Có hai câu hỏi được đặt ra trước khi phân tích các phước lành Chúa Giê-xu dạy:
Câu hỏi thứ nhất: Phước nghĩa là gì? Trong nguyên ngữ Hi-lạp phước là makarios. Từ này trong văn chương ngoài Kinh-thánh thời đó được dùng để nói về hai điều khác nhau. Thứ nhất là giai từng giàu sang trong xã hội, những người vì được giàu có, sống bên trên những lo âu hằng ngày khác với đa số người trong đời. Thứ hai, phước là điều kiện của những vị thần Hi-lạp, những vị rất mãn nguyện vì đạt được tất cả những gì họ trông mong. Trong bài dạy trên núi, Chúa Giê-xu nói rằng, những người tin theo Chúa, sẽ được như những người thuộc giai cấp quý tộc sung sướng và như các vị thần mà người ta vẫn tin tưởng. Tuy nhiên sự sung mãn của họ không đến từ quyền lực hay tiền của nhưng do việc sở hữu một niềm tin cậy bên trong khi họ bằng lòng tiến bước trên con đường chân chính, như tinh thần của Thi-thiên 1:1,2.
Câu hỏi thứ hai: Các phước lành Chúa dạy là cho hiện tại hay tương lai? vì phước lành thứ nhất (câu 3) và thứ tám (câu 10) là phước lành cho hiện tại, còn sáu phước lành kia thuộc về tương lai, nên ta có thể kết luận: Các phước lành Chúa dạy, cho cả hiện tại lẫn tương lai.
Các phước lành Chúa dạy là những nguyên tắc xây dựng đức tính chân chính của người tin Chúa đưa đến thỏa mãn trong hiện tại cũng như tương lai.
Phước lành thứ nhất được ghi trong câu ba:
Phước cho những kẻ nghèo khó trong tâm linh, vì nước trời là phần của họ.
Thứ tự của tám phước lành có ảnh hưởng đến nhau trước và sau. Nghèo khó trong tâm linh là đặc tính căn bản của người tin Chúa Giê-xu và công dân của nước trời. Các đặc tính khác, theo một cách hiểu, đều là kết quả của đặc tính này. Đặc tính này là dốc đổ, là trống rỗng, trong khi các đặc tính kia là làm đầy.
Không thể nào làm đầy trước khi dốc đổ cho trống rỗng đã. Ta không thể nào đổ đầy rượu mới vào một bình đang còn đầy rượu cũ, cho đến khi nào tất cả rượu cũ được đổ ra hết.
Phúc âm hay tin mừng có hai diện, dốc đổ và đong đầy; kéo đổ xuống và dựng cao lên. Chắc bạn còn nhớ lời bô lão Si-mê-ôn nói về Chúa Cứu Thế khi ông bồng bế Hài-nhi Giê-xu trong tay. Ông nói: "Con Trẻ này sẽ làm cho nhiều người Israel vấp ngã, trong khi nhiều người khác được giải cứu." Vấp ngã phải xẩy ra trước khi được giải cứu. Phần chính của Phúc âm là công nhận có tội bao giờ cũng đi trước ăn năn hối lỗi; lên án trước khi giải phóng, có thể nói như thế.
Không những vậy, đây còn là công thức tự xét mình dành cho riêng chúng ta. Không phải chỉ đối diện với mình, nhưng còn là để đối diện với toàn bộ Bài Giảng Trên Núi.
Bài Giảng Trên núi như đến với chúng ta bảo rằng:
"Có một hòn núi các anh phải cân lường, những chiều cao các anh phải trèo; và trước tiên, các anh phải nhận thức khi nhìn lên ngọn núi mà mình phải trèo: đó là các anh không thể thực hiện được. Các anh hoàn toàn không có khả năng trong mình và thuộc riêng về mình. Bất cứ ý định nào muốn thực hiện việc này bằng năng lực riêng đều là bằng chứng cụ thể là các anh không hiểu gì về việc các anh định làm cả."
