lô vào và ở trong đồng vắng để gặp Chúa trước khi gặp người: Đòng vắng là nơi ông để tấm lòng mình lắng đọng trong suy nghiệm và cầu nguyện, qua đó ông nhận sự mặc khải của Chúa về Tin lành mà Chúa Jesus muốn ông đem đến cho dân ngoại:

               “Tôi không nhận, và cũng không học Tin Lành đó với một người nào,

                nhưng đã nhận lấy bởi sự tỏ ra của Đức Chúa Jesus Christ” (Ga-la-ti 1: 12)

b.      ĐA-MÁCH

Phao Lô kể tiếp: “Sau rồi tôi trở lại Đa-mách” (Ga-la-ti 1: 17b).Ông trở lại Đa-mách để làm gì? Ông phải trở lại đây để làm chứng cho những người vốn biết rất rõ Sau Lơ,  Phao lô của quá khứ, nhưng chưa biết về Phao lô của hiện tại: để qua đó giúp họ biết đến ĐẤNG DIỆU KỲ, Đấng đã bởi yêu thương và quyền phép, biến Phao lô từ kẻ bắt bớ đạo, đến chỗ sống chết cho đạo đó:

 Phao lô  giảng về: “CHÚA JESUS LÀ ĐẤNG CHRIST, CON ĐỨC CHÚA TRỜI HẰNG SỐNG”.  Đây là đề tài đầu tiên Phao lô giảng trong nhà hội Do Thái, sau khi ông đầu phục Chúa. Bài giảng gây ngạc nhiên lớn cho người Giu-đa ở Đa-mách: 

               “Người giảng dạy trong các nhà hội rằng: Đức Chúa Jesus là con Đức Chúa Trời.

                Phàm những người nghe đều lấy làm lạ mà nói ràng: Há chẳng phải chính người đó,

                đã bắt bớ tại thành Giê-ru-sa-lem những kẻ cầu khẩn danh nầy, lại đến đây

               để trói họ điệu về cho các thầy tế lễ cả hay sao?.

               Còn Sau-lơ lần lần vững chí, bắt bẻ những người Giu đa ở tại thành Đa-mách,

               mà nói rõ rằng: Đức Chúa Jesus là Đấng Christ” (Công vụ 9: 20-22)

Sự dạy dỗ dạn dĩ,sắc sảo, đầy thuyết phục của một người như Phao lô không thể không bị kẻ thù của chân lý chống đối dẫn đến bách hại ông: Những người Giu đa tại thành Đa-mách họp lại và quyết định phải giết Phao-lô. Nhưng Đức Chúa Trời bảo vệ người hầu việc Ngài:  Trong ban đêm, các môn đồ tại thành Đa- mách đã cứu ông: Họ dùng thúng và dây, thòng ông qua bên kia tường thành để ông thoát đi.  (Công: 9:25) [7]

                                                               

            Tường thành và cổng ra vào thành Đa-mách, vẫn còn được lưu giũ đến ngày nay

c.     GIÊ-RU-SA-LEM (LẦN THỨ NHẤT)

Phao lô viết tiếp: “Kế đó, mãn ba năm tôi lên thành Giê-ru-sa-lem đặng làm quen với Sê pha,

                            và tôi ở với người mười lăm ngày, nhưng tôi không thấy một sứ đồ nào khác,

                             trừ ra Gia cơ là anh em của Chúa” (Ga-la-ti 1:18)

