13 Đức Chúa Jêsus vừa nghe tin ấy liền bỏ đó xuống thuyền, đi tẻ ra nơi đồng vắng. Khi đoàn dân biết vậy, thì từ các thành đi bộ mà theo Ngài. 14 Ngài ở thuyền bước lên, thấy đoàn dân đông đúc, động lòng thương xót, mà chữa cho kẻ bịnh được lành. 15 Đến chiều tối, môn đồ tới gần Ngài mà thưa rằng: Ở đây vắng vẻ, và trời tối rồi, xin thầy cho dân chúng về, để họ đi vào các làng đặng mua đồ ăn. 16 Đức Chúa Jêsus phán rằng: Không cần họ phải đi; chính các ngươi hãy cho họ ăn. 17 Môn đồ thưa rằng: Chúng tôi có đây năm cái bánh và hai con cá mà thôi. 18 Ngài phán rằng: Hãy đem đây cho ta. 19 Ngài bèn truyền cho chúng ngồi xuống trên cỏ, đoạn, lấy năm cái bánh và hai con cá đó, ngửa mặt lên trời mà tạ ơn; rồi bẻ bánh ra đưa cho môn đồ, môn đồ phát cho dân chúng. 20 Ai nấy đều ăn no, còn bánh thừa lại thâu được đầy mười hai giỏ. 21 Số người ăn ước chừng năm ngàn, không kể đàn bà con nít.
1. “Tin ấy” Chúa Giê-xu vừa nghe là tin gì? Tại sao nghe “tin ấy” Chúa lại “đi tẻ ra nơi đồng vắng” (c. 13)?
2. Chúa Giê-xu đã làm gì trước đoàn dân đông đúc? (c. 14)
3. Câu trả lời của Chúa Giê-xu cho các môn đồ (c. 16) hàm ý gì?
4. Hai chữ “mà thôi” trong câu trả lời của các môn đồ (c. 17) nói lên ý gì?
5. Dựa vào câu 20-21, xin cho biết hai điều về kết quả của phép lạ.
Hóa Bánh Ra Nhiều là phép lạ duy nhất được ghi lại trong cả bốn sách Phúc Âm (Mác 6:30-44; Lu-ca 9:10-17; Giăng 6:1-13). Phép lạ nầy cho thấy quyền năng của Chúa được thi thố để đáp ứng nhu cầu thể xác cho con người.
Chúa Giê-xu vừa nghe tin ấy (c. 13a) là tin vua Hê-rốt nghe tiếng đồn về Chúa Giê-xu và cho rằng đó là Giăng Báp-tít, người nhà vua đã giết, nay sống lại. Nghe tin đó, Chúa Giê-xu đi tẻ ra nơi đồng vắng (c. 13a) hàm ý để tránh nguy hiểm, tương tự như trong 2:12-14 và 12:15. Chúa Giê-xu hành động theo đúng chương trình của Đức Chúa Cha nên đây là lúc Chúa tạm lánh mình trước khi phó mình chịu chết vì tội của nhân loại. Các nhà giải nghĩa Kinh Thánh thường gọi khoảng thời gian nầy là Sáu Tháng Lánh Mình trong Năm Khổ Nạn của Chúa Giê-xu (14:1-18:35). Theo Lu-ca 9:10 thì nơi đồng vắng (nơi vắng vẻ thì đúng hơn) địa điểm gần thành Bết-sai-đa, bờ Đông Bắc của hồ Ga-li-lê. Dù muốn tránh, đoàn dân vẫn biết nên họ đã đi bộ mà theo Ngài dù chính Chúa thì đi bằng thuyền.
Phản ứng của Chúa Giê-xu trước đoàn dân đông là Ngài động lòng thương xót (c. 14). Đây là động từ được dùng trong 9:36, mang ý nghĩa “đau xót tận tâm can.” Chúa Giê-xu thật sự yêu thương đoàn người đông đảo về mọi nhu cầu của họ, thể xác lẫn tâm linh. Trong trường hợp nầy, Chúa đã ra tay chữa bệnh cho họ (c. 14).
Đề nghị của các môn đồ về việc để đoàn dân ra về mua thức ăn là một đề nghị thực tế. Tuy nhiên vì lòng yêu thương đoàn dân cũng như muốn thách thức các môn đồ và dạy họ bài học về sự chu cấp của Chúa, Ngài đã phán với họ, Không cần họ phải đi, chính các ngươi hãy cho họ ăn (c. 16).
Hai chữ mà thôi trong câu 17 hàm ý cố gắng tối đa của các môn đồ không thể giải quyết được vấn đề. Phúc Âm Giăng ghi thêm câu nói của Anh-rê: Nhưng đông người dường nầy thì ngần ấy có thấm vào đâu? (Giăng 6:9b). Năm cái bánh đây là năm cái bánh nhỏ và hai con cá cũng vậy, đây là phần ăn của một người.
Phần ăn của một người khi ở trong tay Chúa Giê-xu đã có thể cung cấp cho năm ngàn người và còn thừa mười hai giỏ. Phép lạ hóa bánh ra nhiều chẳng những nuôi được đoàn người đông đảo nhưng cũng dư thừa và không phí phạm.
Những bài học chúng ta ghi nhận trong phân đoạn Kinh Thánh nầy là:
1. Chúa luôn luôn thông cảm và thương cảm cho tất cả nhu cầu của chúng ta (c. 13-14, 16).
2. Trước những khó khăn của đời sống, trong cái nhìn của con người, vấn đề không thể giải quyết, nhưng trong quyền năng của Chúa, mọi việc đều khả thi (Ma-thi-ơ 19:26; Lu-ca 1:37).
3. Đây là bài học thực tế trước mắt về sự chu cấp đầy đủ của Chúa mà các môn đồ kinh nghiệm nhưng họ cũng mau quên (16:8). Điều nầy nhắc chúng ta không nên quên như vậy!