Có người căn cứ vào Lu-ca 6:20 mà giải thích rằng, những kẻ nghèo khó là có phước. Nhưng giải như thế là lầm. Trong toàn Kinh Thánh không có chỗ nào nói rằng nghèo khó là điều tốt lành cả. Người nghèo không cần nước trời hơn người giàu đâu. Nghèo không phải là một điều kiện hay là được lợi gì cả. Nghèo khó cũng không đảm bảo gì về mức độ thánh thiện tâm linh. Ngay đọc hết Lu-ca chương 6 bạn cũng có thể thấy rõ Lu-ca không nói về nghèo khó vật chất, nhưng nói về việc đừng để cho đời sống bị thế giới vật chất đô hộ hay thống trị.
Nghèo khó trong câu này không liên quan gì đến thiếu thốn về vật chất hay bất an về tài chính. Nghèo khó trong tâm linh mô tả một tâm linh hối hận hạ mình, xác nhận trước Chúa là mình đã hoàn toàn bị phá sản về tâm linh. Những người nhận rõ tình trạng tâm linh mình như thế và bằng lòng đến với Chúa, thì phước hạnh dành cho họ là cả Nước Trời hạnh phúc.
Điều mà Chúa Giê-xu quan tâm là tâm linh: nghèo khó trong tâm linh. Nói khác đi, đây là thái độ đối với chính mình. Đó mới là điểm quan trọng chứ không phải là người ấy nghèo hay giàu. Đây là dẫn chứng điển hình nhất về một trong những nguyên tắc tổng quát liên quan đến sự khác biệt chính giữa người đời và người tin Chúa. Chúng ta thấy có một cách biệt rõ giữa hai thế giới hay là hai nước: nước Chúa và trần gian, người của Chúa và người đời. Không có câu nào phân biệt rõ hơn là câu: "Phước cho những kẻ nghèo khó trong tâm linh."
Xin phân tích rõ hơn:
Quan niệm này trần gian không chấp nhận. vì người đời nhấn mạnh vào tự lực, tự tin và tự biểu hiện. Muốn tiến thân trong đời thì phải tin ở mình. Đó chính là quan niệm khống chế đời người hiện nay. Hay nói đúng hơn, khống chế toàn bộ cuộc đời bên ngoài sứ điệp Phúc âm.
Một người bán hàng giỏi là người tự tin và bảo đảm là hàng mình tốt. Nghĩa là phải tạo ấn tượng tốt nơi khách hàng. Nếu ta muốn thành công trong một ngành nghề, thì quan trọng là phải cho người ta cái cảm nghĩ là mình thành công và mình còn có thể thành công hơn thế nữa.
Tóm lại, cách sống của người đời là phải tự biểu hiện, tự tin và tự xác nhận rằng mình có khả năng, hãy cho mọi người biết như vậy.
Trong phước lành thứ nhất Chúa dạy, ta thấy hoàn toàn tương phản. Thái độ phải có là hãy coi mình như không là gì cả.
Phao-lô nói: "Chúng tôi không giảng về chính mình, nhưng chỉ nói về Chúa Giê-xu mà thôi." Chúng ta cần đi xa hơn nữa trong việc phân tích lời dạy này. Nghèo khó trong tâm linh không có nghĩa là chúng ta phải khác đời hay là tỏ vẻ bối rối, lúng túng, cũng không phải là yếu đuối hoặc thiếu can đảm. Có những người lầm thái độ nghèo khó trong tâm linh với khiêm nhường, hạ mình quá mức đến độ trở thành khiếp nhược, lúc nào cũng từ chối và đứng lùi lại phía sau mọi người, chứ không dám nói dám làm gì cả.
Ta cũng nên nhớ rằng nghèo khó trong tâm linh không phải bẩm sinh nhưng là một thái độ.
