Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 14

Thập Tự Giá

Giăng 19:18

* Tối hôm nay là ngày lễ mà tiếng Anh gọi là “Good Friday,” để nhớ lại sự thương khó của Chúa Giê-su đã bị khốn khổ, bị đánh đập và cuối cùng bị treo trên cây thập tự giá. Tại sao sự khốn khổ của một người… chết một cách tàn nhẫn, dã man trên cây thập tự giá lại gọi là “good” được? “Tốt” cho ai … mà Chúa phải bị khổ nạn? C/ta hãy cùng nhau suy gẫm sứ điệp về thập tự giá của Chúa Giê-su tối hôm nay, để hiểu được sự yêu thương của Đức Chúa Trời đã làm việc “good” này cho c/ta, mà càng yêu mến Ngài hơn.

 

 

"Ấy đó là chỗ họ đóng đinh Ngài (Chúa Giê-su), lại có hai người khác với Ngài,

mỗi bên một người, còn Đức Chúa Jêsus ở chính giữa."

 

> C/ta đang sống trong một đất nước có mức thương mại cao tuyệt đỉnh. Cho dù nền kinh tế đang bị xuống dốc… vì nạn dịch vi-rút COVID-19, những quảng cáo của ~sản phẩm vẫn không ngừng rao ra trên các đài TV, cùng với ~lá thơ quảng cáo luôn gởi về nhà của c/ta. Những công ty quảng cáo này rất khéo léo và thường dùng nhiều "nhãn hiệu" đặc biệt, tiếng Anh gọi là “logo,” hay tạm dịch ra là những “dấu ký hiệu” lạ, để biểu hiệu cho sản phẩm của mình. Có những ký hiệu rất đơn giản... nhưng độc đáo biểu tượng cho sản phẩm của họ, để thu hút, đánh vào mắt những người mua. Chẳng hạn như dấu hiệu của Air Nike... chỉ giống như một “dấu phết” rất đơn sơ mà thôi... nhưng hầu hết mỗi người trên thế giới ngày nay, khi thấy dấu phết này... thì biết ngay đó là loại giầy tennis shoes nổi tiếng. Một đôi giầy bình thường, nhưng nếu có gắn dấu ký hiệu của dấu phết Air Nike này, thì tự nhiên gía trị của nó có thể đắt gấp hơn đến 3 hay 4 lần một đôi giầy thường.

 

> Nhưng câu hỏi để c/ta suy gẫm buổi tối hôm nay về lễ Thương Khó - đó là... còn đối với đạo cơ đốc... thì "dấu tốc ký" nào là rõ rệt nhất? Câu trả lời phải là cây thập tự gía... là nơi mà Chúa Giê-su đã chịu chết cách đây gần 2,000 năm, tại ngọn đồi Gôgôtha, có hình như một sọ người.

 

 

I. Thập Tự Giá của Chúa Giê-xu

 

> Đối với nhiều người ngày nay, thập tự giá hình như chỉ là một vật trang sức bề ngoài... mà người ta hay dùng để khoe khoang sự giàu có… hay đạo đức của mình? Có những thập tự giá mạ vàng, nạm nhiều kim cương óng ánh, mà nhiều người đeo trên cổ hay làm bông tai. Có người xâm những hình thập tự giá trên chính thân thể của mình... để thiên hạ thấy mình như là một người "chịu chơi” theo đúng mốt của xã hội ngày nay? Người khác lại xem thập tự giá như là một cái bùa hộ mệnh... mà họ treo trong xe, đeo vào người, hoặc để ở đầu giường của mình... mong xua đuổi được ma quỉ hay những điều xui xẻo. Kẻ khác thì lại nhìn thập tự giá như chỉ là một dấu hiệu của sự nhục nhã, thua kém, và bất lợi... Nhưng thật ra ý nghĩa của thập tự giá chính là nơi Cứu Chúa Giê-xu, Con Đức Chúa Trời đã một lần chịu chết đổ huyết, để ban cho nhân loại quyền phép của sự cứu rỗi, được thoát khỏi sự phán xét của tội lỗi và được hòa thuận lại với Trời. Thập tự giá xấu xí, ô nhục, thô kệch… có đặc điểm gì để biểu tượng cho đạo cơ đốc?

