Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 17

Trông Ngóng Được Nhóm Thờ Phượng Chung

(E-xơ-ra 7:10)

 

“Số là Ê-xơ-ra đã quyết tâm nghiên cứu luật pháp của Chúa để làm theo và dạy cho dân I-sơ-ra-ên biết luật lệ và mạng lịnh của Ngài.”

 

 

> Quí vị có đang trông ngóng điều gì không? Những người mắc vi-rút COVID-19 vào nhà thương mong có được máy trợ thở? Những người đang mê man trên giường bịnh thì những người thân đang mong họ được lành và trở về với gia đình? Các nhà kinh doanh thì mong ôn dịch vi-rút COVID-19 chóng qua, để người ta được phép đi làm lại và hồi phục lại nền kinh tế đang bị sa sút khủng khiếp? Tổng thống Trump thì trông mong làm thế nào để có đủ tài chánh giúp đỡ những người đang mất việc? Hầu hết ai trong chúng ta cũng đang trông ngóng cái check 1,200$ tiền trợ giúp của chính phủ? Còn con dân Chúa, chúng ta có đang trông ngóng mong mỏi gì nữa không?

 

> Cũng vì cơn dịch lệ COVID-19 mà nay mọi người chúng ta đều bị cách ly: phải làm việc ở nhà, không được tụ họp chỗ đông người cho đến cuối tháng Tư, để tránh lây lan vi trùng cho nhau. Kể cả các hội thánh của Chúa ở khắp nơi cũng phải bị giới hạn sự nhóm lại dưới 10 người và không còn được thông công sinh hoạt chặt chẽ nữa. Mặc dầu vậy, điều chúng ta cũng cảm tạ Chúa vì có những kỹ thuật truyền thông điện tử để con dân Chúa vẫn được nhóm thờ phượng và học Kinh Thánh qua những mạng lưới on-line như Facebook Live Streaming hay hệ thống truyền thông “Zoom” tuy rằng không được giống như là sự nhóm lại trực tiếp. Cuộc sống của mỗi chúng ta bây giờ phải thay đổi nhanh chóng… để thích nghi với những kỹ thuật truyền thông liên lạc điện tử ngày nay.

 

> Chúng ta có lẽ ai nấy cũng đều đang nóng lòng chờ đợi một ngày cho cơn dịch này đi qua, để nhiều người không còn bị chết nữa và đời sống của mọi người được trở lại bình thường, nhất là trong sự nhóm thờ phượng Chúa chung, phải không? Có lẽ tối thiểu một trong những bài học chúng ta học được qua cơn dịch COVID-19 này là có khi Chúa cho phép những tai vạ đến, để chúng ta mới biết quí và cảm tạ Ngài ban cho những phước lành căn bản, mà có lúc đã bị mất – đó là sự được tự do nhóm thờ phượng Chúa chung và thông công – mặt đối mặt được. Ngày xưa, việc được cùng nhau thờ phượng Chúa và thông công, gặp nhau bắt tay thân mật, tưởng như chỉ là một việc bình thường, nhưng bây giờ đã trở thành một niềm mong ước lớn, vì đang bị cách ly? Quí vị có đang mong điều này không? Khi suy nghĩ đến sự chờ đợi trông ngóng này, tôi nhớ đến dân sự Chúa ngày xưa khi họ bị lưu đầy qua các nước ngoại bang, tuy rằng không giống hoàn cảnh như chúng ta ngày nay, nhưng điều họ mong mỏi là được trở về xứ mình, để thờ phượng và dâng của tế lễ cho Đức Chúa Trời trong đền thờ của Ngài.

 

 

1. Lịch sử của Dân Chúa

 

 

