Trang Chủ :: Chia Sẻ

Ngày 7

Nhịn Nhục Trong Thử Thách (2)

Gia-cơ 1:5-11

“Ví bằng trong anh em có kẻ kém khôn ngoan, hãy cầu xin Đức Chúa Trời, là Đấng ban cho mọi người cách rộng rãi, không trách móc ai, thì kẻ ấy sẽ được ban cho” (câu 5).

Câu hỏi suy ngẫm: Vì sao khi đang bàn luận về thử thách, ông Gia-cơ bất ngờ đề cập đến vấn đề khôn ngoan? Làm sao để nhận được sự khôn ngoan (câu 5, 6-8)? Ông Gia-cơ đã đưa ra ví dụ nào mà sự khôn ngoan đem đến trong câu 9-11? Sự khôn ngoan giúp cho các tín hữu nhận biết điều gì về giá trị niềm tin và ý nghĩa đời người?

Trong phân đoạn trước đó, ông Gia-cơ cho biết thử thách là điều ích lợi Chúa đem đến cho con cái Ngài, vì vậy cần có sự khôn ngoan để nhận biết ý muốn Chúa trong thử thách chúng ta đang đối diện. Nhận biết ý muốn Chúa phải là điều ưu tiên và quan trọng hơn việc làm sao để thoát ra hoặc vượt qua thử thách đó.

Để có sự khôn ngoan khi chịu thử thách, chúng ta hãy cầu xin Chúa (câu 5) vì chúng ta chỉ là người ngu dại, không biết rõ ý muốn Chúa, và vì ngoài Chúa ra chúng ta không làm chi được. Nhưng cầu xin phải bởi đức tin (câu 6a) để tin rằng Chúa sẵn lòng ban sự khôn ngoan “cách rộng rãi” cho những người cầu xin, ngay cả khi người đó đã và đang ở trong tình trạng thất bại thì Ngài cũng “không trách móc ai” (câu 5).

Sự nghi ngờ là điều ngăn trở chúng ta nhận được sự khôn ngoan từ Chúa (câu 6b). Đôi khi sự nghi ngờ đến từ những kinh nghiệm thất bại trong quá khứ của chúng ta, hoặc khi chúng ta để cho hoàn cảnh hay yếu tố con người lấn át đức tin của mình. Chính sự nghi ngờ này đem chúng ta đến sự sợ hãi, bởi đó khiến chúng ta đánh mất sự nhịn nhục chờ đợi ý muốn Chúa nhưng vội vã phản ứng để tự giải quyết những nan đề mà mình đang đối diện. Và người nghi ngờ sẽ không nhận được gì từ Chúa (câu 7).

Chính sự khôn ngoan từ Chúa giúp cho các tín hữu đang bị tản lạc, bắt bớ, nghèo khó (câu 1) nhận ra sự cao trọng và những phước hạnh mà họ có trong Chúa ngay cả trong cơn thử thách ngặt nghèo (câu 19). Bạn thường làm gì khi ở trong hoàn cảnh khó khăn, nghèo thiếu về vật chất, và không có địa vị xã hội? Bạn có nhận ra sự cao trọng khi mình thuộc về Chúa và nhịn nhục đi theo chương trình của Ngài hay vội vàng nắm lấy ngay “cơ hội” đầu tiên mà thế gian đem đến để thóat ra khỏi tình trạng mà Chúa đang đặt để cho bạn?

Chắc chắn niềm tin Cơ Đốc không cổ xúy cho sự nghèo khổ, nhưng nếu không sống theo ý muốn Chúa thì “người giàu cũng sẽ khô héo” y như “cỏ khô, hoa rụng, sắc đẹp tồi tàn” (câu 11) mà thôi. Người giàu có phải nhận ra rằng tiền bạc, của cải không làm cho đời sống thuộc linh của họ vững vàng hơn trong cơn thử thách và cũng chẳng thể giúp họ trong cõi vĩnh hằng. Nhưng chính việc nhận biết “phần đê hèn” của mình (câu 10), nghĩa là những sự bất năng và bất lực của con người, mới là điều quan trọng. Vì chính khi chúng ta nhận ra mình chỉ là con người hữu hạn, đầy yếu kém thì mới có thể chạy đến nương dựa nơi Chúa, tìm biết ý muốn Ngài, và thuận phục chương trình của Ngài trên đời sống mình hoàn toàn.

Tạ ơn Chúa vì trong sự tể trị khôn ngoan, Ngài đã để cho những thử thách đến trên đời sống con. Xin dạy con và khiến con biết Chúa càng hơn qua những thử thách này.

(c) 2024 svtk.net