 

1) Thứ nhất, thập tự giá biểu hiệu rõ ràng về sự chết. Ngày xưa trong thời Lamã, họ bắt chước dân Ba-tư, xử dụng thập tự giá là hình phạt dã man nhất, để xử tử những kẻ phạm tội trọng, như là xát nhân/giết người, hay là nổi loạn phản quốc chống nghịch lại vua Sêsa. Mục tiêu của thập tự giá không phải để kẻ tội phạm chết nhanh, nhưng là để kéo dài sự đau đớn khi bị đóng đinh trên cây thập tự, có khi bị treo đến 2-3 ngày sau mới chết, hoặc phơi thây ở trên đó cho những con chim kên kên làm thịt. Người bị xử tử thì bị những cái đinh dài khoảng 9 tới 12 inches dùng để đóng vào cổ tay và vào bàn chân của họ. Vì qúa dã man cho nên hình phạt thập tự giá chỉ dành cho những ai không phải là công dân có quốc tịch Lamã, nhưng cho người ngoại bang mà thôi, và để cảnh cáo cho những người nào khác xem thường luật pháp thời đó. Thế hệ ngày nay thì người ta rất tôn trọng sự sống của loài người; chúng ta không có còn thấy những sự tra tấn, xử hình dã man như vậy; nhưng ngược lại phải tử hình nhanh như thế nào… để kẻ phạm pháp không trải qua sự đau đớn quá sức hay lâu dài.  Điều chắc chắn về thập tự giá… đó là ai bị đóng đinh trên đó… thì chắc chắn sẽ chết.

 

2) Có phải vì Chúa Giê-su đã phạm một tội trọng nào không… mà Ngài bị tử hình như vậy?

# Kinh Thánh trả lời là “không.” Trong sách Kinh Mathiơ 27, khi Chúa Giê-xu đứng trước mặt quan Lamã Philát để xử xét thì chính quan đã đến 3 lần không tìm được một lỗi nào của Chúa đã phạm hết, nhưng quan biết chỉ là vì sự ghen tức của những người lãnh đạo Do Thái, mà họ đã cáo Ngài mà thôi, và Phi-lát đã cố gắng tìm mọi cách cứu Chúa, nhưng không được. Trong sách Hêbêrơ 4:15 khẳng định Chúa Giê-xu đã sống một cuộc đời vô tội, trong Ngài không có con vi-rút tội lỗi – “Vì chúng ta không có thầy tế lễ thượng phẩm chẳng có thể cảm thương sự yếu đuối chúng ta, bèn có một thầy tế lễ bị thử thách trong mọi việc cũng như chúng ta, song chẳng phạm tội.” để chứng tỏ chính Ngài là Đức Chúa Trời thánh khiết hiện hữu trong xác thịt loài người. Sự chết của Chúa trên cây thập tự là sự chết duy nhất của một người vô tội hoàn toàn.

 

3) Như vậy thì tại sao Chúa Giê-xu bị đóng đinh trên cây thập tự? Vì tội của ai? Chúa bị đóng đinh không vì tội của Ngài, nhưng cho tội lỗi của nhân loại, là dòng giống đã sống nghịch lại với Đấng đã dựng nên trời, đất, và muôn loài. Để hiểu được ý nghĩa về sự chết của Chúa trên thập tự giá, c/ta phải hiểu nguồn gốc của tội lỗi loài người đến từ đâu. Kinh Thánh cho biết - Cội rễ của tội lỗi bắt nguồn từ 2 người tội nhân đầu tiên, tổ phụ loài người là Ađam và Êva, vì đã không vâng lời Đức Chúa Trời trong vườn sự sống, đi nghe lời cám dỗ của satan trong hình hài con rắn, mà đã ăn trái cấm.

> Từ người tội nhân đó mà tội lỗi đã xen vào cả dòng dõi của loài người, vì mọi người đều đến từ A-đam và Ê-va, dẫn đến sự chết. Kinh Thánh Rô-ma 5:12 giải thích rõ lý do này – “Như vậy bởi một người, tội lỗi đã vào thế gian, rồi bởi tội lỗi, sự chết đã xâm nhập, và như thế sự chết đã lan tràn đến mọi người, vì mọi người đều đã phạm tội.” Không phải vì c/ta đã phạm tội, như cướp của/giết người, ăn gian hay nói dối… mới là có tội, nhưng trong bản ngã loài người, mỗi người c/ta đã là tội nhân rồi, vì đều đến từ A-đam và Ê-va. Chính Đavít đã làm chứng điều này và nói trong Thi Thiên 51:5 – “Kìa, vừa mới sinh ra, con đã là người có tội; Con đã là tội nhân từ lúc con được thụ thai trong lòng mẹ con.”

