“… tôi ở giữa anh em, để chúng ta cùng nhau giục lòng mạnh mẽ bởi đức tin chung của chúng ta, nghĩa là của anh em và của tôi”(câu 12).
Câu hỏi suy ngẫm: Giữa câu 11 và 12, Sứ đồ Phao-lô dùng chữ “tức là…” để giải thích cho ý tưởng của ông trong câu 11. Theo bạn, nếu Sứ đồ Phao-lô dừng lại và kết thúc ở câu 11, bạn nghĩ gì về ông? Lời giải thích này cho bạn hiểu gì về phẩm chất của Sứ đồ Phao-lô? Tại sao phẩm chất này rất quan trọng trong việc gây dựng Hội Thánh, nhất là gây dựng mối tương giao?
Sứ đồ Phao-lô cho biết ông muốn đến La Mã để chia sẻ những điều Chúa ban cho và dạy dỗ chính ông. Nhưng sự chia sẻ mà ông đề cập ở đây không phải là sự chia sẻ một chiều, từ ông đến những tín hữu thấp kém và thiếu hiểu biết hơn ông, nhưng là một sự chia sẻ hai chiều, một sự trao đổi những điều Chúa dạy dỗ giữa ông, một Vị Sứ Đồ và là một Giáo Sư lớn trong Hội Thánh lúc bấy giờ, và các tín hữu khác tại La Mã. Người học trò vĩ đại của Giê-xu đã dạy cho mỗi chúng ta bài học của sự khiêm nhường khi phục vụ Chúa.
Sứ đồ Phao-lô không hề khiêm nhường giả tạo. Ông biết mình có nhiều điều để chia sẻ, ban cho Hội Thánh La Mã, nhưng ông cũng đủ khiêm nhường để cho họ biết rằng họ cũng có nhiều điều để chia sẻ và ban cho ông. Đôi khi việc nhận một điều gì đó từ người khác còn khó khăn hơn là việc cho người khác một điều gì. Vì khi cho, chúng ta thường nghĩ mình đứng ở thế cao hơn người khác, nhưng khi nhận, chúng ta lại cho rằng mình ở dưới người khác. Nhưng đừng quên rằng không ai trong chúng ta là hoàn hảo, cũng không ai có đầy đủ mọi ân tứ (I Cô-rinh-tô 12:27-30). Chúa đã lập nên Hội Thánh, Hội của những tội nhân, của những người bất toàn được nhận ân sủng từ Chúa, để chúng ta có thể hiệp một trong Thân Thể, cùng lo tưởng đến nhau và giúp nhau hoàn thành sứ mệnh Chúa giao phó cho mỗi chúng ta.
Sứ đồ Phao-lô nhận biết rõ mình có những ân tứ nổi trội để giúp anh chị em vững vàng (câu 11), nhưng ông không lợi dụng điều đó để tìm chỗ đứng cao hơn trong Hội Thánh. Ông cũng không vì vậy mà đánh mất cơ hội học hỏi và nhận được lợi ích từ anh chị em khác. Mặt khác, việc cho rằng mọi người trong Hội Thánh đều có giá trị như nhau trước mặt Chúa, không khiến chúng ta đánh mất sự tôn trọng đối với chức vụ, công việc, ân tứ của anh chị em mình. Nói đúng hơn, chúng ta không chỉ tôn trọng một vài người đặc biệt nào trong Hội Thánh, nhưng phải tôn trọng mọi người như nhau (Phi-líp 2:3-4).
Tinh thần khiêm nhường đem đến những lợi ích to lớn trong việc gây dựng Hội Thánh và trong cá nhân mỗi tín hữu. Khiêm nhường giúp chúng ta vui hưởng sự tương giao thật, tôn trọng nhau, tránh được những lục đục, chia rẽ, và bởi đó mỗi người đều phát huy những ân tứ, sự khôn ngoan mà Chúa ban cho, và mọi người đều có thể hưởng được những ích lợi từ anh chị em mình. Giáo sư Grant R. Osborne đã nhận xét: “Ông Phao-lô không chỉ đến để giúp đỡ họ [tín hữu tại La Mã] nhưng cũng muốn được họ giúp đỡ ông. Nếu càng nhiều những người lãnh đạo Cơ Đốc có được triết lý khiêm nhường này trong chức vụ đầy tớ, có lẽ Hội Thánh càng ít những vấn đề rắc rối.”
Lạy Chúa xin cho con luôn sống theo gương của Chúa Giê-xu và những đầy tớ của Ngài, luôn biết tự bỏ mình đi, khiêm nhường trong sự phục vụ, xem người khác như tôn trọng hơn mình.
(c) 2024 svtk.net