Dù ba năm đã trôi qua, cảnh vật và con người đã thay đổi, nhưng quá khứ của một con người vẫn còn đó trong mắt người khác:  Phao lô đến Giê-ru-sa-lem lần nầy là một Phao lô của hiện tại, một Phao lô đã được rửa trong huyết Chúa Jesus, một Phao lô yêu quí và tận tụy với Tin Lành của Đấng Christ. Nhưng ông không thể để Sau lơ, một Phao lô của quá khứ, một Phao lô hung bạo ở lại thành Đa-mách được: Quá khứ vẫn phải đi cùng với con người trong suốt cuộc đời của họ:  Trong mắt nhiều tín hữu ở Giê-ru-sa-lem nỗi ám ảnh về một Phao lô của quá khứ vẫn còn: Đức Chúa Trời tha thứ một cách trọn vẹn cho mỗi con người, nhưng con người thì không dễ tha thứ cho nhau như vậy: Nhạc sĩ Vũ Thành An chẳng đã từng than vản cho người bạn gái thân yêu của ông rằng:“Đời con gái cũng cần dĩ vãng, mà em tôi chỉ còn tương lai” đó sao?[8]

Phao lô trở lại Giê-ru-sa-lem lần nầy có mục đích là: làm quen với sứ đồ Phi-e-rơ cũng như các sứ đồ khác, không phải để cầu cạnh họ điều gì, nhưng để Tin Lành ông rao giảng không bị hiểu lầm. Dĩ nhiên Phao lô cũng hiểu rằng: Hẳn là thờ ơ, lạnh nhạt, nghi ngờ...đang chờ đợi ông.

Đúng vậy::

                        “Sau lơ tới thành Giê-ru-sa-lem, muốn hiệp với các môn đồ,

                          Nhưng HẾT THẢY đều nghi sợ người, không tin là môn đồ” (Công vụ 9: 26)

Nếu ở Đa-mách Đức Chúa Trời dùng A-na-nia, thì tại Giê-ru-sa-lem Ngài dùng Ba-na-ba: một người Có danh tốt, đầy dẫy Thánh linh, và trí khôn (Công vụ 6:3), Ông là con trai của sự yên ủi, một người có lòng rộng rãi với công việc nhà Đức Chúa Trời (Công vụ 4:36), Ba-na ba tin Đức Chúa Trời và cũng tin vào con người: Trong khi nhiều người xa lánh Phao lô thì Ba-na-ba đứng ra làm chứng, bảo lãnh cho ông;

                    “Ba-na-ba bèn đem người đi, đưa đến các sứ đồ và thuật lại cho biết thể nào

                     dọc đường Chúa đã hiện ra và phán cùng người, lại thể nào người giảng dạy một

                      cách bạo dạn về danh Đức Chúa Jesus tại thành Đa-mách (Công vụ 9:27-29)

   Bởi đó, trong cơ hội nầy, Phao lô : “Ở với Phi-e-rơ mười lăm ngày (Ga-la-ti 1: 18)

Và sau đó cũng vì Tin Lành: Phao lô cải lẫy với người Hê-lê-nit. Kết quả là Họ muốn giết Phao lô:

                     “Bọn nầy tìm thế hại mạng người. Các anh em hay điều đó, thì đem người

                      đến thành Sê-ra-rê, và sai đi đến Tạt-sơ” (Công vụ 9: 30)

d . TARSUS (Tạt sơ) THUỘC CICILIA (Si-li-si)

Sứ đồ Phao lô viết tiếp:   “Sau lại tôi qua các miền thuộc xứ Syria và xứ Si-li-si.(Ga-la-ti 1:21) Một lần nữa Phao lô đến với những người thân quen từ thuở nhỏ của ông tại thành Tạt sơ thuộc xứ Si-li-si.[9] Khi cất bước ra khỏi quê hương về thành Giê-ru-sa-lem để được học, được ngồi dưới chân Ga-ma-li-en danh tiếng, nhiều người chờ đợi một Sau-lơ thành danh, một Sau lơ của phái Pha-ri-si và là người lãnh đạo của cộng đồng dân Y-sơ-ra-en.