 

4) Hậu quả của tội lỗi là gì nếu không được thanh toán và tẩy sạch? Ai trong c/ta cũng hiểu điều này - Nếu ai bị nhiễm phải vi-rút COVID-19 thì bắt buộc phải bị cách ly; Như vậy thì chắc c/ta cũng hiểu – ai có tội thì phải bị phân rẽ khỏi Đức Chúa Trời thánh khiết vẹn toàn, và không có điều chi mà c/ta có thể làm được, để nối lại mối liên hệ với Ngài. Nếu vô số người bị nhiễm vi-rút COVID-19 mà không chữa được đều sẽ chết… thì chắc c/ta cũng có thể hiểu được định mệnh của tội nhân… là sự chết đời đời trong hồ lửa địa ngục. Cho đến khi nào tội lỗi của c/ta được cất đi, xóa sạch… thì c/ta mới thoát được con đường dẫn đến chỗ hư mất đời đời. Vì lý do đó mà Đức Chúa Trời là Đấng yêu thương nhân loại, đã sai Con Ngài lìa thiên đàng vinh hiển, xuống trần gian này, chết trên thập tự giá, đổ huyết, để làm của lễ chuộc tội thế cho c/ta, một lần là đủ cả, đó là quyền năng cứu chuộc của Chúa.

 

 

III. Quyền Phép của Chúa

 

> Vì vậy trong 1 Côrinhtô 1:18 sứ đồ Phao-lô giải thích - "Bởi vì lời giảng về thập tự giá, thì những người hư mất cho là điên dại; song về phần chúng ta, là kẻ được cứu chuộc, thì cho là quyền phép của Đức Chúa Trời." Tại sao sứ đồ Phao-lô lại nói cho những kẻ đã được cứu, thập tự giá lại – “… là quyền phép của Đức Chúa Trời?” Đương nhiện Kinh Thánh không có nói cây gỗ thập tự là quyền phép của Đức Chúa Trời, vì cây gỗ thô kệch chỉ là cây gỗ mà thôi; tự nó không làm chi được cho chúng ta; nhưng Chúa Giê-xu là Đấng đã đổ huyết ra từ ở trên cây gỗ… mới là quyền phép của Đức Chúa Trời.

 

1) Thứ nhất, qua sự chết của Chúa Giê-su trên cây thập tự giá là quyền phép làm sạch mọi nợ tội lỗi của c/ta. Bạn có đang mượn tiền của ai không, mà không thể trả nổi? Bạn có muốn một người tỉ phú thật giàu có trả sạch thay thế cho bạn không?  Trong Côlôse 2:13a-14 chép – “… Đức Chúa Trời đã… tha thứ hết mọi tội chúng ta: Ngài đã xóa tờ khế lập nghịch cùng chúng ta, các điều khoản trái với chúng ta nữa, cùng phá hủy tờ khế đó mà đóng đinh trên cây thập tự;” qua Con Ngài là Cứu Chúa Giê-su. Mọi món nợ tội lỗi (quá khứ, hiện tại và kể cả tương lai) của c/ta mà luật pháp công chính của Chúa đòi hỏi… đã được xóa sạch, được thanh toán hết tại thập tự giá. Bạn hay dùng xà bông “Tide” để giặt đồ dơ của mình, chứ không có dùng cát hay muối, vì xà bông có năng lực làm sạch mọi chất dơ bẩn trong quần áo mình. Huyết Chúa Giê-xu đổ ra trên cây thập tự giá có quyền phép để làm sạch được mọi tội của những kẻ tin, y như lời của sứ đồ Phao-lô đã khẳng định trong Êphêsô 1:7“Ấy là trong Đấng Christ, chúng ta được cứu chuộc bởi huyết Ngài, được tha tội, theo sự dư dật của ân điển Ngài,”

 

