“Hãy mang lấy gánh nặng cho nhau, như vậy anh em sẽ làm trọn luật pháp của Đấng Christ” (Ga-la-ti 6:2).
Câu hỏi suy ngẫm: Ông Gia-cơ nêu lên hai trường hợp cụ thể nào cần được những anh em khác giúp đỡ (câu 14-18 và 19-20)? Trong cả hai trường hợp này, người đến giúp đỡ cần phải làm gì? Làm sao có thể thực hiện được điều này (câu 13)? Ai là những người quanh bạn đang cần giúp đỡ? Bạn đang có thái độ và hành động nào với nan đề của họ?
Trong hành trình đức tin luôn có nhiều thử thách và cám dỗ vây quanh (Gia-cơ 1:1-18), và một trong những phương cách mà Đức Chúa Trời hoạch định để giúp cho con cái Ngài hoàn thành mục đích đời sống chính là mối liên hệ tương giao trong cộng đồng Cơ Đốc (Ga-la-ti 6:2). Một trong những lý do Đức Chúa Trời đặt chúng ta trong Hội Thánh là để chúng ta có thể san sẻ, nâng đỡ nhau trong thì giờ có cần.
Ông Gia-cơ cho chúng ta hình ảnh của hai anh em cần được giúp đỡ. Thứ nhất là một người bệnh (câu 14). Nhiều người nhìn thấy Hội Thánh là nơi thực hiện những công tác thuộc linh, nhưng ông Gia-cơ cho chúng ta nhìn thấy Hội Thánh cũng là nơi đáp ứng những nhu cầu thuộc thể cho con dân Chúa. Lý do thật rõ ràng, vì có những vấn đề thuộc thể bắt nguồn từ sự suy thoái thuộc linh (câu 15b) và ngược lại (I Các Vua 19:4). Hơn nữa, chính việc đáp ứng nhu cầu thuộc thể có thể đem chúng ta vào mối tương giao Cơ Đốc thật sự (câu 16a), và qua chính mối tương giao này quyền năng Chúa được bày tỏ (câu 16b-18).
Tuy nhiên, để có thể được Chúa dùng đáp ứng nhu cầu cho anh chị em mình, chúng ta cần phải “đến,” phải “xưng tội,” phải “cầu nguyện,” phải “cố xin.” Tất cả điều này nói đến tình yêu mà chúng ta dành cho anh chị em mình, việc hy sinh thời gian, công sức, và ngay cả sự từ bỏ chính mình.
Một hình ảnh khác được nêu lên trong câu 19-20, đó là một anh em yếu đuối và vấp ngã trong đời sống thuộc linh. Anh em đó cần có một người “làm cho nó trở lại.” Để làm được điều này chúng ta cần phải có tình yêu để “che đậy vô số tội lỗi” (câu 20). “Che đậy vô số tội lỗi” không phải là bỏ qua tội lỗi, nhưng là “cứu linh hồn người khỏi sự chết,” nghĩa là giúp người đó nhận biết tội và “bỏ đường lầm lạc.” Và khi một người đã ăn năn thì cần được tha thứ hoàn toàn, nghĩa là không nhớ tội nữa hay là tội lỗi đã được che đậy lại bằng tình yêu và sự tha thứ.
Để có thể trở nên một người được Chúa dùng đáp ứng những nhu cầu thuộc thể và thuộc linh của người khác, trước hết chúng ta phải là người có một mối quan hệ đúng đắn với Chúa. Không phải vô lý khi ông Gia-cơ mở đầu phần giúp người khác bằng việc khuyên bản thân các tín hữu phải có một thái độ đúng đắn cả khi “chịu khổ” hay “vui mừng” (câu 13). Việc cầu nguyện khi đau khổ hay ca tụng khi vui mừng tưởng chừng rất khác nhau nhưng lại có nhiều điểm chung. Đó là cả hai đều hướng về Chúa trong mọi sự, nhận biết sự tể trị của Chúa, và đặt đức tin nơi Chúa trong mọi hoàn cảnh. Hãy hết lòng gây dựng đời sống thuộc linh của cá nhân để đến thời điểm thích hợp, Đức Chúa Trời có quyền dùng chúng ta đem sự chữa lành và an ủi đến những anh chị em đang đau khổ.
Lạy Chúa, xin cho con nhận biết trách nhiệm đối với những anh chị em trong Hội Thánh và nhìn biết mối liên hệ chặt chẽ giữa những chi thể trong Thân Thể của Ngài.
(c) 2024 svtk.net