Trang Chủ :: Chia Sẻ

Ngày 2

Trách Nhiệm Kiểm Soát Lời Nói

Gia-cơ 3:1-12

“Chúng ta thảy đều vấp phạm nhiều cách lắm. Nếu có ai không vấp phạm trong lời nói mình, ấy là người trọn vẹn, hay hãm cầm cả mình” (câu 2).

Câu hỏi suy ngẫm: Tại sao ông Gia-cơ cho rằng lời nói là một trắc nghiệm chính xác nhất về nhân cách của một người (câu 1-2)? Ông đã dùng những hình ảnh nào để minh họa cho tầm ảnh hưởng của lưỡi (câu 3-4, 5-8, 9-12)? Những tội lỗi của lưỡi nào bạn hay phạm nhất? Làm sao để chúng ta có thể kiểm soát lời nói của mình (câu 3-4, 11-12)?

Nhiều người thích tìm giá trị cho chính mình ở địa vị cao, như làm thầy (câu 1), nhưng ông Gia-cơ cho biết càng ở vị trí cao càng bị xét đoán, do đó càng phải sống cẩn trọng. Trong vai trò là một người thầy, hay người dạy đạo, hoặc người lãnh đạo trong Hội Thánh, thì điều được sử dụng nhiều nhất chính là lời nói. Tuy nhiên, lời nói cũng là điều khó kiểm soát nhất, do đó có thể nói rằng ai kiểm soát được lời nói là kiểm soát được tất cả (câu 2).

Tại đây, ông Gia-cơ nêu lên ba hình ảnh để bày tỏ vai trò, tác hại, và kết quả hay hậu quả của lời nói. Để nói về vai trò của lời nói, ông Gia-cơ ví sánh nó với hàm thiếc của ngựa và bánh lái của chiếc tàu (câu 3-4). Ngựa là phương tiện lao động khỏe nhất và tàu là phương tiện vận chuyển lớn nhất thời bấy giờ, nhưng tất cả lại được điều khiển bởi cái hàm thiếc và chiếc bánh lái nhỏ bé. Cũng như vậy, lưỡi được ví sánh như sức mạnh có thể điều khiển những điều mạnh nhất. Cũng như con ngựa và chiếc tàu, lời nói có thể xoay chuyển cả cuộc đời của người nói và người nghe.

Trong câu 5-8, ông Gia-cơ đã ví sánh lưỡi với lửa và vật dữ. Một đốm lửa nhỏ có thể thiêu hủy cả khu rừng, và vật dữ, hay còn có nghĩa là nọc độc, sẽ đem đến những đau đớn ngấm ngầm, dai dẳng. Có thể nói, tay dùng để giết người ở gần, nhưng lưỡi có thể dùng để giết người ở rất xa.

Hơn thế nữa, cũng giống như dòng suối hay mạch nước, lưỡi có thể đem vinh quang cho Danh Chúa và những điều tốt đẹp, nhưng cũng có thể đem đến sự rủa sả và cay đắng (câu 9-12). Trong thời của của ông Gia-cơ, rủa sả tượng của hoàng đế là rủa sả hoàng đế và phải chịu chém đầu; tương tự như vậy, rủa sả con người là hình ảnh của Đức Chúa Trời cũng chính là rủa sả Đức Chúa Trời (câu 9).

Cái lưỡi cho thấy bức tranh về nhân tính cơ bản của con người. Dù được sáng tạo theo hình tượng của Đức Chúa Trời, nhưng con người đã sa ngã, phạm tội. Sự sa ngã đã làm cho con người sai trật hoàn toàn trong mọi phương diện, bao gồm cả lời nói. Do đó, thay đổi lời nói thật ra là thay đổi cả tấm lòng. Nếu hàm thiếc và bánh lái là quan trọng vì chúng đóng vai trò điều khiển con ngựa và chiếc tàu, thì điều quan trọng đối với chúng ta đó là ai đang điều khiển cuộc đời chúng ta? Nếu Chúa Thánh Linh đang hiện diện trong đời sống chúng ta, Ngài sẽ thay đổi, tẩy sạch lòng, và ban cho chúng ta đức tính tự chủ để có thể nói ra những lời lẽ hài lòng Đức Chúa Trời và nâng đỡ người chung quanh (câu 12). Giống như nguồn nước và rễ, chính nền tảng trong đời sống chúng ta sẽ quyết định lời nói của mình (Ma-thi-ơ 12:34b).

Xin Chúa cho con có trách nhiệm với từng nói của mình và luôn nhờ cậy Chúa để có thể dùng môi miệng mình như một công cụ vinh hiển trong tay Ngài.

(c) 2024 svtk.net