> Từ đời xưa, hình bóng về quyền phép của huyết đã được bày tỏ qua những lễ nghi tinh sạch của người Do Thái trong đền thờ và nhất là trong ngày Đại Lễ Chuộc Tội mỗi năm một lần, mà họ phải giết những con sinh tế, để lấy huyết cho thầy tế lễ thượng phẩm vào nơi chí thánh dâng lên và cầu thay cho dân sự của Chúa. Nhưng đây chỉ là hình bóng tượng trưng/tạm thời của sự làm sạch tội, chứ huyết của những con chiên, con bò tơ không có “quyền phép” làm sạch tội của dân sự Chúa được. Cho đến khi Chúa Giê-xu đến chết trên cây thập tự giá, đổ huyết chỉ một lần thì đủ cả, y như sách Hêbêrơ 9:12 có chép – “Ngài đã vào nơi rất thánh một lần thì đủ hết, không dùng huyết của dê đực và của bò con, nhưng dùng chính huyết mình, mà được sự chuộc tội đời đời.” Chỉ có huyết thánh của “Chiên Con” không tì vít, không máng một tội nhơ, đổ ra một lần là đủ cả, mới có quyền phép thỏa mãn được sự công bình thánh sạch của Đức Chúa Trời và cứu những kẻ tin. Ai tin cậy nơi Chúa Giê-xu thì huyết của Ngài đã che đậy, bao phủ, và tội của người đó đã được thanh toán trả xong, thì không còn bị đoán xét bởi một cơn thạnh nộ nào của Đức Chúa Trời nữa.

 

2) Thứ hai, Chúa Giê-xu, Đấng chết trên cây thập tự giá giải hòa c/ta với Đức Chúa Trời và ban cho những kẻ tin quyền phép được làm con cái Đức Chúa Trời. Trong Côlôse 1:20 chép – “và bởi huyết (Chúa Giê-su) trên thập tự giá, thì đã làm nên hòa bình, khiến muôn vật dưới đất trên trời đều nhờ Ngài mà hòa thuận cùng chính mình với Đức Chúa Trời.” Mọi kẻ tin không còn là kẻ thù nghịch với Đức Chúa Trời nữa, nhưng nay được hòa thuận với Ngài qua Cứu Chúa Giê-su. Còn hơn nữa, c/ta không chỉ được hòa thuận lại với Đức Chúa Trời mà thôi, mà còn được quyền phép trở nên làm con cái của chính Chúa, như có chép trong Giăng 1:12 – “Nhưng hễ ai đã nhận Chúa Giê-su, thì Ngài ban cho quyền phép trở nên con cái Đức Chúa Trời, là ban cho những kẻ tin danh Ngài,”

 

3) Và nếu c/ta là con cái Chúa thì có quyền được thừa hưởng nước thiên đàng của Ngài một ngày. Theo lẽ tự nhiên “Con nhà ai thì về nhà nấy.” Và nhà đời đời của con dân Chúa sẽ không phải là hồ lửa địa ngục cháy không ngừng, nhưng là thiên đàng… tất cả là bởi công việc cứu chuộc Chúa Giê-xu đã làm trọn trên thập tự giá. C/ta được ở trong nước thiên đàng của Đức Chúa Trời một ngày không phải vì c/ta là hội viên thuộc của một hội thánh, hay làm được nhiều những công việc đạo đức; nhưng là nhờ huyết thánh của Chúa Giê-xu. Quyền phép của huyết Chúa Giê-su đã đổ ra trên cây thập tự là xóa sạch mọi tội của những kẻ tin, làm c/ta được hòa thuận lại với Đức Chúa Trời, được trở nên làm con cái của Ngài, và chắc chắn sẽ thừa hưởng nước thiên đàng một ngày.

 

 

II. Hai Thập Tự Giá Bên Cạnh Chúa

 

> Chú ý thêm một điều nữa trong Giăng 19:18 - có chép trong ngày “Good Friday” cách đây gần 2,000 năm không phải chỉ có thập tự giá của Chúa Giê-xu mà thôi... nhưng trên ngọn đồi sọ Gôgôtha đó... có đến 3 cây thập tự giá - "Ấy đó là chỗ họ đóng đinh Ngài, lại có hai người khác với Ngài, mỗi bên một người, còn Đức Chúa Jêsus ở chính giữa."

