“Song Xa-chê đứng trước mặt Chúa, thưa rằng: Lạy Chúa, này, tôi lấy nửa gia tài mình mà cho kẻ nghèo,và nếu có làm thiệt hại ai, bất kỳ việc gì, tôi sẽ đền gấp tư” (câu 8).
Câu hỏi suy ngẫm: Ông Xa-chê là người như thế nào? Ông muốn tìm kiếm điều gì? Sau khi gặp Chúa Giê-xu, ông Xa-chê bày tỏ thái độ và hành động ra sao? Vì sao ông lại muốn bồi thường nhiều như vậy? Bạn có sẵn sàng bồi thường cho người khác nếu có làm thiệt hại ai không?
Khi Chúa Giê-xu vào thành Giê-ri-cô, một thành phố lớn và giàu có, thì có nhiều người đi theo Ngài. Trong số những người tò mò muốn biết về Chúa Giê-xu có ông Xa-chê là một người thấp lùn nhưng “làm đầu bọn thu thuế và giàu có” (câu 2). Thời bấy giờ, người Do Thái khinh miệt những người làm nghề thu thuế và kể họ là người có tội do họ tham lam, lường gạt, và bóc lột dân chúng. Vì thế, việc ông Xa-chê chen vào trong đám đông để tìm gặp Chúa là một hành động hết sức can đảm. Có lẽ ông cũng đã bị đám đông chèn ép và coi khinh nhưng ông không bỏ cuộc. Bởi tấm lòng khao khát muốn gặp Chúa mà ông không ngại trèo lên cây sung để thấy Chúa (câu 4).
Chúa Giê-xu đã nhìn thấy tấm lòng của ông Xa-chê nên Ngài gọi ông xuống và đã chủ động cho ông biết Ngài sẽ đến nhà ông (câu 6). Điều này bày tỏ rõ mục đích Chúa đến trần gian là để “tìm và cứu người có tội” (câu 10).
Nỗi khao khát của ông Xa-chê không những đã được đáp ứng là tìm gặp Chúa mà những gì đang xảy ra còn vượt lên trên mong đợi của ông. Không kiềm chế được niềm sung sướng vui mừng của mình, ông Xa-chê đã mạnh dạn đứng trước mặt Chúa tuyên bố rằng ông sẽ lấy nửa gia tài mình phân phát cho người nghèo và sẽ sẵn sàng đền bù gấp bốn lần cho những ai ông làm thiệt hại (câu 8). Đây là một hành động bày tỏ đức tin chân thật và tinh thần trách nhiệm rất cao. Khi một người thật sự gặp Chúa, mời Chúa làm chủ đời sống mình thì trước hết phải ăn năn tội và sẵn sàng sửa lại những sai phạm của mình. Ông Xa-chê đã nhận ra điều sai trái mình đã làm trong việc thu thuế bất công nên ông lập tức muốn chuộc lỗi. Ông đã làm theo luật pháp Môi-se (Xuất Ê-díp-tô Ký 22:1). Đó cũng là tấm lòng chân thành của một người thật sự được đổi mới, một người không tránh né trách nhiệm mà sẵn sàng làm trọn trách nhiệm bồi thường của mình.
Bạn có từng làm thiệt ai chưa? Bạn có sẵn sàng bồi thường cho người đó không? Là người đã gặp Chúa Giê-xu, đời sống được biến đổi thì chúng ta không nên tránh né trách nhiệm bồi thường cho những thiệt hại chúng ta gây ra.
Lạy Chúa, xin giúp con nhận ra lỗi lầm của mình và sẵn sàng làm trọn trách nhiệm bồi thường đối với người khác.
(c) 2024 svtk.net