Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 9

Tấm Lòng Hiếu Kính

Paul Châu An Phước, Pastor

Tục ngữ Việt Nam chúng ta có câu:


Công cha như núi thái sơn


Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra.


Hoặc:


Con ơi muốn nên thân người


Lắng tai nghe lấy những lời mẹ cha.

Nhân dịp ngày lễ cha mẹ 2002, chúng ta cùng tìm hiểu thêm những nhân vật rất quan trọng từ xưa đến nay, và điều rất là quý báo mà Chúa đã dạy cho con dân của Ngài được chép ở trong (Xuất 20:12, Êphêsô 6:1-3). "Hãy hiếu kính cha mẹ ngươi hầu cho ngươi được sống lâu trên đất mà Giêhôva Đức Chúa Trời ngươi ban cho. (Xuất 20:12).

Hiếu kính cha mẹ là bổ phận của con cái. Tình mẫu tử được ví sách như non cao bể rộng, thậm chí Đức Chúa Trời đã mượn điều đó để mô tả một tình yêu thương vô bờ bến đối với nhân loại: "Đàn bà há dễ quên cho con mình bú, không thương đến con trai ruột mình sao? Dầu đàn bà quên con mình, ta cũng chẳng quên ngươi" (Ês. 49:15).

Trong Cổ Học Tinh Hoa do Nguyễn Văn Ngọc và Trần Lê Nhân, đã kể lại câu chuyện sau đây:

Hàn Bá Du ăn ở với mẹ rất là có hiếu, những khi có lỗi, mẹ thường đánh đòn. Một hôm Bá Du phải đòn, khóc mãi. Mẹ thấy vậy hỏi:


- Mọi khi mẹ đánh con, con biết lỗi, con cam chịu ngay. Lần nầy sao con khóc dai như thế?

Bá Du thưa:


- Mọi khi mẹ đánh, con thấy đau, con biết mẹ còn mạnh khỏe. Lần nầy mẹ đánh con, con thấy không đau mấy, con biết sức mẹ đã yếu, cho nên con nghĩ, con thương mẹ mà khóc.

Thật vậy, cha mẹ sinh con hy vọng và trông cậy nơi con rất nhiều. Cho nên quở phạt hay ôn tồn khuyên răn là muốn cho con nên người. Thật ra có nhiều gia đình khi quẩn bách hoặc khi có cảnh ngộ éo le, cha mẹ lỡ nặng lời hay quá tay dễ gây bất hòa và óan hận, nếu gặp phải đứa con ngỗ nghịch thì sinh ra biết ngay. Song nếu là có hiếu thì bao giờ mà chẳng thương cha mẹ mình như Bá Du trong chuyện nầy bị đòn không những không oán mẹ, lại còn thương mẹ mới thực là người có hiếu, đáng làm gương cho những kẻ làm con nông nổi vậy. Bá Du có một tâm cảm hóa mẹ mình thì lại càng đáng phục lắm.

Chắc chắn ai trong chúng ta cũng biết câu truyện "Aùo Đơn Mùa Rét", mà mẹ tôi thường kể cho tôi nghe khi còn nhỏ. Mẫn Tử Khiêm mồ coi mẹ từ thuở nhỏ. Mẹ kế sinh được hai con trai, chỉ yêu con đẻ mà ghét Tử Khiên. Mùa đông lại tới, mẹ kế không cho Tử Khiên mặc áo mền bông, chỉ cho mặc áo mền hoa lau. Một hôm Tử Khiên đánh xe hầu cha, cha thấy co ro run rẩy liền quở mắng. Tử Khiên nín không dám nói. Cha giận đánh, ngờ đâu áo rách bật hoa lau ra. Về nhà cha căm giận người vợ kế bạc đãi con mình, liền muốn đuổi đi. Tử Khiên khóc mà van rằng: Dì con mà ở lại thì chỉ một mình con rét, dì con mà phải đuổi đi, thì ai may áo cho chúng con, có lẽ ba anh em chúng con đều không có áo, phải chịu rét cả.

Cha nghe nói lấy làm cảm động, bèn thôi không đuổi vợ kế nữa, và từ đó người vợ kế cũng có lòng thương yêu Tử Khiên như thương yêu con đẻ vậy.

Câu truyện Mẫu Tử Khiên cho chúng ta thấy xử theo tình, thì chồng bỏ vợ, con mất mẹ, anh em sau nầy hóa ra cừu địch, gia đình làm thế nào tránh khỏi sự tan nát. Nhưng Mẫu Tử Khiên lại là một người con biết ăn ở được lòng cha mẹ, hóa được tánh xấu của dì ghẻ, gây được tình thân anh em, gia đình nhờ đó mà được hòa thuận.