 

1) Có hai tên tử tội trên cây thập tự giá ở 2 bên Chúa Giê-xu lúc đó đang cay nghiệt... vì bị hành hạ đau đớn bởi những tội ác mình đã làm. Trong Luca 23:39 - trong giữa sự đau đớn sắp chết... một đứa đã có thái độ chống nghịch và nhạo báng Chúa Giê-xu - "Vả, một tên trộm cướp bị đóng đinh cũng mắng nhiếc Ngài rằng: Ngươi không phải là Đấng Christ sao? Hãy tự cứu lấy mình ngươi cùng chúng ta nữa!" Thay vì nó chấp nhận lỗi của mình đáng chịu hình phạt... nó lại thách thức Chúa - nếu Giê-su là Chúa quyền năng thật… thì có ngon, hãy xuống thập tự giá đi và cứu nó nữa, để nó được trở lại với đời sống cũ xấu xa sao? Tên tử tội phía bên trái này chẳng bày tỏ một thái độ ăn năn sám hối nào hết, mà lại chế diễu, nhạo báng Chúa... khi bị cùng treo trên cây thập tự giá bên cạnh Ngài. Trong ngày đó, anh đã đánh mất cơ hội ngàn vàng… vì là người được gần với Chúa hơn bao nhiêu người khác để được cứu, nhưng lòng cứng cõi của anh... đã làm anh bị xa nguồn ơn phước cứu rỗi Chúa sẵn ban cho anh; và rồi anh đã bước vào hồ lửa hỏa ngục đời đời, chịu hình phạt công bình của những tội ác mình đã làm... và tội lớn nhất đó là đã từ chối Con của Đức Chúa Trời, mà Ngài đã hy sinh để cứu chuộc anh.

 

2) Nhưng Kinh Thánh có chép thêm một tên tử tội nữa bị treo trên cây thập tự phía bên phải của Chúa Giê-xu. Hắn mới đầu cũng mắng nhiếc Chúa Giê-xu, như tên kia... trong giữa sự đau đớn của mình - "Hỡi Đấng Christ, Vua dân Y-sơ-ra-ên, bây giờ hãy xuống khỏi cây thập tự, để cho chúng ta thấy và tin..." Nhưng rồi tên tử tội này, Kinh Thánh chép, sau này đã thay đổi và ăn năn thống hối.

> Không biết rõ điều gì đã làm cho lòng hắn thay đổi - có lẽ nó đã mở mắt thấy Chúa bị xử hình tàn nhẫn như nó... nhưng lại không phát ra một lời rủa sả cay đắng nào hết... mà còn tha thiết cầu nguyện, có chép trong Luca 23:34 - "Lạy Cha, xin Cha tha thứ cho họ... vì họ không biết điều mình làm."  Trong Luca 23:40-42 - c/ta thấy rõ có vài dấu hiệu về một tấm lòng ăn năn thật của tên tử tội này - "Nhưng tên kia trách nó rằng: Ngươi cũng chịu một hình phạt ấy, còn chẳng sợ Đức Chúa Trời sao? Về phần chúng ta, chỉ là sự công bình, vì hình ta chịu xứng với việc ta làm; nhưng người nầy không hề làm một điều gì ác. Đoạn lại nói rằng: Hỡi Jêsus, khi Ngài đến trong nước mình rồi, xin nhớ lấy tôi!"

a) Nó bênh vực Chúa bằng cách trách tên tử tội phía bên kia tại sao cứ nhạo báng Chúa.

b) Nó nhận biết sự phán xét công bình của Đức Chúa Trời trên những tội ác mình đã vi phạm.

c) Nó hướng lòng về Chúa... và xưng Ngài là Giê-xu - Đấng Mê-si, Đấng Cứu Chuộc của nó.

d) Và nó mở miệng tin cậy, cầu xin Chúa nhớ đến nó... khi Ngài trở về nước thiên đàng của mình.

 

> Vì nó ăn năn và cầu xin Chúa Giê-xu... chính Ngài đã hứa gì cho nó? Trong Luca 23:43 chép - "Đức Chúa Jêsus đáp rằng: Quả thật, ta nói cùng ngươi, hôm nay ngươi sẽ được ở với ta trong nơi Ba-ra-đi." Ngay hôm đó, linh hồn nó được ở với Chúa trên Ba-ra-đi, chứ không phải đợi 14 ngày cách ly nữa. Chữ "Barađi" là hình ảnh biểu hiệu đến một cảnh vườn đẹp của vua chúa thời xưa. Ngày xưa, ai là khách quí của vua... thì thường được tiếp đi bộ, dạo với vua trong cảnh vườn đẹp này - biểu hiệu "chỗ đứng danh dự" của người đó được ở bên cạnh vị vua và tương giao với Ngài. Ngày hôm đó, Chúa hứa tên tử tội đó sẽ được cùng đi với Ngài... và chính Ngài sẽ giới thiệu với Đức Chúa Cha của mình: Người đó ngày trước là một kẻ trộm cướp... nhưng nay mọi tội đã được xóa  sạch bởi chính huyết của mình, và nay được trở nên làm con cái của Chúa, vào hưởng nước thiên đàng đời đời.