> Lịch sử cho biết, dân sự Chúa sau khi chiếm được đất hứa và độc lập thì nước chia đôi: Phía Bắc là Y-sơ-ra-ên gồm có tất cả 19 vị vua, nhưng không một vua nào tốt, họ đều dẫn dắt dân sự Chúa vào tội thờ các tà thần tượng chạm. Họ không còn biết kính sợ Chúa là Đấng Thánh Khiết sẽ phán xét tội lỗi của con dân Ngài. Cho đến năm 722 B.C. thì Đức Chúa Trời đã cho phép dân A-sy-ri đến đánh và đem họ bị lưu đầy qua xứ ngoại bang. Phía Nam là nước Giu-đa có tất cả 20 vị vua, nhưng chỉ có khoãng 8 vị là kính sợ Chúa đi theo đường lối của Ngài; nhưng rồi họ cũng không chịu học bài học đau thương từ người anh của mình là Y-sơ-ra-ên và rồi cũng bị Chúa phạt, cho phép dân Ba-by-lôn đến thống trị và bắt họ bị lưu đầy vào năm 605 B.C. khoãng 600 dặm phía đông của Giê-ru-sa-lem. Chúa sửa dạy dân Giu-đa bị làm phu tù trong xứ Ba-by-lôn đúng 70 năm, theo y như lời tiên tri có chép trong sách Giê-rê-mi 25:11“Cả xứ nầy sẽ trở thành một chốn điêu tàn và một nơi hoang phế, và các dân ấy sẽ thần phục vua Ba-by-lôn bảy mươi năm.” Bài học thứ nhất ở đây đó là Chúa có khi sẽ dùng dân ngoại bang để sửa dạy chính con dân của Ngài, nếu chúng ta cứ có thái độ tỉnh bơ, xem thường những lời cảnh cáo của Chúa. Không phải sách Hê-bê-rơ 12:5-6 có chép – “… anh chị em đã quên lời khích lệ mà anh chị em đã được khuyên như con rồi sao? “Con ơi, chớ coi thường sự sửa dạy của Chúa, khi Ngài quở trách, con chớ ngã lòng. 6 Vì Chúa yêu thương ai, Ngài sửa dạy người ấy; Ai được Ngài nhận làm con, Ngài cho roi cho vọt.” Chúng ta hầu hết nuôi con cái thì biết điều này, để con cái chúng ta trưởng thành trở nên những người tốt và có ích lợi thì cần phải dạy dỗ sửa phạt chúng nó khi không vâng lời, phải không?

 

> Điều chúng ta cũng học biết là Đức Chúa Trời là Đấng Thành Tín, nghĩa là Ngài giữ lời hứa của mình, vì sau này lịch sử cho biết đế quốc Ba-by-lôn bị sụp đổ bởi tay người Ba-tư (The Medes and Persians)  vào năm 539 B.C.. Và Đức Chúa Trời đã xếp đặt dùng vua Ba-tư là Si-ru để giúp dân Do Thái được trở về xứ trong chuyến đầu tiên do Xô-rô-ba-bên lãnh đạo vào năm 536 B.C. (đúng 70 năm sau khi họ bị lưu đầy qua Ba-by-lôn), để xây lại đền thờ thứ hai và hoàn tất vào tháng Hai, ngày 18, năm 516 B.C. Đối với người Do Thái, đền thờ là chỗ rất quan trọng, vì họ tin rằng đây là nơi Chúa “ngự ở trên đất,” giữa vòng dân tộc mình. Tổng số người người trở về trong chuyến đầu tiên này là 42,360 người. Dân sự Chúa dần dần được trở về nước càng đông. Đến đời của E-xơ-ra trong chuyến thứ hai trở về xứ Giê-ru-sa-lem vào năm 455 B.C. thì có khoãng thêm 1,500 người đàn ông và gia đình họ. E-xơ-ra trở về không chỉ tay không, nhưng còn có vàng và bạc đầy đủ mà vua Ba-tư Ạt-ta-xét-xa cùng các cố vấn đã tự nguyện hiến dâng, để tái thiết lại những lễ thiêu, lễ chay dùng vào việc thờ phượng Đức Chúa Trời. Họ được nhiều tài vật như có chép trong Ê-xơ-ra 8:24-26“Sau đó tôi mời mười hai vị trưởng tế đến gặp tôi; đó là quý ông Sê-rê-bi-a và Ha-sa-bi-a, cùng mười anh em của hai ông ấy. 25 Tôi cân cho họ số bạc, số vàng, và các món đồ mà vua, các mưu sĩ của vua, các đại quan của vua, và toàn dân ở đó đã dâng cho Ðền Thờ Ðức Chúa Trời của chúng tôi. 26 Tôi cân và trao vào tay họ hai mươi hai ngàn một trăm ký bạc, các bửu vật bằng bạc cân nặng ba ngàn bốn trăm ký, và ba ngàn bốn trăm ký vàng,” E-xơ-ra còn được ơn dạy dỗ lời Chúa, kêu gọi sự tinh sạch đời sống, và cầu nguyện cho dân sự Chúa để được sống yên ổn bình an, làm ăn thịnh đạt, hùng mạnh và hưởng những điều tốt lành trong xứ. Chưa hết, Đức Chúa Trời hành động trên vua Ba-tư Ạc-ta-xẹc-xe đã được cảm động cho phép Nê-hê-mi được trở về xứ trong chuyến thứ ba vào năm 445 B.C., để hoàn tất xây lại tường thành Giê-ru-sa-lem và dân sự Chúa tái kết ước với Chúa. Cũng như E-xơ-ra, Nê-hê-mi không trở về tay không, nhưng nhờ cánh tay nhân lành của Ðức Chúa Trời phù hộ mà được vua ban cho chiếu chỉ và vật dụng để xây cất lại các cổng thành, sửa chữa lại Ðền Thờ, tường thành; và công việc này được hoàn tất một cách lạ lùng trong vòng chỉ có 52 ngày.

