Trang Chủ :: Chia Sẻ

Ngày 29

Lời Cầu Nguyện từ Nơi Sâu Thẳm

Giô-na 2:1-7

“Nhưng Đức Chúa Trời tỏ lòng yêu thương Ngài đối với chúng ta, khi chúng ta còn là người có tội, thì Đấng Christ vì chúng ta chịu chết” (Rô-ma 5:8).

Câu hỏi suy ngẫm: Tiên tri Giô-na đã cầu nguyện thế nào trong bụng cá? Ông tin quyết Chúa sẽ làm gì cho ông? Chúa đã làm gì để cứu chuộc chúng ta?

Tiên tri Giô-na bị ném xuống biển. Khi ý nguyện muốn chết của ông được thực hiện thì ân sủng của Chúa bày tỏ cách kỳ diệu. Chúa khiến một con cá lớn nuốt ông. Tiên tri Giô-na bỏ trốn, rồi sẵn sàng chết dưới biển vì không muốn Ni-ni-ve ăn năn và được sống. Ông không biết sự chết kinh khủng như thế nào nên Chúa đem ông đến gần sự chết để ông thay đổi mà tìm kiếm Chúa là Đấng ban sự sống. Giờ đây Tiên tri Giô-na cầu nguyện từ trong bụng cá, lời cầu nguyện đầy chất thơ theo khuôn mẫu của một Thi-thiên, kết hợp giữa lời kêu than và lời tuyên xưng tin cậy Chúa sẽ giải cứu. Tiên tri Giô-na kêu than với Chúa rằng mình “gặp hoạn nạn,” đang ở “nơi âm phủ.” Liền sau đó ông tin quyết Chúa “đã trả lời,” Chúa “đã nghe” (câu 3). Khi dâng lên lời cầu nguyện này thì Tiên tri Giô-na vẫn còn ở trong bụng cá và chờ đợi sự giải cứu của Chúa. Nhưng ông tin sự giải cứu của Chúa là chắc chắn như thể đã xảy ra rồi.

Những người thủy thủ đã ném Tiên tri Giô-na xuống biển, nhưng với ông, họ là công cụ thi hành chương trình của Chúa. Chính Chúa là Đấng sửa phạt ông, ném ông xuống vực sâu, đem tất cả sóng to, bão lớn đổ ập lên ông. Tiên tri Giô-na bị sóng vỗ, bão dập, bị lật, bị lộn trong bụng cá, không còn biết phương hướng (câu 4), nhưng ông vẫn “nhìn lên đền thánh của Ngài” (câu 5). Trong bóng tối của bụng cá, bị cắt đứt hoàn toàn với thế giới bên ngoài, Tiên tri Giô-na không thể thấy Đền Thờ tại Giê-ru-sa-lem. Ông cầu nguyện với ước mong lại được thấy Đền Thờ của Chúa và lại được thờ phượng Chúa trong đó. Ông mô tả sự sửa phạt của Chúa càng lúc càng nặng nề. Linh hồn ông thoi thóp như chết ngộp; nước bao phủ ngập đến linh hồn ông. Chúa đẩy ông xuống nơi sâu nhất, đến nền của các núi. Giống như đất đã giữ chắc chân nền của các núi thể nào thì đất cũng “đóng then” cầm giữ ông nơi vực sâu như vậy (câu 6, 7).

Đến đây thì lời cầu nguyện của Tiên tri Giô-na bừng sáng. Khi Tiên tri Giô-na không còn hy vọng thì Chúa giải cứu. Khi ông chắc chắn về số phận mình phải ở nơi vực sâu âm phủ đời đời thì Chúa vực ông lên. Khi chúng ta còn là người có tội, thì Đấng Cơ Đốc vì chúng ta chịu chết, đó chính là cách Đức Chúa Trời bày tỏ ơn cứu rỗi cho chúng ta. Bạn thể hiện lòng biết ơn Chúa về điều này như thế nào?

Cảm tạ Chúa, khi con không có hy vọng được giải cứu khỏi tội lỗi thì Chúa đã đến, chịu chết để cứu con. Xin cho con sống biết ơn Chúa từng ngày.

(c) 2024 svtk.net