 

 

III. Nhận Ơn Cứu Rỗi

 

> Qua hình ảnh 3 thập tự giá này giúp cho c/ta thấy những chân lý đơn giản của đạo cơ đốc... mà c/ta không cần phải đi học các lớp thần học mới hiểu được:

 

1) Thập tự giá ở chính giữa của Chúa Giê-xu biểu hiệu rõ ràng tình yêu thương của Đức Chúa Trời  ban cho nhân loại, qua một con đường cứu rỗi duy nhất, đó là chính Con một của Ngài – đã phải bị đổ huyết làm gía chuộc tội cho c/ta.

 

2) Ơn cứu rỗi Chúa ban cho tất cả mọi người, cho bất cứ ai… kể cả những người ác và xấu xa nhất trong xã hội, như hai tên tử tội bị treo bên cạnh Chúa. Đây là chân lý cứu rỗi toàn vẹn... mà không có một tôn giáo trên đời này có cả, đó là Đức Chúa Trời yêu thương nhân loại... cứu mọi người; Không có tội nhân nào quá xấu xa, mà Đức Chúa Trời không tha thứ được, chỉ có điều là người đó có muốn nhận lấy không?

 

3) Tên tử tội bên cạnh Chúa mà đã biết ăn năn và được cứu... nói lên thời điểm chẳng có bao giờ quá trễ để một người được cứu. Có người còn tự nghĩ tôi lớn tuổi rồi, chưa làm được đại sự hay việc lành nào hết, mà còn nhiều tội ác qúa... thì chắc không được cứu đâu - thôi quá trễ rồi! Chỉ trễ là khi c/ta cứ trì hõan, lấy ly do riêng bào chữa, bỏ lãng cơ hội được cứu khi đã đến với mình mà thôi, để rồi một ngày, cơ hội được cứu không còn nữa.

 

4) Sự cứu rỗi chỉ được bởi đức tin... đó chính là sự chọn tin Chúa... chứ chẳng bởi một việc làm lành nào cả. Tên tử tội biết ăn năn lúc nó bị treo trên thập tự giá... đâu còn cơ hội nữa để làm một việc lành nào đâu, như “bố thí làm lành, đánh mình ép xác...” nhưng anh được cứu… chỉ bởi lòng tin cậy nơi Chúa Giê-su ngay hôm đó. Rôma 10:9-10 - "Vậy nếu miệng ngươi xưng Đức Chúa Jêsus ra và lòng ngươi tin rằng Đức Chúa Trời đã khiến Ngài từ kẻ chết sống lại, thì ngươi sẽ được cứu; vì tin bởi trong lòng mà được sự công bình, còn bởi miệng làm chứng mà được sự cứu rỗi." Chúa Giê-xu đã chết chuộc tội sẵn cho 2 tên tử tội bên cạnh mình, nhưng chỉ có tên tử tội biết ăn năn sám hối... và chọn tin Chúa thì được ở với Ngài trong Ba-ra-đi ngay hôm đó; chứ không phải ai có tôn giáo, sống đạo đức hơn người khác, giữ được những lễ nghi… rồi sẽ đều được vào nước thiên đàng hết đâu!

 