Trở lại Thánh kinh, hiếu kính cha mẹ là điều răn thứ năm trong mười điều răn Chúa dạy (Xuất 20:12). "Hãy hiếu kính cha mẹ, hầu cho ngươi được sống lâu trên đất mà Giêhôva Đức Chúa Trời ngươi ban cho", song đến thời kỳ Tân ước, thánh Phao-lô viết thư cho hội thánh Êphêsô, thì ông gọi đó là điều răn thứ nhứt (Êphêsô 6:1,2). Mười điều răn được chia làm hai phần. Bốn điều răn đầu là bổn phận người đối với Thượng đế, sáu điều răn sau là bổ phận của người đối với nhau. Trong 6 điều sau cùng, thì hiếu kính cha mẹ được đặt ở hàng đầu. Luật pháp Môise ngày xưa ai bất hiếu sẽ bị xử tử không thương tiếc (Xuất 21:17; Phục 27:16). Chữi cha mẹ là bất kính, bất kính đến độ khinh dể và giày đạp cha mẹ đáng bị xử tử. Luật pháp của Chúa không thể bỏ qua được, mà dân của Đức Chúa Trời được gọi là dân thánh, gương mẫu, dân đạo đức cho mọi dân tộc trên thế gian, cho nên phải hiếu kính cha mẹ.

Sau cơn đại hồng thủy, Sáng 9:20-27 ghi lại, Nô-ê trồng nho rồi uống rượu say đến nỗi bị lõa thể trong trại mình. Thình lình con trai của ông là Cham bước vào thấy vậy bỏ chạy báo cho Sem và Giaphết: "hãy vào xem cha uống rượu nằm lõa lồ trong trại kìa". Sem và Giaphết im lặng, cung kính lấy áo choàng đi lui từ ngoài vào, buông áo đắp kín cho cha, không dám nhìn. Khi Nô-ê tỉnh dậy. Biết việc ba con trai đã làm, bèn rủa sả Cham và chúc phước cho Sem và Giaphết. Cha mẹ có khi yếu đuối và lầm lỗi, bởi vì cha mẹ cũng là người, con cái phải nhường công việc đó cho Đức Chúa Trời xử, còn mình bổn phận làm con phải luôn giữ lòng tôn kính, không được phép có lời lẽ hoặc thái độ xúc phạm.

Theo Mat. 15:4-9, người Pharisi có lời truyền khẩu rằng, nếu ai hầu việc Đức Chúa Trời thì không cần hiếu kính cha mẹ. Chúa trách họ là kẻ giả hình, lấy lời truyền khẩu mà thay cho điều răn của Đức Chúa Trời. Không có gì quý thay cho tấm lòng hiếu kính cha mẹ được. Nếu ai sốt sắng phụ vụ Đức Chúa Trời và biết ơn Ngài thì phải càng hiếu kính cha mẹ hơn nữa, để đền đáp ơn sanh thành dưỡng dục của cha mẹ.

Tử Lộ bên Trung Hoa, con nhà rất nghèo phải đội gạo mướn để nuôi mẹ, đồng thời ông cũng chăm chỉ học hành, nên đỗ đạt thành tài, ra làm quan. Bấy giờ mẹ đã qua đời, Tử Lộ than: "Cây muốn lặng mà gió chẳng dừng, muốn nuôi mẹ mà mẹ chẳng còn. Ước chi còn mẹ để đội gạo nuôi mẹ, còn hơn bây giờ làm quan mà mẹ không còn".

Đồng bào ta thường chỉ trích sai về đạo Tin lành bỏ ông bỏ bà, là đạo bất hiếu với tổ tiên. Lời Chúa đã dạy chúng ta phải hiếu kính cha mẹ khi cha mẹ còn sống để chứng minh cho mọi người thấy rằng đạo Tin lành là đạo thật hiếu kính cha mẹ. Bài trước tác giả đã viết gương cao quý nhất của Chúa Giê-xu khi Ngài còn ở tại thế. Ngài đã hiếu kính cha mẹ. Chúa Giê-xu là Ngôi Lời trở nên xác thịt, Ngài đã hóa thân làm người, chịu chết đền tội cho nhân loại, cho nên Ngài đã trở nên con trai của bà Mari. Ngài sống 30 năm trong gia đình thợ mộc ở làng Naxarét. Chắc Mari và Giô-sép có nhiều yêu đuối và lỗi lầm, còn Chúa Giê-xu thì không thể chê trách được, song Ngài chịu lụy họ suốt thời gian đó, mà không hề nghe thấy Ngài phàn nàn, cay đắng nào. Ngoài những điều đó, Chúa còn chịu cực làm người anh cả chăm sóc, bảo vệ cho các em mà chẳng hề than thở điều chi. Khi Chúa bị treo trên cây thập tự giá đau đớn tột đỉnh, trong hoàn cảnh đau thương, bị quân lính khinh thường, bị tên cướp cùng bị đóng đinh mắng nhiếc, song Đức Chúa Giê-xu bình tĩnh, thảm nhiên. Ngài thấy Mari đứng bên thập tự, còn Giăng đứng bên kia. Nhìn vào Mari rồi Ngài nhìn Giăng, phán: "Bà ơi, kia là con của bà". Ngài nhìn Giăng. "Anh ơi, kia là mẹ của anh". Kể từ đó Giăng đem Mari về nhà phụng dưỡng. Trong hoàn cảnh đau thương như thế mà Chúa Giê-xu vẫn lo nghĩ đến mẹ phần xác của mình.