 

 

2. Thông Biết Chúa mà Kính Sợ Ngài

 

> Tại sao chúng ta cần học biết lịch sử của dân sự Chúa trong giai đoạn bị lưu đầy và được hồi hương làm chi vậy? Qua sự kiện lịch sử chúng ta biết được:

 

a) Đức Chúa Trời là Đấng Thánh Khiết – Ngài sẽ đoán xét tội lỗi và sẽ sửa dạy con dân của Ngài, nếu chúng ta cứ thờ ơ xem thường những lời cảnh cáo của Chúa, mà đeo đuổi những tà thần tượng chạm ở đời này. Chúa không bị khinh dể đâu, nhưng chúng ta phải thông biết Chúa mà kính sợ Ngài, luôn biết giữ “quyển sách luật pháp nầy chớ rời xa miệng ngươi, nhưng ngươi phải suy gẫm những điều trong đó ngày và đêm, để cẩn thận làm theo; vì như thế ngươi sẽ làm cho đường lối ngươi được thịnh đạt, và ngươi sẽ thành công” (Giô-suê 1:8).

 

b) Thông biết được quyền năng tể trị của Chúa điều khiển mọi sự. Qua lịch sử của dân I-sơ-ra-ên, chúng ta thấy quyền năng của Chúa Chí Cao có khi hành động và điều khiển “đằng sau” những nhà chính quyền, vua chúa, để ban cho dân Chúa sự hy vọng được trở về nước và thờ phượng Chúa trong đền thánh tại Giê-ru-sa-lem. Thì cũng vậy, Chúa sẽ ban cho hội thánh của Ngài một ngày được “hồi hương,” được tái thiết lại sự nhóm lại và thờ phượng Chúa chung như ngày xưa, là điều chúng ta đang trông đợi.

 

 

3. Lòng Mong Ước

 

> Không chỉ trông ngóng được nhóm lại thờ phượng chung một ngày, nhưng chúng ta có trông mong được Chúa sẽ phục hưng hội thánh của Ngài càng hơn nữa không?

 

a) Chúng ta có mong được Chúa đào luyện chính mình là những thầy cô rất tinh thông, như E-xơ-ra mà chuyên tâm dạy dỗ lời của Chúa, như có chép trong E-xơ-ra 7:10“Số là Ê-xơ-ra đã quyết tâm nghiên cứu luật pháp của Chúa để làm theo và dạy cho dân I-sơ-ra-ên biết luật lệ và mạng lịnh của Ngài.” Có người nói đúng “tất cả bắt đầu từ tâm,” nếu không mọi sự sẽ y nguyên. Tấm lòng chúng ta có yêu mến Chúa và nghe được tiếng Ngài gọi để được Chúa sử dụng, mà bắt đầu tự huấn luyện mình, học hỏi riêng tư với Chúa, mong được Ngài tinh luyện, đào tạo trong những công việc khó và lớn hơn trong tương lai không? Chúng ta có đang lợi dụng thì giờ bị cách ly để nghiên cứu lời Chúa thêm, quyết tâm làm theo, và mong một ngày được dạy dỗ con dân Chúa biết và đi theo những đường lối của Ngài không? Hãy bắt chước Ê-xơ-ra là người quyết tâm làm 3 điều khi còn ở xứ ngoại bang: a) nghiên cứu lời Chúa, b) cam kết làm theo, và c) dạy dỗ dân sự Chúa những mạng lịnh của Ngài.

 

b) Chúng ta có mong được Chúa kêu gọi thêm những người lãnh đạo khôn ngoan như Xô-rô-ba-bên và Nê-hê-mi để hầu việc Ngài không, mà chúng ta đã được rèn luyện trong thời kỳ cách ly bởi nạn dịch lệ vi-rút COVID-19? Chúng ta đang cầu nguyện cho sự phục hưng cá nhân như thế nào, hay là cuộc sống tâm linh của chúng ta vẫn y nguyên, thấy rất thỏa lòng với những gì mình đang có? Chúng ta có “con mắt” thấy được những nhu cầu, mục vụ nào của hội thánh cần giúp đỡ, tu bổ mà mình có thể dự phần được không khi được trở lại nhóm chung, hay vẫn còn thái độ - “Để cho người khác được ơn hơn… làm đi?”