Một phương diện khác nghèo khó trong tâm linh không phải là một điều để ta kiêu hãnh là người thiêng liêng đạo đức và rất khiêm tốn hạ mình. Cũng không phải là tỏ ra mình lúc nào cũng chỉ chú trọng về tâm linh mà quên cả vật chất, y phục, diện mạo bên ngoài. Tất nhiên, nếu chỉ là một thái độ thì không ai có thể nhìn thấy bên ngoài được, và nếu thấy, chưa chắc đã là nghèo khó bên trong thật!
Ta đã nói đến mặt tiêu cực của tính chất nghèo khó trong tâm linh, nghĩa là những gì không phải là nghèo khó tâm linh.
Còn nghĩa tích cực thì sao? Cách hay nhất là dùng ngay lời Kinh Thánh mà giải thích. Ê-sai 57:15 ghi: "Đấng cao cả, ở nơi đời đời vô cùng, danh Ngài là thánh, có nói như sau: 'Ta ngự trong nơi cao và thánh với người có lòng ăn năn đau đớn và khiêm nhường, đặng làm tươi tỉnh thần linh của những kẻ khiêm nhường, và làm tươi tỉnh lòng người ăn năn đau đớn.'" Đó chính là tâm linh nghèo khó mà Chúa dạy ở đây.
Gương chứng trong Kinh Thánh rất nhiều:
Ghê-đê-ôn khi được sứ giả của Chúa bảo ra lãnh đạo dân Chúa đánh bọn thống trị Ma-đi-an, đã tự nhận: "Thưa không, không thể được. Chi tộc tôi nhỏ nhất trong dân, và chính tôi là con út trong gia đình, làm sao tôi có thể làm việc lớn ấy được?"
Đó cũng là tâm hồn của Môi-se khi được Chúa giao cho vai trò lĩnh tụ. Đa-vít cũng thế. Ngay Ê-sai là một đại tiên tri của Chúa mà khi gặp Chúa cũng tự thấy mình là hư hoại, xấu xa, không xứng đáng với việc Chúa giao.
Trong Tân Ước, Phi-e-rơ vốn là người nóng tính, ăn nói hùng hổ, nhưng khi thấy quyền năng của Chúa trong vụ đánh cá lạ lùng, đã nhảy ngay xuống nước và thưa với Chúa: "Lạy Chúa xin ra khỏi tôi, vì tôi là kẻ có tội." Nhưng Chúa vẫn dùng tính bạo dạn của ông để sau này can đảm đứng trước quan quyền Do-thái mà bênh vực danh Chúa.
Tâm linh nghèo khó là thái độ tự nhận ra con người hư hoại, không xứng đáng trước quyền năng, thánh khiết và vinh quang của Chúa. Nghèo khó trong tâm linh là một nhận thức rằng mình không là gì cả trước mặt Chúa. Mình không thể làm được điều gì cho thân phận mình. Nghĩa là con người bẩm sinh của mình không có một giá trị nào cả, dù ta là người nào trong đời hay đã đạt đến địa vị nào trong xã hội cũng vậy. Ta không thể cậy vào học thức, danh tiếng, tiền của hay tài ba của mình, vì ta chẳng là ai cả. Phao-lô ngày xưa đã coi tất cả như rác rến để có thể được Chúa Cứu Thế, đó chính là gương mẫu về tâm linh nghèo khó.
Ta thử tự hỏi: Tôi có biết mình nghèo khó trong tâm linh không? Tôi thực sự nghĩ gì về chính mình khi đứng trước hiện diện của Chúa? Khi tôi sống, nói năng, cầu nguyện, tôi thường nghĩ gì về chính mình?
Tôi không có gì để khoe khoang cả, vì tất cả chỉ là ân sủng của Chúa mà thôi.
Có những người nghèo khó trong tâm linh mà không hay, đó chính là những người khốn khổ hơn cả. Vì dù được cả đời này làm của riêng mà phần tâm linh hư hoại, cũng là mất tất cả.