 Nhưng bạn bè ông thật bất ngờ: Sau Lơ thân quen của họ bây giờ lại là người đang ra sức rao truyền danh Jesus, một danh xa lạ đối với họ. Có nhiều người thất vọng, vì ông không trở thành người như họ tưởng, nhưng cũng có nhiều người chú ý tìm hiểu về Chúa của ông, về danh Jesus mà ông rao giảng: Chính những điều nầy khích lệ ông, nên trong hai vòng truyền giáo lần hai và ba đoàn truyền Giáo của Phao Lô đều đi qua Tạt sơ [10]

                                              

          Từ Xê-xa-rê (Caesarea), Phao lô đi dọc bờ Địa Trung Hải, lên đến Ân-ti-ôt thuộc Syria,

                                                 rồi vòng qua Tạt sơ thủ phủ xứ Si-li-si

                                

                                       Hành trình truyền giáo lần hai của Phao lô và Si la.

                                  Thành Tạt sơ xứ Si-li-si là điểm đến sớm nhất của đoàn

Những bước trở lại của Phao lô thật không ít đắng cay: Tại Đa- mách cũng như tại Giê-ru-sa-lem ông gặp hiểm nguy, kẻ thù của Tin Lành thì tìm cách giết ông, còn những tín hữu thì nghi ngờ ông. Tại quê hương Tạt sơ, những người quen biết thuở thiếu thời thất vọng, và chống đối ông. Tuy vậy: Đức Chúa Trời được vinh hiển với mỗi bước ông qua, với mỗi nỗi đau đớn ông chịu và với từng bài giảng  đầy ơn mà ông rao ra cho Hội Thánh và những người chưa biết Chúa

               “Bấy giờ tôi còn là kẻ lạ mặt trong các Hội Thánh xứ Giu-đê, là các hội trong

                Đấng Christ. Chỉn các hội đó có nghe rằng: Người đã bắt bớ chúng ta ngày trước,

                nay đang rao truyền đạo mà lúc trước người cố sức phá. Vậy thì các hội đó vì

                cớ tôi mà khen ngợi Đức Chúa Trời.” (Ga-la-ti 1:22-24)

Đúng là:

               “ Kẻ nào gieo giống mà giọt lệ, Sẽ gặt hái cách vui mừng” (Thi 126: 5)

Thật an ủi biết bao cho Phao lô!

 



[1] William Barclay, Giải Nghĩa Sách Ga-la-ti, Văn phẩm nguồn sống, 1992,trang 13

[2] Lê hoáng Phu, Thánh Kinh Phù Dẫn, Phòng Sách Tin Lành Sài gòn 1971, trang 664

[3] Ê-đôm là Con cháu Ê-sau, còn Mô-áp và Am-môn là con cháu Lót. Ngày xưa: họ là ba vương quốc riêng, ngày nay ba vương quốc nầy họp thành quốc gia Jordan

[4] Kinh Thánh tiếng việt: Askelon (Ách- ca-lôn); Asdod (Ách-đôt); Jaffa (Thời tiên tri Giô-na gọi là Gia phô, thời Phao lô gọi là Giốp bê); Akko (Thời Phao lô gọi là thành Bê-tô-lê-mai)

[5] Hét-môn (Hermon): núi cao nhất Y-sơ-ra-en 2814m, nằm ở ngã ba biên giới Y-sơ-ra-en, Syria, Lebanon.

[6] Sa mạc A-ra-bi rất rộng lớn: diện tích 2.300.000 km2, bao trùm trên nhiều quốc gia: Syria, Iraq, Jordan, Arabia Saudi, Oman, Yemen, U.A.E. Phần Sa mạc A-ra-bi thuộc Syria ngày nay được gọi là sa mạc Syria nằm ở phía đông và nam của thủ đô Đa-mách

[7] Cũng như tường thành của hầu hết các thành cổ khác, tường thành Đa-mách dày, và dân chúng có thể làm nhà ngay trên đầu tường để ở.

[8] Vũ Thành An, Nhạc phẩm :Bài không tên số bốn.

[9] Tạt sơ (Tarsus) là thành phố lớn nhất và Là thủ phủ xứ Si-li-si (Cicilia)

[10] Trong vòng truyền giáo thứ nhất, Trưởng đoàn là Ba-na-ba, nên đoàn truyền giáo đã, trước hết, đến Chip-rơ, quê hương của Ba-na-ba