Trải qua bao nhiêu thời đại, gương hiếu kính của Đức Chúa Giê-xu vẫn còn sáng chói, truyền lại cho đến ngày nay. Điểm đặc biệt là lời của Đức Chúa Giê-xu dạy, không phải nói bằng lời, nhưng trong thực tế Ngài đã thực hành nếp sống cao cả để cho nhân loại thấy rằng mọi người cần phải noi theo. Xã hội ngày nay văn minh, con người chạy theo tiền bạc, học thức, danh vọng, tìm đủ mọi thủ đoạn để đạt đến mục đích cho mình. Không kể đạo đức con người, trong gia đình con trai phản cha, con gái phản mẹ, con cái bất kính với cha mẹ. Chúng ta đang sống trên một đất nước giàu có, văn minh, nhưng lòng con người dối trá vô cùng, không còn bản tánh tự nhiên nữa. Ngay cả lớp trẻ ngày hôm nay, bất đồng ý kiến cha mẹ bỏ nhà ra đi rất nhiều, khiến cho cộng đồng Việt Nam chúng ta nhiều người phải nhà tan cửa nát, con cái cao bồi du đảng, giết chóc, trộm cuớp

Ước mong chính đời sống chúng ta mỗi người cũng như các bạn trẻ là con dân Chúa, chúng ta hãy đặc niềm tin vâng theo lời Chúa dạy, "hãy hiếu kính cha mẹ ngươi, hầu cho ngươi được sống lâu trên đất mà Giêhôva Đức Chúa Trời ngươi ban cho" không phải bằng lời nói mà bằng hành động cụ thể qua lòng hiếu kính, biết ơn. Không phải chỉ trong ngày Lễ Mẹ hay ngày Lễ Cha mà cho suốt cuộc đời mình. Hãy dâng cho cha mẹ những cành bông thật đẹp của đời sống đạo đức mình. Nếu chúng ta không thực hành ngay bây giờ, thì một ngày nào đó khi cha mẹ không còn nữa, chúng ta sẽ không bao giờ còn cơ hội giống như Tử Lộ ao ước mà không được.

Vâng, Nhạc sĩ Châu Hoàng Phúc đã nhớ người mẹ mình đã qua đời cách đây hai năm. Tại Tempe, Arizona. Tác giả ở Việt Nam không có cơ hội gần rủi và thấy mẹ mình lần cuối cùng trước khi tắc hơn thở cuối cùng. Tác giả đã cảm động viết lên những lời tâm sự từ đáy lòng mình với tựa đề bài hát: "Nhớ Mãi Tình Mẹ"

1. Xin vĩnh biệt mẹ thân yêu, xin vĩnh biệt mẹ yêu dấu từ đây chúng con đã xa mẹ rồi. Nhớ ơn người đã sinh con. Nhớ ơn người đã nuôi dưỡng từ khi ấu thơ đến khi nên người. Bao yêu thương mẹ dành cho chúng con trong tim con hằng ghi nhớ. Nhưng hôm nay mẹ đã xa cách xa. Chúng con đã mất mẹ rồi.

2. Xin cuối đầu cảm tạ ơn Cha, đã đưa người về Thiên quốc từ đây sẽ không khổ đau lo buồn. Chúng con thành tâm xin hứa sẽ trọn đời hầu việc Chúa nguyện theo bước chân lối đi của mẹ. Xin Giê-xu Ngài an ủi chúng con ban thêm lên lòng yêu Chúa. Nay mai đây ngày Thiên Chúa tái lâm. Chúng ta rồi sẽ gặp nhau.

"Hãy hiếu kính cha mẹ ngươi, ấy là điều răn thứ nhứt, có một lời hứa nối theo, hầu cho ngươi được phước và sống lâu"

Quả thật Ngôi lời đã trở nên xác thịt để cho nhân loại suốt mọi thời đại làm tấm gương sáng chói, tuyệt vời của lòng hiếu kính cha mẹ qua gương hiếu kính cha mẹ của Chúa Giê-xu. Muốn thật hết lòng.