 

c) Chúng ta có mong gia đình mình luôn tôn kính Chúa hơn, cứ tiếp tục trong sự tương giao học lời Chúa, và thường xuyên cầu nguyện chung với nhau tại nhà của mình không? Chúng ta có dám hứa nguyện từ nay dù cuộc sống trở lại bình thường, gia đình chúng ta cũng sẽ không để thế giới bận rộn ngăn cản thì giờ chúng ta học lời Chúa và cầu nguyện với nhau trong gia đình, như chúng ta đang thường làm không?

 

d) Chưa hết, với những kỹ thuật liên lạc điện toán con dân Chúa đã học biết trong những lúc này, chúng ta vẫn có sự khôn ngoan sẽ tiếp tục sử dụng như là những khí cụ để truyền bá Tin Mừng của Chúa Giê-su đến cùng trái đất cho đến khi Ngài trở lại, y như lời Chúa đã một lần phán trong Ma-thi-ơ 24:14 – “Tin Mừng nầy của vương quốc Ðức Chúa Trời sẽ được giảng ra khắp thế giới, để làm chứng cho mọi dân tộc, bấy giờ sự cuối cùng sẽ đến.”

 

e) Chúng ta có mong sau cơn dịch COVID-19 cho nước Hoa-kỳ này sẽ thật là “a Nation under God” lại không, vì Kinh Thánh Thi Thiên 33:12 chép rõ – “Phước cho nước nào có Chúa là Thần mình, phước cho dân nào được Ngài chọn làm cơ nghiệp Ngài?” Chúng ta có luôn cầu nguyện cho nước Mỹ được phục hưng biết “… hạ mình xuống, cầu nguyện, tìm kiếm mặt Chúa, và bỏ con đường tà, thì Ngài ở trên trời sẽ nghe, tha thứ tội của chúng, và chữa lành đất nước” của chúng ta không, hay là chúng ta chẳng cần biết “… tội ác cứ gia tăng, hay lòng yêu mến Chúa và người lân cận của mình cứ nguội dần” sao?

 

> Hãy lắng nghe lời than thở của dân sự Chúa trong Thi Thiên 137:1-4, khi họ bị lưu đầy qua sứ ngoại bang, mong đợi được trở về xứ để thờ phượng Ngài “Chúng tôi ngồi bên bờ sông ở Ba-by-lôn; Chúng tôi nhớ đến Si-ôn và khóc. 2 Chúng tôi treo cây đàn của mình trên cành liễu bên sông, 3 Vì những kẻ đem chúng tôi lưu đày bắt chúng tôi phải hát; Những kẻ hành hạ chúng tôi bắt chúng tôi phải ca; Chúng bảo, “Hãy hát cho chúng tôi nghe những bài ca của Si-ôn.” 4 Nơi đất khách quê người, Làm sao chúng tôi có thể hát được bài ca tôn ngợi Chúa?” Họ ngồi bên bờ sông, hướng về Si-ôn, biểu hiệu chỗ “hiện diện của Đức Chúa Trời,” than khóc đến nỗi không thể khẩy đàn hát ca tụng Ngài ở nơi đất khách quê người được. Cũng mong rằng đây là một phần tấm lòng của mỗi người chúng ta cũng mong được mau trở lại cuộc sống bình thường, nhất là sự nhóm lại thờ phượng và thông công chung, cùng hầu việc và tiếp tục xây dựng hội thánh Chúa luôn.

 

> Chúng ta hãy cầu xin - “Ôi! Xin Chúa nhân từ làm ơn trên hội thánh Ngài, nhờ tay nhân lành của Chúa ban cho chúng con sự phục hưng lớn sau cơn ôn dịch này, giúp chúng con biết chuyên tâm đeo đuổi sự thánh khiết của Chúa, ham thích học lời Chúa, hết lòng vâng giữ các điều răn của Ngài, và dạn dĩ bênh vực đạo, để luôn “làm muối của đất… và là ánh sáng của thế gian” [Ma-thi-ơ 5:13-14] cho đến ngày Cứu Chúa Giê-su trở lại và trị vì muôn dân. Amen!