--------------------------------------

> Bạn đang đứng ở bên phía nào của thập tự giá Chúa Giê-xu? Bên phía mà mình còn tự kiêu ngạo nghĩ mình là một người tốt lành, chưa phạm một tội ác nào, hay làm việc thiện, nhưng chẳng biết kính sợ Đấng Sáng Tạo, thái độ chẳng cần đến Ngài làm gì... vì tự tin vào sức năng, của cải và sự khôn ngoan mình có, để rồi một ngày sẽ đi vào sự hư mất của hồ lửa địa ngục sao? Hay là bạn đang đứng bên phía thập tự giá của tên tử tội… biết ăn năn sám hối, hướng lòng về Cứu Chúa Giê-xu và cầu xin Ngài cứu rỗi linh hồn của mình? Bạn có muốn được rỗi linh hồn ngay tối hôm nay không?  Bạn có muốn được vào Barađi với Chúa một ngày không… thay vì hồ lửa địa ngục? Hãy chỉ mở lòng tiếp nhận Con Trời... Cứu Chúa Giê-xu vào lòng mình ngay buổi tối hôm nay, là Đấng đã hy sinh chịu chết đổ huyết trên cây thập tự chuộc tội của bạn và tôi, và là quyền phép của Đức Chúa Trời để cứu mọi tội nhân!

 

 

---------------- Lời Kêu Gọi

 

> Khi nhìn thấy hình ảnh thập tự giá - bạn nghĩ đến gì? Có phải chỉ là một trong những cách để người ta trang sức trong thời đại hôm nay thôi không? Thập tự giá là hình ảnh của sự chết... là hình phạt của sự đoán xét tội lỗi... là bản án rõ ràng cho mỗi người c/ta... vì mọi người đều đã phạm tội. Ai có sống thì một ngày cũng phải chết... và chờ đợi ngày phán xét để nhận án phạt của sự chết đời đời trong hồ lửa hoả ngục... vì đây là "tiền công" của tội lỗi... đây là điều công bằng mà thôi!

 

> C/ta là tội nhân vì sanh ra từ A-đam và Ê-va là 2 tội nhân đầu tiên; C/ta là tội nhân vì đã phạm tội, trái với luật pháp của Chúa... vì đã từ chối Chúa - là Đấng đã dựng nên c/ta và ban sự sống và sức sống cho c/ta mỗi ngày. Khi c/ta được thở không khí Trời mà không cần máy ventilator, uống nước Trời, ăn cơm Trời ban cho, đụng một chút lại than "Trời ơi!" nhưng lại không thờ phượng Trời là một điều quá bất công, một điều đáng tội, đáng chết!

 

> Ai cũng sẽ phải đối diện với thập tự giá một ngày để lãnh hình phạt... nhưng Kinh Thánh khẳng định - ai dám tin nhận Chúa Giê-xu là Con Trời - Đấng có huyết vô tội đã đổ ra trên cây thập tự giá, chết chuộc tội thay thế cho mình... thì sẽ không phải đối diện với sự phán xét trong hồ lửa nữa... mà nhận được sự sống đời đời trên thiên đàng.

 

> Tối hôm nay - Bạn sẽ đáp ứng gì với sự ban cho của Chúa đây? Bạn sẽ là tên tử tội đứng phía bên nào… của thập tự giá của Chúa Giê-su? Bạn sẽ có sự chọn lựa nào tối hôm nay? Bạn có sẽ từ chối… hay tiếp nhận món quà cứu rỗi… đã ban cho sẵn trong Chúa Giê-su? Chọn sai đường sẽ dẫn bạn đến sự hư mất, chọn Chúa Giê-su thì bạn sẽ được hưởng sự sống vĩnh cửu đời đời. Mong bạn bằng lòng đến với Chúa Giê-xu là Đấng đã chết cho bạn, chuộc tội cho bạn tại thập tự giá, và hứa ban cho bạn sự sống đời đời trong nước thiên đàng một ngày, mà không một ai ban cho được.

 

> Bạn có thể cầu nguyện ngay lúc này: “Lạy Chúa Giê-su là Cứu Chúa của con. Tối hôm nay nhân ngày lễ “thương khó” con hiểu được Chúa đã hy sinh, đau đớn, chịu chết đổ huyết trên cây thập tự, để chuộc tội lỗi của con. Cám ơn Chúa vì sự cứu rỗi Chúa ban cho không điều kiện, không đòi giá, chỉ bởi đức tin trong lòng của con tiếp nhận Ngài làm Cứu Chúa của đời mình. Nay miệng con sẽ xưng ra Ngài là Chúa của đời sống con từ nay. Xin Chúa hướng dẫn con trong một đời sống mới, bước đi theo Ngài để càng thông biết Chúa hơn, được biến đổi và kinh nghiệm mọi phước lành Chúa hứa ban cho những ai dám tin nhận Ngài… cho đến ngày con được vào Ba-ra-đi, nước thiên đàng… và được ở với Chúa luôn.” Amen!